Chương 8 (tt)


Chương 4

     à cụ già đưa tay lần ra mé cửa. Những thanh cửa gỗ nhám và tróc sơn cho bà biết vị trí nơi bà đang đứng. Bà thấy hơi nóng hắt lên hai bàn chân, chắc hôm nay nắng to? Bà ngửi thấy cả mùi bụi, mùi lá khô cũng như mùi rác rưởi ở ngoài sân. Mắt bà sáng như mọi khi thì đâu đến nỗi. Đứa cháu gái họ xa còn lỡ bương bả bên ngoài, chạy gạo từng buổi, hơi đâu mà thu dọn nhà cửa. 
Bà thèm được nhìn thấy những đám cây cối trước nhà, mầu xanh của cây làm mát mắt trong những ngày nóng nực. Những mầm non nhu nhú trên cành làm bà thấy rộn rã. Bà ước gì được nhìn thấy lại một lần nơi bà và đứa cháu gái, Lài, đã ở một thời. Bà ước gì được trông thấy ảnh Lài gửi về. Bà không dám sờ ảnh nhiều làm mất nước láng bên ngoài, nhưng bà tưởng tượng rất nhiều về đứa cháu gái thân yêu. Bà muốn gửi cho Lài vài lọ dầu xanh mà không biết làm sao gửi. Lọ dầu bà đưa cho nó chắc bây giờ không còn một giọt.
Bà thường cất ảnh Lài và mấy bức thư cùng những thứ quan trọng trong chiếc túi áo lót có cài kim băng cho khỏi rơi mất. Có người quen đến chơi, bà lần lần mò kim băng, sờ soạng tìm đúng ảnh Lài, chiếc ảnh với bốn góc tròn, chứ không vuông cạnh như những ảnh khác, mang ra khoe. Bà cười tươi và khen ngợi rối rít như chính mắt bà đã trông thấy tấm ảnh. Cũng nhờ thế mà bà nghe người ta nhắc đến mầu áo Lài mặc chụp hình, quang cảnh chung quanh trong tấm ảnh ra sao. Chiếc kim băng đôi lúc làm bà chảy máu tay, nhưng có hề gì so với niềm vui ở những tấm ảnh và câu chuyện về Lài.
Trong cái thế giới mù lòa, tăm tối của bà, những tưởng tượng về Lài làm sáng rực một góc trí nhớ nay đã mòn theo thời gian. Bà đã dìu đứa cháu gái từ những bước chập chững đến lúc nó cao bằng bà và hơn nữa. Lài chẳng có một nét gì giống bà thế mà bà thương yêu nó hơn ai hết. Với sự mù lòa, khoảng cách giữa hai bà cháu còn nhiều hơn nữa. Nhưng bà tin Lài đang được sung sướng, hạnh phúc trong sự yêu thương của ba nó. Lài nay là con cá được bơi lội trong đúng giòng nước của nó, chẳng còn lạc loài như những ngày tháng nó ở với bà, cô độc, tủi hổ với mái tóc vàng, đôi mắt xanh mà bà nhớ đẹp hơn mầu nước biển. Nó vẫn viết thư thường xuyên thăm bà, đứa cháu gái vẫn không quên bà. Nó kể những câu chuyện ngô nghê bên xứ Mỹ, những người Mỹ kỳ quặc, những mùa đông lạnh ngắt mà những đám mây trắng bị bể rơi xuống thành những mảnh nhỏ mà Lài gọi là tuyết, bông tuyết. Xứ gì mà mở vòi nước là thấy nước nóng chảy rần rần, ngộ thiệt! Thư nào nó cũng nói nhớ bà làm bà mủi lòng. Chiếc túi may liền trong áo lót của bà càng ngày càng đầy theo với số thứ tư Lài gửi về. Tất cả bà chỉ còn có nhiêu đó.
Bấy nhiêu đó đủ để bà có thể sờ nắn, nhớ nhung, khóc lóc, buồn bã được trong màn sương mờ ảo chung quanh bà. Ngày giỗ mẹ nó bà chỉ còn nhớ đến chứ chẳng nhang khói gì được. Trong sự tù túng và giới hạn vì sự mù lòa, bà chỉ biết ngồi ôn lại chuyện xưa. Từ chuyện gia đình bà đến hàng xóm láng giềng chung quanh. Tất cả đã đổi thay quá nhiều! Người hay nhắc đến Lài nhiều nhất là thằng Trí mà nay cũng đã đi mất dạng. Không biết nó có qua được tới xứ Mỹ như vẫn hằng mơ tưởng hay chết bờ chết bụi đâu đó, hay còn nằm mẹp trong những trại tỵ nạn. Bà nghe người ta nói nhiều lắm. Cũng may còn hai lỗ tai để nghe chứ nếu không chẳng còn gì nữa.
Nhớ đến cháu, bà chỉ mong cho Lài gặp nhiều may mắn, một đời hạnh phúc. Cuộc sống bên kia chắc hợp với nó nhiều hơn. Thỉnh thoảng trong thư nó vẫn còn nhắc đến những hình ảnh nơi đây, nào cây trứng cá với những lùm cây mát rượi, tiếng nước chảy qua ống cống hàng đêm, tiếng côn trùng rỉ rả ảo não trong đêm hè là những thứ bất di bất dịch. Mọi sự có thay đổi nhưng những thứ đó chẳng đổi thay. Bà thấy mừng rỡ một cách vu vơ khi tìm lại được những điều không thay đổi đó, như một bấu víu vào một quá khứ vẫn luôn đậm nét trong đôi mắt trắng đục của bà. 
Bà chợt nghe có tiếng chân người vào sân nhà. Không phải một, mà hai, ba. Không phải tiếng chân quen thuộc của những người trong nhà bà. 
Bà lắng nghe và hỏi: 
- Ai vậy? 
Bà thấy mình hỏi khá to mà không có tiếng trả lời. Người ta đang sục sạo trong nhà bà. Bà mỉm cười buồn bã và nghĩ thầm, cướp người nghèo để tìm manh áo rách ư? Bà lại cất tiếng hỏi nữa: 
- Ai đó?
Vẫn không có tiếng trả lời. Bà ngồi yên, lắng nghe những tiếng động đang xảy ra chung quanh. Bà không thấy sợ hãi, bà chẳng có gì để phải lo lắng. Nhà cửa trống trơn, có gì đâu mà chúng lục lọi? Bà cố nhướng mắt để mong nhìn thấy được một hình bóng gì nhưng vô ích. Bà chỉ nghe thấy những tiếng động chung quanh, bà còn ngửi thấy mùi mồ hôi lạ từ những người lạ ấy toát ra. Bà nghe thấy tiếng đổ vỡ, tiếng chửi thế tục tằn. Giọng của những thanh niên. Chắc chúng chỉ đáng tuổi cháu bà, và chúng thừa biết bà mù lòa. 
Bà lão chợt nhớ đến rổ khoai dấu dưới gầm giường ngay chỗ bà ngồi. Những củ khoai khô cứng và nhỏ tí teo nhưng nhét đầy dạ dầy của cả nhà. Lài chắc không còn nhớ đến những củ khoai này nữa. Bà thấy mình lẩm cẩm, đến giờ phút này mà vẫn còn nghĩ đến Lài. Bà nghe tiếng thì thào, chúng còn kiêng dè bà lão mù lòa cơ à? 
