Huy Đôn Hồ Phạm dịch
Gạo đắng
Brigitte Voykowitsch

Gạo và đồng lúa thường xuất hiện trên tựa những cuốn sách về Việt Nam. Cảnh những con người, phần lớn là phụ nữ đội nón lá, lom khom gặt hái trên những đồng lúa xanh mướt là một trong những môtíp bưu thiếp và nhiếp ảnh được khách du lịch chuộng nhất. Nhưng cái đẹp bề ngoài này lại khiến Dương Thu Hương liên tưởng đến một hiện thực đời sống có thể dùng những khái niệm như nhục nhằn hoặc đàn áp để mô tả. Trong tựa đề một tiểu thuyết của bà cũng có từ "gạo", nhưng đi cùng với phụ từ "đắng" [1]. Dương Thu Hương nói: "Dân tộc tôi nhọc nhằn kiếm sống. Trước kia dân tộc tôi dồn sức, năng lực và trí tuệ để chống ngoại xâm, còn nay để kiếm sống, vì bát cơm manh áo. Ai sống nhờ lúa và đồng ruộng thì phải lội bùn. Khi phải còng lưng gặt lúa người ta không thể ngẩng mặt lên trời được." Trời ở đây với bà không phải là thượng đế hay cõi Niết Bàn mà là điều kiện sống cho thế giới này, là tự do dân chủ mà bà vẫn bảo vệ trong những tác phẩm văn học và chính trị của mình từ gần hai thập kỉ nay.
Bị bôi nhọ và uy hiếp
Ðã có lần bà tuyên bố chưa bao giờ có ý định trở thành nhà văn, chỉ đơn giản "từ nỗi đau" mà bà buộc phải cầm bút, thế thôi. Và bà sẽ tiếp tục viết dù hơn một thập kỉ nay tất cả các tác phẩm của bà chính thức bị cấm ở Việt Nam. Dương Thu Hương tự xem mình là con chiên ghẻ, là persona non grata đối với cái chính quyền đang theo dõi bà, đã cắt điện thoại của bà từ hơn một năm nay và tìm cách ngăn chặn mọi liên lạc giữa bà với người ngoài. Lần bắt liên lạc đầu tiên qua nhiều đường vòng được Dương Thu Hương trả lời rằng nếu chúng tôi gặp bà thì có thể lần sau sẽ không được chính quyền cấp thị thực nhập cảnh nữa. Gần đến ngày hẹn, liên đoàn các hội hữu nghị Việt Nam phụ trách các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng cảnh cáo như thế.
Rồi cuộc gặp cũng diễn ra ở Hà Nội không gặp trở ngại gì. Trước khi trả lời câu hỏi đầu tiên, Dương Thu Hương nhắc rằng tai bà không được tốt. Năm 1968 màng nhĩ bên phải của bà bị thủng vì những đợt ném bom dữ dội trong chiến tranh Việt Nam, hay „Kháng chiến chống Mỹ“ như cách gọi ở Việt Nam. Nếu sống ở nơi khác thì bà đã đi phẫu thuật từ lâu rồi. "Nhưng vì là một con chiên ghẻ ở đây nên tôi không dám vào bệnh viện. Ở nước chúng tôi, bệnh viện là nơi người ta rất dễ giết mình hoặc giết người."
Vào năm 1967, lúc 20 tuổi, Dương Thu Hương vào một tiểu đội thanh niên xung phong "tiếng hát át tiếng bom". Chỉ có 3 trong số 40 thành viên tiểu đội còn sống sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Vậy mà năm 1979 Dương Thu Hương lại ra mặt trận khi Trung Quốc tấn công Việt Nam vì quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia lật đổ chính quyền Khmer đỏ được Bắc Kinh ủng hộ. Ðối với Dương Thu Hương, bảo vệ điều mình tin là chuyện đương nhiên, ngay cả khi nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên bà cũng quyết từ chối mọi hình thức sùng bái anh hùng, nhất là khi chính quyền Việt Nam lạm dụng sự sùng bái này để trói buộc nhân dân.
