TÔ CHƯƠNG dịch
Chương 5

Thế là một sự kiêu hãnh và thỏa mãn lớn, cộng và nhiều lý do khác, khiến Gađacđô rất tự hào về mình. Khi nói chuyện với anh, hầu tước Đờ Môraima, một ông cụ hiền hậu, không kiểu cách, rất biết ơn anh đã cứu cháu gái mình nên tỏ ra tử tế thân mật. Còn anh chàng matađo, tự kiêu về diễm phúc bí mật mà Đônha Xôn ban cho, tự coi mình hầu như người trong gia đình và đối xử với hầu tước một cách tôn kính gần như con đối với cha.
Nhà đại quý tộc kia, ăn mặc như một ông lão nhà quê, thật là một loại người - ngựa thần thoại mặc quần áo picađo và cầm một cây garôcha. Ông là một nhân vật hiển hách có thể đeo huân chương đầy ngực, ra vào hoàng cung với một bộ quần áo thêu chằng chịt và một cái chìa khóa vàng khâu trong tà áo. Tổ tiên xa xôi nhất của ông đã theo vua tới Xêvilơ đánh đuổi người Môrơ. Để thưởng công hãn mã, vua đã cho các ngài những đất đai rộng mênh mông chiếm của kẻ thua trận, ngày nay chỉ còn sót lại những đồng bằng rộng lớn có những con bò mộng của hầu tước đang gặm cỏ.
Những tổ tiên gần hơn của hầu tước, bạn và cố vấn của nhiều vị vua, trong cuộc sống xa hoa ở cung đình đã phá tan phần lớn sản nghiệp của mình. Bản thân hầu tước tính tình hiền hậu, hòa nhã, sinh hoạt giản dị như một nông dân nhưng vẫn giữ được cái vẻ thế phiệt của dòng dõi quý tộc. Về phần Gađacđô, trong thâm tâm, anh không thể không tự hào nghĩ rằng, nói cho cùng, nhân vật ấy đã trở thành chú vợ của anh và họ của "thằng bé thợ giầy"(1) xưa kia có phần nào dính dáng với một dòng họ hiển hách.
Lối sống của Gađacđô và những thói quen của anh matađo thay đổi hẳn. Hầu như không bao giờ anh bước chân vào những quán cà phê mà những người hâm mộ đấu bò hay lui tới nữa. Cố nhiên họ là những người lương thiện, nhưng chỉ là những người dân loàng xoàng, chủ hiệu nhỏ, thợ thuyền trở thành chủ xưởng, thầy cò thầy ký nhì nhằng, hoặc những người vô công rồi nghề sống được một cách kỳ lạ nhờ những công việc xoay xở bí mật, không có nghề nghiệp gì rõ rệt ngoài việc nói chuyện bò mộng cả.
Gađacđô đi qua cửa các quán cà phê ấy, chào những người hâm mộ anh, còn họ thì giơ tay đáp lại và rủ anh vào.
- Tôi sẽ trở lại, anh nói.
Nhưng anh không trở lại, mà bước vào một câu lạc bộ quý phái cùng ở phố Rắn. Ở câu lạc bộ này, có những người hầu mặc quần chẽn cộc, một lối trang trí gôtích đồ sộ và những bộ đồ ăn bằng bạc để trên bàn. Chính Đông Hôxê đã giới thiệu anh đến đó và anh được thu nhận như một ngoại lệ vì anh là một đấu sĩ "trông được", nghĩa là ăn mặc sang và vì mọi người biết rằng hầu tước Đờ Môraima rất yêu anh. Hơn nữa, Gađacđô với cái tinh ranh của một đứa lưu manh cũ, biết cách làm cho bọn thanh niên hào nhoáng và vô học ở đây mến mình.
- Anh ta là một người học rộng, các hội viên của câu lạc bộ này nói với vẻ nghiêm trang.
Thực ra về mặt học thức, anh cũng chỉ hiểu biết đúng như họ.
Anh con trai của bà Aoguxtiax không thể không cảm thấy hãnh diện mỗi khi bước vào câu lạc bộ, giữa hai hàng đầy tớ, xếp hàng như lính ở hai bên lối đi và được một người giữ cửa bệ vệ như một vị thẩm phán, cổ quàng một sợi dây bạc, chạy tới cất mũ và can cho mình. Giao du với một nhóm người thanh lịch như vậy quả là thích. Những thanh niên ấy, ngồi trên những chiếc ghế cao như trong một vở kịch lãng mạn, hết nói chuyện bò mộng đến chuyện đàn bà và kể rất chính xác cho nhau nghe những vụ quyết đấu(2) xẩy ra ở Tây Ban Nha vì họ đều là những người chi li về vấn đề danh dự và bắt buộc phải dũng cảm. Tại câu lạc bộ, có một phòng tập đánh kiếm và cũng có hẳn một phòng đánh bạc mở liên tục từ quá trưa hôm trước đến mờ sáng hôm sau.
Gađacđô hay đánh bạc. Đó là cách tốt nhất để thắt chặt tình thân trong giới đó. Anh đánh và thua với cái không may của một người may ở các mặt khác. Cái rủi của anh là một đề tài khoe khoang cho các hội viên câu lạc bộ.
- Tối qua, Gađacđô lại vừa bị giần một trận, họ vênh vang nói. Cậu ta thua ít nhất tới mười một nghìn đồng.
Khả năng chịu thua bạc kỳ lạ của anh và vẻ thản nhiên của anh lúc trả tiền làm cho các bạn mới của anh kính nể vì họ coi anh là trụ cột vững chắc nhất của sòng bạc câu lạc bộ.
Chẳng bao lâu Gađacđô mê đến mức có khi anh quên cả bà đại phu nhân của anh. Đánh bạc với những người thuộc tầng lớp thượng lưu nhất ở Xêvilơ thì còn gì thích hơn! Còn gì bằng được những thanh niên quý tộc đối xử một cách bình đẳng, nhờ tình anh em nẩy sinh từ chỗ vay mượn tiền và cùng hồi hộp như nhau.
Các bạn của người ủy quyền hỏi ông ta về những số tiền thua bạc của Gađacđô. Gađacđô sắp sạt nghiệp rồi, họ nói. Tất cả tiền nong anh ấy kiếm được nhờ những con bò bị chiếu bạc ngốn hết! Nhưng Đông Hôxê mỉm cười khinh khỉnh:
- Năm nay chúng tôi có nhiều hợp đồng hơn tất cả mọi năm. Tiền chúng tôi kiếm được không biết làm gì cho hết. Vậy cứ để cậu ấy giải trí. Chính vì thế mà cậu ấy làm việc, mỗi người có tật nhỏ của mình... Người số một trên thế giới đấy!...
Đông Hôxê coi việc thiên hạ thán phục thái độ tỉnh khô của Gađacđô khi thua bạc như một đại thắng lợi mới cho thần tượng của ông. Một matađo không thể giống như mọi người tính toán cò kè từng xu. Chưa kể Gađacđô muốn kiếm ra bao nhiêu tiền cũng được.
Từ khi Gađacđô bắt đầu lối sống mới, anh thấy chỉ vào câu lạc bộ trên đây cũng chưa đủ. Nhiều buổi chiều, anh tới cả Câu lạc bộ Bốn Mươi Lăm. Câu lạc bộ này là một thứ nguyên lão nghị viện của môn đấu bò. Các đấu sĩ vào đấy rất khó khăn, vì thế các vị nguyên lão nghị viện khả kính tha hồ tỏ bày ý kiến.
Vào mùa xuân và mùa hè. Câu lạc bộ Bốn Mươi Lăm họp trong phòng ngoài hoặc trên hè của ngôi nhà và các vị ngồi trong những ghế bành bằng cói chờ các bức điện về các cuộc đấu. Họ không tin vào nhận định của báo chí, vả lại họ cần biết tin trước khi báo ra. Lúc chập tối, các bức điện tới tay các vị từ khắp nơi trên đất Tây Ban Nha có cuộc đấu. Sau khi đọc điện với một vẻ nghiêm trang tôn giáo, các vị bắt đầu tranh luận và đặt giả thiết dựa trên những luận cứ vắn tắt của bức điện. Các vị làm việc đó một cách kiêu hãnh như làm một chức năng tôn giáo trang nghiêm. Chức năng của các vị là ngồi yên tĩnh hóng mát trước cửa, biết một cách chính xác không vì lợi ích riêng mà thổi phồng những gì vừa xảy ra chiều hôm đó ở đấu trường Binbao hoặc đấu trường Valăngxơ, biết người matađo nào được thưởng tai bò, người nào bị khán giả huýt sáo, trong lúc đồng bào của họ vẫn còn mù tịt một cách thảm hại, đành phải đi dạo ngoài phố để chờ đến lúc các báo phát hành. Khi có "chuyện vải sơn" tức là có điện báo tin một đấu sĩ cùng tỉnh với họ bị thương nặng, thì sự xúc động và tình đoàn kết của xứ Ăngđaludi khiến những vị nguyên lão nghị viện đạo mạo kia bớt kiêu kỳ đến mức thông báo cái tin bí mật quan trọng ấy cho một người bạn gặp ở ngoài phố. Lập tức tin đó lan đi tất cả các quán cà phê lân cận và không ai nghi ngờ tin đó cả vì nó nằm trong một bức điện mà Câu lạc bộ Bốn Mươi Lăm nhận được!...
