Dưới ánh lửa bập bùng phát ra từ những bó đuốc kết bằng cỏ, một toán người sắc tộc Nùng thân hình lùn và mập, nhướng mắt kinh hãi ngó chiếc Warhawk tan nát. Ngó chưa đã mắt, đám người sơn cước ấy đã vội vàng rụt chân, thụt lùi và nói líu lo với nhau. Họ thấy thân thể một phi công da trắng trong chiếc ghế lái có buộc dây an toàn, treo lắt lẻo ngay bên dưới khoang lái bể nát. Gió thổi mạnh làm người anh ta xoay tròn và đong đưa chầm chậm. Khi hình nhân ấy xoay về phía họ, họ nhận ra một bộ mặt trắng bệch, máu dính bê bết thành từng bệt trông rất dễ sợ, và một cánh tay co quắp cứng trửng, quặt ngược nơi cạnh sườn làm thành một góc lệch. Đứng đằng sau toán dân sơn cước ấy có một thầy Mo, kẻ cùng đi với họ từ bản làng nhà sàn cách chỗ máy bay rớt gần hai cây số. Ông đang trịnh trọng làm lễ đúng với nghi thức cổ truyền. Cứ đôi ba giây, ông lại đưa dao quắm lên cao chém chém vào không khí bên trên đầu mình để xua đuổi lũ ma quỉ đang bu quanh chiếc máy bay lâm nạn. Thấy vậy, đám người Nùng tự động lùi ra xa hơn, đứng như xếp hàng ngay sau lưng ông để được ông bảo vệ. Một dân bản làng đưa mắt nhìn lấm lét chiếc Warhawk rồi nói thật nhỏ, giọng như thì thào:- Chắc hắn về với thần núi thần mây rồi. Mình đi thôi.Hạ thấp con dao rừng, thầy Mo đứng yên một lát, nghe ngóng. Tiếng động của sáu tên lính biên phòng Nhật đang đi tuần càng lúc càng vọng tới rõ hơn, cho biết chúng đang tiến đến gần khu vực máy bay lâm nạn và như thế, chứng tỏ chúng cũng đã thấy chiếc Warhawk cháy đỏ rựïc, rơi xuống như một bó đuốc. Thầy Mo nói chầm chậm:- Chết cũng được, sống cũng được. Có nhớ cái ông già ròm ở Pắc Bó hứa sẽ giải phóng chúng ta không. Cái ông già ké đó đã nói rằng muốn chúng ta giao cho ông hết thảy những người bay da trắng. Mau cắt dây đưa nó xuống.Giọng nói đầy quyền phép của thầy Mo làm đám người Nùng vững bụng. Nhanh như chớp, họ leo thoăn thoắt lên cây, vung dao quắm chặt đứt sợi dây an toàn gắn quanh ghế phi hành. Phải cần tới sáu người dân sơn cước vạm vỡ mới gánh nổi thân xác kẻ lâm nạn về khu nhà sàn của bản làng. Trong lúc họ oằn lưng dưới gánh nặng và bước loạng choạng, thầy Mo đi một bên, rầm rì đọc thần chú để làm nguôi giận thần lửa, thần trời, thần sấm sét... những vị thần đầy uy lực được họ tin là các đấng tạo dựng đất đai cùng sông núi. Khi đoàn người về tới bản, dân làng ùa nhau chạy tới bu đầy ngôi nhà sàn ám khói của thầy Mo. Họ đứng im lặng, mắt xoe tròn kính sợ ngó ông sửa soạn chiếc đĩa nhỏ bày mấy ngọn lá trầu và mấy hạt gạo, để đặt vào miệng thi hài, đúng với nghi lễ tiễn đưa người chết của sắc tộc Nùng. Trước khi cử hành nghi thức tẩn liệm, thầy Mo ra hiệu đem tới cho ông một choé nước trong vắt, múc về từ một lòng suối bên sườn núi. Kế đó, ông lấy dao rạch bộ đồ bay bê bết máu, cởi hết ra và vứt bỏ. Đang rửa máu nơi