TÔ CHƯƠNG dịch
Chương 7

Sau khi cùng vợ nghỉ ở trại Rinhcônađa suốt mùa thu và mùa đông, Gađacđô trở về Xêvilơ vào cuối tháng ba, vì anh có hợp đồng đấu trong dịp lễ Phục Sinh.
Cảnh nông thôn, không khí khoáng đãng, những buổi tập luyện thân thể đã làm cho sức khỏe của anh phục hồi hoàn toàn. Không những anh không đi khập khiễng nữa mà anh còn cho rằng chân anh đã nhanh nhẹn mạnh mẽ bằng khi xưa. Sau một cuộc đi bộ dài hoặc đi săn suốt ngày, anh chỉ hơi thấy tê tê trong khuỷu chân. Nhưng công việc của người matađo trên bãi đấu chỉ lâu khoảng vài phút vả lại những cảm giác khó chịu nho nhỏ đó nhất định ít lâu nữa sẽ hết, cũng như nhiều cái khó chịu nghiêm trọng hơn nhiều. Đôi lúc ở trong phòng một mình, anh đứng ưỡn ngực trước gương soi, làm bộ điệu của người đâm bò. Phập!... Con bò vô hình gục xuống bãi cát tưởng tượng và người matađo mỉm cười vui vẻ nghĩ tới sự thất vọng của những kẻ thù cứ hí hửng được thấy cảnh suy tàn của anh. Anh nóng ruột muốn mau tới ngày lại đến đấu trường để thấy công chúng chào đón nhiệt liệt bù vào những ngày chữa vết thương.
Bước vào tuần lễ Thánh, Gađacđô làm một việc khiến mẹ anh rất vui.
Mấy năm trước, với tư cách là một tín đồ của Nhà thờ Chúa Jêzu Toàn Năng, anh đi dự đám rước của giáo xứ Xăng Lôrăngđô trong bộ quần áo cổ truyền: áo chùm đen có mũ nhọn cao và mặt nạ chỉ để hở hai con mắt. Hội đoàn thánh Xăng Lôrăngđô là một hội đoàn quý phái mà Gađacđô đã gia nhập khi thấy mình đang tiến nhanh trên đường sự nghiệp. Từ đó anh khinh rẻ những hội đoàn thánh của quần chúng trong đó lòng mộ đạo không tách rời tật say bét nhè và nhiều chuyện đáng chê cười khác.
Anh nói một cách thích thú và kiêu hãnh về tính chất nghiêm chỉnh của hội sùng đạo ấy. Mọi cái đều quy định tỉ mỉ, có kỷ luật khắt khe y như trong quân ngũ. Đêm thứ năm Thánh, khi chuông đồng hồ điểm hai giờ, các cánh cửa nhà thờ Xăng Lôrăngđơ mở toang ra và đám đông đang chen nhau ở sân trước tối om bỗng thấy bên trong nhà thờ đèn nến sáng như ban ngày hiện ra với toàn hội đoàn xếp hàng rất ngay ngắn.
Những người bịt mặt, im lặng bi ai, chỉ còn sinh động ở cái ánh mắt ló qua hai lỗ mặt nạ từ từ bước theo hàng đôi, tay cầm một cây nến to, chú ý giữ một khoảng cách rộng từ hàng này sang hàng khác để những chiếc đuôi áo rất dài kéo lê trên mặt đường. Những bóng ma bí mật đó có thể là những lãnh chúa lớn vì mộ đạo từ đời ông cha nên đến tham gia cuộc diễu hành ban đêm này. Nhiều vệ binh của thành phố đi hộ tống họ để trông nom cho họ khỏi bị trêu quẫy, vì trong công chúng có những kẻ say rượu mà các hội viên thì buộc phải im lặng nếu không sẽ phạm trọng tội. Đôi khi vệ binh canh phòng sao nhãng, thế là có kẻ vô đạo say rượu xông đến bên một hội viên rồi vừa đi vừa thì thầm vào tai hội viên ấy những lời thóa mạ ghê sợ, xúc phạm lung tung và thô bỉ người che mặt đi rước lẫn cả gia đình người ấy. Thoạt đầu người đeo bộ mặt nạ thiêng liêng im lặng, đau khổ, nuốt hận, dâng những lời thóa mạ mình lên Chúa Jêzu Toàn Năng, nhưng cuối cùng không nhịn được nữa, người ấy chẳng nói chẳng rằng giơ cao cây nến đập thẳng cánh một trận cho đứa mất dậy đám phá rối sự mặc niệm tôn nghiêm của cuộc lễ.
Mỗi giáo xứ ở Xêvilơ đưa ra hai paxô(1) một cái về Chúa Jêzu, một cái về Đức Bà. Trong đám rước, khi những người khiêng paxô cần nghỉ và những cái bệ nặng mang tượng thánh và đèn đóm dừng lại thì một tiếng còi nhỏ nổi lên khiến những người đeo mặt nạ cũng dừng lại từng đôi, người nọ quay mặt vào người kia. Chống cây nến lên bàn chân của mình, họ nhìn công chúng bằng những con mắt sáng long lanh trong lỗ mặt nạ tối om: họ là những nhân vật kỳ dị dường như vừa mới từ một giàn hỏa thiêu nào đó thoát về, những bóng ma mà đuôi áo đen hình như vẫn còn gieo rắc mùi hương trầm và mùi giàn hỏa. Ở trên những cái mũi nhọn đó phất phơ những lá cờ của hội đoàn thánh - những mảnh nhung vuông màu đen riềm vàng có thêu hàng chữ la mã S.P.Q.R. để ghi nhớ vai trò của viên toàn quyền xứ Giuđêa trong vụ kết án tàn bạo Người Công Chính.
