Ngoài ra còn có các mánh lới “xào chẻ”để kiếm tiền thông qua “mua bán đổi chác”, hay đánh bài hoặc hốt me. Một bộ bài khi vào được tận trong này sẽ có giá “1 xị”, thường là do bọn chiếu cố đưa vào. “Chiếu cố” là mấy tên tù sắp hết án, ít còn muốn trốn trại nên được đưa ra ngoài, không phải ở trong phòng… bọn này là tay sai đắc lực cho QG. Ngoài bán bài, bọn này còn bán thuốc lá, một bao thuốc có giá “6 xị”, khi đưa vào trong phòng Đại Bàng sẽ bán ra 2 điếu là “1 xị”, vị chi một gói sẽ bán được “1 chai”, số tiền lời để cờ bạc và bao đám đàn em mồ côi, đám này chuyên quét dọn phòng và “đấm bóp, massage” cho mấy đại gia tù KT giàu có. Mấy đại gia KT hay đám COCC vô tình phạm tội hầu hết đều có sự gửi gắm từ bên ngoài nên được đám cai ngục quan tâm, săn sóc, có tiền để lót hầm, lót ổ nên cũng đỡ khổ hơn chút ít, nhưng cũng phải tỏ ra hết sức “biết điều”, nếu không sẽ bị bọn se sẻ phá phách đủ kiểu. Vì thuốc lá đắt tiền như thế nên không dám hút nguyên điếu mà cắt nhỏ ra từng khoanh gọi là “bi”, một bi như thế được nhét vào một cái “bỉnh” giống như cái ống điếu và chia nhau kéo. Lửa thì được lấy từ cây “chẹt” hay từ cái bóng đèn điện trong phòng. Việc hút như vậy được phân chia đẳng cấp hẳn hòi, càng “số má” nhiều thì được hút nhiều và hút trước, đám cóc ké thì lâu lâu mới được hưởng ân huệ hút một bi là mừng lắm rồi. Ở đây cư xử phải thật rõ nét, nói một là một, hai là hai, không được lợn cợn, sơ sảy là có chuyện liền. Lần đấy trong phòng có mâu thuẫn giữa Út Khùng và Tư Cá, hai thằng này cãi nhau, chửi nhau suốt nên BDH quyết định “căng dây”, tức là sẽ cho hai thằng đấu với nhau một cách sòng phẳng. Sau bữa cơm chiều là khoảng thời gian mà đám cai tù và bọn chiếu cố lơi lỏng nhất, cuộc so găng bắt đầu. Cả đám đứng xung quanh phía trên bệ vỗ tay la hét để lấy khí thế và cá độ, xà-lảng sẽ là võ đài cho hai thằng, ĐHC làm trọng tài… Vào cuộc Út Khùng tự nhiên cởi phăng hết quần áo, trần truồng trùi trụi “…tổ bà nó… mặc quần áo vướng víu đánh nhau mất sướng…” – Tư Cá tức quá chửi “cái đồ ăn cám sú đụ heo rừng, tù thì cũng phải có danh dự của … thằng tù chứ?” – Có điều y cũng say máu cởi phăng luôn cái quần đương mặc để được công bình như Út Khùng. Đây quả là một cuộc giác đấu thời tiền sử, một cuộc chiến đầy nét hoang dại, không một manh giáp và cũng không một thứ vũ khí nào… Hai thân thể trùi trụi gầm rú lao vào nhau, Út Khùng tung một quả đấm trúng ngay miệng Tư Cá, làm thằng này rách môi, trào máu miệng, bù lại Tư cá cũng đấm một quả ngay mắt Út Khùng làm nó sưng lên tù vù. Có điều do đói ăn thiếu uống nên chỉ vài phút là cả hai thằng chân đứng không vững, tay thì quờ quạng. Út Khùng mệt quá đứng không nổi, ôm chặt lấy Tư Cá, còn thằng này cũng mệt đến mức lăn đùng ra, hai thằng nằm bò dưới xà-lảng, không dậy nổi. Cái vụ “căng dây đấu võ đài” này có phần hấp dẫn nên hầu như chiều nào cũng được tổ chức. Ban đầu thì là để giải quyết mâu thuẫn lặt vặt, sau trở thành một trò chơi giống như đá gà, đại loại: Hôm nay thằng Mọi đấu với thằng Chệt… cá sáu ăn bốn… Thằng Méo đấu với Hai Chĩa… cá