Gần 30 năm sau cuộc chiến, một trong những di sản lớn nhất của nó: sự ngăn cách giữa người Việt trong nước với cộng đồng người Việt hải ngoại hình thành từ gần 1 triệu người Việt rời bỏ đất nước sau năm 1975, đến tị nạn tại các nước phương Tây mà tập trung nhất là ở Mĩ, vẫn là một di sản không dễ tiếp cận cho cả hai phía. Những giao lưu, hoà nhập, cộng tác và đối thoại giữa Việt Nam và thế giới ngày càng và sẽ không ngừng phát triển. Những sum họp và hoà giải trong các gia đình và giữa những cá nhân người Việt trong và ngoài nước ngày càng và sẽ không ngừng diễn ra mạnh mẽ. Nhưng tiến trình tự nhiên ấy vẫn không ngừng vấp phải những cản trở lớn của di sản lịch sử. Không hiếm khi, khả năng đối thoại dường như đã bị triệt tiêu ngay từ đầu bởi bức tường kiên cố của thành kiến, sức ỳ, tham vọng và thái độ thù địch từ cả hai phía. Và cũng không hiếm khi, những cố gắng đối thoại bước đầu cũng trở thành vô vọng bởi sự nửa vời và tránh né trước những cấm kị quá giới hạn chịu đựng, bởi ảo tưởng về sự đã lành của những vết thương vẫn còn đau nhức, hay đơn giản bởi sự bất lực trước một hiện thực với quá nhiều chiều cạm bẫy. Gần đây, tác phẩm Nếu đi hết biển của Trần Văn Thủy trở thành một trường hợp tiêu biểu cho những khó khăn của việc tiếp cận với di sản nói trên. Là kết quả nghiên cứu của một trí thức, nghệ sĩ trong nước, thuộc chương trình Rockefeller Nghiên Cứu Về Tiến Trình “(Tái) Xây Dựng Diện Mạo và Quê Hương Của Người Việt Ở Nước Ngoài” 2000-2003 do Trung tâm William Joiner Nghiên Cứu Về Chiến Tranh và Hậu Quả Chiến Tranh, Đại Học Massachusetts Boston tổ chức và tài trợ, tác phẩm này một mặt không hề được công luận chính thức tại Việt Nam ghi nhận, mặt khác nó gây xung đột trong dư luận tại hải ngoại. Nhiều tháng qua, những tác giả như Phan Nhật Nam, Hoàng Hải Thủy, Irina Zisman, Trần Nghi Hoàng... đã phê phán dữ dội công trình này cũng như những người tham gia và tổ chức nó. Chiến tranh nhìn từ nhiều phía, song các góc nhìn ấy sẽ có ích gì với người Việt, “những người còn tồn tại sau một loạt những cuộc chiến tranh do ngoại bang áp đặt đã chia cắt đất nước họ thành ba, thành hai trong gần một thế kỉ, và để lại cho họ một dân tộc cuốn lốc trong những bong bóng của chân lí và những điều giả dối”, như lời của Kewin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner, trong phần giới thiệu tác phẩm Nếu đi hết biển?
talawas
Trần Văn Thủy (TVT): Xin chị nói cho đôi điều về tiểu sử của chị? Hoàng Bắc (HB): Anh cần “lý lịch” hay là “trích ngang”? TVT: Chị vui tính thật, nhưng đừng gây sự với tôi. Ðộc giả muốn biết về chị, đôi chút cũng được. HB: Theo anh, tôi nên bắt đầu từ lúc nào đây? Bắt đầu từ cái mốc năm 75 nhé, vì trước đó hơn ba mươi năm, cuộc đời tôi cũng na ná như tất cả mọi người khác: sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc, lập gia đình, sinh con đẻ cái v.v..., có lẽ... cái cuộc đời nhàm chán! Tháng 3 năm 75 tôi đang dạy học ở Nha Trang thì xảy ra cái goiï là biến cố năm 75. Sau đó, người miền Nam đặt tên là “Quốc Hận”, miền Bắc gọi là “Giải Phóng.” TVT: Tôi nghĩ có lẽ cũng không hẳn là như thế. Tôi thấy có nhiều người gốc miền Bắc gọi là ngày “Quốc Hận”. Thí dụ, những người nổi tiếng như ông Nguyễn Cao Kỳ, Trần Kim Tuyến, Cao Văn Viên, Vũ Văn Mẫu, Phan Huy Quát, Lê