Có rất nhiều lời đồn đại xung quanh cái chết của Ba Nửa, trong đó có lời đồn thổi về lới nguyền của ngôi cổ mộ, lời đồn này cũng có cái lợi là làm đám dân đen thấp cổ bé họng, đám đầu trộm đuôi cướp hoảng sợ mà tránh xa. Lần đó viện cớ không có tiền, vợ Ba Nửa không chịu làm cúng thất, DK xã đành phải cùng nhau làm một bàn tiệc nho nhỏ để cúng cho hương hồn Ba Nửa khỏi tủi thân. Bàn tiệc làm ở nhà Chín Cò, hôm đó hầu như có mặt đông đủ nhưng giữa chừng Sáu Ri cáo việc phải đi. Khi tất cả đã ngà ngà, vợ Chín Cò cất tiếng ca một bài “tân cổ giao duyên”:
“Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu Như sống lại hồn Cao Văn Lầu Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son Một thời để nhớ ngày đó xa rồi… Bên nước mặn biển cho muối nhiều Bên nước ngọt phù sa vun bồi Bạc Liêu đưa ta tới thăm đồng lúa trải ngàn khơi Cò bay thẳng cánh nhìn mỏi mắt người…” ……………………………………………… Đang vui vẻ nhậu nhẹt, cười nói ca hát ồn ào, bỗng nhiên Bảy Bụng đứng dậy chỉ ngay mặt Chín Cò “mày đừng tưởng có tiền là mày ngon, mày chỉ là cái con củ c…” – giữa bàn nhậu đông đủ chiến hữu, quan khách lại bị chửi một cách lãng xẹt, Chín Cò quê mặt, y cũng đứng dậy chỉ ngay mặt Bảy Bụng “mày đúng là cái thằng ngu…đm…mày càng liếm đít Sáu Ri mày càng ngu, tao nói cho mày biết…cỡ mày chưa đáng xách dép cho tao” – “… mày đừng tưởng mày tâu mày hót, mày rình mày rập là làm tao sợ, cỡ mày chỉ đi rình được mấy con đàn bà… có ngon ra giữa sân chơi với tao…” – Bị chửi đúng vào chỗ nhột, nghe “búp” một cái, Chín Cò cầm luôn chai rượu đập thẳng vào đầu Bảy Bụng, may mà Út Thứ đưa tay ra đỡ được, lúc này Hai Đụi cũng đứng dậy, dù sao thì y cũng có quá khứ, cái quá khứ đó tuy chẳng là cái đinh gì nhưng cũng làm đàn em phải kiêng nể “các chú nể mặt anh thì im hết… hôm nay là cúng thất của anh Ba mà các chú làm lung tung thế thì coi sao được? anh đề nghị chú Bảy với chú Chín yên lặng, thằng nào uống được thì uống tiếp, còn không uống nổi thì về… không được cãi nhau làm anh em mất đoàn kết…”
Chín Cò tuy làm ra vẻ lốp xốp như vậy nhưng thật ra y rất nhát… còn Bảy Bụng thì được dịp không có Sáu Ri, làm bộ bộc phát chửi tứ tung cả lên chứ thực ra y còn nhát hơn cả Chín Cò nữa. Tư Thăng nãy giờ lầm là lầm lỳ, chuyện hai thằng tay sai ghanh ghét nhau đâu có gì là lạ…nhưng y cũng khều Út Thứ kêu nó ca tiếp vài bài hát cho không khí bớt căng thẳng.
Út Thứ vén mái tóc xoăn lòa xòa trước trán, nốc luôn một ly “xoay chừng” rồi cất tiếng ca, bài ca nghe thật ảo não:
…………………….. “Ai nhớ chăng ai … Ai nhớ chăng hôm nào Hôm nào mưa rớt trên sông dài Bên cầu em tiễn anh một chiều Chiều chia ly còn chưa phai Trời buồn khóc giùm duyên ai Giọt lệ tuôn ngắn dài…” …………………………….. Lúc bấy giờ trời đã chiều lắm rồi, mặt trời đã khuất sau cánh đồng, một vài gia đình đang nổi lửa đốt rơm, khói bay lên nghi ngút, không biết hương hồn Ba Nửa có đến dự tiệc hay sao mà bỗng một ngọn gió từ ngoài sông thổi về mang theo làn hơi lành lạnh và nỗi buồn man mác…
Chim sẻ về tất phải vào mùa hè.
