Cưỡng Bức Hồi Hương
T.H.V

Sáu lần vượt biên thất bại vào những năm 80-88, từ Bà Rịa –Vũng Tàu đến Sóc Trăng –Bạc Liêu, Cà Mau. Lớp bị lừa, lớp bị bắt, và dù tán gia bại sản tôi vẫn quyết một lòng ra đi vì không thể nào sống dưới chế độ Cộng Sản.
Đến lần vượt biên thứ bảy vào năm 1989 tôi mới thành công, đến được bến bờ tự do sau bao cam go, gian khổ, bỏ lại người mẹ già, vợ và bốn đứa con còn nhỏ dại.
Ban tổ chức bao một xe đò chở khách vượt biên Sài Gòn. Vừa rời khỏi bến xe miền tây Bình Chánh bọn vô lại đèo theo xe hăm dọa khai báo công an để đòi tiền mãi lộ. Chúng tôi lo sợ nhìn nhau rồi gom góp tiền đưa cho chúng. Đến Ngã Ba Trung Lương bọn chúng xuống xe, chúng tôi tiếp tục hành trình xuống Cai Lậy lúc 2 giờ sáng. Người dẫn đường đưa cả nhóm đến một nhà máy chà lúa sát bờ sông, có một tàu đã đậu sẵn. Chúng tôi xuống tàu và chui vào hầm. Đây là ghe buôn chuyến dài 11m, ngang 3m. Bên trên được ngụy trang toàn mía và chuối. Rời bến một ngày, tàu đã qua khỏi các trạm kiểm soát đường sông. Đi thêm hai ngày nữa đã ra đến hải phận quốc tế, mọi người được phép lên boong. Bấy giờ chúng tôi mới biết tất cả có 35 người trên ghe, kể cả chủ ghe, tài công, và thợ máy. Do đó cả gia đình chủ ghe đi nên việc tổ chức tương đối chu đáo, lương thực đầy đủ, bến bãi và các trạm kiểm soát đã được chủ ghe thu xếp trước. Đi thêm một ngày nữa ghe ra khỏi hải phận Việt Nam, mọi người đang vui mừng thì giông bão nổi lên. Mưa như trút nước kéo theo sấm chớp ầm ầm, trong biển cả bao la, chiếc ghe nhỏ bé tròng trành như sắp lật úp. Người lớn, trẻ em ai nấy đều say sóng, nôn mửa, mệt lả, và chỉ còn biết chấp tay cầu khẩn Trời Phật cho giông bão qua đi. Tài công đã phải cố gắng, vất vả điều khiển ghe cho khỏi bị lật. Sau gần một ngày giông bão, trời bỗng trở lại bình thường như có phép lạ.
Đi thêm một ngày nữa, chúng tôi thấy xác người bồng bềnh trôi trên mặt biển, cảnh tượng trông thật hãi hùng! Chúng tôi đều cảm tạ Trời Đất đã che trở cho ghe vượt qua giông bão và cùng cầu nguyện cho những người xấu số.
Ngày hôm sau chúng tôi nhìn thấy những đốm nhỏ từ xa. Khi đến gần hơn, mọi người nhận ra ba chiếc ghe đánh cá Thái Lan. Lập tức đàn bà, con gái và trẻ em chui xuống hầm cầu nguyện. Kẻ cầu xin Chúa Mẹ, kẻ cầu khẩn Trời Phật. Đàn ông thanh niên chia nhau đứng hai bên thành ghe, tay cầm vũ khí như dao, búa, rựa. Chúng tôi đã bàn trước, chiến đấu tới chết chứ không để hải tặc nhảy qua cướp bóc. Ba ghe Thái bao vây chúng tôi từ ba hướng. Trên mỗi ghe cũng có hai ba tên cũng cầm dao búa. Khi thấy chúng tôi mặt đằng đằng sát khí, vũ khí trong tay, lại có cả một cây súng giả mà chúng tưởng là thật nên đã xì xồ vài tràng tiếng Thái rồi tự động rút lui. Chúng khuất bóng rồi anh tài công mới xem hải bàn định hướng trực chỉ Mã Lai.