Cái paxô của Chúa Jêzu Toàn Năng được dựng trên một cái bệ bằng kim loại, bốn xung quanh treo màn nhung đen rủ xuống tận mặt đất che khuất hai mươi người khiêng gần trần truồng và vã mồ hôi dưới gánh nặng. Ở các góc của paxô có bốn nhóm đèn với những thiên thần vàng chóe, còn ở giữa paxô là hình Chúa Jêzu, đầu đội mũ gai, gục người dưới cây thập giá - một Chúa Jêzu bi thảm, đau đớn, đẫm máu với đôi mắt đẫm lệ, bộ mặt bệch như xác chết, nhưng mặc một chiếc áo dài rộng bằng nhung thêu hoa đặc xít bằng kim tuyến, đến nỗi chỉ hơi thấy nó loáng thoáng như một đường trang trí uốn lượn kiểu Ả Rập giữa những hình thêu chằng chịt rất phức tạp. Trông thấy tượng Chúa này hàng trăm con người than thở...
- Lạy Chúa tôi! Các bà già lầm rầm cầu khấn, mắt đăm đăm nhìn như bị thôi miên. Lạy Chúa Jêzu Toàn Năng, xin Chúa đừng quên chúng con!
Khi cái paxô dừng lại, người dân xứ Øngđaludi vốn hay diễn tả mọi trạng thái tâm hồn mình bằng thơ ca, bèn chào tượng thánh bằng những tiếng hát ríu rít như chim và những lời than khóc vô tận. Một cô gái rẽ đám đông, len đến hàng đầu, dâng lên Chúa Jêzu một bài thơ mỗi đoạn có ba câu ca ngợi "bức tượng thần thánh nhất" mà Mactinê Môngtanê, nhà điêu khắc trứ đanh đã tạc ra. Những người bịt mặt lắng nghe, không cử động cho đến khi người cầm trịch khiêng paxô thấy thời gian nghỉ đã đủ bèn gõ vào cái khánh bằng bạc treo ở phía trước bệ.
- Dô ta nào! Một! Hai! Ba!
Thế là tượng Chúa Jêzu Toàn Năng, sau khi lúc lắc vài cái, nâng cao dần dần trong khi chân của những người khiêng vô hình bắt đầu chuyển động ở sát mặt đất như chân con cuốn chiếu.
Rồi đến tượng Đức Mẹ Bẩy Sự che tán nhung, xung quanh tràn ngập ánh sáng. Một cái mũ triều thiên bằng vàng rung rinh trên trán Người, cái đuôi áo choàng của Người dài đến mấy thước trải rộng ra ở phía sau paxô trên một thứ gọng gỗ làm nó phồng lên và lộ rõ vẻ lộng lẫy của những đường thêu tuyệt diệu, kỳ công nghệ thuật và kiên nhẫn của cả một thế hệ. Ánh lửa lung linh của những cây nến bưng trong tay những người bịt mặt hắt vào tấm áo choàng tôn quý, làm cho áo lấp la lấp lánh.
Sau tượng Đức Bà Đồng Trinh đến một đám phụ nữ chen chúc nhau, thân thể lấp trong bóng tối nhưng khuôn mặt nhuộm màu đỏ tím trong ánh lửa của ngọn nến cầm tay. Đó là những bà già quàng khăn, đi chân đất, những cô gái bận chiếc váy dài trắng sau này sẽ dùng làm áo liệm cho mình; những người nghèo tàn phế nặng nhọc tha cái bụng bệnh tật trương phềnh, cả một dòng người đau khổ nhờ ơn đức của Chúa Jêzu và của Mẹ Rất Thánh của Người mà thoát chết, bây giờ đi theo hình ảnh các Người để thực hiện lời cầu khẩn.
Đám rước của hội đoàn thánh, sau khi đi qua các phố và dừng lại nhiều lần để hát những bài Thánh vịnh, cuối cùng tới nhà thờ chính tòa mở cửa suốt đêm và tiến vào lòng ngôi điện cao rộng khác thường. Ánh nến chiếu sáng những chấn cột to lớn bọc nhung màu đỏ xẫm có những sọc vàng, nhưng ở tít trên cao nó không thể xua tan bóng tối rủ xuống các vòm. Những người bịt mặt, giống những con sâu đen có đầu nhọn, dường như bò sát mặt đất trong ánh lửa đỏ ngầu trong khi bóng đêm tiếp tục bao phủ phía trên của tòa nhà. Sau khi vượt qua cung thánh, họ lại ra ngoài nhà thờ dưới ánh sao mờ và tiếp tục cuộc diễu hành cho đến sáng.
Mặc dầu rất quyến luyến hội đoàn thánh quý phái này và Chúa Jêzu Toàn Năng, Gađacđô quyết định năm nay sẽ tham dự đám rước bình dân của nhà thờ Đức Bà Đáng Trông Cậy.
- Con nghĩ thế là phải, Huan ạ, bà Aoguxtiax đáp khi anh bày tỏ ý định với bà. Tốt nhất là ai nấy đi với người cùng giai cấp với mình. Mẹ không can con lui tới chỗ ông to bà lớn. Nhưng con cũng phải đối xử như thế nào với giáo xứ Macarêna chứ! Vả lại những người nghèo đã hết sức tốt với con khi con mới bước vào nghề, đến nay họ bắt đầu nghĩ rằng con khinh họ; có cả những người chẳng e dè gì, đã nói xấu con nữa...
Than ôi! Anh matađo biết điều ấy quá rõ! Đã nhiều lần công chúng bình dân tỏ ý giận anh. Họ chỉ trích nghiêm khắc anh quan hệ mật thiết với giới thượng lưu và bỏ rơi thẳng cánh những người khâm phục anh khi xưa, những người đã giúp anh nổi cơ đồ vì ca ngợi anh rất sớm.
