Đi theo một hàng dọc, cha con ông Can, Văn và tôi di chuyển vào sâu trong rừng, để toán các bà và lũ nhỏ ở lại phía sau. Từ xa, cơn bão gầm gừ như một cái dạ dầy đang đói meo. Chớp lóe sáng trên những đám lau sậy, làm sống động những cành cây mầu tím ở chung quanh chúng tôi, trông như những hình dáng quái vật trong chuyện kinh dị. Ông Can cầm chắc khẩu súng trong tay. Chúng tôi bám sát lấy nhau, trườn trên mặt đất trơn trượt như một con sâu đất khổng lồ dưới ánh xanh kỳ bí của của buổi xế trưa.
Đột nhiên, ông Can bỗng dừng lại. Ông ra hiệu cho chúng tôi cúi thấp hơn nữa trên mặt đất lõng bõng nước, thì thào:
- Yên hết. Đừng ai nhúc nhích.
Từ chỗ đứng, tôi có thể nhìn thấy một người đang đốn cây cách tôi chừng ba chục thước. Người đốn gỗ ấy không chỉ có một mình. Tôi còn nghe thấy có tiếng người khác xen lẫn với tiếng sấm rền và tiếng gió rít. Ông Can ra hiệu cho chúng tôi bò lại gần ông ta hơn, rồi nói:
- Kế hoạch là như thế này. Bọn họ có bốn người. Hai tên đang ăn trưa. Tụi bay không thấy đâu, họ ngồi khuất đằng sau cái cây đó. Còn hai tên kia thì các cháu nhìn thấy phải không, Kiên, văn?
Vừa nói ông vừa chỉ tay về phía hai người thợ rừng đang đứng cách nhau khoảng vài thước. Ông tiếp:
- Hai cháu lãnh hai tên đó được không? Bác và con bác sẽ canh chừng và hỗ trợ ở đây. Đi kiếm cục đá như cục này rồi luồn ra phía sau họ. Phải cầm chắc và đập cho họ xiủ đi. Đừng có mất tinh thần ngay cả khi họ trông thấy các cháu. Nếu có xảy ra thì ráng quấy rối họ lâu chừng nào thì tốt chừng ấy... Cha con bác sẽ chaỵ ra cứu các cháu ngay. Dễ òm, phải không?
Ông trao cho tôi một cục đá lớn hơn nắm tay tôi một chút. Văn thì lựa cho mình một cục cũng hình dáng và lớn như của tôi. Cái ý nghĩ làm bị thương người khác khiến tôi muốn phát ớn vì sợ hãi. Tôi hỏi:
- Họ đứng đối diên. với mình, làm sao tụi cháu có thể lẻn tới?
Văn nói:
- Tôi có cách
Ông Can hạ lệnh:
- Thử nói coi.
Văn chỉ những cành cây chĩa ra như những ngọn giáo ở trên đầu hai người:
- Mình sẽ tấn công từ phía trên. Kiên và cháu sẽ chuyền qua mấy cái cành kia để tới gần họ. Rôì chờ đúng lúc thì bụp - Nó tạo thành âm thanh làm như có cái gì giáng xuống - Vào ngay giữa sọ!
Ông Can nói:
- Ý kiến tuyệt đó con. Nào, lên đường, hai đứa!
Văn nhổm dậy nhét vạt áo vào trong quần, làm thành một cái bọng. Rồi, như con Kangaroo ôm con, nó nhét cục đá vào bụng rồi cài chặt thắt lưng lại. Với hai bàn tay không, nó leo lên một cái cây. Tôi cứ làm từng cử động theo y như nó. Từ cành này qua cành khác, nó chuyền như một con sóc, không gây nhiều tiếng động. Tôi bám sát theo nó một cách rụt rè, vỏ cây trơn trượt rất khó giữ. Đã vậy, gió mạnh cứ rít lên giữa đám lá cây xanh rậm rịt. Hòn đá nặng chiũ cứ trệ xuống trong bụng áo của tôi. Ở xa phía trước, Văn đã tới đích rồi. Nó ngồi như con chim đậu trên cái cây ngang phía trước hai kẻ địch của nó, bồn chồn chờ đợi tôi.
Về phần tôi, càng gần tới mục tiêu, cành cây mỗi lúc một nhỏ hơn và cách xa nhau hơn. Tôi lẩm bẩm khẩn cầu trời phật cho thêm sức lực mới. Cuối cùng thì, qua đám lá dầy đặc, tôi nhìn thấy cái đầu đen của người thợ rừng và một mảng áo sơ mi may bằng vải thô mầu đỏ của hắn ta. Chỉ còn một cành nữa là tôi sẽ ở ngay trên đầu hắn.
Từ chỗ tôi nhìn qua, thấy Văn đang nhăm nhăm cục đá. Bắt chước theo nó, tôi với một tay để nắm cho chắc, như thế tôi mới có thể moi vũ khí ra bằng tay kia. Nhưng thay vì là bề mặt cứng của cành cây, tay tôi lại chạm phải một cái gì là lạ, vừa mềm mềm, lạnh lạnh lại vừa ướt át, trơn trượt. tôi nhìn xuống thì ra một con trăn lớn hơn bắp đùi tôi. Thân mình của nó quấn quanh cành cây ở ngay phía dưới tôi. Nó hếch cái đầu hình thoi của nó lên nhìn chòng chọc vào mặt tôi. Tôi rú lên và nhẩy đại về phía sau. Cành cây ở dưới tôi gẫy làm đôi. Tôi rớt xuống một đống lá khô chỉ cách chỗ người thợ rừng có vài bước. Cùng lúc đó, Văn liêng. cục đá vào ngay đầu nạn nhân của nó, quất hắn ta ngã sụm ngay xuống chân như một thân cây bị đốn. Mặt hắn ta úp xấp xuống đất bùn.
Nền đất nhờ có lá phủ dầy nên giống như cái nệm đỡ tôi lúc ngã xuống, tuy nhiên tiếng hét thất thần cộng với sự xuất hiện bất ngờ của tôi đã báo động cho mấy người thợ rừng khác. Họ quăng ngay bát cơm trưa và túa hết ra từ sau bụi cây, tay lấp lóe những cái rìu. Người đứng gần chỗ tôi nhất cũng giơ cái rìu lên. Mặt của hắn đen sạm đầy sát khí. Tôi cố lùi lại để tránh xa hắn, nhưng sự sợ hãi làm cho tay chân tôi rũ liệt. Người tôi đông cứng lại, hé mắt nhìn hắn và chờ đợi cái số phận bất hạnh của mình.
Tai chỗ núp, ông Can và người con nhào ra chĩa súng vào đám thợ rừng, la lớn:
- Ngừng lại không tôi bắn!
Người bận áo nỉ sọc đỏ thét về phía chúng tôi:
- Lũ khốn nạn, tui bay giết em tao rồi.
- Chưa chết đâu. Chỉ ngất đi thôi.
Văn trả lời một cách chắc nịch. Thì ra nó đã tuột xuống khỏi lùm cây từ lúc nào và đang quan sát cái thân xác nằm trên mặt đất. Một người làm gỗ hỏi:
- Mấy người là ai? Muốn cái gì?
Mặt của ông ta đầy những vết sẹo rỗ của bệnh đậu mùa, trông lạnh băng, không lộ vẻ cảm xúc. Nhìn ông ta, khó có thể đoán được là ông ta đang ngạc nhiên hay giận dữ. Ông Can trả lời:
- Chúng tôi chỉ muốn mượn cái thuyền của các ông để quay về Nha Trang.