rước thời Lý Cao Tông, triều Lý đã bắt đầu tàn tạ và đổ nát, từ thời Lý Cao Tông (1175 -1210) trở đi, sự tàn tạ và đổ nát ấy càng diễn ra với một quy mô và một tốc độ lớn hơn. Mặc dù vậy, vua Lý Cao Tông vẫn hoang chơi vô độ, khiến cho dân tình khốn khổ, thế nước suy yếu. Nhiều bậc ưu thời mẫn thế lấy đó làm mối quan tâm hàng đầu. Song, người dám thẳng thắn can vua lại quá hiếm hoi. Chính vì lẽ đó mà lời can gián của nhà sư Nguyễn Thường trở nên rất đáng chú ý. Bấy giờ, nhà sư Nguyễn Thường được cử giữ chức tăng phó nên sử vẫn chép là tăng phó Nguyễn Thường. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 14 - a) viết:“Mùa đông, tháng 10, Vua ngự ra hành cung Hải Thanh. Đêm nào Vua cũng sai nhạc công gẩy đàn Bà-lỗ, hát khúc hát theo điệu Chiêm Thành, tiếng nghe rất ai oán thảm thiết, tả hữu đều rơi nước mắt. Tăng phó Nguyễn Thường can vua rằng:Tôi thấy bài tựa Kinh Thi có nói, âm nhạc của nước loạn (có lẽ là thời loạn mới đúng - ND) nghe như oán như giận vì chính sự sai trái; âm nhạc của nước bị mất nghe như thương như nhớ vì dân nước ấy khốn cùng. Nay Chúa thượng rong chơi vô độ, để giáo hóa lìa tan, chính sự sai trái, dân tình buồn khổ đến thế là cùng. Ngày nay mà lại nghe âm nhạc đó, ấy là điềm thời loạn nước mất, tôi biết chuyến này về, xa giá tất không ngự ra cung ấy nữa.Sau, trong nước đại loạn, quả y như lời sư nói”.