Chương 2 (C)

Hiển nhiên Lạc “mả” tỏ ra sáng giá nhất trong vụ này. Tấm khăn ấn của người Miên nhiều khi được họ thêu viền bằng những sợi vàng thật nên nó có độ bền với thời gian rất lâu. Nhưng cái quý của nó là ở chỗ vị thầy phù phép vào có công năng như thế nào. Cái khả năng Lạc “mả” lấy chiếc khăn để đem bán cho…. Mười Hổ là rất nhiều. Y nổi tiếng là liều mạng, bất chấp hậu quả từ trước đến giờ. Phải rất cẩn thận với Mã Trường Lạc vì y sẽ mang ĐHC ra đánh ván cờ “thí chốt bắt xe” sắp tới.
ĐHC nhờ anh Năm Ai chở ra núi Thất Sơn tìm gặp Thạch Holk một lần nữa. Từ khi gặp ĐHC ông Thạch Holk lại bị duyên trần níu kéo trở lại. Nghe kể về câu chuyện đồng đen, Thạch Holk suy nghĩ một hồi rồi nói “ Cặp bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” tuy tàn độc và mạnh vô địch như vậy nhưng cũng có một vật khắc chế được nó, chính là viên đồng đen giấu trong ruột pho tượng này. Nếu gặp pho tượng, cặp bùa sẽ bị đốt cháy tiêu. Cái khả năng Mười Hổ đứng sau lưng vụ này là rất nhiều vì y từ nhỏ sống ở bên Miên, đi nhiều nơi, quen biết rất nhiều” – Ông ta suy nghĩ một hồi rồi nói tiếp –“trước đây, ngoài ông ta với Huyền Hòm, còn có mấy người nữa theo phò Mười Hổ” – “họ là ai, hiện giờ ở đâu?” – “Có một tay anh chị là “Hoàng Búa”, người này không phải dân An Giang mà là ở Bình Dương xuống, nghe nói sau này đã bị kết án tử hình. Ngoài ra còn có “Hà Sang” và “Ngọc Cần Thơ”. Hai người này một đã bị chết, một hình như qua bên trường gà “Hai Dương Tử” thì phải” - Thạch Holk hồi còn buôn gỗ ở bên Miên cũng có nghe nhiều về đồng đen, ông ta nói “ đồng đen rất hiếm gặp, chỉ có một vài ngôi chùa bên Miên mới có. Trước đây, một ngôi chùa ở tận Bat-Tam-Poong có một pho tượng cũng có một viên đồng đen trong ruột nhưng chỉ bằng đầu ngón tay út.  Có một tên trộm đã đánh cắp được pho tượng, mang giấu lên ngọn cây dừa nhưng chỉ qua một ngày là cây dừa bị vàng từ gốc đến ngọn nên mọi người đã tìm lại được. đồng đen rất đặc biệt, muốn cầm giữ được nó thì phải ngậm ngải và đọc chú, nếu không sẽ bị nó làm bại xụi toàn thân, mắt mờ, bạc tóc, thậm chí bị chết……mang thả nó xuống bể nước, nó sẽ lọc bể nước trong veo và mát lạnh như nước mưa vậy. Nước này uống vào sẽ làm tinh thần sảng khoái vô cùng. Nghe nói có một tấm bùa cần đến viên đồng đen để làm trung tâm, tấm bùa này hình tròn, khắc bát quái và chữ phạn, hình người rắn và con thú hai đầu. Nếu Mười Hổ có được tấm bùa này thì y sẽ quyết chí tìm bằng được đồng đen để luyện nhằm thực hiện âm mưu độc tôn của mình”.
Câu chuyện xem ra đã gần rõ ràng, một tên cáo già như Mười Hổ hẳn là đã nhận ra thời điểm tốt nhất để ra tay cướp pho tượng là lúc nào. Lạc “mả” mang nhà sư người Miên đến giới thiệu với Mười Hổ thì chẳng khác nào giao trứng cho ác. Chỉ tội nghiệp nhà sư, đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự tin người của mình.
…………………………………………….
Lạc “mả” hẹn gặp với Đại ca T.B tại khách sạn Hàng Châu, một trong những khách sạn “hàng hiệu” của An Giang. Trong căn phòng có để sẵn bộ salon, Lạc “mả” xem xét rất kỹ, y sợ CA An Giang đặt máy ghi âm. Từ ban công có thể nhìn xuống đường và quan sát xung quanh.
