PHẦN THỨ BA
Chương 26

Hồng ốm đã hơn hai tuần lễ.
Chiều nay cũng như mọi buổi chiều, nàng đăm đăm mong Tý đi học về. Từ hôm bà phán thấy bệnh nàng trầm trọng và sợ lây sang hai con, bắt dọn buồng kho ở trên gác cho nàng nằm thì nàng sống cách biệt hẳn mọi người. Một ngày, trừ vú Hà hai lần bưng cơm lên, nàng chỉ còn gặp mặt Tý chiều chiều đem báo hôm trước lên cho nàng, thỉnh thaỏng đến bên giường hỏi thăm.
Trong hai đứa em xưa kia vẫn thù ghét nàng và vẫn bị nàng thù ghét, nay nàng đã được lòng Tý. Có nhiều lúc nàng tưởng Tý yêu nàng nữa: không phải nàng đã lấy lòng Tý để mong được dì ghẻ nghĩ lại mà thương hại nàng hay ít ra để cho nàng được yên thân. Không phải. Sự yên thân nàng chỉ hy vọng ở nàng. Nàng đã nhận thấy, đã hiểu rõ rằng chỉ khi nào chính mình quả quyết để cho mình yên thân thì mình mới yên thân. Sự bình tĩnh của tâm hồn không ai có thể cho mình, cũng không ai có thể cướp của mình được. Nàng còn nhớ một hôm bỗng dưng nàng cảm thấy sung sướng – cái sung sướng hồn nhiên mà người ta thường vụt có. Giữa lúc ấy bà phán thét mắng đầy tớ om sòm, cốt để chửi cạnh nàng và làm cho nàng khổ sở. Nhưng nàng vẫn dửng dưng, như không để ý tới. Như không nghe thấy gì hết. Ngày nay không những nàng không nghĩ để tìm nghĩa xa xôi những câu bóng gió của dì ghẻ mà những lời sâu cay độc địa dì ghẻ nói thẳng vào mặt nàng cũng không làm cho nàng động lòng nữa.
Vậy nàng tử tế với Tý và Thảo là chỉ vì nàng muốnt ử tế, chỉ vì nàng đã nhận thấy khi nào mình tốt, tốt với khắp mọi người, cả với kẻ thù thìmình sung sướng, thì mình bằng lòng mình, thì tự nhiên sự bình tĩnh sẽ thấm sâu vào trí não vào tâm hồn mình. Xấu bụng, ác nghiệt, làm cho kẻ khác khổ sở, mình có được lợi lộc gì đâu! Ðiều ấy, nàng đã nhiều lần nghĩ đến và nay trên giường bệnh, tâm trí nàng nhọc mệt nhưng sáng suốt hơn lúc khoẻ mạnh, càng thấy rõ rệt lắm. Những sự xảy ra, những lời nói, việc làm hằngngày của bà phán và những người sống chung quanh nàng mà trước kia nàng không lưu ý tới, lúc này như bỗng hiện thành hình, tựa cuốn “phim” đem chiếu trên màn ảnh. Vì thế, nàng nhớ lại tường tận những hành vi ngôn ngữ của dì ghẻ, nhớ lại không phải để oán ghét nhưng để nghĩ đến tấm lòng tốt móoi có và sự sung sướng mới có của mình.
Một hôm – Nàng nhớ cả là một hôm thứ ba – nàng giảng cho Tý bài học luân lý “Bổn phận của chúng ta đối với tôi tớ”. Nàng cũng chỉ dịch nghĩa bài chữ Pháp, và thỉnh thoảng chêm một câu thí dụ cho Tý dễ hiểu. Nhưng bà phán đứng ở hiên nghe thấy cho là nàng nói cạnh mình. Tức thì bà bước vào trong phòng, cười mát bảo Hồng:
- Tử tế, dễ dãi quá với tôi tớ để chúng nó bợm đĩ trai gái thì cửa nhà còn ra sao nữa!
