Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 42

 

Nha Trang, tháng tư năm 1984

Khi lá thư tôi gửi cho cha tôi bị hoàn lại còn dán kín, tia hy vọng cuối cùng về một đời sống khá hơn rút cuộc đã bỏ rơi tôi. Ngày tháng qua, tôi thấm dần với nỗi thất vọng, chán chường, đành chấp nhận nó, tự nhủ lòng rằng bất hạnh là một phần của cuộc đời tôi. Với những cái chết của Ánh Nguyệt và dì Đặng lùi xa dần vào quá khứ, và sự bạo hành mà tôi phải chịu đựng từ bàn tay của bọn công an còn mới mẻ trong tâm tưởng, tôi chú tâm xây dựng một đời sống bình thường, ít sóng gió. Tôi cố quên đi những nỗi kinh hoàng mà tôi đã trải qua. Vào năm 1984, tôi được mười bẩy tuổi, Jimmy mừơi lăm và bé Ti lên chín. Quần áo chúng tôi đã rách bươm sau bao nhiêu năm dài không được thay bằng quần áo mới. Những miếng vá chằng vá đụp, lớp trên đè lớp dưới, trông thật tả tơi, khó coi. Mẹ tôi đành phải tìm mua quần áo cũ ở những cửa hàng bán đồ tầm tầm, đem về cặm cụi sửa chữa cho vừa với tầm vóc của chúng tôi. Mặc những bộ đồ xốc xếch ấy ra trường, chúng tôi trở thành cái đinh lôi cuốn sự chú ý của thầy cô và bạn học. Sự diễu cợt của họ thật là tàn nhẫn, nhưng không thể tránh được. Jimmy và tôi đánh nhau với tụi nhóc gần như cơm bữa, nhưng không đứa nào mách mẹ vì chúng tôi hiểu rằng mẹ chúng tôi đã có nhiều nỗi lo âu, phiền muộn chất chồng lên cuộc đời bà.

Cho tới lúc này, mẹ tôi đã moi móc đồ đạc trong nhà để đem bán tất cả những gì có thể bán được. Lần lượt, từ chăn màn cho tới khung cửa sổ, đá vân cẩm ngoài ngưỡng cửa, v v... đến cả một phần tôn của cái mái bếp cũng được gỡ ra đem bán. Tới hồi không còn gì để bán nữa, mẹ tôi lại trở ra chợ. Lần này, vốn liếng quá ít, bà chỉ còn cách thu dọn một chỗ nhỏ xíu ngay lối đi vào chợ để bán cháo cá. Thực khách là những bà nội trợ trong xóm ngày ngày ra chợ ăn hàng rong.

Mỗi ngày từ rạng đông, mẹ tôi đã trở dậy, trước tất cả mọi người trong nhà. Bà vào bếp hâm lại nồi nước dùng mà bà đã sửa soạn sẵn từ tôí hôm trước, chiên những miếng chả cá, hấp mì và xếp rau xà lách vào hộp đựng rau sống. Khi nồi nước dùng đã sủi tăm và mùi cá chiên thơm phức toả khắp nhà, mẹ tôi xếp tất cả vào trong một cái thúng sơn dầu bóng loáng. Thúng bên kia, mẹ tôi xếp những cái bát đàn, đũa, muỗng và các thứ gia vị. Tới lúc cái đồng hồ treo tường nhà bác tôi reo ngân nga sáu tiếng, thì mẹ tôi nâng gánh hàng nặng trĩu trên vai, rảo bước ra chợ.

Những ngày cuối tuần không đến trường, Jimmy và tôi giúp mẹ bớt chút công việc khó nhọc. Mẹ tôi thường đem em bé Ti đi theo. Nó tha thẩn sau mẹ tôi, một tay ôm tô rau xà lách, một tay cầm cái chổi. Hai mẹ con đi xuyên qua những xóm làng và những cánh đồng lúa. Tới khu chợ, mẹ tôi bầy hàng ngay dưới đất, nơi một gốc cây sồi. Bé Ti ngồi chơi với cái gối của em ngay bên viả hè bẩn thỉu trong khi mẹ tôi sửa soạn để đón khách ăn hàng, bỏ thêm vào lò vài mẩu than bà đem theo trong cái hộp thiếc, để giữ hơi nóng.