Khoảng gần nửa đêm thì một chiếc Land Cruise sáng chói đậu xịch trước cửa. Đại ca T.B cùng với hai người nữa đi vào khách sạn. Đại ca T.B tuy đã trở thành Đại gia nhưng cách ăn mặc vẫn đượm chất “giang hồ mã thượng”. Ông ta mặc một cái quần rằn ri sáu túi, đi giày lính theo kiểu “thủy quân lục chiến”, khoác một cái áo màu ….cháo lòng dày cộm. Ông ta lại còn búi tóc đuôi gà, làm cái mặt đen thui, vằn vện, dấu vết của những ngày làm đại bàng ở “Z30D”, “Kênh làng thứ bảy”, “Đồng Tháp K3”, “Tử địa Cồn cát” hiện lên càng rõ. Hai kẻ đi cùng thoáng thấy là đã rùng mình ớn lạnh. “Cường Rỗ” có cái mặt vàng khè như nghệ, hai mắt đỏ ké, nổi những nốt sần sùi do nhiễm độc thủy ngân, dấu vết của những ngày lăn lộn trên khắp các bãi đào vàng từ Nam chí Bắc. Còn tên đi bên cạnh, nếu lấy cục nước đá đặt vào thay thì e rằng nó còn nóng hơn cái mặt của “Dũng Bắc”.
Đại ca T.B không nói tiếng nào, móc trong túi ra khẩu K59 đen sì, kê ngay vào đầu Lạc “mả”.
Lạc “mả” sợ quýu người, lắp bắp nói “….đại ca….đại ca…xin cho thêm một thời gian nữa….tìm được đồng đen thật khó lắm…..có anh ĐHC đây làm chứng….”. Đại ca T.B nhìn lướt qua ĐHC một cái rồi ông ta thu súng lại, đút vào túi, hầm hầm hỏi Lạc “mả” “thế tiền đi đâu hết rồi?” – Thấy Đại ca T.B thu súng về, Lạc “mả” yên tâm phần nào, nhưng cũng còn nói lắp bắp “….còn….vẫn còn nhiều…đại ca yên tâm, nếu không có đồng đen em sẽ ráng tìm mấy pho tượng hoặc vàng về cho đại ca, ở đất An Giang này vàng….vàng…….. nhiều lắm…..lắm….”.
Đại ca T.B chỉ ra oai với đàn em vậy thôi chứ “nổ” ở khách sạn Hàng Châu này thì có mà “lên dĩa” sớm. “Mấy cân thóc” đưa cho Lạc “mả” đối với ông ta có đáng gì, ông ta xuống đây là vì một việc quan trọng hơn nhiều, đó là thiết lập một đường dây liên tỉnh từ An Giang lên Sài Gòn.

*

“Dũng Bắc” rất ngạc nhiên khi thấy ĐHC cùng ngồi với Lạc “mả” ở khách sạn Hàng Châu, nhưng y còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy ĐHC ngồi chung với Sơn Cẩu và Huyền Hòm, cặp mắt của y chỉ lóe lên một cái là lại lạnh lẽo như cũ.
Xem ra thể hiện tình cảm là một cái gì đó vô cùng xa xỉ với con người này.
Đại ca T.B đã về từ sớm, ông ta rất cẩn thận, không bao giờ lộ diện trong những cuộc làm ăn có phần nguy hiểm, “Cường Rỗ” và “Dũng Bắc” luôn là đại diện cho ông ta. Mười Hổ cũng vậy, ông ta cũng không xuất hiện, thay thế là Sơn Cẩu và Huyền Hòm. Huyền Hòm mời thêm ĐHC chẳng qua là muốn thể hiện với đám Sài Gòn là bọn y quan hệ rất rộng, luôn luôn “chiêu hiền đãi sĩ”…….
Sơn Cẩu có biệt danh là “Cẩu” có lẽ do y là em Mười Hổ. Anh là Hổ thì em là Chó……một con chó dữ, một con chó săn mồi nhanh nhẹn và tàn bạo. Khác với Huyền Hòm tướng mạo thô kệch, Sơn Cẩu mặt trắng, môi đỏ, tướng mảnh mai nho nhã, ăn nói nhỏ nhẹ. Nhìn Sơn Cẩu, khó ai có thể tưởng được y lại là một trùm cướp đường thủy khét tiếng, một kẻ buôn người có tài lặn nước như rái và phóng dao nhanh như chớp. Sơn Cẩu không bao giờ đi một mình hay hành sự một mình, luôn luôn có một đám đệ tử đi cùng như Danh Đừng, Danh Sooc, Tám điên, Bảy Hốt, Hai Ngang, Thạch Thôi…..