Do đó, anh trông thấy cấp bách phải lấy lại cảm tình của tầng lớp dưới bằng cách tham gia đám rước của khu phố anh trước mắt mọi người. Cho nên ba bốn ngày trước khi có đám rước, anh đã chú ý thông báo bí mật ý đồ của anh cho những hội viên có uy tín nhất của hội thánh Macarêna.
- Xin các bạn giữ bí mật cho, anh nói. Đây chỉ là một việc sùng kính nên tôi không muốn người ngoài nói đến. Tất cả sự mong muốn của tôi là tỏ lòng biết ơn Đức Bà đã cứu sống tôi khi tôi bị thương.
Bí mật ấy được giữ kín đến nỗi ngày hôm sau nó đã thành đề tài chuyện trò trong tất cả các hàng thợ cạo, các hàng thực phẩm.
- A! Năm nay ta phải ngắm Đức Bà Macarêna mới được, thiên hạ kết luận sau khi bàn tán không ngớt về quyết định của người matađo. Bà Aoguxtiax sẽ phủ đầy hoa lên paxô và Huan sẽ đem hết đồ trang sức của mình đeo lên người Đức Bà. Nhiều của lắm đấy!
Quả vậy Gađacđô tập trung tất cả đồ trang sức của gia đình anh để trang điểm cho tượng Đức Bà Macarêna. Đức Bà sẽ đeo đôi hoa tai của Cacmen mua tại Mađrit bằng tiền thu nhập của nhiều trận đấu và sợi dây chuyền kép bằng vàng của Gađacđô, trên sợi dây đó sẽ treo tất cả các nhẫn và các khuy áo to bằng kim cương anh thường dùng để trang điểm yếm ngực sơ mi của anh khi anh ra phố.
- Lạy Chúa tôi! Đức Bà của chúng ta sắp diện biết chừng nào! Mấy bà hàng xóm nói. Một nửa thành phố Xêvilơ sẽ ghen đến phát điên! Chính ông Huan lo liệu mọi việc trang điểm.
Khi người ngoài hỏi Gađacđô về chuyện này, anh mỉm cười nhũn nhặn và trả lời rằng lúc nào anh cũng rất sùng kính Đức Bà Macarêna. Đó là Đức Bà của khu phố anh sinh ra, hơn nữa bố anh lúc sinh thời không bao giờ quên tham gia đám rước ấy, ăn mặc như một chiến sĩ. Đó là một vinh dự cho gia đình anh.
Bản thân anh, nếu địa vị cho phép, sẽ vui sướng đội cái mũ lính và cầm cái giáo noi theo biết bao người khác thuộc dòng họ Gađacđô, tổ tiên anh, hiện đã mục xương dưới đất.
Tiếng tăm về phương diện tôn giáo làm anh hãnh diện, đồng thời gây lo âu cho anh. Anh vui thích thấy tất cả dân cùng phố biết ý định của anh, nhưng anh sợ tin đó lan ra các nơi khác trong thành phố. Với lòng ích kỷ ngây thơ của anh, anh muốn được Đức Bà Đồng Trinh che chở phòng khi gặp tai nạn, nhưng anh sợ miệng tiếng của bạn hữu hay đi lại các quán cà phê và các câu lạc bộ ở phố Rắn. Anh tự nhủ:
"Nếu họ nhận ra mình, họ sẽ cười mình. Thật là phiền. Quan hệ tốt với tất cả mọi người, đó là điều mình mong muốn...".
- Buổi chiều thứ năm tuần Thánh, Gađacđô đi với Cacmen đến nhà thờ chính tòa để nghe hát kinh xin Chúa thương xót. Lòng nhà thờ với những vòm múi nhọn cao vút, đèn đóm không có gì ngoài mấy ngọn nến thắp ở sát các cây cột, chiếu sáng yếu ớt vừa đủ để dân chúng khỏi phải bước mò. Còn những người giàu có sợ sự tiếp xúc thô bạo của đám dân đen và bị xô đẩy nguy hiểm thì đã lẩn vào sau rào sắt của những nhà nguyện ở hai bên, khiến họ trông như những con vật trong cũi.
Ban đồng ca cũng bị chìm trong bóng tối, mặc dầu có nhiều điểm sáng nho nhỏ nhấp nháy như một đàn đom đóm bên những người đánh đàn và những người hát lễ. Trong cảnh tối tăm bí mật đáng sợ ấy, bài Miđêrêrê của Exlava(2) tỏa ra những giai điệu mang phong cách Ý: một bản Miđêrêrê nhí nhảnh duyên dáng như tiếng đập cánh của những đàn bồ câu với nhiều vẻ tình ca giống những dạ khúc ái ân hoặc những bài hát tiếp giọng của tửu đồ.
Khi ca sĩ giọng cao ngừng lại và những tiếng ngân cuối cùng của anh gọi tên thành phố giết Chúa Jêzu - "Jêzudalem! Jêzudalem!" đã tan đi dưới vòm nhà thờ, công chúng bèn giải tán để mau ra tung tăng ngoài phố. Còn Gađacđô thì vội vàng về nhà để mặc bộ quần áo người Nadarét(3). Bà Aoguxtiax đã chuẩn bị bộ quần áo đó một cách kỹ càng và trìu mến, việc đó làm bà trở lại tuổi thanh xuân. Bà nghĩ đến ông chồng tội nghiệp cứ đến hôm đó là đóng bộ đồ chiến sĩ và từ nhà đi ra, giáo vác vai, đến tận sáng hôm sau mới trở về, mũ bẹp, quần bẩn, sau không biết bao nhiêu lần cùng các chiến hữu dừng chân ở tất cả các tiệm rượu của thành phố Xêvilơ.