Buổi trưa, sau khi đã bán đến tô cuối cùng, mẹ tôi dẹp cái cửa hàng tí hon lại và sửa soạn công việc thứ hai. Trong khi bé Ti đợi bà ở gốc cây sồi, trông chừng mấy cái thúng, mẹ tôi cầm chổi quét đường, quét' tới quét lui, cho tới khi toàn thể khu vực dẫn vào chợ sạch láng. Chủ những quán quay mặt ra đường trả mẹ tôi một chút ít thù lao nhỏ để giữ cho lối đi được sạch sẽ. Mẹ tôi thường đùa với chúng tôi rằng mẹ đã quét đi những tháng năm gian truân, khổ sở của mình.

Vào những ngày mưa bão, khi mà những trận cuồng phong hú qua những tàn cây, mẹ tôi cúi gập người, đầu đội cái nón tơi, cố gắng vun quét cho rác khỏi bung ra khắp phố, trông thật đau lòng. Mẹ tôi càng ngày càng gầy, da cháy nắng nâu sậm. Mái tóc hầu như bạc trắng rối bù xù, xơ xác, phủ quanh đầu bà như bông gòn. Đôi mắt long lanh, đầy quyến rũ một thời của bà, từ lâu rồi, đã lu mờ, nay mang thêm nét ảm đạm, lạnh lùng.

Rất may là tôi lại có nguồn lợi tức đều đặn. Qua một loạt bài dự thi viết văn do ủy Ban Gíao Dục tỉnh Nha Trang tổ chức, tôi đạt được một học bổng hàng tháng được lãnh mười lăm ký gạo và một trăm năm mươi đồng. Đồng thời nhờ vậy, tôi được gia nhập một chân trong hội những cây bút trẻ, một tổ chức có uy tín. Từ đó, thay vì hàng ngày đến trường, nền học vấn mà tôi đạt được là nhờ tham gia các hoạt động của hội.

Đời sống trở nên nhẹ nhõm trong khoảng dăm bẩy tháng trời. Ấy thế rồi, vào thời gian học lớp mười một, trong khi các học sinh khác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào đại học sắp tới, ông giám đốc hội của tôi từ chối không chịu nộp đơn xin thi tuyển vào đại học cho tôi. Ông ta khuyên tôi rằng, là một thành viên của " giai cấp phản động ", đến đây là tôi đã đi đến tận cùng con đường học vấn của tôi rồi. Tương lai tôi sẽ không có gì nhiều mà chọn lựa. Tôi chỉ có thể trở thành, hoặc là giáo viên phụ khuyết, hoặc là thầy dạy kèm trẻ tư gia mà thôi. Trong xã hội này, dù tôi có được đào tạo, huấn luyện thêm cũng không có triển vọng nào cả.

Giấc mộng vào đại học tan tành, tôi phải xét lại sự lụa chọn. Dù cố gắng đến mấy, tôi cũng không thể trốn thoát cái quá khứ không thuận lợi của tôi. Lòng ham muốn lìa bỏ Việt Nam lại nổi lên thôi thúc tôi. Thế nhưng lần này mẹ tôi không còn tiền để hỗ trợ tôi, hoặc là bắt liên lạc được với những người vượt biên để giúp tôi trốn thoát. Mà ngay như nếu mẹ tôi có khả năng, thì tôi cũng đã quá hãi hùng với chuyến đi trước để mà thử thời vận thêm một lần nữa.

Trong nỗi niềm tuyệt vọng, tôi nghuệch ngoạc đại những cái thư gởi tới Liên Hiệp Quốc và Toà Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan, xin họ giúp. Không nơi nào trả lời. Dường như những lời cầu khẩn của tôi tan biến vào không khí ngay khi rời khỏi đầu ngón tay tôi ở nhà bưu điện.

Rồi một ngày nắng đẹp vào tháng tư kia, tôi nhận được lá thư đầu tiên từ Bangkok. Hai tay run rẩy, tôi xé mở phong bì. Mùi nước ngoài từ trong phong bì toả ra tràn ngập hai buồng phổi tôi. Lá thư được in trên một trang giấy tái chế biến mầu nâu, như sau:

Văn phòng liên lạc thiện nguyện (J.V.A.)

