rancisco quyết định sẽ lưu lại Naple trong mùa đông.
Chỉ ít ngày sau khi đến Naple, anh rất ngạc nhiên khi vị tùy viên của Tòa đại sứ Tây Ban Nha trao cho anh một văn bản vô cùng quý giá. Đó là chỉ dụ mang ấn tín của Hoàng đế Charles IV quyết định ân xá cho anh.
Francisco không dám tin diều ấy là thật. Còn anh bạn Giuanito không kìm nổi sự vui mừng, anh ta dự kiến tổ chức tiệc ăn mừng được trở về Madrid.
Vừa đến Madrid, Francisco vội đi thăm Daparte ngay để cảm ơn bạn đã giúp đỡ anh tận tình. Anh cũng mụốn đến thăm công tước phu nhân Alper, vì nhờ nàng đã vận động với Thủ tướng và đức vua mà anh được ân xá. Nhưng nàng không có mặt tại kinh thành. Nữ công tước đã theo Hoàng đế, Hoàng hậu ngự du về vùng Andalousie, chưa biết rõ ngày trở về. Francisco đành hoãn cuộc viếng thăm.
Hôm sau, anh tìm được một căn nhà kho rộng ở một khu phố nhỏ, có thể làm xưởng vẽ được. Căn nhà thoáng đãng, nhiều ánh sáng, lại có gian phòng nhỏ dùng làm phòng ngủ cho Giuanito và anh. Anh lập tức bắt tay vào công việc, dùng ngay hàng xóm trong khu phố làm người mẫu, hối hả vẽ nhưng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.
Anh vẽ theo trường phái hiện thực, nhưng phương pháp thể hiện lại vượt hẳn cách nhìn của những cặp mắt thông thường. Những tác phẩm của anh vào thời kỳ ấy, thể hiện tấm lòng ưu ái của nghệ sĩ đối với con người sống ở tầng lớp dưới của xã hội, những người nghèo khổ, bị áp bức bóc lột, bị giam hãm trong vòng dốt nát tối tăm.
Cùng với ý tưởng nghệ thuật đã chín chắn, quan điểm chính trị của anh cũng có phần già dặn hơn. Anh trở nên cẩn trọng. Tuy vẫn giữ mối thông cảm và liên hệ sâu sắc với tầng lớp cùng khổ dưới đáy xã hội nhưng anh không gay gắt chống đối những kẻ giàu sang có quyền thế, không lớn tiếng kêu gào đấu tranh chống lại bất công, và tìm cách thay đổi ngay trật tự xã hội như trước nữa. Anh hiểu một cuộc thay đổi lớn lao như vậy phải có những bước tuần tự, theo từng giai đoạn, từng hoàn cảnh cụ thể. Phương pháp đấu tranh mềm dẻo mang lại nhiều hiệu quả hơn cách dùng bạo lực. Anh tin là tòa án giáo hội Tây Ban Nha một ngày kia sẽ bị xóa bỏ, vì nó trái ngược ngay cả với giáo lý đạo Thiên Chúa. Nhưng trực diện dấu tranh công khai quá sớm, trong lúc uy thế nó còn mạnh là một việc làm rồ dại. Sớm muộn gì thời điểm cáo chung cũng sẽ đến.
Trong khi nung nấu, chờ đợi cuộc chuyển biến lớn trong vận mệnh đất nước, Francisco lao vào làm việc như trong một cơn sốt.
Người mẫu được anh quý trọng nhất là một “maja” nhà ở ngay trước xưởng vẽ, cô gái tên là Pépa, tính tình trầm tĩnh, có đôi mắt to, đen ngây thơ và thành thật. Cô có thể đứng làm mẫu hàng giờ không mệt. Anh đã vẽ cô trong rất nhiều ký họa, tranh chân dung. Anh thích nhất những nét giản dị trên dung nhan cô.
Một hôm khi Pépa đang ngồi làm mẫu cho anh vẽ, bỗng thấy Giuanito chạy ào vào xưởng. Anh chàng hộ pháp vui sướng reo lên:
- Goya! Xong rồi!
- Cái gì xong rồi? - Francisco làu bàu, không hề ngước mắt lên.
