Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 43

 

Nha Trang - Tháng 9, năm 1984

T háng chín dương lịch mang lại mùa mưa tới. Từ hơn hai tuần nay, một màn mây xám luôn bao phủ bầu trời. Gió gào thét, quất rầm rập vào những hàng dừa. Qua khung cửa sổ lớp học, hằng ngày tôi chỉ còn nhìn thấy những lớp nước trắng xoá đổ không ngừng xuống thành phố vốn đã ngập lụt khắp nơi.

Vào những ngày mưa, mẹ tôi nhận thấy khó khăn mà bán hết nổi nồi cháo. Dù bà có đậy điệm kỹ lưỡng, khách hàng cũng không thể thưởng thức món ăn một cách thoải mái trong khi gió giật từng hồi ngoài đường phố bùn lầy, quất những giọt mưa năng hạt xuống đầu họ. Quần áo mẹ tôi sũng nước và cái thuốc nhuộm rẻ tiền nhuộm áo mẹ tôi, nay gặp nước bị ra mầu, chảy loang lổ xuống thân hình bà một loại chất lỏng mầu đen. Rất nhiều ngày mẹ tôi gánh về nồi cháo còn ế nguyên. Sau lưng mẹ, em gái tôi đuổi bắt bong bóng nước dưới đất, tay nắm chặt cái gối ướt sũng. Cùng với số vốn còm cõi của mẹ tôi rơi rụng dần, chúng tôi có thể nhìn thấy đấu hiệu của một hồi kết thúc tàn khốc.

Một buổi chiều sau tiết học cuối cùng, tôi vội vã rời trường văn, tay giơ cái dù rách che đầu. Bên ngoài, phía sau cổng sắt lớn của nhà trường, Kim đứng co ro trong một cái áo mưa lớn quá khổ mầu vàng, kéo lên che kín nửa khuôn mặt. Tôi phóng qua cổng, làm tung toé những đám lá rụng trên lối đi lát gạch, để gặp nàng.

Ngó thẳng vào mặt tôi, Kim nói:

- Anh Kiên ơi, em tìm thấy anh rồi.

Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy Kim ngoài cổng trường. Đã nhiều tháng qua, từ ngày tôi ra tù, chúng tôi chỉ bí mật gặp nhau ban đêm, hoặc là dưới gốc cây mộc lan gần nhà, hoặc ngoài cánh đồng lúa ở sau bếp nhà nàng mà thôi. Tôi hỏi:

- Có chuyện rắc rối hả?

Nàng lại gần tôi. Hàng lông mi của nàng vừa dài vừa rậm, rung rinh như đôi cánh bướm. Tôi có thể nhìn thấy cặp mắt nàng mở lớn như những khung cửa, mời gọi tôi đắm đuối thả hồn. Tất cả mọi thứ ở Kim toả ra đều dường như mong manh, trực giác tôi bừng lên ý muốn bảo vệ nàng. Dĩ nhiên là tôi không thể quên được tất cả mọi thứ mà gia đình Kim là tiêu biểu. Với những ý nghĩ mâu thuẫn đó, tôi đứng chết trân như tượng dưới trời mưa như trút nước.

Kim lên tiếng:

- Về ông ngoại anh. Em vừa nhìn thấy ông trên đường phố, đang đứng nghe Toà Án Nhân Dân. Hôm nay chi bộ đảng Cộng sản triệu tập một phiên sử để loại trừ những " hiện tượng tiêu cực " trong nội bộ chính quyền tỉnh. Khi em tới, em trông thấy ông ngoại anh đang đứng trong đám đông. Có quá nhiều người tham dự em hơi lo cho sự an toàn của ông.

Nàng hạ thấp giọng, tiếp tục:

- Sao anh lại hỏi " có chuyện rắc rối phải không "?

- Tại sao anh giật mình khi anh thấy tự nhiên em đến đây, vậy thôi.

- Tại sao em cứ phải cần có một lý do mới gặp anh được?

