Hồng về Ninh Giang sau mấy ngày vui vẻ, gần bọn thiếu niên Hà Thành.Ngồi trên chiếc Ô tô đông ních hành khách, bên cạnh người tài xế và một cặp vợ chồng trẻ, nàng khó chịu về nỗi không nhúc nhích cử động được, nhất là bị người đàn bà béo quàng cái cánh tay nặng ở phía sau cổ, làm cho nàng cứ phải vươn thẳng đầu lên. Xe chạy được một quãng xa, lại thêm cái khó chịu về hơi dầu máy khét lẹt và hun nóng rát hai bàn chân. Hồng cầm che trước mũi chiếc ví da mới vừa mua còn mang cái nhãn giá tiền mà nàng quên chưa rứt đi và ngả đầu, gối hắn vào bắp tay bà láng giềng. Mắt nàng nhắm lim dim, và mỗi lúc xe gặp hố nhảy chồm lên, nàng lại chau mày chép miệng làu nhàu. Lúc đi, nàng cũng ở trong hoàn cảnh ấy, nhưng lòng nàng khoan khoái. Vì nàng mong chóng đến Hà Nội, nên không để ý tới những nỗi bực dọc giữa đường. Hôm nay trái lại, nàng trở về để sống những ngày buồn tẻ trong gia đình.- Ý chừng cô dự hội Sinh viên về?Nghe người đàn bà hỏi, Hồng quay lại:- Vâng... Tôi đi xem.Người kia cười:- Tôi biết là vì thấy áo cô hãy còn dính hoa giấy.Hồng gượng cười im lặng nhìn ra bên đường. Nàng lấy làm tự thẹn. Sáng nay, thay mặc cái áo nhung cũ để ngồi xe chen chúc được, nàng thấy có dính mấy mảnh hoa giấy mà nàng đã đánh rơi vào va ly lúc xếp áo cất. Nàng ngây người đứng ngắm cái di tích vui, trẻ ấy trong lòng bùi ngùi nhớ tiếc, và trù trừ không nỡ phủi đi. Vì thế, bây giờ mảnh hoa giấy như vô tình còn rực rỡ bám vào cái vạt áo nhung đen nhàu nát của nàng.Người đàn bà lắng lặng nhặt hết những chấm xanh đỏ vứt xuống chân, rồi như nói một mình:- Rõ phí! mỗi lần đùa nghịch chơi bời, họ tiêu tốn có hàng trăm hàng ngàn bạc về tiền giấy vụn ném đi.Người chồng cười đáp:- Mặc người ta chứ! Người ta thừa tiền thì người ta vứt đi, việc gì đến mợ?Người vợ gắt lại:- Cả cậu nữa, hôm nọ các cô ấy mời mà cũng bỏ tiền ra mua được!Người đàn ông vẫn cười:- Chuyện! Người ta mời không mua sao tiện?Người đàn bà ngồi im, vẻ mặt hằm hằm, dữ tợn. Hồng liếc mắt thoáng nhìn thấy lại nhớ đến dì ghẻ, và tưởng tượng ra một cảnh gia đình ầm ỹ, hỗn độn, chồng nhiếc vợ, vợ to tiếng với chồng, chửi mắng con cái. Và nàng nghĩ thầm để tự an ủi: "Gia đình nào cũng có những chuyện chẳng ra sao, chứ cứ gì một nhà mình, hay những gia đình có người dì ghẻ tàn ác".Nàng bỗng vụt trở nên tinh nghịch, bảo bà láng giềng:- Thưa bà, chính tôi mời ông muaconfettis đấy ạ.- Chính cô?- Vâng, chính tôi, tôi bán hoa giấy và kẹo mứt ở Khai Trí, trong động Bồng Lai.Nàng vừa nói vừa mủm mỉm cười rất có duyên. Bà kia nguýt dài ngoảnh đi, rồi từ đó cho đến Hải Dương, bà ta luôn luôn nói chuyện với chồng về những việc đâu đâu làm như đã quên cô bán hoa giấy trong ngày hội Sinh viên.Tới Hải Dương Ô tô hàng đỗ ở trước cửa hiệu bán dầu xăng. Vợ chồng người hành khách phải xuống để lấy lối cho Hồng đi ra. Người đàn bà lãnh đạm tỏ vẻ khinh bỉ. Thấy thế, Hồng càn thích chí, nghiêng đầu nói cảm ơn rồi nhờ người làm xe khuân chuyển va ly và cái bồ để ở trên nóc xe xuống.Nửa giờ sau, nàng đã lên chiếc Ô tô hàng đi Ninh Giang và cũng ngồi bên người lái xe như trước. Chủ xe quen thân với