gày xưa tại Trung Quốc có bảy nhân vật nổi tiếng gọi là Trúc Lâm Thất Hiền. Một trong bảy vị đó là Lưu Linh, một tay uống rượu vào loại sư tổ. Ngài đã uống thì không bao giờ uống ít. Mỗi lần nhậu, ngài nốc sơ sơ 9 đấu rượu tương đương 20 lít. Ngài có thói quen, khi đi nhậu thường dắt một đệ tử đi theo. Hỏi để làm gì thì đáp: -Ðể khi nào ta quá chén, có đứt bóng thì đào lỗ chôn luôn. Chịu chơi đến thế, thiên hạ không gọi là hiền nhân cũng uổng. Sở dĩ kẻ hậu bối ca ngợi cái tinh thần chịu chơi của sư phụ vì đám đệ tử của ngài ngày nay chịu uống rượu mà không chịu chơi. Họ coi bữa nhậu hơn cả nhân cách của mình. Trong đám giang hồ quái khách hiện nay xuất hiện một tay gài độ có cỡ mà bất cứ ai nghe cũng chắp tay vái, gọi bằng thầy. Thầy là người tự trọng, không thèm nhậu với đám nghèo. Ngày ngày, thầy lượn qua các quán nhậu, thấy bàn nào có khách xịn mới sà đến bắt chuyện. Rượu được vài tuần, thấy bia đã cạn, mồi cũng hết, không khí không được vui, ngài bèn vỗ lên túi xách: -Tớ mới thắng xập xám hơn triệu bạc, cứ nhậu thoải mái. Thầy mở túi xách, khoe cọc bạc xanh lè rồi búng ngón tay gọi một thùng bia, kèm một đĩa gà xé phay. Thầy nói: -Nhậu nhẹt như các chú chán chết. Uống thì phải uống tới chỉ mới đã. Rồi vô lia lịa, thuốc lá đốt phì phèo. Vừa lúc, có một tốp ba ông bạn lững thững vào quán, thầy búng tay gọi luôn: -Có chơi bia lon không? Lại đây. Ba vị khách nghe lời mời thì cả mừng, bèn nhào tới. Bia nổ lốp bốp. Hồi lâu tiệc sắp tàn, thầy bèn đứng dậy vào toa-let. Lúc trở ra, thầy lấy khăn nóng lau mặt rồi bảo: -Gọi tính tiền! Tưởng thầy móc tiền trả, té ra thầy nói: -Các cậu thanh toán hóa đơn này đi. Rồi tới lượt anh. Mình làm tăng hai. Thầy móc túi ra một cọc bạc, dõng dạc tuyên bố: -Nhậu hết triệu bạc này mới được về. Anh em ai cũng say cả rồi nhưng vừa mới bị thầy gạt, tức lắm. Một người trong đám nổi máu, rút trong túi ra 100 đô la ném xuống bàn tố luôn: -Chắc hôn? Anh có dám chơi, tôi chơi luôn. Tui 100 đô, anh một triệu đồng Việt Nam. Chơi hết luôn. Thầy cười ha hả: -Khá lắm, chú em chơi được, chơi luôn. Nhưng khi bạn bè gọi tiếp viên dọn bàn để “tăng hai” thì thầy ngăn lại: -Tiền thì nhiều mà quán thì nhỏ. Chúng ta xuống Ngự Uyển uống bia lon, nhậu có chỗ gác tay mới đã. Cả bọn hăm hở lên xe, rồ ga phóng đi. Thầy cũng lên xe trực chỉ. Ðến nơi, mọi người vào quán yên vị hồi lâu nhưng đợi hoài không thấy thầy đến. Bạn bè tức quá kéo đến nhà thầy, vợ thầy bảo: -Ổng đang ngủ. ° Tôi đem bài báo này đến nộp cho tòa soạn, sẵn lãnh cái nhuận bút 100 ngàn đồng của số báo trước. Người phụ trách trang, liếc nhanh qua bài báo, gật gù nói: -Tuyệt quá, ta phải ăn mừng bài báo này. Rồi anh kéo tôi vào một nhà hàng xinh xắn gần tòa soạn. Anh là người hào phóng, kêu bia lon và thuốc con mèo đãi tôi. Anh em uống với nhau một hồi tốn hết 65.000 đồng. Khi anh trả tiền tôi bỗng nhớ tới nhuận bút. -Chết cha! Ðể tôi vào tòa soạn nhận nhuận bút kẻo trễ giờ. -Khỏi lãnh! Mình đã lãnh giúp cậu rồi. Một trăm ngàn đồng, vừa trả hết 65.000 đồng tiền bia, còn 35.000 đồng của cậu đây. Rồi anh ta nhét xấp bạc lép kẹp vào túi tôi. Ðêm đó, tôi ngủ không được. Không phải tôi tiếc 65.000 đồng bị gài độ mà tiếc đã nộp bài báo quá sớm. Nếu không, tôi đã có một đoạn kết hay hơn nhiều.