CHƯƠNG 2

    
ó lẽ trong chòm nhà đơn côi này, chỉ có Thi Hoài và Lê Hoàng là thi thoảng có qua lại ghé thăm nhau. Cũng chả phải do hợp tính hợp nết hay tri âm tri kỷ gì. Chẳng qua là hồi ở thành phố, họ có đôi lần gặp nhau ở hội nghị, trong câu lạc bộ hay tiệm quán và đến đây họ lại biết thêm ngày xưa cùng ở chung trong một cánh rừng chiến tranh nào đó. Thế thôi, chứ xưa nay kẻ sĩ và quan quyền có bao giờ uống chung một dòng tâm sự. Tuy vậy họ cũng giống nhau một điểm: Để đèn khuya nhất. Nói cho đúng, ngọn đèn giám đốc thường tắt sớm hơn nhưng lại hay đột ngột bật sáng vào lúc nửa đêm.
Đêm nay đã khá khuya, Thi Hoài mới gõ cửa bước vào. Anh đặt cộp trước mặt Hoàng chai đế sóng sánh rồi ngửa đầu, giơ cao hai tay lên trời.
- Vẫn khắc khoải khôn nguôi ư? Vẫn bi kịch giằng xé ư? Hỡi trời! Dân cộng sản có ngón chơi thâm hậu thật! Nghỉ đi, tĩnh dưỡng đi lên núi hay ra biển đi tuỳ đồng chí nhưng sau sáu mươi ngày trở về đồng chí hãy nộp cho chúng tôi một bản tường trình thật ra trò nhé! Ngọt ngào như mật nhưng vỡ bố nó đầu ra vì hàng ngày phải tự lấy thìa cà phê múc óc của mình ra mà ăn. Rốt cuộc một phần ba thời hạn đã trôi qua mà tập giấy tự kiểm vẫn còn nguyên tinh màu trắng. Hỡi trời.
- Thôi, tôi xin cậu. Không có chuyện gì để nói nữa à? - Lê Hoàng nhăn nhó.
Tôi khoái ông, thích uống rượu với ông. Ông đang tràn trề tâm trạng nên ông có sức quyến rũ. Không gì chán bằng chuyện trò với đứa đang thịnh. Kẻ thịnh bao giờ cũng hợm mình và nhợt nhạt. Đâu? Ly chén đâu?
- Xin lỗi, mình đang nhức đầu.
- Uống sẽ khỏi nhức, khỏi hết mọi chuyện. Uống đi! Chà, rượu xứ này ngon thật. Sao, chê à? Buồn cũng dẹp mẹ nó sang một bên.
Một thằng tỉnh một thằng say nói chuyện tréo cẳng ngỗng cứ như đêm tân hôn của người ta có thằng khốn nạn ghé lỗ khoá nhòm vào.
Lê Hoàng bất giác phì cười, đẩy nhẹ cái chai sang bên. Tuy không thích cái giọng nói kẻ cả hơi suồng sã như là nhấm nháp sự thoả mãn được nhìn xuống được thương hại của anh hàng xóm bất đắc dĩ này nhưng anh vẫn thích hắn sang chơi. Anh đang sợ cô đơn, sợ đối mặt với chính bản thân mình. Chí ít, sự có mặt không lấy gì làm dễ chịu ấy cũng gỡ được anh ra khỏi trong chốc lát những suy nghĩ xoáy chìm ảm đạm.
- Có tin mới đấy - Mắt Thi Hoài sáng lên hào hứng - Thêm một căn hộ độc thân nữa. Một ả đàn bà, đàn bà thứ thiệt, đẹp và xa lạ như người ở hành tinh khác đến. Biết chưa?
- Biết!
- Cô ta tên là Dung. Phương Hạnh Dung. Cái tên nghe nhà lành chưa? Có cả một người giúp việc to béo đàng hoàng. Chết! Dự báo một sự xáo trộn đến nơi đến chốn đấy.
Lê Hoàng lắc đầu cười mỉm. Nhà thơ bỗng cảm thấy nhột trước cái mỉm cười thấu hiểu ấy. Có nghĩa rằng thằng cha giảm đốc thất sủng này đã quá hiểu mình.
- Sao? - Hoài chuyển làn - Ông quyết định ra sao rồi?
- Gì kia?
- Đầu hàng hay kháng cáo?
