Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 33

 

Người mặt rỗ giận dữ nhìn cây súng trên tay ông Can:

- Còn lâu anh mới dám bắn. Bọn công an sẽ lùa tới ngay khi anh vừa nổ súng.

Ông Can nhổ một bãi nước bọt xuống đất:

- Ở điạ vị anh, tôi không đánh cuộc như thế. Trời mưa thế này, ai mà nghe thấy gì? Có muốn tôi chứng minh không?

Người thợ rừng đáp:

- Dạ không, muốn về nhà thì để chúng tôi giúp. Tin tôi đi. Chỉ có chúng tôi là biết xài cái xuồng máy bất kham này mà thôi.

Ông Can hỏi:

- Làm sao mà tin được anh?

- Thì ông có súng. Bảo chúng tôi làm gì thì chúng tôi làm theo. Chỉ cầu ông đừng hại chúng tôi là được rồi.

Ông Can gật đầu:

- Vậy thì tôi sẽ mang theo hai người trong nhóm các anh. Hai người kia ở lại đảo. Khi chúng tôi về tới Nha Trang an toàn, thì họ sẽ quay lại đón các anh.

Người mặt rỗ chỉ vào chính mình và người mặc áo đỏ:

- Vậy mang chúng tôi theo.

Ông Can quay lại phía Văn và tôi, ra lệnh:

- Lục trong đống đồ của họ, lấy dây trói hai người lại với nhau. Nhớ khóa miệng họ lại.

Với sự trợ giúp của Cần, chúng tôi đặt hai tù binh áp lưng vào nhau. Một người vẫn còn bất tỉnh khi chúng tôi lôi họ lại gần nhau. Máu trên đầu hắn ta còn để lại một vệt đốm đỏ dài trên nền đất rừng. Chúng tôi thắt nút thật chặt ở cổ tay và mắt cá chân họ. Vài giọt máu nhẽu trên mấy ngón tay của tôi. Tôi kinh hãi vội quẹt đi. Với hai tay giơ cao trên đầu, người mặt rỗ nói:

- Nói cho tôi biết, bọn ông có cả thẩy bao nhiêu người?

Ông can im lặng, không trả lời.

Khi chúng tôi đi xuống bãi cát ở bờ biển thì trời gần tối. Mây đen phủ dầy đặc khắp trên bầu trời và mưa rơi nặng hạt hơn. Sấm chớp liên hồi loang loáng trên những vòm cây. Cái xuồng máy nằm trên bờ biển được che dấu bằng những tầu lá dừa. Nó dài gần mười thước, làm bằng ván ép bọc thiếc và nước sơn mầu gỉ sắt đã tróc ra gần hết. Bộ máy gồm một động cơ và một giây nối điên. đặt ở khoảng giữa đáy xuồng về phía đuôi. một cái cần bằng sắt nối động cơ xuống chân vịt qua một lỗ đục ở phía dưới buồng lái đặt ở cuối xuồng. Dọc theo mỗi bên xuồng là môt dãy ghế, có thể đủ chỗ cho từ sáu đến mười người. Trên xuồng đã chất sẵn một đống những khúc gỗ vừa mới xẻ, chiều dài đều đặn bằng nhau. Ông Can ra lệnh cho chúng tôi khuân đống gỗ ăn trộm vất lên bãi để thêm rộng chỗ cho mọi người.

Chúng tôi đẩy cái xuồng xuống biển. Mấy cái rìu của đám thợ đặt trên sàn, có một tấm plastic phủ lên. Chúng tôi ngồi sát cạnh bên nhau trên ghế trong khi đó đám con nít thì nằm lăn ra sàn. Hai cha con ông Can thì ngồi ở phía đằng mũi xuồng. Súng của họ chĩa về phiá những người thợ rừng khi đó ngồi mấp mé ở đuôi xuồng.