- Túi bả dầy cộm à. Tao nghĩ là tiền. 
- Ờ, lúc nào bả cũng ôm khư khư bên mình. 
- Làm đi! Sợ gì chớ? 
- Coi bả giống bà nội tao quá! 
- Mày sợ sao? 
Thằng kia chống chế: 
- Đâu sợ gì, nhưng thấy bả già quá. 
- Bả càng già, bóp bả càng nhiều tiền. Lẹ lẹ còn đi chớ. 
Bà lão sợ hãi trong sự chờ đợi. Chờ đợi một sự không may mắn xảy đến cho mình. Môi bà khô và hơi thở đứt quãng. Bà muốn nói một cái gì đó mà không được. Những lời nói kết khô trong cổ họng bà làm bà lão phải há miệng ra thở.
- Coi bà ghê quá kìa! Thôi đi mày!
- Thì cứ coi cái bóp bả có tiền không đã. Mình có làm gì bả đâu. 
- Nhưng sao tao ớn quá. 
Bà lão run run giữ chặt áo. Chúng định lấy những bức thư và ảnh của Lài. Chúng định lấy nốt cả nỗi thân quen ruột thịt của bà từ bấy lâu nay. Bà lão quờ quạng xuống gầm tìm rổ khoai. Bà đẩy ra ngoài và bảo chúng: 
- Khoai nè. Lấy đi. Bà chẳng còn gì khác đâu. 
Một thằng bé cười: 
- Ai thèm lấy mấy củ khoai. Tiền bà đâu? 
Bà lão nói giọng nài nỉ: 
- Bà đâu có tiền.
- Cái bóp bà dầy cộm thế kia kìa. 
- Thư đó, không phải tiền đâu. 
- Xạo. 
- Thiệt mà. 
Bà vừa nói vừa lúng túng tìm đầu kim băng để mở túi. Bà chưa kịp mở, một tên đẩy bà ngã trên bộ ván và lục túi bà. Bàn tay thô bạo của nó kéo tung hàng nút áo bà. Bà thấy chiếc túi áo nhẹ hẫng. Bà năn nỉ: 
- Trả lại thư cho bà đi con. Thư của con Lài đấy mà, trả lại cho bà. 
Chắc chúng đang xem ảnh, rồi phá lên cười: 
- Con bà lấy Mỹ hả? Bà làm cho CIA hả?
Một đứa khác phụ họa: 
- Thư của CIA nè. Bà muốn công an tới nhà bắt bà đi không? 
Bà lão hốt hoảng rên rỉ: 
- Trời hỡi! Đọc coi. Bà đâu biết CIA nào, thư con Lài thiệt mà. 
Một thằng chửi thề vì không thấy một đồng xu nào, nó càu nhàu đồng bọn: 
- Tao đã bảo không có gì mà. Mụ già kiết xác này chỉ có mấy củ khoai. Thôi đi! 
Bà lão vẫn vật nài: 
- Mấy cháu trả cho bà mấy cái thơ với tấm ảnh con Lài. 
Nó quăng ra xa rồi cười rú lên: 
- Đó, bà ra đó mà lấy.
Nói dứt câu chúng nó kéo nhau đi ra. Bà lão ngẩn ngơ sờ chiếc túi rỗng không. Bà ngồi xuống đất, lê từng bước một, đưa tay sờ soạng dưới đất tìm những lá thư. Chúng đã bỏ đi, chỉ còn mình bà trong căn nhà vắng vẻ. Bà lần mò góc này, góc kia. Bà thấy mình như đi lạc, bà hoảng hốt trong sự sợ hãi của chính mình tạo ra. Chúng ném đi đâu? Bà lão cúi gặp người mò mẫm tìm. Vớ được tờ giấy nào bà cũng lượm, làm sao bà biết được cái nào là thư của Lài và cái nào không? Cái ảnh bà không tìm thấy. Nẫy giờ không có tấm giấy nào cứng và láng như vậy cả. Tại sao? Tại sao chúng đùa giỡn với niềm vui của bà như vậy chứ? Một lúc sau bà mới lần về đến chiếc giường quen thuộc được. Mồ hôi bà lão rịn ra lấm tấm đầy trên trán. Bà ôm bó giấy vào lòng và nằm vật xuống. Bà mệt, mệt quá. Bà quên không xem rổ khoai có còn hay không. Bà chợt ứa nước mắt. Những giọt nước mắt lăn trên má, theo những nếp nhăn, kẽ nứt trên mặt mà len vào, chầm chậm lăn như muốn kéo dài giây phút này. Bà lão há miệng thở nhanh, ngực bà nhoi nhói, giựt giựt mấy cái. Bà co người, nhăn mặt. Đống giấy trước ngực bà vẫn ôm chặt. Ngực bà nặng như có ai đè lên. Những cái nhói đau có thật ở ngực làm bà càng sợ hãi. Sợ hãi trong đau đớn và trong cảnh đơn lẻ hiện tại. Mớ giấy trong tay không đủ làm bà hết sợ. Bà không nghĩ là mình sắp ngưng thở, bà chỉ thấy niềm vui bé nhỏ của bà bị gián đoạn. Bà không muốn mất đi niềm vui đó. Tay bà nắm chặt những tờ giấy, vẫn còn luyến tiếc và thắc mắc trong đám giấy này cái nào là thư của Lài và cái nào không? Bà co giật người theo cơn đau dồn dập, rồi nhẹ dần... nhẹ dần... và bà còn biết mơ hồ mình duỗi thẳng chân ra, bàn tay cũng rời khỏi đám giấy. Tất cả đều ngoài ý muốn bà... không kiểm soát được... Những ngón tay bà lão động đậy nhẹ rồi im hẳn.
Bên ngoài nắng gắt và vàng bóng lấp lánh trên mái tôn. Một lá thư đóng dấu Hoa Kỳ đang theo cơn gió thổi tắp ngoài sân, quấn quít lẫn vào đám cỏ gần đấy chừng như không muốn rời. Nắng vẫn ràn rụa khắp nơi, thêm một ngày nữa sắp qua đi và chẳng ai để ý gì đến bức thư mỏng manh nằm quấn trong bụi cỏ.

*

Trên con đường trở về nhà hôm nay James thấy khác lạ. Không gian như đầy hơn, chật chội hơn. Những khoảng trống được che kín bởi những tàn lá xanh non. Mùa xuân đã đến trên những ngọn cây, mùa xuân đong đầy trời đất, mùa Xuân tỏa sức sống từ dưới lòng đất, mùa Xuân làm chàng thấy trẻ trung. 
Lài, người thiếu nữ trong ngôi nhà của chàng là một đọt cây non tuyệt đẹp. Lài lộng lẫy trong vô tư, hồn nhiên. Lài lôi cuốn và làm chàng xao xuyến, từ ánh mắt long lanh, đến môi cười sáng rỡ. Khi nhớ đến Lài, những từ ngữ theo sau để nhắc nhở Lài là ai đang nhạt dần vì James không muốn nhớ hay nghĩ đến. Lài là Lài. Một mình nàng ở đó trong tươi mát của thanh xuân. Và James là một tên trộm đứng ngoài cửa mơ màng nghĩ đến việc ăn cắp quả tim non làm của riêng. Bất cứ ai say mê Lài đều cho James cùng một cảm giác khó chịu. Anh chàng Vĩnh không còn mon men bên cạnh Lài nữa. Chàng bắt đầu tò mò, lục lọi, tìm kiếm xem Lài có nghĩ đến ai nhưng không thấy. Nàng vẫn nguyên vẹn như mặt hồ sớm mai, không một chút lay động.