- Còn đang nghĩ..
- Tức là không nghĩ gì hết. Trong trường hợp này, đã nổ là nổ luôn. Thua thắng kệ mẹ. Sự vân vi chỉ đưa đến rối trí.
- Giá giản đơn được như cậu.
- Thế nó phức tạp lắm sao? Ông cứ hay nghiêm trọng hoá cuộc đời Trò đùa hết, con bài hết, chân lý nhập nhằng, trắng đen thẩm lậu. Xì… Tất nhiên tôi khác. Đít lưng hạ cả xuống đất rồi, còn hạ đến đâu nữa mà sợ. Chà chà - Hoài xoa tay, mắt ngước nhìn lên - Một bố cục thú vị: hai thằng đảng viên Bônsêvích bất đắc chí sống cùng chòm với một gã Mensêvích bất hạnh chán đời, nay lại thêm một ả Mensêvích, chắc thế, là hai. Cân bằng nhé?
- Không đâu. May ra chỉ có một mình cậu là Bônsêvích, còn tôi đang mấp mé ở lằn ranh, nhiều khả năng sẽ giạt về phía bên kia.
- Khoan!… Thế là từ nay cũ mới phân đôi, cách mạng và phản cách mạng cọ xát. Và giăng ngang hai hệ thống ấy là tiếng hú đau đời của thằng điên. Tuyệt cú mèo!
- Cái cô cô mới đến ấy mà, căn cứ vào đâu mà cậu có thể kết luận thế?
- Giản dị thôi. Con người đã xuống tới đây chắc rằng có nhiều trắc ẩn Trắc ẩn đời thường và trắc ẩn chính trị. Tôi, ông và tay Vũ thần sầu đá minh chứng rõ. Còn cô nàng? Kiểu người ấy, vẻ mặt ấy, lối sống ấy dứt khoát không thể là giai cấp cần lao rồi. Không ăn trắng mặc trơn thì cũng là… nói khẽ nhé: Một thứ bán trôn cao cấp, điếm cao cấp.
- Rất lạ là cậu làm nghề ấy mà toàn thích nhìn vào mặt trái cuộc đời
- Chắc ông hàng xóm cùng binh đoàn với tôi đang ở mặt phải?
- Đúng! Mình ở mặt phải - Lê Hoàng căng giọng - Bao giờ cũng ở mặt phải. Cái mặt phải này nó không phụ thuộc vào đảng phái chính trị hay chức tước quyền lực còn hay mất. Cậu nên hiểu, dù số phận có khốn cùng thế nào đi nữa, mình luôn luôn có mặt ở bên phải cuộc đời.
- Nóng rồi đấy - Hoài cười xoà - Thì ra cái chất cộng sản cũng như cái chất đa tình, nó dính vào con người ta sâu sắc thật, sâu sắc ngay cả khi con người ấy sắp bị coi không còn là cộng sản nữa. Tuyệt vời!
- Cậu ám chỉ tôi?
- Không, tôi nói cái chung, tôi nói tôi. Chúng ta đã qua một thời lãng mạn nhìn đâu cũng thấy sáng tươi. Sắp ngã gục ở giữa rừng vì đói, vì sốt nhưng nhìn lên vẫn thấy nắng dệt vàng trên vòm cao. Giả dối, tội tình, vớ vẩn nhưng cũng đáng yêu. Và bây giờ… Thịt của trời, gân của biển dứt ra… Ha! Về nhé? Biết ông buồn, thỉnh thoảng sang quấy quả, cảm phiền?
- Cám ơn!
- Vất mẹ nó tất cả đi ông ạ!
- Vất cái gì?
- Quyền lực và những cám dỗ vệ tinh nhớp nhúa của nó.
- Cậu hiểu sai tôi rồi.
- Chí ít cũng đúng một nửa. Quyền lực xét đến cùng chỉ làm méo mó nhân tính. Tôi căm thù hư danh và quyền lực.
- Nếu được khuyên, tôi khuyên ông cứ xử sự theo đúng ý mình. Gửi lại chai rượu, bữa khác sang uống. Ngủ đi, ngủ đi anh bạn cùng đội ngũ ạ!