Do một sự ưu đãi không thể tưởng tượng, Gađacđô dần dần được nhận vào trong nhóm đó. Một hôm, anh đến Câu lạc bộ viện cớ để gặp người ủy quyền của mình và cuối cùng anh được ngồi cùng các vị hội viên mặc dầu trong số này có nhiều người không yêu anh vì họ đã chọn một matađo khác làm matađo của họ rồi.
Lối trang trí bên trong Câu lạc bộ Bốn Mươi Lăm, theo lời Đông Hôxê, là một lối trang trí "có tính cách riêng": tường cao bọc men xứ Môrơ, sạch bóng và treo những tờ áp-phích lộng lẫy quảng cáo những trận đấu bò hồi trước; đầu nhồi rơm của những con bò nổi tiếng vì đã làm chết nhiều ngựa hoặc làm bị thương một matađo danh tiếng; áo choàng diễu hành và kiếm của nhiều đấu sĩ tặng lúc cắt bỏ món tóc côlêta(3).
Những đầy tớ ở Câu lạc bộ mặc lễ phục hầu những ông chủ mặc quần áo nông dân, hoặc có khi chỉ mặc sơ mi trong những buổi chiều hè nóng nực. Trong tuần lễ Thánh, khi nhiều nhà hâm mộ đấu bò tiếng tăm từ khắp nơi trong nước tới dự buổi chiêu đãi họ, thì những người hầu ở Câu lạc bộ mặc chế phục màu đỏ và vàng, quần cộc chẽn, bộ tóc giả trắng toát. Ăn mặc như người hầu trong cung vua, họ bưng những khay ăn rượu manđanila đến tận tay những nhà quý phái giàu sụ mà một số lớn đã thủ tiêu cái ca-vát rồi.
Buổi chiều, khi hầu tước Đờ Môraima, ông trùm của Câu lạc bộ tới, mọi người kéo ghế bành ngồi thẳng đuỗn xung quanh ông. Còn nhà nuôi bò cừ khôi kia thì ngồi trên một cái ghế cao hơn ghế mọi người, y như một thứ ngai vàng từ đó ông chủ trì cuộc nói chuyện. Bắt đầu các vị bao giờ cũng nói về thời tiết. Đa số các vị là chủ trại nuôi bò và địa chủ lớn, luôn luôn lo lắng về những nhu cầu của ruộng đất và về sự thay đổi thời tiết. Hầu tước trình bày những nhận xét của ông dựa trên kinh nghiệm ông thu thập được qua những cuộc đi ngựa liên miên trong đồng bằng Ăngđaluđi, một đồng bằng hoang vu, bát ngát thẳng cánh cò bay, trông như một cái biển cây cỏ trên đó những con bò mộng, giống như những con cá mập đang ngủ, có vẻ lượn lờ chầm chậm giữa những làn sóng cỏ. Hạn hán, một thiên tai đáng sợ đối với đồng bằng đó, là một đề tài bàn tán kéo dài mấy tối liền cho các vị hội viên Câu lạc bộ. Sau nhiều tuần lễ mong đợi, khi trời trở thành u ám và để rớt vài giọt mưa, các vị đại quý tộc nông thôn đó mỉm cười vui sướng. Trông thấy những giọt mưa to và ấm rơi lộp độp xuống mặt hè, hầu tước Đờ Môraima nói:
- Tạ ơn Chúa! Mỗi giọt mưa này đáng giá một đồng đuarô đấy!
Khi thời tiết không làm bận tâm, các hội viên Câu lạc bộ rất hay trò chuyện với nhau về gia súc và nhất là về bò mộng mà các vị nói đến một cách trìu mến, dường như giữa các vị và con vật kia có một thứ quan hệ họ hàng. Các nhà chăn nuôi rất nể ý kiến của hầu tước Đờ Môraima, vì ông giầu hơn nên có uy tín lớn. Những người hâm mộ đấu bò bình thường ít khi ra khỏi thành phố Xêvilơ, khâm phục ông khéo sản xuất được những con bò hung dữ: "Ông ấy biết nhiều thật...!". Về phần hầu tước Đờ Môraima, mỗi khi ông nói tới cuộc sống cô quạnh mà việc chăn nuôi đòi hỏi, ông tỏ ra hết sức thấm thía cái vĩ đại của vai trò của mình. Sau khi thử tính hung dữ của mười con bê, phải có đến tám chín con chỉ có thể dùng làm bò thịt. Chỉ một hai con tỏ ra can đảm trước cây garôcha và dám đương đầu với mũi sắt đó. Chúng được coi là bò đấu, được nhốt riêng để chăm sóc cẩn thận. Cẩn thận thật đấy!...
- Ta không nên xem một trại nuôi bò mộng hoang dại như một việc kinh doanh, hầu tước tuyên bố. Đó là một trò xa xỉ tốn kém. Chúng ta bán mỗi con bò mộng có đắt hơn bò thịt bốn năm lần thật đấy, nhưng giá thành của nó lại rất cao!
Ta phải trông nom các con vật ấy bất kể giờ giấc, xem xét thức ăn và nước uống của chúng, chuyển chúng từ nơi này qua nơi khác tùy theo thời tiết thay đổi. Nuôi mỗi con tốn hơn nuôi cả một gia đình! Và cuối cùng, nếu con nào đúng quy cách, ta còn phải trông nom thật kỹ cho đến phút cuối cùng để nó xứng đáng khi ra đấu trường và làm vinh dự cho cái huy hiệu(4) lủng lẳng trên cổ nó. Ở một số đấu trường, hầu tước đã đi đến chỗ đánh nhau với chủ đấu trường và nhà đương cục, vì ông nhất quyết không chịu trao bò của ông cho họ với lý do là đội nhạc ngồi ngay ở trên chuồng bò khiến tiếng nhạc gây hoang mang cho những con vật cao quý ấy và làm cho chúng nó kém can đảm và kém cương quyết khi ra đấu.
- Nó cũng như người! ông nói với vẻ trìu mến xúc động. Chỉ có cái là nó không biết nói!
Rồi ông kể chuyện con Lôbitô(5), một con cabextơrô già mà ông sẽ không bao giờ bán, dù người ta có đem cả thành phố Xêvilơ lẫn cái tháp Giranđa để trả cho ông. Mỗi khi ông phóng ngựa qua cánh đồng cỏ mênh mông tới chỗ trông thấy đàn bò trong đó có cái của báu kia, ông chỉ cần kêu lên một tiếng "Lôbitô" là con vật chú ý ngay. Lập tức nó rời các con bạn, chạy lại chỗ chủ nó, bằng cái mõm hiền lành làm ướt đôi ủng của ông khi ông đang ngồi trên lưng ngựa; tuy thế nó lại là một con vật có sức mạnh ghê gớm khiến mọi con bò mộng đều kiềng nó. Ông xuống ngựa, rút ở trong đẫy ra một miếng sôcôla cho con Lôbitô ăn. Con vật biết ơn ông bèn lúc lắc cái đầu có cặp sừng to tướng.
Sau đó hầu tước vịn tay vào cổ nó, yên ổn bước đi giữa đàn bò mộng xôn xao, lo ngại và sợ hãi vì thấy người lạ. Ông không lo gì cả, vì con Lôbitô đi bên cạnh như một con chó lấy thân nó che cho chủ và nhìn tứ phía để làm cho những con bạn ghê gớm của nó phải kiềng nể. Nếu có con nào táo gan lại gần đánh hơi người lạ mặt thì lập tức gặp cặp sừng đe dọa của con Lôbitô; hoặc, nếu có những con vụng về do nặng nề đứng ngáng lối đi, con Lôbitô vươn cái đầu vũ trang của nó ra và bắt bọn kia phải nhường chỗ.
Khi hầu tước thuật lại những thành tích của một số con vật từ trại ông xuất ra, sự hào hứng và âu yếm làm cho ông xúc động đến nỗi cái mép cạo nhẵn nhụi và chòm râu bạc của ông rung lên.
