Sau ngày khởi nghĩa bất thành, Hai Vĩnh vẫn tiếp tục lui tới gia đình ông Tám Mạnh. Chuyện hôn nhân của anh kể như được gia đình nhà gái đồng ý tuy thỉnh thoảng có người bàn ra tán vào. Đứng đầu nhóm này vẫn là cô Chín hãy còn cay cú vì vụ làm mai thất bại. “Thằng mạt từ đường đó làm sao bằng thằng thầy ký của tao? Để rồi bây coi, nó chẳng có tiền đâu mà sắm sanh lễ cưới”. Một hôm, nhân lúc nhà vắng người, cô Tư lén nhét vào tay Hai Vĩnh một gói nhỏ: - Anh cầm số tiền này sắm đôi bông… - Tiền đâu vậy cô Tư? - Tiền nuôi heo của tôi đó. Hai Vĩnh trả lại: - Không! Đôi bông cưới phải do tiền của tôi mua sắm. Tôi không phải là hạng “thực- lộc- chi- thê”… - Nhưng biết chừng nào anh mới có tiền? Không lẽ mình ở vậy hoài? - Cô Tư nhét gói vào túi Hai Vĩnh nhưng anh vội vàng chặn lại: - Tôi nói không là không. Nếu cô Tư thật lòng thương tôi thì xin vui lòng chờ một thời gian. Tôi hứa với cô Tư chậm nhất là một năm tôi sẽ có “chưn đứng” và sẽ xứng đáng là rể nhà này. Tôi không muốn vì cô Tư ưng tôi mà trong gia đình xào xáo. Cô Tư hãy cất số tiền này đi! Từ giây phút ấy, ý nghĩ làm anh chị lại trở về với Hai Vĩnh. Không còn con đường nào khác. Cách mạng đang lúc thoái trào, Bảy Trân cùng các đồng chí của ông ta rút vào bí mật. Tin tức về những vụ đàn áp đẫm máu được bí mật truyền miệng. Tây xử tử Nguyễn Thị Minh Khai tại Hóc Môn. Tây bắt cả trăm người tình nghi nhốt đầy các khám. Tại Vĩnh Kim, Chợ Giữa, máy bay bỏ bom ngay lúc chợ đang nhóm, tàn sát cả trăm người. Tại Cà Mau, Tây xử bắn thầy giáo Ngọc Hiển và các đồng chí của ông đã cướp chính quyền tại Hòn Khoai, giết thằng Tây Oliviê (1). Có những hình phạt tàn bạo hơn thời trung cổ: dùng dây thép xỏ vào lòng bàn tay tội nhân cột cả xâu, đưa xuống sà lan nhận chìm ngoài biển khơi, xuất phát từ Nhà Bè. Có điều Hai Vĩnh ngạc nhiên là thay vì gây khủng khiếp, định làm mất tinh thần những người yêu nước thì những biện pháp cực kỳ độc ác đó càng làm nung chí căm thù. Các đám giang hồ vùng ngoại thành Sài Gòn- Chợ Lớn trước đây ngưng hoạt động để dành sức đánh Tây nay tiếp tục “đi hát” và chĩa mũi nhọn vào đám làng xã, cai tổng, hội đồng. Đêm nào trống mõ cũng khua vang. Trong tổng Tân Phong Hạ, nhóm Năm Nhỏ đánh nhà đại hương cả Sảnh tại xã Bình Đăng. Nhà máy kín cổng cao tường, lại có bầy chó “bẹc giê” hung hăng như cọp dữ. Nhưng Năm Nhỏ chỉ cần bắn một phát “sơ-vơ-rô-tin” hạ con chó đầu đàn, đám còn lại cụp đuôi chạy hết. Cả Sảnh là cậu ruột Bảy Trân. Bên ngoại Bảy trân toàn dân giàu có, làm làng, làm tổng; ngoài cả Sảnh là cậu Năm, còn có hương trưởng Quyên ở Đa Phước là cậu Chín, cai tổng