Hồng ngưng lại nhìn hai em, rồi dịu dàng nói:
- Em đã hiểu chưa?
Tý nhanh nhẩu đáp:
- Ðã. Chị giảng thế thì ai không hiểu?
Hôm ấy, không những bà phán ghét Hồng, bà còn giận lây cả Tý nữa. Bà gọi con vào buồng để đay nghiến: “ở trường thầy giáo không giảng nghĩa cho mày hay sao mà mày phải nhờ đến cái con trời đánh ấy?”
Hồng mỉm cười khi được Tý thì thầm thuật lại cho nghe lời nói của dì ghẻ! Và bây giờ ôn lại câu chuyện, nàng vẫn không giữ được cái mỉm cười thương hại: “Những kẻ ác, những kẻ xấu bụng không bao giờ sung sướng được. Họ luôn luôn chỉ những chạnh lòng vì tức tối!”
Qua kính cửa sổ, ánh hoàng hôn một ngày đông khô ráo chiếu bóng gợn nước sông Tranh lên trần nhà. Những mầm cầu vồng chạy đuổi nhau. Thỉnh thoảng bóng đen một cái xe tay lướt qua.
Hồng vừa tò mò ngắm nghía cái cảnh tưởng sắp tàn ấy, vừa suy nghĩ miên man đến chuyện đời. Bỗng nàng rùng mình. Một luồng gió mạnh vừa thổi bật mảnh giấy nhật trình dán che lỗ hổng của mảnh kính vỡ. Vội vàng Hồng kéo chăn trùm kín đầu, và nhắm mắt cố ngủ vì nàng đã thức hai ngày và một đêm liền. Nhưng nhắm mắt Hồng càng trông thấy rõ những người, những vật thường gặp và những việc đã xảy ra hằng ngày: Một bàn tổ tâm hiện bật lên như một bức tránh khắc nổi với những màu sặc sở, trong đó cử động ba người đàn bà: bà phán, bà phủ và bà đốc.
Bà đốc! Hồng cố tìm hiểu vì sao bà ta lại ghét mình. Chẳng lẽ vì bạn mà ghét lây con chồng của bạn! Không một lần nào Hồng được bà ta nói với nàng những câu dịu dàng hay thẳng thắn: bà ta không cằn nhằn gắt gỏng thì cũng ý tứ mỉa mai. Và khi nào Hồng bị dì ghẻ mắng hay nói xấu thế nào bà ta cũng đế thêm vào.
Còn bà phủ, Hồng không biết bà ta có những ý nghĩ gì về mình, cũng không rõ vắng mình thì bà ta có xui xiểm dì ghẻ điều gì không. Nhưng chỉ trông thấy cái bộ mặt kín đáo và nghe những câu “quan lớn có xơi không, bà lớn phán bốc hộ xin một cây” cũng đủ khó chịu rồi. Lại cái cười nữa, cái cười hở hai hàng lợi của bgà ta, sao mà ghê sợ thế! Ghê sợ cả cái giọng hời hợt: “Cô Hồng đấy à? Lâu nay cô có đi Hà Nội thăm cô phán Căn không?” Mỗi khi nghe thấy câu hỏi ấy, Hồng chỉ lí nhí đáp lại một tiếng “không” rồi lảng ngay vào nhà trong, để khỏi phải trông thấy cái nhìn chế nhạo của bà đốc và cái lườm dữ tợn của dì ghẻ…
“Ðàn bà!”
Tiếng oán trách ấy tự thâm tâm Hồng thốt ra. Bao nhiêu người đàn bà ghét Hồng như quân thù quân hằn! Thấy nàng qua hai bên phố họ chỉ trỏ. Gặp nàng họ quay mặt đi, có khi họ nhổ bọt nữa. Mà nàng có làm gì họ đâu! Nhiều lần nàng đã muốn bảo vào tận mặt họ rằng: Họ ác, họ xấu, rằng lòng nhân đạo của họ còn đáng bỉ, đáng khinh bằng mấy tính lẳng lơ của nàng nếu quả thực nàng lẳng lơ như họ tưởng hay cố ý tưởng thế.