Câu vừa nói của nàng mhư một luồng hơi ấm mơn trớn tôi, khiến cho tôi quên bẵng cả bản thân và trận mưa không dứt hạt. Đối với tôi bây giờ chỉ còn là người con gái mảnh khảnh với đôi mắt nhung và cái cách nàng nhìn tôi mà thôi. Kim nói:

- Chúng ta đi thôi.

- Đi? Đi đâu?

Kim cười:

- Đi tìm ông ngoại anh chứ ai, rõ ngố.

Tôi yên lặng gật đầu, tay quờ ra nắm lấy tay nàng, dẫn nàng qua những đường phố có những cành cây sồi rậm rạp lơ lửng trên cao. Ngón tay nàng mềm mại cọ nhẹ trong lòng bàn tay tôi. Niềm rạo rực được kề cận với Kim cùng với nỗi băn khoăn, lo ngại bị thiên hạ bắt gặp đang cùng đi với Kim tay trong tay ngay tại khu phố lớn nhất của thành phố Nha Trang giữa ban ngày khiến cho tôi cảm thấy choáng váng.

Chúng tôi đã đi qua khu chợ chính. Kim dẫn tôi đến khu đất trống, nơi nàng đã trông thấy ông tôi. Đó là nơi có sáu đại lộ của thành phố gặp nhau, nay bị ngăn lại bởi những tấm cản và đã có đông nghẹt những người tò mò đến coi. Công an mặc đồng phục khắp nơi. Bất chấp mưa gió, dân chúng đã đứng nghẹt đường, chờ đón chương trình mà chính phủ đã loan báo cách đây mấy ngày. chuyện chưa xảy ra, nhưng đám đông đã ồn ào hưởng ứng. Bên kia đường, tôi trông thấy ông tôi đứng dưới một cái cột đèn, tay dựa vào cái ba toong. Người ông ướt đẫm nước mưa nhưng hình như ông không quan tâm tới thời tiết. Mắt ông nhìn đăm đăm, dường như đang suy nghĩ lung lắm.

Kéo tay Kim, tôi nói:

- Anh trông thấy ông rồi. Tụi mình làm thế nào băng qua đường được nhỉ?

Kim hét lên để át tiếng ồn ào:

- Đi theo em.

Phải mất cỡ hai mười phút chen chúc trong đám đông, chúng tôi mới đến cạnh một viên công an. Xa xa, có tiếng giầy đinh giậm thình thịnh. Kim vỗ nhẹ vào vai viên công an, hắn quay lại nhìn, mắt hắn đỏ ngầu vì bị nước mưa quất, nàng nói với hắn:

- Anh có thể cho phép chúng tôi băng qua đường được không?

- Chờ chút đã. Tù nhân đang đi tới.

Như để phù hoạ với lời phát biểu của anh ta, ngay tại lối rẽ ở đầu phố, một đoàn người xuất hiện, có đdội công an dẫn đầu. Những biểu ngữ bay phần phật trong gió, phơi bày những khâủ hiệu như sau: " Chiến dịch sửa sai chống lại bọn phản đông len lỏi vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản " và " Tư tưởng sai lầm và hành vi chống chủ nghĩa xã hội của bọn phản bội đích đáng lãnh trừng phạt nặng nề của Toà Án Nhân Dân ", những dòng chữ viết bằng mực đậm mầu trên nền vải trắng. Viên chỉ huy công an ngồi trên chiếc xe jeep di động đọc những lời ca ngợi Cộng sản qua chiếc loa phóng thanh. Sau mỗi câu, hắn ngừng lại để tới lượt đám đông hoan hô. Tù nhân, ít ra cũng cỡ ba chục người, bước lảo đảo thành hai hàng, đầu cúi gục, tay bị trói giật ra sau lưng. Những chiếc mũ giấy - Loại mũ các diễn viên hề Trung Hoa đôi khi trình diễn - gán họ với những chiêu bài " phản bội ", " phản động " Và " chống chủ nghĩa xã hội ".

