Trước khi vào chuyện tôi tự giới thiệu, tôi là Jimmy Le, tóm tắt tiểu sử sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở thành phố Cần Thơ. Thủa nhỏ yêu nghề máy thích cuộc sống phiêu lưu, tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật, năm 17 tuổi với nghề chuyên môn về động cơ (Diesl) và gia nhập gia đình mũ xanh TQLC. Năm 1968 chưa tròn 18 tuổi, được phục vụ ở đơn vị YTTV/ ĐVT / SDTQLC chức vụ tài xế quân xa. Năm 1971 làm đơn xin về nguyên quán của cha tôi được bộ quốc phòng chấp thuận và thuyên chuyển về lữ đoàn 4/VT/vùng 4/Chiến thuật, chức vụ hạ sĩ tài xế quân xa. Phục vụ đến ngày 30/4/75. Tôi cưới vợ năm 1971. Sau 7 năm góp mặt yểm trợ khắp các chiến trường kể cả chiến trường ngoại biên. Sau miền Nam đổi chủ - những người chủ mới từ bắc vĩ tuyến 17 cho rằng tôi loại ác ôn, có nợ máu với nhân dân nên đưa đi cải tạo ở núi Trầu (Kiên Lương ) Hà Tiên, sau 2 năm trả tôi về địa phương. Khi trở về nhà cũ, thì mới hay vì sợ áp lực và theo đường lối mới của “nhà nước” mà cha tôi phải đi về quê tăng gia sản xuất. Vì thương cha già, tôi cho vợ con tôi cùng về quê để hôm sớm có người chăm lo, còn một mình tôi ở lại Cần Thơ đi tìm việc làm nhưng đến đâu cũng bị từ chối. Vì là thành phần “tàn dư của chế độ cũ”. Sau cùng tôi mua chiếc xe ba gác đạp để hang đêm xuống bến Ninh Kiều chở rau cải, ngày thì ai gọi thuê chở cái gì thì lãnh chở để kiếm sống và còn để dành tiền để gửi về quê lo cho gia đình. Tôi cũng bằng lòng với số phận nên những lúc rảnh rỗi đã làm mấy câu thơ, để đọc mà an ủi cuộc đời từ một tài xế mà bây giờ đẩy chiếc xe ba gác. “ Rồi từ đó anh đi làm ba gác Khoác lên mình chiếc áo rách vai Trong đêm xuân anh mơ được những gì Đời ba gác người yêu là ra cải.” Nếu thời gian bình thản trôi đi thì chắc không có hồi ký của chú Sáu ba gác, mà giờ này chắc chú Sáu còn tiếp tục đẩy xe. Qua thời gian sống xa tôi, vợ tôi quan hệ với tên tập đoàn trưởng ở ấp. Sau khi thằng con trai lớn bắt gặp mẹ nó dan díu, tôi hay tin bán xe ba gác về quê làm đơn thưa kiện, bây giờ nhớ lại tôi làm việc đó hết sức là dại dột. Như bạn đọc cũng hiểu chánh quyền mới, người dân gởi đơn phải chầu chực có khi gần nửa tháng để ngâm cứu, mà chung quanh công an ấp xã đều là vây cánh của tên tập đoàn trưởng. Cuối cùng, công an xã ra lệnh công an ấp và du kích bắt tôi với tội trạng là tôi cáo gian và tình nghi tôi là CIA làm mất thể diện cán bộ ở địa phương và dánh lệnh tầm nã, may mắn, người du kích sai đi bắt tôi lại cho tin cháu tôi đưa đi trốn. Trở về Cần Thơ thì phương tiện làm ăn đã bán rồi, chỉ còn ít tiền, tôi sắm chiếc xe đạp chở khách để sống qua ngày. Ngày ngày chỉ đủ lon gạo bó rau và bịch tương, và không biết bị bắt lúc nào vì được mang tên là CIA. Dịp may đến với tôi, người chị