Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 4
Đi tìm tự do nghệ thuật

     uộc sống của những đoàn đấu sĩ lưu động rất vất vả, nguy hiểm và chẳng có gì hứa hẹn. Thông thường đấu sĩ vượt lên trên bản thân, chịu đựng được mọi rủi ro bất hạnh là do họ được nuôi dưỡng bởi làn sóng cổ vũ của khán giả. Họ thấy hứng thú khi đem lòng dũng cảm của mình, mạo hiểm đọ sức với sự man rợ tinh khôn của mãnh thú để giành chiến thắng. Nhưng Goya nhập đoàn đấu sĩ dưới bí danh Francisco Galino, thì lại cảm thấy khổ tâm, uất hận, không bằng lòng với kiểu sống như vậy. Anh không tìm lại được niềm hân hoan ngày trước, thời mà anh đấu bò tót kiểu tài tử theo ý thích riêng. Anh bắt đầu hiểu được nỗi cơ cực về những bài học đầu tiên của cuộc sống giang hồ. Anh hiểu mình đang chịu đau khổ vô ích, và những nhọc nhằn này, nếu có rèn luyện anh trở thành người thì lại chẳng nâng cao tài năng nghệ sĩ trong anh thêm chút nào, vì anh không hề sờ đến bút, không hề dám ký họa vì sợ bị lộ tung tích.
Anh tự nhủ Francisco họa sĩ đã chết, và anh, từ nay cho đến hết đời sẽ phải sống dưới dạng một tội phạm lẩn trốn. Josepha bỏ anh là đúng. Anh yên lòng vì từ nay sẽ không làm nàng đau khổ nữa. Giờ đây, anh chỉ lo mình sẽ bị thương. Nếu như một đêm nào đó, anh có chết trong đấu trường thì chẳng có ai thương khóc. Juannito tôn trọng hành tung bí mật của anh sẽ chẳng bao giờ dám nói thật anh là ai. Con người kiếm sống trong đấu trường thường chấp nhận cái chết bằng một triết lý đơn giản như vậy.
Một lần, đoàn đấu sĩ đang lưu diễn tại một thành phố miền núi thuộc tỉnh Soruya. ơ vùng này rất ít đoàn đến biểu diễn nên khán giả rất đông. Đấu trường chật ních người.
Ngày hôm ấy, Francisco không phải làm việc, anh chán nản sân đâu, bò tót và cả tiếng la hét của đám khán giả khát máu. Anh rút vào trong lô dành riêng cho đấu sĩ. Cảm thấy thân thể rã rời bạt nhược, anh buông mình xuống ghế dài, suy nghĩ về việc dành dụm được tiền để bắt đầu làm lại cuộc đời nghệ sĩ.
Bỗng nghe tiếng kêu thét vang dậy ở hàng ghế khán giả phía trên lô, anh đứng lên, bất giác nắm chặt hai tay. Anh hiểu rằng tai họa đã xảy ra. Anh chưa kịp chạy ra thì thấy ba nhân viên phục vụ khiêng vào một người máu me đầm đìa. Đó là Carlos Patuey, một đấu sĩ xuất sắc của đoàn. Trang phục của anh ta lấm bẩn và rách nát. Hai mắt nhắm nghiền. Carlos khẽ rên rỉ. Thấy nhân viên phục vụ nhẹ nhàng đặt người bị thương trên ghế dài, Goya biết vết thương chắc rất trầm trọng. Anh vội vã chạy đến bên đấu sĩ, dùng dao cắt áo chẽn ngoài, và bảo một người đi lấy rượu, sắc mặt Carlos xám ngắt, hít thở khó khăn. Không thầy thuốc nào có thể cứu nổi anh ta nữa.
Khi Francisco đưa ly rượu vào miệng người bị thương thì anh ta mở mắt nhìn và cố gượng cười. Anh ta uống một ngụm rượu, ngửa đầu ra sau, vẻ đau đớn kiệt sức. Francisco nghe tiếng người bên cạnh thì thào:
- Chậm rồi, uống làm gì...
- Đi tìm ngay đức Cha rửa tội. - Francisco gọi lớn.
Một kỵ sĩ tức khắc đi ngay.
Người đấu sĩ hấp hối, thu hết tàn lực, nhìn Goya và nói bằng giọng rõ ràng:
- Tôi thường quan sát anh. Chắc anh vẫn tự hỏi tại sao bọn đấu sĩ chúng tôi lại say mê đấu bò tót như thế?
- Đúng. - Họa sĩ thú nhận.
- Anh không phải là một đấu sĩ chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn thường nói chuyện về anh. Anh đấu bò tót chỉ để kiếm sống bất đắc dĩ. Còn chúng tôi, đơn độc lao vào đấu trường là do tự nguyện, do niềm say mê thúc bách.