Ngày 7 tháng 5 năm nay là lễ kỉ niệm 50 năm chiến thắng Pháp ở Ðiện Biên Phủ. Sang năm là kỉ niệm 30 năm ngày Sài Gòn thất thủ. Nhưng đằng sau những tôn vinh chính thức này, Dương Thu Hương lại thấy những nỗi đau không được phép nhắc đến, những câu hỏi cấp thiết không được phép đặt ra, những lời kết án đúng đắn không được phép nêu lên. Vì đức tin, bà đã tham gia kháng chiến chống Mỹ. Nhưng không lâu sau ngày giải phóng Sài Gòn bà cảm thấy mình bị lừa, khi nhận thức được "cuộc kháng chiến chống ngoại xâm" thực chất ban đầu là cuộc nội chiến giữa miền Bắc cộng sản và chính quyền quân phiệt theo tư bản ở miền Nam.
Bà cho rằng cái nhìn chính thống về chiến tranh là giả dối. "Ðất nước này đã phải trả một cái giá quá đắt để nuôi dưỡng quân đội và công an, những lực lượng an ninh này hiện so với dân số vẫn quá nhiều về số lượng. Dân tộc này đã mất hàng triệu người, đã xuất hết sức lực cho chiến tranh để hôm nay không còn sức mà sống một cách đàng hoàng nữa. Chính quyền lại biết cách lợi dụng điểm yếu và trạng thái tâm lý này của dân chúng. Các lực lượng an ninh hưởng lợi bằng cách vừa cai trị̣ và đàn áp, lại vừa phỉnh nịnh người dân bằng những ngôn từ khoác lác về quá khứ cũng như về cuộc chiến chống Mỹ. Chính quyền này chẳng khác gì kẻ làm tình với xác chết, lấy sức mạnh từ quá khứ để trấn áp dân chúng. Và dân chúng cũng đủ mù quáng để mê mẩn những lời khoác lác đó. Thông thường một nước càng nghèo bao nhiêu lại càng say mê huyền thoại bấy nhiêu, vì ở đó người ta phải bám vào những huyền thoại để tồn tại, để quên đi hiện thực đắng cay."
Nỗi sợ thẳm sâu
Theo Dương Thu Hương thì tất cả những số liệu tử vong trong cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ từng được chính quyền công bố đều là bịa đặt vì chúng quá thấp. "Nhưng chính quyền lại nương vào sự mê muội và hèn nhát của dân chúng. Mọi người đều biết điều ấy từ lâu nhưng tất cả đều câm lặng." Năm 1987 dường như có thay đổi. Thế nhưng "đúng là một trò lừa đảo!" như Dương Thu Hương hồi tưởng. "Chính quyền này chưa bao giờ thành thật với dân cả." Vào thời điểm đó "lời kêu gọi các nhà văn và giới trí thức hãy nói thẳng nói thật và đóng góp vào công cuộc đổi mới xã hội" chỉ là lừa đảo. Từ đầu những năm 80 Dương Thu Hương đã chống lại kiểm duyệt, giờ đây bà đề cập đến việc đảng cộng sản phản bội những tiêu chí trước kia, sự tham nhũng trong nội bộ đảng, sự vong thân vì tham chức quyền của giới trí thức và cuộc cải cách ruộng đất gây hậu quả trầm trọng hồi những năm 50 trong nhiều tiểu thuyết của mình. Tác phẩm của bà được tiêu thụ đến hàng trăm nghìn bản. Những bài chính luận đòi hỏi dân chủ và nhân quyền của bà gây được tiếng vang lớn.
