Đạt ghét cay, ghét đắng gã chủ thầu ngồi với "xếp" anh. Gã chẳng làm gì Đạt cả, nhưng chỉ vài lần thấy gã, thậm thụt với ba anh là Đạt không ưa rồi. Gã trông bảnh bao ra phết ở độ tuổi năm mươi, sung mãn và thành đạt. Lời ăn tiếng nói mềm mỏng, tế nhị, vừa trên được dưới. Với cô thư ký của xếp anh, gã ga lăng hết biết. Mỗi lần ghé cơ quan anh thăm, thường dấm dúi cho quà. Quà gì, ít ai biết, bởi ai hỏi, cô thư ký cứ tủm tỉm cười, liếc "xếp" ra vẻ... Đợi gã chủ thầu đi ra, Đạt mới vô gặp "xếp". Anh hỏi vẻ bực bội: - Lão Thời lại tới mượn quân hả xếp? Viên giám đốc ậm ừ. Đạt hậm hực ngồi phịch xuống ghế: - Đợt này thầu lớn, lại công trình tư gia chiếm ba phần tư. Chú đừng cho mượn quân nghe, trễ hợp đồng, tôi không chịu trách nhiệm đâu. Viên giám đốc lắc đầu: - Lão không mượn quân, chỉ nhờ vả một việc mà chú khó từ chối. - Việc gì? Viên giám đốc khoát tay, đứng lên: - Ê! Chuyện gì không liên quan tới mày, để tâm làm gì? - Ông choàng vai Đạt, vừa đi, vừa hỏi - Công trường đường Một, thi công tới đâu rồi? - Đang đánh nhanh, dứt điểm trước mùa mưa. - Tốt - Sực nhớ, ông hỏi - Cô Nhân đó hiện làm ở đâu? Thấy Đạt nhíu mày cố nhớ, ông nhắc: - Cô gái hôm xây nhà công ty, nó gói tôm nhét vô ngực áo đem về đó. Đạt "à" một tiếng: - Chú thấy hả? - Tao còn thấy hộp xôi của mày bị con nhỏ bỏ lại ở gốc cây. Đạt nhún vai: - Nhỏ khỉ gì chú ơi. Hai con rồi. Hai chú cháu thong dong xuống lầu. Một cô gái từ xa đi lại, gọi: - Chú Đăng! Anh Đạt! Cả hai tươi cười nhìn cô gái lại gần. Cô đẹp lắm. Ở tuổi ngoài đôi mươi được trang bị đủ kiến thức vào đời, với mọi điều kiện vật chất lẫn tinh thần và cô biết mọi ưu thế của mình. Đăng, viên giám đốc nheo mắt nửa đùa nửa thật, nói: - Phòng thiết kế hết việc muốn nịnh chú gì đây? Cô gái liếc Đạt, mắt long lanh: - Cuối tuần, con có việc nhờ anh Đạt, chú cho ảnh nghỉ nghe chú? Ông Đăng nhìn Đạt: - Ánh nó nói vậy, mày nghỉ sao? Đạt cười nhẹ. Ngoài xã hội, Đạt là kẻ thâm trầm, lọc lõi. Anh thích Ánh, cô chuyên viên đồ họa, nhưng đâu có nghĩa là dễ dàng để cô ta xỏ mũi. Huống chi Đạt biết Ánh thích mình, có thể thích vì cô cộng luôn cả Đạt và tài sản lại thành một. Nhưng điều ấy có sao. Đời ai không thích giàu, đâu ai khờ như cái cô Nhân kia vậy. - Cuối tuần, con bận lắm. Nhưng... - Còn nhưng gì nữa? - Ánh vờ dỗi, ngoảnh mặt đi. Ông Đăng vỗ vai Đạt: - Người đẹp muốn là trời muốn, mày còn nhưng gì nữa? OK. Chú cho nghỉ trọn thứ bảy. Ông nháy mắt với Ánh. Chớ sao nữa. Ba cô với ông là chỗ thâm tình. Bạn nhờ kiếm chồng cho con gái, ông phải tận tâm chớ. Huống chi Ánh đã hăm bảy tuổi, còn Đạt chưa mối tình nào, chỉ giỏi chuyện...kiếm tiền. - Thôi, hai đứa hò hẹn gì cứ tự nhiên. Chú đi đây. Ông Đăng đi rồi, Đạt tạt luôn qua phòng làm việc của anh. Ánh theo sát gót và kè sát anh khi anh ngồi vào ghế. Giọng thật ngọt, Ánh hỏi: - Bộ không nhớ hứa gì với Ánh hở? Đạt vờ tìm giấy tờ, miệng nói: - Xin lỗi. Anh lu bu quá. - Là nhớ hay quên? - Ánh nũng nịu. - Ánh nhắc đi - Đạt cố nhớ rồi lắc đầu. - Anh hứa đưa em về thăm nhà đó. Mình có nói không nhỉ? Hình như không. Chậc! Chả quan trọng, điều quan trọng là đưa về nhà nào? Về nhà kia hay nhà này? - Ra là thế. Vậy thứ bảy nhớ gọi điện cho anh đến đón. - Còn bây giờ? - Anh đang làm việc. Như sực nhớ ra điều gì, Đạt vỗ trán la: - Chết rồi! - Gì mà chết? Đạt tất tả xách kẹp hồ sơ nhảy ba bước ra cửa, ngoái đầu lại nói: - Cứ mỗi lần gặp Ánh là anh quên đầu quên đuôi. Anh đi gặp chú Đăng xin cấp dụng cụ làm nền đã. Đạt biết Ánh rất sung sướng khi nghe anh nói vậy. Anh cười một mình, ra tới tận nhà xe. Lên chiếc cúp TOM 92, Đạt chạy êm ru về công trường và gặp Nhân bên bể nước đang rửa sạn. Thấy Đạt, Nhân rụt rè: - Chào...