Với sự đồng ý của ông Can, người thợ rừng bận áo đỏ giật sợi giây kéo để làm cho máy nổ. Người đồng nghiệp của hắn ta thì giữ cây cần điều khiển nối động cơ để lái theo đúng hướng. Cái xuồng kêu ầm ĩ rồi chaỵ băng băng trên mặt nước như một con hải mã. Chẳng mấy chốc, hòn đảo bị bỏ lại đằng sau. Trước mặt chúng tôi, biển mở rộng vòng tay bao la, dập dìu con xuồng đủ mọi hướng. Mưa rơi nặng hạt làm không thể nhìn thấy gì. Chẳng mấy chốc chúng tôi ướt như chuột lột.  Nhìn thấy tôi run bần bật, dì Đặng kéo tôi sát lại gần dì hơn.

Ở phía đuôi xuồng, người mặt rỗ lôi ở dưới chỗ ngồi ra một tấm bạt trao cho chị của Văn và dục cô ta lấy để che mưa. Cô ta cầm lấy với vẻ rụt rè.

Trong bầu không khí căng thẳng như thế, chúng tôi đã đi được gần một giờ. Cuối cùng, mây tan dần, ánh trăng mờ lại le lói trải ra trên mặt biển xáo động.

Gã mặt rỗ cất tiếng năn nỉ ông Can:

- Xin đừng bắn, hãy nghe tôi nói. Tôi cần châm thêm xăng cho máy, nó gần cạn rồi. Bình xăng ở ngay kia kìa.

Hắn ta chỉ tay về phiá một cái thùng sắt tây nằm ngay bên cạnh đống buá rìu. Ông Can trả lời:

- Không được!

- Thiệt mà, cứ nghe tiếng động cơ nổ coi. Chỉ thêm vài phút nữa là nó ngưng chaỵ thôi nếu không châm thêm xăng.

Ông Can cảnh cáo:

- Được, nhưng làm chậm chậm để tôi có thể canh chừng anh. Nhớ tránh xa mớ rìu. Anh mà có hành động khả nghi là tôi bắn ngay đó.

Gã mặt rỗ gật đầu và bước dè dặt lại chỗ bình xăng. Cái bình có vẻ năng nên hắn ta phải dùng hai tay để kéo lê nó trên sàn tầu. Lưng quay về phía ông Can, hắn di chuyển chậm chạp về chỗ ngồi của mình. Bất chợt hắn trượt chân trên một khúc gỗ nằm dưới sàn và chúi về phía trước. Vẫn giữ bình xăng, hắn dang tay xoay một vòng một trăm tám mươi độ và xoay mặt đối diên. với ông Can. Bình xăng sáng loè lướt trên không khí như một tia chớp xẹt. Ông Can hét lên:

- Coi chừng!

Trong cơn kinh hoảng của chúng tôi, người rỗ mặt phá lên cười và nhìn chúng tôi một cách đắc thắng. Những ngón tay của hắn móc chặt lấy cái bình xăng, đung đưa trên mặt biển tối mò. Rồi hắn nháy mắt với ông Can, tay ve vẩy bình xăng qua lại và nói:

- Có giỏi thì bắn đi. Tao thả cái bình này xuống đáy biển. Đến lúc hết xăng, tụi bay cũng chết luôn.

Anh Cần thốt lên, hai tay nắm chặt lại:

- Tên này khốn nạn thật. Tao tưởng mình đã thoả thuận rồi.

- Thoả thuận cái gì. Tụi bay đánh bị thương một người trong bọn tao, bỏ rơi hai người trong rừng, rồi bắt cóc tụi tao lên đây. Vậy thì còn thoả thuận cái nỗi gì.

Rồi hắn ra lệnh cho người bận áo đỏ:

- Tắt máy đi.

Ông Can la lên:

- Đừng.

Nhưng tên kia đã nhấn cái nút điện.. Con tầu rít lên một lần cuối rồi khựng lại. Trôi dập dềnh trên biển, nó lắc lư từ bên này qua bên kia. Ông Can chĩa khẩu súng lên:

- Có lẽ tao không còn cách nào khác là phải bắn mày và điều khiển lấy cái ghe.

- Cứ bắn đi. Nhưng cái vụ hết xăng là tao không nói dóc đâu

- Cũng phải liều vậy thôi.