Trời đêm… Phập phồng cương lĩnh… Biển toác, đất chồi… Nỗi đau lặn lội… Em rên… Vũ trụ sưng tấy nốt mụn đậu mùa… Ngọn gió ung thư bay vào cô tịch…
Cùng với tiếng chân xào xạc lê trên cát, tiếng đọc thơ của Thi Hoài lầm rầm vọng ngược trở lại. Lê Hoàng thoắt rùng mình! Anh không rùng mình vì những vần thơ kỳ dị ấy, quen rồi, mà anh sởn da gà vì hiểu rằng tiếng chân của gã đàn ông đa tình đáng sợ đó đang chuyển ngược về phía sau, nơi có căn chòi hơn chục mét vuông của người đán bà mới đến. Ruột gan anh bỗng nôn nao khi chợt nhận ra sự có mặt của người đàn bà ấy, dù không muốn, nó cũng tác động vào anh một cái gì kỳ lạ lắm, rất mơ hồ và cũng thật gần gũi.
Trên đồi cao lại vang lên một tiếng hú thật dài. Chao ôi? Tiếng hú day dứt quá! Day dứt và buồn thảm như chính tâm trạng anh lúc này. Tội nghiệp! Gia đình cậu ấy ở trong phố, chỉ còn một mẹ già và đứa em nhỏ nhưng cậu ta không chịu nổi chỗ ngột ngạt đông người, thường xuyên bỏ ra đây sinh sống với tiếng hú rợn người ai oán. Tội nghiệp cho cậu ấy hay chính mình đang tội nghiệp.
Hoàng thờ thẫn đeo kính lên mắt, đặt nhẹ đâu cây bút BIC xuống góc trái trang giấy và để nguyên ở đó. Không biết đã bao lần anh lặp đi lặp lại cái động tác nhọc nhằn này để cây bút BIC vẫn còn nguyên ruột mực?
Anh thở dài hạ kính, hạ bút xuống. Biển ư? Nắng ư? Cát ư? Tĩnh dưỡng là như thế này đấy ư? Anh vò nát tờ giấy quẳng xuống gầm bàn. Nơi đó, không biết bao nhiêu tờ giấy đang cùng chịu chung một số phận?
Có tiếng gõ nhẹ như tiếng gió va đập vào cửa.
Anh cau mày, đặt tờ báo che đi tệp giấy. Lại thằng Hoài rồi! Hắn còn định sang đây gây sự điều gì nữa? Với nghề nghiệp đang bị rẻ rúng của hắn, hắn muốn chọc đâu thì chọc, hà cớ gì hắn lại cứ nhè vào mình. Anh buông thõng:
- Vào đi!
Cùng với cánh cửa mở ra, một làn gió ào vào ớn lạnh. Anh vội vàng đứng dậy. Trước anh không phải là Hoài mà là người đàn bà mới đến chiều qua. Chị đã thay bộ đồ soa đỏ, phía trên khoác hờ chiếc áo len mầu hồng nhạt khiến khi bước vào, chị mang cả một chút ấm nắng vào theo.
- Chị… Chị ngồi chơi - Tay anh kéo ghế nhưng chân lại đá phải bàn..
- Em sang mượn anh cái hộp quẹt để đốt ngọn đèn. Bóng điện bên em cháy rồi hay sao ấy.
Miệng nói rất tươi nhưng đôi mắt nhìn lại rất buồn. Đôi mắt sâu, hơi có quầng dõi thẳng vào anh với một vẻ chăm chú khác lạ. Anh thoắt bị ngợp trước ánh mắt ấy, bất giác lảng nhìn đi nơi khác.
- Quẹt đây chị. Điện đóm ở đây tồi lắm, mất suốt.
- Dạ… Em ngồi chơi nói chuyện một chút, có làm phiền gì anh không?
- Ấy, sao lại phiền. Chị mới tới chiều qua?
- Dạ!
- Chắc là tránh cái nóng ở thành phố vài ngày?
- Không? Em có thể ở đây lâu, suốt đời…
- Để tôi đi đun tí nước pha trà mời chị.
Anh nói và chạnh nghĩ đến lời đánh giá của Thi Hoài. Đúng, biết đâu đấy, thằng cha ấy có kinh nghiệm nhìn người. Nhưng…
- Không cần đâu anh ạ! - Đôi mắt cô vẫn nhìn thẳng vào anh - Anh gầy đi nhiều quá! Tóc lại bạc nữa…
- Hả?… Thế ra chị ngày trước có…
- Không?… Là em muốn nói đã nhìn thấy anh mấy lần trên mặt báo.
