Tối đó, sau bữa cơm, tôi lỉnh vào giường để nghiên cứu mấy tấm giấy thông hành mà chúng tôi mới nhận được từ Hà Nội. Tờ giấy có chiều ngang mười phân, chiều dài ba mươi phân, gấp làm tư, mỏng manh dễ rách như bất cứ một tờ giấy nào đó. Trang ngoài mầu trắng, đóng dấu có biểu tượng của nước Việt nam - một vòng đỏ tròn trên cái cờ với cái sao vàng ở giữa, viền bằng những nhành lúa chín. Ở đưới đáy cái hình đó, nhánh lúa vàng được bện vào nhau và cột bằng cái nơ đỏ, có hàng chữ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được in ngang bề mặt. Phía dưới cùng là hàng chữ "Thông hành số 40783 ATH1 ". Bên trong là hình tôi nhìn thẳng vào máy ành, dọc theo là khoảng trống dành cho chữ ký của tôi. Phần còn lại của tờ thông hành có nền xanh nhạt, đóng đầy những vết con dấu đỏ, phần lớn ghi ngày 30 tháng Năm, năm 1984. Hấp dẫn nhất là câu " Người cầm tờ giấy này được phép rời khỏi Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trước ngày 30, tháng Năm, năm 1985 để tới nước Hoa Kỳ ". Tôi đọc đi đọc lại mấy hàng chữ đó cố gắng tận hưởng cái nghĩa của nó.
Bên ngoài, có tiếng mẹ tôi gọi ra phụ rửa bát. Tôi gấp mấy tờ giấy thông hành lại, đứng dậy vươn vai rồi bước ra. Mặc dù mới trải qua một trận mưa, vậy mà căn bếp không có mái cũng đã gần như khô rồi. Đó đây, chỉ còn lại một vài vũng nước đọng dưới sàn phản chiếu lóng lánh dưới bầu trời trong vắt, không một gợn mây. Mẹ tôi đứng trong bóng tối ngó ngó sang nhà bác tôi, chờ đợi. Gió lạnh thổi hun hút qua phòng ăn trống trải, lướt vào quần áo mỏng của mẹ tôi phần phật. Bước chân của tôi đi tới làm mẹ tôi giật mình.
Đặt một ngón tay lên miệng ra hiệu cho tôi im lặng, mẹ tôi thì thào:
- Suyt.! Đừng làm ồn. Mẹ đang chờ bác.
Tôi dừng lại. Có tiếng nước dội ào ào từ trong phòng tắm vọng ra qua hành lang. Một thoáng sau, tôi nghe tiếng mở cửa ra rồi đóng lại, rồi tới tiếng guốc quen thuộc của bác tôi lộp cộp tiến lại gần. Rồi thì chính bác tôi hiện ra dưới ánh sáng bạc nhược của ngọn đèn bếp, tay còn đang thắt giải rút quần.
Mẹ tôi hắng giọng:
- Chào chị.
Bác tôi nhìn lên, kinh ngạc:
- Ờ... hờ... chào!
Trong bóng tối của cái hành lang, đôi mắt bác tôi sâu hoắm làm mặt bà giống như một con cú mèo. Bác tiếp:
- Tôi không trông thấy cô đứng đấy. Cô làm tôi sợ gần chết.
- Xin lỗi chị. Chắc chị đã nghe tin hôm nay chúng tôi nhận được giấy thông hành.
Bác tôi sốc lại quần áo cho chỉnh tề, vừa trả lời:
- Có, tôi biết. Mừng cho cô.
- Cảm ơn chị. Tôi có vài chuyện muốn bàn với chị. Tôi đang nghĩ đến chuyện phải bán căn nhà và dọn vào Sài Gòn. Ngày đi Mỹ cũng không còn xa và tôi cần kiếm chút đỉnh tiền để lo công việc.
Bác tôi ngắt lời:
- Đừng nói với tôi chuyện đó bây giờ. Cô cần phải bàn bạc với ba sắp nhỏ.
- Tại sao vậy? Đó là nhà của tôi và tôi sẽ bán nó. Tôi chỉ muốn cho chị biết dự tính của tôi vì chị là chị ruột. Tôi không cần phải trình với chồng chị.
Bác tôi mở miêng ngáp dài:
- Tôi nghĩ cô nên nghe theo lời tôi. Sáng mai mình sẽ gặp nhau.
Mẹ tôi gật đầu:
- Được, nếu chị quyết định như vậy. Thế mai mấy giờ?
- Chín giờ sáng mai, tại phòng khách nhà tôi.