thứ năm của tôi từ Cà Mau về Cần Thơ. Người chị tôi nghèo, nhà chỉ có hai chiếc xuống tam bản chở mối kiếm sống, sau khi nghe hoàn cảnh, chị tôi dắt tôi xuống Cà Mau. Tôi cầm chiếc xe đạp được 800 đồng để làm lộ phí. Sau khi xuống Cà Mau, chị tôi giớ thiệu với bà Tám chủ ghe, sau khi nhìn qua tôi và qua sự giới thiệu tôi biết nghề máy, tôi được làm công cho bà, điều kiện không có trả tiền, chỉ cho ăn cơm, nửa tháng cho một bánh thuốc Gò Vấp và một sấp giấy báo cữ vấn hút. Công việc mỗi ngày lái ghe ra bờ biển xúc cá lúc nước ròng vô ghe, và sau đó lái ghe về quận Năm Căn vác đồ lên bờ, chiêc 1ghe dài hơn 20 mét, rộng 7,8 mét, trọng tải ước chừng 5 tấn. Ngày ngày, tôi phải làm công việc đó và quan sát cửa biển Hòn Khoai, nó nổi lên cồn cạn, để đến ngày ra đi không bị mắc cạn. Cái vấn đề khó khăn của tôi là lúc đi tôi chỉ mặc có bộ đồ và cái quần đùi, cĩung may, cái quần đùi bằng vải kaki nên chịu đựng hơn ba tháng trời. Nhiều lần tôi nói với bà Tám có ra chợ mua cho tôi cái quần đùi nhưng rồi bà cứ khất lần cho đến ngày ra đi. Bạn đọc cũng hiểu địa danh U Minh nổi tiếng là muối, cái khổ của tôi lúc đó là mỗi ngày lao động chiều tắm nước mặn, xách một gầu nước ngọt và cái nùi giẻ chạy vô sâu trong rừng tìm một gốc cây đứng rửa, sỏ cái chân cởi quần vắt cho ráo nước và dùng nùi giẻ thấm nước ngọt để lau qua cái body. Eo ơi, mỗi lần như vậy các bạn có tưởng tượng không biết bao nhiêu là muỗi và bù mắc thi nhau tấn công, tôi không hiểu ngày nào được ra đi. Rồi sự mong đợi đã đến với tôi chiều ngày 22/12/87. Cuộc hành trình 200 dặm trên biển Đông bắt đầu. Ba giờ chiều ngày 22/12/87, bà Tám cho tôi biết hành khách đã ém rải rác xung quanh huyện Năm Căn đủ rồi. Lệnh sáu giờ chiều, tôi lái ghe qua đổi nước lấy 10 can nước ngọt, còn lương thực, xăng do hai xuồng tam bản chở ra điểm hẹn gần cửa biển Kinh Năm. Tôi nhận đèn pin, ám hiệu “hỏi 2 ngắn đáp 1 dài", mật khẩu tổng số là 9. Thí dụ từ xa thấy xuồng đến tôi bấm 2 đèn là bên chiếc xuống kia trả lời bấm lại một đèn hồi lâu. Để ngăn ngừa công an thì hỏi tiếp mật khẩu “Mạnh giỏi anh Sáu?” bên kia trả lời: “Dạ khoẻ anh Ba”, sáu cộng ba chung là chín thì đúng là phe ta, còn nếu sai thì lo chạy trốn. Phần tôi đến điểm hẹn, tôi chợt nghỉ ra rằng đi với hai cái máy đuôi tôm chắc không ổn, nên tôi vác búa lên bìa rừng đốn một cây đước thật suông dắt theo bên ghe để có gì làm buồm. Và tôi đốn thêm một ít củi, trời tối muỗi cắn dữ quá, tôi đốn được một ôm củi dài non một mét để sau lái ghe khỏi có thiếu củi chẻ mà dùng, sau đó canh chừng từng chiếc xuồng đến. Tất cả những ám hiệu đều tốt. Gần tới giờ xuất phát, ông và bà chủ ghe đi vỏ lãi ra lấy giấy của hành khách để sau này thanh toán với người nhà. Ông chủ ghe bắt tay tôi lần chót chúc may