Nàng chẳng rõ bọn đàn ông có khinh bỉ nàng không. Mâý ông trưởng phố gặp nàng vẫn lễ phếp chắp tay chào. Còn ông giáo Huyến thì thoáng trông thấy nàng là cất mũ ngả đầu và nhoẻn miệng cười tình. Có lẽ sắc đẹp của nàng đã làm cho họ cảm động mà không dịp nghĩ đến “nết xấu” của nàng chăng? Vì không bao giờ nàng tin được rằng họ có lòng trắc ẩn. “Mình thử xấu ngưòi xem họ sẽ cư xử với mình có ác gấp mấy bọn đàn bà không?”
Hồng nghĩ đến một việc xảy ra năm trước: một thiếu nữ, một đêm trăng, nói chuyện với tình nhân ở trong sân trường nữ học, bị bọn đội xếp và viên quản phố bắt giải phủ. Mãi sáng hôm sau cha mẹ người khốn nạn mới vào được phủ xin con về.
Hồng khúc khích cười trong chăn: “ở đây sao mà người ta trinh tiết đến thế!”
Bên phồng ông phán, bà phán có tiếng động mà Hồng nhận ngay được là tiếng giầy lê gót của dì ghẻ. Từ hôm nàng ốm, đã hai lần bà phán vào buồng thăm nàng, mỗi lần hỏi được một câu: “Thế nào hôm nay có đỡ không!” Nàng chỉ lo bà lại thăm một lần thứ ba nữa. Nàng lắng tai chú ý, và vui mừng sung sướng khi nghe tiếng giầy thong thả xuống thang gác.
Một lát sau, nàng hé chăn ra nhìn: trời sắp tối. Những làng và ruộng ở bên kia sông đã lờ mờ bằng phẳng trong ánh chiều ta. Trên sông mấy cột buồm cao. Hồng toan ngồi dậy để ngắm mặt nước sông, thì chợt nghe có tiếng giầy rón rén ở phòng ngoài. Ốm, nàng thính tai hơn lúc khoẻ và nhiều đêm khuya nàng nhận được cả tiếng róc rách se sẽ của nước sông Tranh mà nàng ví với tiếng thì thầm trò chuyện.
Hồng sợ hãi nghĩ đến Thảo: dì ghẻ thường sai Thảo dọ thám nàng, nàng vẫn biết. Ðã bao lần nàng nghe thấy động ở cửa buồng và tưởng như trông thấy con mắt đen láy của Thảo dòm qua lỗ khoá.
Bổng cánh cửa từ từ mở. Hồng vội hỏi:
- Ai đấy?
Tiếng Tý đáp:
- Em.
Hồng mừng rỡ:
- Em đấy à? Sao hôm nay em đi học về trễ thế? Em có cầm báo lên cho chị đấy chứ?
- Có, nhưng tối quá rồi, chị xem sao được? Hôm nay em đi đá bóng nên về muộn.
- Thế à? Cám ơn em nhé! Chốc có đèn, chị sẽ xem.
Tý ngồi xuống thành giường, hỏi:
- Chị có đỡ không?
- Cũng dễ chịu vì hôm nay không lên cơn.
- Dễ thường bị sốt rét cách nhật.
- Chính thế, chứ còn dễ thường gì nữa. Mà chắc chắn làpaludisme.
Tý suy nghĩ:
- Paludisme là sốt rét rừng, phải không chị?
- Phải đấy, em ạ.
Nhưng ở đây có rừng đâu mà chị mắc bệnh ấy?
Hồng cười:
- Gọi sốt rừng cho tiện chứ ở đâu cũng có thể mắc được. Giống muỗianophèle mang bệnh đi khắp các nơi.
