Thưa quý vị, bây giờ tôi muốn kể cho quý vị, dù quý vị muốn nghe hay không cũng mặc, tại sao tôi lại không thể trở thành cho dù là một con bọ. Tôi xin long trọng tuyên bố với quý vị rằng đã rất nhiều lần tôi ráng trở thành một con bọ, vậy mà xem ra tôi cũng không xứng đáng nữa.Thưa quý vị, tôi xin thề với quý vị rằng một ý thức quá sáng suốt là một bệnh trạng, vâng, một bệnh trạng vô cùng có thực. Để dùng cho sinh hoạt hàng ngày của con người thì chỉ cần một ý thức của con người bình thường, nghĩa là chỉ cần một nửa hay một phần tư cái ý thức của con người văn minh ở thế kỉ XIX bất hạnh của chúng ta, nhất là của con người chẳng may lại phải sống ở Peterburg - cái thành phố trừu tượng nhất, "cố ý" nhất trên mặt địa cầu này (bởi lẽ có những thành phố cố ý, có những thành phố không cố ý) là đã quá đủ. Chẳng hạn, sẽ là quá đủ khi anh có được cái phần ý thức mà những con người được gọi là chất phác, giản dị, những con người hành động thường có.Tôi đánh cuộc là quý vị nghĩ rằng tôi viết ra tất cả những điều này chỉ là muốn làm phách, cốt để mỉa mai những con người hành động, cũng giống như chỉ vì thói làm phách rởm mà tôi kéo lê thanh gươm như thằng cha sĩ quan tôi nói lúc nãy. Nhưng thưa quý vị, có ai mà lại đi huênh hoang về bệnh tật của mình, rồi còn làm phách làm bộ với nó?Ủa, mà tôi nói gì thế nhỉ? Ai mà chẳng thế, ai mà chẳng hãnh diện với bệnh tật của mình, và không biết chừng tôi là một đứa hãnh diện hơn ai hết cũng nên. Thôi, không tranh cãi nữa. Tôi cãi là tôi ngu. Nhưng dù sao tôi vẫn tin tưởng sâu sắc rằng chẳng những một ý thức quá sáng suốt, mà ngay bất cứ ý thức nào cũng đều là bệnh hoạn cả. Tôi dám chắc như vậy. Nhưng hãy tạm gác chuyện này sang một bên đã. Quý vị hãy cho tôi biết điều này: vì sao có hiện tượng là, cứ như cố ý, vào những giây phút, phải, vào đúng những giây phút mà tôi có khả năng ý thức được rõ nhất tất cả những tinh tế của cái đẹp và cái cao thượng, như ngày xưa ở ta thường nói, thì tôi lại thường không ý thức được gì nữa hết, mà lại lao vào làm những việc xấu xa đê tiện đến nỗi… nghĩa là những việc mà có lẽ ai cũng làm, nhưng lại cứ như cố tình đến với tôi đúng lúc tôi biết mười mươi là đáng lẽ không nên làm mới phải. Càng ý thức rõ bao nhiêu về cái thiện và mọi cái gì gọi là "mĩ và toàn hảo" tôi lại càng chìm sâu vào đống bùn nhơ của mình và càng cảm thấy sẵn sàng muốn ngụp lặn hoàn toàn trong đó bấy nhiêu. Nhưng cái chính là cảm giác đó trong tôi dường như không phải tình cờ, mà tất yếu phải thế. Cứ như đó là trạng thái bình thường nhất trong tôi, chứ tuyệt nhiên không phải là căn bệnh hay tật xấu nào cả; thậm chí đến nỗi về sau tôi chẳng còn thiết tha gì chống lại cái thói xấu ấy nữa. Cuối cùng tôi hầu như tin (mà có khi tôi tin thật cũng nên) rằng đó mới chính là trạng thái bình thường của tôi. Chứ thoạt tiên tôi đã phải vật lộn khổ sở chừng nào để chống lại nó! Tôi không tin rằng với những người khác cũng xảy ra như vậy nên suốt đời tôi cứ âm thầm giấu kín điều đó như giấu một niềm bí ẩn. Tôi đã xấu hổ vì điều đó (ngay đến bây giờ tôi vẫn còn xấu hổ). Đến mức tôi còn cảm thấy một nỗi thích thú thầm kín, đê tiện, bất thường khi vào một trong những đêm Peterburg nhơ nhuốc nhất, tôi trở về nhà, về cái xó của mình, và cũng ý thức rõ hơn rằng ngày hôm nay mình lại làm một việc đê tiện, rằng việc mình làm không còn cách gì vớt vát được nữa. Và thế là, tôi lại âm thầm tự đay nghiến, chửi rủa, dày vò mình đến nỗi cuối cùng niềm cay đắng biến thành một cảm giác ngọt ngào nhục nhã, đáng nguyền rủa, và sau rốt trở thành một khoái lạc thực sự. Vâng, đúng thế: khoái lạc! Tôi muốn nhấn mạnh điều đó: khoái lạc! Tôi phải nói ra điều ấy vì lúc nào tôi cũng muốn biết xem những người khác có cảm thấy được những khoái lạc như vậy không.