ông phán, nên bọn người làm công ân cần chào hỏi Hồng, rồi kẻ xách va ly, người vác bồ.Nhưng từ đấy, Hồng bắt đầu lo nghĩ. Xe càng gần nhà, Hồng càng sốt ruột buồn phiền đến nỗi người soát vé hỏi vé hai ba lượt, nàng mới nghe ra, mắt đăm đăm nhìn qua cái kính xe rung chuyển và xộc xệch.Khi trông thấy nóc đền Chanh, nàng nắm chặt hai bàn tay lại như ghì lấy hết can đảm sắp cần đến để đối phó với bên địch.Nàng còn đương suy tính, tự đặt ra những câu hỏi của cha, của dì ghẻ, và tự nghĩ trước những câu trả lời để bất thần không bị luống cuống, thì xe đã dừng bên bức bình phong gạch trước cửa nhà Hội đồng.Hồng thấy chân tay toát mồ hôi lạnh ra, và toàn thân run lên, tuy trời về cuối xuân không còn rét nữa. Nàng cố dềnh dàng kiểm điểm hành lý cho chậm tới phút gặp gia đình.Ngập ngừng nàng hỏi người tài xế:- Mấy giờ rồi... bác nhỉ?Người kia nhanh nhầu đáp:- Thưa cô, mười một giờ rưỡi ạ. Cô về vừa vặn đúng bữa cơm.Rồi người ấy quát:- Kìa thằng Tíu, mầy không bê bồ lên xe tay cho cô à?Hồng đứng lặng, nghĩ đến bữa cơm sắp cùng ăn với gia đình, nghĩ đến những vẻ mặt nghiêm khắc, lãnh đạm. Và nàng mong rằng nhà ăn cơm rồi. Thà nhịn đói một bữa còn hơn vừa về đến nhà đã phải nghe những lời mỉa mai hay mắng nhiếc.Càng xe đặt mạnh lên vỉa hè. Tức thì Thảo, đứa em bé khác mẹ chạy ra cửa reo lớn:- À chị Hồng đã về.Theo liền ngay tiếng quát:- Làm gì mà rối lên như thế? Chị ấy về thì mặc kệ chị ấy, có được không!Thảo sợ hãi chạy thụt vào trong nhà. Hồng lắc đầu thở dài, rồi nhờ anh xe bê bồ hộ, còn mình thì xách va ly đi theo.Quanh cái bàn ăn trải chiếc khăn sơn màu vàng kẻ dọc và vẽ hoa xanh, gia đình ông phán đang ngồi ăn cơm. Hồng liếc thấy các món ăn đã hầu tàn, và ông phán đã dùng đến món chuối tráng miệng. Nghe tiếng Hồng chào, ông không ngửng đầu lên, thản nhiên hỏi:- Ðã về đấy à?Bà phán gọi Nhài lấy đũa bát:- Ðể chị ấy ăn cho xong bữa, cả nhà cũng vừa ngồi vào bàn đấy thôi, chị ạ.Rồi chừng thấy câu nói của mình hơi vô lý, bà bảo lấy tiếp thêm một khúc cá kho và một đĩa dưa. Hồng vẫn chắp tay đứng yên lặng nhìn mọi người.- Thế nào, chị đã sắm đủ các thứ rồi đấy chứ?Bà dùng cả mắt cười nheo, và cặp môi mỏng khít nhách ra hai mang tai để làm tăng cái nghĩa mỉa mai của câu nói mà bà cho là chua chát lắm. Chừng sợ Hồng không hiểu thấu, bà giải thích:- Các cô bây giờ văn minh quá, đi sắm lấy đồ cưới cho mình. Chứ ngày tôi lấy thầy...(Bà đã theo các con chồng mà thay tiếng thầy vào tiếng cậu, vì cái danh từ "cậu mợ" tuy có lợi cho bà hơn, nhưng không còn được tự nhiên và thích hợp với cái tuổi khá cao của hai người nữa). Bà liếc mắt nhìn chồng mỉm cười nói tiếp:- Chứ ngày tôi lấy thầy, ông bà sắm cho hết, tôi chả biết một tí gì về việc cỗ bàn, cưới xin.Hồng tức nóng bừng mặt. Nàng lạ gì việc cưới xin của dì ghẻ, của người vợ theo ấy. Nàng đã toan đáp lại một câu thực sâu sắc, nhưng một sự tủi cực làm cho nàng ứa lệ đứng im: nàng cảm thấy nàng cô độc quá. Người ta sắp về nhà chồng thì nào cha mẹ, nào chị em săn sóc từng li từng tí, nghĩ đến từng cái chăn, cái màn cho chí cái gương, cái lược, hộp phấn, lọ kem. Còn