Bàn tiệc được dọn ra có phần quá thịnh soạn, cả chục chai XO để lủ khủ trên bàn, hải sản bày la liệt toàn Tôm hùm, Cua biển, Tôm càng cỡ bự…..nhưng bọn “Cường Rỗ”, “Dũng Bắc” chắc có nghe về chuyện bùa ngải của Mười Hổ nên móc nước suối mang theo ra uống, bàn xong công việc là hai tên lập tức đi liền.
Hôm sau, ĐHC nhờ anh Năm Ai chở xuống Bến Tre, tìm mua một con gà đá thật chiến. Anh Năm Ai trước đây cũng đã từng chơi đá gà nên anh biết những lò luyện gà nổi tiếng. Anh chở đi xuống tuốt tận Mỹ Hương, lòng vòng trong cả chục con đường nhỏ, đến nhà của Ba Gà Mổ, một trong những thầy luyện gà nổi tiếng. Cò kè mãi, sau cùng thì Ba Gà Mổ cũng chịu để lại một con gà “độ” cực đẹp với giá “ba chai” có sắc lông đỏ nhưng đuôi lại đen tuyền gọi là con “Tước Ô Vỹ”. Anh Năm Ai nói con gà này bảo đảm dân đá gà nhìn thấy là phải mê liền. ĐHC và anh Năm Ai chạy thẳng về Cần Thơ, tìm đến trường gà của Ông “Hai Dương Tử”. Thăm dò mãi cũng không tìm được ai tên là “Ngọc Cần Thơ” cả, có thể tên này đã thay tên đổi họ. Cuối cùng phải tốn thêm “năm xị” nữa thì mới có người chỉ ra “Ngọc Cần Thơ” bây giờ đã đổi tên là Tư Gà, chuyên làm nghề “đá biện”.
“Đá biện” là một nghề chỉ dành cho những cao thủ trong làng đá gà, nó đòi hỏi người này phải thật rành nghề, biết nhìn gà và tất cả các mánh lới trong nghề đá gà. Ngoài ra còn phải là dân anh chị có số má để không bị dân chơi quỵt nợ, xù độ. Trường gà HDT lúc nào cũng náo nhiệt, nơi đây tập trung hầu hết những dân đá gà có máu mặt. Sau một độ gà thì nghỉ khoảng nửa tiếng, ĐHC tìm gặp được Tư Gà. Nhìn xa xa Tư Gà nom giống hệt….con gà, hai con mắt nhỏ xíu, tròn vo, cặp lưỡng quyền nhô cao với hai má hóp lại. Cái cổ y cao và nổi gân đỏ lựng, cái dáng đi chúi chúi…..chắc kiếp trước y là…..gà nên kiếp này mới có cái nhân tướng giống gà kỳ lạ như vậy. Tư Gà không thèm nói chuyện, thời gian của những tay “đá biện” luôn luôn là vàng là ngọc. Nhưng khi nhìn thấy con “Tước Ô Vỹ” thì cái máu gà trong người y nổi lên. Nhìn sơ là Tư Gà biết ngay đây là con gà độ tuyệt hảo, y vuốt ve con gà một cách trìu mến còn hơn là vuốt tình nhân. Tự nhiên lại có tài lộc đến, Tư Gà  nở một nụ cười móm xọm, tay vỗ vỗ vào vai ĐHC, tình cảm hai người bỗng chốc trở nên thân thiết như….anh em ruột thịt. Tư Gà đã không nói chuyện thì cạy miệng cũng không mở, nhưng đã mở ra rồi thì lại nói không ngừng. Y chẳng thèm giấu giếm gì cả, cứ nói ào ào.Theo Tư Gà thì lúc đó Hoàng Búa được Mười Hổ thuê cùng Hà Sang và Ngọc Cần Thơ ( chính là y) theo chân bộ đội VN qua Miên, đến một ngôi chùa để tìm một pho tượng quý. Cả bọn đi đến Cồn Tiên thì Hoàng Búa quay lại Long Xuyên, dẫn thêm một người nữa là Bạch “cô ba”, một tay trộm khét tiếng cả hơn hai chục năm nay. Bạch “cô ba” rất rành đường đi bên Miên và rất giỏi tìm đồ cất giấu. Cả bọn bốn tên tìm được đến ngôi chùa Miên, lúc đó chỉ có sư trụ trì, Bạch “cô ba” nhanh chóng tìm được pho tượng, trong lúc đôi co, Hà Sang bắn chết nhà sư, sau đó cả bọn rút về VN ngay. Trên đường về, lúc vượt sông thì bị Biên phòng phát hiện, Hà Sang bị bắn chết, Bạch “cô ba” bị bắt còn Hoàng Búa chạy thóat, Ngọc Cần Thơ quá sợ liền chạy một mạch về đến tận…..Cần Thơ, thay tên đổi họ, làm đủ thứ nghề, sau này vào trường gà làm nghề “đá biện”. “thế còn pho tượng?” – “Hoàng Búa lúc chạy thoát đã mang theo” – “sau này ông có gặp lại y không” – “có gặp một lần”.