- Mặt báo.
- Giám đốc một lâm trường nổi tiếng như anh, ai mà chả biết.
- Thì ra thế! - Anh hơi ngả người ra sau, khẽ cười chua chát - Nổi tiếng ư? Cám ơn!
- Dù sao trước công luận, anh cũng đã bước một chân vào ngưỡng của của lịch sử mất rồi! Đi vào lịch sử thì dễ nhưng đi ra khỏi lịch sử khó lắm, anh nhỉ?
- Chị xuống đây một mình à? - Anh hỏi lướt để tránh đi câu nói vô tình xoáy buốt vào đầu óc ấy.
- Em yêu biển, em thích biển và nói chung đã ra đến biển là tốt nhất nên ở một mình. Nhìn những đôi vợ chồng dắt díu nhau ra biển tắm sóng mà phát khiếp, cứ như là tù nhân bất đắc dĩ của nhau. Nói chơi, em còn có một cô bạn gái nữa, một cô người Bắc tính nết tuyệt vời.
Bạn gái hay nô tì? Anh nghĩ và buột miệng hỏi luôn:
- Thế còn cái ông đám người cùng đi Lada đến dây?
- Hoá ra đàn ông ở cái rẻo đất hoang này cũng tò mò ghê. Trả lời nhé: người tình.
Anh im lặng. Câu trả lời gọn khô ấy không cho phép anh cởi mở hơn nữa. Anh lại nhớ đến câu nhận định của Thi Hoài. Nếu không đúng là hạng người như hắn nói thì đây cũng là một thứ môtíp đàn bà hiện sinh, trơ tráo và thác loạn đang nhan nhản có mặt trên khắp mảnh đất này. Dường như đoán được cái suy nghĩ không mấy thiện chí ấy, cô gái mềm mại đứng dậy:
- Anh nghỉ, em về, sớm mai sẽ mang trả hộp quẹt cho anh. Em biết anh đã chán ngát cái cô khách không mời mà đến này. Nhưng mà, ủa! Đêm nay anh còn phải đốt thuốc.
- Không sao, tôi bỏ thuốc rồi. Cô cứ giữ mà dùng.
- Đừng nên. Đàn ông bỏ thuốc, bỏ rượu nhìn chán lắm. Nhất là một khi người đán ông ấy không gặp may trong cuộc đời và đang có nhiều điều để suy nghĩ. Căn chòi của em đối diện căn chòi của anh, lúc nào rảnh mời anh sang chơi. Chỗ em luôn có thuốc ngon và rượu ngon. Em về nhé! Chúc anh ngủ ngon và… nhớ đóng cửa sổ kẻo gió lùa, độc đấy!
Cô gái đi ra để lại sau lưng một khoảng không hiểu là trống lạnh hay ấm nóng. Quái dị! Hoàng vẫn ngồi im, không thèm cả theo ra đóng cửa lại. Cô ta là ai và cô ta vừa nói cái gì thế nhỉ? Không gặp may… Có nhiều điều để suy nghĩ… Cô ta ám chỉ ai? Chả lẽ thằng cha nhà thơ mất nết đã có đủ thời giờ để bép xép về mình? Vô lý! Bằng vào thời gian nối tiếp, hắn ta chưa kịp mò đến căn chòi của cô gái này. Vớ vẩn? Chuyện đã thối um lên mà lại còn bị dòm ngó. Hàng chục đoàn kiểm tra, hàng chục thằng đểu ở các cấp dòm ngó mình vừa rồi chưa đủ sao? Thiên hạ chúi mũi vào thương xót mình ư? Khốn nạn thật! Người tình… Hừ? Đến ngay một con đàn bà trâng tráo một con điếm dơ dáy trong cái vỏ bọc mỹ miều cũng có thể dạy dỗ, cũng có thể xót thương mình được ư? Mà sao… Anh nhắm nghiền mắt lại, vết thương cũ nơi ngực bất chợt nhói đau. Mà sao… Mình không tin. Dáng ngồi, giọng nói và đặc biệt là cái mắt nhìn xót xa nhân hậu ấy không thể là của một con… Dáng như đã có một lần mình gặp ả ở đâu đó rồi thì phải? Trên đường phố à? Hay trong hội nghị? Tại một cái BAR chăng? Hay tại một tuy-ô kín đáo mà đôi lần vì chiều nể bạn bè mình có theo vào? Ở đâu nhỉ? Ở hay! Mà dù có ở đâu thì cũng kệ cha ả, liên quan gì đến mình. Tất cả những con đàn bà quăng thân sống bằng tiền bao của bọn đàn ông nhiều tiền rừng mỡ đều có một vẻ mặt câng câng như nhau tuốt, có quái gì mà phải bận tâm. Thế là con thuyền ký ức nơi anh vừa mới khó nhọc rẽ nước bơi ngược dòng được một đoạn đã lại vội mệt mỏi thả neo.
