n mặc rách rưới, thấy khách bộ hành đi đến thì chìa tay ra, chìa cái mũ ra, dọn sẵn một bộ mặt bi thương, chuẩn bị một giọng nói thống thiết. OK. Đó là diễn xuất của những người ăn xin thông thường. Khi lối diễn ấy không có hiệu quả, người ăn xin thường dùng cả thuật hóa trang. Dùng cả đạo cụ. Thuốc đỏ, bông gòn và băng dán có thể dễ dàng biến một cái chân lành lặn thành ghẻ lở, đầy thương tích. Khi bị cảnh sát rượt đuổi, họ có thể chạy rất nhanh nhưng sau đó lập tức biến thành một gã què, lê lết vỉa hè, đầu chợ, miệng hát nghêu ngao những lời ai oán. Người khó tính có thể lật tẩy họ bằng cách giật tung những bông băng để chứng minh với thiên hạ rằng họ đang đóng kịch, đang lừa bịp, nhưng người dễ tính thì nói: “Cứ coi như đó là một cái nghề. Họ cũng đóng kịch như ai, có điều tư thế của họ hèn kém hơn, họ không có sân khấu, không có bục diễn, họ chỉ có vỉa hè, xó chợ vì thế mà họ chỉ ‘lượm bạc cắc’.” Lại có loại người ăn xin có chút tài năng. Một người què nhưng biết hát, người kia mù lại biết đàn. Người hát có khi còn cầm một cái săn để đánh phách. Sàn diễn của họ thường là các quán ăn bình dân. Họ đi từng bàn, người hát người đệm đàn, giúp vui. Họ có vẻ chuyên nghiệp hơn những bạn diễn ở vỉa hè, đầu chợ. Ở châu Âu “loại hình nghệ thuật” này khá phổ biến. Tại nhà ga Paris Nord bạn có thể nhìn thấy một cô bé trạc mười hai mười ba tuổi, gốc Đông Âu, chơi đàn vĩ cầm trong một buổi sáng giá lạnh. Trong lòng chiếc mũ nỉ của cô bé cũng có được mấy đồng bạc cắc. Bên Đức tại thành phố Dresden cổ kính người ta cũng dễ dàng tìm thấy những người hát rong đứng trên hè phố vừa chơi viôlông vừa kéo phong cầm và có cả hắc tiêu. Âm nhạc của họ không ai oán, không than vãn, nhưng mục đích của họ cũng là xin tiền và khán giả của họ cũng là những khách bộ hành ngẫu nhiên đến và dừng lại một giây đủ để ném vào chiếc mũ nỉ hay chiếc mâm nhỏ những đồng bạc cắc. Ở Việt Nam có những người tàn tật hoặc những em bé ốm đói chuyên nghề bán vé số dạo. Có người thương cảm, thay vì mua vé số lại cho tiền nhưng họ không nhận, họ chỉ cười, nói cám ơn rồi bỏ đi. Nhưng cũng có người nhận tiền và đó cũng là một dạng ăn xin không chuyên nghiệp. Lại có kẻ đóng vai các nhà sư khất thực, lợi dụng sự mộ đạo của quần chúng. Ở nhà họ có thể là một bợm nhậu, buổi tối họ có thể là một tay xí phé có máu me nhưng đúng chánh ngọ họ khoác áo cà sa đi chân đất, tay cầm bình bát và…xuống đường. Cách ăn xin này đòi hỏi phải có ngoại hình nhưng không cần phải diễn xuất gì nhiều mà chỉ cần “ngậm miệng ăn tiền” là đủ. Đã có lần tôi rất xúc động trước hình ảnh một bà mẹ tả tơi bế đứa bé mắt đầy ghèn đang ngủ mê mệt, mặc cho ruồi bu đen kịt trên mặt. Bà mẹ run rẩy lê bước trên hè phố. Về sau có người bảo tôi rằng đó cũng là một