ã lâu lắm, ở một làng quê hẻo lánh miền trung có đứa con nít lên bảy – với cây đàn măng-đô-lin cũ kỹ – đã đàn những bản Thiên Thai, Không Quân Việt Nam, Làng Tôi… Nó đàn và hát mà không hề biết ai là tác giả. Bài hát thường bị ngắt quãng bởi những tiếng gầm rú của máy bay ném bom giặc Pháp. Ngôi nhà tôi bốc cháy. Giống hệt bi kịch được mô tả trong bài hát: Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà. Ngày giặc Pháp tới làng diệt thôn. Ðường ngập bao xương máu tơi bời Ðồng không nhà trống tàn hoang. Ðó là Văn Cao. Nhưng chỉ là Văn Cao trong chiến tranh. Mười lăm năm sau, khi là sinh viên đại học Sài Gòn chúng tôi lại ngồi với nhau hát Sông Lô, Bắc Sơn, Thăng Long Hành Khúc… chúng tôi hát Văn Cao trên đường phố, trong khói cay và trong cả nhà tù. Ðó là Văn Cao. Một Văn Cao xuống đường đấu tranh cách mạng. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi và các bạn tôi lại hát Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch. Một giai điệu đẹp, trang trọng và quý phái. Tôi hát bài ấy không phải vì là bài ”ca ngợi“ mà vì giai điệu của nó đẹp quá, nó chinh phục tôi ngay từ những dòng dạo đầu của cung FA trưởng tài hoa. Ðó là Văn Cao. Một Văn Cao trong ngẫu hứng. Còn một Văn Cao khác, trữ tình, mộng mị, phiêu lãng và rất cổ điển trong Cung Ðàn Xưa, Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Suối Mơ… Nếu ai chịu khó đọc thơ của ông, xem tranh của ông, sẽ gặp một Văn Cao khác hiện đại hơn. Những bó hoa mang tới chúc tụng Thành công một con người Hàng ngày, hàng ngày Xây thành cái mồ chôn Con người thành công ấy Người ta đôi khi bị giết bằng những bó hoa (NHỮNG BÓ HOA) Nhưng chúng ta vẫn chưa phác thảo được một Văn Cao thực sự, bởi Văn Cao còn có một đời riêng nghèo khó, khốn đốn vì thời cuộc, vì những ấu trĩ của một thời ”chưa mở cửa”. Chuyện ấy nói chỉ một câu nhưng Văn Cao phải chịu đựng gần như cả cuộc đời. Cái phần đời ngậm ngùi ấy Văn Cao không thể hiện được trong tác phẩm của mình dù chỉ thấp thoáng. Nó chìm khuất dưới đáy sâu của một biển cả lạnh giá. Và cũng giống như ngọn núi băng, cái phần chìm câm lặng ấy bao giờ cũng to lớn hơn phần nổi hào nhoáng trên bề mặt. Ðó là điều đáng tiếc. Bởi vì nó cũng là một phần đời thật nhất, nhiều nỗi đau nhất, nhiều thương tích nhất. Nhưng, những giọt máu trên vùng thương tích ấy đã không chảy vào được tài năng của ông để tạo thành tác phẩm. Ðó là thiệt thòi của ông. Và của văn học nghệ thuật Việt Nam. Một Văn-Cao-thật là một cái gì dang dở. Ðời dang dở. Mà tài năng - tuy lớn - nhưng cũng dang dở.