TÔ CHƯƠNG dịch
Chương 9

Cuối cùng, trời đã quang, ánh nắng rực rỡ, và cuộc đấu mà mọi người mong mỏi từ lâu sẽ tổ chức vào ngày mai.
Buổi chiều, Gađacđô một mình đến đấu trường. Xây bằng gạch đỏ với những cổng lớn kiểu Môrơ, đấu trường nổi bật lên trên một cái nền toàn là những ngọn đồi xanh rì. Ở phía chân trời xa tít của phong cảnh bát ngát và buồn tẻ ấy, trên sườn một ngọn đồi, hiện ra những chấm trăng trắng na ná một đàn gia súc đứng ở xa: đó là một nghĩa trang.
Anh matađo vừa mới tới gần đấu trường là lập tức xô lại nhiều người ăn mặc tiều tụy, những kẻ cầu bơ cầu bất mà vì lòng nhân đức người ta cho phép ngủ ở các chuồng bò, những kẻ sống nhờ vào tiền bố thí của giới hâm mộ đấu bò và cơm thừa canh cặn của các quán ăn lân cận. Một số quê ở Øngđaludi, trước đây vốn đi hộ tống một đàn bò đến Mađrit nhưng rồi từ đó không còn bao giờ rời khỏi đấu trường này nữa. Gađacđô phân phát một ít tiền cho bọn ăn mày, tay cầm mũ lưỡi trai, chạy theo anh, rồi anh bước vào trong đấu trường qua cửa của khu chuồng ngựa.
Trong sân, một nhóm người tò mò đang dự xem các picađo thử ngựa. Chú Pôtagiê, chân đi ủng có những cái đinh thúc ngựa to tướng của các anh chăn bò, tay cầm cây garôcha, đang sắp sửa nhảy lên mình ngựa. Mấy anh lao công của bãi đấu đi kèm người thầu việc cung cấp ngựa. Đó là một gã lái ngựa bụng phệ, đội cái mũ phớt Øngđaludi rộng vành, nói năng chậm rãi, đối đáp một cách hết sức bình tĩnh những lời thóa mạ liên miên của các chú picađo.
Những anh lao công - các "con khỉ thông thái" - tay áo sắn ngược, dẫn hoặc nói cho đúng hơn là lôi sềnh sệch bằng dây cương những con ngựa cỏm nhỏm còm nhom và trao chúng cho các picađo để thử (1). Từ mấy ngày nay, các chú này cưỡi và dạy những con ngựa thổ tả ấy, cho chúng chạy nước kiệu xung quanh đấu trường trên các bãi đất hoang, bắt chúng hết quay ngược lại quay xuôi, để vực cho chúng cái công việc trên bãi đấu. Tập xong, những con ngựa tội nghiệp đó trở về, sườn rớm máu và trước khi vào chuồng thì được rửa tội bằng vài xô nước. Ở bên máng nước, giữa các hòn sỏi, có những vùng đỏ sẫm giống như rượu vang chảy từ một cái thùng nào ra.
Những con vật loẻo khoẻo ấy, phế phẩm buồn thảm của chính sách bần cùng hóa loài ngựa, bước đi lẩy bẩy, hai mạng sườn gồ ghề, chứng tỏ tình trạng già nua, đói khát, bệnh tật và sự bạc bẽo của con người hay quên công lao của kẻ đã giúp mình. Có những con gầy một cách khủng khiếp, y như những bộ xương của những góc cạnh nhọn hoắt và nhô lên đe dọa chọc thủng lớp da phủ lông dài và bù xù. Một số con khác cựa quậy, ngẩng đầu băm mạnh hai chân trước, có kheo chân cứng cáp, bộ lông mượt mà, con mắt tinh nhanh. Nhưng những con ngựa tốt mẽ ấy, có vẻ mới được tháo ở một chiếc xe lịch sự nào ra, lại còn nguy hiểm cho người cưỡi hơn những con khác, vì chúng mắc bệnh quáng và thình lình ngã gục làm cho người cưỡi lộn nhào. Bên cạnh những cái mẫu đói khổ và bệnh tật ấy còn có những con đã mất khả năng làm việc, những con ở cối xay bột hoặc xưởng sản xuất, những con kéo cày, kéo xe, tất cả đều đi cà nhắc và như ngủ gà ngủ vịt, tất cả đều kiệt quệ vì đã kéo cày kéo xe trong nhiều năm và đều là những cùng đinh thảm hại mà người ta muốn bóc lột đến tận phút cuối cùng và mai mốt khi bị húc thủng bụng vẫn còn dùng để mua vui cho những kẻ vô công rồi nghề bằng những cái đá hậu lung tung và những cơn giãy giụa kinh hoàng lúc hấp hối. Đó là một dãy vô tận những con mắt hiền lành, lờ đờ và vàng ệnh, những cái cổ gầy guộc bị ruồi muỗi khát máu bám nhằng nhằng, những cái đầu xương xẩu phủ lớp da lúc nhúc chấy rận, những cái ức hẹp và rung lên trong những tiếng hí ồ ồ, những cái chân yếu ớt có thể gẫy bất cứ lúc nào và phủ đến tận móng một lớp lông dài rậm đến nỗi tưởng chừng chúng mặc quần.
