Cha Thanh hy sinh năm Thanh mới lên ba. Mẹ Thanh - lúc ấy đang công tác tại một trạm quân y, nhất định ở vậy nuôi con, từ chối mọi lời dạm hỏi, cầu thân của nhiều người. Sau giải phóng, mẹ con Thanh về thành, mẹ chuyển sang công tác ở một cơ quan đoàn thể. Những năm ấy cuộc sống vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Với đồng lương ít ỏi, mẹ con Thanh sống hết sức đạm bạc. Như để bù lại cho Thanh, mẹ hết mực yêu thương, chìu chuộng Thanh, cố gắng lấp đầy cái cảm giác thiếu thốn, trống vắng hình ảnh người cha trong lòng Thanh. Và lâu lâu, những người bạn chiến đấu cũ của ba mẹ Thanh lại ghé thăm. Các cô chú ấy ai cũng yêu thương Thanh. Trong mấy ngày ngắn ngủi lưu lại nhà Thanh, họ đã đưa Thanh đi chơi khắp nơi, mua sắm cho Thanh khi thì bộ quần áo, khi cái cặp sách, khi đôi dép da nho nhỏ xinh xinh… Trong số các cô chú ấy, Thanh quí nhất là chú Thông.Chú Thông còn trẻ lắm, có đôi mắt đen láy và cái miệng hay cười rất tươi. Chú có dáng đi hơi khập khểnh do một vết thương ở chân trái. Mẹ Thanh nói chú và ba thân nhau như anh em ruột thịt. Chú kể quê chú xa lắm, ở tận miền Bắc, một làng quê thanh bình có cây đa cổ thụ che bóng rợp cả một khoảng đường, có mái đình vang vang tiếng trống chèo vào mùa lễ hội. Những câu chuyện cổ tích mà Thanh đã đọc muốn thuộc lòng, thế mà qua cách kể của chú Thông, vụt trở nên mới mẽ, hấp dẫn lạ thường. Có lúc cao hứng chú còn đọc cho Thanh nghe những bài thơ chú tự sáng tác. Nửa tháng ở nhà Thanh, chú còn cặm cụi trèo lên mái nhà sửa lại những chỗ bị dột, đóng cho Thanh cái bàn học xinh xắn, cắt những hình ngộ nghĩnh bằng giấy màu dán lên tường. Có chú, căn nhà vui hẳn lên. Thế rồi, cũng đến ngày chú về quê. Thanh khóc hết nước mắt, mẹ phải dỗ dành mãi, Thanh mới nguôi ngoai.Chú Thông đi rồi, sau một thời gian hụt hẫng, cuộc sống của mẹ con Thanh lại êm đềm trôi qua. Cho đến một ngày, trên báo Phụ Nữ xuất hiện một truyện ngắn để tên và địa chỉ của mẹ… Rồi sau đó, trên một số báo khác thỉnh thoảng lại có bài mang tên mẹ. Mỗi lúc nhận giấy báo nhuận bút, mẹ con Thanh vừa ngạc nhiên, vừa hồi hộp, cứ thi nhau đoán xem ai là tác giả của những bài báo ấy. Thanh nhất định cho là chú Thông, mẹ bảo: -Chú Thông ở xa lắm, với lại lâu rồi chú đâu có liên lạc với mẹ con mình.Mẹ con Thanh bàn nhau viết thư cho toà soạn để hỏi thăm, giải thích rằng có sự lầm lẫn nhưng không được hồi âm. Và thế là cứ tháng tháng, mẹ lại ra bưu điện nhận nhuận bút vài lần. Mẹ mua một con heo đất lớn, mỗi lúc nhuận bút về, mẹ lại bỏ những tờ bạc vào bùng binh trước con mắt ngạc nhiên của Thanh. Mẹ bảo: - Mẹ con mình lâu nay đã túng thiếu quen rồi, thêm ít tiền chưa chắc đã sướng hơn mà lương tâm mình không thanh thản, biết đây là tiền mồ hôi công sức của ai. Mình cứ cất vào đây, có ai cần hơn thì mình giúp.Sáu năm trôi qua, cuộc sống đã có bao thay đổi. Mẹ Thanh đã giữ cương vị trưởng phòng thương binh - xã hội, Thanh đã lên cấp III v2 là học sinh lớp chuyên văn. Niềm say mê văn học ngày nào chú Thông truyền cho cô đã bắt đầu