“Ha! Ha! Ha! Cứ theo cái kiểu lập luận vừa rồi của anh thì có lẽ cả trong sự đau răng anh cũng tìm thấy khoái lạc đấy nhỉ?” - Quý vị sẽ cười mà bảo tôi như vậy. “Chứ sao, đau răng cũng có cái thú của nó chứ” - Tôi đáp. Tôi bị đau răng cả tháng trời nay nên tôi biết. Cố nhiên khi đau răng người ta không tức giận một cách im lặng, mà người ta rên rỉ. Nhưng đó là những tiếng rên không trung thực, đó là những tiếng rên thâm độc; và toàn bộ vấn đề chính là ở sự thâm độc này. Chính những tiếng rên đó nói lên cái khoái lạc của kẻ bị đau; nếu không cảm thấy khoái lạc hắn đã chẳng rên làm gì. Đó là một thí dụ hay thưa quý vị, tôi xin triển khai nó ra. Thứ nhất, những tiếng rên ấy biểu lộ toàn bộ cái vô ích thấp hèn đối với ý thức của ta, toàn bộ quy luật của tạo hóa mà tuy nhổ toẹt vào nó quý vị vẫn cứ đau khổ vì nó. Còn nó vẫn thản nhiên như không. Chúng cũng phát biểu rằng tuy quý vị biết rõ là không có kẻ thù nảo ở đây hết, nhưng quý vị vẫn cứ đau đớn như thường, và dù có bao nhiêu các Wagenheim[1] đi nữa thì quý vị vẫn cứ là nô lệ của những chiếc răng đau, rằng nếu có cái bỗng dưng nảy ra ý cầu ước cho anh khỏi đau, thì lập tức cái răng của anh sẽ khỏi đau ngay, nhưng nếu người đó không muốn, thì những chiếc răng của anh sẽ tiếp tục đau suốt ba tháng nữa. Và cuối cùng, nếu anh vẫn không bằng lòng và tiếp tục phản kháng thì anh chẳng còn cách nào khác để tự an ủi hơn là tự tát vào mặt mình, hay đấm tay thật đau hơn nữa vào tường. Và chính từ những điều nhục mạ giết người đó, từ những tiếng cười chế nhạo không biết của ai đó bắt đầu gây cho anh cái cảm giác khoái lạc đôi khi đạt tới độ cực khoái. Thưa quý vị, tôi xin quý vị lúc nào đó hãy thử lắng tai nghe tiếng rên của con người có học thức của thế kỉ XIX, lúc hắn bị đau răng đã hai, ba hôm, khi tiếng rên của hắn đã không còn giống tiếng rên của hôm đầu tiên, nghĩa là hắn rên không phải chỉ vì răng đau, không như một anh nhà quê thô lỗ nào đó rên, mà như một con người có học, con người mà văn minh Châu Âu đã đụng tới, rên như một con người "đã tách rời hẳn cái gốc và những nền tảng nhân dân", như bây giờ người ta thường nói[2]. Tiếng rên của hắn nghe hằn học, xấu thói, và hầu như không bao giờ dứt, đêm cũng như ngày. Mà hắn thừa biết rên như thế đâu có ích gì cho hắn. Hắn biết rõ hơn ai hết rằng hắn chỉ làm bực mình những người xung quanh và làm khổ hắn mà thôi, và chính hắn, hắn cũng tự hành hạ hắn để chẳng được lợi lộc gì hết. Hắn thừa biết gia đình và hàng xóm, mà tiếng rên của hắn nhằm vào họ, đã bắt đầu thấy ghét và không tin chút gì vào chuyện hắn bị đau răng nữa, và ai cũng thầm hiểu rằng hắn có thể rên khác đi, giản dị hơn, đừng có rên ầm ầm lên như thế, đừng có những kiểu cách như thế, và cho rằng hắn quan trọng hóa vì độc ác. A, đó! Cái khoái lạc nằm trong chính sự hèn hạ và tất cả những cái cố ý đó. “À! Tôi làm phiền các người hả, tôi xé tim các người ra hả, tôi làm cả nhà mất ngủ hả? Càng tốt! Thì đừng ngủ nữa! Nên biết là tôi đang đau răng đây! Dưới mắt các người tôi không còn là một kẻ anh hùng như trước kia tôi muốn tỏ ra nữa, mà chỉ còn là một tên độc ác, một chenapan[3]! Càng tốt! Tôi còn sung sướng là các người đã thấy con người thật của tôi! Các người khó chịu nghe những tiếng rên khốn nạn của tôi phải không? Cho các người khó chịu! Tôi sẽ rên to hơn cho mà xem đây này!…” Quý vị vẫn chưa chịu hiểu? - Không, đúng là phải đạt tới trình độ nhận thức sâu sắc mới hiểu được hết mọi sự tinh tế của cái khoái lạc xác thịt này. Quý vị cười? Tôi rất hân hạnh. Thưa quý vị, cố nhiên những câu pha trò của tôi rất vô duyên. Chúng rắc rối quá và nghe rất giả tạo. Nhưng tất cả là do lòng không tự trọng của tôi mà ra: Lẽ nào một con người có ý thức lại có thể tự trọng được, dù chỉ một chút thôi? Chú thích:[1] Có thể đây là tên một nha sĩ nổi tiếng thời đó, nhưng cũng có thể đây là một thông danh (nom générique): phần lớn các nha sĩ hồi đó là dân Do Thái. (Chú thích của ND). Có một nhà phê bình nghiên cứu văn học chú thích như sau: Theo sổ địa chỉ chung của thành phố Peterburg những năm 1860-1869 có tất cả 8 nha sĩ có họ Wagenheim, các bảng quảng cáo mang họ này treo khắp thành phố. (Yatrau) [2] Câu hay được nhắc đến trong cuộc tranh luận giữa hai phe thủ cựu (Sleyophiles) và phe cấp tiến (Occidentalistes) hồi bấy giờ. (ND). [3] Nguyên văn tiếng Pháp: Kẻ vô lại. (ND).