Sáng hôm sau mẹ tôi dậy sớm mặc dầu không phải sửa soạn bán hàng ngoài chợ. Ngồi lặng lẽ trên một cái ghế đẩu nhỏ trong bếp, mẹ tôi châm nước sôi để pha trà gừng cho ông ngoại tôi. Gió hun hút thổi qua cái lỗ hổng lớn mà xưa kia vốn là cửa sổ, đưa luồng hơi lạnh giá uà vào trong phòng khiến cho tôi tỉnh ngủ, tuy còn nằm nướng lại. Mấy cái bao tời cũ rách lổn nhổn thay cho giường cứ châm chích vào da lưng tôi. Tôi lật lớp bao bố lên, rút ra mấy cái thông hành mà tôi đã dấu, đọc lại một lần nữa những cái chữ nhỏ xíu, bâng khuâng tự hỏi làm sao mà chúng tôi có thể rời khỏi Việt Nam trước ngày hạn chót là ngày 30 tháng Năm năm 1985. Jimmy cũng đã nhỏm dậy. Nó vừa gãi đầu vừa bước vào bếp. Mẹ tôi đưa cho nó một ly nước lạnh cùng với cái bàn trải đánh răng đã trét đầy muối trộn chung với baking - soda. Nó chải răng, xúc miệng xong bèn hất chỗ nước dư ra vườn qua một cái lỗ hổng trên tường.
Bên ngoài, xóm giềng bắt đầu nhộn nhịp. Đó đây, nào là tiếng ồn ào trong mọi nhà, tiếng gà gáy, tiếng mở cửa đóng ken két, và tiếng trẻ con ôn lại bài lần chót trước khi tới trường. Muôn vật đều như bừng lên một vẻ sạch sẽ, sáng sủa sau cơn mưa, cùng với mùi đất ẩm tràn ngập trong không gian.
Chiếc đồng hồ treo tường bên nhà bác tôi điểm chín tiếng âm vang qua khu vườn. Mẹ tôi mặc cái áo luạ mầu xanh lơ sậm gần như mầu đen, có điểm những bông hoa dành dành nhỏ xíu đã bạc mầu và cái quần nylon đen. Đó là bộ quần áo tươm tất độc nhất còn lại của mẹ tôi, và nó cũng chỉ được dùng vào những trường hợp thật là đặc biệt. Tóc mẹ tôi được cột túm ra đằng sau. Dáng bà đi đứng cứng ngắc với đôi mắt nhìn thẳng về phía trước. Bà thở một hơi thật dài rồi bước ra khỏi bếp, đi qua khu vườn. Jimmy và tôi nhìn theo bà qua khung cửa sổ cho đến khi bóng mẹ khuất sau cái cột cao phủ đầy rêu ở nhà bác tôi.
Nhưng, chỉ một khoảng khắc sau, bà đã đẩy tung cửa nhà bác tôi, giận dữ phóng ra. Tay bà dứ dứ trên đầu, miệng thì la lớn:
- Ba ơi, ba đâu rồi?
Ông ngoại tôi thò đầu ra khỏi phòng, nét mặt ngơ ngác. Mái tóc của ông tôi xù tung, dựng đứng trên đầu, trông như đám lông nhím. Ông tôi hỏi:
- Có chuyện gì thế con?
Mẹ tôi bước ào qua cửa bếp, vừa đá phốc cái ghế ra khỏi lối đi, vừa thét:
- Ba! Có việc con cần nhờ ba giải quyết. Xin ba đi với con.
Quay qua Jimmy và tôi, cũng một giọng, bà ra lệnh:
- Tuị bay nữa, mặc đồ vào rồi theo mẹ.
Trước khi hai đứa tôi mặc đồ xong, mẹ tôi đã lôi chúng tôi sải bước trở lại phòng khách nhà bác tôi. Đi sau chúng tôi vài bước, là ông ngoại. Bác trai tôi đang ngồi bên bàn cà phê, quay lưng lại bàn thờ Phật, hai tay bác khoanh trước ngực. Qua cặp kính dầy, đôi mắt bác trừng trừng nhìn chúng tôi. Phía sau bác, như một trung đội lính đã sẵn sàng để ra trận, tám người con trai của bác đã đứng sững, như để yểm trợ cho cha họ. Ở một khoảng nhỏ trên bức tường sau lưng bàn thờ Phật, có treo tấm hình chị Ánh Nguyệt ghép gọn ghẽ trong một khung hình mầu đen, cạnh đó là hình bà ngoại tôi. Khói hương nghi ngút từ bàn thờ toả ra bầu không khí vốn đã căng thẳng. Trong sự im lặng lạnh lùng, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng tích tắc không ngừng của cái đồng hồ.
Mẹ tôi lên tiếng hỏi trống không:
- Bà chị đáng kính của tôi đâu rồi?
Bác trai tôi dùng cùng một giọng điệu để trả đũa:
- Vợ tôi không tham dự cuộc họp được vì mắc bân việc bất thình lình.
- Còn chuyện gì có thể quan trọng hơn chuyện này? Bộ bà ta sợ đụng mặt tôi hả?
Bác trai tôi nói:
- Về việc này, vợ tôi không quan trọng. Cô muốn gặp chúng tôi ở đây hẳn có lý do. Tai sao cô không nói ra điều cô cần nói rồi ra về?
Ông ngoại tôi lên tiếng:
- Anh có tính mời chúng tôi ngồi không đây?
Bác tôi nói:
- Xin ba tha lỗi.
Quay sang Lễ, người con trai lớn nhất, bác ra lệnh:
- Kéo ghế cho ông ngoại.