- Bò mộng, quả là con vật cao quý nhất đời! Ông nói. Nếu con người ta mà giống nó thì mọi việc trên đời sẽ tốt đẹp hơn. Ví dụ con Côrônen(6) mà các vị trông thấy ảnh ở chỗ kia. Các vị còn nhớ báu vật đó không?
Ông lấy tay chỉ một bức ảnh chụp cỡ lớn, đóng khung rất kịch sự, trong có hình của ông mặc quần áo dân miền núi, trẻ hơn bây giờ nhiều ở giữa mấy em bé gái mặc toàn đồ trắng. Họ ngồi giữa một cánh đồng cỏ, trên một khối đen đen có hai cái sừng nhô lên. Cái ghế dài mờ mờ, nom không rõ ấy chính là con Côrônen. Nó to kếch xù và hay gây gổ với những con bò cùng đàn, trái lại nó rất mến và vâng lời ông chủ nó và các người trong gia đình ông. Nó giống những con chó giữ nhà, hung dữ với người lạ nhưng để trẻ con trong nhà kéo đuôi, kéo tai và làm đủ trò ma quái chỉ gừ gừ một cách hiền lành. Các em bé gái ngồi trên con Côrônen là con của hầu tước. Con Côrônen hít hít những cái áo dài nhỏ của các em. Các em lúc đầu còn sợ hãi bám lấy chân bố thế mà sau dám gãi mõm con vật với sự bạo dạn đột ngột của tuổi thơ.
Một hôm, sau nhiều lần ngần ngại, hầu tước quyết định bán con Côrônen cho đấu trường Pămpơlunơ và đi dự cuộc đấu! Chao ôi! Sau này, mỗi khi hầu tước thuật lại chuyện xảy ra hôm đó, hai mắt ông lại đẫm lệ! Suốt đời chưa bao giờ ông thấy một con bò mộng nào xử sự như con Côrônen. Nó hiên ngang bước vào bãi đấu và đứng đàng hoàng ở chính giữa, chói mắt dưới ánh mặt trời vì mới ở trong chuồng tối tăm ra, ngạc nhiên trước tiếng lao xao của hàng vạn con người sau khi ở trong khu nhốt im ắng. Nhưng một picađo vừa mới làm sướt bướu cổ của nó, nó làm toàn thể đấu trường sôi lên vì cơn tức giận hào hùng của nó.
Trước mặt nó lúc bấy giờ chẳng còn người, còn ngựa, còn cái gì hết! Trong khoảng khắc nó quật ngã tất cả các con ngựa, hất tung lên trời các chú picađo.
Các đấu sĩ chạy lung tung, bãi đấu hỗn loạn như khi người ta đóng dấu sắt(7) ở đó. Công chúng yêu cầu đưa ngựa khác vào và con Côrônen chờ địch thủ lại gần mới cho một đòn. Hễ bị khiêu khích là nó xông đến, tấn công một cách anh hùng làm cho mọi người khâm phục nó sát đất.
Khi kèn trống nổi lên, báo hiệu giai đoạn hạ sát đã đến, mặc dù bị tới mười bốn mũi giáo và toàn bộ banđêri cắm vào cổ, nó vẫn hùng dũng như vừa mới ở đồng cỏ ra. Thế là...
Bao giờ kể đến đây nhà chăn nuôi cũng phải dừng lại để sửa giọng run rẩy cho rắn rỏi lại.
Thế là hầu tước Đờ Môraima lúc đó đang ngồi trong một ghế lô, không biết làm thế nào chạy được đến sau hàng rào, giữa bọn lao công đang cuống quít. Ông tới bên người matađo đang từ từ chuẩn bị mulêta như muốn hoãn giây phút phải đương đầu với một địch thủ đáng gờm đến thế. "Côrônen!", hầu tước vừa kêu vừa cúi xuống lấy tay đập đập mạnh vào ván hàng rào. Con vật lúc đó đang đứng yên tại chỗ, nhưng nghe thấy tiếng kêu nhắc nó nhớ lại cái miền đất xa xôi mà nó sẽ không bao giờ trở lại nữa, nó ngửng phắt đầu lên. "Côrônen!", hầu tước lại kêu lên. Con vật ngoảnh đầu lại, trông thấy người vừa gọi nó ở hàng rào, thế là nó phóng một mạch đến chỗ ông. Nhưng chạy được nửa đường thì nó ngừng chạy và nhẹ nhàng bước tiếp cho đến khi sừng nó chạm vào hai cánh tay giơ ra về phía nó. Ức của nó thấm máu tươi đang chảy ròng ròng từ những lỗ thủng trên bướu cổ. Da nó bị rách nhiều chỗ để lộ những bắp thịt xanh lơ. "Côrônen, con ơi!", hầu tước nói. Con bò hình như hiểu biểu hiện âu yếm đó, nó nghển mõm lên, rãi của nó làm ướt bộ râu bạc của nhà chăn nuôi, đôi mắt sáng của nó hằn những tia máu có vẻ nói: "Tại sao ông lại đem con đến đây!". Thế là hầu tước chẳng còn biết mình làm gì nữa, cúi xuống hôn liên tiếp vào hai lỗ mũi con vật hãy còn ướt sũng hơi thở căm tức!
"Đừng giết nó!" một người tốt bụng kêu to trên khán đài. Và hình như lời nói đó diễn tả tình cảm chung của khán giả, nên mọi người ồ lên từ khắp nơi trong khi hàng nghìn cái khăn tay vẫy phấp phới trên các bậc ngồi, như một đàn chim bồ câu bay lượn. "Đừng giết nó!". Lúc đó công chúng xúc động, chẳng kể gì đến thú vui của mình nữa, ghét người đấu sĩ xuất sắc và vẻ anh hùng vô tích sự của anh, khâm phục sự dũng cảm của con vật và nhận thấy rằng trong biết bao nhiêu sinh vật có lý trí kia thì đại diện cho sự cao quý và tình nghĩa chính là con vật tội nghiệp(8).
- Tôi đem nó về, hầu tước cảm động kết luận. Tôi hoàn lại cho ông giám đốc đấu trường hai nghìn đồng pêxêta. Nếu cần đem cả gia tài của tôi để trả chắc tôi cũng sẽ làm. Sau một tháng nghỉ ngơi ở trong đồng cỏ, con Côrônen hồi phục, ngay vết tích ở trên bướu cổ cũng không còn. Tôi hy vọng con vật hào hiệp đó sống đến già, nhưng ở trên thế gian này những ai tốt nhất thường ít gặp may nhất! Một con bò mộng hiểm độc, không dám nhìn thẳng vào mặt nó, đã húc chết nó một cách phản phúc.
Hầu tước Đờ Môraima và những nhà chăn nuôi khác chuyển nhanh chóng từ chuyện thương yêu bò mộng sang chuyện kiêu hãnh về tính hung dữ của nó. Các vị nói một cách khinh bỉ về những ai ghét đấu bò, về những ai lên giọng chống nghệ thuật đấu bò với danh nghĩa bảo vệ súc vật. Các vị nói: "Đó là những cái điên rồ của những người ngoại quốc! Những cái sai lầm của người ngu dốt nhìn con vật chỉ thấy cặp sừng và nhầm lẫn con bò thịt với con bò đấu! Bò mộng Tây Ban Nha là một con vật hung dữ, uy dũng nhất đời...". Và các vị kể lại những cuộc đánh nhau giữa bò mộng và dã thú lớn, bao giờ con vật dân tộc cũng thắng lợi vẻ vang.
Hầu tước cười khi nhớ đến một con bò khác của ông. Một đấu trường định tổ chức một cuộc đấu của một con bò mộng với một con sư tử và một con hổ. Hầu tước đưa tới con Barabax, một con bò mộng có tật mà ông đã phải tách khỏi các con khác ở đồng cỏ, vì nó hay húc chúng và làm chết một số...
- Và chính mắt tôi đã trông thấy tình hình diễn ra như thế này, hầu tước kể. Con Barabax bị nhốt trong một cái cũi sắt to, đặt ở chính giữa bãi đấu. Đầu tiên người ta thả một con sư tử vào. Con thú dữ đáng nguyền rủa đó biết rằng con bò mộng không tinh quái bèn nhảy ngay lên mông nó và lấy vuốt và răng cấu xé nó. Con Barabax tức giận, lồng lên để hất con sư tử xuống, đặt con sư tử vào tầm húc của sừng mình. Nó lồng lộn một lúc thì nó lẳng được con sư tử xuống trước mặt nó và nó móc sừng vào. Thế rồi!... Ôi chà chà, thưa các vị, con sư tử chẳng khác nào quả bóng trong một trận đấu bóng chuyền!... Trong một lúc lâu, con bò cứ hất nó từ sừng này qua sừng kia, lắc nó như lắc một con rối rồi cuối cùng, với vẻ khinh bỉ, lẳng nó vào một xó khiến con thú dữ mà người ta gọi là chúa tể của các giống vật, nằm co dúm và bất động như một con mèo bị đánh. Hồi thứ hai còn nhanh hơn cả hồi đầu khi con hổ vừa mới xuất hiện trong chuồng, con Barabax lập tức húc nó, tung nó lên trời rồi sau khi làm cho nó nhảy nhót ra trò, cũng quẳng nó vào một xó như con sư tử. Sau đó con Barabax quá ưa đùa nhả, đi đi lại lại rồi ị ngay trên mình hai con ác thú.