- Sao vậy? Để làm gì?
- Để tìm sự yên ổn cho tâm hồn... Chúng tôi đùa giỡn với Thần Chết và chỉ cảm thấy yên tĩnh trong mỗi lần chiến thắng cái chết. Nhưng sự yên tĩnh đó chỉ được một thời gian. Sau đó lại tiếp tục những băn khoăn dằn vặt mới, quỷ dữ ám ảnh trong người lại đẩy chúng tôi vào trận đấu mới... lại đấu nữa... đấu nữa. Thế đấy. Tôi, tôi còn may mắn hơn nhiều người khác.
Người hấp hối nở nụ cười đột ngột, rồi nhắm mắt lại đúng lúc Cha đạo vừa tới. Francisco tránh sang một bên, đứng tựa lưng vào tường, đầu cúi gục. Thật thế, Carlos còn gặp may. Anh ta biết rõ niềm say mê của mình và đã sống với niềm say mê ấy cho đến hơi thở cuối cùng.
Anh ta đã đạt được ước muốn mà ít người có được. Trong giây phút nhìn rõ chân lý cuộc sống, Goya thử nhìn lại bản thân một cách thành thật và nghiêm chỉnh. Anh phải tự thú nhận rằng không biết rõ mình ham muốn điều gì. Chắc chắn là anh say mê hội họa. Nhưng chỉ riêng nghệ thuật không thôi thì lại không đủ mang lại yên ổn cho tâm hồn. Anh còn cần thêm một cái gì đó, khó phân tích và phù phiếm, trước khi tìm được yên tĩnh cho tâm hồn như Carlos.
Chắc chắn như thế, suốt đời Francisco đã tìm kiếm điều anh không biết ấy...
Ở thị trấn Kuévat, có một quán trọ duy nhất thì đã đầy khách trọ. Đoàn đấu sĩ lưu diễn ở đấy đành phải dựng lều bạt trong một vườn cây. Đoàn dịnh diễn ở Kuévat hai ngày, nhưng khán giả đông đến nỗi lão chủ phải yêu cầu các đấu sĩ kéo dài thời gian lưu diễn một tuần.
Vào tối ngày thứ ba, khi rời khỏi đấu trường cùng với Juannito, anh chỉ nghĩ đến bữa ăn tối. Giuanito, anh chàng phàm ăn, đã chuẩn bị các món rất chu đáo.
- Tối nay mình định làm món thịt cừu băm nhỏ trộn với dầu và tỏi, chiên với hành củ, rồi hầm với gạo. Anh thấy thế nào?
- Tốt thôi, nhưng hôm qua, hôm kia ta cũng ăn như vậy rồi.
Bỗng Francisco dừng lại trước một tấm bảng sợn viết nguệch ngoạc. Nét mặt anh sáng lên.
- Sao chúng mình lại không dùng một bữa ngon ở quán rượu nhỉ? Được ngồi vào bàn ăn với thức ăn ngon lành và một chai rượu thì thích biết mấy.
- Họ không tiếp chúng mình trong ấy đâu.
- Mình chưa từng gặp lão chủ quán nào lại chê cái mũi dài và cặp mắt ti hí của đức vua Charles III, nếu hình thù ấy được đúc trên một đồng duca tròn trịa.
- Vào đây. Mình với cậu dùng bữa tối.
Thấy chiếc bàn nhỏ ở góc phòng còn trống, anh chỉ cho Giuanito, lúc ấy vẫn ngập ngừng đứng ở bậc cửa.
- Chúng mình vào kia...
Nhưng trước khi bước vào, anh đã thấy lão chủ quán to béo đầu hói, vừa đến chặn trước mặt anh, vừa lau tay vào tạp dề.
Francisco chào hắn với giọng niềm nở:
- A, chào ông chủ quán. Chúng tôi muốn thưởng thức món ăn và thứ rượu ngon nhất của quán này.
Lão chủ quán nhìn anh, không cười:
- Tôi thật phiền lòng, quán không còn chỗ.
- Còn cái bàn nhỏ ở góc kia. - Francisco không hề bối rối, nói với vẻ khẩn khoản.
- Bàn ấy không dành cho các anh.
Goya sững người, như vừa bị một cái tát.
- Sao?
Lão chủ quán, bằng một cái khoát tay, chỉ vào đám khách đang ngồi chật ních.
- Quán này đã được dành riêng cho ngài Don José Moréno và quan khách của ngài...
Francisco thấy nóng mặt:
- Hay lão cho rằng ta không đủ tiền trả?