Phân bộ người tị nạn

Toà Đại Sứ Hoa Kỳ
Bangkok, Thailand

Kiên nguyễn thân mến

Trong thời gian qua, anh đã nhiều lần gửi thư yêu cầu chúng tôi cung cấp đơn xin tái định cư tại Hoa Kỳ. Căn cứ vào những dữ kiện mà anh đã cung cấp trong những lá thư, chúng tôi muốn giải thích về những quyền lợi mà anh có thể được hưởng. Chiếu theo đạo luật về tị nạn ban hành năm 1980, Hoa Kỳ đã ký với chính phủ Việt Nam một hiệp định liên quan đến trường hợp các trẻ em lai Mỹ Việt bị bỏ lại sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Chương trình ra đi có trật tự (O.D.P. ) qui định rằng tất cả những trẻ em nào có cha là người Mỹ sẽ được coi là đủ điều kiện để định cư ở Hoa Kỳ. Anh được phép rời Việt Nạm  Điều này sẽ được thực hiện trong vòng trật tự, chúng tôi sẽ giúp anh tìm một người bảo trợ tại một số những hội thiện nguyện tái định cư. Thông báo về đạo luật này sẽ được phổ biến tại địa phương cùng với đơn xin tái định cư. Để tiện cho anh, chúng tôi gởi kèm theo với thư này một bản sao của tờ đơn đó.

Dầu vậy, anh không thể gửi đơn trực tiếp cho chúng tôi. Thủ tục phải đi qua chính quyền địa phương. Khi nào anh nhận được giấy thông hành (giấy xuất cảnh ) của nhà chức trách, hội bảo trợ của chúng tôi sẽ sắp xếp một người bảo trợ và sẽ cung cấp những dịch vụ khởi đâù công cuộc tái định cư cho anh và gia đình.

Rất trân trọng sự hợp tác của anh.

Chân thành,
Richard C. Cooke
Đại diện văn phòng thiện nguyên.

- Đính kèm: A/S

Trong cái oi nồng của buổi trưa hè, tôi đứng đờ ra ngay ở ngưỡng cửa, hàm trễ xuống. Cổ họng tôi nghẹn cứng, không thốt lên được lấy một tiếng. Lá thư ngắn ngủi, nhưng tin tức mà nó đem tới thì như trời long đất lở đối với tâm hồn tôi. Tôi hồi tưởng những năm dài gia đình tôi sống trong thống khổ, cuộc đào tẩu thảm hại của tôi và biết bao con đường gian nan, đau đớn mà tôi đã bước kể từ khi thiên đàng sụp đổ. Chưa hề có lấy một giây phút hạnh phúc kể từ cái ngày tôi được nghe cái từ ngữ "con lai giống ".

Ngón tay tôi cứ mân mê, sờ soạng lên những dòng mực đen của lá thư, tự hỏi trong nỗi niềm hân hoan, xúc động: " Ai là người đã đánh máy bức thư này? Họ sống ra sao? Họ như thế nào? " Họ dường như ở quá xa, thế nhưng, một phần của họ ngay đây, nằm gọn trong cái tin tức mà họ gửi cho tôi này. Hàng ngàn hình ảnh chạy qua óc tôi, kết lại thành một câu hỏi lớn: "Trong cái tin này, bao nhiêu phần sẽ trở thành sự thật? " mặc dù đã gặp biết bao nỗi thất vọng trong quá khứ, tôi muốn tin bức thư này, muốn nuốt chửng nó, để mỗi lời nói, mỗi nét mực, tan hoà, trở thành một với tôi. Lá thư đến đúng lúc, đem lại cho tôi sức mạnh và sự hỗ trợ tinh thần mà tôi đang rất cần để tiếp tục sống nổi. Không có nguồn tin này, tôi không thể hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi. Tôi ngồi đó, mắt đẫm lệ, cho đến khi nền trời ngả sang mầu tím nhạt.

Tối hôm đó, khi mẹ tôi bước thấp bước cao, mệt mỏi trở về, tôi đón mẹ tôi ở ngoài cổng với nụ cười hớn hở. Sau khi giúp bà mang hai cái thúng vào bếp, tôi treo áo, nón và bưng cho bà một chậu nước mát để bà rửa mặt. Jimmy kéo cái ghế độc nhất trong nhà ra cho ông ngoại. Ông tôi ngồi dưới ánh đèn vàng vọt, trông ra ngoài cửa sổ, chờ đón hoa qùynh nở vào lúc nửa đêm.

