ia Cát Lượng phụ tá Lưu Thiện điều hành nước Thục, chính sách chủ yếu là thúc đẩy nông nghiệp mọi mặt, đóng cửa bồi dưỡng sức dân. Đối mặt với tình hình trì trệ lâu dài ở Thục Trung, đặc quyền hoành hành, công quyền không được tôn trọng, Gia Cát Lượng lấy nghiêm khắc hình pháp ức chế quan liêu, cường hào, lấy tăng cường quyền lực để bảo hộ cho trăm họ yếu đuối. 1. Khuyến khích nông nghiệp mọi mặt, đóng cửa bồi dưỡng sức dân. Việc cai quản ở đời loạn, chẳng thể tránh khỏi quan tâm khuếch trương thế lực, với khẩu hiệu vì dân vì nước, song mối quan tâm thực sự đến đời sống dân tình thường không nhiều. Ở cuối đời Hán, quần hùng cát cứ, hiểu được sinh hoạt của nhân dân, biết rõ những nỗi thống khổ của họ, đại khái chỉ có Tào Tháo và Lưu Bị. “Luận anh hùng trong thiên hạ duy chỉ có Sứ quân và Tháo”. Tin rằng đấy là ý nghĩ chân thực của Tào Tháo vậy. Đất Giang Nam vẫn là nơi giàu có, chính quyền Tôn Quyền có được địa lợi nhân hoà, trong khi đó dân sinh chẳng phải là vấn đề quan trọng. Trung Nguyên nhiều năm chiến loạn, đời sống dân lành khổ cực không chịu nổi, Tào Tháo có thể thuận lợi đánh bại được thế lực của Viên Thiệu gấp mình mười lần, do hiểu được nhân tâm, đã giành được sự giúp đỡ của nhân dân, đấy cũng là nguyên nhân chủ yếu. Vùng Tây Thục cố nhiên xa cách Trung Nguyên loạn lạc song trước đó bởi cha con Lưu Yên chỉ biết tăng cường thuế má, phóng túng cho cường hào quan lại đè ép dân lành, sản xuất bị phá hoại, đời sống dân lành rất khốn khổ. Lưu Bị có thể thuận lợi đoạt lấy Ích Châu, nguyên nhân chủ yếu cũng ở đấy, là bởi những nhân sĩ, có chí hướng, muốn có được minh chủ điều hành. Bởi thế, Gia Cát Lượng khi nắm công việc điều hành chính trị ở Ích Châu đối với vấn đề này đặc biệt quan tâm. Để phục hưng đặt nền móng, việc quan trọng nhất là tăng cường quốc lực, mới không làm gián đoạn nhu cầu quân sự ở tiền tuyến của Lưu Bị. Song Gia Cát Lượng cũng hiểu rất rõ, chỉ dựa vào việc thu thuế chẳng thể làm cho quốc gia giàu mạnh, nước giầu thì dân phải giầu trước, dựa vào sự giàu có của dân là điều tất yếu. Trung Quốc cổ đại lấy nghề nông làm chính, bởi thế muốn tích cực cải cách quốc kế dân sinh ở Ích Châu ắt phải lợi dụng được những điều kiện tự nhiên ưu tú, lấy chính sách thúc đẩy nông nghiệp mọi mặt để có nhiều của cải. Nhân dân có tiền, chính phủ mới có nguồn thuế khoá, cách làm giống như thời cha con Lưu Yên, chẳng qua không giết gà lấy trứng mà thôi. Muốn quán triệt chính sách, đối với nông dân đang ở thế yếu ắt phải bảo hộ hữu hiệu cho họ. Gia Cát Lượng xác định kế sách, chú trọng khuyến nông, không xâm chiếm thời vụ, chú trọng giảm thuế, không vơ vét hết của cải trong dân, hạ lệnh chính quyền các cấp, quan tâm thật sự đến nông dân, chẳng thể hô khẩu hiệu suông mà thôi. Ông yêu cầu các quan chức hành chính Thục Hán, khi sắp xếp quân sĩ và trưng dụng phu phen tạp dịch, tuyệt không chiếm dụng thời gian gieo trồng và gặt hái của nông dân, giảm nhẹ thuế má, ức chế cường hào bức hiếp nông dân, bảo hộ được cho nông dân có không gian sinh tồn và sinh hoạt ổn định. Tam quốc chí có chép, Gia Cát Lượng phụ tá Lưu Thiện điều hành nước Thục, chính sách chủ yếu là khuyến khích nông nghiệp mọi mặt, bồi dưỡng sức dân, giữ gìn hoà bình lâu dài để nhân dân có cơ hội nghỉ ngơi. Ví như có chiến tranh nổ ra cũng