bụng và lưng của thây ma, thầy Mo bỗng ngừng tay. Ông lẩm bẩm mấy tiếng thật lẹ rồi cúi xuống, áp đầu sát lồng ngực kẻ chết. Lúc ngẩng lên, ông liến thoắng ra lệnh cho người phụ việc:- Sửa soạn cáng tre lập tức. Người da trắng này tim còn đập. Mau sai người chạy thật lẹ qua Pắc Bó, nói với họ bên đó ra chờ sẵn nơi bờ suối.Dân bản cùng nhau ồ lên mừng rỡ. Chen chúc nhau vây quanh thầy Mo, họ đua nhau múa máy chân tay nói cười, trong khi ông bắt đầu rịt cỏ, đắp lá và bó những chỗ Joseph bị thương lúc máy bay rớt. Cùng với cánh tay mặt lặt lèo, một chân của anh gãy thấy rõ. Cấp cứu xong các vết thương, thầy Mo lấy một chiếc áo tế lễ của mình quấn quanh người Mỹ, rồi dùng dây rừng bó hai chân Joseph lại và cột chặt người anh vào cáng tre. Sáu sơn dân lực lưỡng lúc nãy gánh Joseph từ chỗ bị nạn về bản làng nay lại nhấc bổng chiếc cáng lên vai. Cùng với hơn chục dân bản làng cầm dao quắm đi theo hộ tống, họ kéo nhau hối hả tuột xuống mé núi.Sau đó nửa giờ, toán lính biên phòng Nhật đi tuần tiểu rốt cuôïc cũng lần theo dấu máu tới được bản làng ấy. Tìm mãi không thấy thi thể hoặc dấu vết của viên phi công, bọn chúng nổi giận, bóp cò súng. Thầy Mo và hai dân làng chết tại chỗ. Mười người khác bị thương. Trước khi bỏ đi, lính Nhật thiêu rụi tất cả nhà cửa và lôi xềnh xệch theo chúng năm sáu thiếu nữ trong bản, mặc cho các cô khóc la giãy giụa.Mãi hơn một giờ sau, toán quân Pháp biệt lập từ đồn biên phòng Sóc Giang cách đó khoảng năm cây số, mới cỡi ngựa đi tuần tới chỗ chiếc Warhawk lâm nạn. Cũng như mọi binh sĩ Pháp trú đóng tại Đông Dương, họ có lệnh của Nhật phải tìm bắt và giải giao tất cả những phi công Mỹ bị bắn rớt trên khắp lãnh thổ. Vì nhận lệnh ấy với lòng căm ghét nên khi khám thấy khoang lái trống rỗng, lính Pháp chỉ nhún vai vài lần rồi trở đầu ngựa, quay về đồn.Trong lúc đó, Joseph đang nằm lênh đênh trên chiếc bè nứa do Đào VănLật và hai thanh niên du kích quân cộng sản chèo chống. Bè nhắm hướng tây, đi dọc theo một nhánh chênh vênh dốc đứng của sông Kỳ Cùng.Khi được dân Nùng báo tin vừa cứu về một phi công Mỹ, từ căn cứ của Đảng Cộng sản Đông Dương tại một nơi bí mật và hiểm trở có tên là Pắc Bó, Đào VănLật, con người cách mạng sôi sục nhiệt tình, kẻ từng cầm đầu cuộc tuần hành bất hạnh tại Vinh năm 1930, tất tưởi chống bè nứa ngược dòng suối đi đón.Sau khi tiếp nhận người lâm nạn, Lật vội vã chống bè trở về Pắc Bó. Trên chiếc bè mỏng mảnh, một trong hai dân quân trẻ tuổi đi chung với anh quì đằng mũi, tay đưa cao bó đuốc sáng bập bùng để soi lối chỉ đường chống bè qua thác xuống ghềnh sủi đầy bọt nước. Trong khi ấy, người dân quân thứ hai lom khom bên chiếc cáng cột Joseph, hai tay ôm chặt khẩu súng kíp cổ lổ. Dòng suối bắt đầu chảy siết hơn khi bè sắp ra sông cái. Tiếng nước kêu rào rạt bắt đầu thấm từ từ vào óc