Hoàng Búa chạy tuốt về được đến bìa rừng, đánh tiếng cho Mười Hổ ra lấy pho tượng. Mười Hổ mừng quá, công trình bao nhiêu năm sắp đặt bây giờ mới hoàn thành. Trước tiên y tháo cặp bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” cất vào một cái hộp gỗ trầm, rồi mang giấu thật kỹ, sợ có hơi đồng đen là cặp bùa bị đốt cháy tiêu. Những bùa ngải khác y cũng cất hết, sau đó cởi hết quần áo, lấy mỡ bò thoa lên người cho chắc ăn rồi mới đi ra gặp Hoàng Búa. Hoàng Búa thấy Mười Hổ đi ra trong hình dong như vậy thì rất kinh ngạc, nhưng y cũng chẳng thèm hỏi, chỉ đưa pho tượng cho Mười Hổ rồi chờ lấy tiền. Mười Hổ cầm pho tượng lên thấy nhẹ bỗng, xem bên trong không thấy cục đồng đen đâu cả thì nghĩ là Hoàng Búa đã chơi qua mặt, chặn lấy riêng cục đồng đen rồi. Y nổi điên cầm luôn pho tượng nện thẳng vào đầu Hoàng Búa. Bất ngờ bị đánh một cú choáng váng, Hoàng Búa móc cây súng định nổ thì Mười Hổ phóng tới đánh bay khẩu súng đồng thời bồi luôn một cú đá “ống quyển” làm Hoàng Búa văng tuốt ra xa, gãy luôn mấy cái xương sườn. Nhưng Hoàng Búa cũng đâu phải tay vừa, y đã từng vào sinh ra tử nên đâu chịu thua dễ dàng. Chỉ thấy lóe lên một cái -  Mười Hổ đã tháo gỡ hết bùa ngải nên không đỡ được nhát dao - bị cái lê Mỹ đâm trúng ngay ngực máu phun xối xả. Trúng phải cú đâm trí mạng, Mười Hổ cảm thấy đánh tay đôi nữa có phần bất lợi nên phóng chạy luôn vào rừng mất dạng. Hoàng Búa cũng loạng quạng bò dậy chạy đi, không quên ôm theo pho tượng. Y mang pho tượng lên Châu Đốc bán, sau đó ghé về Cần Thơ, chia cho Ngọc Cần Thơ một ít rồi trốn lên Miền Đông, sau này y tham gia một vụ cướp rồi bị kết án tử hình. Xem ra Tư Gà cũng không hề biết gì về bí mật của pho tượng nên ĐHC cũng không hỏi y thêm gì nhiều nữa.
Sự việc xem ra đến hồi bế tắc, còn lại một tên là Bạch “cô ba” thì nghe nói sau này đã bị sốc ma túy chết từ lâu. Viên đồng đen không biết giờ đã đến phương trời nào?! Mấy ngày liền ĐHC lang thang ở vùng Thọai Sơn, Chợ Mới…. Một hôm đi đến một cái chợ ven sông, leo lên một cái ghe chài đang bán dưa, ngồi chơi với vài người dân sông nước. Nhìn qua bên kia đường xa xa thì thấy một nhà máy xay xát gạo rất lớn, ghe thuyền, xe cộ tấp nập, tò mò hỏi thì được biết đó là của Mười Hổ. Đang ngồi suy nghĩ thì tự nhiên thấy mơ mơ màng màng, cảm giác như có người nhập vào mình……Bỗng như thấy Sư huynh cũng đang ngồi ngay tại chỗ này…..Sau mấy ngày lặn lội tìm kiếm, với pháp thuật cao cường, Sư huynh cũng dường như đã linh cảm được kẻ cần tìm….Trong lúc đang ngồi trên chiếc ghe chài nhìn qua nhà máy xay xát, ông bỗng thấy một chiếc xe hơi dừng lại, trên xe bước xuống hai người, một đàn ông, một đàn bà. Hai người này trông quen lắm, thì ra người đàn ông không phải ai xa lạ, chính là ông bác sĩ vẫn thường hay ghé thăm chùa nói chuyện tâm tình với sư trụ trì. Còn người đàn bà thì chính là bà Chín V chứ còn ai vào đây nữa…..Mười Hổ lúc đó mặc cái áo thun trắng, quần soọc trắng nom rất sang trọng, hình như y đang vui vẻ lắm. Cũng vì mặc bộ đồ đó mà Sư huynh nhìn thấy sợi Càtha trên cổ y, thấy cặp bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” đang đeo trên cổ. Trong thoáng chốc Sư huynh dường như đã hiểu ra tất cả…
Mười Hổ đang đi vào thì bỗng thấy cặp bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” máy động dữ dội rồi nóng lên đỏ rực. Y biết rằng kẻ thù đã đến…..đã đến rất gần….rất gần…..đã vào trong tầm sát của cặp bùa cực độc. Kẻ thù này chưa đáng sợ …chưa thể là đối thủ của y được….