Người ta quẳng lên trên lưng những con vật khốn khổ ấy cái yên lớn kiểu Môrơ có sườn cao, chỗ ngồi bằng da màu vàng và đôi bàn đạp ôm gọn lấy bàn chân người cưỡi. Nhẹ như thế mà có những con đã lắc lư chực gục.
Cãi lý với bác thầu ngựa, Pôtagiê tỏ ra rất thô tục và ngay cả bọn đầy tớ quét chuồng ngựa cũng phải bật cười về những lời bậy bạ kiểu gitanô của chú.
Những picađo khác chỉ có việc để mặc cho một mình chú nói. Không ai thạo giao thiệp với bọn lái ngựa và làm cho cái giống ấy phải nghe mình hơn chú.
Một anh chăn ngựa bước lại cầm cương dắt một con ngựa tí hon gầy ốm, đầu gục, lông bù xù, hai bên sườn chòi xương có vẻ đau đớn.
- Mày đem cái gì đến cho tao đấy? Pôtagiê hét lên mắt long sòng sọc nhìn bác lái ngựa. Một con vật mà không ai thèm cưỡi à?
Bác lái, mặt tỉnh khô, trả lời rằng nếu Pôtagiê không dám cưỡi con ngựa này thì đó là vì các picađo thời nay thấy gì cũng sợ. Với một con vật như con này, tốt tính, dễ bảo đến thế, thì ông Canđêrông, ông T'rigô(2) hoặc nhiều kỵ sĩ khác của thời oanh liệt có thể đấu bò hai ngày liền mà không ngã và con ngựa cũng không hề bị vết xây xát nào. Nhưng ngày nay thì... ngày nay thì người ta sợ hãi nhiều và tự trọng ít.
Thế là chú picađo và tay lái ngựa cất tiếng chửi nhau nhưng theo kiểu bạn hữu cho những câu chửi thô tục nhất cũng chẳng có gì là quan trọng.
- Còn mày ấy à, Pôtagiê đáp, mày là một thằng ăn cắp già đời rồi, thạo nghề lừa lọc hơn cả Hôxê Maria Lê Tămpranyô. Được rồi! Mày hãy bê con bà mày đã rụng hết tóc lên lưng con ngựa ốm này đi! Bà mày cưỡi con ngựa này hay đấy vì thứ bảy nào lúc nửa đêm mà bà mày chẳng cưỡi chổi (3) chứ!
Những người đứng bên cười ồ lên còn bác lái ngựa thì nhún vai.
- Thế con ngựa này nó làm sao? bác ta thản nhiên đáp. Mày xem kỹ nó đi, thằng bần tiện. Nó còn tốt hơn nhiều con khác bị bệnh thò lò mũi hoặc bệnh quáng chắc chắn đã có lần làm cho mày lộn tùng phèo tại bãi đấu trước khi mày chạm được vào mình con bò. Con này nó vô bệnh, suốt hai mươi tám năm trời ở nhà một lão bán nước chanh, nó làm bổ phận của nó rất có lương tâm, không bao giờ để người ta phải mắng mỏ một câu. Thế mà mày, thằng lắm mồm, lại đi khinh nó, vu oan cho nó, làm như nó không ra cái con chó gì cả!
- Tao không muốn nhận nó, có thế thôi, Pôtagiê nói. Nó tốt thế thì mày giữ mà dùng.
Nghe thấy thế, bác lái ngựa từ từ bước lại gần Pôtagiê rồi với vẻ bình tĩnh của một người đã quen với những cuộc mua bán thế này, bác thì thầm vào tai chú picađo. Chú này giả vờ tức giận nhưng cuối cùng bước lại gần con ngựa.
- Mình cũng chẳng muốn thiên hạ cho mình là người khó chơi làm hại bạn, chú nói.
Rồi chú xỏ chân vào bàn đạp gieo mình cật lực xuống lưng con vật tội nghiệp. Đoạn, cắp chặt cây garôcha ở dưới cánh tay, chú thích mũi nhọn của nó vào một tấm gỗ dày lắp trong tường, chú dùng toàn lực mà đẩy làm như ở đầu mũi garôcha của chú có một con bò mộng to tướng vậy. Sức bật lại mạnh đến nỗi mỗi lần cây giáo va vào tấm gỗ con ngựa lại lảo đảo và khuỵu chân xuống.
- Nó không đến nỗi tồi quá như mình tưởng, Pôtagiê nói với giọng làm lành. Ngựa của mày trông bề ngoài thì không thể thương được, nhưng nó khá hơn cái mã của nó. Nó được cái mõm nhạy cảm, bốn vó chắc chắn... Mày nói có lý đấy. Thôi cho nó sang một bên.
Và chú nhảy xuống ngựa. Từ khi có cuộc hội đàm bí mật, chú sẵn sàng nhận bất cứ con vật nào của bác lái đưa ra.