phải lợi được lúc thời vụ không bận rộn, khuyến nông cho quân nghỉ ngơi, chia quân làm đồn điền, thực hành chế độ binh nông hợp nhất để giảm nhẹ gánh vác của nông dân. Cũng giống như Tào Tháo, Gia Cát Lượng rất xem trọng chính sách đồn điền. Hơn nữa ở vùng Hán Trung gần tiền tuyến, lại phải có những cơ sở đồn điền chủ yếu, đồn điền không những là nơi đóng quân khi có chiến tranh, làm tốt quan hệ quân dân, lại có thể giải quyết vấn đề lương thực. Lã Nghĩa sau khi kế tục Ngụy Diên làm Thái thú Hán Trung, lại có kế hoạch chiêu mộ dân du cư ở đấy làm đồn điền, chẳng những giải quyết không ít vấn đề xã hội, lại làm cho sức sản xuất quốc gia tăng rất nhiều. Tam quốc chí có chép, khi Lã Nghĩa làm Thái thú ở Hán Trung kiêm nhiệm đôn đốc nông nghiệp, tăng cường quân lương, lập được không ít công lao. 2. Bồi dưỡng sức dân đủ mọi bề: Thủy lợi, dệt gấm và khai mỏ. Ở bình nguyên Thành Đô xưa kia, được Lý Bằng cố gắng sửa sang đã hoàn thành công trình lớn nổi tiếng nghìn năm, đó là kênh Đô Giang. Chẳng những là màng lưới thủy lợi tưới tiêu rất lớn lúc đó, cũng là mạch máu sinh hoạt của nông dân Ích Châu. Gia Cát Lượng đối với kênh Đô Giang rất xem trọng, ông đặt ra quan chủ quản phụ trách bảo quản, tu bổ và quản lý, có 1800 tráng đinh làm ở vùng kênh, để vĩnh viễn giữ kênh Đô Giang ở trạng thái tốt nhất, nâng cao được sức tưới nước giúp cho sản xuất nông nghiệp ở Thục Trung được rất nhiều. Đương nhiên thủy lợi mới xây dựng cũng không ít. Hiện nay ở Bá Hà phía tây bắc Thành Đô, có một con đê dài hơn 9 dặm, gọi là đê “Gia Cát”, truyền thuyết nói là Gia Cát Lượng để ngăn chặn hồng thủy tràn vào vùng đất nông nghiệp thấp, đã đặc biệt sắp xếp nhân dân xây dựng nên. Hiện nay ở Thành Đô vẫn lưu truyền câu chuyện Gia Cát Lượng dẫn đầu các tráng đinh đắp đê. Muối và sắt vẫn là những đặc sản của Ích Châu, cũng là nguồn của cải chủ yếu phát triển kinh tế dân sinh. Thời Đông Hán từng phế bỏ lệnh cấm kinh doanh muối sắt, giao cho dân được kinh doanh, kết quả là quan lại địa phương câu kết với cường hào nắm đặc quyền kinh doanh muối sắt, đặt ra giá cả, chẳng những tạo thành khốn khó cho dân sinh, cũng giảm thu nhập của quốc gia không ít. Lưu Bị sau khi bình định Ích Châu, theo đề nghị của Gia Cát Lượng thiết lập lại cơ cấu quốc doanh về muối sắt, quan Tỳ diêm hiệu ứng (đầu tiên là Vương Liên) và Ty kim trung lang tướng (đầu tiên là Trương Duệ) phụ trách quản lý sản xuất muối sắt, và chế tạo nông cụ, binh khí, không để cường hào và quan lại câu kết chiếm làm của riêng nguồn lợi quốc gia. Nghề nấu muối của Thục Trung từ đời Hán đã rất phát đạt, muối được lấy từ các giếng muối, ở Lâm Cung, Quảng Đô, Thập Phương đều có giếng muối, dân Thục giỏi kỹ thuật nấu muối có nơi còn dùng khí thiên nhiên để nấu muối. Cuốn “Bác vật chí” của Trương Hoa có chép, “Lâm Cung còn có giếng khí thiên nhiên, rộng năm thước, sâu khoảng ba trượng. Gia Cát Thừa tướng từng đến tận nơi xem xét hơi nóng của trong thiên nhiên được lấy lên từ những cái giếng đế đun muối mỏ thành muối ăn”. “Gia Cát Lượng cố sự” cũng có chép, nước Thục có 14 giếng muối. Ở đấy chép theo truyền thuyết không thực phù hợp với lịch sử, song có thể thấy Gia Cát Lượng đối với khí thiên nhiên khá xem trọng và quan tâm, cố gắng ứng dụng rộng rãi. Từ những bức vẽ giếng muối trên gạch