Sư huynh lấy làm tiếc phải chi còn pho tượng phật vàng thì đã tiêu diệt được Mười Hổ. Nhưng không còn thời gian suy nghĩ gì nữa, máu từ tai, mũi, miệng của ông đã trào ra ngoài….. Sư huynh chỉ còn kịp nhảy xuống dòng sông, phút cuối cùng ông chỉ mong dòng sông sẽ mang xác của ông đi thật xa…thật xa, để sư đệ đừng tìm thấy xác, bởi vì người nào đến bên xác ông mà cất tiếng khóc thì cặp bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” cũng sẽ không tha.
Có người lắc vai rất mạnh, ĐHC giật mình chợt tỉnh, thấy bà chủ ghe đang đứng trước mặt nói “bộ ông trúng gió hay sao mà người xanh mướt vậy, lúc nãy tôi thấy ông lắc lư lắc lư bộ dạng coi kỳ lắm. Ông có muốn cạo gió giác hơi không tôi kêu người cho?” – ĐHC vội nói “không sao, tôi khỏe lại rồi, chắc lúc nãy tại buồn ngủ quá…..mấy năm trước bà nhớ có nhà sư nào ngồi ở đây không?” – Bà chủ ghe lắc đầu quầy quậy “chuyện mấy năm trước thì làm sao nhớ được”.
Không lẽ bà Chín V lại chính là người đàn bà - đệ tử của Mười Hổ như lời Thạch Holk nói? nếu vậy thì bà ta thật khéo che dấu. Bà ta hiện giờ đang ở “Khám lớn”, không có cách nào có thể gặp bà ta được. ĐHC thẫn thờ đi xuống ghe chài thì bỗng có một chú bé đến đưa một tấm giấy, mở ra xem thì chỉ ghi có một dòng chữ ngắn ngủi “Lốc ngay, có lệnh cáp-duồn”. ĐHC đã biết quá nhiều nên Mười Hổ cảm thấy cần phải lọai trừ mối nguy hiểm tiềm tàng này. Phải đi ngay vì bọn Sơn Cẩu sẽ đến liền tức khắc.
ĐHC không dám đi đường lộ vì chắc chắn bọn Sơn Cẩu đã phục sẵn, đành phải lội tắt đường ruộng. Đi mãi, đi mãi….đến lúc trời tối thui rồi mà cũng chưa ra khỏi cánh đồng, đồng ruộng đất An Giang này mênh mông thật. Mệt quá, ĐHC leo lên một bờ đất ngồi thì bọn Sơn Cẩu từ đâu kéo đến. Xem ra ĐHC đã sai lầm vì đi đường ruộng thì sao lại cái đám “giang hồ đất ruộng” này. Bọn Danh Đừng, Danh Sooc, Tám điên, Bảy Hốt, Hai Ngang, Thạch Thôi…đến đầy đủ cả, Sơn Cẩu hơn hớn cái mặt, phen này thì ĐHC còn thoát đi đâu được nữa, cả bọn mà xúm lại “cáp-duồn” thì ĐHC sẽ thành miếng thịt băm mất…..Bất ngờ từ xa có một đám người “đi đai” xuất hiện (họ là những người dân nghèo chuyên vác đồ thuê cho đám buôn lậu), đám người này đi rất nhanh, thoáng cái là đã đến ngay cạnh. ĐHC chen ngay vào giữa rồi bất ngờ vùng chạy, dân “đi đai” thấy có người tự nhiên bỏ chạy thì cũng rùng rùng chạy theo. Bộ đội biên phòng đang mai phục gần đó thấy vậy cũng ào ra, bắn chỉ thiên đùng đùng. Bọn Sơn Cẩu thấy có Bộ đội biên phòng thì cũng mạnh ai nấy chạy làm náo lọan cả một vùng. ĐHC chạy mãi, chạy mãi đến mệt đứt cả hơi, nhìn qua bên cạnh thì quá kinh ngạc,…đai nguyên cả cái tủ lạnh khổng lồ trên lưng mà anh ta phóng nhanh như gió…..