Nguyên Khang, Trần Văn Tuyên... Ngược lại, có nhiều người gốc miền Nam gọi là ngày “Giải Phóng”. Thí dụ, ông Lê Duẩn, ông Tôn Ðức Thắng, ông Phạm Văn Ðồng, ông Phạm Hùng, ông Huỳnh Tấn Phát, ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải, ông Trần Văn Giàu, ông Trần Bạch Ðằng... Ðó là những “anh Hai” thứ thiệt. HB: Anh chỉ định “sửa sai” tôi thôi. Nhưng anh hiểu tôi muốn nói gì mà! Nghĩa là, tuy cả nước đã về một mối (thơ Nguyễn Chí Thiện đấy!) nhưng cũng từ đó, ý thức chính trị đã chia rẽ sâu sắc người Nam và người Bắc từ trong nước cho đến ngoài nước, và cũng từ đó sản sinh ra một cộng đồng mới: người Việt di tản hay Việt kiều. Không có nghĩa là trước đó người Việt ta không có mặt ở các nước trên thế giới. Pháp, Nga, Mỹ, Úc. Tàu...đâu đâu cũng có một số sinh viên, người giàu có, người có quốc tịch nước ngoài sinh sống tại các nước này. Nhưng phải đợi đến sau 1975, lực lượng người di tản từ miền Nam, sau đó là những đợt vượt biên, vượt biển, ô đi bộ, ô đi ghe, hát ô, đa số là người Việt từ miền Nam, đến định cư tại các nước trên thế giới thì lực lượng Việt kiều này mới thực sự thành hình, với hơn một triệu người, và đông đảo nhất là ở châu Bắc Mỹ. TVT: Thế chị qua đây bằng đường nào? HB: Tôi thuộc diện vượt biển. Sau 1975, tôi được giữ lại dạy ở trường gọi là giáo viên lưu dung, và vẫn luôn luôn được nhắc nhở rằng, khi Hitler lên cầm quyền ở Ðức đã ra lệnh sa thải và cầm tù hoặc giết tất cả các giáo viên chế độ cũ, tôi đã được nhà nước lưu dung (nghĩa là không đuổi dạy, tha không bỏ tù, không giết!). Xuyên qua các tổ trưởng, tổ dân phố, phường trưởng, khóm trưởng vốn là các bác lái xe lam, xe thồ trước kia trong xóm, và nhất là các công an khu vực, chưa bao giờ tôi có ý niệm mạnh mẽ về quyền lực lớn như Trời lúc ấy: trời kêu ai nấy dạ, gẫm hay muôn sự tại trời, thuở trời đất nổi cơn gió bụi, trời hành, trời ơi...Công an lúc ấy là Trời, Trời là Công an. TVT: Gia đình của chị có dính líu gì tới chính trị không mà ấn tượng mạnh với công an thế? HB: Không cần dính líu đến chính trị mới có ấn tượng mạnh với công an. Anh có thể kiểm chứng với bất cứ gia đình nào vốn là người sống ở miền Nam và ở lại miền Nam sau “Ngày Giải Phóng”. Anh đừng bắt bẻ và nêu tên mấy ông miền Nam tập kết đấy nhé, vì hiển nhiên họ thuộc diện “công thần” hoặc “gia đình cách mạng”. Ý tôi muốn nói đại đa số nhân dân Việt gốc Bắc, gốc Trung, gốc Nam làm ăn và sinh sống ở miền Nam từ những năm trước 1975. Chẳng hạn gia đình cha mẹ tôi trước cũng tham gia kháng chiến chống Pháp, ba tôi tham gia từ những ngày còn đi học, khi đi làm Sở Hỏa xa của Pháp, Chemins des Fères, đã xuôi Bắc vào Nam chuyển tải người, tài liệu, đưa dắt đường cho các đồng chí hoạt động bí mật thời kỳ Việt Minh. Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, ở Thủ Ðức, ba tôi ở trong lực lượng nổi dậy và từng giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân quận Thủ Ðức. Các cậu tôi, người kháng chiến ở Quảng Ngãi, người bị Pháp bắt giam và chết ở Côn Ðảo... Lúc nhỏ, tôi là con mồ côi, vì ba tôi bị Pháp bắt tra tấn, cầm tù và vì không đủ chứng cớ để cầm tù ba tôi lâu hơn, sau thời gian suốt 2, 3 năm chuyển ba tôi từ các nhà tù Ðà Lạt, Djiring, Nha Trang, Pháp chở một nhóm tù Việt Minh ra sông Trà Khúc (?) bắn rát trên đầu và đuổi họ tự