Các câu chuyện trên đây bao giờ cũng làm cho các hội viên Câu lạc bộ Bốn mươi lăm cười vang. Trong tiếng cười vui vẻ pha lẫn cả lòng kiêu hãnh về đất nước mình, dường như giá trị của gia súc Tây Ban Nha cũng chứng minh sự ưu việt của quốc gia này so với tất cả các quốc gia khác trên thế giới.
Trong khi đó, gia đình Gađacđo ở tại trại Rinhcônađa. Bà Aoguxtiax, sau những ngày nghèo khổ sống trong những căn nhà tồi tàn tại Xêvilơ rất yêu cuộc sống thôn dã. Cacmen cũng thích ở nông thôn. Tính hay lam hay làm của chị khiến chị trông nom cẩn thận công việc của các đầy tớ. Chị thưởng thức cái thú có vườn, có đất rộng rãi. Hơn nữa, các con của bác thợ yên ngựa, những đứa cháu lấp chỗ trống do sự không sinh nở tạo ra ở quanh chị đang cần có không khí ruộng đồng. Về phần anh matađo, khi bảo vợ và mẹ về trại ở, anh hứa rằng ít lâu sau anh cũng sẽ về đó với họ. Nhưng anh viện đủ mọi lý do để lần chần, và anh sống ở nhà anh trong thành phố một mình với người hầu là Garabatô. Cuộc sống độc thân ấy giúp anh được hoàn toàn tự do đi lại với Đônha Xôn.
Cùng cưỡi những con ngựa nhanh nhẹn và ăn mặc như trong ngày hội thử bò dạo trước, Gađacđô và Đônha Xôn đi xem bò ở những đồng cỏ gần Xêvilơ hoặc "thử" những con bò non trong các trại của hầu tước Đờ Môraima, khi thì đi riêng, khi thì có cả Đông Hôxê đi theo để tránh tiếng. Đônha Xôn rất mê nguy hiểm, mỗi khi được đâm garôcha nàng mừng quýnh lên và nhiều khi con vật không chạy trốn lại quay lại tấn công nàng khiến Gađacđô phải chạy tới cứu.
Nhiều lần khác, khi có tin sắp có một cuộc "cho bò vào cũi" để các đấu trường tổ chức những trận đấu đặc biệt kết thúc mùa đấu vụ đông, hai người bèn đi ra ga Anhpamê(10).
Đônha Xôn tò mò ngắm kỹ nơi trung tâm xuất khẩu quan trọng nhất của công nghiệp bò mộng. Ở đấy, có những sân rộng thênh thang nằm sát đường xe lửa và những thùng gỗ kếch xù màu xám với hai cửa mở đóng bằng rãnh soi xếp thành hàng mấy chục cái trên bánh xe để chở lên đường, nghĩa là chờ những trận đấu mùa hè. Những thùng đó đã đi khắp bán đảo, mang theo những con bò mộng hoang dại tới những thành phố xa xôi nhất, rồi lại trở về rỗng không để lấy những con khác. Mưu mẹo của người nghĩ ra và tài khéo của những kẻ trong nghề khiến những con vật hung dữ quen sống tự do ngoài đồng nội trở thành dễ bảo y như một hàng hóa thông thường.
Những con bò định chở bằng xe lửa bị thúc chạy thật nhanh đến địa điểm quy định dọc theo một con đường rộng thênh thang và bụi bặm, giữa hai hàng rào dây thép gai. Chúng từ những cánh đồng cỏ xa xôi tới và khi đến gần Anhpamê, người ta bắt chúng chạy như điên để dễ lừa chúng.
Đi đầu là những người chăn bò phóng ngựa như bay, cây giáo đặt trên vai, rồi đến những con cabextơrô khôn ngoan chạy theo để bảo vệ họ bằng những cặp sừng kếch xù. Sau đó là những con bò chiến hung dữ bị đưa tới chỗ chết, được "bao bọc" cẩn thận", nghĩa là vây quanh chúng có những con bò nuôi dạy thuần thục ngăn chúng không thể rời khỏi đường đi, và những người chăn bò khỏe mạnh tay cầm súng cao su sẵn sàng bắn đá trăm phát trăm trúng vào sừng của con nào định bỏ đàn.
Tới sân ga, những người cưỡi ngựa đi đầu tách ra dừng lại ở ngoài còn tất cả đàn bò, như một cơn mưa bụi bặm, xen lẫn tiếng chân chạy, tiếng rống và tiếng nhạc bò, lao ầm ầm vào trong sân; người ta vội vàng đóng cửa sau khi con bò cuối cùng chạy qua. Những con cabextơrô có nhiều kinh nghiệm và biết nghe lời người chăn bò lập tức tránh sang hai bên ngay sau khi vượt khỏi cửa để cho đàn bò mộng chạy sau chúng lọt qua không bị cản.
Một số người ngồi trên bờ tường hoặc đứng trên ban công, hò hét hoặc vẫy mũ dạ kích đàn bò mộng. Chúng chạy qua cái sân thứ nhất mà không hề biết rằng chúng đã bị cầm tù, vẫn tưởng mình có thể tự do phóng mãi như ở giữa cánh đồng. Rồi chúng dừng lại, ngạc nhiên ngơ ngẩn thấy trong sân thứ hai có một bức tường chắn ở trước mặt và cửa sau lưng chúng đã đóng.
Khi đó việc "đóng cũi" bắt đầu. Người ta vung vẫy những mảnh vải, hò hét và đâm garôcha để đưa từng con vào một hành lang ở giữa để cái thùng vận chuyển với hai cửa ngỏ. Cái thùng này giống một đường hầm nhỏ, ở đầu đằng kia người ta trông thấy một khoảng trống - một cái sân khác đầy cỏ mọc - và những con cabextơrô đang bình yên gặm cỏ. Con bò mộng bị hình ảnh của cánh đồng cỏ lôi cuốn. Nó chậm chạp đi vào hành lang như đánh hơi sự nguy hiểm. Nó ngần ngại đặt chân lên cái cầu gỗ bắc chênh chếch để lối vào thùng đặt trên bánh xe khỏi cao quá. Nó nghi ngờ con đường hầm nhỏ mà nó phải đi qua; nhưng những người đứng trên ban công cứ đét mãi vào đít nó bắt nó phải bước tiếp. Nó trông thấy hai hàng người cúi rạp trên các bao lơn huýt sáo và vỗ tay để thúc giục nó. Từ trên mái thùng mấy bác thợ mộc đang nấp để chờ làm sập cánh cửa, một lá cờ đỏ rủ xuống, uốn lượn trong cái khuôn cửa sáng ngời hình chữ nhật. Bị quấy phá, bị hò hét và bị mảnh vải đỏ rực múa may trước mắt như thách thức, đồng thời trông thấy nhiều con bò khác đang bình yên gặm cỏ ở cuối lối đi đáng ngại, cuối cùng nó quyết định: nó lao mình để vượt qua đường hầm nhỏ, làm rung mạnh cầu ván ở dưới chân. Nhưng nó vừa bước vào trong cái thùng là cửa trước mặt sập xuống đồng thời cửa sau cũng đóng lại rất nhanh khiến nó không kịp lùi. những bản lề vững chắc rít lên, bóng tối và im lặng bao phủ con vật bị nhốt trong thùng chật hẹp khiến nó chỉ có thể nằm gập bốn chân. Từ một cái cửa sạp ở trên mái, người ta ném hàng vốc rạ xuống cho nó. Người ta đẩy phòng giam lưu động có bánh xe ấy ra xe lửa. Rồi người ta đặt một cái thùng khác vào trong hành lang và việc đánh lừa diễn lại cho đến khi tất cả các con bò đều được "đóng gói" để gửi đi.