Chộp lấy cây bứt, anh lia một đường mực đen cháy xuống tệp giấy:
Cứt chó! Cút chó hết!
Khoảnh khắc đó anh không hề hay biết rằng con đàn bà trâng tráo chưa ra khỏi nhà mình. Cô ngồi nhẹ xuống bậc thang gỗ cuối cùng đặt trước cửa phòng anh, nhỏ nhoi, mềm yếu, mắt nhìn mông lung ra phía biển. Nơi đó chỉ có một màu xám chì và những âm thanh vô nghĩa vật vã dội về. Nơi đó hàng ngàn đời nay, đêm cũng như ngày, mùa khô rồi lại mùa mưa, bao cuộc chiến tranh đã trôi qua, bao triều đại suy rồi lại thịnh, những con sóng kia vẫn bất biến hối hả vội vã chạy vào bờ rồi lại hối hả vội vã lao trở ra, đấm ngực thùm thụp, giận dữ sùi cả bọt mồm bọt mép nhưng rồi chả để làm gì. Biển vẫn là biển, cát vẫn là cát, đá vẫn là đá xù xì và con người vẫn mãi mãi xạu tốt, thiện ác, nhỏ nhoi trăn trở trong những nỗi khố dàu thật giả, thực hư… Cô vẫn ngồi đó, tóc bay dạt về một phía, im lìm như hoá đá, như bóng đêm đen thẫm trong vườn điều. Cô sẽ vẫn còn ngồi đó nếu phía trước không có một bóng trắng đậm đi lại. Đó là Hoà, cô gái nô tì như người ta nói.
- Chị Hai? Chú Tư đang chờ ở nhà. Em đi tìm chị mãi.
- Tư nào?
Buột miệng mà hỏi vậy thôi chứ người đàn bà cũng lặng lẽ đứng dậy rời bỏ bậc thang đi về chòi của mình. Dáng đi như lê, như muốn không bao giờ tới đích.
- Trời? Dung đi đâu mà để nhà cửa tối om thế này?
Bên ngọn đèn hoa kỳ, người đàn ông được gọi là chú Tư cất tiếng hỏi. Tiếng hỏi trầm trầm vừa nghiêm nghị vừa trách móc, tiếng hỏi của một người cha, người anh ruột thịt. Người ta nhận ra đó không phải ai xa lạ mà chính là người đàn ông đi chiếc Lada trắng đưa chìa khoá phòng cho cô hôm rồi.
- Đi dạo - Dung, tên cô gái, trả lời và ngồi nhẹ xuống mép chiếc giường đôi cỡ nhỏ.
- Mất điện, sao không gọi người đến sửa?
- Không cần thiết lắm.
Một tiếng cười hiền.
- Em bao giờ cũng vậy. Không có gì là cần thiết cả. Đến đây có ngủ được không?
- Đêm đầu thôi. Sóng to quá, cứ như có cái tàu hoả tốc hành chạy ngược chạy xuôi trong óc. Nhưng chắc rồi sẽ quen.
- Em điên quá Đáng lẽ cứ ở thành phố, có nhà có cửa, có điện đóm nước nôi đàng hoàng lại đòi ra đây! - Người đàn ông nhìn quanh phòng - May lắm được sáu mét vuông. Thế rồi cả ở, cả tắm rửa lẫn nấu nướng biết xoay xở ra sao? Lại còn xa phố xá, xa bạn bè, xa những nguồn vui tinh thần tối thiểu, em có chịu nổi không? Ngay bây giờ em có thể thay đổi quyết định. Em có thể lên Đà Lạt, ở đó anh có thằng bạn đang là giám đốc công ty du…
- Sao anh xuống trễ quá vậy - Dung cắt ngang trong một cái ngáp khẽ. Đã ăn gì chưa để em kêu Hoà nó làm cho một tô mì?