Mùa hè cây Gạo nở hoa đỏ rực cả một vùng, Quýnh khèo đã lớn rồi mà vẫn thích theo đám con nít trong làng nhặt hoa gạo rơi như ngày nào. Trong tiếng ve sầu kêu ra rả, cái ánh nắng rực rỡ làm gương mặt cô Quý ửng hồng phơn phớt...
Lần đào ấy chỉ có Cả Quận và mấy đứa cháu trong nhà, sâu xuống “trụ” hơn chín mét thì thấy có cát đen, xuyên qua lớp cát đen thì gặp một phiến đá màu đỏ bầm, dưới phiến đá là ba cái chum sành.
Đó là chuyện sau này nghe Tư Hường kể lại.
Thế đất đó theo Tư Hường là cái thế “Chu Tước trấn Huyền Vũ”. Nếu hôm khởi sự đào trong bầy chim sẻ bay về có con chim sắc đỏ thì phước đức nhà Cả Quận vẫn còn, có thể đào thấy của. Còn hôm đó mà trong đàn chim sẻ không có con sẻ sắc đỏ thì xem như âm đức nhà Cả Quận đã tận, dù đào banh cả mảnh vườn cũng sẽ chẳng thấy gì.
Xem ra số Cả Quận cũng không đến nỗi…
Nghe nói sau này Quýnh khèo tự nhiên bớt khùng, nó lấy được vợ và có một đứa con trai, chỉ tiếc là lúc đó thần chết đã đến rước Cả Quận đi rồi nên ông ta không được thấy điều may mắn đó.
*
Hôm nay đã là ngày thứ chín từ khi phát hiện ra cái mả cổ, nhưng tính ra mới khở sự đào có ba ngày, vậy mà biết bao nhiêu việc đã xảy ra.
Đây là một ngôi mộ của người Hoa… nghe đâu còn có câu “nơi nào có mồ mả của người TQ thì nơi đó là đất của người TQ”. Nếu đào một cách bài bản, quy củ thì e rằng phải mất bốn tháng, mà nhân lực tối thiểu cũng phải là hơn hai mươi người, không đủ thời gian và tiền bạc cho điều này. Cần phải chạy đua với thời gian vì đã thấy khá nhiều kẻ lạ mặt lảng vảng, nếu thiên hạ không ngán Sáu Ri thì e rằng nơi đây đã thành bình địa từ lâu…
Nếu là mộ song táng thì mộ phía đông chắc kết cấu cũng phải giống mộ phía tây, vì thế Tư Hường cho đào giống y hệt đường đào của bọn Huỳnh Đỏ. Nhưng không có máy khoan đá thì không thể xuyên qua lớp đá ong dày cả thước nổi. Đành phải đào theo đường bao để tìm cửa, điều này cũng khá dễ vì đã có phiến đá thạch anh để định vị. Phiến đá này tuy vỡ nát nhưng cũng có thể nhận định nó nằm phía trên ngôi mộ, sau đó do thời gian cát dần dần đẩy nó trôi xuống dưới. Không dè cửa ngôi mộ lại nằm dưới gốc một bụi gai dại rậm rạp. Sau khi phát sạch bụi gai và đào sâu xuống hơn hai mét cát thì lộ ra một tấm bia đá màu đỏ hồng, bề mặt đã mòn hết cả không còn đọc được gì. Tấm bia bên ngôi mộ bên kia chắc cũng như vậy vì dân đào mộ đại kỵ đụng đến bia của người chết.
Cuối cùng cũng tìm được cửa vào ngôi mộ, nó nằm sau tấm bia hơn ba thước và sâu xuống cát cũng độ ba mét.
Chặn cửa là một phiến đá to, phía trên có khắc một cái hình bằng lòng bàn tay, lâu ngày quá cũng chỉ còn thấy mờ mờ.
Tư Hường cứ ngần ngừ nhìn cái hình, không biết y đang lo lắng điều gì?