Thế nhưng mùa xuân chính trị mới chớm dậy chỉ một năm sau cuộc mở cửa về mặt kinh tế, còn gọi là Đổi Mới, không kéo dài được bao lâu. Trước tình hình xáo trộn ở Ðông Âu, chính quyền lại vội vã cuống cuồng tìm cách làm câm hẳn những tiếng nói mang tính phê phán. Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh có mời Dương Thu Hương đến gặp mình,"ông ta yêu cầu tôi cộng tác, hứa cấp cho tôi một căn nhà như cho các bộ trưởng và mời tôi đến dùng cơm. Nhưng tôi từ chối." Dương Thu Hương bị khai trừ khỏi đảng, sách của bà bị cấm, năm 1990 bà phải ngưng quay cuốn phim "Nơi nương náu của những người tuyệt vọng" vì lời đe dọa công khai "nếu không thì xin tí huyết" và toàn bộ phim âm bản đều bị hủy. Tuy nhiên bà chuyển được một tác phẩm nói về những mất mát của con người trong chiến tranh và sự đồi bại của chủ nghĩa anh hùng với tựa Tiểu thuyết không đề sang phương Tây. Sau đó bà bị bắt vào năm 1991.
Giờ đây bà bảo: "Những nhà văn ít ỏi còn can đảm phải lên tiếng. Vì mọi người đều sợ, sợ đến phát khiếp cái gọi là lực lượng an ninh. Nhưng các tác giả phải lên tiếng rằng cái giá phải trả là quá đắt, phải kể ra sự thật là người ta đã chết ra sao. Họ ngã xuống như lá rơi xuống đất, rối lặng lẽ mục rữa trong bùn lầy. Và giờ đây người ta kỉ niệm cái chiến thắng vô nghĩa với dân tộc chúng tôi một cách tởm lợm bằng tuyên dương và diễu hành. Sự trọng thể này chỉ để đè nén những giọt nước mắt và những lời kêu gào vì cuộc sống bất công."
Nhờ sự phản đối của quốc tế nên bảy tháng sau Dương Thu Hương được trả tự do. Năm 1994 bà sang Pháp vài tháng nhưng lại bị tước hộ chiếu sau khi về nước. Từ đó bà không rời Việt Nam nữa, một mặt vì chính quyền đã nhiều lần từ chối không cho bà đi theo những lời mời từ nước ngoài, mặt khác vì bà biết quá rõ là "người ta không muốn gì hơn là trục xuất tôi. Chính vì thế mà tôi phải ở đây. Như chơi cờ vậy." [2]
Dương Thu Hương bảo bà không sợ gì cả. "Tôi sống bình thường vì tôi sẵn sàng chết bất cứ lúc nào. Ðã hai lần người ta dàn cảnh tai nạn hòng giết tôi." Những người chống đối chính phủ khác cũng tường thuật về những tai nạn như vậy. Dương Thu Hương nói: "Ai rồi cũng phải chết. Nhưng tôi muốn sống theo nguyên tắc của tôi. Ít nhất người ta phải nhổ vào những bộ mặt quyền lực để vượt qua cái sợ đang làm mọi người ở đây tê liệt." Cuối năm nay thêm một tiểu thuyết nữa của bà sẽ được xuất bản bằng tiếng Anh với tựa đề No Man’s Land. Còn bà hiện đang viết một tác phẩm mới về những khó khăn về tâm lý của giới trẻ sau chiến tranh. Dù viết gì đi nữa thì tự do và dân chủ vẫn là những đề tài lớn của bà.

[1]„Bitterer Reis“ (Gạo đắng) là tựa đề bản dịch tiếng Đức cho tác phẩm „Những thiên đường mù“ của Dương Thu Hương (Goldmann, München 1991)
[2]Liên hoan văn học thế giới lần thứ 4 tại Berlin (21.9.2004-02.10.2004) đã chính thức mời nhà văn Dương Thu Hương tham gia: http://www.internationales-literaturfestival-berlin.de/bios1_1_5_200.html. Đây là lần đầu tiên một nhà văn từ Việt Nam được mời tham gia Liên hoan này.