Để tôi giải thích cho quý vị hiểu: cái khoái lạc ở đây chính là do mi ý thức được quá rõ ràng sự hèn hạ của mi; là do mi cảm thấy bị đẩy tới cái giới hạn cuối cùng; mi biết tình cảm ấy thật là ê chề; nhưng lại không có cách gì chống lại được, rằng mi không có lối thoát nào hết; rằng không bao giờ mi có thể trở thành con người khác được, và cuối cùng, cho dù mi có đủ thời giờ, đủ lòng tin để biến thành cái gì khác đi nữa, thì chưa chắc mi đã muốn mình biến đổi. Hoặc giả nếu có muốn, mi cũng sẽ bất lực chẳng làm gì được, bởi thực sự mi chẳng thể biến thành cái gì hết!Nhưng tệ hại nhất - cốt lõi của mọi vấn đề là ở chỗ, tất cả những điều đó diễn ra phù hợp với những quy luật cơ bản và bình thường của một ý thức quá sáng suốt, phù hợp với cái tính ỳ bắt nguồn trực tiếp từ những quy luật ấy, do đó, vấn đề không chỉ là mi không thể biến đổi, mà đơn giản là mi không làm được trò trống gì hết ráo! Từ đó có thể suy ra, chẳng hạn, hệ quả của một ý thức quá sáng suốt là như thế này: phải, tôi là một thằng khốn nạn. Nhưng việc tôi biết tôi là một thằng khốn nạn lại chẳng an ủi được tôi chút nào về cái khốn nạn của tôi cả. Nhưng thôi, đủ rồi!… Chúa ơi, tôi nói lảm nhảm mãi mà cắt nghĩa được cái gì cơ chứ? Cái khoái lạc ấy ở đâu ra? Nhưng tôi sẽ cắt nghĩa điều ấy cho kì được. Tôi phải cầm lấy bút cũng chỉ vì thế…Như tôi chẳng hạn, tôi có một lòng tự ái kinh khủng. Tôi đa nghi và dễ động lòng như một thằng gù hay một anh lùn. Ấy thế mà có những phút tôi nghĩ giá có ai tát tôi một cái có khi tôi lại lấy thế làm thích thú! Tôi nói thật đấy: có thể tôi biết cách tìm thấy khoái lạc riêng trong việc bị ăn tát ấy; dĩ nhiên đó là niềm khoái lạc của tuyệt vọng, nhưng trong sự tuyệt vọng cũng có những khoái lạc cực kì mãnh liệt của nó chứ, nhất là khi ta ý thức được rõ ràng tình cảm tuyệt vọng của mình. Còn trong trường hợp bị tát ta lại càng ý thức được mãnh liệt hơn ta bị người khác hạ nhục như thế nào.Những cái chính là, xét dưới bất cứ khía cạnh nào, cuối cùng bao giờ tôi cũng đâm ra là kẻ có lỗi trước, và ức nhất là cái lỗi ấy không phải do tôi, mà do những quy luật tự nhiên gây nên. Trước hết, tôi có lỗi bởi vì tôi thông minh hơn tất cả mọi người chung quanh. (Lúc nào tôi cũng tự coi tôi thông minh hơn mọi người chung quanh, và lắm khi - quý vị có tin được không - lắm khi tôi lại cảm thấy bối rối vì điều đó, đến nỗi suốt đời tôi, tôi cứ phải nhìn đi chỗ khác mà không dám nhìn thẳng vào mắt mọi người). Sau nữa, tôi có lỗi bởi vì giả dụ tôi có lòng cao thượng thật, thì lòng cao thượng ấy chỉ càng làm tôi đau khổ thêm, vì tôi ý thức được toàn bộ sự vô ích của nó, và tôi biết chắc tôi chẳng thể làm được gì với lòng cao thượng ấy: không thể tha thứ được, bởi kẻ làm nhục tôi có thể đã tát tôi theo quy luật tự nhiên (mà đã là quy luật tự nhiên thì đâu có thể nói đến sự tha thứ); không thể quên được, bởi lẽ dù là quy luật tự nhiên thì ta vẫn cảm thấy bị xúc phạm. Sau hết, cứ cho rằng tôi chẳng thèm khoan hồng đi nữa, mà trái lại, muốn trả thù cái tên đã làm nhục tôi, thì tôi cũng lại không làm như vậy được, bởi vì tôi chắc tôi không dám làm gì cả, cho dù tôi có thể làm được đi chăng nữa.Vì sao tôi không dám ư? Về vấn đề này tôi cũng xin có đôi lời.