- Không bao giờ đám khố rách áo ôm của đấu trường lại có quyền ngồi ăn chung phòng với một đức ông Tây Ban Nha, sở hữu hàng vạn mẫu đất và dòng dõi tôn quý đã tiếp nối trên lãnh địa hàng mấy thế kỷ. Tiếng hoan hô của công chúng đã làm anh bốc đồng đấy, anh bạn trẻ. Nhưng anh chỉ là một thứ rơm rác. Cút khỏi đây, không tao nện cho một trận bây giờ!
Francisco đưa tay nắm lấy chuôi kiếm. Nhưng Giuanito giữ tay anh lại.
- Đừng, Goya! Tôi van anh. Không được gây chuyện. Anh không được làm như vậy!
Mặc dù tức giận, nhưng Francisco đủ tỉnh táo để hiểu lời khuyên can của bạn là có lý. Nếu xảy ra ẩu đả, lính bảo an sẽ đến. Anh sẽ bị giữ, bị thẩm vấn và sẽ lộ ngay tung tích. Anh bỏ ngay ý định đánh tên chủ quán và lập tức quay gót trở ra.
Anh sải bước trong đêm, Giuanito phải chạy mới theo kịp.
- Tôi đã bảo anh rồi, Goya. Chúng mình không phải hạng người được mời vào trong đấy. Không một ai trong đoàn đấu sĩ được quyền đặt chân tới quán.
- Gã chủ quán không có quyền cấm cửa chúng ta.
- Hắn đang ở tại cửa hàng của hắn. - Giuanito trả lời - Hắn có quyền phục vụ người hắn thích và cấm cửa kẻ hắn không ưa.
- Hắn là cái thá gì mà có quyền xét đoán khách hàng?
- Này anh. Điều gì làm anh tưởng rằng hai thằng dân đen như chúng ta lại có thể xếp ngang hàng với ngài Don José Moréno?
- Mọi người đều bình đẳng. Người Pháp đã chứng minh điều ấy.
- Nhưng anh đang ở Tây Ban Nha chứ không phải ở Pháp. - Anh chàng hộ pháp trả lời - Theo tôi, anh đã gặp quá nhiều chuyện phiền hà rồi đấy. Nếu cứ tiếp tục nói năng lung tung thì anh sẽ thấy chuyện xảy đến.
- Trong tình hình hiện thời, mình thấy cậu có lý. - Francisco làu bàu, công nhận.
- May quá. Nếu thấy thích thì anh cứ nghĩ trong óc là mình bình đẳng với giới thượng lưu quý tộc đi. Nhưng đừng có dại mà nói ra miệng như thế!
- Mình không nghĩ cho riêng mình. Cả cậu nữa Giuanito, cậu cũng bình đẳng với ngài quý tộc. Và một ngày kia, tất cả đàn ông, đàn bà Tây Ban Nha sẽ hiểu điều đó.

*

Taragon, một thành phố nhỏ với hai mươi ngàn dân, bên bờ Địa Trung Hải, phía nam Barcelona. Lại là một hải cảng quan trọng bởi tàu buôn từ Venise luôn tấp nập.
Người Taragon rất thích xem đấu bò tót. Khi lão chủ Pédro Moncada đưa đoàn đấu sĩ đến lưu diễn tại đây, ông ta đã trình bày cặn kẽ tình hình thành phố cho mọi người biết, dặn dò những điều cần thiết trong việc giao dịch và động viên các đấu sĩ đặc biệt chú ý phô trương tuyệt kỹ của họ.
Hôm ấy, buổi biểu diễn bắt đầu tốt. Hai đấu sĩ đầu tiên đã khuất phục được những con bò tót với sự hoan hô nồng nhiệt của đông đảo người xem.
Nhưng đến lượt Francisco mới thật là một màn trình diễn tuyệt mỹ. Con bò tót của anh là một con vật to lớn và hung dữ nhất. Nó đã húc ngã hai kỵ sĩ ở vòng đấu trước. Nhưng Goya vẫn hiên ngang tiến lên, cúi chào khán giả, rồi bước vào giữa đấu trường.
Chỉ đứng một mình, tay cầm chiếc khăn đỏ, anh chờ con thú dữ xông đến. Khi con vật lao thẳng vào người, anh dùng một chân làm trụ, xoay người một vòng, tránh né thật nhẹ nhàng. Con bò tót lao qua phía trái, nhưng nó choãi ngay bốn chân đứng sững lại, và nhanh như cắt, quay lại tấn công. Cũng rất nhanh và không kém phần mềm mại, Goya lặp lại động tác trước, anh tránh sự tấn công của con vật một cách tài tình đến không ngờ.
Đột nhiên, con bò tót hung dữ dừng lại.
Nó không nhìn chiếc khăn đỏ mà nhìn anh chằm chằm bằng đôi mắt rực lửa như đang lựa chọn thời điểm để tập trung sức lực vào lần tấn công quyết định hòng hạ Goya.