tìm thấy ở ngôi mộ cổ đời Hán ở Thành Đô, có thể thấy tình hình sản xuất muối mỏ lúc đó. Giếng muối nói chung đều ở trong núi, trên giếng có đặt giá gỗ khá cao, trên giá có con lăn. Người làm đứng ở bên giá, lợi dụng con lăn để kéo những thùng nước giếng lên, sau đó, dùng ống máng để dẫn nước vào nồi để đun, hết phần nước thì phần còn lại là muối. Thục Trung có vùng núi Nhan Thọ chứa nhiều quặng sắt, gọi là núi sắt. Gia Cát Lượng đã lợi dụng nó để đúc binh khí và nông cụ, lịch sử có chép câu chuyện lấy sắt ở Kim Ngưu Sơn đúc kiếm, Gia Cát Lượng xem trọng cải tiến kỹ thuật, Phổ Nguyên người Ích Châu là một tay luyện thép cao thủ, nổi tiếng về nấu kim loại đặc biệt, Gia Cát Lượng đề bạt ông ta làm quan ở Thục Hán, để nâng cao chất lượng binh khí của Thục Hán. Bởi chiến tranh là nhu cầu lúc ấy, nên kỹ thuật đúc sắt rất mau chóng tiến bộ. Đến thời Tấn Hán người ta đã nắm được phương pháp nhiệt luyện để xử lý nhiệt chế ra kiếm sắc, binh khí có độ bền chắc cao. Thời Hán Vũ đế, dựa vào những binh khí này, khiến sức tác chiến của quân đội nhà Hán tăng rất nhiều. Phổ Nguyên khi chế tạo binh khí cho Gia Cát Lượng ở Tà Cốc, phát hiện chất nước không hợp với yêu cầu tôi sắt, phải cho người về Thành Đô lấy nước đến. Ông ta luyện ra 3000 cây đao cứng, để thử độ sắc, dùng ống trúc bọc lấy thanh sắt tròn, rồi dùng đao chém ngọt ngang đoạn trúc, mọi người xung quanh đều kinh ngạc, gọi đó là thần đao. Đương nhiên, một công năng rất lớn khác của đúc sắt là cải tiến nông cụ, khiến đất đai được mở rộng rất nhiều, là sự giúp đỡ lớn cho sản xuất. Tam quốc chí có chép: “Ty diêm hiệu uý của Thục Hán đem lại mối lợi rất lớn về muối, giúp ích nhiều cho quốc gia”. Gấm Thục cũng là đặc sản của Thục Trung, hoa văn rõ nét, sáng bóng, rất tươi đẹp. Từ bức vẽ vườn dân ở ngôi mộ cổ thuộc Tứ Xuyên và bức vẽ khung dệt ở Thành Đô, có thể thấy ở thời Đông Hán, vùng Tứ Xuyên sớm đã phát triển mạnh nghề trồng dâu dệt vải. Lưu Bị sau khi bình định Ích Châu, đã ban thưởng cho Gia Cát Lượng, Pháp Chính, có dùng rất nhiều gấm Thục. Gia Cát Lượng sau này trong tấu biểu dâng lên Lưu Thiện cũng nói: “Nay dân nghèo, nước rỗng, của cải đáng kể chỉ còn có gấm vậy”. Khá thấy gấm Thục có vị trí quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế của nước Thục. Gia Cát Lượng bởi thế đặt ra chức cẩm quan, để quản lý chuyên môn, Thành Đô cũng bởi thế cũng được gọi là Cẩm quan thành. Gia đình Gia Cát Lượng ở huyện Song Lưu gần Thành Đô cũng có 800 gốc dâu, khá thấy ông ta xem trọng nghề dâu tằm, bắt gia nhân cũng tham gia vào công việc ấy. Do sự nỗ lực của ông ta, sản lượng gấm Thục tăng thêm chưa từng thấy, theo ghi chép lịch sử, khi nhà Thục Hán mất, số gấm Thục và lụa bóng trong kho có 20 vạn thếp. Cuốn “Hậu Hán thư” của Phạm Diệp có chép, Tào Tháo từng phái người đến đất Thục mua gấm. Bùi Tùng Chi trong khi chú giải Tam quốc chí có chép, gấm Thục được dùng làm lễ vật quốc gia đem tặng cho Tôn Quyền. Khá thấy gấm Thục đã rất nổi tiếng với lân bang lúc đó. Có được đặc sản này, sự phát triển của nước Thục đã được sự giúp đỡ rất lớn. 3. Nước giàu dân mạnh, đủ lương đủ lính. Gia Cát Lượng thời kỳ ở Tân Dã, với số lượng nông dân lưu lạc bởi chiến sự, đã sắp xếp lại, đăng ký sổ sách gọi là du dân, để quản lý được hữu hiệu. Chẳng nhũng vấn đề trị