ông...kỹ sư. Đạt suýt cười, vờ nghiêm: - Chào chị. Đạt đi thẳng vào trong và bực bội khi thấy lão Thời ở đó với ông Đăng. Câu nói lão dội vào tai khiến Đạt không bước tới mà nép ngoài lắng nghe. - Nghe nói, từ hồi giám đốc Bảy Mễ về hưu, bà ta không có tiền trợ cấp, sống khổ lắm, nhưng tôi lại bặt tin tức. - Thật ra, anh nói chuyện xa xưa với tôi có dụng ý gì? Thời cười khùng khục trong cổ họng lắc cái đầu bóng lưỡng: - Hồi đó, anh giám sát thi công mà, anh phải có một phần trách nhiệm chớ. Hiện tại, tôi có tin tức về cô ta rồi. Anh nghĩ sao, nếu cô ta tìm đến gặp anh xin tiền trợ cấp hàng tháng. Ông Đăng bực tức: - Chuyện xảy ra hơn mười năm rồi. Trách nhiệm cũng không thuộc về tôi, bởi lúc đó, tôi đang ở Hà Nội. - Tôi biết, điều tôi muốn nói là danh tiếng của anh. Người ta nào biết anh có lỗi hay không, chỉ cần cô ta ghé tới cơ quan anh đều đều. Ha, ha. - Thôi đi. Thật ra, họ đang ở đâu? - Bạn bè phải có qua có lại chứ anh Đăng. - Điều anh yêu cầu giúp là không thể được. Cậu Đạt càng không chịu đâu. - Được. Để anh suy nghĩ một hôm, mai ta bàn tiếp. Thời cười khơ khớ, rồi đi ra. Vẻ ung dung đắc chí. Đạt ập vào, hỏi ông Đăng, giọng gay gắt: - Lão ép chú chuyện gì mà sao chú dấu con vậy? Ông Đăng phẩy tay: - Hắn trắng trợn như vậy, chú nhất định không giúp. Mày đừng bận tâm. - Còn chuyện kia, có sao không? Ông Đăng nhíu mày, vẻ không bằng lòng. - Xin lỗi chú. Con vô tình nghe thôi. Thoáng buồn, lững thững đến bên khung cửa còn đầy hồ vữa, nhìn xuống, ông Đăng nói: - Chú cũng mong gặp lại bà ta. Hơn mười năm rồi, liệu rằng với nỗi đoạn trường, với thân xác tật nguyền, bà ta còn sống được chăng? Ông Đăng gục đầu đau xót. Đạt bối rối ngẩng nhìn. Có bao giờ chú ấy buồn đến vậy. oOo Những nhà cao tầng, nhà trệt, mọc nhanh như nấm mùa mưa, quanh trục đường số 1. Con đường cắt từ đường số 1 ấy qua cũng đã mọc đầy nhà, có tên có số hẳn hòi. Riêng khu vực sâu vào trong, chỗ nhà tạm công nhân, chỗ túp lều của mẹ con Nhân, vẫn chưa tiến triễn gì, vắng vẻ, đìu hiu lắm. Cho nên con Hậu và thằng Lượm vui nhất là khi đám công nhân về. Lúc đó, hai đứa có thể lạng qua lạng lại nhìn đám đàn ông lấm lem kia, độc quần đùi, xúm nhau té nước, tắm rửa, giặt đồ, chửi nhau tục tĩu và cười hô hố trước những cái lườm nguýt của mấy cô cấp dưỡng. Nhưng rồi xảy ra một sự cố khiến hai đứa bị cắt luôn niềm vui ấy. Tất cả vì con Hậu. Hồi má nó thất nghiệp, nó ngày bữa cháo, bữa rau cũng qua. Giờ má nó có việc làm, lương ngày đến hai chục ngàn, cơm ngày hai bữa mà lúc nào nó cũng thấy đói. Bà ngoại tụi nó trừ khi đi chợ, ít ra khỏi "nhà", nên hai đứa tha hồ đây đó sau buổi học bài. Và trong khi thằng Lượm lang thang ra tận xóm ngoài tìm trẻ chơi lon, đánh tán, thì con Hậu mon