Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
ba

Tết đến! 
Đây là những ngày vui nhất của lũ trẻ con chúng tôi. Áo quần mới được lôi ra khoe khoang. Tình hình tuy không được yên nhưng chiến tranh không ngăn được chuyện vui Xuân của tuổi trẻ. 
Mùng bốn Tết! Đang lúc từ nhà bạn trở về, tôi đã gặp anh Cương và chị Phấn trên phố. Chị Phấn hôm nay mặc áo da beo lạ mắt, trong khi anh Cương vẫn vui vẻ trong bộ Âu phục màu sậm. Nhìn họ mà tôi ngỡ ngàng, hàng mươi câu hỏi đổ dồn lên óc, tôi quên cả sự chào hỏi. 
Anh Cương thấy tôi reo to: 
- Ồ! Cô em bất công của tôi, tại sao cô là em tôi mà lại nỡ giúp Phân trốn đi chứ? 
Tôi nhìn anh rồi nhìn sang chị Phấn. Đột nhiên tôi thấy ghét chị lạ. Tôi nhún vai: 
- Hai người vui quá nhỉ? 
Chị Phấn nhìn tôi cười. Đôi môi mỏng thắm trề ra yên lặng. Anh Cương thúc nhẹ chị: 
- Còn ở đó mà cười nữa hả. Xin lỗi cô em gái tôi đi chứ! Cô thay đổi như chong chóng, khiến nó bực đấy, thấy không? 
Chị Phấn nháy mắt: 
- Em thay đổi bao giờ? Hôm trước nếu không tội nghiệp anh, sức mấy mà em trở về! 
Anh Cương kéo mạnh chị Phấn về phía anh: 
- Hôm đó em làm khổ anh nhiều quá, trời tuyết lớn thế mà bắt anh phải đứng bên ngoài suốt ba tiếng đồng hồ, coi có được không chứ? 
Thấy họ âu yếm với nhau, tôi càng bực. Tôi muốn hỏi thẳng chị Phấn xem chị còn nhớ trận đòn hôm trước hay không? Nhưng nghĩ lại thôi. Anh Cương thấy tôi im lặng nên vỗ về: 
- Lỗi tại tôi cả, nhưng mong em hiểu dùm. 
Rồi anh đẩy tôi và chị Phấn về phía ngã tư: 
- Quý vị tha lỗi cho tôi nhé! Chẳng ai hiểu dùm cõ lẽ tôi chết mất. Sự thật ra thấy nhiều người không hiểu mình, tôi cũng buồn. Nhưng tôi đâu có phải hoàn toàn vô tích sự như nhiều người tưởng đâu! Ở nhà ai cũng cho tôi là thằng hoang phí, thật ra chắc chỉ có Phấn và trời mới hiểu nổi. Xưởng mộc kia gây dựng nên bởi những số tiền dành dụm của tôi đó. Cha muốn tôi làm quan, nhưng tôi thì chỉ thích thương mãi và kiến trúc. 
Anh nhún vai rồi yên lặng. Bây giờ tôi mới biết sự thật về xưởng mộc, nhìn anh tôi hỏi: 
- Sao anh không tỏ hết tất cả sự thật cho cậu mợ nghe? 
Anh Cương lắc đầu: 
- Họ có cho tôi cơ hội nào để tỏ bày đâu. Mà nếu có đi nữa thì chắc tôi sẽ chỉ gặp chống đối. 
Rồi anh vỗ mạnh vào vai chị Phấn: 
- Chỉ có Phấn là hiểu tôi. Phấn là người phụ tá đắc lực cho công việc tôi ưa thích. 
Chị Phấn đi cạnh yên lặng. Tôi thắc mắc muốn hỏi: Thế sao anh lại đánh chị Phấn? Nhưng lại thôi. Từ đây tốt nhất là nên tránh xa những chuyện lẩm cẩm của người lớn là hay nhất. 
Tối hôm ấy, anh Cương mời tôi dùng cơm. Bữa cơm thật thịnh soạn nhưng chẳng làm tôi hết những bâng khuâng lo nghĩ. 