an được cải thiện ngay mà còn thúc đẩy sản xuất, tăng thêm được binh lính và lương thực, có được sự giúp đỡ trực tiếp về thực lực. Sau khi ổn định Ích Châu, Triệu Vân cũng đề nghị đưa các dinh thự cũ, đất vườn, ruộng dâu, trả lại tất cả cho nhân dân, để họ an cư lạc nghiệp, sau này mới điều động được. Gia Cát Lượng thấy đó là chủ trương nước giàu nhà vững, dốc sức giúp đỡ Lưu Bị cũng rất cảm động, lập tức cho thi hành. Gia Cát Lượng khi làm thừa tướng đã công khai nói rõ: Lúc này dân như phù vân, tay chân không yên, cho nên về chủ trương, tất cả lấy yên dân làm gốc. Gia Cát Lượng khi thấy Tưởng Uyển làm việc sơ ý, có nói với Lưu Bị: “Việc chính sự lấy yên dân làm gốc, không lấy trang sức làm đầu”. Ông ta từng hạ lệnh cho các quan địa phương, tuyệt đối không được lộng hành, khoa trương không đâu. Cũng tức là ông ta cho rằng Tưởng Uyển là người hiểu được việc yên dân, không cầu kỳ hình thức cửa quan, thực đã hiểu rõ dân tình. Cho nên sau khi Lưu Bị mất, ông ta đề bạt Tưởng Uyển làm Trưởng sử ở phủ Thừa tướng, sau này lại đề bạt làm người tiếp nhiệm. Bởi Gia Cát Lượng quan tâm đến đời sống ở Ích Châu, nên sau 3 năm, Ích Châu đủ lương, đủ lính, có thể cung ứng đầy đủ cho nhu cầu tiền tuyến của Lưu Bị. Viên Chuẩn đời Tấn đối với việc này có khen rằng: “Việc điều hành của Gia Cát Lượng ở Thục đã đem lại ruộng đất mở mang, kho lương sung túc, khí giới sắc bén, sản vật dồi dào... từ chỗ suy yếu mà sửa sang được mọi việc, khuyên khích dân cố gắng”. Bởi ổn định tài chính của Thục Hán, Gia Cát Lượng theo đề nghị Lưu Ba, cho đúc tiền mới, bình ổn vật giá, lập ra quan chợ chuyên quản lý thị trường. Kể từ cuối đời Hán, Đổng Trác dời đô về Trường An, bỏ tiền lớn đúc tiền nhỏ, kết quả tạo ra sự hỗn loạn thị trường, tiền tệ không có giá trị làm cho đời sống trăm họ bị ảnh hưởng nặng nề. Sự phân chia ba chân đỉnh về chính trị, dẫn theo sự phân biệt về chế độ tiền tệ; Tào Tháo lại dùng tiền lớn “Ngũ thù”, vẫn chẳng thể cứu vãn được tình hình. Đến năm Hoàng Sơ thứ hai không thể không phế bỏ tiền cũ, lấy giá trị ngũ cốc thay cho tiền tệ, song lại có người lợi dụng tích trữ hàng hoá, tạo thành sự hỗn loạn vật giá nghiêm trọng, tuy có phạt nặng cũng không cấm tiệt được. Đến thời Ngụy Minh đế lại cho dùng tiền lớn “Ngũ thù”, song tiền tệ nước Ngụy vẫn trong vòng hỗn loạn. Ở Đông Ngô vấn đề này cũng không đơn giản, Tôn Quyền vào năm Gia Hoà thứ năm và năm Xích Ô thứ nhất, tức là khoảng năm 236 đến năm 238 sau Công Nguyên, trước sau đã hai lần thay đổi đồng tiền, một lần cho đúc tiền 500 đồng, lần sau cho đúc tiền 1000 đồng, khá thấy tiền tệ cũng rất không ổn định, hơn nữa còn chưa có cơ cấu đề phòng việc đúc tiền giả, nên vấn đề này khá phức tạp. Lưu Bị sau khi chiếm được Ích Châu, cho đúc tiền 100 đồng, cũng chưa có biến đổi gì xáo trộn, hiển nhiên cho thấy cách xử lý của Gia Cát Lượng về vấn đề này khá đúng đắn. Tiền tệ của nước Thục, chẳng những được lưu thông trong nước mà ở vùng Kinh Châu lúc đó cũng lưu hành tiền tệ của Thục Hán; khá thấy sự lưu hành rộng rãi vượt quá biên giới quốc gia. Được Gia Cát Lượng cố gắng điều hành, sự phát triển kinh tế của Thục Hán lúc đó được xem là khá thành công. 4. Lấy mình làm gương, để cùng trói buộc. Bởi nền chính trị suy đồi của Khước Kiệm và Lưu Yên, xã hội phân chia giàu nghèo