Những ngôi mộ hoang thường chứa nhiều bí ẩn, những ngôi cổ mộ còn ẩn chứa nhiều điều phi thường hơn nữa. Cái điều xui xẻo nhất đã diễn ra, đó chính là phíến đá thạch anh bị băm nát, nếu biết được trên đó có khắc gì thì cũng có thể tránh được nhiều chuyện. Cái cửa đá này lâu ngày nên nó dính chắc vào thành mộ như liền một khối muốn mở ra cũng không phải là chuyện dễ. Đó là chưa kể cái kết cấu ba lớp đá dày cả thước và cát hầu như bao phủ ngôi mộ làm cuộc đào vô cùng khó khăn.
Tối hôm đó ngồi uống trà trong cái lều dựng tạm ngay bên cạnh ngôi mộ chỉ có ba người là Tư Hường, ĐHC, Lý Thông, bất ngờ Tư Hường nói “có thể đây chỉ là một ngôi mộ giả, bên trong có quan tài nhưng chưa chắc đã chôn người chết.” – “sao anh lại có ý nghĩ đó?” – “Vì cái hình khắc trước cửa ngôi mộ.”
Tư Hường nói tiếp “chú có biết ở bên Miên tượng Phật có bốn mặt còn Quỉ chỉ có ba mặt không?” – “ tôi thấy tượng Phật bốn mặt rồi còn tượng Quỷ ba mặt thì chưa thấy” – “vì những người thấy nó đều khó thoát khỏi cái chết bất đắc kỳ tử” – “ vậy anh nghĩ cái hình mờ mờ đó là hình mặt quỷ?”– “e rằng điều đó là sự thật” – “vậy phiến đá thạch anh đó cảnh báo điều gì?” – “ngôi mộ cổ này thật là kỳ lạ, bên ngoài nhìn vào thì giống như mộ người Hoa, nhưng lại khắc hình kiểu người Miên, chắc người trong ngôi mộ này lúc còn sống có một liên hệ nào đó với các pháp sư người Miên, chỉ tiếc là những dòng chữ lâu ngày quá bị mòn hết cả, có khi nó được khắc chữ Phạn cũng chưa biết chừng” – “Ngôi mộ này của người Hoa, không lẽ họ lại trấn yểm theo kiểu người Miên?” – “Chỉ vòng đai bên ngoài thôi, chủ yếu là để đánh lạc hướng, còn bên trong thì chắc là họ lại yểm theo cách khác, cái khó chính là ở chỗ đó, dù như thế nào thì cũng vẫn phải tiếp tục, có tận nhân lực thì mới tri thiên mạng…”
Từ trong lều nhìn ra bầu trời đêm lấp lánh sao, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió thổi vào những rặng dừa xào xạc, đồng quê dường như vang lên khúc nhạc hân hoan…Ngôi cổ mộ đã ló ra một phần, cái bóng đen sì sì càng trở nên kỳ bí. Thông thường mộ song táng thường có hai cỗ quan tài đặt cạnh nhau. Riêng khu mộ này lại có hai ngôi mộ được xây sát nhau, giống nhau y hệt ở phần bên ngoài, còn bên trong thì chưa thể xác định được. Nếu là một ngôi mộ giả thì có thể có hai trường hợp, một là cả hai ngôi mộ sẽ có quách, nhưng bên trong là cái gì đó chưa biết, hai là một bên mộ sẽ chôn người, bên còn lại sẽ là thứ khác… Vẫn chưa hiểu được là tại sao mấy tay Đài Bắc đã biết được kết cấu của ngôi mộ nhưng lại không thấy đào ngôi mộ phía bên này? Cũng có thể là họ chưa kịp đào đến thì đã mạng vong rồi, nếu thế thì lời nguyền của ngôi cổ mộ phải ghê gớm lắm…
Đục suốt hai ngày không nghỉ thì mới qua được lớp cửa đá đầu tiên, đến đây thì tai họa lại giáng xuống. Lần này là một người chắng dính gì đến chuyện này, đó là một người đàn bà nhỏ bé, hiền lành, một bà giáo… nhưng bà giáo đó lại là vợ của Tư Hường, bà ta đang khỏe mạnh bình thường bỗng tự nhiên lăn ra chết, chẳng có một lý do gì cả?