Sau một ngày lênh đênh, không thấy một chiếc tàu ghe nào thì chúng tôi nhìn thấy những ánh đèn khi ẩn khi hiện từ đằng xa. Khi đến gần chúng tôi nhận ra một giàn khoan dầu. Tiếng loa phát ra từ giàn khoan bảo chúng tôi neo lại tại chỗ chờ sáng sớm sẽ có người hướng dẫn vào. Ai cũng hồi hộp chờ đợi, mỏi mệt với giấc ngủ chập chờn. Từ mờ sáng có hai người đi trên một chiếc ca-nô đến hỏi chúng tôi là ai, từ đâu tới. Chúng tôi nói là người Việt Nam, đi vượt biên. Họ điệm đàm về giàn khaon rồi hướng dẫn ghe theo ca nô vào cặp sát giàn khoan. Rất nhiều người ngoại quốc trên giàn khoan vẫy tay chào chúng tôi. Vị chỉ huy mời người biết tiếng Anh làm đại diện lên nói chuyện với ông. Sau khi biết chúng tôi là những người vượt biên ông hỏi chúng tôi cần giúp đỡ gì không, ông cho người xem lại thuyền, thấy còn tốt vẫn xử dụng được, ông đã cho chúng tôi dầu, lượng thức ăn, nước uống và thuốc men, chỉ đường cho chúng tôi đến bờ biển Mã Lai, theo sự hướng dẫn của ông sau khi cho thuyền chạy đến khoảng sáu giờ chiều thì chúng tôi đến được bờ biển của tỉnh Trengganu Malaysia, tại đây chúng tôi đã bỏ thuyền lại và lội lên bờ đến một ngôi làng gần đó. Cảnh sát Mã Lai đã đến gặp chúng tôi và đưa tất cả về trạm tạm trú ở Marang, nơi đây đã có những người vượt biên đến từ các thuyền khác ở các nơi đều được đưa về đây.
Thế là sau sáu ngày lênh đênh trên biển cả vượt qua cái chết chúng tôi đã đến được bờ tự do, ở Marang được một tuần, chúng tôi được cảnh sát Mã Lai đưa xuống tàu chở đến đảo Pulau Bidong, gần đến đảo Bidong từ đằng xa chúng tôi đã nhìn thấy đồng bào Việt Nam vẫy tay đón chào. Tàu cặp vào cầu Jetty, chúng tôi được đưa lên đảo để làm thủ tục nhập trại, tất cả những người đến đảo đều được mang số hiệu từng thuyền, chúng tôi được mang số MC. Trên đảo tôi thấy có nhiều người mang bảng MB họ đã ở đảo hơn hai năm rồi đang chờ để đi định cư. Đảo Bidong thật thơ mộng, với những hàng dừa cao vút, vài quán nước gần bãi biển, các hàng quán ăn, shop may do người Việt tị nạn làm chủ, sinh hoạt buôn bán thật sầm uất. Trên đồi tôn giáo có nhà thò, chùa và trường học, mọi người ở đảo được Cao Ủy Tị Nạn lo cho đời sống từ nơi ăn chốn ở, đến việc học hành thật chu đáo.
Cuộc sống ở đảo thật lý tưởng nếu như không có cái quyết định ngày 14 tháng 3 năm 1989 của Cao Ủy Liên Hợp Quốc đóng cửa tất cả các trại tị nạn trong vùng Đông Nam Á. Thế giới tự do bắt đầu mòn mỏi về những người tị nạn, họ đã bắt đầu quay lưng ngoảnh mặt đối với những người tị nạn việt Nam, có những người đã đến được bến bờ tự do nhưng thuyền của họ đã bị chính quyền các nước sở tại kéo đi ra giữa biển thả trôi mặc cho giông bão, hải tặc cướp bóc, không biết sống chết ra sao. Còn những người đã đến được các trại tị nạn, sau ngày 14 tháng 3 năm 1989 đều bị trải qua một cuộc thanh lọc bất công. Ở Mã Lai bắt đầu từ MC 327 đến tàu MC 612 tỉ lệ lúc đầu được nhận là 17% sau này xuống còn 10%, những sĩ quan, quân nhân, công chức của Việt Nam Cộng hòa cũng bị đánh rớt qua cuộc thanh lọc, chỉ có những người thuộc diện đoàn tụ gia đình như vợ chồng con cái, và một số rất ít người được công nhận quyền tị nạn, còn đại đa số bị ghép vào di dân kinh tế, phải trả về Việt Nam. Chính sách nhận người của các nước bắt đầu khép lại, những người tị nạn đến sau ngày 14-3-89 đều sống trong cảnh lo âu hồi hộp, chờ đợi được một tương lai đen tối với những đau khổ đầy dẫy nước mắt cúng khắp Bidong.