đơm hoa kết trái: Thanh đã đoạt giải ba môn văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thỉnh thoảng, Thanh lại gửi những bài thơ, những truyện ngắn của mình cho các toà soạn báo. Và khi nhận nhuận bút, Thanh lại trích một phần bỏ vào con heo đất. Những lúc ấy Thanh nhớ chú Thông lắm. Thanh tự hỏi không biết chú có trở thành một thầy giáo dạy van thật giỏi như chú hằng mơ ước không?Thế rồi, một buổi trưa, một người bạn của mẹ Thanh đến nhà báo tin chú Thông đang nằm cấp cứu ở bệnh viện trung tâm. Mẹ con Thanh bàng hoàng, vội vã vào bệnh viện ngay. Chú Thông đang nằm trong phòng mổ, bên ngoài là vợ chú - một phụ nữ dân tộc có gương mặt dịu hiền và dáng người mảnh dẻ, nước da xanh xao. Trên tay cô là một đứa bé chừng hai tuổi, có đôi mắt đen lay láy giống chú. Hỏi chuyện vợ chú, mẹ con Thanh mới biết: trong mấy năm qua, chú Thông lưu lạc lên tận một tỉnh miền núi, làm văn hoá - thông tin. Hai năm nay, do mất sức vì vết thương cũ, chú nghỉ việc ở nhà chăm nom vườn tược.Trước lúc vào viện sáng hôm sau, mẹ Thanh nhắc con heo đất trên kệ xuống, lau chùi thật sạch…rồi gói nó vào một vuông vải rất đẹp, bỏ vào giỏ sách. Sau hơn một ngày hôn mê, chú Thông vừa mới tỉnh dậy. Mẹ Thanh mở giỏ sách lấy con heo đất bọc trong vuông vải ra và nói:Những năm mẹ con tôi sống rất chật vật khó khăn, tháng tháng có một người tốt bụng đã lặng lẽ giúp đỡ bằng cách gởi đăng những bài báo lấy tên tôi. Mẹ con tôi đã cố sức tìm hiểu nhưng không thể biết được tung tích người đó. Mẹ con tôi đoán chắc người đó là một đồng đội của ba cháu Thanh. Thú thật, những đồng tiền đó mẹ con tôi không dám xài đến. Nhưng nhờ có nó, tôi đã có thêm nghị lực, thêm niềm tin để phấn đấu…. Bây giờ chị gửi cho em cái bùng binh này, trong đó là toàn bộ số tiền nhuận bút những bài bào đề tên chị mấy năm qua, có cả nhuận bút của con Thanh nữa đấy. Nó đang tập tành viết văn, làm thơ bắt chước chú Thông nó…Sợ chú Thông không đồng ý, Thanh vội năn nỉ:-Chú đừng từ chối nha…Thật bất ngờ, từ đôi mắt chú Thông một dòng nước mắt từ từ ứa ra….Cho đến một ngày xuất viện về lại quê hương, mẹ con Thanh và chú Thông không hề đả động gì đến những bài báo ấy. Thanh mua một con heo đất mới, bắt đầu nuôi nó bằng tiền nhuận bút của mình. Một hôm, có người khách đến từ Đaklak mang cho Thanh một gói quà của chú Thông…Thanh và mẹ hồi hộp mở ra….ồ….vuông vải quen thuộc bọc lấy con heo đất ngày nọ…Dưới đáy hộp là một cuốn sổ nhỏ và bức thư của chú Thông. Thư có đoạn:“Từ lúc gặp lại chị và cháu Thanh, nhận con heo đất nghĩa tình của chị và cháu, em suy nghĩ rất nhiều. Em nghĩ tới những ước mơ ngày xưa của mình mà bao lâu nay cơm áo gạo tiền đã che lấp đi…vậy mà bé Thanh vẫn nhớ…Em bắt đầu cầm bút, bắt đầu tập tành theo bé Thanh làm thơ, viết văn…Trong con heo đất này là tiền nhuận bút của chính em đấy. Em gửi cho chị và bé Thanh để hai mẹ con tiếp tục giúp đỡ người khác. Coi như em gửi lòng cảm ơn nghĩa tình của chị và cháu và của người nào đó đã âm thầm giúp chị ngày xưa - mà chị và bé Thanh cứ ngỡ là em…”