PHẦN 4
CHƯƠNG 25

     à Khiên chết vì bệnh tim. Nghĩa đưa mẹ về quê chôn cất bên mộ bố tại cánh mả Rốt. Ngay sau tang mẹ, Nghĩa xin về hưu và đòi ly hôn bằng được với Thuỷ. Anh khăng khăng đòi ly hôn với Thủy cũng giống như Hạnh đã khăng khăng đòi ly hôn với Nghĩa. Trở về mảnh đất tổ tiên, trở về căn nhà xưa hoang vắng trên nền từ đường họ, anh muốn chuộc lại mọi tội lỗi của mình với dòng họ Nguyễn. Anh xoay trần ra quét vôi lại căn nhà, sửa sang lại bàn thờ tổ. Anh xuống ao lấy bùn đổ lên mảnh vườn trước cửa trồng lại mấy khóm chuối, vun lại hàng cau gầy ngoẵng, còi cọc. Những tầu cau sun lại vàng khè. Đêm đêm nằm trơ trọi một mình trong ba gian nhà mái bằng lặng ngắt anh mới nhìn lại bản thân, nhìn lại cảnh làng Đông từ bao năm nay cũng không ít người có cảnh ngộ giống anh. Chú Vạn hồi này hầu như không ra khỏi mảnh vườn ươm. Hôm ra thăm chú Nghĩa sững sờ nhìn lên gương mặt chú gầy xọm đi, tóc bạc trắng như một ông lão. Thành thì suốt đời phải mang bộ mặt dị dạng không vợ con. Cúc ngày xưa đùng đùng đem trả trầu cau Thành đã tưởng sẽ kiếm được đám khác khá hơn, ai ngờ lại vơ bèo vạt tép làm lẽ ông ba Chương. Dâu ngày xưa lem lém vậy, giờ lại lấy cửa phật làm vui. Đến như cái Thắm rực rỡ nhất nhì làng đông bây giờ vẫn vò võ nuôi con một mình. Còn mẹ Hạnh thì gần như câm lặng. Nghĩa nghe mọi người nói, ngay sau ngày Hạnh bỏ làng đi bà Nhân ốm một trận gần chết. Từ ngày Nghĩa về làng, anh băn khoăn mãi không hiểu vì nguyên nhân gì mà Hạnh phải bỏ làng đi. Nghe mọi người đồn Hạnh lên mãi trên Bắc Thái gì đó. Ngày ngày Nghĩa soi gương thấy tóc mình cũng lốm đốm bạc. Nghĩa có ý định ngày chạp tổ năm nay sẽ làm to như năm nào bố mẹ anh đã làm. Anh muốn làm cho tròn bổn phận của người trưởng tộc cuối cùng của gia đình mình đối với dòng họ Nguyễn.
Ôi, ngày ấy ngôi từ đường họ mới uy nghiêm lộng lẫy làm sao, ngày ấy  Hạnh còn là đứa bé con  hiền dịu như con bồ câu nhỏ.
Lúc này đang trong tiết xuân, nghĩa xuống chợ huyện mua mấy giống hoa và mấy loại cây cảnh mà ngày xưa bố thường trồng. Nghĩa ngày một già đi nhưng anh muốn làm cho mảnh đất từ đường họ Nguyễn tươi tốt lại. Nghĩa đang hí hoáy vun cho mấy khóm hoa trước cửa thì thằng cu con nhà Thắm lộc cộc cắp sách chạy vào. Giọng nó líu díu từ ngoài ngõ.
-Bác Nghĩa ơi, bác Nghĩa!
-Có gì mà vui thế hả cháu?
-Bác ơi, cô Hạnh về.
Nghĩa để nguyên cả bàn tay lấm lem bùn đất tóm lấy cổ tay thằng bé.
-Thật thế hả cháu?
-Thật mà! Cháu đi học về gặp cô ấy dắt một em bé bằng này này, xinh ơi là xinh. Em bé lại mặc váy hoa nữa nhé.
