Chương 7 (J)

Khi ĐHC đến khâu thêu, giả vờ đi vào lấy đồ, Sóc Nhám đi ra nói khẽ “lát nữa đứng ngay cửa lớn, chặn không cho đám chiếu cố bên ngoài ào vào và đám bên trong chạy ra”. Sơn Cẩu cũng vừa đến, hẳn là y cũng có nhiệm vụ đánh chặn, cái đầu của Mười Hổ sắp xếp thật chu đáo.
Diễn biến xảy ra thật nhanh, Sóc Nhám tiến thẳng đến Điền Lâu Đài, tên đệ tử còn sót lại của Lâm Dơi đâu có ngờ tới, đang rung đùi nghe nhạc…
-“rầm” – Sóc Nhám cầm luôn con ngựa thêu quật Điền Lâu Đài một phát nghe chấn động cả khâu, thằng này gục ngay tại chỗ. Đúng như hiệu lệnh, cả đám tù lao vào nhau quần thảo bằng đủ mọi vũ khí có được, nhưng chủ yếu vẫn là ngựa thêu và kéo cắt chỉ.
Quá bất ngờ nên tay QG trực khâu vùng bỏ chạy, đám chiếu cố cũng bỏ chạy tán loạn, mấy thằng cả gan chạy vào tính lập công ngay lậo tức bị đánh gục. ĐHC và Sơn Cẩu liên thủ, cố gắng chặn không cho đám tù tràn ra ngoài. Bên trong Sóc Nhám cũng bị dính một ván ngựa, bật văng qua bàn thêu, nằm vắt vẻo. Bọn Chiến Lỳ, Sơn Chém bị đánh tơi tả… Hoàng Nhóc chui tuốt xuống gầm máy may, Minh Nẫu bị Lân Sói, Thành “mắt ma” và Dương “mổ” dồn vào góc tường không cụ cựa gì được, xin đầu hàng, Tý Ngọng phóng ra tính thoát thân bị Sơn Cẩu quất một ván ngựa nằm chỏng gọng. Cuộc chiến diễn ra trong nhấp nháy, cả khâu thêu bỗng chốc tan hoang cả, thắng lợi hoàn toàn thuộc về phe Lân Sói, đám tù bị đánh ngã nằm la liệt… Đến lúc này thì hàng trăm CS cơ động đã tràn vào dày đặc, bao vây vòng trong vòng ngoài. Hai quả lựu đạn cay được quăng vào quật ngã nốt những người tù còn đứng vững.
Cuộc lật đổ trong khâu thêu, đầu não của đám tù kết thúc thật ngoạn mục nhưng thê thảm, hầu như tất cả đều bị kỷ luật biệt giam 15 ngày. Vài thằng phải đi đập đá, hai giò bị cùm, còng tay, ngồi ngay giữa sân, có một cái búa nhỏ bằng ngón tay út và một cục đá thật to, phải đập cho cục đá xanh tròn vo lại. Mưa cũng như nắng, phải suốt ngày ngồi đập như vậy hàng tháng trời. Tuy nhiên không ai bị nặng hơn vì đánh bằng ngựa thêu tuy bầm dập nhưng lại không chết người,.. Còn tay QG trực khâu thêu do bỏ chạy nên bị lột lon, cách chức, đưa đi gác chuồng cu ngoài đồng.
 
Mỗi buổi sáng khoảng vài chục người được ra ngoài làm cho Trưởng trại, cái này gọi là “mượn quân”, một sự tận dụng sức tù miễn phí. Đúng ra theo điều luật thì mượn quân như vậy là phải trả tiền cho trại, nhưng điều này hiếm khi có, tất cả đều phải “nương nhau mà sống” chứ? Vì thế đám ra ngoài phải mặc đồ như thường dân, không mặc bộ đồ “Julveltut” như lúc ở trong để không ai biết đó là tù. Nhờ thế cán bộ được người làm không công, tù thì ra ngoài ăn uống khá hơn chút ít nhưng cái chính là  nếu ăn cánh với tay vũ trang dẫn giải là có thể mua hàng mang vào bán lại kiếm lời. Công việc thì đủ thứ như làm vườn, xây nhà, nuôi heo, tát hầm cá… Có lần hầm nuôi cá sấu bị sổng mấy con, chúng lọt ra ngoài xuống mấy ao cá, lần đó tù phải dàn hàng ngang lội xuống ao để bắt, may không có ai bị sấu cắn, có lẽ cá sấu nó cũng sợ tù y như người bên ngoài vậy?