Quốc là cậu Mười. Nhóm Ký Huỳnh ở xã Hưng Long, Cần Giuộc cũng đánh nhà Hội đồng Mùa. Tại đây, khi chống cự, Hội đồng Mùa bị bắn chết. Cũng cần giới thiệu sơ về tướng cướp Ký Huỳnh. Con nhà giàu, đậu Đíplôm (2), làm thư ký quận trong tỉnh Chợ Lớn, nhưng Ký Huỳnh thích sắm súng đi ăn cướp hơn là làm ký cóp. Bảy Trân cũng đã tranh thủ Ký Huỳnh tiếp tay trong cuộc khởi nghĩa vừa qua. Ký Huỳnh hướng ứng bằng cách “để lại” cho ông một khẩu súng sáu 7,65 ly với giá một trăm đồng. Cò súng đã gãy nhưng không hề gì, Bảy Trân nhờ một công nhân Ba Son bí mật sửa giùm. Tướng cướp lừng danh Tư Hoạnh ở cầu Ông Thìn cũng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Tư Hoạnh xưng là “cố”- chức cao nhất trong giới lục lâm: cha, ông nội, cố nội- nhưng lại xưng là cháu với Bảy Trân vì cha hắn là sui gia với người anh thứ hai của Bảy Trân. Sau vụ xuống đường bất thành, Tư Hoạnh “đi hát” trở lại. Trong một tổng nhỏ chỉ có năm xã mà có ba nhóm giang hồ chia nhau “đi hát” và “ăn hàng”, làng lính nào chịu nổi! Các cuộc đi ruồng của bọn GCL, (chữ tắt của Garde Civile Locale)- mà dân làng gọi là bọn “chân xanh mắt ếch” vì chúng quấn xà cạp xanh nơi ống quyển- cũng chỉ tiến hành cho có lệ. Chúng không dám nhũng nhiễu, bắt hương chức hội tề đãi đằng rượu thịt như ở các nơi khác. Bọn này tới đâu như bầy hung thần gieo tang tóc tù đày tới đó. Thường thì chúng đi từng trung đội, được trang bị xe đạp, mùng mền, ngoài súng trường, còn có một khẩu trung liên FM. Nhờ Bảy Trân nhiều lần căn dặn, các nhóm tham gia khởi nghĩa giữ bí mật tuyệt đối nên làng lính trong tổng không hề hay biết. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như trước. Bên ngoài, trại ruộng ông Tám Mạnh chỉ là nơi dạy võ, nhưng bên trong, đây là đầu não của các nhóm Tư Phương, Mười Nhỏ, Năm Hồi. Hai Vĩnh quyết chí về Long Kiểng làm anh chị tại quê nhà. Với ý đồ đó, anh chấp nhận những vụ “thử lửa” để xác định ngôi thứ. Đúng vào lúc ấy, có ba tên du đãng từ xa tới tác oai tác quái. Chúng là Sáu Hóa, Bảy Huê, Bảy Tui, từng chém Năm Nhàn là anh chị nổi tiếng, chủ sòng bạc và trường gà ở Phú Lạc, rồi chạy sang các xã lân cận ẩn náu. Chúng kéo tới nhà Hai Thạnh chọc ghẹo các cô em gái một cách sỗ sàng. Ông già của Hai Thạnh bực mình đuổi đi thì chúng sanh sự. Hai Thạnh chạy tới nhờ Hai Vĩnh can thiệp. Từ lâu luyện tập võ nghệ, Hai Vĩnh chưa có dịp thi thố, nay nghe bạn cầu cứu, anh vui vẻ nhận lời. Anh áp dụng lời dạy của ông Tám “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Trận đánh diễn ra trong một quán nước tại ngã ba đường, sát nhà hội xã Nhơn Đức. Ba tay du đãng này