Tối hôm đó, cơm nước xong, tôi phụ mẹ tôi rửa bát ở bờ giếng. Mọi người trong gia đình bác tôi thì đang quần trong phòng của chị Ánh Nguyệt cùng với một ông bác sĩ. Ngọn đèn cầy dưới đất, ngay cạnh chúng tôi, lặng lẽ ứa ra những giọt nến đỏ, bóng ngời, chảy dài xuống chiếc đĩa đồng. Ánh sáng le lói chỉ đủ cho mẹ tôi có thể có thể nhìn thấy công việc bà đang làm. Mưa đã tạnh. Dưới giếng sâu tối đen như mực. Mỗi lần tôi thả gầu xuống để múc nước chỉ thấy có một tiếng va chạm ướt át vẳng lên. Tiếng cót két của sợ dây thừng cũ kỹ xiết vào cái trục quay khi gầu nước được kéo lên nghe rền rĩ. Sau khi đã đổ đầy chậu, tôi ngồi xuống bên cạnh mẹ, lên tiếng:
- Mẹ ơi, con muốn hỏi mẹ cái này, được không mẹ?
Mẹ tôi đáp:
- Được chứ
- Mẹ có còn nhớ chút gì về cha con không?
Mẹ tôi ngập ngừng. Mái tóc dài của bà phủ gần kín gương mặt nên tôi không nhìn thấy một nét biểu lộ nào. Quơ lấy bát đĩa, mẹ tôi nói:
- Mẹ có nhớ đôi chút.
Tôi hỏi tới:
- Cha con giống ai hả me?
Chùi tay vào cái khăn dắt bên cạnh mình, mẹ tôi ngước mắt nhìn lên trời cao. Dưới ánh sáng mờ mờ, đôi mắt mẹ tôi trông tối lại và bí mật như cái bóng tối trong cái giếng sâu kia. Mẹ tôi mơ màng:
- Đã bao nhiêu năm qua rồi. Sao bỗng nhiên con lại muốn biết?
Tôi nhún vai:
- Con cũng không biết nữa. Tò mò thôi mà, mẹ. Ai cũng có cha. Con muốn biết cha con còn sống không, vậy thôi.
- Cha con vẫn còn sống, đâu đó ở bên Mỹ ấy.
- Ông ấy có biết gì về con không hả mẹ?
- Có, con à. Khi cha con ra đi, mẹ mới sinh con được ba tháng.
- Mẹ ơi, mẹ gặp cha con trong trường hợp nào?
Mẹ tôi vươn vai, rên lên nho nhỏ, phàn nàn là mỏi lưng. Trong bóng đêm mờ ảo, mọi sự vật chung quanh chúng tôi dường như thật là yên tịnh. Trời trở lạnh. Bằng một giọng nhẹ nhàng, thì thầm như tự nói với mình, mẹ tôi kể cho tôi nghe về cuộc tình của bà với cha tôi:
Đáng lẽ ra mẹ được gả cho con trai của bạn ông ngoại. Ngày đó, không có cái chuyện lấy nhau vì tình, mà là vì môn đăng hộ đối. Tối hôm trước ngày cử hành hôn lễ, mẹ lén nhìn trộm mặt chú rể tương lai, dĩ nhiên là nhờ có sự trợ giúp của cậu út con. Cậu và mẹ trốn sau một bụi tre phía ngoài nhà hắn ta suốt hai tiếng đồng hồ dài dằng dặc trước khi nhìn được mặt hắn lần đầu tiên. Thiên địa ơi, sao mà hắn xấu khổ xấu sở! Mẹ khóc như cha chết, tủi cho thân phận mình. Làm sao mà có thể sống với người đàn ông này suốt đời! Thế là ngay đêm hôm đó, cậu của con, cũng trạc tuổi con bây giờ, đưa mẹ ra xe buýt để vô Sài Gòn.
Tôi ngắt lời:
- Mẹ ơi, bỏ nhà đi mà mẹ không sợ à?
- Sợ thôi hả? Mẹ thật là kinh hãi nữa ấy chứ. Nhưng cái gì mà mẹ đã định thì nhất quyết phải làm cho được. Ông ngoại điên tiết lên, thẳng tay trừng trị cậu của con rồi phóng vào Sài Gòn tìm mẹ. Trước khi ông ngoại vào tới Sài gòn, mẹ đã kiếm được việc làm rồi. Mẹ làm bàn tay mẫu cho một tiệm kim hoàn. Mẹ không chịu trở về. Ông ngoại phải xin lỗi nhà trai và hoàn trả lễ vật cho họ để từ hôn. Thật là một vụ tai tiếng lớn, may thay, ông ngoại không vì chuyện này mà từ mẹ. Mấy tháng sau đó, nhiều người Mỹ tới Việt Nam. Người mình đua nhau học tiếng Anh để hy vọng kiếm một việc làm tốt với người ngoại quốc, lương cao, và được trả bằng đô la thay vì tiền Việt. Mẹ rất hứng khởi với nền văn hoá đa dạng của họ nên mẹ ghi tên hoc lớp Anh văn ban đêm. Mẹ gặp cha con ở Sài Gòn, khi đó cha con đăng báo tìm một thông dịch viên, mẹ tới để được phỏng vấn, rồi kết quả là ở lại qua đêm. Cha con cao lớn, tóc nâu đen và rất đẹp trai, như tài tử điện ảnh. Ổng hớp hồn mẹ! Đoạn tiếp theo thì con biết rồi đó. Cha mẹ dọn về Nha Trang rồi thì mẹ mang thai con. Năm sau, con ra đời.