Theo luật thì cấm phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV nên họ được sống chung trong phòng, khi họ bắt đầu phát, người gầy rộc đi, sọ thì như trái dừa khô, xương sườn đếm được từng cái, hai chân khẳng khiu nhìn thấy cả xương bánh chè… họ đi tới đi lui trong phòng nhìn cứ như những bộ xương di động. Có một người tên T, còn rất trẻ, sau khi bị phát SIDA thì chuyển xuống trạm xá, thỉnh thoảng anh ta lại lên phòng chơi “ở dưới đó buồn quá, em nhớ mọi người nên lén lên đây” – “càng ngày nom chú càng giống bộ xương quá” – “em ráng ăn nhiều lắm, uống cả sữa, bác sĩ còn truyền nước biển cho em nữa…”. T cười rất hiền lành, những ngày cuối cùng của những người biết mình sắp chết hầu như đều như thế cả, dường như lúc đó con người mới trở về với cái bản ngã chân thật của mình, không còn tham, sân, si nữa… vì có lẽ đối với họ mọi thứ vật chất đã trở nên vô nghĩa.
Một buổi tối, bỗng tay “Tổng đại diện” mở cửa dẫn ĐHC đi xuống khu trạm xá, có thêm vài ba người nữa, trời đêm hôm ấy sao lạnh lẽo, có tiếng chim heo kêu thảng thốt… trong phòng Mười Hổ nằm đó, người gầy rộc và mái tóc bạc phơ, nhưng đôi mắt của ông ta vẫn thế, vẫn cố gắng tỏa sáng đến giây phút cuối cùng. Ở đời nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy, “Báu vật phi thường” có lẽ là một khắc tinh của đám tà sư, đâu phải ngẫu nhiên mà đám thầy bà bên Miên nghe hơi là chạy xa. Mười Hổ chủ quan và quá tự tin, bây giờ đã đến lúc phải trả giá. Ông ta cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, nhưng bên trong gân cốt đã mục ruỗng, máu huyết đã đến hồi cạn kiệt. Có lẽ ông ta biết mình khó lòng qua được đêm nay, nhưng vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh, “con hổ tuy sắp chết nhưng vẫn là con hổ”.
Ông không nhìn ai cả, ánh mắt của ông đã nhìn vào hư vô “… hãy cố gắng…”, một tiếng nói khẽ không biết là do ông nói hay từ đâu vọng lại – Dường như ông ta đã quên hết quá khứ và hiện tại? – Ông còn muốn nói gì đó nữa, môi khẽ mấp máy nhưng không còn nghe rõ…
Đêm thật là im lìm, không gian như chìm xuống, Mười Hổ nằm trong lặng lẽ và cô đơn, ông ta đã trả xong nghiệp của kiếp này…
Tết đã đến rồi… Tết đến với người tù thì buồn nhiều hơn vui, nhất là những người có gia đình vợ con. Trong trại cũng tổ chức ca nhạc, nhảy đầm, chơi thể thao, nam nữ có dịp nói chuyện với nhau thoải mái.
Nhảy đẹp nhất phải nói là “Thảo Bay” và “Phượng Sầu”, cô Phượng này là con nhà giàu, thuộc đẳng cấp thượng lưu hẳn hòi, vì dính vào ma túy nên mới ra nông nỗi. Cô ta nhún nhảy thật duyên dáng, hát nhiều bài như “Forget me not”, “Unchained melody”, “Woman in love”… bằng một chất giọng cao vút:
“…I am a woman in love
and I'd do anything
to get you into my world,
and hold you within.