bơi qua sông đến vùng kháng chiến, lúc đó là Liên khu Năm. Phải khai gian lý lịch là cha chết để được đi học. Nhưng dĩ nhiên gia đình ba mẹ tôi sau 1975 không thuộc diện gia đình cách mạng. Ba tôi từ hậu phương trở về sau hiệp định Genève, là viên chức của Sở Hỏa xa, bọn chúng tôi lớn lên đi học, đi làm việc ở miền Nam... Nếu cần nói rõ thêm, năm 1980, sau một tai nạn giao thông, ba tôi bị lãng trí, đã bị công an bắt nhốt vì bị kết tội đã nói lời xúc phạm đến lãnh tụ. Lãnh ba tôi ra khỏi nhà giam thì ba tôi đã hoàn toàn mất trí và qua đời ngay sau đó. Ðó là một vết thương khó phai của gia đình tôi. Kể lể dài dòng để anh thấy lý lịch khá phức tạp của mỗi gia đình miền Nam, không dễ dàng và đơn giản qui kết một chữ gọn lỏn: bọn ngụy. TVT: Thế theo chị thế nào là “ngụy”? HB: Theo từ điển Hán Vịêt nghĩa là dối trá, nghĩa là giả, nghĩa là nói một đằng làm một nẻo. Theo phong kiến Minh Mạng thì ngụy là bọn làm phản, làm loạn, chẳng hạn Mả Ngụy, ở đó chôn bọn làm phản Lê Văn Khôi chống lại chính quyền phong kiến Nguyễn. Theo tự điển nhà nước XHCN Việt nam thì ngụy quyền là chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân (Từ Ðiển Tiếng Việt, NXB Ðà Nẵng, 1996). TVT: 15 năm qua rồi, chị thấy có gì đổi thay ở Việt Nam? HB: Tôi chưa có dịp trở về nước nhưng qua phim ảnh, báo chí, internet, thư từ và điện thoại trao đổi với bạn bè cũ, mới trong nước và ngoài nước, tôi thấy một “Việt Nam mới” rất khác, so với Việt nam cơ cực và kìm hãm những năm 75- 85, thời tôi còn ở nhà. Ðó là chuyện rất đáng mừng. Cởi mở, tự do, sung túc, hiện đại hơn, và bắt đầu có mặt vào các sinh hoạt thế giới... Cả chuyện Việt kiều vượt biên bất hợp pháp cũng được tự do về thăm nhà, thăm nước phải kể là một trong những điều vui vẻ... (Nhưng có người nêu thắc mắc: nếu hằng năm người Việt nước ngoài không gửi về nước trên dưới 2 tỉ USD, năm 2002 thì con số tổng kết là 2,4 tỉ, thì chính sách của nhà nước ta sẽ ra sao?!) TVT: Tôi nghĩ chúng ta không nên xen chuyện tiền bạc, trần tục vào câu chuyện nghiêm chỉnh như thế này. Chị là nhà văn. Chị đánh giá như thế nào về sự giao lưu văn học trong và ngoài nước? HB: Tôi sinh hoạt trong giới những người làm văn nghệ ở hải ngoại nên thường theo dõi ở lãnh vực này, việc giao lưu sách vở báo chí trong và ngoài nước chưa hoàn toàn tự do thoải mái, nhưng trong những năm gần đây, một vài tác phẩm có giá trị ở ngoài nước đã được phép chính thức in lại trong nước, như tập trường thiên Sông Côn Mùa Lũ của anh Nguyễn Mộng Giác, một vài truyện ngắn của tôi và các bạn khác đã do Nhà xuất bản Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh in lại trong một tuyển tập, và sốt dẻo nhất, tôi được Hoàng Ngọc-Tuấn ở Úc cho hay, quyển Văn Học Hiện Ðại và Hậu Hiện Ðại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết sẽ được Trung Tâm Ngôn Ngữ & Văn Hóa Ðông Tây hợp cùng NXB Ðại Học Sư Phạm Hà Nội in lại ở Việt Nam. Thật là một tin vui, vì chẳng bõ công chúng tôi hợp sức làm chung tạp chí Hợp Lưu 12 năm trước đây, với cố gắng làm một cây cầu giới thiệu văn học trong nước với người nước ngoài và ngược lại. Ở hải ngoại, nhóm Hợp Lưu bị chụp mũ là cộng sản, thì ở trong nước lại cho là một bọn xịa, hoặc là diễn biến hòa bình! Rõ chán mớ đời. Tôi cũng được biết giáo sư Phan Cự Ðệ và nhóm khác gồm các giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi trong nước đang chuẩn bị soạn bộ Văn học Việt Nam của cả hai miền Nam-Bắc. Trong tương lai, những dự án hợp tác như thế sẽ định vị lại các giá trị từ chính trị, văn chương, học thuật với cái nhìn cởi mở, khách quan và do đó, trung thực hơn. Mong lắm thay! TVT: Hiện nay, gia đình con cái chị thế nào? Chị còn là một nhà giáo và qua việc học hành, trưởng thành của con cái chị ở Mỹ, chị suy nghĩ gì về ảnh hưởng của giáo dục Mỹ? HB: Tôi vượt biển đến định cư ở Mỹ năm 1986, cùng bốn đứa con trên một đất nước xa lạ mà mình lơ mơ lắm về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục... Nhờ Trời, các con tôi chăm chỉ học hành, làm việc, 3 cháu lớn đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm, cháu út đang ở năm cuối đại học. Khi các cháu hầu như đều đã có trình độ đại học, trong quá trình theo dõi sức học và sức làm việc của các cháu, tôi nghiệm ra một điều là giáo dục của nước Mỹ không quá chú trọng vào bằng cấp như giáo dục ở nước ta. Mà cũng không hoàn toàn đánh giá người qua cấp bằng đại học đâu. Nghĩ cũng đúng, nhiều người chỉ học hết bậc trung học mà kiến thức và tài năng tự học của họ gấp mấy lần người có bằng đại học. Nhưng ở đại học Mỹ, bọn trẻ được học hành đào tạo rất tử tế. Con trai út tôi là may và rủi, cháu bắt đầu từ lớp mẫu giáo ở Mỹ, rồi lên đến đại học, cái không may là tiếng Việt cháu kém hơn các anh chị nó, cái may là nó được hấp thụ hoàn toàn tinh thần tự do, khai phóng, và sáng tạo của giáo dục Mỹ. Trước kia còn ở trong nước, tôi vẫn được nghe nói đi nói lại mấy từ vựng này, tự do, khai phóng, sáng tạo mà không mường tượng được nó là cái gì? TVT: Nếu với tinh thần tích cực, ta tiếp thu và vận dụng ở Việt Nam, thì hiệu quả có khả dĩ không? HB: Làm sao học sinh dám khai phóng, tự do, sáng tạo khi mà khoảng thời gian từ 75 đến 77, khi tôi là giáo viên chế độ cũ dạy Văn ở hai trường trung học Lý Tự Trọng và Hoàng văn Thụ ở Nha Trang, các đồng chí giáo viên miền Bắc dạy thao diễn tổ bất cứ bài giảng văn nào cũng nhất cử nhất động theo từng câu, từng chữ, từng liên hệ thực tế có in sẵn trong Sách Giáo Án do Bộ Giáo Dục xuất bản? Tôi không quên được một chuyện cười của riêng tôi lúc đó, của riêng vì không tin ai nên không thể chia sẻ cùng ai, bạn bè lén tố cáo nhau với công an khu vực, công an văn hóa là thường, thời buổi ấy...Một người bạn đồng nghiệp của tôi lúc đó vốn là người miền Nam, có lẽ quá khiếp sợ, trong một buổi họp tổ để thông qua giáo án chung cho các lớp, anh ấy đã phát biểu: truyện cổ Sơn Tinh Thủy Tinh của dân gian là có tính Ðảng. Tôi đã suýt bật cười to lên nhưng đã không dám... TVT: Xin chị nói tiếp đi. HB: Theo tôi, bất cứ một tập thể chính quyền nào, từ tập họp nhỏ như một cơ quan, một nhà trường, một phường, một tỉnh và lớn hơn như một đảng, một nước...mà chỉ trông mong giáo dục cho các thành viên thành những con cừu non ngoan ngoãn, chỉ đâu làm đó, thì tập thể ấy sẽ thiếu sáng kiến, thiếu thi đua, lề mề, chậm tiến. Người dân không nên chỉ là một tín đồ ngoan đạo, dễ mù quáng, dễ đưa tới họa dốt nát, trì trệ, đố kỵ và tranh chấp tủn mủn lẫn nhau. TVT: Quan hệ và cuộc sống ở Mỹ, chị thấy dễ chịu hơn? HB: Ở Mỹ, nhất là ở thành phố tôi đang ở, cạnh thủ đô Washington DC là một thành phố đa