Như người máy, Lễ bước ra khỏi hàng, nhưng mẹ tôi đã vẫy tay ra hiệu cho anh ta ngưng lại và nói:
- Dẹp cái hình thức giả dối ấy đi. Việc này chỉ tốn có một phút thôi. Tôi muốn mấy người biết rằng tôi đang dự tính bán căn nhà của tôi.
Bác tôi nói:
- Rất tiếc! Cô không thể bán được!
Mẹ tôi nhướng một bên lông mày:
- Tại sao không? Đó là nhà tôi, phải không? Tôi là người đứng tên trong văn tự.
Bác tôi quay sang người con lớn nháy mắt ra hiệu. Lễ bèn mở cái hộp nhỏ để đàng sau bàn thờ Phật, lôi ra một sấp giấy tờ, đưa cho cha.
Mẹ tôi nguýt:
- Hứ
Bác trai tôi bắt đầu giở những trang giấy đặt trước mặt, lên tiếng:
- Cô Khuôn, cô nói rằng cô là chủ căn nhà, đúng vậy. Tuy nhiên, cô không thể bán căn nhà của cô được vì tôi là chủ miếng đất mà căn nhà của cô toạ lạc. Điều đó được ghi rõ trong hồ sơ điạ bộ đây. Khi nào bình tĩnh, cô có thể nghiên cứu giấy tờ, nếu như cô không tin tôi.
Mặt tối sầm lại vì giận, mẹ tôi nói:
- Mấy năm trước tôi đã mua lại khoảng đất đó của anh rồi. Thằng con lớn của anh vừa đúng mười lăm tuổi cái hôm anh dẫn nó lại biệt thự của tôi. Tôi còn nhớ tặng nó cái xe đạp đầu tiên mà nó có, đồng thời đưa cho anh nốt số tiền thanh toán miếng đất cộng với chi phí sửa sang. Cha mẹ tôi và con anh chứng kiến việc đó. Sao bây giờ anh dám trở mặt? Ngoài ra, trên thực tế, so với số tiền mà tôi đã đưa cho gia đình anh trong bao nhiêu năm nay, ít ra tôi cũng đã mua đứt toàn thể khu vực này từ lâu rồi.
Ông ngoại tôi gật đầu một cách trầm ngâm:
- Tôi tuy già nhưng chưa lú lẫn đâu. Tôi còn nhớ ngày hôm đó như in. Lễ, cháu có nhớ không?
Lễ tránh cái nhìn đăm đăm của ông ngoại. Mẹ tôi dằn tay lên ngực như để trấn tĩnh. Đoạn, bà nói với bác tôi:
- Tôi biết làm gì bây giờ? Tôi cần tiền để lo cho chuyến đi. Anh có ý kiến gì để chúng ta có thể giải quyết không?
Bác tôi đấm mạnh nắm đấm xuống mặt kính của cái bàn cà phê, dằn từng tiếng, như ông ta đang nói với một đứa bé lên năm bướng bỉnh:
- Tôi không cần biết cô làm cái gì. Cô không được bán đất của tôi. Đó là câu trả lời cuối cùng.
Rồi ông ta đóng sấp hồ sơ, hai bàn tay va vào nhau cái chát.
Sự im lặng trở lại căn phòng.
Cuối cùng, mẹ tôi hất mái tóc ra khỏi gương mặt, lên tiếng:
- Được lắm, tuị bay toàn đồ ăn cướp. Nếu tao không bán được căn nhà, tao sẽ phá tan hoang, từng viên gạch một. Tuị bay đừng hòng chiếm được căn nhà, ngày nào mà tao còn sống. Chưa có xong đâu.
Rồi bà lao ra ngoài, đồng thời vẫy tay làm hiệu cho Jimmy và tôi di theo.
Có tiếng cười lớn của lũ anh em họ đuổi theo chúng tôi vang trong khu vườn.
Năm phút sau, Tín xuất hiện ngoài bếp. Ánh nắng xuyên qua lỗ hổng trên bức tường phòng ngủ của tôi chiếu lên khuôn mặt đầy mụn của hắn. Hắn chớp mắt lia liạ. Mẹ tôi bước ra khỏi phòng, nạt lớn:
- Mày còn muốn cái chết dấp gì nữa đây?
Tín lắp bắp:
- Cháu đến để lấy mấy cái bao bố chứa gạo. Ba cháu cần để chứa đồ.
Jimmy phản đối:
- Lấy cái giường của em đi hả? rồi em ngủ ởđâu?
Mẹ tôi bảo Jimmy:
- Đừng cãi, con
Quay qua Tín, bà nói giọng ráo hoảnh:
- Lấy hết đi. Đem tất cả những thứ khốn nạn ra khỏi nhà tao đi.
Em Bé Ti khóc:
- Mẹ ơi, nền xi măng lạnh lắm.
Mẹ tôi ôm mặt, thổn thức:
- Lạnh thì lấy giấy báo lót mà nằm. Cần quái gì mấy cái bao tải ấy.