Gađacđô rời đám người vui vẻ đứng xem cái trò thử ngựa kia, và một anh gác đấu trường dẫn anh đến khu chuồng bò.
Anh matađo bước qua một cái cửa quầy ăn thông với sân thả bò. Một bức tường gạch cao gần đến cằm một người tầm thước bao kín ba phía sân còn phía thứ tư là một hành lang. Bức tường này được gia cố bằng những xà gỗ to nối liền với một cái ban công nhỏ xây ở phía trên nó. Ở từng quãng một, lại có những ngách hẹp trông như lỗ châu mai, khiến người ta phải nghiêng mình mới lách qua được. Ở trong sân có tám con bò mộng, con thì nằm, con thì đứng cúi đầu xuống cái đống cỏ ở trước mặt chúng.
Gađacđô đi dọc theo hành lang sau bức tường để xem xét các con bò. Thỉnh thoảng, anh ló mình ra khỏi lỗ châu mai, vung tay, hét những tiếng man rợ để làm cho chúng cựa quậy. Con thì tức giận chồm lên tấn công người đến quấy nó. Con thì đứng vững trên bốn cẳng, ngẩng cao đầu một cách đe dọa, chờ xem người khiêu khích nó có dám đến gần nó không. Rồi anh matađo lại nấp sau bức tường và dựa trên bộ dạng của các con vật anh cố đoán tính nết của từng con để lựa chọn (4).
Đứng gần anh là người Mayôran (5) của đấu trường, một tay lực sĩ, đi ghệt, giày gắn đinh thúc ngựa, mặc áo bằng dạ dày, đội mũ phớt của nông dân có quai.
Người ta đặt biệt danh cho anh ta là Lôbatô(6). Đó là một kỵ sĩ rắn rỏi hầu như quanh năm sống ở đồng không mông quạnh. Khi đến Mađrit, anh sinh hoạt như người rừng, không hề tò mò rời khỏi đấu trường để đi thăm thành phố. Đối với con người này, thủ đô Tây Ban Nha chỉ là một đấu trường nằm giữa những bãi đất trống, những cánh đồng hoang xa xa thấp thoáng một khóm nhà mà anh không bao giờ muốn đếm xem. Nơi mà anh chuộng hơn cả là quán Galina ở gần đấu trường: một nơi khoái lạc, một lâu đài mê ly mà sáng tối hai bữa anh đều ăn ở đấy do xí nghiệp trả tiền, trước ngày anh lên ngựa trở về đồng cỏ, tấm chăn vắt ngang sườn yên, cái xắc đặt trên mông ngựa, ngọn giáo vác vai. Mỗi khi vào quán Galina, anh thích làm những cậu hầu bàn hoảng vía về những cái bắt tay thân mật, những cái bóp tay đáng sợ làm xương tay họ kêu răng rắc và họ phải thét lên đau đớn. Anh mỉm cười khoái chí về sức mạnh của mình, thích được thiên hạ gọi là đồ thô bạo. Rồi anh ngồi xuống trước bữa ăn đơn giản dọn trong một cái đĩa rộng và sâu như cái chậu rửa mặt, với bình rượu vang to tướng.
Anh là người lúc ở bãi thả bò tại Mubôda, lúc ở những đồng cỏ trên núi Gadarama vào những ngày nóng dữ, để trông nom các con bò mua cho đấu trường. Hai ngày trước cuộc đấu, với sự giúp đỡ của một số người cưỡi ngựa và chăn bò, anh cho bò của anh vượt qua suối Abrônigan ở ngoại ô Mađrit rồi tiến hành cái khâu enxierô. Nếu thời tiết xấu làm hoãn cuộc đấu lại, khiến anh chưa thể về được vùng cô quạnh yên tĩnh của anh thì anh rất buồn bực.
Ông hộ pháp sống trên mình ngựa này nói năng chậm chạp, đầu óc đần độn, sặc mùi phân chuồng và mùi da, hăng lên mỗi khi nói về đời sống trên đồng cỏ. Anh miêu tả ngắn gọn nhưng hay hay những đêm coi bò ở đấy, khi bò đã ngủ say dưới ánh sao mờ trong cảnh tĩnh mịch sâu lắng chỉ có những tiếng động bí ẩn từ rừng rậm đưa lại. Trong cảnh yên lặng ấy nổi lên tiếng hát kỳ lạ của những con rắn núi. "Đúng thế đấy, ông ạ, rắn núi hát", anh nói quả quyết. Về chuyện này, Lôbatô cũng cương quyết không chấp nhận sự phản đối vì tiếng hát đó anh đã nghe thấy hàng nghìn lần. Nghi ngờ cái đó tức là bảo anh nói dối và dễ nếm mùi hai bàn tay to như hai cái quạt thóc của anh.