nàng thì chỉ một mình tự lo liệu lấy. Nàng cũng biết thân biết phận lắm: Sợ khi về nhà người ta nhem nhuốc quá thì sẽ bị người ta chê cười và khinh bỉ, nàng đã hết sức làm ra mặt chiều chuộng và phục tòng dì ghẻ để nhờ dì ghẻ xin cha một món tiền để sắm đồ cưới kha khá một chút. Quả nhiên mưu mô của nàng đã có kết quả: Hôm nàng xin đi Hà Nội, dì ghẻ mở hộp lấy ra ba cái giấy một trăm và nói:- Tôi đã cố xin cho chị ba trăm, nhưng thầy bảo chỉ có hai trăm thôi. Tôi phải bù vào một trăm tiền riêng của tôi để đủ số ba trăm đấy. Không tin chị hỏi thầy mà xem.Ông phán ngồi đối diện với vợ, mắng át:- Mày làm gì mà xin những ba trăm? Sắm thì cũng sắm vừa vừa thôi chứ. Tao tiền đâu mà để mày trang sức như một bà hoàng được?Rồi ông quay sang phía bà phán, chau mày gắt:- Tôi cho nó hai trăm là đủ lắm rồi, sao bà còn cho riêng nó một trăm nữa?Bà phán cười:- Nhưng chị ấy lại xin những ba trăm cơ!Vừa nói bà vừa dúi vào tay Hồng ba tờ giấy bạc và tiếp luôn:- Thôi ông ạ, người ta một đời chỉ có một lần đi ở riêng, ông cũng nên cho nó được rộng rãi một chút.Hồng cảm động, tuy nàng thừa biết rằng đó chỉ là một lớp kịch khéo diễn.Hôm nay nghe mấy lời mỉa mai của dì ghẻ, Hồng càng thấy rõ sự giả dối của người ấy đối với mình. Nhưng nàng tự an ủi nghĩ thầm: "Vả lại người ta yêu sao được mình?" Một câu mắng của ông phán làm nàng giật mình, hết mơ mộng:- Con kia không ngồi ăn cơm cho xong bữa đi à? Còn đứng làm gì đấy?Hồng sợ hãi khẽ thưa:- Bẩm thầy, con còn no lắm.Bà phán bĩu môi, kéo dài từng tiếng:- Hay chị ấy chê cơm thừa không thèm ăn? Vậy Thảo bỏ đũa bát xuống bếp dọn mâm khác hầu chị đi con.- Mặc kệ xác nó, nó chẳng ăn thì đừng ăn!Ông phán nói câu ấy ra chiều bực tức rồi đứng dậy vào phòng trong để ngủ trưa theo đúng lệ hằng ngày. Bà phán đấu dịu:- Nới đùa đấy, chứ ăn cho xong bữa đi, con. Cô còn ăn nhiều kia, ngồi xuống cùng ăn với cô cho vui.Thảo cười ranh quái:- Bẩm mẹ, chừng chị con đã ăn quà trên xe hàng rồi.Bà phán cũng cười theo bảo con:- Có là đồ quạ mổ thì mới ăn quà trên xe hàng như thế, phải không chị Hồng.Hồng không đáp, lắng lặng bỏ đi. Bà phán gọi giựt lại bảo:- Hồng, thế mày nhất định không ăn cơm phải không?Hồng cáu tiết trả lời buông sõng:- Không!Tức thì bà phán dằn mạnh bát xuống bàn, kêu la ầm ỹ:- À! Con này giỏi thật! Nó nói dóng một dóng hai với tôi! Cho mày đi Hà Nội để mày học lấy những tính nết vô phép vô tắc ấy phải không, con kia?... Hay cô sắp đi ở riêng ở tây rồi, cô định vượt quyền tôi ngay từ bây giờ đấy?Ông phán nằm trong phòng ngủ thét ra:- Bà cứ để mặc xác nó, có được không? Hoài hơi mà dạy bảo cái con người rắn mày rắn mặt ấy, cái đồ khốn nạn ấy.Bà phán được thể gào càng to:- Nhưng không dạy bảo nó, rồi về nhà người ta nó bêu xấu bêu nhuốc tôi cơ.Tý và Thảo nghe mẹ mắng chị, vui thích nhìn nhau khúc khích cười.Trong khi ấy thì Hồng nghiễm nhiên bình tĩnh đứng múc nước vào chậu thau rửa mặt. Những tấn kịch gia đình như thế, nhắc đi lại trong đời nàng đã có tới hàng trăm hàng nghìn lần, và chỉ còn làm cho nàng khó chịu trong giây lát mà thôi, rồi vì thói quen, nàng lạnh lùng quên ngay.