Khi bọn tù nhân đi qua đám đông, từ hai bên đường, dân chúng ném loạn xạ vào họ nào là trái cây thối, gạch đá, đồng thời hô lên những khẩu hiệu " Đảng Cộng Sản muôn năm " và " cảnh gíac trước âm mưu nham hiểm của bon bành trướng Trung Quốc và đế quốc Mỹ ". Có những bàn tay giận dữ đấm lên không trung và có những giọng hét khàn khụa kêu gọi pháp luật.

Bên kia đường, ông tôi nặng nhọc tiến từng bước, dò dẫm cái gậy xuống mặt đường. Bàn tay ông run rẩy chìa ra. Theo hướng mắt ông đang nhìn, trong đám tù nhân, tôi nhân ra gương mặt thân yêu của chị Loan.

Ngay khi nhận ra ông tôi, chị dừng lại, đầu gối khuyụ xuống rồi chị ngã gục trên mặt đường ướt át. Cái mũ kỳ cục tuột khỏi suối tóc dầy của chị và biến mất dưới bước chân của đám dông. Tôi nhìn thấy sợi dây thừng quấn quanh cổ chị quàng theo hình chữ X trước ngực, vòng xuống cột giật hai tay chị về phía sau lưng. Với đôi chân trần, trông chị bé bỏng, thậm chí như một bé gái nhỏ.

Ông tôi khập khiễng bước về phía chị Loan. Ông vuốt vai chị, áp mặt chị vào lòng ông và vuốt tóc chị. Miệng ông tôi mấp máy nhưng tôi không nghe thấy vì đường phố quá ồn ào. Viên công an đứng ở góc phố nhận ra cảnh tượng trìu mến này, bèn sấn tới, dùng súng hất ngược ông tôi ra. Sức mạnh và sự hung hẵn của hắn đẩy cả ông tôi và chị Loan ngã vật xuống đất. Ông tôi bật ngửa, bàn toạ nên. mạnh xuống lòng đường.

Tôi hét lên:

- Ngoại ơi!

Ông tôi không trông thấy tôi. Tôi liệng cái dù rách xuống đất, gặt phắt viên công an đang giữ chặt Kim và tôi tại chỗ, lao vào đám đông. Ông tôi chống khuỷu tay nhìn quanh, ánh mắt ngơ ngác. Tôi nâng ông dậy, phủi rác rưởi bám trên quần áo ông. Kim đuổi theo được tôi, đứng luẩn quẩn bên cạnh. Viên công an đã hất ngã ông tôi đứng cách đấy mấy bước, cái lưng hắn che khuất chị Loan khỏi tầm nhìn của chúng tôi. Tôi nhận ra hắn là tay chân thân tín của ông Ba Qùi.

Tôi hỏi ông ngoại:

- Ngoại ơi, ngoại có sao không?

Ông tôi đáp:

- Ngoại không sao. Dẫn ngoại lại với Loan, ngoại muốn từ biệt nó.

Viên công an đã cản chúng tôi hồi nãy xiả tay về phía chúng tôi, cảnh cáo:

- Cấm không được biểu lộ tình cảm với tù nhân. Tôi khuyên hai người hãy dẫn ông già đi khỏi nơi đây ngay đi.

Bỗng có tiếng người la hét, chửi bới những tù nhân nên viên công an quay về phía họ để nghe ngóng.

Tôi đứng thẳng lên, nói với Kim:

- Em trông chừng ông ngoại giúp anh. Anh đi chào từ biệt chị Loan giùm ông.

Thừa lúc viên công an lơ đãng, tôi vụt chạy tới với chị Loan. Qùi xuống bên cạnh chị, tôi nhận ra tên Trần cũng ở gần đó. Ngực hắn còn tòn ten treo một tấm bìa cạc tông, có ghi như sau " Tôi vốn là một đảng viên, nhưng tôi đã làm điều ô nhục đối với Đảng và phản bội tổ quốc. Tôi ác của tôi đã vượt trước sự khoan hồng ". Vừa nhìn thấy tôi, một nét xấu hổ thoáng qua mặt hắn ta. Môi trên của hắn ta sưng vù, phồng ngược. lên, lộ ra một lỗ hổng đen ngòm, Hai chiếc răng cửa dơ bẩn đã rụng mất. Hắn ta vội vã nhìn ra phía khác.

