Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 45

 

Sài Gòn, ngày 2 tháng giêng, năm 1985

Với số tiền bán sợi dây chuyền của chị Loan, mẹ tôi đưa chúng tôi vào Sài gòn sớm hơn kỳ hẹn cuộc phỏng vấn một tuần lễ. Chúng tôi tạm trú ở nhà hai cụ thân sinh ra dì Đặng. Hai vợ chồng già sống heo hút trong một căn xép nhỏ, cách dinh Độc Lập có vài con đường. Cái căn xép này trước kia đã từng là nhà bếp của họ. Còn cái nhà lớn bên cạnh, nơi mười năm trước mà chúng tôi đã gặp dì Đăng. trên đường đi tới máy bay trực thăng thì đã bị cắt sẻ nhiều lần bán cho nhiều chủ rồi. Nay hai cụ chỉ còn lại căn nhà bếp và cái nhà tắm nhỏ xíu. Chỗ ở quá sức là nhỏ, dù chỉ dành cho hai cụ già, tuy vậy, hai cụ Hom đã nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi.

Sài Gòn đã thay đổi quá nhiều kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến. Giống phần đông những cư dân bực bội, mệt mỏi, nếp sinh hoạt của thành phố cũng hiện lên vẻ khó sống. Những căn nhà đã có một thời xinh xắn, dễ thương, nay đổ nát, bị mối mọt gậm mòn. Tường sơn tróc lở, thay vào đó là những mảnh rêu xanh. Qua những lỗ hổng mà xưa kia là cửa sổ, đó đây, có những khuôn mặt bẩn thiủ của đám con nít thờ ơ nhìn khách qua đường. Xe đạp và xe xích lô tràn ngập trên những đường phố nhỏ hẹp, tạo nên một dòng âm thanh triền miên ồn ào điếc tai. Tóm lại, tiếng động ầm ỹ náo nhiệt của thành phố là một âm điệu mà chúng tôi khó có thể làm quen được.

Tôi bước qua những phố phường xa lạ, lòng lo âu về những thủ tục rắc rối của cuộc ra đi. Tôi sợ phải đối diện với những mối lo của tôi. Tôi không biết số phận sẽ dẫn gia đình tôi và tôi đi về đâu nữa. Tương lai chúng tôi là một điều bí ẩn. Sự đi hay ở của chúng tôi hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của những người vô danh, xa lạ, mà tôi sẽ chẳng bao giờ biết về họ.

Thành phố Sài Gòn vào thời điểm 1985 thì rất là tù túng, ứ nghẹn, tràn ngập rác rưởi. Vào những ngày nóng nực, bụi bậm bay mù mịt, không ngừng toả xuống mọi vật như một dòng suối tuyết mầu đen. Tôi sớm nhận ra bài học là không mặc mầu lợt khi đi ra ngoài. Mọi thứ sẽ bám bẩn rất nhanh, nhất là khu trung tâm Sài Gòn, nơi mọi người đổ xô nhau đi từ chỗ ô nhiễm này đến chỗ ô nhiễm khác.

Lá thư đính kèm với những giấy thông hành của chúng tôi ghi địa chỉ của sở Di Trú là số 4 đại lộ Duy Tân, một con đường nổi tiếng với những cây me cao vút, xum xuê, rực rỡ. Tàn cây me đan vào nhau che phủ lòng đường giống như một cái vòm. Dinh Độc lập cũng chỉ cách nhau khoảng vài con phố, ẩn sau những hàng cây lá xanh rờn đó. Vào sáu giờ rưỡi sáng, gia đình chúng tôi đã chờ sẵn ở ngoài cổng sở Di Trú cùng với khoảng hai chục trẻ lai Mỹ và gia đình họ. Tất cả đều đợi xe buýt chở chúng tôi đến địa điểm phỏng vấn, cách khoảng một giờ xe.

Vào thời gian đó, lệnh cấm vận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được thi hành rất chặt chẽ. Để có thể làm việc tại Việt nam, nhân viên Cơ Quan Thiện Nguyện Hoa Kỳ mỗi buổi sáng phải từ Bangkok đáp máy bay đến một thị xã bên ngoài Sài Gòn và ra đi trước khi trời tối. Chúng tôi đi xe buýt đến gặp nhân viên đại diện vào những giờ đã được chỉ định.

Đia điểm làm việc toạ lạc trong một khu dinh cơ, có lẽ hồi trước là tài sản của một nhà thầu giầu có. Dấu vết của sự xa hoa vẫn còn thấy rõ ở đó. Căn nhà nằm trên sườn đồi, nhìn xuống rừng cao su, xây theo kiểu chữ U, với hai cánh tả hữu vĩ đại nối vào căn trung tâm còn to lớn gấp bội, ôm lấy hàng hiên rộng mênh mông bằng đá cẩm thạch mầu đỏ. Những căn phòng rộng với những cửa kính khổng lồ ở tầng lầu thứ hai được dùng làm văn phòng.