Đang chạy thì bỗng nghe ầm một cái, tay đai cái tủ lạnh đã vấp ngã đứng dậy không nổi. ĐHC đến đỡ dậy thì thấy người này đã trúng phải bẫy cài của du kích xã, một mũi chông nhỏ đâm trúng bàn chân, chảy máu đầm đìa. ĐHC xé vạt áo cột vết thương, dìu anh ta đứng dậy chạy tiếp, còn cái tủ lạnh đành phải chịu bỏ lại. Cả hai chạy được một hồi thì may sao thấy có một cái vách tường, bèn cố gắng leo qua. Thì ra đây là một cái vườn chuối rất rộng, ĐHC dìu anh ta loạng choạng đi mãi cũng chưa hết vườn chuối, mệt quá, cả hai dừng lại tạm nghỉ….nằm một hồi ngủ thiếp đi mất. Đang ngủ thì bỗng nghe có tiếng chân chạy rầm rập, tiếng người hô xung phong, ĐHC giật mình tỉnh dậy, toan chạy nữa bỗng nghe bên tai có tiếng thì thầm “đừng chạy, đừng chạy”. Nguyên một đoàn quân lướt qua bên cạnh, họ chạy ào ào, ào ào…..nghe có tiếng súng nổ đì đoàng, tiếng hô xung phong, tiếng gọi nhau í ới. Phen này gặp phải “ma đoàn binh” rồi, gặp phải “đoàn binh” mà bỏ chạy sẽ bị họ rượt mãi cho đến khi chết…. ĐHC ngồi một hồi cho không gian yên tĩnh trở lại, rồi mới nằm xuống ngủ tiếp. Chưa ngủ được năm phút thì lại nghe tiếng chân chạy rầm rập, rồi lại nghe tiếng hô xung phong….đoàn quân lúc nãy đã quay trở lại……
Sáng hôm sau, ĐHC cùng với tay đai hàng lần mò ra khỏi vườn chuối, gặp mấy người dân họ kinh ngạc nói “vườn chuối này nổi tiếng có ma, rất nhiều người lạc vô trong này đã bị chết, sau này đâu còn ai dám vô đây nữa.” ĐHC theo tay đai hàng tên Tư Bổn về nhà anh ta tuốt ở tận bên Vàm sáng…..
Nhà Tư Bổn chỉ là một cái lều trơ trọi giữa cánh đồng hoang vu, xung quanh không một bóng người. Trong nhà chỉ có mỗi một chiếc chõng vừa để nằm ngủ, vừa làm chỗ ăn cơm. Ban ngày thì nắng và nóng như đổ lửa, Ban đêm thì lạnh, nằm ngủ gió thổi lồng lộng. Vùng đất này dường như chưa mấy ai khai phá. Trong lúc Tư Bổn ở nhà dưỡng thương, ĐHC đi lang thang khắp nơi, phát hiện ra nơi đây thuộc dạng đất gò, có nhiều mảnh gốm cổ nằm rải rác. Trong một bụi gai um tùm, thấy lấp ló một vài tảng đá ong, ĐHC chặt bớt cây ra xem thì thấy những tảng đá này khá vuông vức, giống như đã qua bàn tay chế tác của con người. nếu suy đoán không lầm thì đây có thể là cái bệ của những cái cột nào đấy…..nếu có nhân lực đào rộng xung quanh có khi tìm được những mảnh vỡ của những chiếc cột. Vùng này có lẽ xa xôi, đường đi lại còn quá khó khăn, dân cư lại thưa thớt nên giới khảo cổ chưa biết tới…..hoặc chưa có kinh phí để thăm dò, đào tìm.
Tối hôm đó trong giấc ngủ mơ, hiện ra những ảo giác chập chờn hình ảnh của một kinh thành hoang tàn rộng mênh mông đang ngập chìm trong biển lửa, chắc nơi này hàng ngàn năm trước có lẽ là một kinh đô của một vương triều nào đó, sau gặp chiến tranh nên đã bị tàn phá….Sáng hôm sau, ĐHC quyết định đào thử, vết thương của anh Tư Bổn cầu cả tháng may ra mới lành được, nên anh đành phải ở nhà nấu cơm vậy….