văn hóa. Tôi tạm hài lòng vì đã chọn thành phố này làm nơi định cư. Ở đây, người Mỹ hay nói đến sự đa dạng (diversity) và sự tiếp nhận và nuôi dưỡng nhiều văn hóa khác nhau. Mỹ, Việt, Trung Quốc, Mễ, Cuba, Ðại Hàn, Nhật, Trung Ðông... làm ăn, buôn bán, đi chùa, đi nhà thờ song song bên cạnh nhau, không có vấn đề đối chọi nhau gì lớn. Mọi người tuân thủ pháp luật, đề huề một cách tương đối và gìn giữ văn hóa, lối sống riêng của mình được pháp luật bảo vệ. TVT: Chị có vẻ yêu đời sống ở Mỹ và có khá nhiều kỷ niệm không vui về Việt Nam vào những năm 1975- 1985, sao chị vẫn muốn về thăm Việt Nam, và còn có ý định về sống lâu ở Việt Nam khi nghỉ hưu, như chị thường bày tỏ với bạn bè và qua các tác phẩm văn học của chị? HB: Thì tại tôi là người Việt. Mặc dù mang quốc tịch Mỹ, ăn không biết bao nhiêu cái hamburgers, hot dogs thì ít hơn, bao nhiêu pounds khoai tây chiên, gà chiên, uống coke v.v. từ McDonald, Popeyes, Burgers King, Subway. Lúc đầu thì lãnh tiền welfare của sở Xã hội Mỹ, rồi đứng bán hàng ở các tiệm buôn Mỹ, rồi công chức Mỹ, lúc nào cũng phải đầy đủ bổn phận đóng thuế cho liên bang, tiểu bang, đi đầu phiếu Quốc Hội, Tổng thống...tôi vẫn chưa cảm thấy tôi là người Mỹ! Có thể đó là điều khác nhau giữa tôi và thế hệ các con tôi. Tôi lại cũng không thể xem Việt Nam như một thứ quê ngoại như nhiều người cùng thế hệ tôi phát biểu, đối với tôi, ngoại là Việt Nam, nội cũng là Việt Nam. Như một cuộc ngoại tình chính đáng không chừng! Sống với vợ, với chồng, đầy đủ quan hệ, bổn phận, kể cả quan hệ tình dục, nhưng tâm hồn thì vẫn thuộc về một người khác! Ðó là nỗi oái oăm mà các bạn tôi trong nước có thể không có, có thể thế hệ sau tôi cũng không có! TVT: Mọi người đều nói quê hương, đất nước luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của người xa xứ. Với chị thì như thế nào? HB: Tôi phân biệt chính phủ Việt Nam với nước Việt. Nước Việt nằm trong trong trái tim tôi, còn chính phủ thì còn... tùy! Khi chúng ta bỏ phiếu cho Tổng thống, Chủ tịch, đại biểu Quốc Hội là ta bỏ phiếu cho chính phủ chứ đâu có bỏ phiếu cho đất nước đâu! Chúng ta chọn vợ, chọn chồng, chọn bồ, chọn bạn, không ai chọn cha chọn mẹ. Ðất mẹ, ngôn ngữ mẹ, ngoài người mẹ già sinh ra tôi (biological mother) hiện ở Mỹ, Việt Nam là một bà mẹ khác trong trái tim tôi. Hiện giờ, tôi kiếm ăn được cũng là nhờ tiếng Việt, trong nước tôi học Văn, dạy Văn, giờ tôi dạy tiếng Việt, tôi nói chuyện với con cái bạn bè bằng tiếng Việt, ăn uống hầu hết là cơm Việt, và nghề tay trái, ngoài việc kiếm ăn, lại viết lách lăng nhăng cũng bằng tiếng Việt. Lúc ra khỏi nước, tôi đã sống ở đó hơn bốn mươi năm rồi. Kỷ niệm buồn ở Việt Nam không ít, nhưng kỷ niệm vui thì cũng tràn đầy. Cuối đời rồi, không đi Việt Nam thì nghe không có lý! TVT: Bây giờ, nếu có thể được, ta nói chuyện một chút về Cộng đồng người Việt ở Mỹ, Thí dụ, chị có thể phác họa vài nét về Cộng đồng người Việt ở Mỹ, thí dụ chị có tham gia các Hội Ðoàn, các sinh hoạt có tổ chức của người Việt trong vùng chị ở, Virginia, hay trên nước Mỹ không? Chị thấy các sinh hoạt đó như thế nào? Ðối với thế hệ chị và đối với thế hệ con em chị ở hải ngoại? HB: Tôi đề nghị anh đọc Unbearable Lightness of Being của Milan Kundera (mà một người bạn của tôi là Trịnh Y Thư đã chuyển ngữ rất hay, sách