Cả cái ngày hôm ấy từ đầu chí cuối chỉ có bình minh. Vạn vật vui như hội. Vườn cảnh Xanh Cơlu thơm ngát ngọn gió sông Xen nhẹ rung lá biếc, cành cây nhún nhẩy múa may. Những con ong vàng xông lên cướp nhụy hoa nhài. Từng đàn bướm nô đùa trong cỏ dại. Trong cảnh vườn ngự tôn nghiêm có cả một lũ chim trời du đãng. Bốn cặp thanh niên hòa mình trong ánh nắng, trong lúa đồng, trong hoa cỏ, cây lá và cùng đua khoe thanh sắc. Trong khung cảnh thiên đường, họ nói, họ hát, họ chạy nhảy, họ săn bướm, họ hái hoa bìm, họ dầm những đôi chân mang bít tất hồng vào cỏ ướt. Tươi lành, điên dại, dễ dãi, các cô nhận đây đó những cái hôn của cả bọn, trừ Phăngtin, nàng vẫn giữ cái dáng phản kháng âm thầm, cái vẻ mơ màng cách biệt, vì nàng yêu! Phavurit bảo nàng: “Mày lúc nào cũng thế nào ấy!” Họ vui như thế đó. Những lứa đôi đang yêu và sung sướng mà đi qua nơi nào thì ở đó thiên nhiên và sự sống dường như cũng bị lay động sâu xa và mọi vật đều sôi trào âu yếm và ánh sáng. Ngày xưa có một nàng tiên chỉ vì thương những người bạn tình mà làm ra cho họ bãi cỏ và chòm cây. Từ đó mà có cái trò muôn thuở “ngồi bụi cây” của những cặp tình nhân, cái trò luôn luôn diễn đi diễn lại cũng như trò “học trong bụi cây” (Nguyên văn: école buissonière, thành ngữ, có nghĩa là trường trong bụi) luôn tồn tại chừng nào trên đời còn có bụi cây và học trò. Cũng từ đó mà mùa xuân mới được các nhà tư tưởng mến yêu. Quí tộc xũng như dân đen, quận công cũng như không nhà, trong triều cũng như ngoài quận, tất cả đều làm tôi cho nàng tiên ấy. Người ta cười, người ta tìm nhau, trong không khí dường như có ánh sáng thần tiên rực rỡ. Chao ơi! Con người biến đổi biết bao khi người ta yêu! Một anh làm công quèn cũng tưởng mình như được lên tiên. Và những lúc đùa reo đuổi bắt nhau trên nội cỏ, bất thần tóm được lưng nhau; lời cục cằn thành điệu du dương, một ngữ khí, một âm thanh cũng tràn đầy yêu dấu; những lúc một quả anh đào mồm nọ cướp của mồm kia, tất cả các phút giây ấy đều rực sáng và đi vào cõi thần tiên chói lọi. Các cô thiếu nữ xinh tươi quả đã đem tất cả hương sắc của mình ra phung phí một cách say sưa. Cảnh tượng đó người ta tin là không bao giờ chấm dứt. Triết gia, thi sĩ, họa sĩ ngắm nhìn những cảnh mê ly ấy mà đành chịu bất lực vì chúng nó chói lóa cả mắt. Oattô kêu: đây là cảnh “Rủ nhau ra đảo tình yêu”; Lăngcơre, nhà họa sĩ bình dân, đành ngắm họ như bay bổng tận mây xanh; Điđơrô thì dang tay chào đón tất cả các cuộc tình duyên ấy, còn Đuyêchphê lại tả thêm vào cảnh đó mấy vị thầy mo. Cơm trưa xong cả bọn kéo nhau vào khu vườn ngự xem thứ cây lạ vừa mới đưa từ Ấn Độ sang. Cây tên gì ngày nay chúng tôi không nhớ ra, chỉ biết là hồi đó cả Paris đều đến Xanh Cơlu để xem. Giống cây kỳ dị ấy thân nhỏ, thong thong, trông rất xinh, chẳng có chiếc lá nào, toàn một mớ vô số là cành cây rối bù, nhỏ như sợi chỉ, phủ đầy một lượt không biết cơ man nào là hoa trắng li li, nom giống như một đầu tóc rắc phấn trắng. Ngày nào cũng khối người vây quanh trầm trồ ngắm nghía. Xem cây xong, Tôlômiet vụt kêu lên: “Tớ cho các cậu đi lừa nhé!” Mặc cả với người cho thuê lừa đâu vào đấy, cả bọn ngồi lừa trở về theo lối Văngvơ và Itxi. Đến Itxi xảy ra một việc. Vườn cây, tài sản quốc gia, lúc ấy thuộc quyền sở hữu của người chủ thầu quân nhu Buốcganh, hôm ấy ngẫu nhiên cổng lại mở toang. Họ đi thẳng vào vườn, đến thăm hình nhà ẩn sĩ trong hang đá, vào phòng trưng bày các loại gương, thử chiếu để xem các hiện tượng, các sắc màu kỳ lạ. Cái phòng trưng bày khá nổi danh vì những hình ảnh khêu gợi dục tính này chẳng qua cũng là thứ cần câu tiền rất xứng với một tay làm tiền trở thành triệu phú hoặc một tên bất lương trở thành vị thần vườn tược. Họ cùng đến chơi đưa võng chỗ chiếc lưới căng giữa hai cây dẻ. Các cô gái lần lượt leo lên võng. Tôlômiet cũng lần lượt ru. Lưới võng đưa mạnh, chiếc váy cũng tung bay. Cả bọn phá lên cười. Cái cảnh quần hồng phấp phới này, giá có Gơrơdơ thì nhà họa sĩ chúng ta cũng chộp được một nếp xiêm trong quần thanh thú. Tôlômiet, cái anh chàng có ít nhiều máu Tây Ban Nha trong người, vì Tuludơ có họ với một hành phố bên Tây Ban Nha là Tôlôda, mà chàng thì là người Tuludơ, Tôlômiet vừa đưa võng vừa cất tiếng hát theo điệu buồn buồn một bài dân ca cổ mà cảm hứng chắc bắt nguồn từ hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp tung bay trên chiếc thừng chăng giữa hai hàng cây: (Trong nguyên tác bài hát này lời bằng tiếng Tây Ba Nha) Anh là người ở quê xa Vì tình nên phải bôn ba với tình Đu bay tung váy cô mình Da em băng tuyết cho anh thẫn thờ Hồn dâng trong mắt ước mơ Riêng Phăngtin nàng từ chối không đu võng. Phavurit thầm thì giọng khá chua chát: “Tớ không thích kiểu làm điệu như thế”. Họ bỏ lừa xuống thuyền. Lại một dịp vui mới. Họ ngồi thuyền qua sông Xen, rồi từ Patxi đi bộ về quảng trường Ngôi Sao. Mọi người còn nhớ, họ thức dậy từ năm giờ sáng, thế mà Phavurit cứ bảo: Mặc kệ, chủ nhật làm gì có mệt mỏi, ngày chủ nhật cái mệt cũng nghỉ việc. Vào quãng ba giờ chiều, bốn cặp tình nhân, say mềm hạnh phúc, còn chơi trò trượt dốc ở cái núi yên ngựa, một công trình xây đắp kỳ dị nằm trên ngọn đồi Bôgiông, mà đường nét vòng vèo nhìn thấy nhấp nhô trên các ngọn cây quảng trường Săng Êlidê. Chốc chốc Phavurit lại kêu: - Thế cái món bất ngờ đâu? Đây muốn xem cái bất ngờ ấy. Tôlômiet bảo: - Hãy đợi tí nữa!