Tý yên lặng kính phục nền học vấn và sự biết rộng của chị.
- Bài tính của em đã chấm chưa?
- Ðã. Cả lớp có mỗi mình em làm đứng.
Hồng cười:
- Thế à? Khá nhỉ!
Tý cũng cười:
- Chị làm hộ em, chị còn khen. Bài tính khó quá.
- Có chuyện gì lạ không, em?
- Không.
Tý trả lời lơ đãng vì còn mãi nhìn quanh phòng, để tìm xem gió thổi từ đâu vào.
- Ở đây lạnh quá, chị ạ.
- À, chị quên bẵng đi mất, chị đương mong em về để nhờ em dán lại hộ chị tờ giấy kia bị gió thổi rách.
- Ðâu chị?
- Ở cửa kính ấy.
Tý đứng dậy:
- Ðược, để em dán. Hồ đây rồi.
Tý móc túi lấy ra một miếng keo, giơ lên khoe chị Hồng cười vui vẻ:
- Rõ tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn!
Tý đổ ra đĩa ít nước, còn thừa ở trong cái chén đặt trên mặt hòm, rồi vừa chấm keo phết vào khung kính vừa nói
- Hôm nay em nhận được thư của anh Yêm. Anh Yêm cũng biết chị ốm, dặn em phải chăm nom chị.
Hồng cảm động ứa nước mắt, nằm im lặng nhìn Tý:
- Chốc nữa có đèn em sẽ đưa cho chị xem thư… Có lẽ lễ Noel anh yêm cũng về…
Nghe thấy tiếng giầy bà phán lên gác, Tý ngưng bặt giơ tay làm hiệu trỏ bảo Hồng. Nhưng Hồng không trông thấy gì, không nghe thấy gì, tâm trí liên miên nghĩ đến bức thư của Yêm.
Dán xong, Tý lại ngồi xuống thành giường thì thầm:
- Mẹ lên đấy… Thôi em xuống nhà.
Tý đã vặn quả nắm cửa, còn quay lại bảo Hồng:
- Hôm ấy em gặp chị Thêm. Chị ấy nói đã hai lần đến thăm chị, nhưng vú Hà đều bảo chị ốm và không cho lên.
- Thế à?
- chị ấy nói chị ấy đến đưa trả chị cái gì ấy chả biết. Em bảo cứ đưa cho em, nhưng chị ấy không đưa.
Hồng nghĩ ngay đến Lương. Từ ngày xảy ra câu chuyện bỏ nhà ra đi, nàng đã nhận được hơn hai chục bức thư của Lương, bức nào cũng nồng nàn tình yêu. Trái lại những bức thứ phúc đáp của nàng, lời văn bình tỉnh, thản nhiên tuy vẫn thân mật, cái thân mật của người bạn đối với một người bạn: Nàng chỉ còn coi Lương như một người bạn khổ sở. Nàng không còn oán trách Lương, vì biết rằng hai người không lấy được nhau lỗi không phải ở Lương.
- Chắc lại thư của anh Lương chứ gì, em ạ.
- em cũng tưởng thế.
Hồng không giấu giếm Tý, có khi lại đọc thư của Lương cho Tý nghe. Hiểu tình cảnh Hồng, Tý càng thương chị.
- Em cầm cái giấy này đưa cho chị Thêm, chị ấy sẽ trao thư cho ngay.
Vừa nói, Hồng vừa cầm bút chì nguệch ngoạc mấy chữ lên một mảnh giấy rồi đưa cho Tý.
- Thôi em xuống nhà, bảo vú Hà bưng cơm lên chị xơi nhé.
- Ừ, em xuống nhà. Nhưng đừng bảo gì cả thì hơn.
Nằm lại một mình, Hồng nhìn qua cửa kính ra cảnh trời gần tối hẳn: Lác đác, nhấp nháy vài ba ngôi sao, ánh sáng lờ mờ ra run run.