Lài đang cầm một xấp thư và báo vừa lấy trong hộp thư trước nhà. Nàng đang chăm chú nhìn những thứ trên tay. James khẽ bóp còi làm hiệu, Lài ngẩng lên cười rồi lại cắm cúi nhìn xuống xấp thư. Có gì khác lạ trong xấp thư ngày hôm nay, James linh cảm đến điều đó. James cho xe vào garage rồi chậm rãi mở cửa vào nhà. Căn nhà im phắc như chưa hề có sự có mặt của ai. Lài đâu? Chàng nhìn xấp thư đặt trên bàn, không ngay ngắn như thường lệ. James tự hỏi? Chàng để áo lên ghế và đi tìm Lài. Căn phòng khách lặng yên, những chiếc màn cửa che kín, mát rượi và hơi u tối. Phòng Lài đóng cửa im ỉm. Đây chính là sự bất thường chàng đang cảm thấy nẫy giờ. Chàng đứng yên ngoài cửa lắng tai nghe ngóng. Không một tiếng động. James gọi tên Lài và khẽ gõ cửa. 
Giọng Lài nhỏ và yếu ớt: 
- Ba vào đi.
Lài đứng tựa cửa sổ nhìn ra sân. Trên bàn học của nàng James thấy phong bì quen thuộc từ Việt Nam. Chiếc phong bì mầu xanh, vàng ố in trên một thứ giấy xấu thường thỉnh thoảng đến trong thùng thư. Chàng nhìn Lài. Nàng đang đứng quay lưng lại, mắt hướng ra phía ngoài. James thấy mình xao động trước mái tóc vàng, dài đến thắt lưng, buông thõng giản dị. 
- Sao đó Lài?
Lài không trả lời. Bờ vai chẳng rung động. Lài đứng như một pho tượng. James đến gần và lập lại câu hỏi một lần nữa: 
- Có sao không Lài? 
Lài quay lại, hai mắt long lanh ngập đầy nước mắt. Tiếng nói thoát ra từ đôi môi nàng như một tiếng kêu bi thương: «Ngoại mất rồi ba!» Sự cố gắng đè nén làm Lài run rẩy, nàng ôm chặt lấy James như trao hết cả sức nặng đang dồn trong lồng ngực. Lài bật khóc như một đứa trẻ con. Cả người nàng rung động theo tiếng thổn thức. 
James khẽ vuốt mái tóc Lài và vỗ về. Chàng quên mất nguyên nhân chính làm Lài khóc. Chàng chẳng để tâm đến cái chết của bà cụ già, mối dây liên hệ cuối cùng của Lài tại Việt Nam. James chỉ thấy xôn xao và ngây ngất. Mùi thơm nhẹ từ Lài làm chàng choáng váng. Trong giây phút này James muốn cho Lài biết sự thật. Phản ứng của nàng ra sao James không biết. Nhưng khi nhìn gương mặt đầy lệ của Lài, chàng lại thôi.
Lại chợt đẩy James ra và nói: 
- Con muốn yên lặng một lúc. 
James ngập ngừng quay ra và chậm rãi khép cửa phòng cho Lài. 
Tất cả những xúc cảm vừa qua có thật. Ngắn ngủi mà để lại trong ký ức chàng thật sâu đậm. Lài phải biết sự thật, nhưng bao giờ, chàng chưa tìm được câu trả lời. Nếu Lài hỏi lý do tại sao chàng hành động như vậy? Lài sẽ tự ái. Có khi nào Lài sẽ bỏ chàng mà đi?
James nằm dài trên ghế suy nghĩ miên man. Hãy để những bất ngờ của thời gian giải quyết hết mọi việc. Tại sao phải tính toán? 
Chàng không phải tự đưa ra những lập luận để biện hộ cho mình nữa. James đã quen dần với những ý tưởng tách rời Lài của ngày hôm nay và Lài của những ngày trước. Chàng không còn cảm thấy sợ hãi vì những tình cảm chuyển hướng của mình. Nó như một con nước dâng lên cao từ từ, không ào ạt sôi nổi rồi rút mà cứ chầm chậm dâng lên. Lài phải được biết về sự liên hệ giữa mình và nàng.
Tất cả những liên hệ của Lài ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay thế là dứt. Sự buồn bã trong con bé dần sẽ hết và sẽ đến lúc Lài cần biết sự thật. Lài đã trưởng thành. Lài là một tổng hợp tuyệt diệu, tình cảm James dành cho Lài cũng mang cả tình yêu chàng đã dành cho những hình bóng cũ. Đôi mắt xanh ngời của Justin, những nét thanh tú của An. Chỉ khác đây là một tình cảm mới vươn lên từ những mầm cội cũ. Và cũng thế tình cảm đến và bánh trướng dần dần trong chàng, êm đềm và ngọt ngào. Sự sợ hãi trong James không còn, tuy nhiên sự quyến rũ của tình cảm đó lại xoay sang một chiều hướng khác. Thú vị vì thầm kín. Đó có phải là tình yêu hay không?
...
Lài nhìn ra khung cửa sổ quen thuộc này mà nhớ về một khung cửa sổ cũ. Trước mắt nàng không còn thảm cỏ xanh, bờ rào gỗ nâu xám, bụi azalea thấm tươi, mà chỉ thấy sân đất đỏ, lởm chởm vài bụi cỏ dại cằn cỗi, gió nóng hừng hực hắt trên mái tôn, thổi đến những mùi vị khác nhau tùy theo chiều gió. Và Lài đứng nép trong bóng tối của căn nhà lụp xụp, nóng hầm suốt ngày đêm nhìn ra khoảng sáng chói chang bên ngoài mà ngậm ngùi và mơ về một chân trời khác. Chân trời đó đã mở ra những cánh cửa như Lài tưởng tượng. Có những cánh cửa đóng chặt, có những cánh cửa mở ra những cảnh sống, con người náo nhiệt, cuồng loạn và đầy gai nhọn. Những chiếc gai sáng lấp lánh như kim cương mà Lài chưa dám đặt tay vào. Nàng như cái cây vừa được bứng lên trồng vào vùng đất mới, chưa kịp bén rễ để thân quen với đất, để vươn mình lớn mạnh, đã bị lay động, vùi dập truoc bão táp. Sự ra đi vĩnh viễn của Ngoại là một cơn giông cuồng nộ trong vòm trời yên tĩnh mà Lài đang trú ngụ. Nó lung lay cái gốc rễ mà Lài đang cố bám vào. Nó làm nàng hoang mang về sự chọn lựa vị trí nàng. Mình vẫn không bao giờ là một khối nguyên vẹn, tinh tuyền như những người khác. Mình vẫn muôn đời tìm kiếm xem phần nào là chính mình hay vẫn chỉ là một cấu kết bất đắc dĩ giữa hai mầu sắc tương phản nhau?