Cuối cùng nó phà hai luồng khí nóng ra khỏi lỗ mũi, mõm sùi bọt trắng, lao tới, né tránh chiếc khăn đỏ, và xông thẳng vào người Francisco.
Phút giây nguy hiểm vô cùng, nhưng Francisco đã nhanh nhẹn xoay người tránh kịp. Tuy vậy đầu nó cũng sướt qua bắp đùi anh làm rách toạc chiếc quần chẽn, rứt hẳn một miếng vải dính vào cái sừng nhọn của con vật. Đà của con thú dữ lao mạnh đến nỗi, tuy nó chỉ lướt qua cũng đủ làm Goya hụt chân loạng choạng suýt ngã. Anh phải quỳ một gối xuống đất để giữ thăng bằng.
Cả đấu trường vụt đứng dậy, la hét vang dội. Con bò tót thắng thế, quay ngoắt ngay lại, chĩa bộ sừng về phía trước, tiếp tục lao vào tấn công. Nhưng Francisco có đủ thời gian để trấn tĩnh lại. Với cô gắng vượt sức người, anh vùng đứng lên. Đúng vào lúc con bò tót phóng tới, anh đưa mũi kiếm đâm vào giữa ức nó. Lao theo đà chạy, con thú dữ còn xốc tới bước nữa rồi sau đó mới khuỵu xuống, đổ gục như một trái núi.
Trong tiếng hoan hô cổ vũ của toàn thể khán giả đang mê say trong đấu trường, Francisco đứng lên, toàn thân vươn thẳng trong tư thế chiến thắng. Anh vừa đối mặt với cái chết. Và thật là kỳ diệu, anh vẫn sống. Anh lẩm nhẩm đọc một lời cầu nguyện gì đó và đi về phía lô của mình, đôi chân vẫn còn run rẩy.
Đoàn đấu sĩ kéo vào lô của anh để biểu dương và chúc mừng anh.
Đúng lúc ấy, lão chủ Moncada bước tới, ông ta thanh toán tiền công ngay cho anh và giơ lên một túi tiền...
- Đây là tiền thưởng của ngài bá tước lãnh địa Taragon. - Ông ta vừa đưa túi tiền vào tay anh vừa giải thích.
Francisco nhận túi tiền và mỉm cười.
Anh lẳng lặng bỏ số tiền vàng vào túi, không nói năng gì. Moncada tiếp:
- Ngài bá tước muốn gặp mặt anh. Anh sửa soạn nhanh lên. Đây là vinh hạnh lớn mà bá tước ban cho anh đấy. Cả ngài đại tá tổng lãnh binh cũng muốn gặp anh.
Francisco nhún vai trước khi đi thay quần áo. Anh chẳng có chút hứng thú nào khi nhận những lời khen kẻ cả của một nhà quý tộc và của viên tổng lãnh binh, nhưng anh không thể từ chối.
Khi anh bước từ trong lô ra, một bóng người lẫn trong bóng tối của các bậc ghế đấu trường bước theo.
- Goya! Đi về phía này!
Francisco ngạc nhiên đứng lại. Anh nhận ra anh bạn hộ pháp Giuanito với vẻ nghiêm trọng, bảo anh như ra lệnh:
- Đi theo tôi ngay!
Goya nhìn bạn không hiểu.
- Anh đang gặp nguy hiểm đấy! Một viên sĩ quan cận vệ của bá tước nói với tôi là ông đại tá tổng lãnh binh có ý nghi ngờ tung tích của anh. Ông ta định thẩm vấn anh sau khi anh đến trình diện bá tước.
Giuanito nắm chặt cánh tay anh, kéo anh đi qua các phố về phía bến cảng.
Khi hai người đến khu vực cảng, anh đẩy bạn đứng nấp vào bóng tối một kho chứa hàng và dặn:
- Đưa tiền cho tôi và chờ ở đây. Đừng để người ta nhìn thấy, và cũng đừng nói chuyện với ai.
Khi còn lại một mình, Francisco mới bình tĩnh nhận rõ tình hình, hiểu được hiểm họa đang đe dọa cuộc sống. Nguy cơ có thể bị bắt đang chập chờn chụp xuống đầu anh, nhưng anh không còn tâm trí nào để suy nghĩ sáng suốt nữa. Anh chỉ còn biết rõ một điều là cuộc đời anh đang tiếp tục thay đổi.
Lát sau, Giuanito trở về và nói:
- Chúng mình gặp may. Tôi thuê được một chiếc tàu đánh cá. Họ chở những người hành hương đi Roma. Chúng mình sẽ nằm trên boong tàu cùng với khoảng năm mươi dân nghèo nữa. Tàu nhổ neo vào nửa đêm và khi đã rời khỏi Tây Ban Nha thì anh không còn phải sợ hãi gì nữa.