Vốn mê say "màu sắc địa phương", Đônha Xôn khâm phục phương pháp cho vào cũi này của nền đại công nghiệp nước nhà và rất muốn bắt chước những người dẫn bò. Nàng yêu đồng ruộng và nơi khoáng đãng. Trong tâm hồn của nàng xao xuyến cảm tình đối với cuộc sống của mục đồng, vì chúng ta ai chẳng mang sẵn tình cảm đó trong lòng như một di sản thừa hưởng của các tổ tiên xa xôi, vào cái thời con người chưa biết khai thác lòng đất nên phải sống dựa vào các đàn gia súc. Làm mục đồng, làm mục đồng để chăn một loại gia súc hoang dại, đó là cái nghề thú vị nhất và anh hùng nhất trong con mắt của Đônha Xôn.
Điều đó không khỏi làm cho Gađacđô hơi ngạc nhiên đôi chút vì anh đã bắt đầu tỉnh giấc mê say ban đầu. Đôi khi anh tự hỏi không biết tất cả các phu nhân quý tộc có giống Đônha Xôn hay không. Anh chẳng hiểu gì về những cái thích lạ lùng của người phụ nữ ấy, vì tính khí thất thường của nàng. Anh không dám xưng hô anh em với nàng. Không bao giờ nàng mời mọc anh trước công chúng bằng lời ăn tiếng nói thân thiết như vậy. Một hôm, anh vừa mới ngập ngừng "anh anh em em" thì lập tức cặp mắt màu vàng óng của nàng lộ vẻ ngạc nhiên ghê gớm đến nỗi anh thẹn đỏ mặt và từ đó không bao giờ nói như thế nữa. Còn nàng, nàng giống như các ông bạn đại quí tộc của anh, chỉ xưng hô thân mật với anh vào lúc chỉ có hai người mà thôi. Những khi nàng cần viết cho anh mấy chữ, ví dụ để báo tin nàng sắp vắng nhà và anh không nên đến thì nàng gọi anh bằng "ông" và chỉ dù những câu nói lịch thiệp lạnh nhạt như cách nói của người trên đối với kẻ dưới.
- Tức mình với cô ả này thật! Gađacđô lẩm bẩm bực bội. Nó làm như xưa nay nó chỉ quan hệ với những thằng vô lại giở thư của nó cho mọi người xem. Nó sợ mình à? Hay là nó tưởng rằng người matađo không biết phong nhã đối với phụ nữ.
Ngoài lòng tự ái đó, Gađacđô còn có một lý do cụ thể hơn để cáu kỉnh và buồn phiền. Bây giờ, nhiều khi đến nhà nàng, anh thấy mấy người đầy tớ cao lớn ăn mặc như ông hoàng cản anh lại và lạnh lùng dằn từng tiếng nói với anh: "Phu nhân không tiếp khách được. Phu nhân đi vắng rồi". Nhưng Gađacđô đoán rằng đó chỉ là lời nói dối và anh có linh cảm rằng Đônha Xôn đang có mặt trong một phòng cạnh đấy, bên kia cánh cửa. Chắc hẳn nàng đã chán anh và chính vì thế thế mà đột nhiên, vào giờ viếng thăm thường lệ, nàng đã ra lệnh cho đầy tớ không cho anh vào.
- Lửa tình đã tắt! - anh chàng matađo thở dài rút lui - Mình sẽ không lại nữa. Rõ ràng con bé này không thích mình nữa.
Gia đình Gađacđô trở về thành phố để dự hội hè trong Tuần lễ thánh. Anh sẽ phải tham gia những trận đấu tổ chức trong dịp lễ Phục sinh. Đã nhiều lần, hoặc từ Mađrit, hoặc từ nhiều nơi khác, khi ở đấu trường ra anh matađo đã đánh điện cho cả Đônha Xôn lẫn Cacmen: "Không có gì mới". Nhưng đây là lần đầu tiên, anh sắp đấu trước mắt người phụ nữ đại quí tộc kia kể từ khi anh biết nàng, vì thế anh lo ngại, kém tự tin. Hơn nữa chẳng bao giờ đấu ở Xêvilơ mà anh không hồi hộp ít nhiều. Tại một đấu trường nào khác trên đất Tây Ban Nha, anh có thể chấp nhận một thất bại vì lẽ còn lâu anh mới trở lại nơi đó; nhưng ở nơi chôn rau cắt rốn, nơi anh có nhiều kẻ thù lợi hại nhất, không lẽ...
- Mọi người sẽ xem cậu có xuất sắc không đấy, ông Ủy quyền của anh nói. Cậu nên nhớ rằng mọi người sẽ theo dõi cậu. Tôi nghĩ cậu vẫn là người số một trên thế giới!...
Ngày thứ bảy Sáng danh Thiên Chúa(11), lúc đêm đã khuya, người ta tiến hành việc enxierô(12) những con bò sắp đem đấu. Đônha Xôn muốn tham gia công việc đó với tư cách người vác giáo(13), một công việc thú vị ở chỗ thực hiện trong đêm tối. Đó là việc dẫn bò từ đồng cỏ Tablađa đến chuồng của nó ở đấu trường. Mặc dầu Gađacđô rất muốn đi cùng người yêu, cuối cùng anh phải để nàng đi một mình, vì Đông Hôxê nhất quyết phản đối với lý do là anh phải nghỉ ngơi để hôm sau ra đấu trường được tỉnh táo, khỏe mạnh.
Lúc nửa đêm, con đường từ đồng cỏ đến đấu trường nhộn nhịp như hội chợ. Trong các biệt thự, qua những cửa sổ sáng đèn, người ta thấy những bóng người ôm nhau khiêu vũ trong tiếng dương cầm. Ở các quán ăn, cửa mở rộng hắt xuống mặt đất những hình vuông đỏ chói và từ trong phòng vang lên tiếng cười, tiếng la, tiếng hòa âm của đàn ghi ta, tiếng cốc va chạm lanh canh làm người ta có thể đoán rằng rượu đang rót tràn trề.
Vào khoảng một giờ sáng, một kỵ sĩ xuất hiện cho ngựa đi nước kiệu nhỏ trên đường cái. Đó là "người báo hiệu", một người chăn bò cục mịch, anh ta dừng lại ở trước các quán ăn và các biệt thự có ánh đèn, thông báo mười lăm phút nữa thì đàn bò sẽ đi qua, vì vậy mọi người phải tắt đèn và im lặng hoàn toàn. Thông báo đó, phải đi nhân danh ngày hội dân tộc, được mọi người tuân hành nhanh chóng hơn cả lệnh của nhà cầm quyền. Mọi nhà tối om, không còn ai phân biệt được màu vôi trắng của nó với khối đen xì của cây cối. Không nói một tiếng, mọi người tụ tập sau các cổng sắt, sau các hàng rào và các bức rèm, xúc động như đang chờ đón một cái gì khác thường lắm.
Trên các lối đi bên bờ sông, hễ tiếng hô của người báo tin bay tới đâu là đèn khí tắt đến đó.
Từ lúc này, khắp nơi im lặng hoàn toàn. Các vì sao lấp lánh ở trên ngọn cây, còn ở sát mặt đất tai người có thể nghe thấu một tiếng động yếu ớt, một sự đụng cựa nhè nhẹ, như vô vàn côn trùng chén nhau trong bóng tối. Những khán giả vô hình có vẻ sốt ruột chờ đợi.
Cuối cùng, ở đằng xa nổi lên tiếng nhạc ngựa, nhạc bò nghiêm trang, nó to lên rất nhanh rồi thành ầm ĩ hòa vào tiếng lồng chạy hỗn độn làm rung chuyển mặt đất. Đầu tiên, vài kỵ sĩ, trông to lớn dị thường trong đêm tối, phóng qua rất nhanh, cây giáo cầm chúc xuống đất. Đó là mấy người chăn bò. Tiếp đến một nhóm người vác giáo không chuyên nghiệp trong đó có Đônha Xôn. Cuộc phóng ngựa ban đêm tối làm nàng hồi hộp vì nếu con ngựa trượt chân là người cưỡi nó chết bẹp ngay dưới móng chân rắn như đá của đàn bò hoang dại đang chạy tới phía sau với tốc độ điên cuồng. Rồi đến một trận mưa đá cuội rào rào làm mặt đường bụi mù; những con bò mộng chạy qua như hình ảnh một cơn ác mộng; những quái vật xuất hiện trong đêm tối ấy là những khối thịt khổng lồ run rẩy, nặng nhưng nhanh, thở phì phò và rống kinh khủng, húc sừng vào bóng tối, vừa sợ hãi vừa tức giận vì bị tiếng la hét của những người có bò chạy bộ theo sau và tiếng vó ngựa của những kỵ sĩ chặn hậu lấy giáo chọc phá chúng.