Chị Loan vẫn tiếp tục qùi gối đưới đất. Mái tóc đẫm nước mưa xoã xuống mặt, có vài sợi dính trên miệng chị. Cặn lòng trứng và hột cà chua bê bết trên quần áo chị. Đầu óc tôi choáng váng như đang ở trong một cơn ác mộng. Tiếng ồn ào của cái đám đông phẫn nộ nhỏ dần. Tôi với tay ra, vuốt má chị.

Chị Loan úp mặt vào hai bàn tay tôi, khóc mùi mẫn, vai rung lên bần bật. Bỗng nhiên tôi cảm thấy lưỡi chị lè ra khỏi miệng, mềm và ướt, lướt qua làn da của tôi. Lẹ làng, chị nhả cái gì đó vào lòng bàn tay tôi. Rồi chị ngẩng đầu lên nhìn tôi, một sợi dây chuyền vàng kèm theo một miếng ngọc thạch mầu xanh lá cây cỡ bằng đồng tiền trung hoa cổ, lấp lánh dưới ánh chiều xám xịt. Tôi nắm lại không kịp suy nghĩ

Chị Loan nói:

- Cất đi, Kiên. Khi chị mới tới gia đình em, bà ngoại em cho chị. Nói với mẹ là chị trả lại cho mẹ em.

Bỗng một cú điếng người gíang vào lưng tôi, khiến cho tôi ngã sấp về phía trước. Ngó lên, tôi thấy viên công an đứng lù lù ngay phía trên tôi, đôi mắt trợ giộc, vừa dùng báng súng đánh tôi, vừa giận dữ hét:

- Đã bảo không được gần cái tụi phản động!

Kim rú lên:

- Đừng!

Nàng để ông tôi ngồi trên viả hè, chạy vội lại chụp lấy cánh tay gã công an.

Nhìn thấy Kim, vẻ hung tợn của tên công an đổi sang thành sợ hãi. Hắn lắp bắp:

- Xin lỗi cô hai, tôi không nhận ra cô.

Kim nắm tay tôi:

- Chúng tôi đi ngay bây giờ, không làm phiền chú nữa.

Kim và tôi đến với ông tôi rồi cả ba vội lẩn vào đám đông.

Màn đêm bao phủ quảng trường, mưa đã tạnh. Phía ngoài rạp hát Tân Tân có một cái sân khấu lộ thiên lớn treo đèn mầu quay ra phía quảng trường. Trên bục gỗ, phía bên trái, có một cái chắn bằng gỗ dùng làm vành móng ngựa cho tội nhân. Ngay chính giữa, có ba ông quan toà ngồi trên một cái ghế dài nhìn xuống hàng đầu là chỗ bọn tù nhân ngồi. Vì là Toà Án Nhân Dân, nên không cần đến bồi thẩm đoàn và luật sư. Hơn nữa, trong suốt thời gian toà sử, bị cáo không được phép lên tiếng. Đại biểu Nhân Dân đã quyết định xong tội của họ. Bây giờ là lúc tuyên án mà thôi.

Chúng tôi đứng trong bóng tối, theo dõi nghi thức từ đằng sau hàng trăm cái đầu nhấp nhô. Mọi người chen ra, chen vô khỏi hàng ghế của họ, to tiếng dành nhau chõ^ ngồi tốt hơn. Quà vặt chuyền tay nhau như thể người ta đi xem văn nghệ vậy. Tôi đứng thẫn thờ, nhìn chằm chằm vào chị Loan trong đám tù nhân. Chị ngồi, đầu cúi gằm, vai rút lại, dấu mặt giữa hai đầu gối. Hai cánh tay chị bị trói giật về đường sau. Tôi đau lòng khi nhìn tình cảnh chị bị như vậy.