Rắn biết hát, còn bò thì biết nói, nhưng Lôbatô không có cách nào hiểu được ngôn ngữ chúng. Nói cho cùng chúng cũng chẳng khác gì người, chỉ có khác là chúng đi bốn chân và có sừng. Phải ngắm chúng tỉnh dậy buổi bình minh. Chúng nhảy nhót, vui như trẻ con, đánh nhau, đùa, đuổi nhau một cách sung sướng ầm ĩ dường như chúng muốn chào sự xuất hiện của ông mặt trời vốn là niềm vinh quang của Thượng đế. Lôbatô còn thích nói đến những cuộc trèo núi Gadarama, dọc những con suối đưa tuyết tan trong như pha lê về đồng bằng, đến những cánh đồng cỏ xanh rì lấm tấm hoa, đến những con chim sâu vỗ đôi cánh nhỏ tới đỗ giữa cặp sừng của con bò đang ngủ, đến những con chó sói hú trong đêm tối ở xa, bao giờ cũng ở tít xa vì chúng sợ những con vật to ghê gớm kéo đi hàng đàn theo tiếng nhạc của những con cabextơrô. À không! Lôbatô không thích nghe nói về Mađrit, một thành phố trời thì oi ả, người thì ngạt thở, thủ đô chỉ có mỗi một cái thích đối với anh là rượu vang của quán Galina và mấy món xào rán ở đấy.
Anh mayôran cung cấp cho Gađacđô những điều cần biết và giúp ý kiến để anh chọn hai con bò. Trước những matađo lừng danh, thần tượng của công chúng, ông hộ pháp này không hề tỏ vẻ ngạc nhiên hoặc tôn kính. Giết những con vật cao quý như vậy bằng hàng trăm mẹo lừa, thật là một nghề ngỗng đáng buồn! Người dũng cảm thực sự chính là anh, vì anh sống với các con bò ở nơi hẻo lánh, luôn luôn đi lại sát sừng chúng, không có thứ tự vệ gì khác ngoài cánh tay của mình mà cũng chẳng lấy ai để hoan hô cả.
Lúc Gađacđô ở khu chuồng bò bước ra sau khi đã chọn mấy con bò và dặn dò người mayôran nhốt riêng chúng ra, một nhân viên đấu trường chạy lại chào anh rất kính trọng. Đó là ông cụ quét dọn khán đài. Ông làm việc này từ nhiều năm rồi và ông biết tất cả những đấu sĩ danh tiếng của thời ông. Ông ăn mặc rách rưới, nhưng lại đeo mấy cái nhẫn phụ nữ và khi lau nước mũi, ông rút ở trong túi áo ra một cái khăn tay xinh xinh bằng vải mịn diềm đăng ten, thêu một ký hiệu lớn và vẫn còn thơm phảng phất.
Trong những ngày tháng không có trận đấu, ông cụ là người có nhiệm vụ quét sạch cái đấu trường rộng mênh mông, cả các bậc ngồi lẫn các lô, nhưng không bao giờ ông than thở khó nhọc. Ông chỉ thu nhận để giúp việc ông dăm sáu thằng du đãng, đấu sĩ tập sự, chúng tận lực làm mọi việc hộ ông với điều kiện duy nhất là khi nào có trận đấu, chúng được phép đứng xem từ "các lô của chó" nghĩa là từ đằng sau một bức rào ngăn khu chuồng bò dùng làm lối vận chuyển những người bị thương. Bọn phu quét bám vào song sắt của bức rào, chen cãi nhau chí chóe như một lũ khỉ trong chuồng để tranh chiếm hàng đầu.
Ông cụ phân phối công việc rất khéo. Ông sai mấy thằng yêu quét dọn ở khu khán đài bị soi nắng là chỗ ngồi của các khán giả bẩn thỉu nghèo nàn, lúc ra về chỉ để lại một đống vỏ cam, giấy lộn và đầu thuốc lá làm dấu vết của sự có mặt của họ.
- Chúng mày phải cẩn thận khoản thuốc lá cho tao đấy nhé, ông giao hẹn với bọn đó. Đứa nào xoáy của tao một mẩu xì gà là tao không cho xem trận đấu chủ nhật này đâu!
Về phần ông, ông kiên trì quét khu khán đài râm mát, lục lọi như một người đi tìm vàng, ngồi xụp vào trong chỗ tối của các lô để nhét vào đáy túi những vật linh tinh mà ông nhặt được: quạt phụ nữ, khăn quàng, nhẫn, tiền, đồ trang sức rơi ra từ quần áo phụ nữ, tất cả những cái có thể mất ở một nơi đông người. Nếu vớ được món nào có đôi chút giá trị, ông mang nó đến một bà bạn bán đồ cũ chuyên mua những thứ nhặt được của thiên hạ. Ông cũng gom góp những đầu mẩu thuốc của khán giả quăng bỏ, rồi bán lại thành thuốc lá rời sau khi đem phơi nắng.
Gađacđô tránh những câu chào đón khúm núm của ông cụ ấy bằng cách cho ông ta một điếu xì gà. Đang định bước đi, anh thấy chạy lại một người cao lớn, khô như củi, nước da xạm, mặc quần áo đấu sĩ, nhưng những mớ tóc hoa râm lại thòi ra dưới chiếc mũ phớt đen và vài nếp nhăn hằn sâu ở quanh miệng.
- Ô kìa, bác đấy à, Pêxcađêrô (7)! Bác có khỏe không? Gađacđô vừa nói vừa bắt tay người ấy với nhiệt tình thực sự.