Chẳng có bất cứ một dụng cụ dò tìm gì cả… ĐHC đào bằng trực giác và suy đoán theo những hình ảnh thấy trong giấc mơ. Căn cứ vào vị trí của những  cái bệ đá ong, bắt đầu đào những đường dài để dò tìm dấu vết….chỉ có một mình nên đào rất chậm, hơn nữa đất rất cứng, thật ra đất càng cứng thì càng hy vọng nhiều hơn là đất tơi xốp. Đào một hồi thì gặp gốm rất nhiều, toàn là gốm Miên, đào xuyên qua lớp gốm Miên thì bắt đầu gặp gốm cổ Phù Nam, đủ các loại mảnh vụn của chén, đĩa, bình, cà ràng v.v…Đào thêm nữa thì gặp một lớp gạch được xếp hàng ngay ngắn. Gạch Phù Nam rất to và cứng, dò theo những đường gạch nếu may mắn thì nó sẽ dẫn đến một khu bệ thờ hay phòng ốc nào đó….đào liên tục hai ngày hai đêm cũng chưa thấy gì cả,…nhưng thấy khá nhiều tro than, đến trưa hôm thứ ba thì gặp một lớp cát mịn và đá thạch anh, lần tìm trong lớp cát thì thấy một vật dài dài, lấy lên xem thì dường như là cái dây đai, trên có gắn bảy viên đá, chắc là của một chức sắc gì đó trong vương triều. Chất vàng trải qua hàng ngàn năm dưới lòng đất mà hầu như không bị ảnh hưởng gì cả, chỉ cần lau sạch là vẫn ngời sáng. Còn bảy viên đá thì mỗi viên một màu lấp la lấp lánh. Sợi dây đai này hẳn có giá trị liên thành….đúng là Tư Bổn ngồi trên đống vàng mà không biết. Chuyến đi này cũng không đến nỗi uổng phí.
ĐHC chưa kịp mừng lâu thì thấy Thạch Nguôn đến, không hiểu tại sao chú bé này lại tìm đến đây được. Thạch Nguôn thì thầm “Ông Huyền Hòm bảo cháu dẫn ông đi ngay, bọn Sơn Cẩu sắp kéo đến đó”…. ĐHC chỉ kịp lấp đất sơ lại, chạy vào chào anh Tư Bổn, nói với anh là bao giờ có tiền sẽ gửi xuống…rồi theo Thạch Nguôn chạy đi liền. Lòng thầm tiếc vùng đất này nếu đào kỹ lưỡng thì còn biết bao nhiêu báu vật nữa…..
Thạch Nguôn dẫn ĐHC chạy đến một cái đầm sen rộng mênh mông, nó nói “Ông phải cố mà bơi qua cái đầm này, đến bên kia là địa phận tỉnh Đồng Tháp thì mới mong thoát khỏi tay Mười Hổ.” – “thế có thể kiếm chiếc ghe nào được không” – “không được, nếu lấy ghe bọn Sơn Cẩu sẽ biết ngay” – “cái đầm này rộng cỡ nào?” – “khoảng chừng mười mấy cây số” – Nói xong, Thạch Nguôn cũng lật đật chạy biến mất. Tình thế nguy ngập lắm rồi, đã thấy thấp thoáng bóng của bọn Sơn Cẩu, ĐHC cột chặt chiếc Đai vào lưng rồi đánh liều nhào đại xuống đầm sen bơi thẳng ra xa.
Bơi mãi, bơi mãi….bơi từ trưa đến gần nửa đêm mà vẫn thấy đầm sen mênh mông phía trước. Cũng may là cái đầm này nông sâu không đều, có chỗ rất sâu, nhưng cũng có chỗ rất cạn, chỉ tới ngang lưng, có thể đứng nghỉ xả hơi được. Bọn Sơn Cẩu giờ này chắc không còn đuổi tới, có thể an tâm được rồi. ĐHC thong thả bơi từ từ, qua một cái lá sen to thì bỗng thấy sát ngay cạnh một cái bóng đen sì, có hai con mắt sáng rực đang nhìn mình. Cái bóng đen to lớn với hai con mắt đỏ lòe nhìn ĐHC chằm chằm….. chắc đây là Lưu Đại Lâm, tức Lâm Dơi, đại đệ tử khét tiếng tàn ác của Mười Hổ chứ còn ai vào đây nữa. Xem ra có thể thoát khỏi tay Sơn Cẩu, nhưng không thể thoát khỏi tay Lâm Dơi được. Trời tối quá, không thể nhìn thấy hình dạng Lâm Dơi như thế nào, chỉ thấy một cái bóng đen to xù với hai con mắt ma quái, Lâm Dơi đúng là con ma dơi, là con ma hút máu. Hai con mắt của y đúng là hai con mắt của thần chết, trong đó lấp loáng ánh lửa của địa ngục…. không dè lại gặp Lâm Dơi trong tình trạng “cá nằm trong rọ” như thế này. Y đứng sát ngay cạnh, chỉ cần giơ tay lên đập một cái là ĐHC chết tức khắc. Chết ở cái đầm này thì phải hàng tháng mới nổi lên được, lúc đó cá, lươn…đã rỉa hết thịt rồi, chỉ còn bộ xương trắng phếu không ai còn nhận dạng được. Lâm Dơi nhìn ĐHC chằm chằm, cặp mắt của y vằn lên từng tia đỏ, bỗng Lâm Dơi giở tay lên thật……