mắn, trao cho tôi một hải bàn và một bản đồ vùng biển Cà Mau, Malaysia, Thái Lan. Nói hải bàn nghe cho oai, thực ra nó chỉ là cái địa bàn ở bên Mỹ auto part nào cũng có bán để trang trí trên xe. Có kinh nghiệm sau nhiều tháng ra vô, vấn đề là phải né ngọn hải đăng suốt đêm quét vệt sáng dài bao quanh vùng biển Hòn Khoai. Để né tránh Cồn Cạn đầu tiên, tôi phải bắt hướng West đi về Thái Lan và chạy hai máy để thoát nhanh, chỉ sợ tàu ở đồn công an biên phòng Hòn Khoai. Vừa ra chừng 30 phút thì đa số là phụ nữ bắt đầu nôn ói từ 12 giờ khuya đến rạng sáng ngày 23/12/87. Tám giờ sáng thì bỏ Hòn Khoai đằng sau lưng chỉ còn nhìn thấy bằng cái bàn ăn cơm. Từng đoàn cá nươc lội theo hai bên hông ghe rất lâu như muốn đưa tiễn chúng tôi. Tổng số người trên ghe là 26 người. Lúc này, tôi nhờ những cậu trai trẻ phụ dọn sạch sẽ trên ghe do các cô nôn ói và tát nước ghe còn tôi châm thêm nhiên liệu và kiểm soát hải bàn, tôi kẻ đường biểu diễn từ mũi Cà Mau đi Pulau Bidong. Lúc này, tôi bắt đầu qua hướng South Eath và đi phuogn giác 110. Mọi việc xong xuôi mọi người còn tỉnh táo nấu mì gói ăn, lúc đó mới có dịp hỏi tên nhau. 3 giờ chiều 23/12/87 thì hết thấy Hòn Khoai, tôi cắt giảm một động cơ để hy vọng luân phiên sử dụng được lâu hơn. Đêm 24/12/87 phải nói là đêm giáng sinh tuyệt vời, mặt biển yên như trong hồ, ghe đi nhanh nhưng rồi chiều ngày 25/12/87 thì hai cái máy lần lượt ra đi và bị tôi quẳng xuống biển. Đúng như dự đoán, tôi nhờ mấy cậu thanh niên dựng cây cột buồm và lấy cái mền rách ra làm buồm. Tôi nhờ một câu giơ cái khăn lên ước lượng gió thổi 10km/giờ. Bây giờ mọi người trên ghe hết sức hoang mang vì sợ trôi về Việt Nam sẽ đi tù. Lúc này chiếc ghe không còn điều khiển theo ý muốn, nhìn hải bàn lệch về hướng South West. Tôi cầm bản đồ, tính toán và mạnh dạn trả lời với bà con trên ghe chắc chắn không bị trôi về Việt Nam vì đã đi huốt Hòn Son Rạch Giá và định mệnh đã đưa chúng ta vào vùng biển Thái Lan, lành dữ ra sao thì chưa biết và bao lâu đến bờ thì không hiểu. Trước mắt phải giới hạn nước uống, một ngày một người chỉ được uống một cốc nước nhỏ, chỉ có hai đứa nhỏ thì lúc nào khát sẽ uống nửa cốc riêng. Riêng tôi vì ở quân đội, chiều tôi dùng tấm nylontrải mui ghe hứng những giọt sương đêm để sáng thấm giọng. Tối đêm 26/12/87 thì gặp tàu đánh cá Thái Lan loại nhỏ nhưng chiếc tàu này hiền, tuy nhiên không cứu cũng không đá động dến chiếc ghe của chúng tôi. Mọi người đều đặt niềm tin vào tôi vì thấy tôi đã nói đúng:đã thực sự đi vào Thái Lan. Sáng ngày 27/12/87, chúng tôi bắt gặp một tầu đánh cá Thái Lan loại to, vị thuyền trưởng đã nhân đạo cho chúng tôi ăn một bữa sáng trên boong tàu và cho thêm nước, thực phẩm. Trên ghe tôi có một cậu biết tiếng Anh trao đổi thì người thuyền