Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 26

 
1980

Thuốc bắc không chữa được cái chân nhiễm trùng của bà tôi. Trong suốt hai năm trời, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng sức khoẻ của bà tôi cứ tiêu mòn đi cho tới khi bà không còn bước ra khỏi giường được nữa. Một buổi sáng chúng tôi nặn mủ vào một cái chậu. Ban đêm, tiếng niệm Phật của bà và tiếng lách cách của móng tay va chạm vào những viên tràng hạt vang vọng trong tai chúng tôi. Ông thầy lang gợi ý là bà tôi phải đem chân đi cưa tại bệnh viện thành phố. Nhưng thuốc men thì khan hiếm, khi kiếm ra thì lại qúa đắt mà bệnh viện cũng chỉ chữa chạy sơ sơ thôi, vì vậy bà tôi đành cứ nằm ở nhà chờ chết.

Một buổi trưa, mẹ tôi dẫn tôi đi vô rừng, nằm ở phía bên kia núi. Lần theo con đường mòn có cây cỏ mọc tràn ra, chúng tôi đi đến mấy tiếng đồng hồ cho đến khi gặp một khoảng đất rộng, chính giữa mọc một cây xoay cổ thụ..... Những rễ nhánh của nó từ các cành mọc chìa ra, thòng xuống đất nom như những lọn tóc. Trên mặt đất tràn đầy trái xoay có vỏ màu đen và mịn như nhung, rải ra như một tấm thảm sa tanh, khi bước chân tôi dẫm xuống, chúng bể ra, tạo thành những tiếng lép nhép. Mẹ tôi trỏ tay lên cao, và theo tay chỉ của bà, tôi thấy một cái chòi bằng tre treo tuốt trên ngọn cây nom như một cái tổ chim. Đó là nơi cư ngụ của ông thầy lang, một thầy pháp đã tạo dựng được tiếng tăm trong đám dân cư nghèo bằng những pháp thuật kỳ quái.

Trong rừng, trời mau tối. Vì chúng tôi không được mời lên chòi nên đành tam. ngủ qua đêm trên mặt đất bên cạnh cây cổ thụ với những nhánh rễ chằng chịt. Trong bóng đêm ma quái của rừng sâu, ánh sáng từ ngọn đèn dầu lắc lư khiến cho cái chòi của ông thầy pháp sáng lên như một hộp diêm quẹt, giữ cho những loài thú hoang không lảng vảng đến gần.

Sáng hôm sau, chúng tôi đón thầy pháp về nhà và đưa lão ta vào phòng của bà ngoại tôi. Thoạt trông thấy bà tôi, lão gìà hấp him mắt nhìn với vẻ tò mò. Rồi lão bảo mẹ tôi cột hai tay của bà tôi vào cọc giường để chuẩn bị cho cuộc giải phẫu. Đoạn lão dùng một con dao bén làm bằng xương đùi người ta rạch lên chân bà tôi. Một vòi mủ lẫn với máu vọt ra, phun cả lên mặt lão. Lão nốc một ngụm rượurồi phun lên khắp chân của bà tôi. Sau đó, giống như ma cà rồng, lão chộp lấy chân bà ngoại, mút máu mủ và nhổ ra cái chậu để ở dưới. Rồi lão ta lại hút và lại nhổ trong suốt hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng, lão đã hút sạch sẽ vết thương của bà tôi. Nhẹ nhàng, lão đặt chân bà tôi xuống giường, vẻ mặt thoả mãn, rồi ngôì xuống đất. Đoạn lão nói với mẹ tôi:

- Xong rồi. Má cô sẽ khỏi. Nhưng mà không còn đi được nữa.

Lời nói của lão thầy pháp thế mà đúng. Vết thương khủng khiếp của bà tôi sau vài tuần lễ đã lành lại, nhưng cẳng chân thì khô đét như một que củi, bầm đen và vô tri gíác. Tuy thế, căn bệnh ung thư lại lan vào nội tạng. Vào những ngày cuối của cuộc đời, bà tôi chỉ nằn trên giường, qua cửa sổ, đăm đăm nhìn vào khoảng không. Giống như một phần tâm trí của bà đã ra đi trước khi cơ thể của bà lâm chung.

°°°°

Tôi đã kiếm được việc làm sau giờ học, khiêng cá từ bến cảng vào chợ. Còn thằng Jimmy thì đi vô rừng đốn củi. Vì vừa phải làm việc, vừa trông nom bé Ti, nên trưa nào tôi cũng cột nó vào một cái cọc ở gần bờ biển, mặc cho nó khóc lóc van xin. Ở tuổi lên năm, bé Ti chậm hiểu và gầy còm. Để nó một mình trên bãi cát, tôi hoà vào đám đông toàn con nít ở bến tầu để chờ đợi những thuyền đánh cá trở về.