năm năm… Hùng Đinh đấu với Danh Xà… cá ba ăn bảy… ….. Cuộc đấu không hề có một sự bảo hộ nào cả, hoàn toàn bằng tay chân trần, được quyền đánh vào bất cứ đâu và chỉ ngưng khi một bên chịu thua nên vô cùng nguy hiểm và tàn bạo. Vì thế chỉ sau một thời gian “song đấu” kẻ thì vêu mỏ, người thì bầm mắt, kẻ thì rách tai, sưng tay, trật chân… một số người già cả trong phòng thì trở nên hoảng loạn như ông Bảy X. Ông Bảy X vốn là thầy tu trên tuốt đỉnh núi, mười tuổi ông đã đi tu, nay đã hơn năm mươi, nghĩa là ông ăn chay trường cũng hơn bốn mươi năm nay, cuộc đời sẽ bình yên trôi qua và ông sẽ đắc đạo nếu không có một sự thay đổi… Ngày xưa gia đình ông ở ngay dưới chân núi, có để lại cho ông một mảnh đất rất lớn, khi ông lên núi tu hành thì mảnh đất được cho một người bà con xa trông nom giùm, có thu hoạch hoa màu gì thì chia cho ông Bảy chút ít để ông dùng… Sau này khi vùng đất được quy hoạch thành khu du lịch, bỗng chốc mảnh đất của ông trở nên có giá bạc tỷ, nhưng người bà con xa bỗng nhiên trở mặt muốn chiếm lấy, người này sau lại là CA xã nên ông Bảy X mấy lần làm đơn thưa mà không ai giải quyết. Tranh chấp đâu cả mấy năm, một hôm ông Bảy xách cái búa mai phục trong bếp, khi người bà con đi vào thì ông vận công lực “bốn mươi năm tu hành” đánh một “quả” ngay đầu… cú đánh may là không làm tay CA xã chết, nhưng y sau này trở nên “niêng niểng”, còn ông Bảy X thì khăn gói vô trong này. Khi vô tù thì ông vẫn tiếp tục ăn chay và tụng kinh mỗi tối, phần thịt cá ít ỏi của ông bị đám “cà-khu” xơi mất. “Cà-khu” cũng là tù mồ côi, thường thuộc nhóm hiếp dâm trẻ em hoặc loạn luân như hiếp con gái nuôi, con gái ruột, hèn và hay ăn cắp vặt… nên không được Đại Bàng trọng dụng, suốt ngày ngồi bó gối sát tường, nhìn thảm não cứ như con Cà-khu ở trong rừng rậm. Còn chuyện tụng kinh mỗi đêm của ông Bảy thì lâu lâu có thằng dọa “sẽ ra tố cáo với quản giáo” làm ông đâm ra sợ hãi vì trong này ba cái vụ tôn giáo là cấm triệt để, sơ hở là ăn “ba-trắc” ngay. Tay QG nhìn qua cái lỗ nhỏ, kêu ông Bảy X đến: …đm… nghe nói ông truyền bá kinh này nọ hả?... dạ thưa cán bộ đâu có… Ông coi chừng đó… ở bên ngoài thì không lo tu hành… vô trong này còn bài đặc, hôm nào thử xem lưng ông chịu được mấy cây “ba-trắc”. Nơi đây còn có một ông già nữa gọi là “Thày Ba”, can tội chứa mại dâm, khoảng trên năm mươi, ốm nhom ốm nhách. Thằng Méo lân la hỏi chuyện “Thày Ba chứa mấy em như thế chắc lâu lâu mấy em phải đãi miễn phí chứ?” – Cả đám cười hô hố, một thằng còn nói “Thày Ba làm nghề nào ăn nghề nấy mà, mấy em nào mới tới là phải cho Thày khám điền thổ trước…”. Thằng Méo sờ nắn bắp tay của ông Bảy, nó nói “ong… ong tu ành… ành trên úi… mấy chục năm, công lực cao thâm như thế mà đánh một búa thằng CA xã không chết thì cũng kỳ thiệt… anh em trong đây ai cũng đấu rồi còn mình ông với Thày Ba, hay là hai ông đấu với nhau giải sầu đi… nhắm sức ông còn đấu nổi không?” – Ông Bảy X tuy xanh mặt nhưng ráng nói cứng “đấu thì đấu, tao đâu có sợ”. Chiều hôm ấy là đến lượt “căng dây” cho ông Bảy X đấu với Thày Ba, cả đám tù tỏ ra