vừa cướp tiền ông già của Hai Thạnh. Thức nhậu cùng chai la-ve (3) đầy bàn. Hai Vĩnh và Hai Thạnh bước vô quán, ngồi ở bàn đối diện. Hai Vĩnh đi ngay vô đề: - Các anh chém Năm Nhàn ở cầu Xóm Rượu, Đa Phước, trốn qua Phú Lễ, lại cướp sòng bạc, trường gà rồi chạy qua đây. Bây giờ lại tái diễn trò ăn nhậu trên tiền của mồ hôi nước mắt của thiên hạ… Sáu Hóa mặt đỏ gay, cất giọng sặc mùi rượu: - Mày là ai? Đừng có xạo sự! Đi chỗ khác chơi! Bảy Huê dằn mạnh ly rượu: - Rồi sao, mày muốn gì? Hai Vĩnh vẫn một giọng ôn tồn: - Tôi muốn các anh trả tiền lại cho ông già anh bạn tôi đây- anh chỉ Hai Thạnh- rồi đi chỗ khác chơi. Bảy Tui xô ghế đứng lên: - Làng lính, cai tuần, hương quản sở tại còn không dám hó hé, mày là cái thá gì mà tới đây ọ ẹ? Hai Vĩnh cũng đứng lên: - Tôi đã nói chuyện tử tế, các anh không nghe lại toan sanh sự. Vậy thì đừng trách- Chưa dứt lời anh phóng một đá vào mặt Bảy Tui. Tên này nhanh mắt lách kịp chụp chai la-ve phang vô ngựa Hai Vĩnh. Hai Vĩnh xoay mình né, cái chai rơi xuống sàn gạch bể tan. Tức thì hai tên kia nhào ra vây lấy Hai Vĩnh và Hai Thạnh. Hai Thạnh cũng là tay có nghề nên cùng với Hai Vĩnh đương cự. Trong đám này, Bảy Tui hầm hừ hơn hết nên Hai Vĩnh quyết hạ cho được để dằn mặt hai tên kia. Một cú đá của anh tống Bảy Tui văng ba thước. Tức thì Sáu Hóa chụp cây “độc lá hẹ” xông tới đâm nhầu. Hai Vĩnh cười lạt lùi ra xa: - Màn tay không thua rồi, bây giờ tới màn võ khí! Được!- Anh đảo mắt nhìn quanh. Trong góc có một cán cuốc cùn. Anh với ngay và biến cán cuốc cùn thành ngọn roi lợi hại. Sáu Hóa chịu không nổi vác cây độc chạy dài. Bên kia, Bảy Huê đang xách dao chém Hai Thạnh, thấy Sáu Hóa bỏ chạy, cũng co giò chạy luôn. Hai Vĩnh và Hai Thạnh đuổi theo tới cầu Rạch Tôm, cách nhà hội Nhơn Đức khoảng một cây số, Hương quản Thể chặn Hai Vĩnh lại, năn nỉ: - Cho tôi xin đi chú Hai. Như vậy là biết ai ai thắng ai bại rồi. Hôm nay là mùng ba Tết, không nên gây đổ máu… Sau trận này, tên tuổi Hai Vĩnh bắt đầu lan khắp vùng. Các tay du đãng tôn anh lên hàng anh chị. Từ đó mỗi khi gặp khó khăn hiếp đáp, dân chúng đều nhờ “anh Hai” hay “chú Hai” giúp giùm. Các ghe thương hồ qua lại cũng nhờ “anh Hai” cho ám hiệu để các tay “thủy khẩu” trong vùng không “ăn hàng”. Dần dần Hai Vĩnh trở thành một sở bảo hiểm đủ loại mà không cần đóng “pa-tăng”. Nhưng vụ “thử lửa” sau đây mới đưa tên tuổi Hai Vĩnh tới cò bót trên tỉnh Gia Định và thành phố. Đó là vụ đấu giá hoa chi chợ Long Kiểng. Thằng Chà ở cầu Rạch Dơi, xã Long Hậu chuyên nghề “anh-đi-ca-tơ”- loại lính kín hạng bét- quyết đấu giá chợ Long Kiểng cho được để vợ bé hắn