não ngần ngật của Joseph nhưng anh chỉ mới tỉnh lại đôi chút. Hình ảnh lờ mờ của chiếc bèø lao vun vút trong tiếng nước, tiếng gió và bóng tối chập chờn bọc kín chung quanh khiến Joseph kinh hoảng. Anh thét lên mấy tiếng thật lớn, rời rạc, và vùng vẫy rất mạnh, cố quẫy cho đứt mấy sợi dây rừng. Thấy thế, Lật sợ bè lật, vội vã ra lệnh cho anh du kích đang lom khom bên chiếc cáng trở báng súng, đập vô đầu Joseph.Joseph lập tức lại rơi vào cơn hôn mê. Nhưng những tiếng thét quá lớn của anh đã vang tới tai toán tuần phòng thứ nhì của Nhật lúc này đang ở mé cao trên sườn núi đá vôi sát bên bờ suối. Chỉ chớp mắt sau, lính Nhật nổ súng. Đạn bắn như vãi xuống lòng suối làm nước văng lên tung toé quanh bè nứa. Lật cuống cuồng chống cây sào dài vào các mỏm đá, thúc cho bè lao như điên để quặt lẹ vào một khúc suối rộng hơn đang sủi bọt trắng xóa giữa hai vách đá lởm chởm. Đồng thời Lật hối hả quát lớn, ra lệnh cho anh du kích đang canh giữ Joseph nổ súng bắn trả quân Nhật. Nhưng chưa kịp lên đạn và kê báng khẩu súng kíp lên vai, người thanh niên ấy đã bị đạn bắn trúng ngực. Anh chúi mũi, văng cả người xuống lòng suối, không kêu lên được một tiếng. Trong chỉ vài giây ngắn ngủi, thi thể người dân quân trẻ tuổi trồi lên trên mặt nước sủi bọt, cách bè nứa một quãng ngắn, rồi thình lình bị dòng nước cuồn cuộn nuốt chửng. Lần này chìm hẳn. Lát sau, khi bè ra hẳn sông cái, Lật hạ lệnh cho người dân quân còn lại tắt đuốc. Lập tức đằng sau họ tiếng súng im bặt. Thất thần, mặt trắng bệch vì vừa mất một người bạn, anh thanh niên du kích đi lom khom ra đằng sau bè, tới gần chiếc cáng để kiểm soát xem người nằm trong đó có bị trúng đạn hay không. Bè nứa trôi chầm chậm trên mặt sông rộng, mát và êm ả. Thở ra nhẹ nhỏm, Lật nhấc sào lên quá mặt nước, tì người nghỉ mệt trong khi ngực vẫn cảm thấy tưng tức. Khi hơi thở đều trở lại, Lật nghe người du kích trẻ tuổi hỏi với giọng thều thào run rẩyï:- Tại sao mình phải chịu nguy hiểm quá như thế này để cứu một phi công người nước khác?Lật nhẫn nại trả lời:- Vì nước Mỹ rất hùng mạnh. Họ dẫn đầu các nước đánh nhau với Nhật. Và quân đội của họ sắp thắng trận giặc thế giới này.Người thanh niên đờ mặt suy nghĩ và lại hỏi:- Nếu nước Mỹ hùng mạnh nhất như đồng chí nói, tại sao họ lại cần chúng ta giúp đỡ. Chúng ta ít người quá, với lại súng ống của chúng ta thô sơ quá.Lật chậm rải cắt nghĩa:- Nước Mỹ không cần chúng ta chút nào. Nhưng tới khi quân Mỹ đuổi được bọn Nhật ra khỏi xứ sở của chúng ta thì đối với nhân dân chúng ta, người Mỹ là anh hùng chiến thắng - và nếu nhân dân thấy chúng ta chiến đấu bên cạnh người Mỹ thì họ cũng xem chúng ta là anh hùng chiến thằng. Đồng chí hiểu chưa. Khi bọn Nhật về nước rồi, chúng ta có thể quay trở lại cuộc chiến đấu thật sự của mình là đánh nhau với bọn Tây. Việc chúng ta