rất chênh lệch, cường hào xa xỉ kiêu ngạo, kẻ nghèo không có đất đứng chân. Tình thế dao động không yên, đấy là nguyên nhân chủ yếu nhất để Gia Cát Lượng quyết tâm đổi mới lại. Trong tờ biểu trước cuộc bắc phạt thứ nhất, Gia Cát Lượng từng nói với hậu chủ Lưu Thiện: “Thần lúc đầu phụng mệnh tiên đế, mọi thu thập đều dựa vào công quỹ, về căn bản chẳng nghĩ gì đến mức sinh hoạt. Nay ở Thành Đô có 800 gốc dâu, 15 khoảnh ruộng, cái ăn cái mặc của con cái cũng được đầy đủ, còn về việc dẫn quân ra ngoài, lại không cần lo về sự sinh hoạt, cái ăn cái mặc toàn bộ đều do nhà nước cung cấp, nên không lo đến sản nghiệp riêng, của cải ít nhiều đều không nghĩ đến làm gì. Phải khắc khổ như thế là mong mỏi sau ngày thần mất, thì trong nhà chẳng có thừa vải lụa, ngoài thì chẳng có điền sản gì, đề khỏi phụ lại sự tín nhiệm của bệ hạ đối với thần!”. Sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện cho người xem xét của cải của Gia Cát Lượng, quả nhiên như đã nói một chút cũng chẳng sai khác. Thực ra, Gia Cát Lượng không phải không hiểu cách kiếm tiền, như trên đã nói ông rất xem trọng đời sống nhân dân cho nên khi điều hành Thục Hán, kinh tế ở đấy cũng khá giàu mạnh. Có thể lúc ấy không khí xa xỉ đua đòi khá nghiêm trọng, Gia Cát Lượng muốn thay đổi phong tục, chỉ có cách dùng thuốc đắng phải bắt đầu từ mình, lấy mình làm gương, thực hành tiết kiệm, cũng là phản đối sự lãng phí. Nỗ lực của Gia Cát Lượng đã phát huy không ít hiệu quả, không ít quan chức cấp cao của Thục Hán, đều phỏng theo sự thanh bạch của Gia Cát Lượng mà triệt để tiết kiệm ví như Đặng Chi là một nhà ngoại giao kiệt xuất, “Tam quốc chí” kể rằng, ông ta không nghĩ đến tài sản riêng, vợ con không tránh khỏi đói rét. Lại như đại tướng quân Khương Duy người kế nhiệm Gia Cát Lượng về quân sự thì nhà cửa sơ sài, tài sản chẳng có gì đáng kể, lại còn ham học không mệt, tiết kiệm đến mức thanh bạch. Cũng phải kể đến tể tướng Phí Vỹ sau này, nhã nhặn khiêm nhường, nhà không tích chứa của cải, con cái mặc áo vải thô ăn cơm chay, không thích ngựa xe, chẳng khác người thường, do những nỗ lực như vậy mà Ích Châu yếu kém dưới thời Lưu Bị, chẳng bao lâu trở thành một nơi ruộng đồng bát ngát, kho tàng đầy ắp, khí giới sắc bén, của cải phong phú. Gia Cát Lượng sau này có thể trường kỳ phát động chiến tranh bắc phạt là bởi dựa được vào sự giàu có về của cải như vậy. 5. Giáo dục đi đôi với hành pháp, nghiêm minh mà lại không hà khắc. Đối mặt với sự trì trệ của Thục Trung lâu dài đặc quyền hoành hành, công quyền không được tôn trọng, Gia Cát Lượng lấy pháp luật nghiêm minh, ức chế quan liêu và cường hào, lấy công quyền để bảo hộ cho trăm họ yếu đuối, bởi thế trong thời kỳ ông điều hành, sự thanh bình về chính trị của nước Thục được xem là nổi trội. Bởi quán triệt tinh thần điều hành, Gia Cát Lượng y theo pháp luật mà hành động, không né tránh kẻ quyền quý, cũng không vị nể tư riêng. Ví như con nuôi Lưu Bị là Lưu Phong có tội làm trái quân kỷ, do sự kiên quyết của Gia Cát Lượng, bị Lưu Bị xử tử hình. Đến cả Lý Nghiêm và Liêu Lập là người có tiếng tăm cũng bị xét xử. Lý Nghiêm sau đổi tên là Lý Bình là quan Thượng thư lệnh của Thục Hán. Khi ở thành Bạch Đế cùng được bổ nhiệm với Gia Cát Lượng để phò tá hậu chủ, địa vị gần như Gia Cát Lượng. Khi Gia Cát Lượng