thu thuế hoa chi. Vợ bé hắn ở sát chợ này nên rất tiện trong việc thu thuế chợ. Để cho chắc ăn, hắn mua một số du đãng làm hậu thuẫn và bắn tiếng “với giá nào cũng chơi” nếu có ai “xâm mình” ra đấu thầu tranh giành với hắn. Hai Vĩnh không ưa lính kín, nhất là sau ngày được tiếp xúc với Bảy Trân. Cho nên khi có người tới nhờ giúp tranh với tên Chà, anh nhận lời ngay… Địa điểm đấu thầu là tòa bố Gia Định. Ngày ấy tất cả những người đấu thầu đều tập trung tại mấy tiệm nước bên hông Lăng Ông, Bà Chiểu. Cũng tại đó, hai bên dàn trận, phô trương lực lượng. Không bên nào nhân nhượng bên nào. Dao con chó, bàn tay sắt đều thủ sẵn trong người. Trong lúc đó, Hai Vĩnh ngồi quán nước tại Chợ Cũ, chờ em út về báo cáo diễn tiến cuộc đấu giá tại Bà Chiểu. Hai Vĩnh đang ngồi quay lưng vô vách, mắt nhìn ra ngoài- đó là thế thủ anh thường dùng, không sợ kẻ thù tấn công từ phía sau- bỗng một người to cao xăm xăm bước vô, miệng hô “chém!”, tay quơ dao. Ngày ấy, cùng ngồi với Hai Vĩnh có bạn nối khố Bảy Rô. Hai Vĩnh chưa kịp phản ứng thì Bảy Rô nhanh tay hất tung mặt bàn lên. Lưỡi dao chặt “phụp” vào cạnh bàn, Hai Vĩnh nhảy trái mấy bước, nhận mặt kẻ hành hung: - Ủa anh Bảy Môn! Tôi với anh có thù oán gì? Người chém anh đúng là Bảy Môn, tay anh chị ở Thủ Thiêm. Bảy Môn hầm hừ: - Không thù oán gì, nhưng người ta nhờ tao… Hai Vĩnh cười lạt: - Bọn giang hồ mình đâu phải ai nhờ cũng giúp! Thằng Chà “anh-đi-ca-tơ” là thằng có nợ máu với nhiều người, tại sao anh giúp nó? Mình phải biết phân biệt chánh tà, phải trái. Bảy Môn hơi ngượng, nạt ngang: - Tao không biết! Nhưng hai bên không có thì giờ đấu lý. Tên Chà đã bố trí mọi việc. Đúng lúc Bảy Môn vào quán sanh sự với Hai Vĩnh thì cảnh sát ập vào bắt Hai Vĩnh giải về bót Thương Khẩu ở bến sông Sài Gòn về tội du đãng. Thằng cò Tây nhìn anh không chớp: trước mắt hắn không phải là một tên đâm thuê chém mướn mà là một thanh niên ăn mặc tươm tất, quần “tuýt-xo” áo lụa lèo, giày “béc-ca-na”, mũ phờ-rết-sê mười tám đồng một cái, bán tại hiệu Phan Bá, cửa hàng sang trọng nhất ở đường Đết-pan (d’Espagne). - Theo đơn tố cáo, mày là du côn đứng bến… Với tất cả bình tĩnh, Hai Vĩnh tranh thủ tên cò: - Du côn đứng bến có nghĩa là mặt thẹo, mình xâm, mặc áo banh ngực, nói tục chửi thề. Nhưng ông thấy tôi đây, mặt không thẹo, mình không xâm- anh cởi áo sơ-mi vạch lưng, ngực cho tên cò xem rồi cài nút lại- ông cũng đã thấy cách ăn mặc, nói năng của tôi, bây giờ tùy ông phán đoán. Thằng cò giải quyết thật gọn: chuyển đơn và người lên cấp trên. Hai Vĩnh được đưa về bót Catina (Catinat) gần nhà thờ Đức Bà. “Thế là lần đầu tiên