- Khỏi, ăn ở chỗ họp rồi. Họp hành liên miên. Họp xong đã muộn nhưng… nhớ quá, lại áy náy không hiểu em đã ổn định chỗ ở chưa nên phóng liều xuống.
- Xe anh để đâu mà không thấy tiếng?
- Gửi ở nhà cậu chủ tịch thị trấn. Hoá ra cậu ấy lại là lính của mình ngày trước. Buồn cười! Đi đâu cũng gặp người quen.
Kín đáo giấu đi một cái ngáp nữa. Dung đi ra gài các cánh cửa lại rồi vặn nhỏ đèn:
- Đi nghỉ đi anh! Sắp nửa đêm rồi, em cũng mệt quá!
Bằng một cử chỉ tự nhiên và duyên dáng bản năng, cô gái khẽ thả người xuống giường, hai tay khoanh sau gáy, mắt nhắm hờ, cặp đùi lẳn tròn duỗi thẳng, khuôn ngực cuộn lên gần như không động đậy…
Người đàn ông vẫn ngồi im, mắt nhìn xuống đất, khoé môi nhếch một nét hằn chua chát không thật rõ hình thù. Ông ta chừng năm mươi tuổi, trán cao nhưng chưa hẳn là hói, lông mày rậm, mắt sâu, giọng nói ấm, hơi khàn, tất cả toát ra vẻ trầm tĩnh và đại lượng đến lạnh lùng. Tên ông ta là Đương, Tư Đương, như cô gái giúp việc nói giọng Quảng Bình thường gọi.
- Hoà thế nào - Ông hỏi - Cô ấy có vừa ý em không?
- Em đang lo không vừa ý cô ấy.
- Hàng xóm láng giềng ra sao? Chắc dễ chịu chứ?
- Chưa biết nhưng chắc cũng không đến nỗi - Cô xoay người nằm nghiêng, tay kê dưới má, trông thơ ngây như một nữ sinh mới bước vào trường trung học - Một nhà thơ trông phờ phạc như kẻ tâm thần, một kẻ tâm thần lại suốt ngày phiêu lãng như một nhà thơ, một nhân vật ra đi không thành bây giờ dịch sách thuê và chiều chiều ngồi nhìn mặt trời lặn sau khi đã bỏ cả vợ cả con ngoài biển. Và một nữa - Cô nhắm nghiền mắt lại - vị quan chức nổi danh đang thực hiện hành vi sám hối của mình.
- Ai đấy em?
- Rồi anh sẽ biết… Vậy thôi, tất cả chỉ có thế. Một xã hội thu nhỏ với tất cả những buồn vui sướng khổ được dồn nén.
Tư Đương bật cười. Không ngờ cái cười của ông còn rất trẻ:
- Chà? Mới ra mà em đã thông tỏ lai lịch thiên hạ dữ. Thế còn em? Riêng em, Dung?
- Về gì kia?
- Về thời hạn dự định, về tất cả.
- Anh đừng lo cho em nữa. Anh đã lo cho em nhiều quá rồi. Khi quyết định ra đây là em đã tự quyết định lo liệu lấy đời mình. Chỉ mong cái rẻo đất bị quên lãng này số cư dân đừng tăng lên theo cái đà tỷ lệ của thế giới. Từ lâu em đã sợ chỗ đông người, sợ đường phố lắm rồi.
Dung xoay lưng lại, ngoảnh mặt vào tường. Mái tóc dài rơi xuống chiếu, bờ vai nhỏ mảnh hơi nhô lên, từ đó đường eo lượn một vòng chênh vênh và chểnh mảng xuống phía dưới. Cô nằm đó, e ấp co ro và gợi mở như một con chưn nhỏ. Người đàn ông bước đến ngồi cạnh, khẽ đặt tay lên vai cô gái:
- Tuỳ em. Chỉ lo nơi đây càng làm em thêm rầu rĩ.
- Em lại e sợ cuộc đời ngắn quá. Anh quên em có cái nghề vẽ tranh, nặn tượng rồi ư?