khoái chí, thằng thì cá cho Thày Ba thắng, thằng thì cá cho ông Bảy sẽ thắng làm không khí trở nên náo loạn. Bữa cơm chiều đầy sạn xong lúc bốn giờ rưỡi, xà-lảng được quét dọn sạch sẽ, ánh nắng bên ngoài vẫn còn le lói qua khe cửa thì cuộc đấu bắt đầu, Thày Ba đứng một bên, mặt xanh tái như tàu lá, còn ông Bảy X đứng phía bên kia, hai chân hơi run run… Hai ông già được đặc ân cho mặc quần áo trong lúc đấu…Cả đám la hét ồn ào náo nhiệt, vui còn hơn là Tết nữa, hai ông già còn đang múa máy, thở hồng hộc thì BHD cho dừng lại, y nói “hai ông quá già yếu nên cho miễn, bù lại lát nữa Thày Ba phải hát bù… còn những thằng nào trước giờ vẫn ăn phần thịt của ông Bảy thì hôm nay sẽ đấu thay… đm… thằng Bợm với thằng Trọc đâu? Hai thằng mày ra đấu…”. Thằng Bợm là một tên trộm chuyên nghiệp, nhưng chỉ là ăn trộm vặt sống qua ngày, gần đến mùa mưa hay dịp Tết Nguyên Đán là thằng Bợm hay trộm linh tinh để được vào tù “vào trong này có chỗ trú mưa trú nắng, tối có chỗ ngủ an toàn, đau bịnh có thuốc uống miễn phí, Tết có món La-gu thịt bò với bánh mì… trong khi ở ngoài nếu không vô mánh thì đói dài cổ, ngủ dưới gầm cầu gặp cơn mưa thì ướt như chuột…” – Vì thế nên CA điều tra nhẵn mặt Bợm từ bao lâu nay, nhưng không thể không bắt giam nó được. Vô đây thằng Bợm cải thiện thêm bằng nghề đấm bóp cho các đại gia có án KT, cứ một “quận” đấm bóp được 5 ngàn hay ba trái chuối – “nghe nói mày hay ăn trộm gà, buổi tối nguyên bầy gà ngủ trên cây làm sao mà bắt được?” – “tôi lấy một cái cây dài, đóng nhánh phía trên, buổi tối con gà đang ngủ say, đưa cây lên chạm nhẹ là nó có phản xạ bước tới trước, khi nó đậu yên trên cái cây thì từ từ hạ xuống, bẻ cổ cho vào bao, cứ thế là mần hết nguyên bầy gà” – “nhiều khi đi buổi tối tôi còn cầm theo cây đèn pin chiếu sáng ngời, đâu ai ngờ là đi ăn trộm mà lại cầm đèn rọi… khi có động thì mình hô to ăn trộm, ăn trộm… rồi cũng chạy rượt bắt như người ta vậy”. Còn thằng Trọc thì là con nhà giàu, nghiện ma túy nặng, chôm hết đồ nhà xong thì chuyển qua bán lẻ thêm để có tiền hút chích. Có lẽ nó bị nhiễm nên tóc không mọc, cái đầu lúc nào cũng trọc lóc. Hai thằng này ăn ké phần thịt của ông Bảy X hay cãi nhau nên DBH cho đấu để giải quyết, thằng nào thắng thì được ăn tiếp, còn thằng nào thua sẽ phải “canh hầm bô”. “Canh hầm bô” là từ lóng để chỉ chỗ nằm ngay sát tại hầm cầu, là chỗ khó ngủ nhất nên tù mới vào hay phải ngủ chỗ này, nếu có tiền lo lót thì được lên “chiếu trên”, còn đấu thua theo qui ước cũng phải “canh hầm bô” vài ngày. Ở trong này bị cấm hát vì “ở tù mà tụi mày vui lắm hay sao mà hát hò tối ngày, ông mà bắt được thằng nào hát thì ông vả cho vỡ mồm…”. Có điều tuy cấm thì cấm chứ tù vẫn hát vì đó là cách tốt nhất, hiền lành nhất để giải tỏa nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ vợ con, nhớ người yêu, bạn bè… Các bài hát được truyền tay nhau chép lên tờ giấy tạm giam hay gia hạn, bằng thứ mực là “thuốc tím”, một loại thuốc nước trị ghẻ phổ biến nhất ở trong này. Ở nơi đây ghẻ và lác là một thứ bệnh kinh niên, do cuộc sống chung đụng nên không ai