Lâm Dơi giơ tay….ngắt một đóa sen đã rụng gần hết lá, đài hoa chín vàng tỏa hương thơm ngào ngạt đưa lên mũi hít hít ngửi ngửi. Bộ điệu của y lúc đó giống hệt con dơi vàng đang hít nhụy hoa….hai con mắt của y bỗng trở nên trống rỗng. ĐHC bơi lướt nhẹ qua người y, chợt hiểu “ Lâm Dơi cả một đời vào sinh ra tử, đánh bao nhiêu trận mới có được cái địa vị trùm vùng Châu Đốc, hàng ngày thu về tiền tỉ phải nộp cho Mười Hổ hết bảy phần thì y căm hận không gì tả nổi. Lòng căm hận này lớn đến mức khi nhìn ĐHC một hồi y đâm ra lại thấy có….cảm tình. Sở dĩ y chưa dám chống lại là vì thế lực Mười Hổ còn đang rất mạnh, y giết ĐHC cũng chẳng được gì mà lại bớt đi cho Mười Hổ một kẻ thù…” ĐHC bơi riết ra thật xa mới quay đầu lại nhìn thì Lâm Dơi đã biến mất từ lúc nào.
Bơi liên tục cả ngày nữa mà vẫn thấy xung quanh là đầm nước mênh mông, chân tay đã vọp bẻ hai lần, toàn thân gần như rệu rã…lúc này chỉ sợ nhất là bị vọp bẻ cơ bụng, lúc đó bụng sẽ cứng ngắc, chân tay cũng không cử động được, người sẽ từ từ chìm xuống nước và chết ngạt, vì vậy cần phải giữ hơi thở thật chậm, thật đều….Tuy nhiên, cứ bơi vô định kiểu này nếu không chết đuối thì cũng chết đói, hoặc chết vì kiệt sức… Đang trong lúc tuyệt vọng thì bỗng nghe tiếng mái chèo khua nước rào rạt, chiếc xuồng của cô gái Đồng Tháp Mười hái sen từ từ đi tới. ĐHC giơ tay lên, cố gắng la nhưng không còn ra hơi được, may sao chiếc xuồng cũng đến, cô gái lấy hết sức cũng kéo ĐHC lên được. Lúc này mới thấy mệt mỏi rã rời, ĐHC không còn nói gì được, xuôi tay nằm dài trên thuyền, từ từ chìm vào giấc ngủ….trong cơn mơ màng, dường như một đoạn phim của quá khứ bỗng hiện rõ ràng lên trước mắt….
Đó là lúc bọn Hoàng Búa xông vào trong chùa, lúc đó chỉ còn mỗi sư trụ trì. Bạch “cô ba” với bản lãnh ăn trộm hơn hai mươi năm nhanh chóng tìm được pho tượng phật vàng. “Báu vật phi thường nếu lọt vào tay những kẻ đại ác thì có khác gì cho chúng như hổ thêm cánh”… không hiểu bằng sức mạnh nào đã khiến nhà sư già giựt được pho tượng từ tay tên cướp chạy ra tuốt ngoài sân. Hà Sang bị bất ngờ, vội đưa khẩu tiểu liên lên bắn luôn một loạt.
Chạy ra đến giữa sân thì bị trúng phải loạt đạn, nhưng sư trụ trì đã lấy được viên đồng đen ra, những giây cuối cùng ông chỉ kịp ném luôn xuống giếng…pho tượng phật vàng văng ra bên ngoài, những tên cướp chỉ cần có vậy, phóng tới lấy pho tượng mang đi mất…..Sư trụ trì đã chết, Sư huynh cũng đã chết, Sư đệ cũng đã chết, bí mật của pho tượng phật vàng không còn ai biết nữa…. Chỉ có cái giếng chùa sau này nước bỗng trở nên trong vắt và mát lạnh hơn bất cứ một cái giếng nào khác. Dân làng chỉ nghĩ có lẽ linh hồn của sư trụ trì đã làm nên điều kỳ diệu đó….họ gọi đó là cái “Giếng Ngọc”…./