Cái chết của Ngoại, hình ảnh của Ngoại là một tiếng kêu gọi thống thiết của nửa phần kia trong Lài. Những lúc này, bão tố hẳn nhiên chế ngự vùng đất bình yên. Lài thấy nhớ hình ảnh Ngoại, mùi dầu xanh Ngoại hay thoa, bàn tay thô nhám, đen đúa của Ngoại. Nàng nhớ đến mảnh tường lở ở cạnh giường, không khí ẩm mà nồng nàn. Nhớ nhiều thứ đến chẩy nước mắt... Sự ra đi của Ngoại là một bức màn buông rủ, một cây cầu bị chặt đứt. Lài đột nhiên thấy mình bơ vơ, lạc lõng trong nỗi nghẹn ngào nhớ về Ngoại. Ngoại và những ngày ấu thơ là những kỷ niệm đậm nét. Mẹ là một cái gì nhạt nhòa. Hinh ảnh Ngoại thay vào đó và là sự ràng buộc cuối cùng của phần bên kia.
Cùng với sự ra đi vĩnh viễn của Ngoại, Lài mất Ngoại, mất luôn một phần mình trong đó. Nàng vẫn khắc khoải tìm kiếm xem mình thuộc về đâu? Cả hai mảnh chẳng bao giờ có thể nhập làm một được, Lài thấy rõ ràng như vậy. Ngoại ơi! Đến giờ con vẫn thấy như thế. Chỉ có Ngoại thâm trầm và hiểu con, thương con hơn ai hết. Giữa ba và con vẫn có khoảng cách. Khoảng cách làm con ngần ngại và hột yêu thương vẫn không sao lớn mạnh được. Khi con nhìn ba, con nhìn bằng cặp mắt Việt Nam, khi nhìn con trong gương, vẫn cặp mắt ấy nhưng con chỉ thấy người thiếu nữ Âu Mỹ xa lạ đang nhìn lại mình, có một chút ngỡ ngàng nhìn nhau dọ hỏi.
Ăn những củ khoai xấu xí năm trước ngon hơn khoai ở đây và niềm vui bên cạnh Trí hơn hẳn những niềm vui ở đây, và tình yêu của Ngoại cũng khác hẳn tình yêu của ba. Lài thấy mình mất mát nhiều quá! Những giọt nước mắt không đủ để che kín những khoảng trống mà Lài đã mất. Những phong thư vàng ố sẽ không còn thấy nữa, câu chuyện của những người lối xóm sẽ không còn được nghe thấy. Còn lại chăng trong trí tưởng tượng của mình hay trong những dằn vặt rất riêng tư.

*

April ôm lấy vai Lài an ủi, giọng con nhỏ mềm mỏng: 
- Đừng buồn Lài. Có ai sống mãi đâu. Thà Lài khóc bà còn hơn bà khóc cho mình. 
Lài đang buồn mà cũng phải hơi mỉm cười trước lời an ủi của April. Thế ra người ta vẫn nghĩ sống là may mắn và cái chết là một bất hạnh. Có khi nào trong đời mình thấy sống là nỗi bất hạnh lớn lao chăng? Xin đừng. 
April vẫn tiếp tục nhỏ to: 
- Lài còn ba. Chưa thấy ai săn sóc Lài kỹ như cậu James. Thấy April không? Mình hẩm hiu hơn Lài nhiều lắm... 
Lài hỏi cô chị họ: 
- Larry sao? 
Con nhỏ trề môi trả lời: 
- Có từng lúc. Nhiều khi ông dễ chịu, nhiều khi ổng xoi bói và có những cử chỉ kỳ quặc đến phát sợ.
Lài chợt nghe nổi gai ốc như thông cảm với April. Nàng ngập ngừng rồi hỏi tiếp: 
- Vĩnh thì sao? 
Tên Vĩnh là một nhiệm mầu. Mắt April tươi hẳn lên. Lài sửa soạn để nghe April nói về Vĩnh, về tình yêu của nàng. 
- Vẫn tuyệt vời như ngày đầu tiên. Nhưng sao đàn ông Việt Nam kín đáo quá Lài nhỉ? 
- Tỏ tình chưa? 
April xịu mặt xuống: 
- Không nói mới kỳ. Tụi này yêu nhau hết mình nhưng sao Vĩnh vẫn không chịu nói. 
Lài nghĩ thầm: phải nói yêu thì mới yêu nhau hết mình được chứ? Nàng hơi tủm tỉm cười hỏi lại: 
- Sao chị không nói trước?
April đáp một cách hồn nhiên: 
- Có chứ, nhưng anh chàng cứ im lìm. Hoa thì tặng hoài mà nói không chịu nói. Người Việt Nam như vậy hả Lài? 
- Em đâu biết. 
April nhìn Lài dò xét và đột ngột hỏi: 
- Lài yêu ai chưa? 
Lài không ngờ bị đặt câu hỏi đó, nàng lúng túng trả lời: 
- Em không biết... Chắc chưa. 
- Tại sao lại chắc chưa? Có hay không thôi chứ. 
- Không, Lài chưa yêu ai cả. April! Tình yêu làm con người sung sướng hay đau khổ? 
April thừ mặt ra trước câu hỏi của Lài: 
- Chắc cả hai... hiện giờ April thấy sung sướng nhiều hơn. Với lại làm gì có chuyện muốn yêu hay không muốn yêu. Nó đến là nó cứ đến không muốn cũng không được.
Lài ngẩn ngơ nghe cô chị họ nói về tình yêu. Trí chưa phải là tình yêu. Hình ảnh Trí của ấu thơ, của những an ủi đơn sơ. 
Tình yêu vẫn là một hình ảnh quyến rũ và mời mọc nhưng cho đến lúc này với Lài, tình yêu vẫn là một cái gì mơ hồ, chỉ có trong chữ nghĩa sách vở, rộn ràng trong ước mơ và thầm kín trong giấc ngủ. Nàng nhìn April bằng ánh mắt hoài nghi. Tình yêu mà April tin tưởng giữa Vĩnh và cô nàng có đúng thực là tình yêu không? Nàng ngờ vực những cảm tình mà Vĩnh dành cho April. Lời tỏ tình hôm nào vẫn thỉnh thoảng làm Lài ngượng ngập mỗi khi gặp Vĩnh, mặc dù Vĩnh không có lối nhìn như trước. Không biết Vĩnh có còn nhớ? Lài không hề nghĩ là mình yêu Vĩnh nhưng nàng cũng không ghét Vĩnh và lời tỏ tình đầu tiên trong đời Lài nhận được vẫn gieo vào lòng nàng những nỗi bâng khuâng, bàng hoàng và vương vấn một cách khác thường. Lài quên mất sự sợ hãi lúc đó, nàng chỉ nhớ hàng chữ ngắn ngủi và cảm giác lạ lùng khi ấy. Người ta bắt gặp tình yêu nhiều hơn một lần trong cuộc đời chăng? Lài không biết được vì đến giờ nàng vẫn chưa gặp được tình yêu.