trưởng nói theo luật Hoàng Gia, tất cả tầu Thái Lan không được kéo giúp ghe vượt biên, nếu hải quân Hoàng Gia bắt gặp sẽ bị phạt, vì lẽ đó sau khi giúp nhân đạo tầu này xô ghe chúng tôi ra và ra đi. Trưa ngày 27/12/87 tôi nghe có tiếng phi cơ trên nền trời, lập tức tôi lấy cái bếp ra mũi ghe nhóm ít lửa bỏ tí vỏ cây đước, lấy cái áo trùm lại rồi dỡ ra làm ám hiệu cầu cứu theo bài mưu sinh thoát hiểm, lấy khăn trắng vải mui ghe và lấy cục than kẻ chữ S.O.S nhưng rồi chiếc máy bay bay đi luôn. Buổi chiều, nước biển đang trong, từng đám cá lội nhợn nhơ bỗng dưng biến mất, tôi lo sợ vì báo hiệu biển có sóng lớn. Đó là kinh nghiệm của một cư dân truyền lại cho tôi trong những ngày hành quân vùng duyên hải. Tôi thương hai đứa nhỏ trên ghe, đứa 7 tuổi thì cha mẹ luôn bị say sóng, có chuyện chắc không lo được gì nên tôi lấy can không cột lại làm sẵn cho hai vợ chồng này rằng nếu có chuyện gì bất trắc thì lấy cái phao và ôm hai đứa con mà còn hy vọng. Tôi không dám nói vì chưa hiểu có đúng vậy không. Khoảng 7 giờ tối, những hiện tượng bắt đầu xuất hiện, mưa nhẹ biển gầm lên, những ngọn sóng ước chừng như quả đồi sẵn sáng chụp bao phủ chiếc ghe như là tấm lá nhỏ. Cũng may là sóng thưa, chiếc ghe bị nhấc lên cao rồi lại bị hụp xuống, chạy dài ra rồi nhấc lên. Bây giờ, đa số mọi người đều ói dữ tợn, còn rất tỉnh táo, người ói nằm rũ ra ghe, người nằm như cá hộp, vấn đề tát nước thật là chật vật, một người tát, một người phải lôi người ói sang một bên. Dỡ ván sán ghe đén không có, cái đèn pin bị lỏng khi tắt khi cháy. Sáng ngày 28/12/87, sóng bắt đầu hơi dịu lại, cho đến bốn giờ chiều tôi thấy một chiếc tầu đánh cá chạy nhanh về hướng chúng tôi. Tôi nói chiếc tàu này có ý tấn công, lập tức tôi bố trí cậu Hiền ở mũi ghe, cậu này ở sứ Vĩnh Châu và Út Bà Bóng ở phía sau lái, tôi ngồi giữa ghe lấy mấy cây củi dài phát và phân công, vừa xong thì chiếc tầu đó đâm vào gần đằng mũi ghe, cậu Hiền dùng cây đánh ngang ống quyển tên Thái Lan nhảy qua như tôi đã dặn dò. Trước khi đánh, tôi áp dụng bài học đánh cận chiến nhưng rủi thay mũi ghe thì tròng trành, phần thì sóng, phần thì do con tàu bị hút vào, sau khi đánh thì nghe hai tiếng “á”, rồi tên Thái lan và cậu Hiền bị văng xuống biển, chiếc tàu Thái vòng lại vớt người, còn cậu Hiền trôi ra xa, sóng và gió đưa ghe tôi ra xa rồi mất hút trong màn sương chiều, một người bạn vừa mới quen vài ngày đã vĩnh viễn ra đi. Đêm đó vì lo và buồn và cái hậu quả chiếc tàu đụng vào, chiếc ghe bị rêm, nước vào nhiều quá, tôi lo tập chung bốn người thức xuốt đêm ở 4 khoang trên ghe để lo mà tát nước, ai nấy đều cầu nguyện, chúng tôi vấn thuốc rê hút suốt đêm chống buồn ngủ và tát nước nghe tay rã rời. Sáng lại tôi bàn kế hoạch bây giờ cứu vãn tình huống chỉ còn có