Tên mặt rỗ chỉ lên trời. Đâu đó trên nền mây, vài ngôi sao lung linh yêú ớt trên bầu trời hắn nói:

- Theo hướng ngôi sao đó đó. Có biết tên là gì không? Ngư phủ gọi là sao bắc đẩu. Lẽ ra phải đi về hướng tây thì mới tới Nha Trang.

Hắn ta ngừng lại chờ cho lời nói của mình ngấm đủ tác dụng rồi lại tiếp:

- Nhưng từ lúc ban đầu, cái xuồng đã đi về hướng bắc. Thưa thủ trưởng, ông đòi chúng tôi cho đi nhờ, thì chúng tôi cho ông đi. Bây gời hết xăng rồi. Muốn vất súng xuống hay lẫy cò thì cứ việc. Nhưng mà mau mau lên, trước khi tao phải quyết định.

Vài người đàn bà rên rỉ vì sợ. Lũ con nít bắt đầu cất tiếng khóc. Ông Can đứng lên. Mũi súng rung nhẹ trong tay. Ông quát bọn trẻ:

- Câm mồm!

Một bà thúc gịuc:

- Bỏ xuống đi, ông ơi.

Không để ý đến bà ta, ông quay sang nói với người mặt rỗ:

- Tôi với anh nên dàn xếp việc này một cách ổn thoả. Tôi có một đề nghị

- Tôi dỏng tai lên đây.

- Mình vất hết võ khí xuống biển, cả súng lẫn búa rìu. Anh chở tụi tôi về Nha Trang, rồi tụi tôi sẽ trả công.

- Trả công bằng cái gì chớ?

- Đồ nữ trang!

Tên mặt rỗ hất hàm:

- Đề nghị hay đó. Vậy chìa ra cho coi anh có những gì?

Ông Can nhìn thẳng về phía trước, một tay giữ chặt khẩu súng, còn tay kia gỡ chiếc đồng hồ ra khỏi cổ tay:

- Đây là cái đồng hồ Omega. Trị giá khối tiền đấy.Tôi đổi nó cho mạng sống của thằng con trai tôi.

Người con thì thào:

- Cha! Không thể bỏ cái đó được. Nó là quà kỷ niệm của mẹ mà.

Ông bố cáu kỉnh:

- Im mồm.

Rồi quay về phía chúng tôi, ông ra lệnh

- Lấy hết đồ quý ra đi. Hãy chứng tỏ cho hắn biết là mình chỉ muốn yên thân thôi.

Đám vượt biên lần mò trong quần áo và lôi ra những tài sản mà họ cất giấu. Cả đồng hồ, nhẫn hột xoàn, dây chuyền vàng đeo cổ và những lượng vàng hay bạc được đặt dưới chân của người thợ đốn gỗ. Tên đồng bọn của hắn ta hốt tất cả lên và thồn hết vào trong mọi túi.

Tên mặt rỗ nói với ông Can:

- Ê! Chưa có thoả thuận với cái đề nghị này! Không có võ khí, tụi bay vẫn đông hơn. Tụi tao không thích trò may rủi.

- Vậy mày muốn tụi tao làm gì?

Hắn ta chỉ về phía Cần:

- Đưa cái thằng răng vổ kia lại đây. Tụi tao sẽ giữ hắn làm con tin. Nếu mày không ngoan ngoãn, tao sẽ giết nó.

Ông Can cố chịu nhục:

- Hãy giữ tao làm con tin. Để thằng con tao ra ngoài.

- Ai cũng được, không thành vấn đề. Hãy bỏ súng xuống và bước qua đây.

Ông Can đặt khẩu súng xuống sàn và quay sang nói với người con đang run rẩy:

- Nhớ kỹ là vứt đám rìu búa xuống trước, rồi hãy vứt súng xuống sau.