Đến bữa cơm tối, tôi giơ bức thư ra, cố gắng hết sức dịch bức thư ra tiếng Việt. Mẹ tôi nhìn sững tôi bằng cặp mắt mở lớn, hoảng hốt, dường như cái tin quá lớn lao, trong nhất thời, bà không cáng đáng nổi. Jimmy chắp hai tay lại, đầy xúc động. Tôi tiến đến cửa sổ với ông tôi. Bên ngoài, vườn cây đã chìm vào bóng đêm đầy bí mật. Cách chúng tôi mấy bước, bụi cây qùynh tẩm trong không khí mát mẻ, khô ráo, mùi thơm phảng phất quyện thêm với hương thơm của những bụi hồng. Những chiếc nụ trắng nõn nà, thanh tú như những ngón tay của người đàn bà qúi phái, vươn từ phía ánh sáng toả ra từ phòng tôi, chờ đơi ánh trăng lên giúp nó hé nở.

Một lát sau, mẹ tôi hỏi:

- Họ muốn chúng ta làm gì tiếp theo, hả con?

- Chúng ta phải điền đơn, mẹ ạ. Rồi chúng ta phải chụp hình, xin chữ ký của ông chủ tịch phường, rồi nộp đơn. Sau đó chúng ta sẽ ngồi chờ chuyện kế tiếp.

Mẹ tôi lẩm bẩm:

- Con làm gì thì làm. Chuyện này sao mẹ thấy có vẻ khả nghi và rắc rối quá. Miễn là đừng kỳ vọng quá nhiều.

Kéo tôi lại sát cạnh, ông tôi thì thầm:

- Thử thời vận đi cháu. Có mất gì đâu.

Ngày hôm sau, tôi dậy sớm. Trời còn tối thui, tôi đã có mặt ở trụ sở ủy Ban Hành Chính phường. Sau ba tiếng đồng hồ chờ đợi ở cửa văn phòng ông Ba Qùi tôi nhận được tờ đơn có đóng dấu và ký tên bởi người thư ký của ông ấy. Sau đó, tôi tiến hành thủ tục qua ngả Sở Di Trú và Ngoại Kiều, một toà nhà cao tầng toạ lạc cách biệt thự họ Nguyễn chỉ có ba quãng đường ngắn ngủi. Mùi gió biển thổi qua những đường phố đông đúc nhắc nhở tôi rằng cái bãi biển quen thuộc chỉ ngay gần đây thôi.

Sở Di Trú đã đầy ắp những khuôn mặt lo âu, khắc khoải, tay ôm cứng những xấp giấy. Lúc đầu, tôi tưởng mình lộn địa chỉ, đi lạc vào một văn phòng bác sĩ đông khách, vì cách kiến trúc rất giống kiểu. Phía cuối, nơi có một tấm kính lớn ngăn chia căn phòng, có rất nhiều kệ chất đầy hồ sơ từ sàn lên đến trần nhà. Một số hồ sơ hẳn đã bị bỏ quên từ lâu, gáy bìa đã ngả mầu nâu, đầy bụi bậm. Đằng sau cửa kính, cô tiếp viên ngồi thưỡn trên nghế nghiền ngẫm cuốn Những Kẻ Khốn Cùng của Victor Hugo. Không rời mắt khỏi cuốn sánh, cô ta trao cho tôi một con số. Mũi  cô chun lại một cách khó chịu khi cô bảo tôi hãy kiếm một chỗ mà ngồi đợi.

Tôi nhìn quanh phòng đợi để kiếm một cái ghế trống, nhưng không còn. Phần đông đang ngồi ngay dưới đất ăn bữa trưa hoặc bồn chồn nhìn nhau. Đây là một ngày quan trọng đối với tất cả mọi người. Và cái viễn tượng được ra đi chiếu tia hy vọng lên mặt họ. Tôi bước ra hành lang, hoà nhập với nhóm đông đang chờ ngoài đó.

Một người đàn ông trạc ba chục tuổi chen vào sát tường, châm điếu thuốc lá. Hắn ngẩng đầu nhìn tôi với vẻ tò mò lộ liễu. Ngoài nét mặt thon thon, thanh nhã của người Châu Ââu, toàn bộ đặc điểm của hắn đều mang vẻ tang thương, tơi tả và mệt mỏi của bất cứ một người Việt Nam nào. Tôi đứng ngay lối vào, chăm chú nghe tiếng gọi số phát ra từ phía trong.

Gã đàn ông vẫy tay về phía tôi:

- Này, em thuộc diện gì?