It's a right I defend
over and over again.
What do I do?...”
……………………….
 
Trước hôm tết mấy ngày, ĐHC ra bên ngoài bất ngờ gặp Sơn Cẩu, y đứng một mình, mặc cái áo sơ mi phẳng phiu, cái quần bốn túi nom rất oách.
- “đến ngày đẻ rồi hả?”- Sơn Cẩu gật đầu, y bắt tay ĐHC thật chặt. Sơn Cẩu bây giờ không còn mặt trắng môi đỏ như ngày nào, thay vào đó là một gương mặt sạm vì nắng gió, khá nhiều lằn ranh đã xuất hiện, đôi mắt của y đã trở thành “mắt Đại Bàng” thật sự. Y không còn cần đến bầy đàn nữa -  Sơn Cẩu đã biến thành Sơn Hổ - đã có thể chiến đấu một mình – Mười Hổ cuối cùng cũng đã có người kế thừa.
Sơn Hổ đi từng bước vững chắc ra khỏi trại, không điều gì trên đời này có thể cản trở y được nữa…
Một Con Hổ đã trở về.
…………………..
Qua tết thì công việc lại bắt đầu như cũ, mấy ngày ở không làm những người tù đâm ra lười biếng, cả đám làm việc ì ạch, trời tối sẫm rồi mà vẫn còn hơn nửa cánh đồng chưa cắt hết. Đám vũ trang gác chuồng cu yêu cầu tay QG phải rút quân về để đảm bảo an toàn. Nói chung mấy tay QG chẳng cần quan tâm đến già trẻ, lớn bé, tội nặng, tội nhẹ… Họ dùng người như dùng cục gạch, được thì xài, không được thì vất bỏ, đập bỏ… Khi về đến trại, tay QG ra nói gì đó với Trực trại, tay này mặt giận hầm hầm, chỉ mặt đội trưởng chửi “cho chúng mày ăn no rồi chúng mày làm như thế hả… cho mỗi thằng ăn ba cây cừ tràm thử xem mai chúng mày còn dám câu giờ nữa không?”
Tay trực trại này mới về quê ăn tết, khi vào y vừa mới xuống bến xe, còn đang mệt mỏi, chưa kịp hoàn hồn thì bị ba bốn thằng ở đâu tấn công tới tấp. Mấy thằng này chắc trước ở trong này, bị đì nên còn ấm ức, tình cờ thấy y liền xúm lại đánh hội đồng, làm tay trực trại hôm đó bầm mắt, phù mỏ mà không kịp nhận ra thằng nào. Hôm nay sẵn dịp này xử cho bõ tức, y cười gằn, cầm lấy cây cừ tràm to bằng cổ chân lên đưa cho ĐHC - Khi ĐHC cầm lấy cây tràm thì đột nhiên hiểu một điều… Y đã được chọn, Lâm Dơi đã “xong” rồi, Mười Hổ đã “đi” rồi, Sơn Cẩu đã “về” rồi và y đâu có ngờ đến một lúc nào đó lại phải làm cái việc này? - Y chợt nhớ “Mặc Thế Nhân” đã từng nói “Đây là nơi tận cùng của thế giới, ở chốn này nếu không bị người đánh thì đến một lúc nào đó cũng bị phải đánh người…”. Khi đánh đến người tù cuối cùng cũng là lúc cây cừ tràm to bằng cổ chân gãy rời, ĐHC cảm thấy rất mỏi mệt, xem ra đánh người đâu phải là chuyện dễ… Tay trực trại chẳng thèm nói gì, cũng chẳng thèm nhìn đến đám tù thất thểu và bầm dập đang lũ lượt đi vào…
ĐHC ngày càng cảm thấy dường như đã dần biến thành con người khác, y càng trở nên giống Lâm Dơi trong từng cử chỉ, cặp mắt của y lại càng giống như cặp mắt đại ca “Sói Điên” ngày nào, một thứ mắt sói lạnh lẽo và tàn bạo – bây giờ thì y đã hiểu thế nào là “điên trong lúc tỉnh” và “tỉnh trong lúc ngủ”…
Một hôm ĐHC ghé vào khu…, trong phòng giờ này chỉ còn một người trực sinh già chừng hơn sáu mươi tuổi, người này được anh em trong tù rất kính trọng, đặt là Mặc Thế Nhân.