Anh matađo trang điểm tỉ mỉ như phụ nữ. Anh mặc bộ quần áo người Nadarét cẩn thận chẳng kém gì mặc chiến phục để ra đấu trường. Anh mặc chiếc áo dài bằng xa tanh trắng, sửa lại chiếc áo thụng có mũ bịt mặt bằng nhung đen chụp xuống như mặt nạ và chổng chóp nhọn lên trời. Chiếc áo ấy dài tới đầu gối theo kiểu áo tế, thêu tinh vi và sặc sỡ ở bên trái ngực cái huy hiệu của hội đoàn thánh. Rồi anh xỏ tay vào đôi găng trắng, cầm cây gậy chống dài, biểu trưng của hàng giáo phẩm. Đó là một cái gậy bọc nhung màu ngọc xanh trên đầu có núm bạc và đai đế cũng bằng bạc.
Đồng hồ điểm mười hai giờ đêm lúc anh chàng ăn mặc oai vệ và mang mũ bịt mặt đi đến nhà thờ Xăng Gin qua phố xá đông nghịt. Khi sắp tới nhà thờ, anh gặp đại đội người Juđêa, nghĩa là những người ăn bận đồ quân sự, những chiến binh dữ tợn nóng lòng được thấy dân chúng khiếp phục kỷ luật nhà binh của mình, đang đứng chờ đám rước khởi hành bằng cách dậm chân tại chỗ theo nhịp trống cải nện liên hồi. Những người này - cả già lẫn trẻ - đều có bộ mặt lồng trong cái quai mũ chiến bằng sắt, thân thể bó chặt trong áo chẽn màu cặn rượu vang, đùi vế sỏ trong đôi tất bông màu hồng nhạt, bàn chân đi dép cao, lưng thắt thanh dao La Mã, và bắt chước những binh sĩ hiện đại, họ đeo giáo lên vai bằng một sợi dây dùng làm quai đeo súng. Ở đầu hàng, phất phơ một lá cờ thêu biểu hiện của Nguyên lão nghị viện thời cổ. Chỉ huy đạo quân nhỏ ấy là một ông ăn mặc hào nhoáng nhún nhẩy ở đầu hàng quân, gươm tuốt trần.
"Đời hay thật! Gađacđô cười thầm lẩm bẩm. Tối nay sẽ chẳng ai để ý đến mình đâu, thiên hạ sẽ chỉ ngắm thằng cha công tử bột này thôi".
Đó là đại úy Sivô(4), một người gitanô mới từ Pari đến sáng nay để chỉ huy đại đội của ông ta. Không đời nào ông chịu vắng mạt ở đây hôm nay. Vì nếu thế ông sẽ phải từ bỏ cái danh vị đại úy mà ông kiêu hãnh ghi trên các áp phích miudich hôn(5) tại Pari, trong đó các cô con gái ông và cả ông nữa hát múa. Các cô ấy lanh lẹn như những con tắc kè, có đôi mắt to, màu da hơi nâu, vóc người thanh mảnh, cử động duyên dáng làm đàn ông phải quay mặt nhìn. Cô lớn nhất đã may mắn bỏ nhà trốn đi với một ông hoàng Nga và trong một thời gian báo chí ở khu phố ăn chơi của thủ đô Pari đã đăng nhiều bài viết về nỗi thất vọng của người sĩ quan giỏi giang của quân đội Tây Ban Nha kia, của một ông Đôn Kihôtê quyết tâm tiêu diệt những kẻ có tội để báo thù việc xúc phạm đến danh dự của ông. Không những thế, một rạp hát đã dựng một vở ca kịch vui ngắn lấy việc dụ dỗ cô gái gitanô làm đề tài, kèm theo có nhiều điệu múa của đấu sĩ bò mộng, nhiều bài đồng ca của thầy tu và nhiều trò khác pha màu sắc địa phương ấm ớ. Nhưng chẳng bao lâu đại úy Sivô đành dàn xếp với anh con rể không chính thức và sau khi bỏ túi một món tiền bồi thường hậu hĩ, ông tiếp tục cho mấy cô con út múa hát, trong lúc chờ đợi một tay người Nga khác. Hàm đại úy của ông làm cho người người Pháp ngẩn ngơ, vì họ biết rõ đất nước Tây Ban Nha. Trời ơi! Cái nước Tây Ban Nha này xuống dốc hoàn toàn rồi! Nó không trả lương cho những người anh dũng bảo vệ nó, khiến những người thế gia vọng tộc phải phô bày con gái của mình trên sân khấu.
Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến Tuần lễ Thánh, là đại úy Sivô lại từ biệt mấy cô con gái với lời lẽ của một người cha không cho phép nói đùa:
- Ba đi đây, các con ạ. Các con phải ngoan nhé! Øn mặc đứng đắn và sinh hoạt ngay thẳng nhé! Đại đội của ba đang chờ ba. Ba phải có mặt ở nhiệm sở của ba.