- Nhưng còn sức khoẻ? - Giọng nói của người đàn ông đã đượm vẻ thoả hiệp và buông xuôi.
Cô gái quay lại, giọng thoáng một chút nũng nịu song đôi mắt lại lạnh tanh:
- Cởi đồ nằm xuống nghỉ chút đi anh, em buồn ngủ quá!
Người dàn ông ngần ngừ một chút, im lặng một chút rồi từ từ đứng dậy, nét mặt buồn buồn:
- Đừng hiểu anh như thế, chỉ có như thế. Mệt, em cứ ngủ. Anh xin được ngồi với em ít phút rồi lại đi ngay.
- Đi đâu? - Cô gái quay lại.
- Sáu giờ sáng mai anh đã phải có mặt ở sân bay để ra Hà Nội.
- Về thăm vợ con ư?
- Không… - Người đàn ông đột nhiên tỏ ra lúng túng - Họp. Họp ở bộ. Tất nhiên sẽ ghé thăm… gia đình nếu có điều kiện.
- Anh bao giờ cũng thật. Thật đến tội nghiệp?
- Dung, ngồi dậy nghe anh nói này! Thôi, nằm cũng được. Trả lời anh một câu cuối cùng đi, để kỳ này tiện ra ngoài đó anh…
- Làm thủ tục ly hôn?
- Đúng!
- Anh đã biết câu trả lời của em rồi.
- Em chưa trả lời gì hết. Em, lúc thế này lúc thế nọ như một con kỳ nhông biến sắc khiến anh chóng mặt không thể hiểu nổi.
- Biến sắc nhưng chỉ có một màu. Đừng buồn em nhé! Chúng ta chỉ là người tình. Còn thì ở, chán thì thôi, vậy dễ cho anh hơn.
- Cho anh hay cho em, hả? Em nói một lần thực lòng đi?
Cùng với vầng trán đã bắt đầu căng máu của người đàn ông, cô gái ngồi dậy, vén lại tóc, mắt nhìn sâu vào người nói chuyện buồn da diết:
- Không phải cho em mà cũng không phải cho anh, anh Tư ạ! Mà chính là cho chị ấy và mấy đứa nhỏ. Em không phải người tử tế nhưng em là đàn bà nên em hiểu đàn bà trong những trường hợp như thế này.
- Nhưng đây là một người đàn bà do những hoàn cảnh trớ trêu, anh đã ly thân gần chục năm nay rồi.
- Nhưng những đứa trẻ không có khả năng li khai với cả bố lẫn mẹ nó.
- Thôi được - Tư Đương đứng thẳng người dậy, lưng gồ lên - Nói thẳng ra là em không yêu tôi?
- Anh biết rồi đấy.
- Em chỉ cần tôi?
- Có nên nói vậy không sau tất cả mọi chuyện, anh Tư? Cho đến giờ phút này em vẫn quý mến anh, kính trọng anh.
- Tôi không cần ai quý mến, ai kính trọng hết. Tôi không phải là lãnh tụ, không phải là thần phật. Tôi là một thằng đàn ông. Thằng đàn ông mà chỉ được phụ nữ kính trọng không thôi thì là thằng đàn ông chẳng đáng ba xu. Thật thế!
Cô gái bật cười và khẽ cầm lấy tay anh:
- Anh là một người cộng sản lạ lùng, anh Tư ạ! Một người cộng sản có chức có quyền cao vòi vọi hẳn hoi mà vẫn giữ được khẩu khí và tâm hồn của một gã trai làng. Có lẽ chính vì thế mà cho đến tận bây giờ em vẫn gắn bó với anh.
- Cám ơn! - Tư Đương cười nhạt và lắc đầu.
- Anh đừng cười như thế. Làm quan to mà cười vậy là người ta bảo hiểm độc đấy. Thôi được, chuyện ấy để thư thư được không? Em còn cần phải suy nghĩ. Nghĩ cho anh chứ không phải nghĩ cho em. Chỉ có điều anh nhớ hộ: không bao giờ em chui vào sự quản lý của một người đàn ông khi em không yêu thương người đó hết lòng.
Đã biết tính biết nết, Tư Đương hiểu câu nói ấy là một sự hoãn binh mềm mại nhưng anh vẫn thấy lòng mình dịu đi.