là không bị, và thứ thuốc sức duy nhất là thuốc tím nên có nhiều thằng bị ghẻ toàn thân, khi sức thuốc tím vào cả người tím ngắt nhìn cứ như là con quỷ hiện hình. Thày Ba được miễn đấu nên phải hát bù, y có giọng ca rất hay, nó nhừa nhựa như giọng ca sĩ Duy Khánh, y hay ca bài “Căn nhà màu tím”: “Chiều nhìn ra đầu ngõ, dâng dâng niềm thương nhớ, dáng xinh xinh một người, Được nghỉ năm ngày phép, mất hai hôm làm quen, em mới cho mình biết tên….” Đến đoạn cuối thì cả đám tù cùng đánh bo, hát theo, tạo một không khí chan hòa ít thấy ở nơi này: ”…Ngày lành hăm sáu, hai mươi chiếc xe màu, chở đám cưới cô dâu cài hoa trắng trên đầu…ta nhìn nhau…” Có điều những bài hát như vậy rất hiếm, nơi đây loại nhạc phổ biến là “nhạc chế”, một thứ nhạc truyền khẩu, đại loại: “……………… Mẹ ơi! Con mẹ nay đã chết rồi không về nữa đâu mẹ ơi. Viên đạn đồng đen nằm sâu trong màng óc, giết con mẹ chết rồi Đến ngày giỗ con... Mẹ nhìn lên bia ảnh, thấy con mẹ mỉm cười… Chách, chách, chách bùm chách… Hôm nay con về, con về sau nhiều năm xa cách Tấm mền bông xô phủ lên màu trắng, con xa mẹ thật rồi. Đến ngày giỗ con... Mẹ nhìn lên bia ảnh, Nhớ con mẹ thật chết rồi… Chách chách bùm, chách bùm bùm bum…” Thông thường thì tù nữ và tù nam nhốt ở những khu riêng, nhưng vẫn có thể liên lạc với nhau thông qua những ô cửa nhỏ ở phía trên cao. Mấy thằng công kênh nhau lên, một thằng “giao lưu” hát cho nữ nghe, bên kia mấy em cũng hát lại, nổi tiếng nhất là một em tên Thảo Bay, khi nào trời mưa là lại nhớ đến giọng ca của em: “…Nhớ nhớ mưa bong bóng, nhớ dáng em buồn, nhớ lệ em tuôn Nhớ mưa bong bóng, nhớ khi tan trường em sát vai anh… …Phải chi hôm ấy đừng mưa Phải chi hôm ấy đừng đưa em về…” Đang hát mà nghe hô “xe tăng đến, xe tăng đến” là biết có QG xuống kiểm tra, còn nghe “xe mủ đến, xe mủ đến” là biết đám chiếu cố xuất hiện, đám này không làm gì nhưng hay tâu hót, xuất hiện vào giờ này để thu mấy nồi cơm và “mua bán đổi chác” cho QG. Nhai cơm tù mãi đến tận tháng thứ bảy tay CS điều tra mới xuất hiện lại, y cùng đám chiếu cố dẫn ĐHC đến nơi hỏi cung. Suốt mấy tháng ròng ở trong phòng, bây giờ mới được nhìn thấy bầu trời xanh, được thở hít cái không khí bên ngoài, sao mà khoan khoái thế. Tay CS điều tra lịch sự mời hút một điếu thuốc, y cười hì hì, làm như mấy tháng vừa rồi ĐHC ở khách sạn ba sao không bằng. Y lặp lại mấy câu hỏi cũ xì như tên, tuổi, nghề nghiệp, thường trú… Sau đó y vừa hỏi vừa viết vào biên bản: Tôi đã đi xác minh, không hề có ai tên Đồng Đen như anh kể… cũng đã gặp lại tay chủ ghe buôn và một vài người, họ cũng nói chỉ thấy một mình anh… Phen này thì đúng là tiêu rồi, không lẽ lúc xuống thuyền Đồng Đen chơi bùa ẩn thân, ngoài ĐHC ra thì không ai nhìn thấy y? điều này cũng có thể lắm. Hơn nữa ở xứ này có một đường dây chuyên mang “hàng nóng” từ CPC về VN, nên họ nghi ngờ cũng phải, ngoài ĐHC ra còn mấy tay khác cũng bị dính vì tội danh này. Cô gái vẫn khai là đi chung với anh, chúng tôi cũng đang xác minh, có điều cô ta ở bên Miên, không rõ nguồn gốc nên hơi khó… Cô gái này tên Châu, lai Kh’mer, vào