Đã nhiều năm nay chẳng mấy khi Tư Hường ở nhà, y bôn ba khắp nơi, có điều vợ chồng thì vẫn là vợ chồng, nghĩa tử là nghĩa tận, vợ chết cũng là đại tang… Y nói với ĐHC và Lý Thông “Đang có đại tang thì đại kỵ đào mộ, nếu cố sẽ làm chết lây cả đám, nên hai chú thay anh tiếp tục, có điều khi tiến vào trung tâm ngôi cổ mộ phải cố tìm một người tuổi Rồng, người đó sẽ phải vào đầu tiên, nếu không làm đúng điều đó thì có thể sẽ phải trả giá thêm nữa…”
Tư Hường nghỉ rồi thì cuộc đào càng trở nên căng thẳng, Hai Đụi bình thường nói nhiều nhưng lúc này cả ngày cũng không nói một câu, Bảy Bụng, Tư Thăng còn đòi ở lại ban đêm canh gác.
Phải mất thêm hai ngày nữa, tức là đến ngày thứ mười ba kể từ lúc phát hiện ra phiến đá thạch anh thì đục đến được lớp trong cùng, phải dùng cả vài chục tấm tôn để chắn và che xung quanh không cho cát tràn xuống và dân hiếu kỳ dòm ngó. Trong đám DK xã té ra Út Thứ lại là người tuổi Rồng, như vậy khi đục thủng lớp đá cuối cùng, người xông vào đầu tiên sẽ phải là Út Thứ.
Ngày xưa khu vực này chắc là một đầm lầy mênh mông, việc vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng chắc là cực kỳ khó khăn, vậy mà người xưa đã xây một ngôi mộ quy mô như vậy, nếu không phải là một ngôi mộ giả để chôn kho báu thì nhân vật nằm ở đây chắc là một người không phải tầm thường, cần phải phòng ngừa sự trấn yểm là lẽ đương nhiên. Trước khi đục lớp đá cuối này, Lý Thông bày một mâm cỗ cúng bao gồm nhang đèn, vàng mã, rượu, heo quay, trái cây…Nhìn gương mặt trầm trọng của y, bất giác nhớ lại hôm qua bỗng nhiên Lý Thông nói “kiểu chết của một người ít nhiều đều bắt nguồn từ kiểu sống của họ” – im lặng một lúc y nói tiếp “không phải lúc nào cái chết cũng là một điều xấu…” – Xem ra y đã chuẩn bị tinh thần rất chu đáo, nhìn cái cách cắm ba cây nhang vào cái lư hương có thể ngầm hiểu nếu lời nguyền là có thực thì Lý Thông đã sẵn sàng…
Riêng Tư Thăng thì có vẻ xem thường điều này, suốt quá trình đào ngôi mộ, y bắt được cả thảy hơn mười con rắn hổ mây trong mấy khe cát, những con rắn đó đều bị hành hình bằng cách treo cổ lên cây cả. Đào đến tầng cuối này thì lại càng phải coi chừng rắn độc, nhất là rắn Hổ mang chúa hay rắn Chung đầu đỏ đầu đen, chỉ cần bị cắn một phát là chết không kịp đi ba bước.
Lớp đá trong tầng cuối cùng này cứng khủng khiếp, đến ngày thứ mười bảy mới đục thủng qua được, lúc này phải lấy một khúc xạ mực ra để trong một cái chén sành, sau đó châm lửa đốt… một mùi thơm tỏa ra sực nức cuộn sâu vào trong cổ mộ, mùi thơm này có tác dụng diệt khuẩn cực mạnh, sẽ diệt sạch mọi vi trùng đến từng ngõ ngách, xua đuổi rắn độc, côn trùng độc… Đàn bà có thai tuyệt đối không được ngửi mùi này vì nó sẽ làm sảy thai ngay lập tức. Ngoài ra nó còn có một tác dụng vô cùng quan trọng là kỵ tà khí, âm khí và cũng có thể vô hiệu “thần giữ cửa” trong một thời gian.
Sau khi Út Thứ xông vào thì tất cả mọi người cũng lần lượt tiếp bước. Khó có thể tả được cái cảm giác khi đứng ở khu trung tâm của ngôi mộ, mùi thơm của xạ hương vẫn còn lan tỏa, trải qua nhiều năm sao nơi đây không hề có đến một hạt bụi, bóng tối lan trùm khắp nơi, cái đèn cầy leo lét không đủ để tỏa sáng. Trong cái ánh sáng mờ ảo đó vẫn có thể thấy thấp thoáng trên vách có khắc chìm hình núi non, cây cỏ, hình chim với các hoa văn mây… phía dưới nền lát một loại gạch hay đá gì đó màu nâu đen, rõ ràng là kiểu thức của người Hán. Bốn góc đều có bốn cái bệ, trên có bốn cái trụ có khắc hình gì đó nhìn không rõ lắm. Ngay giữa ngôi mộ là một cái quách to và dài hàng mấy mét, cao ngang tầm người bằng đá cẩm thạch xanh, dưới cái ánh đèn cầy nom thật lạnh lẽo và quỷ dị. Đặc biệt phía trên nắp lại đặt một viên đá vuông đen sì… hình như trên viên đá còn có dấu vết của một cái gì đó…?