April vẫn mải mê nói về Vĩnh. Mắt nàng sáng ngời, long lanh và Vĩnh được tô điểm, sơn phết một cách rực rỡ, một cách khác hẳn Vĩnh bằng xương bằng thịt mà Lài đã thấy, đã biết một thời. April đang lý tưởng hóa người yêu hay lý tưởng hóa tình yêu của nàng? April yêu tình yêu hay yêu Vĩnh? Và April vẫn tiếp tục nhắc đến Vĩnh một cách tình cờ. Lài chợt nhớ đến Ngọc Anh. Người đàn bà với lối nói chuyện lôi cuốn dị thường. Không biết nếu mình hỏi Ngọc Anh nghĩ gì về tình yêu thì nàng sẽ trả lời ra sao? Lài chợt buột miệng nói: 
- Phải chi có Ngọc Anh ở đây! 
April nhìn Lài ngạc nhiên: 
- Tại sao?
Lài nghiêng đầu suy nghĩ: 
- Cô ấy nói chuyện hay lắm. Cô ấy sẽ nói về tình yêu cho mình nghe. 
April nhún vai: 
- Sống trong tình yêu mới thích thú chứ nói về tình yêu thì có gì thú?
Lài ngẩn ngơ nhìn April. Chỉ một câu nói đó thôi đủ thấy April trưởng thành hơn mình bao nhiêu. Có lẽ April đã gặp được tình yêu. Ừ! Người ta sống trong tình yêu và cho tình yêu chứ ai lại nói về tình yêu suông. Họa chăng chỉ có kẻ không có tình yêu như mình. Mình yêu ngoại, yêu ba... đó cũng là tình yêu vậy. Lài lắc đầu thầm, không, một tình yêu khác, khác lạ đến độ rụt rè, sợ hãi nhưng mong muốn một cách thầm kín. Nàng muốn hỏi April những điều khác trong tình yêu nhưng ngần ngại. Những đứa bạn khác trong trường nói về tình dục một cách thản nhiên, chỉ có Lài là cứ tránh né mặc dù tò mò. Ngay đến April là thân thiết mà nàng vẫn không thể nhắc đến những chuyện đó được. Tại sao người ta không thể yêu nhau như trong chuyện thần tiên. Cứ như chuyện cổ tích chắc chẳng bao giờ phải khổ sở, buồn bã trong tình yêu cả. 
April lại đột ngột quay sang Lài: 
- Lài chưa yêu ai thật hả? 
Lài tưởng đâu cô bạn đọc được hết ý nghĩ mình nên giật mình đáp:
- Không có thật mà! 
- Tại sao Lài sợ? 
Lài đỏ mặt cãi: 
- Lài đâu có sợ hồi nào. 
- Có, Lài muốn mà sợ. 
- April nói gì kỳ. Lài không muốn mà cũng không sợ gì nó. 
April vẫn không buông thả: 
- Tại sao không muốn?
Chợt bị hỏi dồn dập, Lài đâm cáu: 
- Không muốn là vì chưa muốn. 
April phì cười khi thấy Lài cáu kỉnh. Nắm tay bạn, April nói ngọt ngào: 
- Lài càng sợ nó càng đuổi theo à. 
- Lài nói là Lài không sợ, Lài chưa muốn vậy thôi. 
- Người yêu trong mộng của Lài phải như thế nào? 
- Lài không biết nữa... Lài không có một ý niệm nào rõ ràng cả. 
April chợt hỏi giọng hơi khác: 
- Như Vĩnh không? 
Lài hết đỏ mặt đến hoảng hốt. Nàng không biết tại sao nhưng Lài đáp:
- Không... chắc chắn là không. Thôi, nói chuyện khác đi, nghe mấy chuyện này mệt óc. 
- Đúng là Lài chưa biết yêu. 
April nhìn Lài dò xét. Tại sao Lài cứ trốn tránh? Nó muốn nhỏ mãi sao đây? Có bao nhiêu ánh mắt thèm muốn nhìn Lài? Thèm muốn không phải là tình yêu. Ánh mắt phải say đắm như Vĩnh, phải nồng nàn như những bông hồng đỏ Vĩnh tặng mình mới là tình yêu. April tự dưng nhớ tới ông bố hờ, Larry. Lâu nay ngụp lặn trong tình yêu nàng không để ý đến những cử chỉ và lời nói của ông ta. Không biết tại sao nàng lại nhớ đến Larry? Không có một sự tương quan nào giữa Larry và tình yêu của nàng và Vĩnh. April nhíu mày suy nghĩ và hơi khó chịu vì tự nhiên bị hình ảnh Larry phá ngang. Tại sao... khởi đầu từ đâu nhỉ?... Nàng nghĩ đến Lài và những ánh mắt rực lửa của bọn con trai. Đó! Ngay đó. Đó chính là điều làm April liên tưởng đến Larry. Bao nhiêu lần y nhìn mình một cách khác thường? Nàng hơi sợ nếu dùng chữ «thèm khát» để định nghĩa cái nhìn đó, nhưng April vẫn nhìn trả lại hỗn xược. Tình yêu làm gì có trong những con người như vậy? Tình yêu làm đẹp cuộc đời. Những con người như Larry chỉ là bụi bậm bôi bẩn cuộc đời. Tại sao Thượng Đế lại sinh ra những con người xấu xa để làm gì nếu không phải để tỏ rõ sự tương phản giữa cái đẹp trong tình yêu, cái đẹp của người yêu, đối với những xấu xa, cặn bã của đời. Mẹ, mẹ là một người bất thường, mẹ đang bị vùi dập trong cặn bã! Sao mẹ nàng không vươn cao lên mà lại hòa nhập với Larry, nàng không thể hiểu. Mọi người có một tình yêu và sống cho tình yêu đó một cách khác nhau.

*

Những trang giấy trước mặt như trải dài bất tận, những hàng chữ đen nghịt kết chùm và đè lên nhau làm Lài mở mắt. Nàng nhìn đồng hồ: 12 giờ đêm. Càng cố chống chọi với cơn buồn ngủ bao nhiêu, những chữ nghĩa càng mênh mông, huyền bí bấy nhiêu. Chữ nhét vào đầu rồi lại trào ra. Sự cố gắng của Lài mỗi lúc một nhẹ đi, một yếu đi. Nàng mơ hồ thấy mình đánh rơi bút từ lúc nào, cái đồng hồ trước mặt hình như đang chạy ra xa. Nàng nghe loáng thoáng có tiếng điện thoại reo. Tiếng chuông nhẹ như tơ và vang vọng ở đâu xa lắm... Tiếng chuông vẫn reo, Lài chợt tỉnh. Nàng với chiếc điện thoại gần đó, đầu óc vẫn còn mơ màng. Đầu dây bên kia tiếng con gái trong trẻo. Lài ngồi thẳng người và hỏi: 
- Ai vậy?
- Diễm đây. 
Lài vừa nhìn đồng hồ vừa hỏi: 
- Chuyện gì đó Diễm? 
Diễm không trả lời. Sự yên lặng đó làm Lài tỉnh hẳn ngủ. Nàng hỏi lại: 
- Sao đó Diễm? 
Giọng Diễm là sự cố gắng phi thường để tạo ra âm thanh: 
- Cậu Vĩnh bị đụng xe. 
Lài chợt nghe đau nhói, nàng hỏi ngay:
- Có sao không?
