hía trước tôi là một mảng đen bát ngát và bất động. Tôi chạy ra khỏi những khu rừng dày đặc, bị cái mảng đen ấy hút vào vòng xoáy của nó. Đó là một ngày mưa dầm ở Cung điện Mùa Hè. Con đường nhựa ướt sũng chạy dọc theo kênh đào. Dòng kênh dẫn vào cái mảng đen ấy. Nó là sa mạc, đồng cỏ hay biển? Tôi chạy. Nước mưa đầm đìa trên mặt. Cái áo gió không ngăn nổi nước. Ngực ướt sũng. Trời xám xịt. Hàng cây đen rõ dần và cái mảng đen ấy cũng rõ dần. Đó là biển. Vịnh Phần Lan. Nước biển đen lánh như than đá. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn cái mảng đen mênh mông ấy. Trời thấp. Cung điện ở phía sau lưng, lấp lóa những đài phun nước và những pho tượng thếp vàng ngời sáng. Trong khoảnh khắc, tôi quên Bin Laden. Nhưng khi trở lại Cung điện Mùa Hè thì ông ta lại hiện ra và hỏi tôi vì sao lại đến cái nơi chó chết này. Bọn nhà giàu đã xây dựng cung điện này, những hoa viên này, những đài phun nước này, những pho tượng thếp vàng này…chỉ để phục vụ cái giống đực của chúng. -Nhưng ông cũng là một tỷ phú, tôi nói, ông còn giàu hơn các Sa hoàng nữa mà. -Đúng thế. Tài sản của ta có thể xây vài cái Cung điện Mùa Hè này nhưng ta thích sống trong hang đá. -Đó là vì ông đang lẩn trốn biệt kích Mỹ. Cái bóng của Bin Laden mờ ảo trong mưa bụi nhưng ngón tay trỏ của ông chỉ thẳng vào mặt tôi: -Trước đây ngươi cũng từng lẩn trốn biệt kích Mỹ. Ngươi là một thằng cộng sản mà! -Nhưng bây giờ tôi không phải là cộng sản nữa. -Ta cũng vậy. Trước đây ta theo Mỹ, đã cùng Mỹ thành lập các trường huấn luyện chiến binh Hồi giáo ở Pakistan. Thời kỳ đó, tổ chức của ta đã mở văn phòng ở Detroit và Brooklyn trên đất Mỹ. -Nhưng vì sao ông bỏ Mỹ? -Thời đó ta chơi với chúng vì muốn có một đồng minh đánh đuổi Liên Xô ra khỏi Afghanistan. Khi Liên Xô tháo chạy về nước thì kẻ thù còn lại là Mỹ. Năm 1990 Mỹ đưa quân vào quê hương Ả-rập Xê-út của ta. Làm chủ các mỏ dầu của ta. Và chiếm luôn các mỏ dầu ở Kuwait. Hàng trăm tỷ đô la đã chảy vào túi của bọn tài phiệt Mỹ. Chúng nuôi béo bọn cầm quyền tay sai. Còn nhân dân Ả-rập Xê-út được gì? Và bây giờ chúng làm chủ hệ thống dẫn dầu ở Afghanistan, những mỏ dầu khổng lồ ở Iraq. Vừa chiếm dầu mỏ vừa bán được vũ khí. Sao ta có thể không giết chúng được? Và ngươi biết đấy, Mỹ treo giá 50 triệu đô la cho cái đầu của ta. -Nhưng gia đình ông làm ăn với Mỹ hàng trăm tỷ đô la. Sau khi người của ông tấn công hai tòa nhà WTC thì chính tổng thống Bush đã cung cấp nhiều máy bay để đưa cả gia đình ông rời nước Mỹ an toàn. Thế thì việc treo giá 50 triệu đô la cho cái đầu của ông là thật hay giả? -Đó là chuyện của dòng họ Bin Laden. Ta đã cắt đứt mọi liên hệ với họ. Và họ cũng vậy. -Ông đã xem phim The Kid của Charlot chưa? -Xem rồi. -Người cha là thợ sửa cửa kính. Đứa con dùng đá ném bể cửa kính để tạo công ăn việc làm cho cha. Có người cho rằng Bin Laden và giới tài phiệt Mỹ đã “hợp đồng tác chiến” kiểu hai cha con Charlot. Ông nghĩ thế nào? -Ngươi muốn nói là ta tạo ra những vụ khủng bố để cho giới tài phiệt Mỹ lấy cớ gây chiến tranh, chiếm các mỏ dầu và tiêu thụ vũ khí? -Đúng vậy. Người Mỹ làm bộ ra giá 50 triệu đô la cho cái đầu của ông nhưng trên thực tế có vài lần suýt bắt được ông thì lại để vuột mất một cách khó hiểu. Mùa Đông 2004 biệt kích Mỹ đã tiến hành một cuộc truy bắt ông tại vùng biên giới giáp ranh giữa Pakistan và Afghanistan. Báo chí Mỹ đưa tin: “Các lực lượng Mỹ đã truy đuổi gắt gao Bin Laden khiến tên trùm khủng bố gần như không còn lối thoát và đã tính đến nước cuối cùng là tự sát. Khi đó Bin Laden đã ra lệnh cho các thuộc hạ một khi nhận được mật khẩu thì phải lập tức ra tay giết chết y rồi tự sát, nhằm tránh bị Mỹ bắt giữ. Tuy nhiên, đúng lúc mật khẩu chuẩn bị được phát ra thì các binh sỹ Mỹ lại chuyển hướng truy tìm sang hướng khác khiến Bin Laden thoát hiểm.” Sự thực về chuyện đó như thế nào? -Đó là chuyện bịa đặt. Ta hỏi ngươi câu này: Ta là một tỷ phú, ta có thể sống như