- Tôi đã bán hết những bức tranh mà anh giao cho tôi. Công việc chẳng có gì khó khăn cả. - Anh nói lớn. - Bao nhiêu năm nay tôi chỉ là một thằng nô lệ, sống qua ngày với những con bò tót trên vòng đấu. Bây giờ thì chấm dứt rồi. Tôi có thể đàng hoàng đến chỗ bọn buôn tranh và bảo: “Này các anh, ngài Francisco Goya cho phép tôi bán những tác phẩm hội họa này đây”. Thế là họ nhảy cẫng lên, tranh nhau. Tôi chỉ việc chờ gã nào trả giá cao hơn cả. Và trong hơn một giờ đồng hồ tôi kiếm được số tiền hơn cả tháng làm cặm cụi trước đây! Goya! Anh hào phóng quá. Tôi nói thật đấy! sống thế này mới là sống chứ. Rượu uống tùy thích, rồi đi coi đấu bò tót ngày nào cũng được. Còn đòi hỏi gì nữa.
*
Có thể Giuanito không đòi hỏi gì hơn về đời sống vật chất nữa, nhưng đối với Francisco một cuộc sống đầy đủ đâu phải là mục đích của đời anh. Anh vẫn luôn khao khát tìm tòi, không lúc nào tự thỏa mãn, không ngừng rèn luyện và sáng tạo để nâng cao nghệ thuật. Anh biết tác phẩm của mình đã gây chấn động lớn trong dư luận. Người ta xôn xao háo hức chờ đón từng bức tranh của anh. Giới thượng lưu, những nhà quý tộc muốn hãnh diện là lớp người có trí thức tiền phong, bắt đầu đổ xô vào tranh sơn dầu, tranh chân dung và những bức trang trí đồ họa của Goya. Giới nghệ sĩ đang đi tìm chân trời mới, hoan nghênh, cổ vũ và sùng kính anh. Và một ngày kia, kinh thành Madrid đã nhận ra một thiên tài là cư dân thành phố. Giuanito đi giao dịch bên ngoài, thường mang theo về xưởng vẽ âm vang những làn sóng hoan nghênh, tán tụng đang dâng lên trong các tầng lớp công chúng. Francisco vẫn tỏ ra hết sức thận trọng dè dặt, không quá say sưa với những lời ca ngợi mà chỉ mê mải vùi đầu trong xưởng. Giá vẽ giống như tấm bình phong, ngăn cách anh với trào lưu ngưỡng mộ đang sôi động ngoài xã hội. Cho đến lúc các giáo chủ, các vị quyền cao chức trọng nhộn nhịp kéo đến tận xưởng để đặt vẽ chân dung, thì anh tin rằng tiếng tăm mình thật sự vững chắn. Mặc dù vẫn có khuynh hướng vẽ theo cảm hứng, nhưng anh không thể từ chối khách hàng có cỡ như bá tước Calacius hoặc nữ công tước Carpio.
Đoàn ngoại giao, các sứ thần đánh giá cao không những tài năng mà cả tư tưởng, suy nghĩ của anh về vân dề xã hội, thông qua tiếp xúc trò chuyện. Vì vậy, tên tuổi anh, chẳng bao lâu đã vượt biên giới và vang dội toàn châu Âu.
Dư luận vang dội tới mức lọt đến tai đức vua và Hoàng hậu, vốn là những người chẳng hay biết gì về việc nước cũng như thần dân của mình. Cuối cùng nhà vua đã biết đến tiếng tăm họa sĩ Francisco Goya.
Hoàng đế Charles IV và Hoàng hậu Mari Louise kéo dài cuộc ngự du tại vùng nông thôn Cordou. Việc này, rất hợp ý Thủ tướng Don Manuel dé Godoi, ông ta muốn được yên ổn tự điều hành công việc nhà nước. Những vịệp đại sự có thêm ông vua bù nhìn bên cạph chỉ thêm phiền phức mà thôi. Vì vậy, nhà vua càng vắng mặt lâu thì càng nhẹ nhàng cho Thủ tướng. Nhưng thỉnh thoảng Godoi vẫn đến Cordou, dành một vài giờ vào việc tán tụng nhà vua, và lén lút tư tình với Hoàng hậu, đưa đẩy mấy câu chuyện về tình hình sinh hoạt ở kinh thành. Chính qua những câu chuyện này mà nhà vua được nghe nói về họa sĩ Goya.