Diễm nói như khóc: 
- Chắc không qua Lài ơi! 
Lài thấy người lạnh toát. Đó không phải là một cảm giác đau đớn mà chỉ là nỗi bàng hoàng, bàng hoàng đến tê dại cả người. Nàng hỏi nhỏ: 
- April biết chưa? 
- Chưa. 
- Tại sao Diễm không gọi cho April mà lại gọi cho Lài?
- Tại cậu Vĩnh dặn vậy. 
Nỗi bàng hoàng trước đó chưa kịp tan lại thêm bao xúc động mới. Buổi tối hôm nào trong quán cà phê Ý ở St. George nay được ghi sâu vào tâm hồn Lài. Nàng cầm chiếc điện thoại mà tưởng như nghe được những giòng nhạc tuyệt diệu của người nhạc sĩ mù tài ba, mũi hít thở hương cà phê thơm ngát trong tiệm và Lài ngồi đó trốn tránh ánh mắt của Vĩnh. Tại sao nàng lại phải nhận những bất ngờ? Lài chưa sửa soạn kịp. Ngay đến lúc này, không một giọt nước mắt nào tuôn ra, những giòng cảm xúc chất chứa lùng bùng trong nàng vẫn không thoát ra. Nàng chưa sẵn sàng để đón nhận một tình yêu do Vĩnh mang đến và giờ phút này Lài cũng chưa sửa soạn để nhận một sự mất mát hay đau đớn. April kia chứ, tại sao lại mình?
Diễm chờ đợi Lài nói một điều gì mà không nghe thấy. Nàng không biết phản ứng của Lài thế nào. Diễm gọi khẽ: 
- Lài! 
Lài vẫn không sao trả lời được. Nàng vẫn còn biệt tăm đâu đó trong nỗi bàng hoàng. Mỗi phần trong người Lài hình như trôi dạt về một góc. Từng phần nhỏ ngỡ ngàng tìm nhau, nối kết với nhau thành một ai xa lạ. Lài nghe chính giọng nói mình như ở đâu xa vời: 
- Sao Diễm? 
- Lài gọi cho April dùm Diễm được không? 
- Tại sao Lài phải nói với April mà không là Diễm? 
- Vì... Diễm không làm được, Diễm sợ... 
Lài yên lặng một lúc rồi đáp: 
- Để Lài gọi. Nhà thương nào?
Diễm hỏi lại: 
- Lài nói sao? 
- Cậu Vĩnh đang nằm nhà thương nào? 
- Nhà thương của Đại Học, ngay trên đỉnh đồi St. George. Cậu ở phòng ICU... Diễm thương cậu Vĩnh quá. Lài sao Lài?
Lài ngỡ ngàng đáp: 
- Không biết nữa... 
- Lài gọi hộ nhé? 
- Được rồi. 
Lài đặt điện thoại xuống, khẽ khàng như trong một giấc mơ, như sợ mọi sự chung quanh sẽ tan vỡ cả. Nàng phải nói gì với April bây giờ? April đang tươi vui trong tình yêu, April và những ước mơ, April và những mê đắm trong tình yêu. Làm sao nàng có thể nói cho April biết về tình yêu đẹp đẽ kia đang tan, tan loãng và nhòe nhoẹt như những giòng chữ trước mặt nàng đang bị nước mắt làm hoen ố. Lài sờ lên má mình. Nàng không ngờ mình khóc. Lài nghĩ nàng không khóc được. Nước mắt này là cho April, cho những nụ hoa vừa chớm nở đã thui chột. Lài có khóc cho ai khác nữa không? Nước mắt nàng nóng hổi từng giọt lăn trên má. Cái chết ở người trẻ là một thảm kịch. Thảm kịch vì tuổi trẻ còn đang bén rễ vào cuộc đời, chưa kịp hút nhụy đời đã bị đứt đoạn! Ở tuổi già như ngoại là một sự tất nhiên và phải chấp nhận nhưng với tuổi trẻ đó là một sự cưỡng ép đến chẩy nước mắt, một bức bách cay nghiệt. Và nàng khóc cho nỗi xúc động đó. Nhưng mà Vĩnh đã chết đâu? Tất cả những nỗi buồn, xúc động của người xung quanh là hành trang cho Vĩnh đấy ư? Chống chọi với tử thần hay mang theo về bên kia? Vĩnh vẫn nhớ đến nàng hay sao? Có một tình yêu hay có nhiều tình yêu trong một người? Chắc Vĩnh sẽ không trả lời được. Nhưng cũng xin đừng trả lời, chừng ấy không đủ để làm Lài nhớ mãi hay sao? Trong những giờ phút cuối, liệu Lài có dám nhìn thẳng mặt Vĩnh, liệu nàng có còn sợ hãi, có còn trốn tránh, niềm yêu dịu dàng nữa không? Tất cả sẽ chỉ nằm trong tâm hồn nàng, April và tình yêu của April vẫn được toàn vẹn, cho dù toàn vẹn trong nghĩa đớn đau của tuyệt vọng, của tận tuyệt. 
Lài đặt tay lên điện thoại. Chiếc điện thoại ấm hơn tay mình. Mình sẽ phải nói gì? Hay đợi đến ngày mai? Nhỡ ra...? Lài thấy mình sai lầm khi nhận lời với Diễm. Mình thành người mang tai họa đến cho kẻ khác. Tại sao Lài mà không phải là người khác?
Cầm chiếc điện thoại lên mà Lài chợt quên hẳn số điện thoại của April. Nàng càng cố nhớ lại càng quên. Hay chờ thêm vài tiếng nữa. Để Lài thỏa thuê trong nỗi bàng hoàng một lúc nữa, để nước mắt cho khô, cho lòng lặng yên. April sẽ đòi đi vào gặp Vĩnh. Dĩ nhiên. Nhưng ai sẽ đưa đi? Lài không thể làm rộn giấc ngủ của ba được. Biết sớm vài tiếng cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nhỡ... Lài không muốn nghĩ đến điều đó. April phải được hạnh phúc... Biết đâu giờ này April đang ngủ, đang mơ những giấc mộng đẹp. Ai nỡ phá giấc mộng và đem kinh hoàng vào lúc đêm khuya?
Lài sẽ phải bắt đầu từ đâu? Nàng có rào đón đến bao nhiêu chặng đường rồi cũng phải đi vào vấn đề. Vĩnh chưa chết kia mà. Hãy tưởng tượng như báo tin một người bị ốm,  như vậy nhẹ hơn nhiều. Nhưng cái gì làm Lài nghĩ Vĩnh sẽ không thoát được? Một linh tính? Một cái nhìn bi thảm hóa? Một sợ hãi? Lài không tìm được câu trả lời nhưng nàng không chối cãi với chính mình một điều: Nàng có quan tâm và lo sợ cho Vĩnh.