Ông đi một lèo từ Pari đến Xêvilơ, kiêu hãnh vì ông bảo tồn truyền thống của tổ tiên xưa kia đều làm đại úy đại đội người Juđên và ông còn làm rạng rỡ thêm truyền thống vinh quang đó. Ông đã có lần trúng Xổ số quốc gia một vạn đồng pêxêta và ông dùng tất cả món tiền đó để mua một bộ quân phục xứng đáng với cấp bậc của ông. Những phụ nữ hay kháo chuyện ở khu phố ông chạy tới xem tận nơi cái áo dài nhà binh thêu kim tuyến lóa mắt, cái áo giáp ngực bằng kim khí màu nâu, cái mũ thép lòa xòa một mớ lông trắng phản chiếu rất rõ ánh nến của đám rước. Thật là thứ quần áo ngông cuồng và huy hoàng của người da Đỏ, một bộ rất sang hiện ra trong giấc mơ của một người Arôcăng(6) say rượu. Họ sờ cái váy nhung, nức nở khen những hình trang trí thêu trên đó, nào đinh, nào búa, nào gai nghĩa là tất cả những dụng cụ hành hình Chúa Jêzu. Cả đôi ủng cũng đính đầy cườm và ngọc giả. Mỗi bước ông đi đều làm cho những thứ trang sức ngộ nghĩnh đó lấp la lấp lánh.
Đến lúc khởi hành, ông đại úy với vẻ mặt hùng dũng, quay người về phía các chiến sĩ của mình, nhìn thẳng vào họ bằng con mắt diều hâu:
- Chú ý! Ông thét lên. Cấm ngặt ra khỏi hàng ngũ! Phải chấp hành kỷ luật!... Bước đều, bước! Một! Hai!
Tiếng trống trận nổi lên, và đại đội chuyển mình, cứng nhắc, trang nghiêm, thấm nhuần chức trách nặng nề của mình. Nhưng than ôi! Ở mỗi phố đều có mấy tiệm rượu và trước mỗi tiệm lại có những anh bạn vui nhộn đã nốc cạn không biết bao nhiêu ly rượu để tự giải sầu về cái chết vì đạo của Chúa. Vừa thoáng thấy ông đại úy đường bệ, những bợm rượu mộ đạo liền chào ông và giơ tay lên từ xa thứ nước có mùi thơm và màu hổ phách. Ông đại úy muốn giấu cơn bối rối và tránh sự cám dỗ bèn nhìn đi nơi khác, lấy tư thế uy nghi. Chao ôi! Giá lúc này ông không phải làm nhiệm vụ nhỉ! Một người bạn táo bạo nhất bèn vượt ngang lòng đường cái, chạy đến giơ cốc rượu đầy trước mũi ông, nhưng người chỉ huy không ai có thể mua chuộc được ngả người về phía sau và giơ mũi giáo về phía kẻ cám dỗ. Không, không, năm nay sẽ không phải như mọi năm trước mà thiên hạ thấy các chiến binh loạn xạ ngay sau khi khởi hành đâu!... Nhưng mà trời nóng thật, ông đại úy quyết định nhận cốc rượu thứ nhất, rồi đến cốc thứ hai, rồi lại một cốc nữa; các binh sĩ của ông bắt chước ông và chẳng bao lâu đại đội bị đánh tan tác để lại hàng đám tàn binh lếch tha lếch thếch trên đường.
Đám rước đi chậm chạp như thường lệ, cứ đến mỗi ngã tư lại dừng lại hàng giờ.
Đi đầu là paxô "Bản án Chúa Jêzu". Đó là một cái bục di động, mang đầy hình người: Philatô(7) ngồi trên ngai, những vệ binh đội mũ cắm lông và áo dài quân sự mỗi cái một màu. Chúa Jêzu tội nghiệp sắp sửa bị đưa đi hành hình, đầu đội mũ gai, mặc một chiếc áo nhung tím thêu chi chít và trên đầu có ba chùm tia vàng tượng trưng cho sự tỏa sáng của đấng thần thánh. Dù trang trí lộng lẫy như vậy, paxô đó hầu như không gợi được sự tò mò của quần chúng. Paxô mà họ muốn xem là paxô khác, paxô của Đức Bà Đồng Trinh Đáng Trông Cậy có phép lạ tức là paxô của Đức Bà Macarêna.
Khi tượng Đức Bà với cặp mắt hồng và hai mi mắt dài rước ra khỏi cửa nhà thờ Xăng Gin, dưới một cái tàn nhung rung rinh theo bước chân của những người khênh vô hình, công chúng đứng đông nghịt trên quảng trường nhỏ hoan hô rầm rĩ. Chao ôi! Nữ vương Thiên đàng mới xinh đẹp làm sao! Xinh đẹp không bao giờ già!
Chiếc áo khoác lông lẫy, rộng lùng thùng, thêu kim tuyến dày cộp thành hình những mắt lưới, xòa xuống phía sau paxô như cái đuôi khép lại của một con công to lớn dị thường. Cặp mắt thủy tinh óng ánh, dường như rưng rưng nước mắt để trả lời tiếng chào nhiệt liệt của các tín đồ. Trên khắp bức tượng hàng nghìn đồ nữ trang nạm ngọc lấp lánh tạo thành một chiếc áo thứ hai rực rỡ muôn màu nghìn sắc. Cổ Đức Bà đeo những chuỗi hạt trai, những dây chuyền vàng xuyên qua hàng trăm cái nhẫn. Mặt trước áo dài và áo choàng của Người chi chít những đồng hồ vàng, những hoa tai bằng ngọc bích hoặc bằng những viên kim cương to như hòn cuội. Các tín đồ đã đem đồ tư trang của mình làm đẹp cho Đức Bà và trong cái đêm đau khổ có tính chất tôn giáo này, các phụ nữ kiêu hãnh giơ cho thiên hạ xem những ngón tay không còn nhẫn của mình.
Gađacđô, mặt bịt kín, tay cầm chiếc can có núm bạc, đi trước paxô này cùng các vị chức sắc của hội đoàn thánh. Nhiều người bịt mặt khác mang cái kèn đồng buộc mảnh vải xanh viền vàng, thỉnh thoảng lại đưa lên môi qua lỗ mặt nạ miệng sáo của nhạc cụ có tiếng kêu ai oán phá tan bầu không khí nặng nề. Đó là một loại âm nhạc làm sởn tóc gáy nhưng không hề gợn buồn trong tâm trí, và đám rước dần dần mất vẻ trang nghiêm.