một ông hoàng, việc gì ta phải “hợp đồng tác chiến” với Mỹ để phải sống đời gian khổ của một chiến binh? -Một chiến binh? Vậy ông chiến đấu cho một mô hình nhà nước nào? -Có 4 loại mô hình: Loại thứ nhất là chính quyền đế quốc, đứng đầu là Mỹ, chuyên gây chiến tranh để tiêu thụ vũ khí và chiếm tài nguyên của các nước khác. Loại thứ hai là chính quyền bán nước đứng đầu là Ả-rập Xê-út, Kuwait, Iraq. Afghanistan… đem tài nguyên của đất nước mình trao cho Mỹ để đổi lấy địa vị và giàu sang cho gia tộc mình. Loại thứ ba là chính quyền trộm cướp đang lộng hành ở một số nước vùng Đông nam Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Chúng là bọn tham nhũng chuyên nghiệp, ăn chặn tiền thuế của dân, ăn cắp tài sản quốc gia, bòn rút tiền viện trợ, rút ruột công trình để làm giàu cho cá nhân, gia đình và bè đảng của chúng. Loại thứ tư là chính quyền dịch vụ như các nước Bắc Âu, coi việc cai trị như một nghề hái ra tiền. Dịch vụ ấy được giới hạn bởi các nhiệm kỳ bầu cử. Còn ta, hiện nay còn quá sớm để nói về một chính quyền. Nhiệm vụ của ta bây giờ là gieo kinh hoàng cho bọn da trắng để chúng cút khỏi những lãnh thổ của người Hồi giáo. -Ông có chắc là làm được chuyện đó không? -Ta phải làm được. -Tôi nghĩ nếu ông từ bỏ chủ nghĩa khủng bố, lập Mặt trận Giải phóng Ả-rập Xê-út và tiến hành một cuộc chiến tranh du kích thì ông có thể được ngưỡng mộ như Che Guevara. -Ta không cần ngưỡng mộ. Và ta cũng không muốn thất bại như Che Guevara. Hơn nữa đất nước ta không có rừng như Bolivia hay Việt Nam, không thể tiến hành chiến tranh du kích được. Ta không còn chọn lựa nào khác ngoài khủng bố. -Nhưng cách thức tiến hành cuộc chiến của ông quá tàn bạo và bừa bãi. Dân thường chết quá nhiều. Chết gấp mười lần kẻ thù của ông. -Cuộc chiến tranh nào cũng vậy. Ví dụ như hai trái bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản năm 1945. Đa số người chết là dân thường vô tội. -Ông muốn biện hộ cho chính quyền Mỹ sao? -Không. Nhưng ta muốn chứng minh rằng chính quyền Mỹ còn tàn bạo hơn ta gấp ngàn lần. Cái bóng của Bin Laden thở dài. Tôi hỏi một câu cuối cùng: -Người ta đồn ông có vũ khí nguyên tử. Đúng hay sai? Cái bóng mờ dần trong sương mù nhưng giọng của ông vẫn nghe được trong tiếng mưa rào rào: -Bom nguyên tử không có gì ghê gớm. Hai chục triệu đô la một quả, nào có đáng gì! ° Tôi đang ở trong ngôi biệt thự tại một góc nào đó của Saint Petersburg. Chiếc cổng sắt của ngôi nhà dẫn ra cây cầu nhỏ bắc ngang một nhánh của sông Neva. Đã nửa đêm mà tôi không ngủ được. Cái bóng của Bin Laden vẫn ám ảnh tôi. Dường như có một ma lực nào đó dẫn dụ tôi ra chiếc cầu đá đơn độc lạnh lẽo ngoài kia. Cũng không xa lắm. Tôi tựa thành cầu nhìn xuống dòng nước đen thẫm và gần như bất động. Gió từ cửa sông thổi tới, lạnh buốt. Gió làm tôi tê dại, tâm thức tôi mù mịt, tăm tối. Tôi đã hình dung chuyến đi Saint Petersburg sẽ rất hào hứng, rất thú vị nhưng dường như ngoại giới đã đổi khác. Bin Laden đã làm hỏng cuộc hành trình của tôi về thành phố huyền thoại này. Lòng tôi trĩu nặng, xót xa. Lúc sáng sớm tôi đi một mình trên đường phố vắng ngắt và sũng ướt, tôi thấy mình xa lạ và tự hỏi tại sao mình lại ở đây? Cái thành phố cổ kính xinh đẹp và nổi tiếng này mang ý nghĩa gì? Trước những quyền lực láo xược và ngạo mạn đang thống trị hành tinh này, trước bom đạn, tù đày và đói rách, trước những bữa tiệc tanh tưởi của lũ ruồi nhặng… thì những tác phẩm nghệ thuật đang bày trong viện bảo tàng Hermitage kia không còn ý nghĩa nữa. Chúng trơ trẽn trong một thế giới bạo ngược, dối trá và rỗng tuếch. Chúng vô nghĩa trong một hành tinh ma quỷ. Mặt nước đen phía dưới đang nhìn tôi bằng con mắt chế diễu. Con mắt từng trải của dòng sông Neva đã chứng kiến ngàn năm binh lửa, ngàn cuộc đổi thay, ngàn trò hề nhảm nhí. Dòng sông đang dừng lại, đang ngạc nhiên khi thấy có con người bé nhỏ hèn mọn và cô độc kia đang ôm nỗi tuyệt vọng lạnh buốt của mình.