vừa do NXB Văn Nghệ California phát hành dưới cái tên Ðời Nhẹ Khôn Kham) để anh dễ thâm nhập và nhận diện bộ mặt của cộng đồng Việt ở hải ngoại. Kundera viết quyển này lấy bối cảnh biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968 và các nhóm di dân Tiệp vào thời điểm đó, đến nay, trải qua mấy chục năm rồi, giọng điệu, ngôn ngữ, suy tư của đám di dân Tiệp vẫn còn có thể dùng để mô tả được chính xác hình ảnh các hội đoàn chống Cộng của người Việt rải rác và đầy dẫy ở các nước Mỹ, Pháp, Úc, Canada... Lâu lâu lại phải đọc tuyên cáo này, tuyên cáo nọ, lên án bọn cộng sản trong nước và tay sai ngoài nước, lâu lâu lại có vụ đốt một quyển sách hay hăm dọa một nhà xuất bản nào đó đã dám bày bán quyển sách thiên cộng kia, biểu tình mấy chục ngàn người để chống một tên tâm trí bất bình thường không đủ tiền và đủ sức để kinh doanh nghiêm chỉnh nên chơi nổi treo hình Bác Hồ và cờ Việt Cộng, lâu lâu lại có biểu tình lẹt đẹt vài người hay tự thiêu, ủi xe tăng vào Sứ Quán Việt Cộng... Ðối với những vụ này, tôi chia sẻ với suy nghĩ của nhân vật Sabina trong tiểu thuyết của Kundera: “...Cái yếu tính cốt lõi để trở thành người Tiệp tan biến vào hư không mất rồi...Hay vì những bậc vĩ nhân. Jan Hus? Không ai trong căn phòng đó từng đọc một dòng chữ nào của ông. Họ chỉ có thể hiểu được ngọn lửa, niềm vinh quang của ngọn lửa khi ông bị hỏa thiêu, niềm vinh quang của tro tàn, và do đó, với họ, yếu tính để thành người Tiệp là đám tro tàn và chỉ có thế thôi. Ðiều duy nhất giữ họ lại là sự chiến bại và những lời khiển trách lẫn nhau...” Nên tôi không mấy ngạc nhiên khi đọc các diễn văn, tuyên ngôn, tuyên cáo cùng các bài báo ở các loại báo biếu lá cải các nhân vật cộng đồng tố cáo mạ lỵ chụp mũ tưng bừng lẫn nhau, người oan kẻ ưng cá mè một lứa. Trung tâm William Joiner tặng cái grant anh Thủy đang làm đó cũng gây ra một vụ kiện đang đưa nhau ra ba tòa quan lớn Mỹ đấy, chắc anh có nghe rồi! Tôi cũng nghe, nhưng nghe qua rồi bỏ...Anh có nhận xét gì không? TVT: Tôi chân ướt chân ráo qua đây làm sao mà nhận xét được. Các cụ bảo: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.” Tôi nghe chị chứ. HB: Không dám! Không dám! Nhưng anh liều mạng nghe thì tôi cũng liều mạng nói! Tôi cũng đọc được thêm một tài liệu khác nhận định về tính cách của các cộng đồng lưu vong. Trích đoạn được dịch và in trong tập “Văn học Hiện đại và Hậu Hiện đại...” của tác giả Hoàng Ngọc-Tuấn: “Trong cuộc sống lưu vong ở các nước Âu châu và Bắc Mỹ những năm cuối thế kỷ 20, những người đàn ông đến từ các quốc gia chậm phát triển và nhiều rối loạn chính trị ở châu Mỹ La Tinh rất dễ trở thành những con người thất bại. Vỡ mộng về một cuộc sống dễ dàng, cùng lúc nhận ra sự mất giá trị của bản thân trước xã hội mới qua những trở ngại trong ngôn ngữ và/hoặc trong khả năng kinh tế, cộng thêm tình trạng sống như những người không có một địa vị xã hội nào, họ thường có nguy cơ rơi vào những triệu chứng tâm lý đa nghi hoang tưởng (paranoia), vĩ cuồng (megalomania), trầm uất (folie manfaco-melancolico), hay dằn vặt với khát vọng hồi hương. Ðể xây dựng giá trị bản thân trong xã hội mới, thay vì nỗ lực hội nhập và vươn lên từng bước với sự kiên nhẫn, nhiều người lao vào và bỏ nhiều thì giờ, sức lực và ngay cả tiền bạc để tạo nên những địa vị giả (pseudo-estado) trong những nhóm sinh hoạt chính trị mệnh yểu và đầy sự cạnh tranh cá nhân. Chính những điều này là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên những xung đột trong nội bộ các cộng đồng và sự mâu thuẫn hoặc đổ vỡ trong nhiều gia đình, vì trong lúc đó, đa số đàn bà thì thực tế hơn và do đó dễ hội nhập hơn vào đời sống mới...” Nhận định này đúng với thực tế cộng đồng lưu vong Việt nam ở Mỹ và ở vài quốc gia khác ở châu Âu, Úc... Riêng tại tiểu bang California Mỹ nhận định này giúp chúng ta dễ dàng giải thích các hiện tượng chính phủ lưu vong mọc lên như nấm tại tiểu bang này, với đầy đủ các chức vụ từ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, tổng tư lệnh quân đội cho tới tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng đều có đầy đủ tuốt luốt. Các chính phủ ma này mọc lên rồi tan đi, lại có các chính phủ khác thay thế. TVT: Vui nhỉ! Tôi mà ở bên này, tôi cũng lập chính phủ. HB: Vậy sao? Nếu thế thì vừa vặn với nhận định vừa nêu trên của nhà tâm lý xã hội Pedro Lopez Pujo đối với đàn ông tị nạn! Những cuộc biểu tình rầm rộ, như anh biết, có khi lên tới vài chục ngàn người, như ban tổ chức từng phô trương, như cái lần để phản đối một anh chàng dở điên dở khùng do những người thích ôm micro la hét giữa đám đông tổ chức, chỉ tổ tốn tiền thuế dân đóng góp để mướn cảnh sát địa phương canh giữ trật tự. Mọi chuyện sau đó thì cũng chìm xuồng. Vùng tôi ở, lâu lâu cũng có lác đác biểu tình chống lai rai, chống trong nước và chống ngoài nước. Gần đây nhất, là chống các ca sĩ trong nước ra ngoài trình diễn. Về những mặt tiêu cực này, tôi thấy trong nước và ngoài nước có những điểm trùng lặp thú vị. Thí dụ mới nhất tôi đọc ở báo Công An trong nước, họ dùng cái người dở điên dở khùng để thóa mạ nhà văn Dương Thu Hương. Trường hợp biểu tình chống ca sĩ trong nước trình diễn ở hải ngoại có người so sánh với trường hợp tài tử trong nước Ðơn Dương ra ngoài đóng phim thì bị rút hộ chiếu, bị cấm xuất ngoại vân vân... TVT: Tôi chia sẻ với chị và cũng thấy rằng đó là một thiếu sót của người Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm, báo chí ở hải ngoại, trừ một số báo tôi cho là đứng đắn, phần đông vì xu thời, câu khách, thường mô tả xã hội Việt Nam đen tối, khủng khiếp. Khi đưa tin về tình hình trong nước thường có xu hướng thổi phồng, bóp méo. Cái cung cách thổi phồng, bóp méo này tôi cũng đã từng thấy ở một số báo trong nước nữa. Chúng ta làm vậy liệu có ích gì để lấp đi cái hố vốn đã sâu, ngăn cách trong và ngoài nước? Tôi có cảm tưởng hình như người Việt chúng ta vẫn kiên trì theo đuổi một bí quyết rất khiêm nhường và rất “đậm đà bản sắc dân tộc”: Ta nhất thiết phải có kẻ thù và kẻ thù của ta càng xấu ta càng tốt, mà là người Việt với nhau nữa thì càng tiện. Ðó là thiển ý của tôi. Bây giờ chúng ta tiếp tục câu chuyện. Theo tôi hiểu, chị không muốn hòa nhập vào các tổ chức cộng đồng? Thế chị có tham gia chút đỉnh vào việc hướng về đất nước không? HB: Tôi không tham gia tổ chức cộng đồng nào, không phải vì tâm lý phản bác như cô họa sĩ Sabina của Kundera. Các con tôi lại càng không tham gia. Nhưng chúng tôi và những người khác không quay lưng ngoảnh mặt với đất nước, chúng tôi giúp bà con, bạn bè, đồng bào và đất nước, theo cách của chúng tôi. Các con tôi