hời Lý Cao Tông, Đàm Dĩ Mông làm quan đã có lúc lên tới chức phụ quốc thái phó, quyền uy khét tiếng cả triều đình. Bởi cậy quyền mà đánh Nguyễn Bảo Lương nên đến năm 1203, Đàm Dĩ Mông bị phe cánh Nguyễn Bảo Lương trả thù, bị vua giáng xuống hàng đại liêu ban. Nhưng rồi về sau, kinh thành náo loạn, chính sự rối ren, tên tuổi Đàm Dĩ Mông gần như bị chìm trong quên lãng. Vào năm Kỉ Tị (1209), để trả thù vụ Phạm Du giết chết cả chủ tướng của mình là Phạm Bỉnh Di, Quách Bốc đã đem quân đội đánh thẳng vào cấm cung, bắt cả vương tử Thầm và vương tử Hạo sảm về Hải Ấp. Bấy giờ, mặc dù trên danh nghĩa, triều đình Cao Tông vẫn còn đó, nhưng bọn Quách Bốc đã cùng nhau lập vương tử Thầm lên ngôi. Sau, họ lại lấy cớ vương tử Thầm chỉ là con thứ nên lập vương tử Hạo sảm. Có lẽ lúc ấy do vương tử Hạo Sảm chỉ mới 15 tuổi, dễ sai khiến hơn nên họ mới lập Hạo sảm làm vua thay cho vương tử Thầm. Một triều đình nhỏ tồn tại ở ngoài một triều đình lớn đã được thiết lập. Trong triều đình nhỏ của Hạo Sảm, Đàm Dĩ Mông bỗng dưng được cất nhắc, cho làm đến chức thái úy.Triều đình nhỏ này tồn tại chưa được bao lâu thì bị vua Lý Cao Tông giải tán. vương tử Hạo sảm lại trở về kinh. Đàm Dĩ Mông và tất cả những ai đã nhận chức tước do Hạo sảm ban đều vì thế mà rất lo lắng cho số phận của mình. Để lập công chuộc tội, Đàm Dĩ Mông đã phản bội những người trước đã cùng mình nhận chức tước của Hạo Sảm, bắt họ về nạp cho Lý Cao Tông. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 20 - a) chép rằng:“Mùa thu, tháng 7 (năm Canh Ngọ, 1210 ND) Dĩ Mông đem 28 người nhận tước phong của vương tử (Sảm) dâng Vua. Đỗ Anh Doãn (cũng có sách viết là Đỗ Anh Triệt ND) đường đường kể tội Dĩ Mông rằng:- Mày là đại thần của nước, đã đem lòng vô quân, nhận tước phong của giặc, nay lại cùng ngồi với ta, ta tuy bất tài nhưng còn mặt mũi nào mà nhìn mày nữa.Dĩ Mông vừa thẹn vừa sợ mà lui”.