Lúc đó tất cả mọi người không ai bảo ai đều sững sờ yên lặng…
Những gì mà con người không tự quyết định được thì gọi là định mệnh... Vài ngày sau đó Út Thứ đi ruộng đâm cá lóc, đến nửa đêm thì nó cảm thấy mệt mỏi nên leo lên bờ kinh ngồi nghỉ. Út Thứ móc trong người ra một vật giơ lên ngắm nghía, dưới ánh trăng vật đó dường như chói sáng… thì ra đó là một tấm phù bằng ngọc phỉ thúy trắng… một tấm “Bạch Hổ Phù” khắc hình cái đầu con hổ đang nhe nanh nom vô cùng dữ tợn.
Tư Hường đã có nhắc đến tấm phù này, nhưng lúc vào trong lòng ngôi mộ thì lại không thấy, y nói rất rõ “bên ngoài tuy có hình mặt quỷ nhưng bên trong khả năng sẽ có hình bạch hổ”, vì thế mà cần phải có một người tuổi Rồng vào đầu tiên, đó là cái thế “Thần Long trấn Bạch Hổ”.
Sở dĩ không ai thấy tấm linh phù vì khi vào Út Thứ đã nhanh tay lấy trước,… ai là kẻ đã nói cho nó biết về tấm phù này? Đây là một khu mộ song táng, nên chắc mộ bên kia cũng phải có một cái tương tự… cái đó hiện đang nằm trong tay ai vậy nhỉ?
Trong màn đêm đen thẫm bỗng có một cái đầu trọc lóc ló ra, cái đầu trọc lóc với đôi mắt trắng dã, khoác cái áo cà sa màu vàng. Út Thứ giật mình nói hoảng “Sơn Chùa, mày chưa chết à?” – Sơn Chùa bây giờ đã biến hình thành một Thầy Chùa thật sự, y nhe hàm răng sún ra nhăn nhở “có người nhắn tao muốn lấy cái đó thì đến kiếm mày, không ngờ đúng thật, mày cũng là tay khá đấy!” – nhìn tấm phù sáng trắng trong tay Út Thứ, bỗng Sơn Chùa cười lên sằng sặc “tao vào sinh ra tử, đánh biết bao nhiêu trận, cỡ thằng ĐHC mà còn chưa chết thì tao làm sao mà chết được?” – Út Thứ quờ tay định cầm lấy cái chĩa, nhưng cái chĩa đó đã nằm trong tay Sơn Chùa rồi… chỉ nghe “phập” một cái, Sơn Chùa ra tay nhanh hơn chớp giật, Út Thứ làm sao mà đỡ nổi, mũi chĩa cắm ngập vào cổ Út Thứ hất nó văng tuốt xuống dưới mương nước. Tấm phù trong nháy mắt đã lọt vào tay Sơn Chùa, nghe nói ai có được cặp “Bạch Hổ Phù” thì sẽ có một quyền năng vô hạn...
Dưới ánh trăng vàng lung linh ma quái, bóng Sơn Chùa đứng sừng sững dường như che khuất cả một góc trời, tấm áo cà sa bay phần phật trong gió… Nhưng Út Thứ đã không còn nhìn thấy cái cảnh đó, một màn đen thăm thẳm đã bao trùm lên nó… Trong cái màn đêm đen thẳm đó bỗng hiện ra một gương mặt sáng ngời với ánh mắt thật là dịu hiền, đó chỉ có thể là gương mặt của một Người Mẹ… giây phút đó Út Thứ bỗng mấp máy môi, nó kêu lên khe khẽ “mẹ…”, lần đầu tiên cũng là lần cuối trong cuộc đời Út Thứ được thấy một gương mặt tuyệt đẹp của người đàn bà với đôi mắt thật dịu dàng và nụ cười hiền hậu như thế…/.