- Xin lỗi, anh nói gì?

Hắn lại hỏi theo kiểu khác, có ý muốn tôi hiểu:

- Tại sao em đến đây?

Tôi cũng trả lời một cách lưỡng lự:

- Thì cũng đại khái. Có cái chương trình gọi là O.D. P.

Người đàn ông phà một làn khói thuốc cho nó lan toả rộng ra, nói:

- Có, anh biết cái chương trình đó. Nó dành cho con lai. Anh đệ đơn sáu tháng nay rồi. Hôm nay anh đến để hỏi xem tình trạng của anh ra sao. Xem thử đơn của mình đã được gởi ra Hà nội chưa.

Tò mò tôi túm lấy hắn:

- Làm đơn có khó không?

Hắn lắc đầu:

- Không đâu. Chỉ điền vào cái mẫu rồi nộp cho họ. Phần khó khăn là ở giai đoạn chờ đợi.

Tôi nói:

- Cám ơn anh nhiều.

Người đàn ông hít vào một hơi thuốc, khi hắn thở ra, lời nói kèm theo làn khói thuốc:

- Này, nhìn anh, em có tin rằng anh là con lai Mỹ không?

- Em không biết, còn anh, anh tin không?

Hắn gãi cằm, lưỡng lự:

- Ờ, cũng không chắc mấy. Cha anh là người Pháp. Anh mong là có thể qua mặt họ khi vào phỏng vấn. Em nghĩ anh có lọt không?

- Em không biết nữa, anh ơi. Nhưng mà, chúc may mắn.

Hắn nói:

- Cám ơn, anh cũng chúc em như vậy. À, thế em có mang cái gì cho ông trưởng phòng không đấy?

- Không, em không biết rằng phải làm chuyện đó.

Người đàn ông gật gật đầu, vẻ hiểu biết:

- Em không " phải " làm, nhưng em " nên " làm. Có thủ tục " đầu tiên ", hắn sẽ gửi thư của em đi mau hơn.

Anh ta di di cái mẩu thuốc lá thừa vào bức tường dơ bẩn và bước trở vào phòng đợi.

Cuộc gặp gỡ với viên trưởng phòng di dân của tôi thật là ngắn ngủi. Trong căn phòng rộng, tràn ngập những bó hoa và quà tặng. Hắn ta ngồi ườn người trên chiếc ghế to kềnh. Sau lưng hắn, xuyên qua một cửa sổ rộng, phong cảnh đẹp đẽ của bãi biển xanh ngắt trải ra mênh mông. Hắn ta trạc ngoài bốn chục, mập quá khổ. Cổ áo sơ mi trắng và cái cà vạt có vẻ như xiết vào cái cổ núng nính của hắn quá chặt, làm cho bộ mặt bự của hắn đỏ rần lên. Cặp má tròn trịa đồ đôi mắt lên thành hai đường mỏng dinh', như hai nét bút lông. Hai chân hắn ghếch lên bàn lúc tôi bước vào phòng.

Hắn la lớn để át tiếng sóng gầm:

- Mày muốn gì?

Giọng hắn vọng vào tường, vang lên, càng tăng thêm sức mạnh của uy quyền.

Tôi ôm lá đơn một cách cẩn thận ở trên ngực, trả lời:

- Tôi đến đây để hỏi về cái chương trình có tên là O.D.P.

Hắn với tay về một cọc giấy trên mặt bàn, hỏi:

- Mày muốn xin đơn?

- Thưa ông, không. Tôi đã có đơn rồi.

- Thì điền đi

- Dạ, đã điền rồi.

- Nếu vậy đưa đây.

Tôi đưa cho hắn cái bìa trong đó có mấy lá đơn. Mắt hắn gặp cái nhìn chằm chằm của tôi bèn quay qua nhìn vào cái núi quà ở dưới đất, rồi lại nhìn qua tôi. Vài giây nặng nề qua, hắn thở dài, chấm dứt buổi gặp mặt. Cái nhìn của hắn trở thành băng giá:

- Đây là biên nhận. Hộ của mày đứng số ba trăm năm mươi lăm.

Hắn đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ rồi ném tập hồ sơ của tôi xuống dưới đất, trên nóc những cái khác.

Tôi hỏi:

- Thưa ông, tôi phải chờ bao lâu?

- Tao không biết, mà cũng không cần biết. Đơn đã ra khỏi tầm tay tao rồi.