bắc phạt lần thứ 2, Lý Nghiêm phụ trách việc cung ứng hậu cần. Bởi ông ta cá tính kiêu ngạo, trọng hư danh mà không thiết thực, cho nên việc cung ứng quân lương bị chệch choạc. Lý Nghiêm tự cậy mình quyền cao chức trọng, về văn bản không lo lắng cách khắc phục, lại giả truyền thánh chỉ, yêu cầu Gia Cát Lượng rút quân. Đợi đến Gia Cát Lượng đã rút quân, ông ta lại phái người nói bừa với Lưu Thiện rằng: “Quân lương cung cấp rất đầy đủ, không biết thừa tướng Gia Cát vì sao lại rút quân”. Sau đó lại nói rằng việc rút quân của thừa tướng chẳng qua là giả vờ, mục đích là dẫn dụ kẻ địch đuổi theo, sau sẽ quay lại giao chiến. Sự thao túng của ông ta, khiến quân lệnh và hệ thống quân chính của Thục Hán rối loạn, Gia Cát Lượng sau khi biết rõ, lập tức hạ lệnh triệt để thanh tra, coi việc Lý Nghiêm làm vừa rồi là xem thường việc quốc gia đại sự, rối loạn quân kỷ, đùa giỡn không đâu, mưu toan trốn tránh trách nhiệm, an thần cầu danh, không lo quốc sự, dâng thư kể tội với hậu chủ bãi miễn quan chức của Lý Nghiêm, phế làm thường dân, lại đầy đến tận Tử Đồng. Liêu Lập tên chữ là Công Nguyên, người Vũ Lăng khi còn trẻ đã có danh vọng, cùng với Bàng Thống được gọi là người tài nước Sở. Sinh thời Lưu Bị từng cử ông ta làm Thái thú Trường Sa. Khi Tôn Quyền phái binh đánh ba quận Kinh Nam, Liêu Lập đóng ở tuyến thứ nhất, chưa từng giao chiến mà đã vội rút quân. Song Lưu Bị quí trọng tài hoa chưa từng khiển trách lại còn bổ nhiệm cho làm Thái thú Ba Quận. Có thể do kiêu ngạo quá mức, đương khi Lưu Bị mất ở thành Bạch Đế, Liêu Lập làm Trương thủy hiệu uý; song ông ta tự coi mình chẳng phải thường, cho rằng Gia Cát Lượng vẫn chú ý đến ông ta, bởi thế thường vẫn công khai tự nhận là người kế nhiệm của Gia Cát Lượng, đáng lẽ phải nắm phần việc quan trọng ở triều chính. Tam quốc chí có chép, ông ta xem thường cả tiên đế, khinh rẻ quần thần, tỏ ý công kích chính sách của Thục Hán, lại chỉ trích Gia Cát Lượng bổ nhiệm những quan lại đều là phường thô tục, còn tướng lĩnh xung quanh chí xem là “tiểu tử” mà thôi. Bởi không ngừng sai trái như vậy, cuối cùng đến năm Kiến Hưng thứ 3, Gia Cát Lượng dâng biểu kể tội Liêu Lập, phế ông ta làm thường dân, lại lưu đầy đến quận Vấn Sơn. Hướng Lãng từng làm một trợ lý giỏi rất được Gia Cát Lượng trọng dụng, được làm Trưởng sử ở phủ Thừa tướng; khi Gia Cát Lượng nam chinh, để ông ta lại trông coi phủ Thừa tướng, quản lý công viêc hậu phương. Khi bắc phạt, Hướng Lãng làm Giám quân, song khi Mã Tắc ở Nhai Đình tự ý co về cố thủ, Hướng Lãng bởi rất mến mộ tài năng của Mã Tắc trẻ tuổi, cố ý giấu giếm tội lỗi thực tế. Gia Cát Lượng cho rằng ông ta vì tư riêng mà hại đến việc công, cũng chẳng nể nang, ngay lúc đó bãi miễn tất cả quan chức, đến khi đã trở về Thành Đô, mới cho làm một chức quan không mấy thực quyền. Do đấy khá thấy Gia Cát Lượng thi hành pháp luật nghiêm chỉnh, chẳng kể người nào, nếu phạm pháp đều bị trừng phạt, dứt khoát không châm chước. Đặc biệt với những người ở chức cao có quyền thế, lại là đối tượng để mọi người mô phỏng, tuyệt đối chẳng thể giảm nhẹ hình phạt. Gia Cát Lượng nghiêm minh mà không hà khắc, ông ta không tán thành việc liên quan, cho rằng việc làm sai lầm của cá nhân, tuyệt đối không ảnh hưởng đến những hậu duệ có tài cán. Lý Nghiêm bị bãi miễn quan chức, song