trong này được đặt là “Châu Pha”, cô ta nổi tiếng là “hoa khôi trong tù”, đám chiếu cố bu theo “hoa thơm chia nhau mỗi thằng hít một ít”. Bọn này thường lợi dụng lúc sáng sớm, phải đi quét dọn trước sân, đáp sang phòng nữ “quan hệ”, hoặc lợi dụng lúc bán đồ căn-tin để “mó máy” này nọ. Bên nữ thì khá nhiều em ở ngoài đời vốn dĩ làm gái, chỉ cần có “đồ ăn, tiền, thuốc lá…” cho mấy em là muốn gì cũng chiều. Lâu lâu có em lại nổi hứng leo lên cửa sổ “xô hàng” cho mấy anh xem. Cô Châu Pha này từng làm gái ở mấy Casino bên Miên, thỉnh thoảng cũng leo lên cửa sổ hát: “…Anh nghĩ gì khi thấy em Lặng lẽ từng đêm phấn son nhạt nhoà Lặng lẽ từng đêm khói bay mịt mờ Ngồi nơi vũ trường… …Đừng xem em như cánh chim hoang bay về đêm…” Sau cô được thả vì xác minh lại mấy viên thuốc trăng trắng là thuốc cảm bình thường, nên chỉ bị cái tội “nhập cảnh trái phép” án xử vừa bằng những ngày tạm giam, có thể cô ta cũng là một đệ tử của Mười Hổ không chừng, chắc là ông ta muốn cho ĐHC nếm mùi tù sương sương để hoảng sợ mà tự biến đi… Ông ta đâu có nghĩ là sau khi thấy cái giếng được sửa rồi thì ĐHC cũng muốn chạy ngay nhưng không kịp. Sau khi kết thúc điều tra thì mới được gặp mặt người thân, chờ đợi mãi cuối cùng cũng đến lượt…. Hôm ấy đang nằm mốc meo trong phòng thì nghe tin có người đến gặp mặt… phòng gặp được ngăn cách bằng một lớp lưới mắt cáo, tay QG lúc nào cũng kè kè ngồi sau vì sợ đám thân nhân của tù tuồn đồ cấm vào như ma túy, thuốc lá hay vật nhọn, lưỡi cưa… và cũng cấm tù không được kể về những khổ cực ở trong này, nếu nói lung tung khi vào sẽ bị ăn đòn ngay. Ngồi bên cạnh là một đại gia ma túy án rất nặng. Người này lúc ở ngoài có điền trang rộng lớn, chủ mấy nhà hàng, khách sạn, tiền nhiều còn hơn nước biển. Bây giờ thì người thân đã bỏ hết, chỉ còn một cô con gái nhỏ. Một ông trùm hiển hách ngày nào, cuộc sống vênh vang, nhà lầu xe hơi, cơm bưng nước rót, kẻ bợ người nịnh nay chỉ là cái quá khứ xa xưa, cái còn lại cuối cùng chỉ là một mẩu nhỏ của máu thịt ruột rà. Cô bé nom rất xinh xắn, chắc còn đang đi học, độ mười lăm mười sáu tuổi, vừa nói chuyện với bố vừa khóc thút thít. Tay đại gia chân thì bị xiềng, tay còn bị còng nhưng nói chuyện rất bình tĩnh và điềm đạm, nhìn kỹ mới thấy hai bàn tay của y hơi run run “…Ở nhà ráng săn sóc bà nội thay bố, nhớ đừng bỏ học nghe con…”. Chắc y biết chuyến đi này phải “lên dĩa” rồi nên cố dặn dò con gái. Trước khi chết sao ai cũng nói những lời chân tình tha thiết như thế? Phải chi bình thường mà con người biết nghĩ, biết nói như thế thì… Để được gặp mặt cha, cô gái nhỏ chắc đã phải vượt một quãng đường rất dài một thân một mình, và chắc chắn biết bao cạm bẫy sẽ còn chờ cô trong cuộc sống côi cút sắp tới. Bên ngoài còn có một phụ nữ trẻ ẵm một đứa bé chừng hơn một tuổi, chắc là đi thăm chồng nhưng không được cho gặp, cô ta cứ đứng tần ngần, muốn nhắn gì đó nhưng ngay lập tức bị mời ra ngoài, mãi sau này mới biết đó là vợ của BDH. Ngồi chờ mãi, một lúc sau thì thấy… Tiêu Thu Thu xuất hiện. Cô ta vẫn như ngày nào, tươi như bông hoa của mùa Xuân.