Qua khung kính trong vắt, tôi có thể nhìn thấy những người ngoại quốc tay cầm hồ sơ, tay cầm bút đi tới đi lui.. Một người nào đó trong bọn họ cũng có thể là người đã đánh máy cái thư đầu tiên gửi cho tôi. Và nay họ chính là người quyết định số phận của tôi. Từ một khoảng cách thật là ngắn ngủi, khuôn mặt họ sao mà đẹp đẽ, sáng sủa và cũng thật là xa lạ biết bao! Sao mà tôi lại mong muốn được trở thành một trong số họ đến thế! Và, lần đầu tiên từ bao nhiêu năm nay, tôi không thấy xấu hổ vì bộ mặt rặt Mỹ của tôi. Ngắm nhìn họ, tôi nhận thức được tôi từ đâu tới và tôi nên tùy thuộc vào đâu. Sự xuất hiện của họ đã khuấy động trong tôi một nỗi niềm khắc khoải dâng lên ngùn ngut..

Như đọc được tâm trang. của tôi, mẹ tôi kéo tay tôi, chỉ vào những người Mỹ, nói:

- Nhìn kìa, Kiên! Con có biết thế là gì không? Con chim ưng mẹ đã kiếm ra con của nó rồi đó!

Trong khi chờ đợi được gọi tới tên, chúng tôi quây quần quanh cái bàn hình chữ nhật kê ở một phía bên hàng hiên. Mỗi chúng tôi đều cố gắng mặc bộ đồ bảnh tỏn nhất, theo với thời trang hiện đại của thành phố, Quần Jean, áo luạ rộng hoặc áo sơ mi sọc rằn. Phần lớn con lai trong nhóm tôi ở khoảng từ mười hai đến mười chín tuổi. Họ nhìn nhau không rời, cố gắng giấu giếm sự tò mò vào cái vỏ lãnh đạm một cách lễ độ

Đứng cách xa cả nhóm là một đại gia đình gồm mười sáu người. diện quần áo đẹp, đeo nữ trang đắt tiền, trông rực rỡ như một bầy công. Họ túm tụm với nhau dưới một gốc cây phi lao, ăn bánh đâụ xanh lấy ra từ cái giỏ đựng đồ đi picnic. Một cô gái cỡ mười bốn, tóc vàng hoe thẳng mướt, mắt xanh, đứng một cách nhút nhát trong đám, tay bưng một bình lớn đựng trà đá sữa bột. Người đàn bà lớn tuổi nhất trong đám, mập đến nỗi khi bà ta ngồi, cặp mông của bà nuốt chửng cái ghế. Bà lớn tiếng gọi cô bé với giọng rõ ràng, hả hê:

- Cho mẹ chút gì để uống đi, con gái út của mẹ.

Bà ta lập đi lập lại câu đó nhiều lần, cười sằng sặc như là câu nói đùa có duyên lắm vậy. Lớp phấn dầy từ hai đuôi mắt bà ta rạn ra. Gia đình bà tỏ ra ngượng ngùng mỗi khi bà ta kêu cô bé là con gái. Họ lẩm bẩm với nhau một cách dè biủ, che dấu sự khó chịu của họ trong những câu chuyện hàn huyên dỏm.

Khi tên gia đình tôi được gọi lên, chúng tôi chaỵ vội đến gặp người phỏng vấn chúng tôi ngay tại chân cầu thang. Bà ta là một người da đen, mặc một bộ đồ lịch sự mầu xanh đậm, đẹp đẽ và xa lạ như một con búp bê bằng sứ. Mùi nước hoa của bà ta bay ra thơm lừng không gian như mùi hoa hồng trong vườn nhà bác tôi sau cơn mưa. Một viên thông dịch Việt Nam đứng sau bà ta mấy bước. Sau mấy câu chào đơn giản và những cái bắt tay, họ dẫn chúng tôi lên lầu.

Ngay sau khi bà ta mở cửa mời chúng tôi vào, một luồng hơi lạnh từ chiếc máy điều hoà không khí toả ra đã cuốn tôi vào cái lịch sự, nồng nàn của tây phương. Tôi hít một hơi dài, bỗng nhiên, nước Mỹ đã nằm trong lồng ngực tôi. Bên cạnh tôi, mẹ tôi bật lên tiếng khóc.