Những người dân phố, con chiên của Đức Bà Macarêna, bước lộn xộn quanh tượng thánh. Đó là những người chủ hiệu nhỏ ở phố Fêria, những thợ thuyền sống trong những ngõ hẻm quanh nhà thờ Xăng Gin, những người trồng rau ở gần bệnh viện Năm Vết Thương(8) hoặc dọc con đường Đông thánh Phanxicô. Những người đó đi với vợ đầu tóc rối bù, tay dắt đàn con lít nhít cho đến tận sáng.
Những thanh niên ngoại ô, đội mũ phớt mới, vòng tóc chải mượt và nhọn quấn trên thái dương vừa đi vừa khua gậy làm như Đức Bà xinh đẹp bị kẻ vô đạo nào thất lễ và cần có bàn tay bảo vệ của họ. Họ ca tụng ầm ĩ quyền làm cho phép lạ hạng nhất của bà thánh bảo trợ của họ bằng những tiếng hò hét tỏ rõ cái vô ý thức của người say rượu và cái nhẹ dạ bẩm sinh của người ngây ngô.
- Hoan hô Đức Bà Macarêna! Hoan hô Đức Bà Đồng Trinh đệ nhất thế giới! Hoan hô Đức Bà ăn đứt mọi Đức Bà khác!
Đám rước đi độ năm mươi bước lại phải dừng. Trước hầu hết mọi nhà, thiên hạ nhoài mình ra ngoài cửa sổ yêu cầu tượng thánh dừng lại để họ ngắm nghía cho thỏa thích. Những người chủ tiệm rượu xoắn xuýt nhất để đòi ân huệ đó, họ gọi to những vị chức sắc của hội đoàn thánh.
- Xin các ngài dừng lại ít phút thôi. Ở đây chúng tôi có một người hát lễ muốn dâng lên Đức Bà một bài ca câu một.
Người hát tiến lên, hai chân lắc lư, phải có một người bạn đỡ, bắt đầu anh đã ho, rồi mở máy phát ra bằng giọng rượu lè nhè một bài hát lễ mà những tiếng ngân, tiếng luyện giọng làm cho người nghe không thể hiểu rõ lời nào. Người ngoài chỉ có thể đoán rằng anh ca ngợi Đức Mẹ và khi anh ngân nga mấy tiếng đó, giọng anh run lên vì kính yêu.
Nhà đơn ca chưa hát đến đoạn giữa của bài ca dài dòng, một tiếng hát thứ hai đã cất lên ở gần đó, rồi một tiếng hát thứ ba cùng nhiều tiếng nữa, y như trong một cuộc thi hát. Thế là phố xá tràn ngập những người hát tài ba, người thì cho thấy qua giọng khàn khàn rằng phổi mình đã bị rám, người thì hát như thét vào tai, xé toạc bầu không khí bằng những tiếng rít lanh lảnh. Phần đông là những người mộ đạo quá thành tâm, họ không muốn tự phô bày cho nên đứng lẩn trong đám đông. Nhưng có vài "nghệ sĩ" tự mãn về cổ họng phong phú và phong cách thanh lịch của mình và không thể dằn lòng trước ý muốn ra trước công chúng cho nên đã đứng ngay trước mặt Đức Bà ở giữa lòng đường. Trong khi đó trống cái trống con tiếp tục gõ, kèn tiếp tục phát ra những nốt kinh khủng và trong mớ âm thanh hỗn độn đinh tai nhức óc của ca sĩ và nhạc cụ ấy, không người hát lễ nào thèm để ý đến người khác, cứ kéo một mạch đến hết bài của mình, không bao giờ ngập ngừng bối rối, tiếp tục ngân nga dường như không có ai bên cạnh hoặc không còn cảm giác nào ngoài sự ngất ngây mộ đạo của bản thân.
Khi các tiếng hát chấm dứt, người nghe phấn khởi thét lên những tiếng hoan hô nhiều khi thô tục. Những người cuồng tín nhất ném mũ vào tượng Đức Bà y như vào người một cô gái xinh đẹp, rồi rượu lại tuôn vào các cốc ngay dưới chân tượng. Đó có phải là lòng mộ đạo thần bí của đám bình dân mộng tưởng đối với Đức Bà Đồng Trinh không? Hay đó là một đám hội ngoại giáo đi hộ tống Người qua các phố? Thật khó mà biết rõ.
Đi trước paxô là một thanh niên khỏe mạnh, mặc áo dài tím, đầu quấn gai, dẫm chân không lên những hòn đá xanh trong các ngõ hẻm, vai vác một cây thập giá to lớn gấp đôi người anh. Mới thoáng thấy anh, các phụ nữ liền rền rĩ tỏ ý thương xót! Tội nghiệp anh thanh niên. Anh làm việc xám hối một cách mộ đạo thật! Quả là anh treo gương đạo đức cho mọi người sau khi làm mọi người phẫn nộ về hành động phạm thượng của mình! Nhưng đây chính là lỗi ở rượu làm con người mất ý thức.