- Em kỳ dị lắm! Em như một đốm lửa ma trơi ngoài nghĩa địa mà không khi nào tôi nắm bắt được. Tôi chờ đợi lâu quá rồi và tôi sẽ tiếp tục chờ đợi nữa. Công việc lúc này rất nhức đầu. Nào là cách thức làm ăn mới, nào là nội bộ xỏ lá nhau, nào là người dân đang có nhiều thắc mắc… Nếu không có em, nếu không được nghĩ về em như một sự cân bằng sinh thái thì có lẽ anh đã nhiều lần ngã gục trên bàn hội nghị rồi.
- Anh Tư… - Giọng cô gái thảng thốt - Dạo này tóc anh bạc đi nhiều.
- Thực ra không nên hỏi em câu vừa rồi nhưng cứ hỏi để rõ, mặc dù em không nói tôi cũng đoán biết. Xin lỗi!
- Đợt này anh đi lâu mau?
- Chừng một tháng. Nhưng nhất định sẽ về kịp dự ngày sinh nhật của em.
- Anh… Không nhất thiết…
- Đến giờ rồi. Chào em. Nhớ giữ gìn sức khoẻ và đừng ra biển khi có sóng lớn. Người ta nói sóng ở đây bất tử lắm.
- Khoan đã! Em có một chuyện muốn nhờ anh giúp.
- Sao, có chuyện gì? Nói đi và giữa chúng ta không bao giờ nên nhắc đến cái động từ giúp khách sáo ấy.
- Có một người đang gặp nạn…
- Ai?
- Đó là một người… Thôi, anh đi đi? Lúc trở về hẵng hay. Anh có thể hôn em.
- Có cần thiết không?
Tư Đương cười nhẹ rồi đi luôn. Lát sau trong tĩnh lặng, làn gió mặn mòi ẩm ướt đưa ngược trở về tai cô mẩu đối thoại rì rầm dứt quãng ở dưới sân:
- Đừng để cho cô ấy thiếu thứ gì nghe Hoà!
- Dạ!
- Ngay sáng mai cháu lên phố mời thợ điện xuống. Mua thêm mấy cải rèm che cửa sổ và tấm nệm mút. Sức khoẻ cô ấy không tốt lắm đâu.
- Dạ!
- Nếu muốn vẽ thì cứ để cho cô ấy vẽ nhưng nhớ nhắc về thời gian. Cả hai chị em cần nhớ: Đừng biến những tranh vẽ ấy thành phương tiện kiếm sống. Tôi còn có thể lo được.
- Dạ!
- Hoà có thấy một lần nào cô ấy nói về bệnh tình của mình không?
- Bệnh gì ạ?
- Thì tôi hỏi.
- Cháu không biết. Chỉ thấy chị ấy bảo mỗi ngày sắc cho một thang thuốc bắc, thế thôi ạ!
- Ừ. Còn người cha của Dung, có khi nào cháu thấy cô ấy nhắc nhở đến ông cụ không?
- Không ạ. Chị ấy chẳng bao giờ nói và cháu cửng không hỏi. Sao chú?
- Hình như ông cụ vẫn còn sống trong khi Dung nói ông cụ đã chết, chết ngay sau ngày miền Nam được giải phóng. Tôi đang có ý tìm.
- Ôi? Thế thì phúc đức quá? Chú ráng tìm nhé? Chị ấy bây giờ rất cô đơn, sống trên đởi chẳng còn ai là người thân thích.
- Nhưng đừng vội nói gì hết, rõ chưa? Ừ. Đồ biển ăn khó tiêu và dễ đau bụng. Chịu khó đi chợ xa mà mua đồ ăn hợp khẩu vị nhé?
- Cháu vẫn đi chợ cách đây năm cây số.
- Ừ. Thế thôi. Cầm tạm một ít chi tiêu trong tháng này. Cầm lấy!
- Ôi, sao nhiều thế ạ? Mà cháu không cầm đâu. Chị Dung…
- Thì đừng nói cho cô ấy biết. Đi nhé! Chúc hai chị em có được những ngày yên bình và vui vẻ. Tạm biệt?
Và sau đó là tiếng đế giày giẫm trên cát sàn sạt xa dần. Trong nhà, dưới quầng sáng mờ tỏ của ngọn đèn đã lụi bấc, nước mắt Dung bỗng trào ra. Cô vùi sâu mặt xuống gối.