Nghĩa bàng hoàng nghe thằng bé báo tin Hạnh về. Anh vội vã rửa chân tay thay quần áo chạy sang nhà Hạnh. Nghĩa sững lại trước cửa nhìn Hạnh đang sụt sùi khóc trước mặt mẹ. Đứa bé gái ngồi lọt trong vòng tay bà Nhân đang khoe chuyện gì đó. Mới chỉ thoáng nhìn vào mặt đứa bé, Nghĩa đã nhận ra nó đúng là con gái Hạnh. Cũng mớ tóc đen nhánh, cũng khuôn mặt tròn với cặp mắt đen lay láy của Hạnh xưa. Vừa thoáng nhìn thấy Nghĩa, Hạnh đã đứng vụt dậy đưa tay gạt nước mắt. Nghĩa thấy ánh mắt của Hạnh lướt trên mái tóc của Nghĩa.
- Anh đấy ư? Hạnh nói. Mời anh ngồi.
- Nghĩa ngồi xuống ghế lặng im không nói được lời nào.
- Mẹ, có phải bố đấy không hả mẹ?
- Đứa bé gái đang ngồi trong lòng bà Nhân chạy lại nắm lấy tay mẹ. Mắt nó đảo liên tục hết nhìn mẹ lại len lén nhìn Nghĩa.
- Không. Không phải bố con đâu. Đây là bác Nghĩa. Bác Nghĩa là thiếu tá quân đội chỉ huy cả đoàn quân ngoài mặt trận. Bác ấy đánh giặc giỏi lắm đó.
Đứa bé xị mặt ra hờn dỗi.
- Thế mà mẹ bảo dẫn con về gặp bố. Mẹ dẫn con đi gặp bố đi mẹ.
- Con hư lắm! Để yên mẹ nói chuyện với bác Nghĩa...
Cuộc gặp lại muộn màng giữa Nghĩa và Hạnh chỉ gợi lại nỗi đau cho cả hai người. Rời nhà Hạnh về, Nghĩa đi lảo đảo như người say nắng. Bao sự kiện cuộc đời lại xới lên trong tâm trí anh. Nghĩa loay hoay cạy miếng cơm cháy đã khô queo trong chiếc xoong con tý, bữa sáng anh quên không đổ nước vào ngâm cho nó rữa ra. Thoáng nghe có tiếng chân bước từ ngoài sân, anh nhìn lên đã thấy thím Xeng bước vào cửa. Nghĩa quẳng chiếc xoong vào trong góc nhà đứng dậy mời thím Xeng ngồi.
- Mời anh sang ông bào gì đấy. Chuyện hệ trọng.
Nghĩa theo thím Xeng sang nhà ông Xung. Ông Xung đang vò đầu bứt tai vật vã trên giường, thấy Nghĩa ông ngồi bật dậy môi mấp máy mãi mới nói thành lời:
- Nghĩa, anh biết tôi gọi anh sang đây làm gì rồi chứ? Con Hạnh nó về, anh biết chưa? Như vậy là mình đã có tội - Cả anh và tôi đều có tội với nó - Giọng lão Xung run run, lão đứng dậy tới ban thờ bê chiếc rương của tổ đưa cho Nghĩa.
- Ngày xưa anh đi, tôi nhận, bây giờ anh về, tôi trao trả lại anh. Thế nào? Anh phải xin lỗi con Hạnh và gọi nó về với anh không thì thiên hạ nó chửi vào mặt cả họ nhà mình. Ôi, ai ngờ người không có con là anh chứ không phải là con Hạnh. Tôi định bàn với anh thế này. Mình đã sai thì sửa - Lão Xung hấp háy cặp mắt nhìn Nghĩa, giọng phấn chấn - Ngày chạp tổ năm nay anh nhân danh trưởng tộc đứng lên tuyên bố trước họ xoá bỏ lời nguyền xưa của cụ tổ. Phải xoá bỏ mọi hận thù. Anh đã là cấp tá thì chắc là anh đủ lý lẽ để thuyết phục mọi người nghe anh. Tôi bây giờ đã già rồi. Già rồi, giờ nghĩ lại mà khiếp sợ.

 

Hạnh dắt con gái ra tới cầu Đá Bạc đứng nhìn dòng sông loang loáng trong trăng. Bến Không Chồng lung linh.
- Nhà bố đâu hả mẹ?
- Kia, sắp đến rồi.