Đó là một người matađo cũ, trong thời thanh xuân, đã có lúc oanh liệt nhưng rồi tên tuổi đã bị vùi sâu trong quên lãng. Một số matađo khác đã làm lu mờ cái danh tiếng ngắn ngủi của bác và sau khi sang Châu Mỹ đấu bò và bị húc nhiều phen, bác giải nghệ với chút ít tiền dành dụm được. Bây giờ bác mở một cái quán nhỏ ở gần đấu trường để sống cho qua ngày: nơi đó hẻo lánh nên giới hâm mộ đấu bò và các đấu sĩ ít qua lại.
Pêxcađêrô nhất định bắt bạn đến chơi nhà mình. Hai người đi vào một cái phố dài nằm cạnh đấu trường rồi bước vào một cái quán giống hệt mọi cái quán khác: cũng mặt nhà sơn đỏ, cửa kính có rèm đỏ, tủ hàng bày mấy cái đĩa bụi bậm đựng vài miếng sườn đã ôi, mấy con chim nhỏ rán, vài chai rau giầm dấm, ở trong nhà là một cái quầy bằng kẽm, một số thùng và chai, một số bàn tròn có ghế đẩu bằng gỗ vây quanh và trên tường treo nhiều bức ảnh màu của một số đấu sĩ danh tiếng hoặc của những giai đoạn đặc sắc nhất trong một trận đấu.
- Cho chúng tao một cốc môngtila đi, Pêxcađêrô nói với một thanh niên đang đứng gần quầy nhìn Gađacđô bằng con mắt tò mò có thiện cảm.
Thấy thế, Gađacđô cũng nhìn kỹ người thanh niên. Anh nhận thấy một ống tay áo của anh ta trống rỗng, gập lại và gài vào sườn bên phải.
- Trông cậu hơi quen quen, Gađacđô nói với người cụt tay.
- Tôi cũng nghĩ thế! Pêxcađêrô kêu lên, Pipi (8) đấy mà.
Nghe thấy biệt danh ấy, lập tức Gađacđô nhớ ra. Pipi là một thanh niên có tài, cắm banđêri rất xuất sắc và được một nhóm người hâm mộ đấu bò mệnh danh là "đấu sĩ của ngày mai". Nhưng một hôm, tại đấu trường Mađrit, cậu ta chẳng may bị húc vào cánh tay đến nỗi phải cưa.
- Tôi đã đưa nó về nhà, Pêxcađêrô nói tiếp. Tôi không có con cái, vợ tôi thì chết rồi. Tôi coi nó như con. Vả lại, cậu đừng tưởng tôi và Pipi sống trên tiền nhé, nhưng cái gì tôi có là nó có. Chúng tôi cố xoay sở cũng tạm qua ngày nhờ bạn bè cũ đôi khi qua đây ăn nhậu và chơi bài, và nhất là nhờ cái trường...
Gađacđô mỉm cười. Anh có nghe nói đến cái trường kỳ quặc này do Pêxcađêrô mở gần quán của bác ta (9).
- Biết làm thế nào hở cậu? Pêxcađêrô nói thêm, như để thanh minh. Tôi cần phải sống và riêng cái trường này tiêu thụ của tôi nhiều hơn tất cả những khách hàng khác. Đến học có những ngài giàu sang, những anh muốn nổi bật trong những trận đấu với bê, những người nước ngoài mê đấu bò và tự nhiên giở chứng muốn trở thành đấu sĩ trước khi xuống lỗ. Hiện nay tôi có một người chiều chiều đến đây tập. Cậu sẽ thấy.
Hai người vượt đường phố, tiến về một mảnh đất hoang có hàng rào cao bao quanh. Trên những tấm ván đóng đinh dùng làm cửa, Gađacđô thấy sơn một hàng chữ lớn:
TRƯỜNG DẠY NGHỆ THUẬT ĐẤU BÒ
Hai người bước vào. Cái làm cho Gađacđô chú ý đến trước tiên là con bò mộng Môritô (10): đó là một con bò bằng gỗ và cói, đặt trên bánh xe, đuôi bằng xơ gai đầu tết bằng rơm, cổ bọc li-e, nhưng có một cặp sừng chính cống, một cặp sừng oai vệ đến phát sợ. Một thằng nhãi ngực để trần, đầu đội cái mũ lưỡi trai để thòi ra hai lọn tóc ốp chặt vào thái dương thành hai móc câu, có nhiệm vụ truyền cho con bò các động tác và vẻ giận dữ tấn công, khi các "học viên" đứng trước mặt nó, tay cầm áo choàng.