Riêng nữ công tước Alper cảm thấy buồn chán vì buộc phải đi theo đoàn ngự du.
Trong những tháng gần đây, nữ công tước đã có thái độ công khai chống đối đường lối của chính phủ và một số sắc dụ của triều đình. Những người thân cận đã khuyên nàng phải dè dặt và thận trọng. Nàng cũng nhận thấy những lời khuyên ấy là đúng mực, nên để tạo một không khí hòa hợp với đức vua và Hoàng hậu, nàng phải đi theo đoàn ngự du của nhà vua. Nàng tưởng đoàn chỉ lưu ở Cordou khoảng một tuần, ai ngờ thấm thoát đã quá sáu tháng vẫn chưa trở về Madrid. Nàng nóng lòng muốn trở về ngay nhưng không viện được lý do nào chính đáng.
Đúng lúc ấy, Thủ tướng Don Manuel lại đến yết kiến nhà Vua. Maria Cayttena thấy đó là một dịp may, nàng có cơ hội đề đạt ý nguyện với Thủ tướng vì vốn biết Thủ tướng đang muốn ve vãn nàng.
Sáng hôm ấy, sau khi Don Manuel đến được hai ngày, nữ công tước đến gặp ông ta.
Không thấy ông ta ở đại sảnh, nàng liền đi về phía trong lầu hóng mát sau vườn hoa.
Cửa lầu để ngỏ. Nữ công tước bước vào, nhưng sững ngay lại. Nàng nhìn thấy Thủ tướng Don Manuel và Hoàng hậu đang ngồi sóng đôi trên ghế, họ có vẻ đang say sưa trong những chuyện tâm tình.
Cùng lúc, đôi bạn tình ấy ngước mắt lên. Không thể quay gót, nữ công tước chỉ còn cách mỉm cười cúi chào:
- Tôi xin lỗi đã đường đột, vô tình cắt ngang câu chuyện của ngài. Nếu lệnh bà cho phép. - Nàng hướng về Hoàng hậu - Tôi xin cáo biệt...
Hoàng hậu ấp úng:
- Không sao. Xin cứ tự nhiên.
- Còn tôi, tôi đang muốn được tiếp kiến công nương.
Don Manuel dé Godoi nói tiếp ngay, ngược với ý kiến của người tình.
- Tôi có vật này, muốn đem trình với công nương, và tôi chắc việc ấy cũng sẽ làm lệnh bà vui lòng.
Không đợi trả lời, Thủ tướng vội ra hiệu cho viên thị vệ đứng cách đấy mấy bước, mang ra một gói lớn hình dẹt.
Sau đó, Thủ tướng vừa cười vừa mở gói với vẻ bí mật. Ông bày lên mặt bàn mấy bức vẽ và một số ký họa.
- Chắc công nương đã nhận ra những bức tranh này?
Nữ công tước cúi xuống ngắm nghía. Đó là mấy bức tranh khá đẹp. Nhưng nàng vẫn không hiểu Thủ tướng muốn dẫn câu chuyện đến đâu. Nàng nói:
- Tôi chưa từng được trông thấy những bức tranh này, nhưng theo tôi đây quả là những tuyệt tác.
- Tại lâu đài của công nương cũng có một số tác phẩm của họa sĩ này đấy. Hiện nay, anh ta được sống trên đất Tây Ban Nha chính là do sự can thiệp của công nương.
- A, thế ra là họa sĩ Francisco Goya! Đúng là chữ ký của ông ta trên bức tranh kia. Tôi chỉ được biết họa sĩ ấy qua một số tác phẩm ít ỏi. Còn những bức tranh này thì thật là kỳ lạ và tuyệt diệu.
Hoàng hậu Mari Louise vẫn thờ ơ với nghệ thuật, nhưng bà thấy cần phải nói một ý gì đó vào chuyện này.
