Giai Thoại 27
LÝ CÔNG BÌNH MẤT CÔNG TRẠNG

     ầu năm Mậu Thân (1128), nghĩa là ngay khi vua Lý Thần Tông vừa mới lên ngôi, nước ta bị Chân Lạp, đem quân đến quấy phá. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 30 a - b) cho biết rằng, ngày Giáp Dần (tức ngày 29 tháng 1), hơn hai vạn quân Chân Lạp tiến vào đánh phá ở bến Ba Đầu của châu Nghệ An. Vua Lý Thần Tông sai quan nhập nội thái phó là Lý Công Bình cầm quân đi đánh giặc. Ngày Quý Hợi (tức ngày 3 tháng 2), Lý Công Bình đã đánh bại quân Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được cả chủ tướng của chúng và rất nhiều quân lính. thắng trận xong, Lý Công Bình lập tức cho người đưa thư về triều báo tin. Cũng sách nói trên (tờ 31 - a) chép rằng:
“Thư báo tin thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư. Ngày Mậu Thìn (tức ngày 15 tháng 2 - ND), Vua ngự đến hai cung Thái Thanh và Cảnh Linh cùng các chùa quán trong thành để làm lễ tạ ơn Phật và Đạo đã ngầm giúp cho Công Bình đánh được người Chân Lạp.
Lê Văn Hưu nói: Phàm việc trù tính ở trong màn trướng đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp vào cướp ở châu Nghệ An và sai người báo tin thắng trận, Thần Tông đáng lẽ phải làm lễ cáo thắng ở Thái Miếu rồi xét công ở triều đình để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc, đàng này lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công và cổ vũ chí khí của quân sĩ."

Lời bàn:

Lý Công Bình vui nhận mệnh vua mà đem tướng sĩ đi đánh giặc, cũng có thể nói là trung thần. Công Bình xuất quân chỉ mới được mấy ngày đã có tin thắng trận báo về, cũng có thể nói rằng ông là người có tài làm tướng. Thưởng người có công, trị người có tội là lệ thường của mọi thời. Tiếc thay, Lý Công Bình chẳng được hưởng sự công bình, bởi vua u mê, cái gì cũng cho là trời Phật làm nên chứ chẳng phải sức người. Sau, đến năm Đinh Tị (1137), ông lại phải thêm một phen cầm quân đi đánh Chân Lạp ở Nghệ An, nhưng cũng chẳng thấy sử chép Nhà vua thưởng gì cho ông. Lý Thần Tông mất năm 1138, thọ 22 tuổi. Diễn đạt theo cách nghĩ của chính Nhà vua lúc sinh thời, thì cũng có thể coi đó là điềm lành cho xã tắc vậy.