cứu sống phi công Mỹ thoát khỏi tay bọn Nhật, hoặc cho dù chúng ta chỉ lấy được xác mà thôi, cũng sẽ góp phần giúp chúng ta chiếm được cảm tình bè bạn của nước Mỹ - đó là lý do đêm nay chúng ta liều chết để cứu anh phi công Mỹ này. Đồng chí hiểu rồi chứ.Người thanh niên chầm chậm gật đầu trong khi Lật lại bắt đầu chống sào xuống lòng sông, lái bè nứa rẽ qua một nhánh sông nhỏ. Khi bè cập bến, trên bờ có một toán chừng năm sáu du kích quân võ trang súng kíp và dao quắm đứng sẵn, đón họ. Các du kích quân tự động quẩy chiếc cáng lên vai. Lật dẫn đường đi lên, qua liên tiếp nhiều thửa ruộng bậc thang rồi đi vào một lũng nhỏ, bọc kín chung quanh là các vách đá vôi cao ngất, dựng đứng và lởm chởm, với những dòng suối chảy siết qua nhiều thế kỷ khiến đá vôi lõm thành hang động. Sau cùng, họ khiêng cáng tre đi vào một kẽ nứt sâu hoắm làm thành một hang tối. Qua khỏi miệng hang khuất sau một thác nước, họ hạ cáng xuống sàn cát.Thấy Josep bắt đầu lên cơn sốt và run lẩy bẩy, Lật ra lệnh các dân quân khác nhóm một đống lửa kế bên cáng trong khi anh lấy quần áo cũ xếp thành gối và dùng hai chiếc mền rách đắp lên thân người Mỹ. Anh làm chưa xong công việc đó đã thấy một người đàn ông gầy gò, luống tuổi, xuất hiện thầm lặng nơi mé bên ngoài vòng ánh sáng hắt ra từ đống lửa. Trong bóng tối, người tuổi đã luống ấy trông có vẻ lọm khọm yếu ớt nhưng khi đi tới cáng tre, bước chân ông dài và lẹ. Lửa hắt lên cho thấy một chòm râu lưa thưa màu xám và mái tóc thưa lấm tấm bạc. Trên bộ mặt dài và tiều tụy long lanh hai con mắt sáng quắc kỳ lạ. Trong phong thái của ông có một vẻ định tĩnh tự chế khác thường khiến mọi người đứng trong hang đều im lặng kính cẩn, tự động rẽ ra hai bên nhường lối cho ông đi vào.Joseph thoạt tiên mở mắt và thấy ông lão An Nam gầy gò ấy cúi xuống trên người mình. Vì trạng thái mê sảng do cơn sốt gây ra cùng những đau đớn cực độ do các vết thương hành hạ nên đối với anh, trong ánh sáng chập chờn màu da cam phát ra từ đống lửa, bộ mặt hốc hác với chòm râu lưa thưa ấy dường như không thật. Nhưng khi người ấy đưa cái ca sắt đựng nước dừa âm ấm ấn vào môi Joseph, anh nốc ừng ực hết hớp này tới hớp khác. Nằm nghỉ ngơi trong đêm đầu tiên lạnh lẽo và dài dằng dặc nơi rừng núi, cứ mỗi lần lơ mơ tỉnh lại đôi chút, Joseph lại thấy cũng chính bàn tay ấy đưa lên môi anh chất nước dịu ngọt hoặc lau mồ hôi trán cho anh. Và cũng chính bộ mặt ấy, với vẻ định tĩnh đáng kinh ngạc của nó và tia nhìn đăm đăm đầy thông cảm, có vẻ như liên tục hiện ra rồi tan biến rồi lại hiện ra trước đôi mắt bừng bừng sốt của Joseph. Tay ấy, bộ mặt ấy và tia nhìn ấy như thể thuộc về một vị thần núi phúc hậu và đầy tình phụ tử. Và khi Joseph chập chờn lơ lửng bên bờ tử sinh, đối với anh, hình ảnh ấy trở thành một niềm an ủi khiến lòng anh yên tĩnh lạ thường.