Đứng giữa khu đất, một ông nhỏ bé lưng còng, bụng phệ, vai xệ, mặt đỏ, bộ ria mép to tướng, tiêu muối và cứng nhắc, mặc sơ mi đang sắp sửa cắm cặp banđêri vào thân con bò. Một bà cũng vào chạc tuổi đó, cũng to béo và mặt đỏ chẳng kém, đầu đội một cái mũ trên là cả một vườn hoa sặc sỡ, đang ngồi trên một cái ghế, dưới bóng hàng rào. Mỗi khi ông chồng làm một động tác chính xác, bà phấn khởi cười to đến nỗi hoa hoét ở trên mũ rung chuyển như một khu rừng bị bão. Pêxcađêrô thì thầm giải thích cho Gađacđô biết rằng đó là mấy người nước ngoài, những nhà tư sản giàu có, có lẽ là dân miền Nam nước Pháp, tự nhận là đã am hiểu môn đấu bò, nay nhân dịp đến Mađrit nên muốn tập thực hành những lý thuyết tinh vi của nghệ thuật ấy.
Trông thấy hai người bước vào, ông "học viên" đã có tuổi hạ đôi tay cầm banđêri xuống còn bà vợ thì sửa lại chiếc mũ hoa.
- Ôi! Kính giáo sư thân mến!
- Kính chào môtxiu (11), kính chào bà, giáo sư vừa nói vừa đưa tay lên mũ. Thế nào, môtxiu, xem môtxiu học đến đâu rồi. Môtxiu còn nhớ những điều tôi dặn chứ? Đứng im trên bãi, chọc con bò cho nó đến; khi nó đã đến rồi thì mình phải gập lưng xuống và cắm banđêri vào bướu cổ nó. Môtxiu đừng ngại cái gì cả. Chính con bò phải làm hết mọi thứ cho ta... Nào, chú ý. Sẵn sàng chưa?
Tránh ra một chút, "giáo sư" nháy mắt cho con bò đáng sợ hoặc nói cho đúng hơn là cho thằng ôn con láu lỉnh đang chống hai tay vào mông con Môritô chờ hiệu lệnh để cho con vật bắt đầu.
- Mạnh dạn lên, Môritô!
Sau khi rống lên một tiếng kinh khủng bằng miệng của Pêxcađêrô, con Môritô dậm chân giận dữ, lắc mạnh cái bụng rỗng và cái đầu bằng rơm rồi xông vào như điên trong tiếng bánh xe kêu rầm rĩ, với những cái xóc dữ dội trên mặt đất gồ ghề. Thật chưa thấy bò ở trại nổi tiếng nào, lại tỏ ra thông minh như con vật bất tử này, bị banđêri và kiếm đâm đến hàng nghìn lần, mình đầy thương tích thế mà được ông thợ mộc chữa là khỏi ngay. Về trí xét đoán của con môritô không thua người chút nào. Khi nó tới gần ông "học viên", nó đột nhiên đổi hướng để khỏi va sừng vào người ông, và nó chạy ra xa mang theo những cây banđêri cắm trên cái cổ bằng li-e của nó. Pêxcađêrô vỗ tay khen thành tích đó.
- Một cú lão luyện đấy, môtxiu ạ! "Giáo sư" kêu lên. Cặp banđêri của môtxiu cắm hay đệ nhất đấy.
Để chào mừng thành công rực rỡ ấy, ông ngoại quốc ra lệnh cho thằng nhãi điều khiển Môritô:
- Chạy kiếm cho chúng tao chai rượu vang! Thằng oắt không cần nhắc lại cái lệnh này, lập tức chạy về phía quán ăn vừa đi vừa liếm môi.
Lúc đó đã có tới hai ba chai không lăn lóc dưới chân bà ngoại quốc, mặt mỗi lúc một đỏ thêm.
Trên đường về nhà, đúng lúc Gađacđô đi ngang quảng trường Puecta Đen Xôn và sắp bước vào phố Ancala, anh bị một chuyện bất ngờ làm anh đứng đờ như phỗng. Một phu nhân tóc vàng chính là Đônha Xôn đang xuống xe ở trước cửa khách sạn Pari, và một thanh niên rất thanh lịch có vẻ là người nước ngoài, giơ tay đỡ nàng bước xuống. Sau khi hai người thầm thì với nhau vài lời người thanh niên cáo từ còn Đônha Xôn thì mất hút trong phòng ngoài của khách sạn. Anh matađo nhận rõ mặt người phụ nữ đó và anh không nghi hoặc chút nào về mối quan hệ giữa nàng và người ngoại quốc kia. Lúc từ biệt nhau, họ đã trao đổi với nhau những cái liếc mắt và những nụ cười mà anh đã hiểu quá rõ ý nghĩa.
Cuộc gặp gỡ làm Gađacđô rất xao xuyến. Anh cứ tưởng đã quên được con người từng bỏ rơi anh dễ như bỡn ấy và trong những ngày dài đằng đẵng mà tính mệnh anh lâm nguy, nàng chỉ hỏi thăm anh có một lần. Do đó phản ứng đầu tiên của anh là tự nhủ rằng anh sẽ không hề tìm cách gặp lại nàng, anh sẽ không hạ mình là cái việc nhục nhã như vậy. Nhưng rồi nhớ lại những giờ phút ái ân, anh xúc động và buộc phải tự thú sự mềm yếu của mình: anh chưa yêu người phụ nữ nào bằng yêu nàng. Và chẳng bao lâu anh suy nghĩ trong lúc đi lang thang buồn bã ngoài phố:
"Tại sao mình lại không tìm cách gặp nàng? Biết đâu? Có thể sau một thời gian xa cách dài, khi gặp lại mình, cô ấy sẽ nhớ lại những quan hệ xưa...".