- Ôi chao! Ta không đồng ý với công nương chút nào. Quang cảnh mùa gặt thì có gì mà lạ lùng? Ngày nào ta chẳng nhìn thấy. Lại vẽ toàn bọn nông dân!... Loại tranh này tôi không thích.
Nữ công tước nhỏ nhẹ:
- Thưa lệnh bà, trong việc đánh giá những bức tranh này tôi thấy hình như ngài Don Manuel lại có những ý đồ khác với sự thưởng thức nghệ thuật. Có lẽ ngài đã tốn nhiều công phu sưu tầm?
- Đúng, đây là những bức tranh do cơ quan mật vụ mang về trình tôi. Thủ tướng trả lời với một nụ cười lạnh lùng.
Giữa lúc ấy, một giọng nói the thé và kéo dài cất lên từ phía cửa.
- Cơ quan mật vụ của ta không còn việc gì để làm hay sao mà phải sục sạo theo đuổi mấy gã bán tranh?
Hoàng đế Charles IV nhìn Thủ tướng bằng con mắt bực bội.
Thủ tướng Godoi và nữ công tước Alper cùng dứng dậy thi lễ. Thủ tướng tâu trình đức vua một cách cung kính:
- Cơ quan mật vụ có bổn phận phải lo lắng bảo vệ triều đình. Bọn văn nghệ sĩ là hạng người có thể đốt lên những ngọn lửa phản nghịch, khơi nguồn những cuộc đấu tranh trong dân chúng, và ngay cả những thần dân trung thành nhất của Hoàng thượng cũng có thể sẽ bị lôi kéo vào cơn bão táp bạo loạn. Vì vậy ta không thể coi thường.
- Ta muốn nhìn qua những bức tranh ấy xem sao?
Nhà vua cầm từng bức ngắm nghía, nhấp nháy đôi mắt và buông ra một nhận xét:
- Thật kỳ lạ!
Rồi nhà vua đưa mắt lo lắng nhìn mọi người xung quanh.
Thủ tướng Godoi vội vàng tán thành:
- Sự phán xét của Hoàng thượng thật là xác đáng.
Đây là lần đầu tiên ông thấy nhà vua quan tâm đến một tác phẩm nghệ thuật và có một lời phê phán về nó, mặc dù không rõ ràng là khen hay chê. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cười với vẻ khuyến khích. Nhà vua mạnh dạn nói thêm:
- Chúng ta chưa bao giờ vui sướng được ghi nhận ở một nghệ sĩ đương thời tấm lòng ưu ái đối với dân chúng như thế này. Ngài Don Manuel, dù sao ta cũng hy vọng anh chàng họa sĩ Goya này không phải là người có tư tưởng quá khích.
- Tâu Hoàng thượng, cơ quan mật vụ đã thẩm tra kỹ càng, không phát hiện ở anh ta hiện nay có hành động gì chống đối. Anh ta không theo tà giáo. Các giáo sĩ của giáo hội cũng đặt anh ta vẽ bích họa tại nhiều thánh đường. Nhiều vị hồng y giáo chủ ở Vatican coi anh ta là một họa sĩ có tài năng.
Cảm thấy thoải mái hơn, vì có lẽ ý kiến của mình đã trúng đích, nhà vua nhìn nữ công tước Alper và mỉm cười. Nữ công tước cũng không giấu nổi vẻ hân hoan. Thủ tướng Godoi hơi cau mặt, nói tiếp:
- Tuy vậy, danh tiếng của Goya không phải không có vết hoen ố, tâu Hoàng thượng. Vụ đâu kiếm xấu xa, sát thương viên sĩ quan cận vệ, đã buộc anh ta phải trốn biệt xứ chỉ là một trong nhiều vụ rắc rối khác. Phần lớn những vụ gây gổ đổ máu này, đều có nguyên do từ đàn bà.