Cơn lốc nặng nè ầm ĩ ấy lướt qua trong một phút. Sau đó, không còn có gì để xem nữa. Công chúng thỏa mãn về cảnh tượng vừa diễn ra rất nhanh, rời khỏi nơi ẩn nấp và nhiều người hào hứng chạy theo đàn bò, hy vọng đến kịp để xem chúng vào chuồng.
Tới đấu trường, các kỵ sĩ tránh sang một bên, để chỗ cho bò qua. Những con bò mộng, đang trên đà chạy và đã quen đi theo với những con cabextơrô, bèn chui vào hành lang làm bằng hai dãy hàng rào dẫn tới khu chuồng bò.
Những người cầm garôcha không chuyên nghiệp rất khoái về kết quả của việc enxierô đêm nay. Không có con nào rẽ ngang gây phiền phức cho những người cầm giáo và coi bò. Đó là những con vật thuộc giống tốt nhất trong trại của hầu tước. Ngày mai, nếu các matađo biết giữ danh dự cho nghệ thuật của họ, khán giả sẽ được xem những cái tuyệt vời. Các kỵ sĩ và các người đi bộ ra về tin rằng sẽ có những trận đấu xuất sắc và khu đấu trường trở thành vắng lặng hoàn toàn trong khi các con bò mộng nằm yên trong chuồng ngủ giấc cuối cùng của đời chúng nó.
Sáng hôm sau, Gađacđô dậy sớm. Một nỗi lo ngại làm cho anh ngủ không yên và hay mê hoảng. Trời ơi! sao người ta lại yêu cầu anh đấu ở Xêvilơ nhỉ. Ởnhững nơi khác, anh sống trong những ngày độc thân trong một căn phòng khách sạn, có thể tạm thời quên gia đình: vì cái phòng trọ ấy "không nói lên cái gì cả", không chứa một vật gì thân thiết đối với anh. Trái lại, khi mặc bộ quần áo đấu ngay tại phòng ngủ ở nhà mình, con mắt anh nhìn vào đâu cũng thấy những vật nhắc tới Cacmen. Đi tới nơi nguy hiểm lúc bước ra khỏi nhà này, cái nhà mà chính anh đã cho xây, cái nhà chứa tất cả những gì quý nhất đối với anh, điều đó làm cho anh ngơ ngẩn lo lắng y như anh sắp đi đấu lần đầu tiên trong đời. Tâm tư anh cảm thấy nặng nề khi anh bước xuống cái sân vắng ngắt, sau lúc Garabatô đã giúp anh mặc bộ quần áo diễu hành. Các cháu bé của anh đến bên anh, nhút nhát vì thấy những vật trang trí lộng lẫy trên bộ quần áo của cậu: chúng sờ tay vào với vẻ kính phục, không dám cất tiếng. Anhcacnaxiông hôn anh với vẻ mặt hoảng hốt dường như anh đi đến cõi chết, mẹ anh trốn vào trong một gian phòng tối, bà không muốn trông thấy anh và lo lắng đến phát ốm. Còn Cacmen thì tỏ ra can đảm hơn nhưng mặt chị tái nhợt, chị mím chặt môi, chớp chớp hàng mi một cách bồn chồn, mặc dầu chị cố làm ra vẻ bình tĩnh. Gađacđô vừa mới bước ra phòng ngoài, chị đã đưa khăn tay lên thấm nước mắt, người run bần bật, thở dài và khóc nức nở, trong khi bác Anhcacnaxiông và các phụ nữ khác cuống quýt xúm quanh chị và dìu đỡ chị lúc này gần như ngất đi.
- Khổ quá! Gađacđô nói - Mình sẽ không đời nào đấu ở Xêvilơ, nếu không phải vì mình muốn mua vui cho những người đồng hương và làm cho những kẻ trâng tráo chỉ trích mình không dám bảo mình sợ khán giả xứ mình!
Vì thế cho nên hôm đó Gađacđô dậy thật sớm, đi ra đi vào khắp nơi trong nhà, miệng ngậm điếu thuốc lá, vươn vai để xem đôi cánh tay khỏe của mình còn nhanh nhẹn hay không. Anh vào bếp rót một cốc rượu cađala và thấy bà Aoguxtiax ở đó. Mẹ anh vốn tính luôn tay luôn chân mặc dầu đã có tuổi và bụng phệ, đang lăng xăng quanh bếp lò, trông coi mấy chị đầy tớ, cắt đặt một cách nhanh nhẹn và hiền từ mọi công việc trong nhà. Rồi anh bước ra cái sân mát mẻ, sáng sủa. Trong lồng son, những con chim nhẩy nhót và hót líu lo trong bầu không khí thanh bình của buổi sáng. Ánh nắng tràn ngập những phiến cẩm thạch lát và rắc vàng lên những cây cảnh xanh tươi trồng quanh bể nước phun lên cái bồn nước có những con cá vàng lấy miệng tròn tròn nhỏ xíu nhả tăm.
Tại đây, Gađacđô trông thấy một người đàn bà mặc đồ tang, quỳ dưới đất cạnh một xô nước và cọ sân bằng một cái giẻ ướt làm cho màu cẩm thạch của các hòn gạch nổi hẳn lên. Bác ta ngẩng đầu lên:
- Xin chào ông Huan! Bác với với vẻ thân mến thường thấy của dân chúng đối với thần tượng của họ.
Và, bác nhìn anh một cách khâm phục với con mắt duy nhất còn lại của bác. Gađacđô không trả lời, quay ngoắt vào trong bếp và gọi bà Aoguxtiax:
- Mẹ ơi, người đàn bà nào thế mẹ, cái mụ chột tóc hung đang cọ sân ấy.
- Con muốn là ai cơ chứ hả con? Bác ta rất thật thà. Người vẫn cọ thuê cho nhà ta bị ốm, mẹ thấy bác này túng bấn, nhà lại đông miệng ăn nên mẹ cho gọi đến để thay người kia.
Nhưng Gađacđô vẫn lo ngại, ánh mắt anh lộ vẻ bối rối sợ hãi. "Khổ thật! - anh lẩm bẩm - mình đấu ở Xêvilơ thế mà người đầu tiên mình chạm trán lại là một mụ chột! Cái trò này chỉ xảy ra với mình anh thôi. Gặp như vậy thật là điềm xấu nhất hạng. Hay là người ta mong cho anh chết?".
Bà mẹ tội nghiệp mất vía khi thấy con trai đoán gở và hết sức bực dọc, bèn tìm cách trấn tĩnh anh:
- Bác ấy đời nào lại nghĩ như vậy! Bác ấy cần kiếm hai mươi xu cho con cái. Mình nên có lòng tốt và tạ ơn Chúa đã thương mình thoát cảnh nghèo đói như bác...
Bà Aoguxtiax liên hệ đến những năm túng thiếu đã qua làm cho Gađacđô thông cảm với hành động từ thiện của mẹ hơn và yên tâm được một chút. Thôi được! Thôi được! Mụ chột cứ ở lại. Nếu xảy ra chuyện gì cũng là do ý Chúa!...
Gađacđô lại đi qua sân, quay lưng lại để khỏi trông thấy người đàn bà gieo tai họa, và anh trốn vào phòng làm việc sát phòng ngoài.
Phòng làm việc này có những bức tường trắng tinh phủ một lớp gạch men Môrơ đến ngang đầu người và treo nhiều tờ áp phích về đấu bò in nhiều màu trên lụa. Những bằng khen của các hội thiện mang những tên hoa mỹ đập vào mắt người xem và nhắc tới những trận đấu làm phúc không lấy thù lao của Gađacđô. Vô số chân dung của người matađo "bậc thầy", cái thì chụp đứng, cái thì chụp ngồi, đang vung áo choàng hoặc đang chuẩn bị hạ bò mộng, chứng tỏ rằng các báo đã ghi lại rất kỹ diện mạo và nhiều tư thế khác nhau của bậc vĩ nhân. Ở phía trên cửa ra vào, treo bức chân dung của Cacmen chùm khăn choàng trắng làm nổi bật cặp mắt nhung và mái tóc huyền gài mấy bông cẩm chướng đỏ thắm.
Đối diện với cửa ra vào, ở phía trên cái ghế bành kê sát bàn giấy, một cái đầu bò mộng đen thui và to tướng, với đôi mắt bằng thủy tinh, hai lỗ mũi quang dầu bóng nhẫy, một vệt lông trắng trên trán, cặp sừng kếch sù nhọn hoắt, màu trắng ngà ở dưới cuống nhưng sẫm dần cho đến khi thấy đen như mực ở trên đỉnh có vẻ chủ tọa những vật dùng để trang hoàng gian phòng. Khi chú picađo Pôtagiê ngắm nghía cặp vũ khí đáng sợ ấy của con vật, thế nào chú cũng phải nêu lên một hình ảnh nên thơ theo kiểu của chú: "Cặp sừng choãng đến mức con sáo hót ở đỉnh sừng bên này mà ta không nghe thấy tiếng nó ở đỉnh sừng bên kia".