Anh còn nghĩ:
"Xưa kia, khi cô ấy là người yêu của mình, cô ấy đem may mắn đến cho mình: tình yêu của cô ấy kích thích lòng can đảm của mình. Nếu nay cô ấy lại yêu mình, chắc chắn mình sẽ lại anh dũng và oanh liệt như xưa...".
Nói tóm lại, đến sáu giờ chiều, dục vọng đã thắng, anh đến khách sạn Pari xin gặp Đônha Xôn. Trước tiên người ta bảo anh chờ ở tầng dưới, trong phòng ngoài, rồi người ta đưa anh bằng thang máy lên một phòng khách nhỏ ở tầng hai. Ở đây lại một phen chờ nữa. Các cửa sổ phòng khách nhìn xuống quảng trường Puecta Đen Xôn vào lúc hoàng hôn có cơ man xe cộ đi lại chằng chịt cùng nhiều chuyến tàu điện leng keng rung chuông không ngừng.
Một cánh cửa nhỏ im lặng mở ra và Đônha Xôn bước vào trong tiếng lụa sột soạt, một làn gió thơm và với tất cả vẻ lộng lẫy của một mỹ nhân tuyệt trần. Nàng mặc một bộ quần áo trong nhà cắt kiểu nước ngoài rất thanh lịch, đeo những đồ nữ trang kỳ dị và đi đôi dép vàng. Nàng mỉm cười với khách, chìa tay ra bắt không một chút ngượng ngùng.
- Ông có khỏe không, ông Gađacđô?
Tiếng "ông" làm cho người tình cũ bàng hoàng, và cảm thấy ngay rằng công thức xã giao nhạt nhẽo ấy đã đẩy anh xuống hàng những người bạn thường chứ không phải như trước kia tiếng xưng hô "anh anh em em" của người phụ nữ đại quý tộc nâng anh lên gần nàng và cho phép anh tự coi là một người đầy tớ cưng, một nô lệ có vinh dự được nữ chủ nhân biệt đãi. Trong cơn buồn giận, anh chỉ lúng búng được vài tiếng, còn nàng thì hoàn toàn thoải mái mời anh ngồi, khen anh trông đã mạnh khỏe, hỏi anh về vết thương mà nàng chỉ nhớ lơ mơ:
- Không sao cả, chứ ông?
Gađacđô cảm thấy bị xúc phạm khi thấy nàng hỏi với vẻ xã giao lãnh đạm như vậy. Anh bèn đáp với giọng khá cấm cẩu rằng anh suýt chết và đã phải dưỡng bệnh suốt mùa đông vừa qua. Rồi bỗng nhiên nhìn nàng chằm chằm bằng con mắt thất vọng có vẻ van xin, anh kêu lên:
- Chao ôi! Đônha Xôn! Đônha Xôn! Phu nhân thật quá tàn nhẫn với tôi! Cách xử sự của phu nhân không thể nào tha thứ được. Tại sao phu nhân ra đi mà không thèm báo cho tôi biết?
- Vì tôi chán rồi, nàng đáp với giọng khô khan. Khi người ta chán, người ta có quyền bỏ đi, phải không ông?
- Nhưng tôi thì tôi yêu phu nhân với tất cả tâm hồn!...
Một nụ cười thoáng qua trên môi nàng. Trông thấy nụ cười vừa ngụ ý chế giễu, vừa có vẻ tự mãn ấy, người đàn ông, dù hết sức cục mịch cũng hiểu rằng những lời tỏ tình ngây ngô vụng về của mình sẽ không bao giờ làm động lòng người đàn bà đại quý phái kiêu hãnh và hay mai mỉa kia. Thế là tin vào hành động hơn lời nói, anh đứng dậy tiến về phía nàng, hai cánh tay dang ra. Nhưng nàng đã gạt tay người đấu sĩ và nghiêm khắc ra lệnh:
- Ông hãy ngồi yên. Nếu không, tôi bấm chuông và sai đuổi ông ra cửa.
Thế là anh đành ngồi yên, làm ra vẻ khúm núm và hổ thẹn khiến phu nhân đại quý tộc kia dịu đi. Phu nhân hạ cố nhớ ra rằng cái con người khốn khổ đang ngồi run rẩy ở trước mặt nàng dẫu sao đã là người từng cứu sống nàng cho nên nàng bèn nói tiếp với vẻ độ lượng:
- Ông trẻ con quá! Ông không biết rằng trên đời này không có ảo tưởng nào bền vững hay sao? Cái gì đã qua là qua, mình có muốn làm cho quá khứ sống lại cũng vô ích...