Mặc Thế Nhân là người có chính kiến và tôn giáo riêng, vì thế khi ông ta tập họp đệ tử đông đảo thì bị bắt và kết vào tội “tụ tập gây rối trật tự công cộng”, có một cái án “dây thun”. Ở trong này ông ta sống rất điềm tĩnh và bình thản, chưa bao giờ làm phật lòng ai.
Mặc Thế Nhân mời uống chung trà, cả hai cùng “trầm” một lúc, ĐHC phá tan cái không khí yên lặng “ở trong này ông có nhớ nhà không?” – “tôi đâu còn gia đình mà nhớ, hơn nữa nhớ mà làm gì? trong này có khác gì ngoài đời, nơi đây là một nhà tù nhỏ, bên ngoài là một nhà tù lớn, hơn nữa mỗi con người chúng ta đều tự giam mình trong cái “nhà tù” của chính chúng ta. Tự do là điều mà mọi người luôn tự huyễn hoặc mình, tự ru ngủ mình bằng những cái gọi là thành công này nọ, tài sản, thừa kế, danh vọng, sự ca tụng, sự đố kỵ, ganh ghét… khi nào ta chết đi mới thật sự tự do, đó là sự giải thoát” – “tôi cảm thấy sao nặng nề quá, dường như không còn là chính mình nữa…ông có pháp thuật gì có thể giúp không?”.
Mặc Thế Nhân không nói gì, mãi sau ông ta mới thở dài “Cái mà con người mơ ước là một cuộc sống mạnh khỏe, tự do và hạnh phúc, một tâm hồn thanh thản và yêu đời… Có thứ tiền bạc của cải, danh vọng địa vị nào làm được điều đó sao? có thứ pháp thuật nào làm được điều đó sao?...” Ông suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp “Cuối cùng của một con đường biết đâu lại là sự khởi đầu cho một con đường mới… Tôi biết một bài kinh rất ngắn, chỉ có 260 từ, trong đó bao hàm tất cả triết lý về cuộc sống, về vũ trụ, nếu tụng hằng đêm và suy nghĩ về nó có thể giúp chú tự “giải thoát” khỏi những mặc cảm, những sân si đời thường – Ở trong này cấm truyền bá tôn giáo nên tôi sẽ không chép ra mà đọc từ từ để chú học thuộc, nhớ là phải giữ kín, nếu lộ thì cả hai sẽ bị đi kỷ luật ngay”.
Từ hôm đó, khi nào rảnh ĐHC thường ghé qua khu của Mặc Thế Nhân, ông ta chậm rãi đọc từ từ bài kinh, giảng giải cặn kẽ. Bài kinh này Mặc Thế Nhân gọi là “Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh” , lần đầu tiên trong cuộc đời ĐHC bắt đầu học một bài kinh Phật “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách…”.
-“hành tâm hay là hành thâm vậy ông?” – “hành thâm, Thâm ở đây là thâm sâu, là siêu việt…”
- Quán Tự Tại Bồ Tát là ai vậy?
- Đó không phải là một người, mà là Tự tánh của tất cả mọi người, là tự bản thân chúng ta…
- Bài kinh này thật ngắn gọn súc tích, và cũng thật khó hiểu.
- Nhưng khi hiểu được rồi thì thấy nó thật là hay, hay hơn tất cả những gì mà tôi đã từng được biết.