Sau khi nhận phong thư oan nghiệt của Cao Ủy Tị Nạn, một thuyền nhân tên LVH đã nhảy trên mỏn đá cao xuống biển tự tử chết, và hai người khác HVT và NVK đã dùng dao tự đâm vào bụng mình tự sát. Cảnh tang tóc đã diễn ra nơi hòn đảo thơ mộng, tất cả đồng bào trên đảo đều ngậm ngùi tiễn đưa anh LVH đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang đồi khu F, và sau đó đã tự động tổ chức cuộc biểu tình trước văn phòng khu cao ủy để đòi quyền tị nạn, nói lên những tiếng nói uất nghẹn của mình.
Những người đến trước ngày 14-3-89, và những người được qua thanh lọc đều được chuyển qua trại Sungei Besi để chờ đi định cư. Sinh hoạt trên đảo Bidong trở nên ảm đạm mỗi khi nghe thông báo rời đảo, với cảnh tiễn đưa chia tay hàng ngày nơi chân cầu Jetty, mừng cho người đi buồn cho kẻ ở lại và người trở về Việt Nam vì không qua được cuộc thanh lọc. “ Vượt biên có số, định cư có phần”, câu này y như để an ủi cho những người tị nạn đã rớt thanh lọc kém may mắn như chúng tôi. Đến đầu năm 1991 vì ngân sách dành cho người tị nạn ngày càng eo hẹp chính quyền Mã Lai đã quyết định đóng cửa trại Bidong và di chuyển tất cả những người tị nạn sang trại Sungei Besi gần Kula Lumpua. Trại Sungei được chia làm bốn khu A, B, C và thanh nữ. Khu A dành cho những người rớt thanh lọc, khu B dành cho những người đậu thanh lọc, khu C dành cho những đồng bào Campuchia đi tị nạn chiến tranh và khu thanh nữ dành cho nữ độc thân, vì số người tị nạn còn ở lại quá đông nên Cao Ủy đã cho xây dựng thêm bốn khu nhà cao tầng như chung cư cho đồng bào ở, được chia làm nhiều căn, mỗi căn 8m vuông cho 10 người ở.
Trại Sungei Besi lúc đầu cũng có đầy đủ các lớp sinh ngữ và trường dạy huấn nghệ cho người tị nạn nhưng về sau các lớp học này đều bị đóng cửa. Các cha, cá sơ người nước ngoài đến làm việc thiện nguyện giúp đồng bào tị nạn không được phép vào trại nữa, chỉ còn một số cố vần người Mã Lai. Đời sống người tị nạn ngày càng khó khăn, bị bóp nghẹt khẩu phần ăn đều bị rút bớt, thư từ liên lạc đều bị cấm, mọi sinh hoạt đều bị hạn chế tối đa. Cao Ủy và chính quyền Mã Lai cố tình gây ra cảnh khó khăn cho đồng bào tị nạn để mọi người nản lòng, phải xin hồi hương trở về Việt nam. Nhiều phái đoàn đã vào trại kêu gọi mọi người hãy ghi danh trở về. Các đoàn thể trong trại tị Nạn đã cùng hợp lực với nhau đứng lên tranh đấu đòi quyền tị nạn, bằng những cuộc biểu tình tuyệt thực trước văn phóng Cao Ủy Tị Nạn, đồng bào đã phá hàng rào ra đường đứng biểu tình, cảnh sát Mã Lai được điều động tới để dẹp cuộc biểu tình, họ đã bắt đi một số người đem ra trại giam ở ngoài Kula Lumpur. Để đối phó với người tị nạn Cao Ủy và Chính quyền Mã Lai đã dùng đủ mọi cách, mọi hình thức để đàn áp người tị nạn, họ cài người vào các đoàn thể tranh đấu để gây chia rẽ tạo ra những hiềm khích giữa các đoàn thể, và đã để mặc cho những băng đảng, “bò tạc” trong trại chém giết lẫn nhau. Một đoàn thể lớn trong trại vì nghe lời khuyến dụ của Cao Ủy và chính quyền Mã lai đã tự đống tách rời khỏi cuộc đấu tranh để di chuyển sang một trại khác, họ tưởng rằng sẽ dược cho đi định cư, nhưng nào ngờ sau này cũng bị cho trở về Việt Nam.