Gađacđô ngồi xuống gần một cái bàn lịch sự la liệt đồ đồng đen chỉ hơi không nghiêm chỉnh ở chỗ nó bị một lớp bụi phủ từ lâu ngày. Trên cái bàn giấy vĩ đại này có hai con ngựa bằng kim loại dùng để trang trí và một lọ mực cạn. Vài quản bút sang trọng, nắp hình đầu chó, không có ngòi. Không bao giờ vĩ nhân của chúng ta cần viết. Đông Hôxê mang đến câu lạc bộ ở phố Rắn cho anh những tờ hợp đồng và những giấy tờ chuyên môn khác đã thảo sẵn. Và ngay trong lúc ấy, anh ra một cái bàn nhỏ viết rất chậm chạp chữ ký rắc rối của anh.
Ở bên trái phòng kê một cái tủ sách to bằng gỗ sồi có cửa kính bao giờ cũng đóng để lộ hàng dẫy sách khổ to, gáy bóng loáng trông rất đáng kính nể. Khi Đông Hôxê bắt đầu gọi người matađo của mình là "người matađo của từng lớp quý tộc", Gađacđô hiểu rằng anh phải học để xứng đáng với danh hiệu ấy, để các bạn bè quyền quý của anh khỏi cười anh dốt nát như nhiều đấu sĩ khác. Vì thế một hôm anh đã vào hiệu sách và kiên quyết ra lệnh:
- Ông đem đến cho tôi năm nghìn đồng bạc sách nhé!
Ông chủ hiệu sách ngẩn ngơ tưởng mình nghe nhầm.
- Đúng thế đấy, năm nghìn đồng bạc sách, ông nghe rõ chưa? Gađacđô hăng hái nhắc lại. Những sách khổ to ấy nhé và đóng gáy mạ vàng cho tôi.
Gađacđô khoái chí thấy tủ sách của mình ra vẻ lắm. Khi ở câu lạc bộ có người nói đến điều gì mà anh không biết, anh mỉm cười làm bộ tỏ tường và tự nhủ: "Điều đó chắc chắn có trong tủ sách nhà mình".
Một buổi chiều, nhân lúc thấy trong người hơi khó chịu và rỗi rãi, anh bèn mở tủ sách và kính cẩn lôi ra một cuốn sách dày cộp nhất. Nhưng ngay từ những dòng đầu anh đành bỏ không đọc nữa và quay ra lật các trang như một em bé thích xem ảnh. Nào sư tử, nào voi, nào ngựa có bờm bù xù và mắt nẩy lửa, nào lừa vằn mình có vệt dài nhiều màu và đều đặn như kẻ bằng com-pa... "Chết! Con vật khốn nạn!". Anh vừa trông thấy những cái vòng sặc sỡ trên mình một con rắn. Nó là con vật gở! Anh matađo bất giác gập ngón tay giữa và ngón tay đeo nhẫn của bàn tay phải lại, giương ngón trỏ và ngón út lên thành hình hai cái sừng, để đuổi tà ma; rồi anh run cầm cập đặt trả quyển sách vào ngăn và lẩm bẩn hai ba lần mấy tiếng "Thằn lằn! Thằn lằn!" để xua tan cái ảnh hưởng xấu xa của cuộc chạm trán này.
Sáng hôm nay, khi bước chân vào phòng giấy, anh càng lo ngại. Không biết tại sao anh lại đi ngắm nghía cái đầu bò, khiến cái kỷ niệm nặng nề nhất trong cuộc đời đấu sĩ của anh lại hiện ra trong ký ức. Con bò ấy làm anh vất vả biết bao ở đấu trường Xaragôxơ! Khôn ngoan như người, nó đứng im, đôi mắt tinh quái chờ cho người matađo đến gần, và không để cho mảnh vải đỏ đánh lừa, nó chỉ nhè húc vào người. Nó lắc đầu tránh gạt những nhát kiếm, làm cho người matađo không làm sao đâm trúng đích.
Người xem sốt ruột, huýt sáo chửi rủa. Khi con bò chuyển chỗ, anh lẽo đẽo chạy theo nó từ bờ bên này của bãi đấu sang bờ bên kia, biết chắc rằng, nếu anh liều lĩnh tấn công nó diện đối diện, thì chính anh sẽ chết. Cuối cùng, người mệt lử và đẫm mồ hôi, anh thừa một dịp tốt đâm liều một nhát kiếm gian trá vào cổ nó làm cho công chúng phẫn nộ(14), ném vỏ chai và cam quýt vào người anh. Kỷ niệm ấy làm anh xấu hổ. Nó dấm dớ hiện ra trong ký ức vào giờ này là điềm gở, khác nào việc gặp mụ chột hoặc trông thấy rắn.
Anh ăn một mình và ít như mọi lần vì anh phải đi đấu lúc quá trưa.
Đến lúc anh mặc quần áo thì các phụ nữ trong nhà biến sạch. Chao ôi! Họ ghét cay ghét đắng bộ quần áo lộng lẫy gói kỹ trong bao vải - cái đồ nghề sang trọng tạo ra hạnh phúc của gia đình! Bao giờ thấy mẹ và vợ bỏ trốn, Gađacđô cũng ngẩn ngơ bối rối, vì anh đoán ra ngay nguyên nhân mặc dầu họ làm ra vẻ vô tư lự.
- Sao mẹ và em lại làm như người ta sắp đưa tôi đi treo cổ như thế? Anh nói. Đừng có lo! Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu!
Những ngày Gađacđô đấu ở Xêvilơ là những ngày khủng khiếp nhất đối với gia đình anh. Khi anh đấu ở một nơi xa, ở một đấu trường khác, gia đình anh đành nhẫn nhục chờ bức điện buổi chiều. Nhưng bây giờ sự nguy hiểm ở gần gũi nên gia đình chốc chốc lại muốn biết tin. Bác thợ yên ngựa - ăn mặc như một nhà tư sản với bộ com-lê bằng dạ mỏng, mượt về màu sáng, mũ phớt - chủ động đề nghị với mấy người phụ nữ rằng bác sẽ cho họ biết tình hình ở bãi đấu, tuy bác rất tức cậu em vợ bất lịch sự không dành cho bác một chỗ ngồi trên chiếc xe ngựa chở đội đến đấu trường. "Hễ Gađacđô hạ sát xong con bò nào, bác nói, là tôi sẽ cho một thằng bé về nhà báo tin ngay".
Cuộc đấu bò hôm nay là một thành công rực rỡ của Gađacđô. Khi vào đấu trường, nghe thấy công chúng hoan hô, anh tưởng như mình vừa mới lớn hẳn lên.
Anh quen thuộc cái bãi đấu mà anh đang đi ở trên: ở đây, anh cảm thấy như đang ở nhà. Mặt đất của bãi cũng ảnh hưởng đôi chút đến đầu óc mê tín của anh. Người matađo nhớ đến những đấu trường rộng mênh mông ở Valăngxơ và Barxơlon trải cát màu sẫm, đến đấu trường lớn ở Mađrit trải cát màu đỏ. Còn đấu trường Xêvilơ thì nó không giống một đấu trường nào cả: cát của nó lấy từ lòng sông Goađankivia, màu vàng rực như hoàng thổ tán nhỏ. Khi có con ngựa nào bị húc thủng bụng và tóe máu lên mặt cát như một bình hũ nước đột nhiên thủng đáy, người ta không khỏi liên tưởng đến màu những lá quốc kỳ đang phấp phới xung quanh đấu trường.
Cuộc đấu nào cũng làm anh bồn chồn lo lắng và kiến trúc của trường đấu tác động vào trí tưởng tượng của anh. Phần lớn các đấu trường đều xây dựng cách đây không lâu, cái thì theo kiểu Rôman(15), cái thì theo kiểu Môrơ(16), nhạt như những ngôi nhà thờ tân tạp trống rỗng và lạnh lùng. Trái lại, đấu trường Xêvilơ giống một thánh đường chứa toàn những kỷ niệm và tiếp thu sinh khí của nhiều thế hệ đã tiếp xúc với nó. Cửa lớn của nó rất nguy nga, xây từ thế kỷ mà nam giới còn mang bộ tóc giả rắc phấn; bãi đấu của nó còn phảng phất bóng dáng của nhiều vị anh hùng đã từng dẫm chân lên mảnh đất này. Cũng tại đấu trường này, người ta đã được thưởng thức tài nghệ của những người có vinh dự sáng tạo ra những ngón đòn hiểm hóc, những đấu sĩ bậc thầy đã làm cho nghệ thuật đấu bò tiến những bước dài, những nhà vô địch vững vàng của trường phái Rôngđa(17) có phong cách nghiêm chỉnh và ung dung, những matađo ưu tú, thân hình thanh mảnh và lanh lẹn của trường phái Xêvilơ(18) mà tài khéo và cách di chuyển cực kỳ lanh lẹn đã từng làm cho khán giả khâm phục sát đất. Và cũng tại nơi đây, chiều nay, chính anh, say sưa trước những tràng vỗ tay, ánh nắng và tiếng lao xao của công chúng, trước hình bóng của một tấm khăn quàng trắng và một chiếc yếm xanh cúi xuống bao lơn của một ghế lô, chính anh sẽ tỏ ra cho nhân dân nước anh biết anh có thể dũng cảm tới mức nào.