Hạnh thấy rạo rực dắt con đi trên bờ sông. Giây phút này là giây phút thiêng liêng nhất. Cả cuộc đời đi lấy chồng Hạnh khao khát có được đứa con mà không được. Nhưng khổ cho Hạnh lại có thai vào thời kỳ ly hôn với Nghĩa nên phải bỏ làng trốn đi. Mấy năm xa quê Hạnh mới nhận thấy một điều, chị không thể chạy trốn cuộc đời, chạy trốn số phận. Làng Đông là máu thịt của chị, con gái chị phải có bố.
Hạnh chỉ cho con khu vườn ươm có ngôi nhà nhỏ loé sáng ánh đèn dầu. Một luồng gió nhẹ, khu vườn ươm khẽ lao xao trong gió, thoang thoảng mùi đồng quê và hương thơm của củi phi lao, bạch đàn cháy trong bếp lửa. Hạnh dắt con bước vào cửa. Chú Vạn đang ngồi im phắc trên giường như một lão già, tóc trắng phơ. Hạnh nhào vào lòng chú Vạn khóc. Chị khóc mà không hiểu mình khóc vì sung sướng hay vì đau khổ xót thương chú Vạn.
- Mẹ, sao mẹ lại khóc. Bố con đâu hả mẹ?
- Đây... Bố... Bố con đây!
Nguyễn Vạn run lẩy bẩy sững sờ nhìn vào mẹ con Hạnh.
- Hạnh ơi, cháu nói gì vậy?
- Chú không hiểu ư? Hạnh nắm chặt lấy đôi tay nhăn nheo run rẩy của chú Vạn - Chú không hiểu thật ư! Đây chính là con gái của chú đấy, cháu đã mang nó về cho chú. Chả lẽ chú lại không đoán ra vì sao cháu phải bỏ làng ra đi.
Nguyễn Vạn ngồi lặng trên giường như tượng. Hạnh kéo con vào lòng khẽ vuốt vuốt mái tóc nó. Những phút im lặng triền miên... Chú Vạn như chợt tỉnh sau một giấc mơ. Chú đưa tay chộp lấy bàn tay Hạnh.
- Hạnh, tao có tội! Bây giờ tao hiểu ra rồi, hiểu hết mọi nhẽ ở đời... Có những tội ác ghê gớm.
- Chú lảm nhảm gì vậy? Chú không có tội tình chi hết.
- Không, tao có tội. Mày hãy quay về với thằng Nghĩa đi! Nó về hẳn rồi đấy. Nó bỏ con vợ tỉnh rồi...Hãy thương lấy nó.
Hạnh lại ôm lấy chú Vạn, hai bàn tay chị sờ thấy cả những rẽ xương sườn trên thân hình gầy guộc của chú Vạn. Gương mặt chú Vạn thoáng bừng sáng lên lại vụt tắt. Chú nắm lấy tay Hạnh, tay kia vuốt vuốt tóc đứa trẻ.
- Chú, con của chúng ta đấy. Chả lẽ chú lại không vui mừng thấy mình đã có một đứa con sao?
- Hạnh, cháu không hiểu chú, nhưng chú lại hiểu rõ cháu. Đừng thương hại chú. Đời chú chẳng còn gì nữa rồi. Chú già quá rồi mà cháu thì còn trẻ, thằng Nghĩa còn trẻ. Cháu không về với nó là cháu có tội. Ôi con người ta có biết bao nhiêu tội lỗi.
Chú Vạn kéo đứa trẻ vào lòng.
- Ôi con gái của ta đây ư? - Chú Vạn cúi xuống nhìn sát vào mặt con gái. Cả cuộc đời, lần đầu tiên Nguyễn Vạn được gọi con mình. Đứa trẻ tròn mắt nhìn Nguyễn Vạn. Có lẽ nó chưa tin hẳn đây lại là bố nó.
Đêm tĩnh lặng, khu vườn ươm xanh mướt. Bến Không Chồng mùa này nước cạn phơi ra bãi cát trắng, sáng rực lên trong trăng. Bóng trăng chênh chếch chiếu lên thềm nhà. Lúc này Hạnh mới để ý đến đống củi thông đang ngun ngút lửa. Ngọn đèn dầu năm xưa vẫn để trên bậu cửa, Hạnh đưa tay khép lại lại cánh cửa. Đứa trẻ đã ngủ trong lòng chú Vạn.