Trước những cảnh sống xô bồ đó, một số rất đông người tị nạn đã nản lòng xin hồi hương trở về VN. Những người còn lại ở trại vẫn đoàn kết với nhau để tranh đấu, chính quyền Mã Lai cho rào lại các khu, đồng bào không còn qua lại với nhau, sống như trại tù, chung quanh là những hàng rào kẽm gai nhiều lớp, có cảnh sát ngày đêm đi canh tuần, đồng bào các khu vẫn tiếp tục tranh đấu biểu tình không nhận thực phẩm cả tháng trời. Lực lượng cảnh sát đặc biệt của Mã Lai huy động được cả ngàn người do một vị tướng chỉ huy đã vào trại để dẹp biểu tình, họ đã tàn nhẫn dùng súng bắn lựu đạn khói cay vào thẳng đống bào. Những tiếng khóc than của trẻ thơ và phụ nữ đã vang vọng toàn trại. Nhưng cũng không lọt ra ngoài, mọi tin tức về cuộc đàn áp này đã bị cảnh sát Mã Lai bưng bít. Sau đó cảnh sát đã vào trại lùa hết đồng bào ra ngoài trường A. Tất cả đàn ông thanh niên đều bị cảnh sát đánh đập bằng rùi cui và roi điện, họ đã bắt đi hàng trăm người mà ho cho là những người cầm đầu biểu tình nhốt vô “monkey house”, những người này bị đánh đập tàn nhẫn không còn đi đứng được, họ được dìu ra cho đống bào thấy, không còn cảnh nào thương tâm hơn, khi nhìn thấy những đồng bào mình bị cảnh sát Mã Lai đánh đập mang thương thích đầy mình. Hơn hai ngàn người tị nạn bị lùa ra ngoài trường A và nhà bếp sống khốn khổ như những người tù, phải nằm đất, ăn bốc, đi làm vệ sinh, tắm rửa từ người lớn đến trẻ em, nam cũng như nữ, phải ngồi xếp hàng dài chờ đợi cảnh sát cho đi vệ sinh, tứng năm người một, bọn cảnh sát Mã Lai đã đi thẳng vào phòng tắm nữ để xem khi họ đang tắm, thật là tồi bại cho một đất nước trước đây đã từng được tiếng là nhân đạo, đã từng cưu mang hàng mấy trăm ngàn người tị nạn, sau này lại có những hành động mọi rợ làm mất đi tiếng tốt của họ.
Sống ở ngoài trường A gần 3 tháng chúng tôi hơn 300 người được chuyển đến khu C để chờ cưỡng bức về Việt nam, và chúng tôi đã bị cảnh sát Mã Lai áp giải lên trên tàu đầu tiên về lại Việ Nam. Thế là sau hơn 7 năm sống tại trại tị nạn Mã Lai từ năm 1989 đến năm 1996 chúng tôi đã phải trở về Việt nam. Mọi hy vọng đến được đất nước tự do đã bị tắt ngấm trong tôi. Về đến Việt Nam thời gian đầu, tôi và những người trở về đã phải đi trình diện công an phường, quận, đến thành phố. Bọn công an đã tra hỏi chúng tôi đủ thứ, nhưng vì có Cao Ủy Tỵ Nạn đang còn ở VN giám sát, nên bọn công an đã tạm để cho chúng tôi yên.
::: T.H.V:::