màn kịch. Tôi cãi: “Nhưng đứa bé thì không thể đóng kịch được”. Người nọ giải thích rằng đứa bé đã được cho uống thuốc ngủ để nó ngủ suốt ngày. Trong các mùa thi, đi ngoài phố, chúng ta dễ bắt gặp một chàng trai trẻ ra dáng thư sinh, bước đến chào và nói: “Em ở miền Tây lên thi đại học, không may bị móc túi mất hết tiền bạc, giấy tờ. Em không biết làm sao trở về quê.” Tình cảnh như vậy thật đáng ái ngại. Nếu bạn gặp một người như thế bạn có sẵn sàng móc ví của mình ra không? Có nghĩa là bạn có tin đó là sự thật? ° Vài người hỏi tôi: “Bên Mỹ có người ăn xin không?” Tôi bèn kể cho họ nghe hai câu chuyện: Chuyện thứ nhất là chàng nghệ sĩ vĩ cầm lừng danh thế giới Joshua Bell (chỉ riêng cây đàn của anh đã trị giá tới 3 triệu rưởi đô la!), ngày nọ theo sáng kiến của báo Washington Post anh đã xuống đứng dưới hầm tàu điện ngầm Washington với chiếc mũ để ngửa trước mặt và kéo đàn vĩ cầm. Trong suốt 45 phút, Bell đã biểu diễn sáu tiểu phẩm của Fritz Kreisler, Bach, Franz Schubert, Jules Massenet, Manuel Ponce. Và ngày hôm đó anh chỉ kiếm được 32 đô la và mấy xu lẻ. Đó là chưa kể một phụ nữ đánh giày gần đó than phiền là gã hành khất này làm ồn quá, chị ta đã mấy lần định gọi cảnh sát. Chuyện thứ hai: ngày nọ tôi đến San Francisco, ở đó có những khu phố Tàu, nhà cửa san sát, kẻ qua người lại tấp nập như trong Chợ Lớn. Đang tản bộ an nhàn trên phố chợt nhìn thấy một gã Mỹ trắng đang nằm ngửa trên vỉa hè, hai bàn tay để sau gáy làm gối, mắt đeo kính đen, tai gắn earphone, bắc chân chữ ngũ, nghe nhạc. Bên cạnh gã là một chiếc mũ cao bồi để ngửa, cạnh chiếc mũ là một tấm bảng nhỏ với dòng chữ: I’m not hungry, but I need one dollar to drink (tao không đói, nhưng tao cần một đô la để uống rượu). Có lẽ chỉ ở Mỹ mới có kiểu ăn xin như thế. Nhưng kiểu đó cũng chưa “độc chiêu” bằng kiểu “xin đểu” của giới vỉa hè Hà Nội. Muốn xin tiền ai chỉ cần khệnh khạng bước đến đứng trước mặt và nói: có tiền ủng hộ tí. Cho thì OK, không cho thì rút con dao bấm ra: Thế nào ông anh? Cho mượn cái ví? Nhưng kiểu xin đểu ấy cũng chỉ là chuyện vặt của giới giang hồ. So với quý vị lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì chẳng ăn nhằm gì. Các ông kẹ họ Kim không thèm rút dao bấm đâu. Họ móc ra một quả bom nguyên tử, thảy thảy trước mặt: Thế nào ông anh Huê Kỳ? ông anh Nhật Bản? Thế nào người anh em ruột thịt phương Nam? Gạo đâu? Nhu yếu phẩm đâu? Xi măng đâu? Thuốc Tây đâu?. Cho thì OK, không cho thì móc thêm một quả tên lửa, đánh diêm châm ngòi nổ, xịt khói tùm lum, vọt lên cao, có khi bay cái vù qua đầu anh Nhật Bản làm cho cô Geisha sợ té đái. Tuy cái lối “xin đểu” ấy có hơi “Chí Phèo” một chút nhưng lắm lúc cũng xin được tí gạo, mấy cục đường phèn và vài viên thuốc trụ sinh đã hết hạn sử dụng.