Cách đây ba năm, buổi sáng ngày Thứ Sáu Thánh, đúng lúc Đức Bà Macarêna trở về nhà thờ, anh thanh niên này vốn tính nết ngoan ngoãn nhưng chén chú chén anh với các bạn từ chiều hôm trước, đã bảo dừng paxô ở Quảng trường Chợ, trước một tiệm rượu, để anh hát một bài dâng lên Đức Bà Đồng Trinh, rồi phát cơn mê sảng tôn giáo, anh cất tiếng tán tỉnh Đức Mẹ và cuối cùng để ca ngợi Đức Mẹ như thể ca ngợi người yêu, anh ném vào Đức Mẹ vật anh đang cầm trong tay mà có lẽ anh tưởng là chiếc mũ của anh. Chẳng may đó là một cốc rượu, nó đập vào mặt thánh và vỡ tan ra từng mảnh. Sau đó, anh bị đưa vào nhà tù, anh khóc sướt mướt, thanh minh rằng mình rất kính trọng Đức Bà Macarêna nhưng bị ma men ám ảnh, anh lo ngay ngáy có thể bị đi đày trong nhiều năm về tội phạm thượng. Anh tỏ ý ăn năn đến nỗi những người công phẫn với anh nhất, cuối cùng cũng can thiệp giúp anh. Vụ của anh đã được giàn xếp với điều kiện là anh hứa treo gương ăn năn cho những kẻ có tội bằng cách làm công khai một hành động xám hối đặc biệt. Vì thế mà hôm nay anh vác cây thập giá to tướng làm dập nát vai anh. Khi anh muốn đổi vai, nhiều người tốt bụng chạy lại giúp anh một tay để nâng cái gánh nặng lên.
Lúc paxô còn đang ở trong phố Fêria, đầu đám rước đã đi tới trung tâm thành phố Xêvilơ. Đã đến lúc tiền đội của đám rước cần thực hiện một cuộc vận động chiến lược tinh khôn để mau mau chiếm phố Cămpana, giành cho mình lối vào phố Rắn trước khi một hội đoàn thánh khác chiếm mất con đường này. Một khi làm chủ lối vào, đám rước Macarêna có thể lần chần hàng giờ trong phố xá trong khi các đám khác cứ việc dẫm chân tại chỗ chờ đợi chán chê ở đằng sau.
Phố Rắn, với những ngọn đèn điện treo bằng dây cáp ở giữa lòng đường, những quán cà phê và những cửa hiệu sáng trưng, những dãy ghế đặt trên hai bên hè, những ban công chật ních người xem đang cười đùa, phố Rắn phô bày ra quang cảnh của một chợ phiên vui nhộn. Ở bốn phía, những người hàng rong rao bán bánh kẹo và đồ giải khát, từ cửa các quán ăn xông ra mùi thơm ngon của những món xào rán, trong các tửu quán rượu vang rót tràn trề. Không có gì chứng tỏ rằng lúc đó đã ba giờ sáng. Có nhiều gia đình đến đây đầy đủ từ hôm qua, ngẩn ngơ ngắm những tượng thánh kéo đi một dãy dài, nào là các Đức Mẹ Đồng Trinh mặc áo choàng lộng lẫy, nào là các Chúa Cứu Thế đầu đội vành vàng mình mặc gấm vóc, cả một thế giới hình tượng dơ dẫn mà các khuôn mặt hốc hác hoặc rớm máu tương phản một cách hết sức kỳ dị với những quần áo lịch sự hết chỗ nói và lộng lẫy quá quắt!
Trong cuộc diễu hành dài vô tận, kế tiếp nhau những paxô của Sắc lệnh Thánh, của Chúa Nêtô Thầm lặng, của Chúa Jêzu trong Thung lũng, của Chúa Jêzu Ba lần ngã, của Đức Bà Thương khó, của Đức Bà Khóc lóc, của Đức Bà Ba Cần thiết, của Chúa Chết lành với những đoàn hộ tống sặc sỡ gồm những người Nadarét mặc quần áo đen, trắng, đỏ, xanh, lơ, tím, ai nấy đều bịt mặt chỉ còn để lộ hai con mắt.
Sau khi vượt qua phố Fêria chật hẹp một cách khó khăn và đổ vào quảng trường Xăng Frăngxixcô, gần những khán đài dựng trước Tòa Thị Sảnh, các paxô nặng nề quay nửa vòng khiến những tượng thánh nhìn thẳng vào khán đài, rồi những người khiêng quỳ xuống làm cho các bức tượng cúi chào những vị khách quý nước ngoài và những vị trong hoàng gia đến dự đám hội.
Những người phục vụ đám rước đi gần các paxô lếch thếch bưng vò nước. Paxô vừa dừng lại, tức thời một góc màn mở hé và hai chục người hiện ra, mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ rừ vì mệt nhọc, thân thể gần như trần truồng, đầu quấn khăn. Đó là những galơgô(1), những phu khiêng khỏe mạnh. Bất kể người khiêng gốc ở đâu đều được gọi bằng cái tên địa danh đó, dường như những người dân Xêvilơ muốn nói ý rằng họ không thể làm một công việc kéo dài và nặng nhọc quá như vậy. Những phu khiêng paxô uống ừng ực nước chứa trong vò và nếu có một tiệm rượu ở gần đấy, họ nổi loạn đòi người phụ trách paxô phải có rượu vang cho họ.
Đoàn diễu hành huy hoàng rước những giá treo cổ di động, những bộ mặt trắng bệch như xác chết và những bộ cánh lộng lẫy kia kéo dài suốt đêm, phù phiếm, vui nhộn và kệch cỡm. Các kèn đồng tha hồ gào thét những âm thanh khủng khiếp để khóc than nỗi bất bình ghê gớm nhất, việc hành hình ô nhục một vị Chúa Trời, các ca sĩ tha hồ hát những bài thánh vịnh sầu thảm về tấn bi kịch Gôngôta(10), các chiến binh và những đao phủ hung ác tha hồ dậm chân bình bịch xuống mặt đường, đêm xuân tươi đẹp quá, các chậu hoa đặt hàng dẫy sau các hàng rào sắt và trên các ban công tỏa hương ngát quá, chị hằng hiện ra giữa các mái nhà, trên tấm nệm mây rót ánh sáng thanh khiết và dịu dàng quá cho nên con người không thể nào nghĩ đến cái chết được. Thiên nhiên không dự đám tang đó, con sông chảy thì thầm như ca hát một bản tình ca, những cây gồi đu đưa chòm lá thanh mảnh một cách mềm mại thản nhiên, những vườn cam tỏa hương quyến rũ gợi tình xuân, tháp Giranđa vươn lên trời sao cái bóng ma màu xanh của nó; và đám người yêu đời kia hồn nhiên mượn việc kỷ niệm Chúa bị đóng đinh làm cớ cho một cuộc vui chơi kéo dài và chẳng đạo tí nào.