Sau khi được một chủ thuyền mướn, tôi chạy xuống mạn thuyền, Ở đó, cá đã được chất đống đầy ngập sap.. Một ngư phủ xúc những con cá vào một cái thúng sơn dầu hắc mầu đen láng rồi nhấc bổng đặt ngay ngắn lên đầu tôi. Máu cá và nước biển qua kẽ thúng chảy tong tong xuống lưng rồi qua gấu quần đùi, nhễu ra ngoài. Sức nặng của thúng cá làm tôi loạng choạng bước ra khỏi thuyền, tay gạt lũ trẻ sang một bên, mắt còn liếc dòm chừng em gái của tôi. Một ngày kiếm khá hay bết bát cũng còn phải tuỳ thuộc vào hai điều: một là ngư phủ có trúng mánh, đánh được nhiều cá hay không và hai là hôm ấy có nhiều con nít đi khuân vác, tranh giành công việc với tôi hay không. Mấy bà bán cá ngồi chờ trong chợ chỉ cách bến độ hai khu phố. Đôi khi may mắn, tôi mang được bốn chuyến. Đến cuối ngày tôi đi gặp ông chủ thuyền để nhận thù lao rồi hối hả trở về nhà nấu bữa cơm tối cho gia đình.

Một buổi chiều, trong lúc tôi đang nhích cho thăng bằng một thúng cá lớn trên đầu thì nom thấy một cô bé xà tới chỗ em gái tôi ngồi, cởi sợi dây tôi buộc tay bé Ti khỏi cái cọc gỗ. Cô này phải trạc chừng mười bốn, mười lăm tuổi, bận một cái áo cánh cụt tay mầu đỏ như mầu máu. Tôi tiến lại gần, mắt dán vào làn da nơi gáy của cô ta, trông mềm mại và trắng ngần như ngó sen. Rồi tôi quát lớn, cố tỏ ra càng hung giữ càng tốt:

- Cô kia, ai cho cô làm chuyện đó?

Cô gái ngẩng đầu lên. Trên khuôn mặt khả ái của cô, đôi mắt thật to và sáng long lanh. Mái tóc dài, đen nhánh loả xoả xuống mặt. Rồi cô nhắm mắt lại như để suy nghĩ trước khi trả lời. Cả đại dương, cả bầu trời xanh, cả sự om sòm ở dưới bến cảng như nhạt nhoà đi trong tâm trí tôi. Khi tôi ngắm đôi môi hồng thắm của cô, nom như những cánh hoa thì cái thúng cá nặng chĩu và xông mùi hôi thối trên đầu của tôi cứ như là không còn nữa. Cô nói với tôi:

- Anh không thể cột tay nó như vậy được. Tàn bạo quá.

Tiếng cô nghe gay gắt và nặng với giọng mũi của người Hà Nội. Mọi người miền nam đều không ưa cái giọng nói biến âm của người miền bắc vì nó biểu trưng cho sự đàn áp của Cộng Sản. Nhưng với tai tôi thì lại khác, đến tiếng chim hót cũng không thể ngọt ngào bằng.

Tôi ấp úng:

- Không trói nó lại, nó chạy mất tiêu thì sao?

- Nếu vậy thì tôi sẽ ở quanh đây và trông nó giùm cho.

Tôi trả lời:

- Tôi đâu có biết cô là ai. Làm sao mà tôi tin được người lạ?

Cô ta cười phô hàm răng trắng đều và thẳng tắp:

- Thật ra thì tôi có biết anh chứ. Ngày nào tôi cũng nom thấy anh và em của anh trên bãi biển. Nếu tôi mua một con cá ngừ của anh thì anh có tin tôi hơn không?

- Cá bán không được. Không phải của mình

Từ phía thuyền giọng một người lái cá tru tréo:

- Ê! Thằng tóc quăn trở lại làm việc!

Cô gái dục:

- Đi đi. Đừng lo gì cho chúng tôi. Tôi trông em gái của anh cho.

Bé Ti nhìn tôi chằm chằm vẻ sợ hãi, mặt của nó sưng vù vì khóc. Tôi quay đi, lòng ngượng ngùng, bối rối. Khi tôi bước xuống con đường để ra chợ, tôi còn nghe tiếng hai đứa cười đùa khúc khích  với nhau.

Lúc tôi quay trở lại để đón em tôi thì cô gái áo đỏ đã đi mất tiêu rồi. Mặt trời đã lặn, những tia sáng mầu tím lợt lung linh trên từng đợt sóng. Bé Ti ngồi trên cát đang ăn một cái chả giò. Nó cười rạng rỡ với tôi, nhe cả hàm răng không còn cái nào. Tôi hỏi:

- Cô bạn hồi nẫy đâu?

Em tôi trả lời:

- Chị Kim đi mất rồi.

Nó giơ tay lên và xoè mấy ngón để lộ ra một gói giấy đẫm dầu trong có một cái chả giò khác và nói:

- Cái này phần anh.

Kim. Trong đầu tôi vang vọng tên của nàng. Tôi đến chỗ em gái, bế nó lên khỏi bãi cát và hỏi:

- Chị ấy có nói gì về anh không?

Em tôi trả lời, giọng hào hứng:

- Có chứ. Nhiều lắm.