men tới bờ rác dãy nhà công nhân nép vào một góc, hít lấy hít để mùi thức ăn xào nấu từ trong ấy bay ra. Cha trời! Cơm công nhân ăn theo chế độ, có ngon lành gì, nhưng với những nhân vật trong túp lều của chúng ta thì là cao lương mỹ vị, nên con Hậu có như thế cũng bình thường. Và từ chỗ núp ấy, con Hậu thấy chị cấp dưỡng đi ra, trên tay là thau thức ăn lộn xộn, chị ta vừa đi, vừa cằn nhằn: - Một lũ trời đánh! Ăn rồi bứa ra không dọn. Con Hậu thấy trong thau có khúc cá ăn dở, to lắm. Trời ơi! Nước miếng nó tứa đầy miệng, mon men lại gần. Chị cất dưỡng thấy nó, hất hàm: - Ê, nhỏ! Làm gì đó? Định chui rào ăn trộm hả? Hỏi vậy, chớ nhìn con bé, chị không tin nó trộm nổi thứ gì mang đi với vóc dáng bé tẹo của nó. Con Hậu đau đáu nhìn thau thức ăn thừa trên tay chị ta, ngón tay nó vẫn ngậm trong miệng: - Cho...cho...con...cá. - Hả? Chị ta nhìn xuống và hiểu, bèn chìa thau thức ăn ra sát bờ rào, ái ngại nói: - Nhỏ lấy đi. Mày đói hả? Con Hậu nhón lấy khúc cá, chạy u về nhà, không nói lời nào, mặc chị ta gọi giật. Nó trốn vào sau vách, ăn hết khúc cá một mình. Đang mút xương thì thằng Lượm bắt gặp. Nó gạn hỏi, con Hậu kể thiệt, còn khoe: - Ngon lắm, anh Lượm. Mai mình ra xin hén? Thằng Lượm nuốt nước miếng ừng ực nhưng sực nhớ lời má dạy và cũng có giận con Hậu ăn tham một mình, liền đe: - Tao méc má. Nó không méc, nhưng bà ngoại nghe mùi tanh của cá đầy trên quần áo con Hậu, liền tra gạn, nó khai, vậy là tối đó con Hậu bị quỳ xơ mít nửa giờ. Mẹ Nhân ra lệnh: - Cấm không được tới nhà ai, xin cái gì. Bà ngoại còn quát: - Đói cho sạch, rách cho thơm. Tối đó, trên chiếc chiếu rách phủ tấm vạt tre đầy mọt nhai nhả bột, thằng Lượm lấy dầu nhị thiên đường xoa hai đầu gối con Hậu, thì thầm lời xin lỗi em bằng lời hứa: - Mai anh làm cho em một con diều. Đối diện chỗ hai đứa nằm, Nhân và mẹ chị thấy hết diễn biến. Bà Hiền thở dài, nói: - Má thấy đỡ đau rồi, uống hết thuốc, đừng mua nữa. Mua thêm chút cá thịt cho tụi nó. - Không được đâu má. Bác sĩ nói, phải uống một thời gian dài, nếu không má bị thần kinh luôn đó. Đói nghèo đã quen, nhưng bệnh tật bà Hiền quá sợ. Hơn một năm sống dở, chết dở, tự tử mấy lần không được, giờ bà Hiền hiểu được giá trị cuộc sống và sức khoẻ. - Hay thôi. Tuần này đừng đi thăm con Hiếu. - Không được. Con hứa rồi. Chỉ ở trong đó, tinh thần sa sút lắm, cần được quan tâm má à. Bà Hiền chặc lưỡi: - Một tuần làm chỉ được trăm mấy ngàn, nào chữa bệnh, nào thăm nuôi, tụi nhỏ bữa đói, bữa no, má xót lắm. Bà thở ra: - Giá con Hiếu được nửa con. Nhân trở mình nhìn lên trần mùng: - Má đừng trách chỉ nữa. Chỉ sa chân cũng vì muốn có chút tiền lo cho gia đình thôi. - Má dù nghèo đói, dù chết... - Má! - Nhân gắt - Nhưng chỉ làm sao đành? Chỉ cũng đâu ngờ thằng khốn kia chơi để bỏ như vậy. Bà mẹ làm thinh, mắt ráo hoảnh như cõi lòng từ lâu đã chết. Hơn năm mươi năm làm người, bà có được mấy niềm vui. Bà không thể nào ngờ, cuộc đời bà lại cùng cực đoạn trường đến vậy. Đêm qua rất chậm, một chú thằn lằn bò thế nào rơi tòm và lỗ hổng trên mùng xuống mặt bà. Lấy tay hất ra, bà lại nghĩ về chuyện mua một cái mùng mới. Thế đó, nếu bà không là người thực tế, làm sao sống được đến bây giờ. Bên bà, Nhân đã ngủ say.