Ở cửa một tiệm cà phê, Người Quốc dân cùng toàn thể gia đình ngồi ngắm Đức Bà Macarêna và luôn miệng nói với vẻ khinh bỉ: "Một sự mê tín của những người lạc hậu!". Nhưng bác vẫn làm theo phong tục và giống mọi người khác, tới phố Rắn đêm nay.
Bác banđêridiêrô nhận ra chủ mình nhờ vóc người đẹp đẽ và vẻ thanh lịch của anh matađo trong bộ quần áo quan tòa tôn giáo.
- Anh Huan, bác kêu to gọi anh, anh bảo dừng paxô lại. Trong quán cà phê có mấy bà ngoại quốc muốn xem paxô thật thỏa thích đấy.
Cái bệ thánh dừng lại. Kèn đồng chơi một bản nhạc lôi cuốn thường làm khán giả vui nhộn trong các đấu trường. Bỗng nhiên những người phu vô hình khiêng paxô cùng nhau bắt đầu giơ một chân lên, rồi giơ đến chân bên kia, đi một bước múa làm cho chiếc paxô đảo đồng rất mạnh đẩy công chúng dạt vào tường. Đức Bà với tất cả mớ tư trang hoa hoét và chiếc tán đồ sộ của mình, Đức Bà Đồng Trinh cũng múa theo nhịp kèn vui nhộn ấy. Những con chiên của Đức Bà Macarêna hãnh diện về cái ảo thuật này mà họ đã phải tập luyện công phu.
Người xem vỗ tay rầm rĩ: - Tất cả thành phố Xêvilơ đến đây mà xem! Đẹp nhất! Hội đoàn Xăng Gin muôn năm!
Sau đó đám rước lại hùng dũng kéo đi. Đến mờ sáng, khi mặt trời bắt đầu làm nhạt ánh đèn nến làm long lanh những giọt nước mắt và mồ hôi trên mặt các tượng thánh, làm lấp lóe các tư trang và những đồ trang trí bằng vàng ngọc, đám rước vẫn còn ở xa nhà thờ giáo xứ, phải đến trưa mới tới được. Và tất cả đám người đi rước - những dân Nadarét đã trút bỏ mặt nạ, những chiến binh trông như lính bại trận bỏ chạy, những tín đồ có bộ mặt phì nộn đỏ rực và đôi chân xiêu xiêu - tất cả đám người ấy trông như vừa đi quấy phá trong một đám hội giả trang trở về.
Trời vừa tảng sáng, Gađacđô liền rời khỏi đám rước. Đi hộ tống Đức Bà Macarêna suốt đêm cũng đủ rồi và anh hy vọng Đức Bà sẽ ghi nhớ công lao ấy cho anh. Vả lại, anh thấy ở lại đến cùng thì gay go, phiền phức. Giữa ban ngày ban mặt mà đeo mặt nạ thì buồn cười thật, hơn nữa nếu thiên hạ trông thấy một người matađo đi với một bọn say rượu thì bất tiện biết chừng nào.
--------
(1) Paxô: tượng ảnh thánh biểu hiện nhiều giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Jêzu và Đức Mẹ, được rước đi qua các phố trong Tuần lễ Thánh.
 (2) Exlava: Mighên Hilariông Exlava, phụ trách nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Xêvilơ (1807-1878). Ông là tác giả của một bài Miđêrêrê (Xin Chúa thương xót) nổi tiếng.
(3) Nadarét: tên một địa điểm ở xứ Juđêa, sinh quán của Chúa Jêzu.
 (4) Sivô: nghĩa đen là con dê con.
(5) Miudich hôn: Muzic-hall nơi biểu diễn ca vũ nhạc kèm theo nhào lộn, uốn dẻo và nhiều thứ khác ở các thành phố phương Tây.
 (6) Arôcăng:  tên một dân tộc sống ở miền nam Chi Nê hồi xưa, đã chống lại kịch liệt những thực dân Tây Ban Nha đến xâm lược nước họ.
 (7) Philatô: Pôngxê Philatô, toàn quyền La Mã xứ Juđêa chết năm 39. Có lẽ sợ xảy ra một cuộc nổi loạn, ông ta trao Chúa Jêzu cho các quan tòa tôn giáo, tuy trong thâm tâm ông nghĩ rằng Chúa Jêzu không có tội gì cả. Muốn người Do Thái hiểu rằng ông gán trách nhiệm về cái chết của Chúa Jêzu cho họ, ông sai mang nước đến, ông vừa rửa tay vừa nói: "Tôi vô can về cái chết của Người Công chính này, chính các ông phải chịu trách nhiệm".
 (8) Bệnh viện Năm Vết Thương: tên thường gọi của một bệnh viện dân sự ở Xêvilơ.
 (9) Galơgô: Người ở một địa phương cùng tên thuộc Tây Ban Nha.
(10) Gôngôta:  hoặc còn gọi là núi Canvariô, nơi Chúa Jêzu bị đóng đinh.