mình được vào Lít-xê (4) Khám Lớn”, nói theo cách trào lộng của ông Bảy Trân. Hai Vĩnh nghĩ thầm như vậy khi nằm khám Catina. Nhưng tương lai không mù mịt như anh tưởng. Ngay khi anh bị giải về bót Thương Khẩu thì em út của anh đã phóng về cấp báo với ông Tám Mạnh. Lập tức ông Tám nhắn Huyện Bảo, chủ sự phòng tư pháp, vận động cho Hai Vĩnh sớm được trả tự do. Huyện Bảo từng học võ tại lò ông Tám. Nhờ Huyện Bảo chạy lo kịp thời, Hai Vĩnh chỉ nằm khám có bảy ngày rồi được thả về. Điều anh vui mừng hơn hết không phải là được tự do ra về, không lãnh án tiết gì hết- mà là hay tin thằng Chà rút lui vào giờ chót và người nhờ anh giúp đã đấu thầu được. Người này gởi đến anh một số tiền lớn gọi là đền bù sở phí 1 tuần lễ anh kẹt trong bót Catina. Đây là số tiền lớn nhất trong những ngày đầu Hai Vĩnh đứng ra làm anh chị. Với số tiền này, anh trích một ít gởi về giúp cha mẹ và bầy em, còn lại mua sắm đôi bông và chiếc nhẫn xoàn làm quà cưới cô Tư. Anh xem lịch cẩn thận và thấy mình giữa đúng lời hứa: chưa đầy 1 năm anh đã tạo được chân đứng và đủ sức sắm lễ vật bằng đồng tiền do mình tạo ra. Anh tự thấy xứng đáng với gia đình nhà vợ. Ngày Hai Vĩnh mang lễ vật sang chính thức xin cưới cô Tư, người ngạc nhiên nhất cố nhiên là cô Chín. Nhìn những viên thạch xoàn năm ly, bảy ly, bà chóa cả mắt. Bà có hơi ngượng về những lời lẽ chê bai Hai Vĩnh trước kia, nhưng bà xoay trở cũng hay: “Nếu hồi đó mình dễ dãi với nó thì nó đâu được như ngày nay. Người xưa nói “Nhi nữ tạo anh hùng” là phải lắm”! Bà con xa gần đều khen cô Tư có mắt tinh đời, biết chấm Hai Vĩnh từ lúc anh còn hàn vi dưới lớp áo làm công trong nhà máy xay lúa của Sáu An tại ngã tư sông cầu Rạch Đỉa. Người vui nhất là ông Tám Mạnh. Ông mến Hai Vĩnh ngay từ ngày Hai Vĩnh mới tới lò võ. Là thầy dạy võ, ông Tám có con mắt nhà nghề. Chỉ nhìn thoáng qua, ông biết người mới đến có đáng cho ông truyền nghề hay không và truyền hết bài bản hay giữ lại vài miếng đề phòng trường hợp trò phản thầy? Với Hai Vĩnh ông không hề bận tâm về những chuyện rắc rối ấy. Khi bắt tay vào dạy, ông Tám càng phấn khởi hơn. Cậu học trò mới này sáng dạ làm sao! Chỉ biểu diễn qua một lần là cậu ta đã “lấy nghề” dễ dàng, không cần phải ôn đi tập lại nhiều lượt. Đó là nhờ Hai Vĩnh biết kết hợp lý thuyết với thực hành, biết tập trung vào những cái chính và lướt qua những cái thứ yếu… Tết năm 1943, Hai Vĩnh chính thức là rể ông Tám Mạnh. Chú thích: (1) Olivier: Phụ trách hải đăng tại Hòn Khoai (2) Diplôme (Bằng thành chung - tốt nghiệp cấp 2) (3) La-ve (Tiếng Pháp là bière) bia (4) Lít-xê (Lycée) Trường trung học thời Tây