Ngay sau cuộc phỏng vấn, chúng tôi vội vã rời Sài Gòn, không có cơ hội để thưởng ngoạn thành phố. Chúng tôi không có khả năng tài chính để có thể chịu đựng nổi sự chi tiêu tốn kém nơi đô thị. Ngoài ra, nơi ở của hai cụ Hom quá nhỏ bé để có thể chứa một gia đình đông như gia đình chúng tôi. Mẹ tôi bảo em Jimmy ở lại nhà cụ Hom để theo dõi lịch trình các chuyến bay và danh sách người ra đi, được công bố hàng ngày ở sở Di Trú. Sau này, khi đã về đến Nha Trang, chúng tôi liên lạc với em phần chính là điện tín. Nhiệm vụ của tôi là lo việc giấy tờ. Theo chính phủ Việt Nam, người nào muốn lìa bỏ đất nước, phải hội đủ ba loại giấy tờ chủ yếu, đó là, chữ ký của sở Nhà Đất, giấy không thiếu nợ của Ngân Hàng Trung Ương và giấy chứng nhận của sở thuế, Mục đích là để chứng tỏ rằng người ra đi không còn là chủ sở hữu động sản nào, không nợ nần Ngân hàng nhà nước, và không thiếu thuế. Đối với chúng tôi, thời gian không còn lại bao nhiêu.

Tin đồn về việc gia đình tôi gặp được phái đoàn Mỹ về tới Nha Trang trước chúng tôi. Đứng chờ chúng tôi tại trước cổng nhà là một hàng dài những con lai. Phần lớn họ là những đứa trẻ vô gia cư, quần áo bẩn thiủ rách rưới, những nước da xanh xao và những khuôn mặt trẻ con đã mất đi nét bụ bẫm. Họ nhìn chúng tôi đầy hy vong.. Rất nhiều em còn mang theo tờ đơn mà chúng đã lấy từ văn phòng Di Trú. Bước cạnh mẹ và em Bé Ti tôi đưa tay ra với cái then cửa.

Hai đứa bé da đen đứng ngay hàng đầu tiên nhe răng ra cười với tôi. Một đứa rut. rè:

- Chú Kiên ơi, xin chú giúp chị em chúng cháu. Chúng cháu cần điền cái đơn này nhưng không biết đọc và viết.

Đứa em nói thêm:

- Chúng cháu có ít tiền đây để trả công cho chú.

Cô ta mở bàn tay ra cho tôi trông thấy tờ giấy hai chục đồng nhàu nát. Chắc là cô bé đã nắm chặt tờ giấy bạc từ lâu lắm rồi, nên nó gần như mủn ra vì mồ hôi tay trong lòng bàn tay cô ta. Cô ta cẩn thận nhét tờ giấy bạc vào tay tôi. Hai cô bé dường như cùng một tuổi, cỡ mười ba, mười bốn. Đầu tóc chúng to xù như cây thông kiểng.

Tôi đẩy tờ giấy bạc về phía cô bé, nói:

- Giữ lấy, anh không lấy tiền của em đâu. Nhưng đừng lo, anh sẽ giúp em điền đơn.

Mẹ tôi lên tiếng:

- Tôi gặp mấy cháu ở đâu nhỉ.Phải tiệm mì trên đường Lê Chân không?

Hai đứa bé đồng thanh:

- Thưa bà đúng đấy ạ

- Trời! Từ bấy nhiêu năm! Bộ tụi con vẫn lang thang ngoài đường hả? Mẹ tụi con đâu?

Một đứa trả lời:

- Mẹ cháu chết năm ngoái. Bác sĩ bảo bị bệnh giang mai. Tụi cháu tự kiếm ăn từ đó đến nay.

Tôi cầm mấy tờ đơn trong tay chúng. Tò mò, tôi hỏi:

- Sao các em biết gia đình anh hôm nay trở về?

Cùng một nụ cười ngây thơ, hồn nhiên, sáng trên hai khuôn mặt, chúng trả lời:

- Chúng em nghe được tin may mắn của gia đình anh từ hôm thứ hai ở ngoài chợ. Từ hôm đó chúng em đã đợi ở đây là ba ngày rồi.

Hôm đó tôi điền được trên hai chục tờ đơn. Ngày hôm sau lại có thêm nhiều trẻ em tới, đem thêm nhiều tờ giấy. Mãi cho tới lúc đó tôi mới nhận thức được con số kinh hoàng về số trẻ lai bị bỏ rơi ở thành phố tôi ở.  Mỗi sáng, khi nhỏm dậy, tôi nhìn thấy ít nhất khoảng mười khuôn mặt nhú ra từ đằng sau hàng kẽm gai, nhìn săm soi vào nhà. Tất cả đều lộ vẻ lo sợ, ngập ngừng,nhưng đầy hy vọng và tin cậy. Tất cả đều mong được sờ vào tôi, để đích thân cảm nhận được cái hiện thực đầy ý nghĩa về những người Mỹ mà tôi đã tiếp xúc. Đối với hầu hết những đứa trẻ này, chuyện xảy ra cho gia đình tôi là giấc mơ mà chúng khao khát cho bản thân được sống vào một ngày nào đó trong tương lai.