Tôi không gọi điện cho chị Ngọc. Vì trước ngày Tết một hôm, chị Ngọc đã về nhà cha mẹ chồng. Chị trở về một mình chứ chẳng có ai đến đón cả. 
Tôi cũng khong kể cho chị nghe chuyện gặp anh Cương. Anh Cương bây giờ đã về với chị Phấn, có kể cũng vô ích. 
Trường đã khai giảng, sách vở lại trở về. Bắt đầu từ hôm nay tôi sẽ không còn rảnh rỗi để chen vào chuyện riêng của anh Cương nữa. Mùa Xuân đến thật sớm, những sợi nắng ấm lung linh trong vườn hoa bắt đầu đuổi nhau trên lá. Vì tình hình không ổn, nên trường chẳng cho nội trú. Tất cả học sinh đều đến trường hai buổi mỗi ngày. Không bị nội trú, tôi như chim sổ lồng. Buổi sang thức dậy thật sớm, thả theo lộ còn mù sương là cái thú tuyệt vời. Tôi thích nhất cái không khí mê ngủ của phố hai bên đường, dọc theo tô giới Nhật, nhìn những gian hang đầy màu sắc và lạ mắt của họ cũng là một niềm vui nho nhỏ. 
Hôm nay giữa lúc đến trường, tôi bỗng giật mình vì một chiếc xe chạy sát vào người tôi. Nhìn kỹ thì ra đó là xe của ông cậu và người lái chẳng ai khác hơn là tên Thiệu Kinh Thành. 
Hắn mặc đồng phục sinh viên màu xanh với nụ cười khó ngửi, nhìn tôi ra vẻ sốt sắng: 
- Lan đi đâu đó? Để tôi đưa đi nhé! 
Tôi lắc đầu: 
- Cảm ơn anh, tôi thích đi bộ thế này hơn. 
- Không lẽ cô nỡ từ chối lời mời của tôi sao? Trường tôi cũng gần trường cô mà. 
Nhìn chiếc xe bóng loáng và vẻ hách dịch của hắn, tôi châm biếm: 
- Lái xe nhà đi học oai quá nhỉ? 
Kinh Thành bẽn lẽn: 
- Đâu có, sẵn được cậu cô cho mượn xe, tôi tập lái luôn đấy, vả lại có xe mà không đi thì chẳng uổng lắm sao? 
Giữa lúc hắn đang bào chữa thì phái sau có hai ba chiếc xe đang nghẽn lói bóp kèn inh ỏi. Tôi thấy nếu giằng co mãi thì bất tiện quá, nên đành mở cửa bước lên xe. 
- Đưa đến đầu đường thôi nhé. Để tôi vào trường một mình được rồi. 
Kinh Thành mở máy, hắn nháy mắt với tôi: 
- Tại sao? 
- Vì tôi không thích để cho lũ bạn học nó nhìn thấy. 
Kinh Thành tưởng bở, hắn chớp nhanh mắt giả vờ: 
- Mình bà con mà, làm gì sợ thiên hạ đàm tiếu? 
Nghe hắn nói tôi muốn phát nôn: 
- Anh tưởng tôi sợ thiên hạ hiểu lầm à? 
Đôi mày hề của hắn linh động: 
- Chứ còn gì nữa, đàn bà con gái các cô nhạy cảm lắm, tôi biết cô sợ người ta tưởng tôi là bồ của cô. 
Tôi không nín cười được, nhìn hắn nhún vai: 
- Thế mà tôi tưởng anh mới là người nhạy cảm nhất chứ. Thú thật với anh, chẳng phải tôi sợ họ bảo anh là “kép” của tôi đâu mà tôi chỉ sợ chúng nó tưởng là tài xế của tôi mới khổ chứ. 
Kinh Thánh đỏ mặt: 
- Họ nói gì thì nói! Vì không có xe họ ganh đấy chứ! 