con trai vẫn được làm Giang châu đốc quân, sau lại được thăng làm Thái thú ở Chu Đề, chẳng bị ảnh hưởng gì lắm. Hướng Lãng bị cách chức, song người cháu là Hướng Sủng lại được đề bạt thẳng ngoại lệ, đảm nhiệm chức trách quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Gia Cát Lượng tuy ra sức thực hiện minh pháp, lại phản đối việc lạm dụng hình phạt, ông ta thường chú ý lựa chọn những viên quan chủ quản việc coi ngục phải trung thực liêm khiết, phản đối những quan lại mặc ý cá nhân chủ quan thích thị uy tùy ý sinh sát, nếu yêu thích thì không bắt tội, nếu bực tức thì có thể giết kẻ vô tội. Ông lại tự mình yêu cầu, cũng yêu cầu những cán bộ trọng yếu, phải thật cẩn thận trong khi tống ngục hành hình. Tùy tiện vận dụng hình luật mà lạm dụng hình phạt chẳng thể khuyên người ta hướng thiện. Tập Tạc Sỉ đời Tấn từng bình luận rằng: “Hình luật không thể không dùng, khi gia hình mà như mình có lỗi, khi ban tước lộc mà không tư riêng, khi trừng phạt mà không giận dữ, thiên hạ còn ai chẳng phục; Gia Cát Lượng là người giỏi dùng hình phạt, từ Tần Hán đến giờ chưa từng có vậy”. Thưởng phạt chuẩn xác, người bị phạt tự nhiên tâm phục khẩu phục. Sau khi Gia Cát Lượng mất, Liêu Lập khóc lóc mà rằng: “Ta cuối cùng phải chết già ở nơi biên cương này rồi!”. Lý Nghiêm sau khi nghe tin dữ, cuối cùng quá thương tâm, lo nghĩ thành bệnh mà chết. Bởi những người này biết rằng, chỉ cần một thời gian nữa. Gia Cát Lượng cho rằng trừng phạt thế là đủ sẽ tha thứ cho để họ có được cơ hội mới; Gia Cát Lượng mất đi, chẳng có ai có thể cầm cân nẩy mực như thế, cho nên họ cũng mất đi hy vọng trở lại triều đình. Trong những tập văn sách mà Gia Cát Lượng để lại, cũng công nhiên nói rõ quan niệm phép trị của ông ta, cho rằng mình là người thừa kế của Thương Ưởng, Hàn Phi Tử và tinh thần của nhà đại chính trị thời Tây Hán là Đổng Trọng Thư, chủ trương “pháp”, “lễ” cùng dùng, “uy”, “đức” “cùng đi” song lại nhấn mạnh bảo ban pháp luật, khuyến thiện truất ác. Ông phê bình Thương Ưởng giỏi ở điều luật, lại không để ý giáo hoá mà đã xử phạt nặng, lấy dài vá ngắn, cùng thực thi giáo hoá và hành pháp. Bởi thế pháp luật điều lệnh của quốc gia và quân đội được ông gộp vào ba mệnh năm lệnh, để mọi người triệt để hiểu rõ, đề phòng để không vi phạm. Ông cũng định ra các chương điều luật như “ngũ cụ”, “lục khủng”, “thất giới”, cụ thể chỉ rõ cái gì nên làm, cái gì không nên làm, mục đích chế độ hoá tất cả, không cần phải cố gắng đặc biệt mọi người đều có thể làm được, như vậy quốc gia mới có thể bền vững lâu dài, tinh thần pháp trị mới được phát huy thực sự. Nỗ lực của Gia Cát Lượng đích xác đã phát huy công hiệu thay đổi phong tục. Không ít quan chức cao cấp ở Thục Hán, đã lĩnh hội và chấp hành tinh thần pháp trị của Gia Cát Lượng; Tam quốc chí có chép: Dương vũ tướng quân Đặng Chi thưởng phạt rõ ràng, rất quan tâm đến binh lính; Trù hàng đô đốc Trương Dực giữ nghiêm pháp luật, Đỗ quân tòng sự Dương Hý trông coi hình ngục đúng mực, luận rõ pháp luật, định án rõ ràng; Tang ca Thái thú Mã Trung rất có ân huệ. Mấy mươi năm suy vi, cuối cùng nước Thục trong một thời gian ngắn giành được sự hưng thịnh, đấy là kỳ tích nghìn năm ít thấy. Đúng như Trần Thọ đã nói, Gia Cát Lượng ứng biến với chiến trường không linh hoạt, song chỉ kể thành tích điều