Lài nhìn chiếc điện thoại trên bàn. Nàng nhìn đồng hồ: 1 giờ sáng. Trời vẫn chưa sáng. Cơn buồn ngủ lúc này biến mất từ bao giờ. Công việc nhắc điện thoại gọi cho April vào giờ này coi bộ khó hơn là thức chờ sáng, Lài tắt đèn trong phòng. Những xúc động cũng lơi dần. Nàng tìm được sự bình thản, cái bình thản trầm lặng đến sau khi những xôn xao đã nguội cho một cảm giác rã rời và chán chường. Điều gì làm Lài xúc động nhất? Sự chết hay sự mất mát? Trường hợp Vĩnh chẳng thể gọi là một sự mất mát được. Chẳng thuộc về nhau sao gọi là mất được. Đôi lúc Lài thấy mình có những xúc động quá đáng và ngay cả những suy tư của nàng về cuộc đời cũng thế: Kết quả chỉ làm Lài thêm rụt rè trước ngưỡng cửa của cuộc đời mênh mông và muôn mặt. Rồi có lúc Lài phải nhập vào đó, đơn độc.

*

Trong căn phòng đợi không lớn lắm nằm ở phía bên trái gần thang máy chỉ có rải rác vài người. Lài, Diễm và April ngồi tụ lại ở một góc. Một người đàn ông da trắng cũng đã nhiều tuổi ngồi đối diện. Ông ta cầm 2, 3 cuốn báo và xem với một tốc độ phi thường. Những trang giấy được lật một cách vội vã. Lài không nghĩ ông ta đọc được hàng chữ nào, có lẽ chỉ để đốt thời gian cho nhanh và để khỏa lấp sự chờ đợi. Còn sự hy vọng chỉ là những ngọn nến âm thầm đốt sáng trong lòng mỗi người. Có lẽ chỉ có người đàn bà da mầu ngồi bên trái cách Lài chừng vài ghế là tìm được sự bình thản. Bà ta có mầu da nâu xậm, mái tóc được búi lên cao một cách cẩu thả. Đôi mắt nhắm nghiền, hai đầu mắt hơi châu vào nhau. Gương mặt không son phấn dưới ánh đèn néon trong tai tái. Chiếc miệng với làn môi mỏng đồng mầu với làn da, nhúc nhích, di động một cách đều đặn và khẽ khàng theo những lời kinh thầm thì. Chuỗi tràng hạt đong đưa theo cử động của bàn tay.
Lài cũng khỏa lấp sự bồn chồn của chính mình bằng cách quan sát từng người trong phòng. Chỉ có năm người trong căn phòng đợi. Diễm chăm chú đọc tờ Glamour. April ngồi yên lặng như tượng. Không ai trao đổi với nhau một lời nào. Những tiếng động duy nhất trong căn phòng là tiếng trang sách báo bị lật và tiếng những cô y tá gọi nhau hay gọi bác sĩ qua máy phóng thanh. Nàng liếc nhìn April. Từ lúc Lài báo tin về Vĩnh cho đến bây giờ, April không hề hỏi han gì thêm và cũng chẳng khóc lóc vật vã gì. April chỉ rủ Lài và Diễm vào thăm Vĩnh như rủ đi thăm một người quen sơ. Cả ba cùng ngồi chờ vào thăm Vĩnh với tâm trạng khác nhau. Nhiều lúc Lài muốn bắt chuyện với April nhưng cứ nhìn ánh mắt xa vời của nó, Lài lại thôi. Không biết vì ánh đèn, tại vì mầu áo hay sao mà mầu mắt April xám mầu hắn lại. April ngồi đó, không đổi vị thế, lặng lẽ nhìn vào bức tranh treo trên tường trước mặt. Nàng ngồi đó như một bức tượng trang trí cho căn phòng. Những tình cảm, hơi ấm, những sức sống trong người April đâu hết cả, chỉ còn lại một cái vỏ vô tri thỉnh thoảng khẽ chớp mắt. Lài nhìn bạn và thấy buồn bã. Lài chợt nghĩ có lẽ mình đừng yêu ai để không bao giờ phải sợ hãi, khổ sở, đau đớn. Nàng cảm thông và thấy thương bạn. Một cô y tá mặc đồng phục trắng cầm hồ sơ thò đầu vào tìm kiếm. Cô ta nhìn người đàn ông da trắng trong góc phòng và hỏi: 
- Ông Martin? 
Người đàn ông buông những tờ báo xuống ghế và đứng dậy chờ đợi. 
Cô ý ta chỉ tay ra ngoài: 
- Bác sĩ Holden muốn nói chuyện với ông. 
Mọi người nhìn theo ông ta. Tin dữ hay lành? Lài thấy ngột ngạt trong căn phòng này. Thời gian như nặng nề và không trôi qua nổi. Nàng muốn đứng lên, đi ra ngoài, nói với ai một lời nào đó. Nàng thấy như mình đang bị nhận chìm trong không gian tăm tối, trong những chờ đợi lê thê.
Một người đàn bà da mầu khác từ trong thang máy bước ra. Trông bà ta có vẻ Á Đông. Cũng khuôn mặt hoang mang, sợ hãi như những người đang đợi ở đây. Ánh mắt bà ta dừng lại ở Diễm. Chắc để suy đoán xem Diễm có cùng quê hương với bà ta không? Ánh mắt hơi ngập ngừng nhưng bà ta tiến về phía ngoài, nơi lúc nào cũng có ý tá túc trực. Bà ta nói khá lớn. Lài hơi sững sờ khi nghe bà ta nhắc đến tên Vĩnh. Nàng nhìn sang Diễm như dọ hỏi. Diễm cũng đang chăm chú theo dõi. Tờ Glamour đã được đặt trả lại trên bàn từ bao giờ. April hơi nhíu mày. Lài chưa kịp hỏi Diễm đã thấy người đàn bà đó bước vào phòng đợi. Bà ta đến thẳng chỗ Diễm và hơi mỉm cười ngồi xuống ghế bên cạnh. Bà ta nói bằng tiếng Việt: 
- Chào cô.
Diễm ngạc nhiên cười trả lại. Diễm chưa kịp hỏi bà ta đã tự giới thiệu luôn: 
- Tôi là Phượng... quen Vĩnh. Vĩnh có bị nặng lắm không Diễm? Cô là Diễm phải không? 
Diễm vừa trả lời vừa quan sát người đàn bà trước mặt một cách kỹ lưỡng: 
- Vâng... cháu... tôi là Diễm. Sao bà biết? 
- Tôi gọi lại nhà tìm Vĩnh. Mẹ Diễm cho biết tin... 
Nói đến đây, mắt Phượng long lanh như sắp khóc. 
Chừng đó đủ để thấy có một sự liên hệ đặc biệt giữa người đàn bà tên Phượng và Vĩnh. April chợt xen vào: 
- Hello! How are you? 
Phượng nhìn sang April tỏ ý ngạc nhiên nhưng rồi cũng đáp lại: 
- Hi! 
Người đàn bà đó lại quay sang Diễm tiếp tục hỏi về Vĩnh: 
- Nãy giờ Diễm có vào thăm anh Vĩnh được chưa? 
- Dạ... chờ lâu mà chưa được vào. 
Diễm vẫn không biết phải xưng hô như thế nào nên ấp úng giới thiệu: 
- Đây là bạn Diễm: Lài, April. 
Trong sự giới thiệu, Diễm như ngầm hỏi về sự liên hệ giữa người đàn bà trước mặt và Vĩnh nhưng Phượng kín đáo tránh né ánh mắt dọ hỏi đó.