cách lấy tấm nylon dài che dọc chiếc ghe, và nhổ những cây đinh trên kèo mui đóng phủ bên ngoài vết nứt do chiếc tàu gây ra thì mới giảm được nước vào ghe. Công việc này cần 4 người, 3 người chia đều căng nylon, một người cầm búa đóng. Tất cả được cột vòng một bên nách cọng dây dính trên ghe để không bị nước cuốn trôi và cán của cây búa cũng được buộc một cọng dây để có vuột còn níu kéo được. Phân công xong, biển lúc đó tương đối êm, bây giờ chỉ cón sợ bầy cá mập nhỏ, tôi dặn kỹ rủi ro mà có đóng dập tay, lập tức la lên để kéo lên ghe nếu không cá mập con sẽ tấn công. Một con rỉa một tí thì chết. Sau một tiếng thì công việc ổn cả cả, bây giờ nước bớt vô, chừng ba tiếng tát một lần. Vấn thuốc ngồi ăn bánh bía, bỗng tôi thấy dề rác trôi nhìn kỹ có vỏ chai nước tương, tôi la lớn mừng rỡ: “ Gần tới bờ rồi bà con ơi vì tôi thấy vỏ chai nước tương trong đám rác”. Năm giờ chiều, nhiều bầy chim biển bay lượn trước mũi ghe, ai cũng mừng rỡ nhưng rồi tai biến lại đến với chiếc ghe tôi nữa. Lúc đó trước sáu giờ từ trong bờ có chiếc ghe nhỏ chỉ lớn hơn chiếc ghe tôi có tí chút chạy vòng xung quanh chiếc ghe tôi, có ba tên Thái Lan mặt mày dữ tợn. Trên ghe có cô Hoàng, sau này đi Canada, học lõm đâu được tiếng Thái chữ ăn cơm là “kinh khào”, bọn Thái lan thấy có con gái lập tức tấn công, một tên Thái lan nhẩy qua sau lái ghe, một tên cầm búa bị Út Bà Bóng lấy cái leng xúc cát vớt trúng ngang ba sườn la thất thanh và văng xuống biển. Chiếc ghe Thái Lan vòng qua vớt tên Thái xong và chạy hết ga lên khói đen. Nói về tôi sau khi đụng váo lái súc và văng bánh lái xuống biển, bây giờ tình trạng chiếc ghe trôi quay ngang mà không còn điều khiển được. Để đối phó, tôi nói với Út Bà Bóng: 2 Cậu mạnh tay khi nào nó tấn công nữa cậu lấy can xăng 20 lít ném qua, cần nhất trúng ngay chỗ thằng lái ghe, tôi sẽ phóng lửa qua, bây giờ chỉ còn đánh đón hy sinh”. Vứa nói, tôi kéo can xăng giao cho Út, lập tức tôi bẻ nẹp tre xé áo trên ghe quấn vào đầu nẹp tre làm bùi nhùi tẩm chút xăng và thủ cái quẹt ga. Chuẩn bị vừa xong, ghe thái Lan sau khi cứu người đâm thẳng váo giữa ghe và một tên nhẩy qua, vì mũi ghe lợp lá mỏng, tên nhẩy qua lọt chân, nhân cơ hội tên Thái Lan mất thăng bằng, tôi lấy cây đước dài từ dưới lòng ghe chọt thẳng xuyên qua lớp lá mui ghe trúng ngay ngực, tên này la một tiếng rồi văng xuống biển. Hạ được hai tên, lên tinh thần, chiêc ghe Thái vòng qua hông bên phải để vớt, bọn chúng vừa vòng qua ngang hông, tôi la to ném can xăng qua, Út Bà Bóng lập tức ném qua liền, may mà trúng ngay góc chỗ tên Thái Lan điều khiển ghe, can dòn do tái sinh nhiều lần đã để xăng chảy ra, tôi phóng nẹp tre đốt lửa và gây ra một đám cháy trên ghe Thái Lan, tiếp tục Út ném bồi thêm một can nữa để tăng sự cháy. Sau