hành nước Thục của ông, sự vĩ đại của Gia Cát Lượng cũng là điều chẳng thể gì so sánh được. Trưởng lão ở Ích Trung là Trương Duệ có bình luận rằng: “Thừa tướng Gia Cát Lượng chí công nghiêm minh, thưởng phạt chẳng kể thân sơ xa gần, kẻ không có công thì không ban thưởng, kẻ quyền quý cũng chẳng được miễn tội, đấy là nguyên nhân chủ yếu nhất để mọi người nước Thục hăng hái tiến lên”. Trần Thọ tuy không thừa nhận thiên tài quân sự của Gia Cát Lượng như trong truyền thuyết, song với thành tích điều hành cũng rất khen ngợi, trong Tam quốc chí có bình luận rằng: Gia Cát Lượng thi hành pháp luật, giáo huấn nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, không có tội thì không bị trừng trị, không có công thì không thưởng, không dung tha kẻ có tội dù là ai, mọi người tự mình cố gắng, đạo lý không bỏ sót, mạnh không lấn yếu, không khí thịnh vượng tràn khắp vậy. Lời bình của ‘Trần Văn Tôn Tử viết trong “Thiên tác chiến”: Phàm về cách dùng binh trước đã có nghìn cỗ xe tứ mã, nghìn cỗ xe chở quân, 10 vạn binh giáp, đủ lương thực ở nơi nghìn dặm, các khoản chi phí nội ngoại, khách khứa tài vật mọi mặt dồi dào, tiền bạc đầy đủ, rồi sau mới nói đến cử mười vạn binh chinh phạt. Đúng như Napôlêông của nước Pháp đã nói: “Vấn đề quan trọng thứ nhất của chiến tranh là tiền, quan trọng thứ hai cũng là tiền, quan trọng thứ ba cũng vẫn là tiền”. Chưa có tiền chẳng thể đấu đá, ngày xưa như thế, chiến tranh hiện đại lại càng xem trọng. Cứ thử xem cuộc chiến tranh vùng Vịnh vừa rồi, sự tiêu tốn khổng lồ trong những ngày ấy, rõ ràng cho thấy chẳng có lực lượng kinh tế, chiến tranh dứt khoát không thể tiến hành. Không chỉ trong chiến tranh, việc tiêu thụ quảng cáo trong xí nghiệp hiện đại cũng như vậy, thiếu chuẩn bị thực lực, chỉ nghĩ cầu may mà được thắng lợi là điều chẳng thể dễ dàng. Quản Trọng thời Xuân Thu, đã hiểu được vận dụng lực lượng kinh tế để nâng cao địa vị quốc tế. Cuốn “Quản tử” từng chỉ rõ: “Đến ngày xuất binh, nếu như trong nước nghèo nàn thì chiến đấu không giành thắng lợi, nếu ngày đó mà trong nước giàu mạnh thì chiến đấu ắt giành thắng lợi”. Sự giàu mạnh của đất nước là điều kiện rất quan trọng để chiến thắng. Trong đại chiến thế giới thứ 2, sự thất bại của khối trục Đức, Ý, Nhật, chẳng những ở chiến lược và chiến thuật, mà còn do thực lực kinh tế không đầy đủ. Ở Nhật, Đức Xuyên Gia Khang thời Mạc Phủ, kế thừa tinh thần của Điền Tín Huyền, rất xem trọng bồi dưỡng lực lượng kinh tế. Ông ta cho rằng chẳng có thực lực, cũng sẽ chẳng có cơ hội tốt. Thực lực được tích lũy hàng ngày, bởi thế nhất định phải tiết kiệm đến chân tường. Có như vậy, mới có thể đáp ứng nhu cầu bất thường, xây dựng thực lực bền vững lâu dài. Giữa đám quần hùng thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng rất hiểu rõ về sức mạnh kinh tế, phương diện này làm triệt để hơn so với Tào Tháo, bởi thế kinh tế của Thục Hán cũng rất mạnh so với các nước kia. Đáng tiếc ông không chú ý đến “thiên tác chiến” của Tôn Tử nói về thắng lợi của chiến tranh, cần xem trong nguyên tắc đánh ngắn ngày, không kéo dài, cuộc bắc phạt lâu dài, khiến hao phí của chiến tranh vượt quá sức chịu đựng của quốc gia. Kỳ tích kinh tế của Thục Hán, chưa phát huy hữu hiệu thực lực chính trị, trái lại quốc gia lại sớm bị diệt vong bởi đánh lâu dài.