Trước mặt chúng tôi, bát đĩa đã được rửa sạch, lau khô, xếp gọn gàng trên khay. Mẹ tôi tiếp tục, giọng nhỏ nhẹ, ngậm ngùi:
- Khi con vừa được ba tháng thì cha con ra đi. Cha con rất buồn vì phải bỏ con lại. Thật ra thì ông đề nghị được mang con theo ông ấy, nhưng mẹ từ chối. Con có một người cha tốt như tất cả mọi người, con à. Dù chỉ sống với nhau có một thời gian ngắn, nhưng cha con đã yêu con vô cùng.
- Cha con tên là gì vậy mẹ?
Mẹ tôi thở thật sâu:
- Mẹ không nhớ.
- Sao mẹ lại không nhớ tên cha? Mẹ sống chung với ông ấy mà.
Mẹ tôi giải thích:
- Ông ấy là xếp của mẹ. Giống như tất cả mọi người trong công ty, mẹ gọi ông ấy bằng họ, ông Russo, mà thôi. Con có biết đã bao nhiêu năm trôi qua rồi không? Mẹ phải cố gắng xoá mờ hình ảnh này trong tâm khảm, con à.
Tôi hơi có ý trách:
Mẹ tôi phá lên cười:
- Mẹ thật sự không tin điều đó. Cha con chưa bao giờ biết tên thật của mẹ. Ông thường gọi mẹ là Nacy Kwan. Nhưng tên mà làm gì? Chẳng quan trọng đối với tụi này. Đó là vào thập niên sáu mươi ấy mà, ui dà!
Tôi hỏi:
- Mẹ có tin rằng đôi khi ông ấy còn nhớ tới mình không?
- Chắc chắn là có chớ.
- Liệu ông ấy còn muốn có con không?
Mẹ tôi nhíu mày:
- Mẹ không biết, con à. Nhưng nếu mà mẹ là cha con, chắc chắn là mẹ muốn có con rồi. Cha mẹ nào cũng hãnh diện vì có một đứa con như con, Kiên, con là đứa con ngoan.
Tôi đứng dậy vuốt nhè nhẹ lên mái tóc bà:
- Cám, ơn mẹ, mẹ ơi.
Đêm hôm đó, sau khi mọi người đã vào giường, tôi bò dậy rót thêm dầu vào cây đèn cũ. Cái giường mới của tụi tôi làm bằng bao bố tời đựng gạo đã phế thải do Tín lượm về từ sở của hắn. Nằm trên đó, tôi viết nháp lá thư gởi cho cha tôi, dù đã có sự giúp đỡ của cuốn từ điển Anh -Việt, và với vốn liếng ít ỏi văn phạm Anh mà tôi đã thâu thập được ở trường, quả thật ngoại ngữ là thứ khó khăn hơn tôi tưởng tượng. Dưới bóng đèn mờ, tôi cố gắng gởi gấm vào lá thư những điều tôi mong cha tôi biết, e ngại rằng liệu ông có thể hiểu được qua lá thư này chăng.Lá thư như sau:
Thưa ông Russo,
Con là con trai cha tại Việt Nam. Cha chưa biết con. Tên con là Kiên Nguyễn, mười bốn tuổi. Con sinh ngày 12 tháng năm năm 1967. Đó là năm cha rời Nha Trang.
Sáng nay, khi con tìm được địa chỉ của cha, con thật là vô cùng mừng rỡ. Con đã chờ đợi cha từ bao nhiêu năm. Con nghĩ đến cha hàng ngày và mong mỏi được gặp cha.
Xin hãy đem con đi Mỹ. Con không có lý do gì để mà sống ở Việt Nam. Con luôn luôn bị đói và buồn bực. Con không có quần áo mới hoặc chăn. Con phải ngủ trên hai cái bao bố đựng gạo vì không có giường. Sau những cơn mưa, muỗi bay quanh nhiều vô kể và ban đêm ở đây lạnh vô cùng. May ra cha còn nhớ những chuyện này vì trước kia cha đã từng ở đây.
Xin viết thư cho con. Con mong nhận được tin tức của cha. Con không thể gửi ảnh cho cha vì hiện nay con chưa có. Nacy Kwan gửi lời thăm cha. Mẹ nói rằng cha yêu con và sẽ săn sóc con. Con rất mong những lời mẹ nói là đúng sự thực.