- Đừng, Hạnh! Chú van cháu, hãy bế con về đi. Về với thằng Nghĩa. Nơi ấy là mồ hôi nước mắt của cả cuộc đời cháu...
- Không bao giờ - Hạnh nói - Cháu sẽ ở đây với chú suốt đời. Chú sợ sao?
Mấy năm xa quê, Hạnh chỉ mơ ước được ở căn nhà nhỏ này. Đây mới chính là niềm vui của đời Hạnh, là tương lai của con Hạnh. Một ước mơ thật giản dị, Hạnh được cầm chiếc chổi rơm quét nhà, được tự tay nhóm lửa nấu cơm cho chú Vạn như ngày xưa. Hạnh vẫn nhớ ngày ấy chú Vạn dạy Hạnh tập nấu cơm. Chú bảo phải thế này này, phải nhúng ngón tay đo mức nước trong xoong để cơm khỏi khô quá hoặc nhão quá. Những kỷ niệm nhỏ mà xa xôi quá nhưng không hiểu sao lúc này vẫn hiện rõ trong tâm trí Hạnh. Hạnh không thể để chú Vạn sống cô độc mãi thế này. Từ ngày đi khỏi làng Đông, Hạnh mới nhận ra một điều con người ta sống trên đời cần cố một mái ấm gia đình. Không có lý khi ta làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn lại là tội lỗi được. Hạnh sẽ chăm chút cho tuổi già của chú Vạn bằng tình cảm sâu nặng của một đứa con đối với cha, người vợ đối với chồng. Nỗi cô đơn của cuộc đời đã làm cho Hạnh nhận ra trên đời này không có ai tốt như chú Vạn và không có ai khổ và cô đơn như chú Vạn.
Hạnh bế đứa bé từ tay chú Vạn đặt xuống giường rồi đứng dậy buông màn. Chú Vạn ngồi ngây đơ giữa giường câm lặng. Hạnh bước lại tắt đèn rồi vào giường ôm ghì lấy chú Vạn. Đã bao năm nay có lẽ đây là đêm đầu tiên Hạnh cảm thấy yên ổn và hạnh phúc trọn vẹn - không lo lắng, không đợi chờ, không khao khát, không ước mơ điều gì hơn...
Hạnh thiếp đi, khi tỉnh dậy, mặt trời đã rọi ánh nắng qua khe cửa. Không hiểu chú Vạn đã dậy đi đâu từ bao giờ. Hạnh gọi con dậy, dắt nó ra Bến Không Chồng rửa mặt, Hạnh chợt nhìn thấy phía cầu Đá người đứng lố nhố ngó nghiêng dưới chân cầu.
Linh cảm thấy điều gì đó, Hạnh dắt con chạy mà hai chân cứ díu lại. Hạnh đã nhận ra Nghĩa, anh lao ào từ trên cầu xuống sông. Hạnh sững lại chân tay bủn rủn khi nhìn thấy cái xác chết được Nghĩa kéo từ dưới sông lên lại chính là chú Vạn. Hạnh dắt con nhào tới quỳ phục xuống bên xác chú Vạn.

 

Bao nhiêu năm nay Nguyễn Vạn sống lặng lẽ trong ngôi nhà vườn ươm giờ bỗng dưng cái chết của Nguyễn Vạn làm thức tỉnh mọi người dân làng Đông nghĩ về một điều gì đó. Nghĩa quyết định làm đám tang chú Vạn tại nhà mình.
Tới giờ phát tang, lão Xung đứng trên thềm nhà hấp háy cặp mắt nhìn mọi người đứng kín cả sân. Người làng Đông không ngờ lão Xung bây giờ lại đẹp lão vậy. Có lẽ cái họ Nguyễn mỗi mình lão sống thọ nhất. Lão run run xúc động cầm tấm vải trắng xé roạc một mảnh làm khăn tang quấn lên đầu. Lão thấy trong người lão có gì đó đang biến động dữ dội. Lão rơm rớm nước mắt, lão đang khóc âm thầm mà không rõ vì lẽ gì. Lão không chỉ khóc riêng cho con người bất hạnh nằm trong quan tài kia. Lão đang đau đớn về những điều xa xưa mà không ai nghĩ đến lúc này. Lão thương xót cho cả đời ông cha Nguyễn Vạn, thương xót cho cả hai thằng con lão đã chết oan uổng trong cải cách và thương xót cho chính lão cũng bị giam cầm ngay trong ngôi từ đường họ tộc. Lão cặm môi xé toạc mảnh tang nữa đưa cho Nghĩa đang đứng cạnh lão. Lão lại liếc mắt nhìn thấy Hạnh dắt con đứng sau Nghĩa, lão xé một mảnh tang đưa cho Hạnh.
Hạnh cầm mảnh tang quấn lên đầu con gái, lão Xung thấy gai gai trong người khi bắt gặp ánh mắt của Hạnh đang cháy rực lên nhìn thẳng vào mắt lão. Lão Xung cúi xuống xé vội mảnh tang nữa đưa cho Hạnh. Đứng sau Hạnh là vợ chồng chú Xeng, cô Thao và ba đứa cháu nội lão. Lão xé liền một lúc sáu mảnh đưa cho chú xeng. Lão ngường ngượng chợt nhận ra sáu mảnh tang lão vừa xé lại to hơn. Mặc dù lão không hề chủ bụng mà sao cái cữ tay lão xé chẳng đều chút nào. Tiếp đến là Dâu, hai mẹ con cái Thắm, Cúc và cả những người không phải họ nguyễn cũng đòi để tang Nguyễn Vạn. Lão Xung xé tang mỏi cả tay, lão vắt tấm vải trắng lên cây sào và tuyên bố, ở làng Đông này ai muốn để tang Nguyễn Vạn cứ tự giác đến xé lấy một mảnh.
Không ai để ý thấy bà Nhân đã đứng trước quan tài Nguyễn Vạn từ bao giờ. Bà cứ đứng lặng như thế mãi. Trong túi của bà đã có sẵn mảnh tang cũ, bà lấy ra quấn lên đầu và lại đứng lặng như trước. Trong đời bà đã có ba cái tang - tang chồng, tang hai thằng con trai - Cả ba lần bà chỉ được đứng trước ba cái quan tài giả không có thân xác người thân. Duy có lần này bà mới đứng trước cái quan tài thật. Kẻ đang nằm trong quan tài kia tuy chỉ là người dưng nhưng lại gần gũi thân thiết, hiểu rõ bà hơn cả chồng, cả con bà.
Mọi người ngạc nhiên hơn cả thấy mụ Hơn cũng đòi để tang Nguyễn Vạn. Mụ bước tới tự tay xé lấy hai mảnh tang quấn lên đầu một mảnh, một mảnh mụ đưa cho thằng Tốn.
- Mày đội lên đầu đi - Mụ nói khẽ, không có người ta thì đời mày cũng thối rữa từ lâu rồi con ạ.
Đám tang không hề có tiếng khóc gào thét lên như mọi đám tang khác, nhưng tất cả mọi người ai cũng thấy mình đang khóc - khóc âm thầm lặng lẽ - khóc về nỗi đau nhân tình - khóc cho một linh hồn cô độc. Có lẽ nỗi đau của mọi người hoà nhập vào tiếng kèn của lão Khoái- Tiếng kèn réo rắt tu lên ai oán. Lão Phỏng rỉ tai lão Khi:
- Mẹ kiếp, lão Khoái hôm nay thổi kèn hay vậy, hay hơn cả cha con thằng Lý toét trên làng Hồi.
- Lúc sáng lão ấy bảo chỉ thổi mỗi đám này nữa là nghỉ - Lão Khi nói.
Hạnh dắt con gái đi bên Nghĩa. Giữa tiếng kèn réo rắt bên tai, chị vẫn nghe rõ lời chú Vạn cứ vẳng lên. "Đừng thương hại tao.... Hãy về với thằng Nghĩa...".
Đám tăng ra tới cầu Đá thì rẽ xuống Bến Không Chồng. Hạnh ngước nhìn lên từng gương mặt người làng Đông và hiểu rằng trên đời này chỉ có mỗi mình chị hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chú Vạn.
Dòng người làng Đông lặng lẽ đi chầm chậm, chầm chậm đưa Nguyễn Vạn ra cánh mả Rốt. Những vành khăn trắng nhấp nhô sáng rực lên dưới nắng xuân.

Hết


Xem Tiếp: ----