Giơ hai tay lên đầu, ông bước qua sàn tầu. Người mặc áo nỉ đỏ quơ lấy cổ tay của ông và chói giật ra đằng sau rồi ấn ông qùi xuống. Đám các bà lặng lẽ ném võ khí xuống biển và sau cùng Cần cũng làm như vậy với khẩu súng của cha mình. Trước những cặp mắt sợ hãi của chúng tôi, tên mặt rỗ nhấc bình xăng lên và từ từ mở nắp ra. Một nụ cười quái đản hiện trên mặt, hắn vứt cái nắp xuống sàn và dốc ngược cái bình xuống. Chỉ có vài giọt chất long? đen ngòm nhễu ra mà thôi.

Dưới ánh trăng mờ nhạt, vẻ mặt ông Can nhăn nhúm đi vì giận dữ. Dù chẳng tới được nhưng ông cũng cố nhổ nước miếng về phía kẻ địch

Với cái hộp đựng đồ nghề ở dưới chỗ ngồi, tên mặt rỗ moi ra được một cái rìu nhỏ mà từ trước, chúng tôi không nhìn thấy. Hắn nhe răng ra trước mặt ông Can:

- Thằng già điên kia, mày có biết tụi tao mỗi năm đã từng chạm trán với bao nhiêu thuyền nhân như chúng mày không? Mày tưởng là đã tinh ma hơn chúng tao hả.  Tao sẽ giết mày, cái thứ ngu như bò kia!

Cái rìu vung lên khỏi đầu hắn sáng loé trong bóng đêm trước khi cắm phập vào ngực ông Can. Lưỡi rìu xuyên vào thấu xương của ông, gẫy đánh rắc. Cả thân hình ông già giật lên y như thể ông già vừa bị điện giật. Đám tị nạn la hét lên và cuống cuồng xô đẩy nhau chaỵ giạt hết về phía cuối xuồng để tránh xa cái cảnh hãi hùng. Trong cơn bối rối, một người đàn bà rớt ra ngoài. Người con gái của bà ta la lên, điên cuồng xoải hết cánh tay ra để níu lấy mẹ. Dì Đặng xiết lấy cổ tay tôi, rên rỉ vì hãi hùng.

Người áo đỏ cởi trói cho ông Can và cái xác của ông đổ vật xuống sàn. Rồi hắn kéo giật sợi giây cho máy nổ. Cái thuyền bị lắc mạnh về phiá sau lại khiến cho thêm mấy người nữa rớt xuống biển. Gã mặt rỗ tiến lại xác con mồi giật lấy cái rìu còn đang cắm trên ngực. Máu phọt ra chan hoà trên sàn tầu. Sau vài lần đá chân lên, hắn hất cái xác xuống biển.

Chỉ tay vào chị của Văn, đang rúc vào trong đám đàn bà và trẻ con chết khiếp vì kinh hãi, hắn ra lệnh:

- Dẫn con đó ra đây.

Tên đồng bọn túm lấy mớ tóc dài của chị và kéo cô về phía trước. Chị ngã xuống sàn tầu, kêu gào đứa em trai của mình. Văn lúc này bị kẹt trong vòng tay của đám thuyền nhân, nên chỉ biết nhìn theo chị mà chẳng làm được gì.

Gã mặt rỗ tiến về phía chúng tôi, vung cái rìu lên khỏi đầu và hét hết sức mình:

- Cút hết khỏi thuyền của tao.

Tôi la lên với dì Đặng:

- Dì ơi, mình nhẩy xuống đi.

Dì nhìn tôi, đôi mắt dại đi:

- Không được đâu, dì không biết bơi.

Chung quanh tôi mọi người thi nhau nhảy, từng toán một, vừa la hét vừa rơi xuống cái khoảng đen ngòm ở phía dưới. Tôi nắm lấy tay dì. Tên mặt rỗ đang tiến lại phía chúng tôi. Tôi nói:

- Mình đi, dì ơi.

- Không.

- Con xin dì, theo con đi.

Dì vẫn chùn lại. Tôi la lên:

- Đi dì. Con sẽ chỉ cho dì cách bơi ngửa. Dì chỉ cần bám vào con thôi.

Dì gật đầu. Thế là chúng tôi niú lấy nhau, nhảy xuống biển.