Con của cha
Kiên Nguyễn
Tôi đọc đi đọc lại lá thư, cố gắng sửa lỗi càng nhiều càng tốt trước khi bỏ vào phong bì. Rồi thì, mệt đừ với niềm hân hoan và hy vọng. Tôi lăn ra ngủ, tay còn ôm lá thư trên ngực.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm, dự định đem khoe bức thư với chị Ánh Nguyệt. Vừa tới bếp thì tôi bị mẹ tôi chận lại. Tay bà cầm đôi đũa bếp. Sau lưng bà là chảo cơm chiên mỡ đang xém xèo xèo. Từ trong nhà bác tôi, vẳng ra ba tiếng chuông ngân rền trong sương sớm. Có mấy vị sư mặc áo vàng thấp thoáng trên lối vào nhà bác tôi, giữa mấy khóm hồng.
Mẹ tôi hỏi:
- Con định đi đâu?
-Con đi gặp Ánh Nguyệt.
Mẹ tôi buồn rầu:
- Thôi con ơi! Ở lại đây đi con, Ánh Nguyệt đã qua đời đêm qua rồi. Đừng làm phiền gia đình nó.
Tôi loạng choạng ngồi xuống, cái tin làm cho tôi chóng mặt và sững sờ. Bên ngoài, mưa đã tạnh, mây trắng lững lờ trôi trên nền trời nắng đẹp, ánh sáng phản chiếu từ những mảng sân đẫm nước lóng lánh như báo hiệu đã sang hè.
Một lúc sau, từ dưới sàn, tôi gượng đứng dậy bước ra khỏi bếp. Nơi bàn ăn nhà bác tôi, ông tôi ngồi như người mất hồn. Trước mặt ông là ly cà phê chưa hề đụng đến. Ngoài sân, bác trai với sự phụ giúp của các vị sư, đang tháo cái cửa lồng để thả hàng trăm con chim sẻ. Chúng rối rít vẫy cánh dưới nền trời nắng tưng bừng trước khi biến mất vào không trung. Bên ngoài phòng Ánh Nguyệt, bác gái nằm gục trên nền nhà, đầu tựa vào cái ngạch cửa xi măng. Bác than vãn thảm thiết trong khi đám con gái xúm xít xung quanh bác. Ngay khi vừa nhìn thấy mặt tôi, bác ngừng khóc, nhỏm dậy, nhào tới tôi, hỏi:
- Tao muốn biết nó nói gì với mày đêm qua.
Tôi giả bộ:
- Ai? Cháu không hiểu bác đang nói gì.
- Ánh Nguyệt, con tao. Nó đã nói chuyện gì với mày?
Tôi lắp bắp:
- Cháu không thể nói, thưa bác. Đó là chuyện riêng.
Bà rền rĩ:
- Tại sao không nói được? tao là mẹ nó. Nói cho tao biết.
- Thưa bác không thể được. Cháu đã hứa với chị ấy. Vả lại, chuyện đó không còn quan trọng nữa.
Ánh giận dữ trở lại mắt bà trong khi Hồng kéo bà đi ra xa tôi. Bà gào lên:
- Không quan trọng? Mày dám nói thế hả? Nó đợi mày bao nhiêu tuần, chờ mày trở về để có thể nói điều gì đó với mày. Mày dám không chia sẻ những điều con gái tao nói với mày à?
Tôi lắc đầu chạy mất.
Ngoài vườn, tôi gặp ông Ba Qùi đang bước về phía bếp nhà bác tôi, ông niềm nở:
- Ơ! Mày về rồi à?
- Thưa ông vâng.
- Hay quá! Tao có tin vui báo cho mày. Tao đã nói với ông hiệu trưởng. Ông ta bảo rằng mày cứ vui chơi thoải mái mùa hè này. Khoá học tới, mày có thể trở lại trường. Nhà trường đã thẩm định hạnh kiểm của mày nên sẽ không có sự trừng phạt nào đâu.
Tôi nhìn thẳng vào mặt ông:
- Xin cảm ơn ông. Hay là tôi nên nhờ mẹ tôi cảm ơn ông giùm tôi.
Nụ cười biến mất, ông cáu kỉnh:
- Đồ con lai vô ơn! Mẹ mày chẳng là cái thá gì. Bộ mày tưởng mẹ mày là bà hoàng chắc? Còn mày nữa, từ nay tránh xa con gái tao. Mày với không tới nó đâu. Khôn hồn thì đừng làm tao trở thành một trong những kẻ thù của mày!
- Nếu không vì mẹ tôi, tại sao ông giúp tôi?
Ông ta xua tay:
- Cút mau, tao phát lợm giọng với mày rồi.
Tôi bước qua mặt ông, đi thẳng ra nhà bưu điện để gởi lá thư cho cha tôi.
Ba tháng sau, một buổi sáng thứ bảy, người bưu tá tìm tôi để trao cho tôi lá thư mà chỉ nhìn phong bì, tôi nhận ra ngay lập tức. Cái thư bị trả về, chưa hề được mở ra, sau khi đã du lịch vòng quanh thế giới. Một dấu ấn đỏ chạy qua chỗ viết địa chỉ cha tôi có kèm theo hàng chữ " Hoàn trả lại người gửi - Địa chỉ không rõ "