làm việc cho chính phủ đều ký tặng trừ lương hàng tháng cho chương trình CFC (Combined Federal Campaign) để nhờ họ chuyển tiền đến các tổ chức giúp đỡ người tàn tật, trẻ bụi đời, trẻ mồ côi ở Việt Nam, trường dạy nghề... Vô số các tổ chức NGO (Non Governmental Organization) hoạt động cho các dự án liên quan đến việc cho người nghèo vay vốn, xây dựng trường học, xóa đói giảm nghèo, cứu lụt, cứu hạn....cũng nhận được sự đóng góp tài trợ của rất nhiều người Việt nước ngoài. Cũng kể đến số tiền hàng tỉ mà Việt kiều gửi về cho không biếu không bà con, họ hàng, bạn bè trong nước. TVT: Vắn tắt thì cộng đồng người Việt, cộng đồng gốc Á châu được đánh giá như thế nào ở Mỹ? HB: Cộng đồng nào cũng có cái tiêu cực và tích cực. Nhưng nếu nói chung, cộng đồng di dân châu Á ở Mỹ thường được đánh giá khá cao, so với các cộng đồng khác. Thí dụ, cộng đồng người da đỏ theo thống kê là có tỉ lệ tự tử cao nhất, các cộng đồng Nam Mỹ thì thường dính líu ít nhiều đến tệ nạn xã hội. Cộng đồng đến từ châu Á, trong đó có Việt Nam, được coi là cộng đồng tương đối có nhiều thành công trong việc hội nhập xã hội mới. Con số con em người Việt được đào tạo từ các trường đại học Mỹ để trở thành các chuyên gia trong nhiều lãnh vực là một con số lạc quan. TVT: Liên hệ của chị với người thân, bạn bè trong nước ra sao? HB: Liên hệ bằng tình người. Người thân thì có bổn phận liên hệ đỡ đần đã đành. Với tôi, bạn bè, không lưu ý chính kiến, bạn nào dễ thương chơi hợp thì kết bạn, trao đổi thư từ, email, điện thoại...Bình thường, như những người bạn trên đời mà ta muốn gặp. TVT: Chị không thích chơi với loại người nào? HB: Anh hỏi tôi không thích chơi với những loại người nào hả? Tôi không thích chơi với những người hô khẩu hiệu, ở trong nước hay ngoài nước, chống cộng hay thân cộng, hay không chống mà cũng không theo. Gì cũng được, miễn là đừng nêu chiêu bài, hô khẩu hiệu rồi bắt mọi người hô theo. Tôi thích và tôn trọng tự do tư duy. Nên rất thích và quý trọng cách suy nghĩ độc đáo của anh trong lúc làm phim Chuyện Tử Tế. Nói theo một giọng với đám đông, mặc đồng phục với cường quyền, mặc áo giấy với ma, thậm chí mặc cà sa đi với Phật thì bao giờ cũng sẽ được an toàn hơn, yên thân hơn, dễ dãi hơn, suôn sẻ hơn và cũng có khả năng dễ giàu có hơn, biết đâu, không chừng! Nhưng giải Nobel Văn Chương 1994, một tài năng đặc biệt của Nhật Bản, Oe Kenzaburo đã từng ví nước Nhật của ông như một con điếm, và tệ hơn, như bộ phận sinh dục của một con điếm chuyên bán dâm cho lính Mỹ, thì sao? Lúc đầu người Nhật phản ứng và kết án ông là phá hoại, nhưng sau đó thì tôn sùng ông như một thầy thuốc đã giúp người Nhật và nước Nhật chữa được những vết thương do tinh thần tự ái dân tộc gây ra. TVT: Nếu chúngta còn rất ít thì giờ được hiện hữu trên cõi đời này, cần nói lời cuối cùng, chị sẽ nói điều gì? HB: Chúc mọi người ở lại, trong đó có các con tôi, các bạn bè tôi được hưởng thật nhiều tự do và hạnh phúc hơn tôi. Với đồng bào Việt Nam ở trong nước, đừng để tôi suy nghĩ là nước người đã cho tôi nhiều tự do hơn nước tôi đã cho tôi và đồng bào tôi. TVT: Tôi cảm ơn chị đã dài dòng trò chuyện với tôi. Tôi chúc chị luôn vui tính và chỉ gặp những người thích đùa. Virginia, mùa Giáng sinh 2002 Nguồn: Trần Văn Thủy, “Nếu đi hết biển”, Thời Văn, 2004, tr. 79-93