Để khai mạc phiên tòa, viên công an bắn ba phát súng. Tiếng súng vang lên khắp quảng trường khiến cho đám đông im bặt. Một số người trong số những ông toà đứng trước cái loa phóng thanh, tay cầm một tờ giấy. Tất cả như mờ ảo trước mắt tôi, cho tới khi tôi nghe gọi tên chị Loan. Hai viên công an vừa đá vào chị vừa quát tháo, lôi chị lên chỗ đứng của bị cáo. Một viên công an nhét giẻ vào mồm chị. Một ông toà lên tiếng cáo buộc chị và chồng chị cái tội đạo đức suy đồi, mà họ gọi là " một biểu hiện tư hữu cực kỳ nguy hiểm của thành phần nông dân Cộng sản: Bọn cơ hội chủ nghĩa, bọn xét lại chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mao", họ đã phản bội tổ quốc, bắt tay với bọn phản đông. Họ xúc phạm thanh danh của Đảng Cộng Sản. Và, vì những tội kể trên, viên quan toà phán:

- Bọn chúng phải bị trừng phạt!

Chị Loan bị kết án mười lăm năm tù khổ sai không có cơ hội được giảm khinh. Chồng chị bị kết án tù chung thân. Sau phiên toà, cả hai bị đẩy xuống khỏi sân khấu, lên xe đi luôn.

Mẹ tôi ngồi chờ ông ngoại và tôi dưới gốc cây ổi gần lối vào. Sau trận mưa, không khí trở nên mát mẻ. Những quả ổi chín rữa rơi rải rác gần chân bà ẩn hiên giữa làn hơi nước trong vườn đang bốc lên thành một lớp sương mờ ảo, lãng đãng trên mặt đất những hình ma bóng quế. Khi mẹ tôi mừng rỡ ôm lấy ông cháu tôi, tôi ngửi thấy mùi đồ ăn chiên tỏi còn vương vất trên quần áo của bà. Tôi chú ý đến cái phong bì dầy trên tay bà.

Mẹ tôi kêu lên:

- Đố cái gì đây? Chúng ta có giấy phép xuất cảnh. Trong vòng ba tháng, chúng ta sẽ vào sg  để dự cuộc phỏng vấn tại toà Lãnh sự Mỹ. Kiên, cuối cùng thì công lao khó nhọc của con chạy giấy tờ đã được đền bù. Tối nay chúng ta sẽ ăn mừng vận may bằng một bữa cơm thịnh soạn.

Trong cơn thảng thốt vì cái tin đến bất ngờ, tôi đưa cho mẹ tôi sợi dây chuyền. Giọt lệ mừng vui của tôi có lẫn chút vị đắng ở ngay đầu lưỡi.

Mẹ tôi nhìn săm soi sợi giây hỏi:

- Cái gì đây?

- Của chị Loan. Chị ấy nói chị hoàn lại cho mẹ. Ông ngoại và con từ phiên toà xử chị ấy trở về.

Mẹ tôi nhìn ông tôi, buồn rầu nói:

- Ba ơi, con...

Ông tôi giơ tay chận lại:

- Thôi con ạ, đừng...

Rồi vừa khập khiễng bước về buồng, ông vừa nói:

- Không phải lỗi của ai cả, con ơi.

Tôi hỏi mẹ tôi:

- Mẹ ơi mình sẽ làm gì với cái này?

Mẹ tôi trả lời không chút ngần ngại:

- Chúng mình làm lộ phí vào Sài gòn chứ còn làm gì nữa?

Tôi đề nghị:

- Mẹ có thể bán sợi dây. Nhưng còn miếng ngọc, cho con giữ được không hả mẹ? Đó là vật độc nhất chị Loan để lại.

Mẹ tôi cau mày:

- Con có chắc là con muốn như thế không?

Tôi gật đầu.

Mẹ tôi thở dài, tách miếng ngọc thạch ra khỏi sợi dây chuyền vàng rồi đưa cho tôi:

- Được, vậy hãy cầm lấy ngay trước khi tao đổi ý. Nếu mà mày vô phước làm mất thì đừng có trách tao.