Mũi dùi châm chọc rõ ràng ám chỉ vào nữ công tước Maria Cayettana. Hoàng hậu Mari Louise nở một nụ cười gian hiểm và đắc thắng. Nhưng đức vua lập tức phản ứng, như muốn chống đỡ cho nữ công tước, mặc dù nàng không cần sự ủng hộ ấy. Với một vẻ trang trọng, ông tuyên bố:
- Ta đã hành động đúng mức và phù hợp với tình thế để bảo trợ cho anh bạn của công nương Maria Cayettana. Công nương đã tỏ ra có mắt thẩm mỹ sáng suốt khi ban lời khen ngợi những tác phẩm của nhà họa sĩ ấy.
Nữ công tước hơi quỳ gối, nghiêng mình thi lễ theo nghi thức triều đình, nói nhỏ nhẹ:
- Xin đội ơn Hoàng thượng.
Hoàng hậu Mari Louise nhìn người phụ nữ kiều diễm nhất của giới quý tộc bằng cái nhìn hằn học đầy ác ý. Từ chuyện bình phẩm một nghệ thuật, bà lái sang đề tài khác.
- Ta cần thân ái nhắc công nương điều này, công nương không hành động xứng đáng với địa vị tôn quý do cuộc hôn phối với dòng họ cao sang Alper đã dành cho công nương. Ta lưu ý công nương phải tôn trọng đúng mức phẩm cách đối với hoàng tộc, và cần phải thận trọng khi chọn bạn. Ta không ngạc nhiên về lời khen của công nương dành cho những bức tranh của họa sĩ, người mà công nương đã bênh vực và nhiệt thành che chở. Hẳn đó là nhân vật được sủng ái cuối cùng của công nương. Dù sao, trong lĩnh vực nghệ thuật cũng không nên vi tình riêng mà có những thiên kiến.
Những lời có tính chất kết tội của Hoàng hậu, không làm Maria Cayettana bối rối. Một tia chiếu thẳng lấp lánh trong cặp mắt xanh của nữ công tước. Nàng mỉm cười tinh quái:
- Tôi không ngờ sự thán phục chân thành, trong sáng đối với một họa sĩ tài năng bậc nhất đất nước lại được lệnh bà nhìn nhận bằng con mắt nghiệt ngã và đen tối như vậy.
Hoàng hậu Mari Louise tức tối, nhưng không tìm được câu nào để phản kích lại.
- Có một điều rất rõ là... - Maria Cayettana thong thả nói tiếp, nhấn vào từng câu một cách thích thú - Tất cả những bịa đặt ấy đều không có căn cứ. Tôi không hề quen biết nghệ sĩ Goya. Người này chưa được tiếp kiến tôi.
Hoàng hậu Mari Louise biết mình đã đi lạc hướng khi tấn công nữ công tước. Bà vội quay về phía nhà vua, nói bằng giọng nghiêm chỉnh:
- Tâu Hoàng thượng, Người và Thủ tướng Don Manuel đều nhất trí ca ngợi tài năng của họa sĩ ấy. Tại sao ta không bổ nhiệm anh ta làm họa sĩ hoàng cung? Chức vụ này bỏ trống từ nhiều năm nay, tôi nghĩ đã đến lúc ta nên vẽ lại chân dung các Hoàng tử và Công chúa.
Trước khi nhà vua kịp trả lời, Thủ tướng Godoi vội nói:
- Một cuộc bổ nhiệm đơn giản, có thể xem là việc làm độc đoán, sẽ làm những nghệ sĩ khác bất bình. Cho phép tôi được lưu ý Hoàng thượng là ta cần mở một cuộc thi tuyển để chọn người vào chức vụ quan trọng mà rất nhiều nghệ sĩ mong ước này.
Nhà vua nắm ngay sáng kiến đó:
- Hay lắm. Ta sẽ mở cuộc thi tuyển họa sĩ hoàng cung tại kinh thành. Vả lại cũng đã đến lúc phải trở về Madrid rồi.
- Thật là một ý kiến tuyệt diệu, tâu Hoàng thượng! - Maria Cayettana reo lên.
Hoàng hậu Mari Louise bỗng thấy e ngại. Bà sợ người phụ nữ nhan sắc kia đã phát hiện được điều bí ẩn trong ý đồ riêng của bà. Bà nhìn nàng chằm chằm và rất đỗi lạ lùng khi thấy trên đôi môi nữ công tước Alper phảng phất một nụ cười mơ mộng.