Nhìn gương mặt tiều tụy của người đàn bà mới đến, Lài thầm hỏi: Có phải tại Vĩnh? Người đàn bà đó cũng nhìn trả lại Lài và hỏi: 
- Cô cũng là người Việt Nam à? 
Lài vừa thấy buồn cười vừa thấy xót xa cho mình, nàng đáp: 
- Vâng, mẹ Lài là người Việt Nam.
- Thế à? 
Không biết đó là một lời dè bỉu kín đáo hay là câu hỏi ngỡ ngàng? Nhưng nó cho Lài cảm giác ngột ngạt, khó chịu. Nhiều lúc Lài không muốn nói tiếng Việt nữa, không bao giờ nàng gạt bỏ được những cảm giác bực bội đó. 
Nàng không muốn tìm hiểu xem người đàn bà trước mặt là ai và có liên hệ thế nào với Vĩnh nữa. Nàng muốn đi ra khỏi nơi đây. Tất cả những điều xảy ra chung quanh hoàn toàn có dính líu gì tới Lài đâu? Sao mình lại để bị lôi cuốn vào? Người đàn bà như không để ý đến thái độ của Lài, bà ta lại hỏi Diễm:
- Lúc tai nạn, có ai khác bị thương nữa không Diễm? 
Diễm lắc đầu: 
- Diễm không biết. Khi người ta báo tin, cậu Vĩnh đã được đưa vào nhà thương. Nhưng chắc có lẽ là không. 
Bà Phượng chợt òa lên khóc: 
- Đêm qua tôi bảo Vĩnh ở lại mà Vĩnh không nghe, nếu không đâu đến nỗi... 
Lài và Diễm nhìn nhau. April ghé tai vào tai Diễm hỏi nhỏ:
- Diễm không biết nữa. Bà ta bảo quen cậu Vĩnh. 
Diễm ngừng câu trả lời ờ đó, nàng không muốn nói rõ thêm những lời người đàn bà trước mặt vừa nói. 
 April tiếp tục thì thào: 
- Sao bà ta đi có một mình? Chồng bà ta đâu? 
Diễm nhăn nhó đáp: 
- Sao Diễm biết được. Diễm đâu biết bả là ai. 
Lài đột ngột đứng dậy bảo Diễm và April: 
- Lài đi về đây. Đi đã quá lâu, ở nhà ba trông. Có gì cho Lài biết tin. 
April kéo tay Lài. Bàn tay còn bé lạnh ngắt làm Lài rùng mình. 
- Ở lại thêm một lúc nữa rồi mình cùng về.
Lài muốn nói to: để làm gì? Nhưng nàng kìm lại được và chỉ nhỏ nhẹ vỗ mu bàn tay April: 
- Em phải về. Mình ngồi chờ hơn hai tiếng đồng hồ rồi. Tối Lài gọi lại chị. 
April buông tay Lài ra không nói thêm. Lài nghĩ ngợi nói vớt vát: 
- Chị muốn em gọi về nhà cho bác khỏi trông không? 
April lắc đầu. Nhìn gương mặt của cô chị họ, Lài muốn ngồi lại nhưng nàng lại thôi. Lài chỉ khẽ gật đầu chào bà Phượng rồi quay đi. 
Chiếc thang máy đưa Lài xuống tầng dưới. Lài thấy người mình nhẹ hẳn. Bên ngoài trời, nắng đã dịu và gần tắt. Lài đi bộ đến trạm xe bus và chờ chuyến xe đưa trả mình về nhà. 
Trên chuyến xe đầy ắp những người đi làm về, họ đứng sát vào nhau. Mùi khói thuốc, mùi mồ hôi sau một ngày dài, mùi bụi bặm và khói xe làm Lài tỉnh táo. Thà bị đứng chèn ép trong đám đông hỗn loạn này còn hơn bị nén trong bốn bức tường câm nín trong nhà thương và bị treo lơ lửng trong chờ đợi. 
Lài là một trong những người cuối cùng rời khỏi chuyến xe bus. Lúc nàng leo lên xe hãy còn nắng, về đến nhà trời đã hơi tối. Hai bóng đèn trước sân nhà đã được bật sáng: Ba đã về. Lài đi vội vã như chạy. Con đường giờ này đã vắng tanh. Lài mở cửa vào nhà. James đang ngồi ở phòng khách. Chàng nhìn lên có ý dò xét và hỏi Lài: 
- Vĩnh sao? 
- Con chẳng biết.
James bỏ tờ báo xuống, ngạc nhiên nhìn Lài: 
- Không phải con đi thăm Vĩnh à? 
- Con, Diễm với chị April vào thăm Vĩnh. Chờ hàng hai tiếng đồng hồ mà không được vào. Con về trước. 
James nhíu mày: 
- Chắc bị nặng? 
Lài mệt mỏi trả lời: 
- Con cũng nghĩ vậy. 
James vẫn nhìn Lài như để tìm một cái gì khác nữa sau câu trả lời của Lài. Nhưng Lài lẳng lặng vào trong phòng riêng thay quần áo. James tự hỏi: Không biết Lài có lúc nào yêu Vĩnh không nhỉ? Trông con bé cũng bơ phờ. Chàng hơi khó chịu với câu hỏi đó. Nhưng James lại tự xoa dịu bằng cách tự trả lời thay Lài: Lài chưa bao giờ yêu Vĩnh. Chắc Lài chỉ thương hại Vĩnh! 
Buông tờ báo xuống bàn và những dằn vặt mơ hồ lại trở lại. Có những lúc James muốn cho Lài biết sự thật, có những khi chàng lại muốn giữ kín. Phải chi chàng biết được phản ứng của Lài thế nào để James có thể chọn lựa. Tưởng tượng một ngày nào đó không còn Lài trong căn nhà này, chàng sẽ thấy cô đơn đến chừng nào! Càng ngày hình ảnh Lài càng gắn sâu trong căn nhà: đó là một sự cần thiết mà James nghĩ không có gì có thể thay thế được.
Tình yêu với An của một ngày nào đó, xa lắm, chìm khuất và lắng động trong quả tim chàng, không tan biến nhưng nằm yên ở một chỗ và đôi lúc chợt xôn xao với những gợi nhớ đến tình cờ. Nhưng hình ảnh An vẫn lắng sâu ở đáy hồn James và làm nền móng cho hạt tình yêu mới thoát thai từ hình ảnh An: Lài. Đó có phải là tình yêu như những định nghĩa thông thường hay là một thứ tình cảm nào khác? Cũng một thứ tình cảm khó hiểu nào đó nằm trong chàng và thuộc về James như một thứ định mệnh. Chàng thấy mình chẳng bao giờ mất An. Lài là cánh tay dịu dàng nối kết quá khứ không tàn phai với hiện tại. Ngày hôm qua, quá khứ và An là nổi ám ảnh không nguôi, hôm nay với Lài, những giao động, những tình cảm chợt bừng tỉnh như một người tỉnh giấc mộng dài. Chẳng còn mộng, chỉ có thực và Lài với dáng diễm kiều chính là sự thực. Những cảm giác êm dịu do sự có mặt của Lài là thực cả. Giờ phút này James thấy rõ ràng đâu là sự huyền hoặc về một kỷ niệm, về quá khứ đã qua mà chàng mãi bám giữ.