Nói chuyện với Kinh Thánh thật nản. Tôi yên lặng và tự hứa với lòng là từ đây tới trường sẽ chẳng nói thêm một lời nào với hắn nữa. Nhưng khi xe quanh qua khúc trái, thì tôi thấy trên xe điện đang chạy trước mặt, mấy đứa bạn cùng lớp tôi ngoắc tay. Có lẽ chúng nó đã thấy tôi. Kinh Thánh được dịp bắt chuyện: 
- Mấy người đó là bạn của cô phải không? 
Tôi giả vờ không biết: 
- Đâu, đứa nào đâu? 
Kinh Thành nhíu mày hề: 
- Cô có vẻ hách quá! Người ta chào sao không chào lại? 
Tôi thản nhiên: 
- Chắc họ lầm đấy! 
Ra đến trung tâm thành phố, xe cộ bắt đầu đông, Thành giảm tốc lực rôi cho xe ghé vào lề. Tôi nhăn mặt: 
- Làm gì nữa đây? 
Kinh Thành quay lại: 
- Tôi có tí việc. 
- Nhưng còn hai mươi phút nữa tám giờ rồi. 
- Không sao đâu. Tôi dảm bảo cô sẽ không trễ học đâu. 
Thành vừa nói vừa đưa tay bóp còi. 
Tiếng còi ồn ào khiến gã đàn ông trong tiệm chạy ra khúm núm. 
- Chi đây ông chủ? 
Kinh Thành oai vệ như một nhân vật quan trọng: 
- Việc hôm trước tôi nhờ có chưa? 
Gã đàn ông có lẽ là chủ cửa tiệm, vồn vã: 
- Có rồi. Tôi kiếm được cho anh nửa lố. 
- Sao lại có nửa lố. Phải kiếm đủ lố tôi tặng người ta mới được chứ! 
Gã đàn ông lắc đầu: 
- Bây giờ không có hang nhập cảng nữa. Nên nó đắt quá… 
Kinh Thành nhún vai: 
- Đắt thì đắt, phải kiếm đủ lố cho tôi. Bộ tưởng tôi không đủ tiền mua à? 
Gã chủ tiệm cười hề hà: 
- Ông chủ giàu sang, đi xe đẹp thế này mà ai dám bảo không có tiền. Thôi được rồi để tôi gắng kiếm. 
Được dịp tôi chầm ngòi: 
- Anh có vẻ oai quá nhỉ! 
Kinh Thành cười gượng, cho xe chạy về phía trường. Nhưng tôi chẳng để yên: 
- Anh mua gì đấy? 
- Mua bật lửa hiệu Ronson và một lố vớ ngoại quốc để biếu cho cậu cô. 
Tôi ngạc nhiên: 
- Anh làm sao biết ông ấy thích những thứ đó mà biếu? 
Môi máy Kinh Thành nhướng cao: 
- Đó là nghệ thuật để thành công cảu tôi đấy, tôi… 
Câu nói nửa chừng bị bỏ lửng, rồi hắn giả vờ chăm chú nhìn về phía trước. Tôi thắc mắc: 
- Cậu tôi giàu như thế cái gì không có mà cần phải cậu mua tặng? 
- Biết vậy nhưng mua tặng vẫn là của quý cô ạ. Tôi biết cậu cô thích mang loại vớ này lắm nhưng lúc này thật khó kiếm, nên tìm mua dùm thế mà… 
Xe vượt khỏi cầu Kim Cương, sắp đến trường, tôi thúc nhẹ hắn, cho xe ngừng lại. Lúc tôi vừa xuống xe, đột nhiên Kinh Thành hỏi: 
- Cô có thấy thằng Cương đâu không? 
Tôi lắc đầu, hắn nhún vai: 
- Vài hôm nữa cậu cô sẽ về quê chơi. Tôi được mời nhưng chắc thằng Cương sẽ bị ở lại. 
Tôi bất bình: 
- Làm sao anh biết? Biết đâu mai anh Cương chẳng về nhà. 
- Mai cô có cần đi nữa không, tôi mang xe đến rước? 
Tôi trề môi: 
- Thôi khỏi. Không phải xe của mình đi mãi ngượng lắm. Mai tôi ngồi xe điện sướng hơn. 
Rồi không thèm nhìn mặt hắn, tôi quay quả bỏ đi vào trường.