Quả thật, anh đã trội hơn mọi ngày. Chưa bao giờ những khán giả mê thích anh thấy anh đấu đẹp như hôm nay. Mỗi lần anh làm một động tác tài tình, người ủy quyền của anh lại đứng dậy thét bảo những người kẻ phản đối vô hình:
- Các ngươi có dám chê anh ấy điểm gì không nào?... Người số một trên thế giới đấy!...
Tới con bò mộng thứ hai mà Gađacđô phải hạ sát, Người Quốc dân theo lệnh của anh dụ con vật bằng những động tác múa áo choàng khéo léo để nó đến sát phía dưới ghế lô có chiếc yếm xanh và tấm khăn quàng trắng! Đó là Đônha Xôn ngồi cạnh hầu tước Đờ Môraima và hai cô con gái của ông.
Gađacđô tiến lại gần hàng rào, tay cầm thanh kiếm và khăn mulêta, trong khi khán giả theo dõi anh từng bước. Khi đến trước lô, anh dừng lại, cất mũ đấu, tuyên bố tặng con bò cho người cháu gái của hầu tước. Thấy thế nhiều khán giả mỉm cười hóm hỉnh.
Sau nghi thức Brinđix ấy, Gađacđô quay người lại, ném chiếc mũ qua vai, đứng chờ con bò đang được các pêông dụ đến.
Trong một khoảng đất rất hẹp, tìm được cách ngăn giữ con bò không ra khỏi đó, Gađacđô thực hiện nhiệm vụ của mình. Anh muốn hạ sát con bò trước mặt Đônha Xôn, anh muốn nàng thấy rõ anh lúc anh khinh thường nguy hiểm. Mỗi động tác múa mulêta của anh lại làm cho công chúng vỗ tay nhiệt liệt và kêu lên lo sợ. Sừng bò sượt qua ngực anh, con bò tấn công anh dữ dội nhưng hình như anh không thể nào bị chảy máu. Đột nhiên, anh dướn thẳng người, lưỡi kiếm chĩa ra phía trước rồi lao người vào con bò nhanh đến nỗi khán giả không có thời giờ thét lên để tỏ ý kiến và khuyên can anh.
Trong một lúc người và vật dính chặt lấy nhau. Rồi khi người gỡ được mình ra, khán giả thấy con vật chạy loạng choạng rống lên, lưỡi thè lè với cái cán đỏ lòm của thanh kiếm chỉ hơi thò ra ở phía trên cái cổ đầy máu của nó. Một phút sau, con bò ngã gục. Công chúng bật dậy như bị sức đẩy của một lò xo rất mạnh, vỗ tay và hò reo như sấm. Không, trên đời này không có ai dũng cảm bằng Gađacđô! Không bao giờ anh biết sợ! Không bao giờ!...
Người matađo tiến lại trước hàng ghế lô, cúi chào hai tay dang rộng cầm thanh kiếm và mulêta, trong khi Đônha Xôn vốn kiêu kỳ biết bao thế mà bây giờ vỗ lia lịa đôi bàn tay đeo găng trắng.
Một vật nhỏ chuyển qua tay khán giả từ trên ghế lô xuống tận hàng rào. Đó là một chiếc khăn tay của phụ nữ, chiếc khăn mà Đônha Xôn mới cầm trong tay, đó là một ô vuông xinh xắn bằng vải mịn thơm nức và viền đăng ten luồn qua một cái nhẫn kim cương của nàng tặng cho anh matađo để cảm ơn anh đã dâng nàng con bò trong Brinđix.
Tặng phẩm này làm tiếng hoan hô lại vang dậy một lần nữa. Trước đây khán giả chú ý đến người matađo thì bây giờ họ chăm chú nhìn Đônha Xôn và ca ngợi nhan sắc của nàng bằng những tiếng hò reo ầm ĩ theo lối lịch sự không câu nệ của dân xứ Ănđaludi đối với phụ nữ.
Rồi một mẩu nhỏ hình tam giác lông lá và hãy còn nóng chuyển qua tay nhiều người từ hàng rào lên đến tận lô. Đó là cái tai của con bò mà matađo tặng Đônha Xôn để kỷ niệm việc anh giết con bò tặng nàng.
--------------
(1) Thằng bé thợ giầy: Dapatêrinh, biệt hiệu của Huan Gađacđô
(2) Quyết đấu: đấu kiếm hoặc đấu súng giữa hai người khi người này xúc phạm đến danh dự của người kia.
(3) Người đấu sĩ cắt bỏ món tóc côlêta khi giải nghệ.
(4) Huy hiệu: ở đây chỉ dải băng gài vào cổ con bò bằng một cái que sắt từ khi nó được dẫn vào bãi đấu. Mỗi trại chăn nuôi có một huy hiệu riêng để chỉ cho người xem biết lai lịch của con bò.
(5) Lôbitô: nghĩa đen là sói con.
 (6) Côrônen: nghĩa đen là đại tá.
 (7) Đóng dấu sắt: muốn đóng dấu riêng của nhà nuôi bò vào mình một con bê, hai người chăn bò vật nó xuống đất còn một người thứ ba ép vào đùi phải của nó một miếng sắt nung đỏ mang dấu đỏ. Mỗi khi thực hiện việc đó gây náo động dữ dội.
 (8) Chuyện con Côrônen không phải bịa đặt hoàn toàn. Cách đây một thời gian, tại đấu trường Baexơlon, người ta đem đấu một con bò mộng tên là Cuylêbrô. Sau khi nó bị mấy nhát giáo làm nó nổi hung, người chăn nó cất tiếng gọi nó. Nó bèn chạy lại gần anh ta, để cho anh ta vuốt ve nó và sờ vào mõm nó. Anh ta khóc thương con vật có tình nghĩa sắp bị giết.
 (10) Ga Anhphamê: Cách Xêvilơ 6 km trên đường đi Mađrit.
 (11) Ngày thứ bảy Tuần Thánh, lúc mười giờ sáng, tại nhà thờ Xêvilơ, người ta vén bức màn đen che bàn thờ chính, đồng thời hát bài Sáng danh Thiên Chúa.
(12) Enxierô: dẫn bò đến đấu trường và nhốt nó vào chuồng của đấu trường trước lúc đem ra đấu.
(13) Người vác giáo: Người dẫn bò vũ trang bằng cây giáo.
 (14) Cách đâm như vậy làm cho lưỡi kiếm xuyên vào phổi và con bò thổ ra huyết. Đó là một nhát kiếm tồi, làm mất thể diện của anh matađo. Ngoài ra, có một cách đâm tồi khác làm cho lưỡi kiếm xuyên vào phía dưới xương sống con vật.
 (15) Rôman: Lối kiến trúc của các nước La tinh từ thế kỷ V đến thế kỷ XII.
(16) Môrơ: Lối kiến trúc của người Môrơ, dân tộc ở Môritani cũ (nay là vùng Marốc, Angiêri và Tuynidi ở Bắc Phi).
 (17) Trường phái Rôngđa: trường phái cổ điển do Pêđrô Rômêrô sáng lập: đấu sĩ phải triệt để tôn trọng các quy tắc của môn đấu bò, phải di chuyển chân đất ít trước con bò. Pêđrô Rômêrô, sinh năm 1754 ở Rôngđa, hạ sát con bò mộng cuối cùng của ông khi ông đã 80 tuổi. Ông mất năm 85 tuổi.
(18) Trường phái Xêvilơ: Có thể coi là một trường phái lãng mạn do Hêrênimô Hôxê Canđiđô sáng lập. Theo trường phái này đấu sĩ có thể sử dụng những ngón bay bướm liều lĩnh hoặc độc đáo đẹp mắt, ví dụ chụp mũ lên đầu con bò, quỳ xuống trước mặt nó để thách thức, v.v...