đó gió thổi mạnh đưa chiếc ghe tôi vào thị trấn Songkhalia. Nói về cuộc chiến lần này, các cô gái trên ghe sợ quá giựt can không nhảy xuống biển và hai chú người Việt gốc Hoa sợ quá cũng giựt hai cái can to ôm nhảy xuống biển và trôi nguyên đêm vô bờ cách chúng tôi chừng hai cây số. Còn phần con gái trên ghe, cô Nguyệt sứ Sài Gòn làm nghề bán hàng rong gom ít tiền đi vượt biên, ôm trúng cái can bể sau đó đã chết. Hai ngày sau khi nhập trại, xác cô ta trôi vào bờ, police Thái Lan gọi bọn tôi có phải người đồng hành trên ghe không rồi tiêu hủy hài cốt ở Songkhalia, cô này khoảng Trên hai mươi tuổi, nghe kể chuyện còn độc thân, không hiểu sau này có ai biết chính xác địa chỉ ở đâu báo tử cho gia đình cô ta không. Bây giờ trở lại chiếc ghe, sau khi tạo được đám cháy, gió thổi chiếc ghe tôi vào bờ vào khaong? 10 giờ 30 đêm, trên bãi biển Vắng, thỉnh thoảng trên con đường lộ ở xa có những vệt đèn xa chạy lưu thông, tôi yêu cầu những người còn khoẻ dìu những người say sóng lên bờ và đào hai cái hố lớn để trốn gió, nhất là các cô nhẩy xuống biển quàn áo ướt sũng nước, cón tôi lập tức phá vỡ hông ghe và quăng búa xuống biển phi tang vì sợ ghe còn lành Thái Lan sẽ kéo ra biển, mọi việc xong, tôi trở lại hố và chưa biết việc gì đến nữa, khoảng vài phút sau nhóm tuần tra bờ biển TQLC Hoàng Gia Thái Lan bắt gặp chúng tôi, họ ăn mặc và mang cấp bậc giống như VNCH trước năm 1975, Lập tức súng M16 lên đạn chĩa thẳng vào chúng tôi, mọi người đều thất kinh, trong nhóm có một tên hạ sĩ quan gọi máy truyền tin PCR25, khoảng 15 phút sau, một xe jeep quân sự đến pha đèn thẳng vào chúng tôi, người chỉ huy mang cấp bậc trung tá, vì ngày xưa tôi ở TQLC nên biết, một phút im lặng, mấy người đàn bà con gái nói: “Chú Sáu đại diện đứng lên nói đi”, tôi trả lời: “ Tiếng Anh tôi đâu biết, tiếng Thái thì ngọng luôn, có cậu kia biết tiếng Anh sao không nói.” Cậu ta thấy súng ống run lập cập, bí quá tôi làm gan đứng dậy trên miệng hố, hai tay chấp và xá vị trung tá vì Thái Lan họ theo đạo Phật và tôi nói xin kính chào Trung Tá, may thay hồi chiến tranh Việt Nam tên này có tham chiến nên ông ta nghe và hiểu chút ít tiếng Việt, ông trả lời với giọng lơ lớ như người Thượng. Ông ta hỏi: “ Sao anh biết tôi là Trung tá?” Tôi mừng quá vì lâu ngày ông ấy không nói tiếng Việt nên ông nói rất chậm, tôi liền trả lời: “ Dạ thưa Trung tá, sở dĩ tôi biết ông là Trung tá vì trước năm 75 tôi là lính TQLC, và nếu tôi không lầm thì Trung tá đã từng tham chiến ở Việt Nam?” Ông ta trả lời: “Hồi lúc còn thiếu tá có sang Việt Nam hơn một năm, do đó tôi biết ít tiếng Viẹt, bây giờ tôi tin anh là lính TQLC nhưng những người kia thì sao?” Tôi trả lời họ trước đây cũng thuộc gia đình binh lính của chế độ trước. Sau 75, cũng vì chế độ mới khắc nghiệt và cùng ra đi với tôi, mong chờ trung tá thương tình mà giúp cho chúng tôi. Ông ta gật gù, tôi mừng quá, sau đó ông gọi police đến giữ bọn chúng tôi tới sáng và có báo chí Thái lan đến chụp hình chúng tôi với chiếc ghe, hai chiếc xe truck chở bọn tôi nhập trại bên bờ biển giao cho một ông police già giữ bọn chúng tôi. Khoảng 10 giờ sáng hôm đó thì xe Cao Ủy tị Nạn đến phát lương thực, chăn mền quần áo xà bông, kem đánh răng và có xe Hồng Thập Tự đến khám bệnh và cấp thuốc. Tôi thấy xe police chở hai người bạn đồng hành đi chung ghe người Hoa đã ôm can nhảy xuống biển trong lúc chúng tôi chống cự với chiếc ghe Thái Lan. Lúc này tôi cảm thấy sung sướng nhất là có quần áo đẻ mặc, có khăn lông lau mình, lại có xà bông thơm. Bữa đầu tắm gội tôi thấy mình tôi sao nhẹ quá tưởng chừng như bay bổng và tôi không quên giăt bộ quần áo cũ phơi phóng và gói cất đến tận bây giờ làm kỷ niệm. Sau bữa cơm đầu tiên mọi người ăn uống vui vẻ, tôi đề nghị “ chiều nay bọn mình ra bờ biển quì xuống cầu nguyện tùy theo tôn giáo để cảm tạ ơn lành may mắn chúng ta còn sống và cầu nguyện cho linh hồn của hai bạn đồng hành với chúng ta chẳng may đã bỏ mình dưới biển”, mọi người tán thành ý kiến và sau đó tôi cạo trọc đầu vì tôi có lời nguyện hồi máy hư, nếu ơn trời che chở cho ghe con tới bến bờ thì con sẽ cạo đầu. Sau khi cầu nguyện chúng tôi ăn bữa cơm chiều và mọi người tự kiếm chỗ nghỉ ngơi. Vì cái trại này đã bỏ haong từ lâu không có người ở và cũng không có điện nên Cao Ủy có cho đén dầu và ít đèn cầy dể thắp sáng trong đêm, tôi ngủ một giấc ngon lành. Nửa khuya, vì theo thói quen thức dậy xem nước có vô ghe không, thức dậy biết mình đang ở trên bờ Songkha Thái Lan, nhớ đến hai người cùng đi mới quen được vài hôm đã mất, nghe sóng biển gầm tôi buồn quá, đốt đén cầy, hút thuốc suy nghĩ cuộc đời qua ánh nến châp chờn, cảm hứng lấy cục than ở bếp hối chiều nấu ăn, viết mấy câu thơ trên vách để nhớ người đồng hành chẳng may đã mất Hồn ai siêu thoát ở nơi đâu Biển mặn ai đi để kẻ sầu Ngọn nến nung hoài hơi gió lộng Hỡi người dưới biển có buồn không Viết thư đêm vắng sầu trăm ngả Thôi đành phải xa cách Lặng lẽ mầu tang thương với nhớ Nghìn thu ai biết chuyện Song Kha Kết thúc câu chuyện hồi ký "cuộc hành trình 200 dặm trên biển Đông", tôi nghĩ rằng sau khi được định cư, mọi người lo làm ăn đâu có dịp mà kể lại, may thay nhờ có cuộc thi viết bài kẻ lại cuộc hành trình trên biển Đông nên mới có dịp kể lại cuộc hành trình để các vị gần xa hiểu thêm hoàn cảnh thuyền nhân chúng tôi. Bây giờ thì Chúa thương tôi đã có được mái ấm gia đình, tôi có người vợ hiền và đã bảo lãnh được hai đứa con đang sống chung nhưng mỗi lần đông về tết đến, tôi lại nhớ kỷ niệm Songkha. Cuối thu 2002 ::: Jimmy Le:::