Vừa nói nàng vừa ngắm kỹ anh, và nàng lấy làm lạ sao mình lại dớ dẩn thích trong mấy tháng cái con người tầm thường có mớ côlêta ốp chặt vào sọ một cách khôi hài, bộ mặt cạo nhẵn thín và cử chỉ như diễn viên bi kịch, cái gã hiện ngồi trước mặt nàng như một thằng hề hạng bét. Rồi thấy Gađacđô có vẻ chưa muốn đi, nàng cáo từ thẳng cánh:
- Ông tha lỗi cho tôi, tôi không thể tiếp chuyện ông lâu được. Đã muộn rồi. Tôi chỉ còn đủ thời giờ thay quần áo để đi ăn tối.
Khi anh matađo bước xuống hè trước cửa khách sạn, anh giận mờ cả mắt và ù cả tai. À, được lắm, lần này thế là hết không bao giờ anh yêu lại cái con hỗn hào trâng tráo đó. Từ nay anh sẽ để hết tâm trí vào sự nghiệp.
Hôm sau, khi Gađacđô lên đường đi đấu trường, anh không bị những nỗi lo lắng mê tín ám ảnh như trước nữa. Anh cảm thấy đầy quyết tâm, anh tin chắc sẽ chiến thắng: tim anh rạo rực một niềm dũng cảm vô bờ, như trong những ngày oanh liệt xưa kia.
Trận đấu sôi nổi ngay từ đầu. Con bò đầu tiên của buổi đấu tỏ ra dai dẳng (12), tấn công rất dữ những người cưỡi ngựa. Trong một lúc, nó hất ngã ba chú picađo chĩa giáo ra chờ nó và hai con ngựa bị nó húc nằm gần chết tại chỗ, máu đen tuôn từ ức ra như suối còn con thứ ba phát cuồng lên vừa đau vừa sợ cứ chạy lung tung trên bãi đấu, cái yên lắc lưu, bụng thủng, bộ ruột xanh và đỏ treo lủng lẳng giữa cặp bàn đạp như những khúc dồi to tướng. Một lúc sau, bộ ruột kéo lê trên mặt cát, bị hai chân sau của chính nó dẫm lên nên xổ ra hàng mớ và thắt nút như một búp sợi bị rối. Con ngựa lồng chạy làm cho con bò chú ý và đuổi theo, lấy sừng nhấc bổng con ngựa lên rồi hất xuống đất, húc xéo đến mấy phút vào cái xác nát và thoi thóp. Một anh lao công trong bãi đấu đến kết liễu đời con ngựa hấp hối bằng cách cắm mạnh cái puntidia vào gáy nó, con vật to lớn gày guộc giãy giụa vài cái rồi nằm im, bốn vó cứng đơ.
Trong khi đó một số người lao công khác xách giỏ chạy ngang chạy dọc, trải rất nhiều cát lên các vũng máu và cái xác.
Công chúng đứng dậy, hò hét vung tay dậm chân. Sự hung dữ của con bò đã gây hào hứng. Thấy không còn người picađo nào trên bãi đấu, khán giả kêu váng lên đòi hỏi:
- Đem ngựa vào! Ngựa đâu!?
Con bò đứng một mình giữa bãi đấu, oai vệ, rống liên hồi, đầu ngửng cao, sừng đẫm máu, với dải băng huy hiệu phất phơ trên hai vai bị xé rách và đỏ lòm của nó.
Một số kỵ sĩ mới vào bãi đấu và cuộc tàn sát ghê tởm lại tiếp tục. Một picađo vừa mới cho con ngựa của mình đứng nghiêng khiến con mắt bị kín của nó quay về phía con bò và anh vừa mới tiến lên vài bước, mũi giáo chĩa ra phía trước, là lập tức anh bị va chạm và lộn nhào cả người lẫn ngựa. Ngọn giáo gẫy đánh rắc, con ngựa bị cặp sừng dũng mãnh húc vào, máu vọt ra, ruột thủng để xổ hết cứt đái. Anh picađo ngã đến bịch xuống đất và các pêông vội vã dùng áo choàng để che cho anh.
- Cậu ấy không dậy được đâu! Công chúng la lên. Chắc vỡ đầu rồi!
Nhưng một lát sau, anh picađo đứng dậy được, duỗi tay, gãi đầu, nhặt chiếc mũ phớt rơi xuống đất, lại nhảy lên lưng con ngựa cũ mà mấy anh lao công của đấu trường đã dựng dậy bằng cách cho nó mấy cái đạp và mấy cái gậy. Rồi cưỡi con ngựa hấp hối ấy, anh ta lại xông vào con quái vật.
Giai đoạn cắm banđêri cũng không kém phần khủng khiếp và cuối cùng đến khi con bò ghê gớm gục xuống dưới nhát kiếm kết liễu đời nó, khắp bãi đấu có xác chết và vết máu.
Con bò thứ hai dành cho Gađacđô. Khi anh tiến đến chào ông chủ tịch cuộc đấu, khán giả tỏ vẻ có thiện cảm với anh. Mọi người vốn chờ đợi cuộc đấu hôm nay từ lâu, nên họ tỏ ra có độ lượng, hơn nữa sự anh dũng của con bò thứ nhất và đống xác ngựa làm cho họ thành vui vẻ xởi lởi.
Sau thủ tục brindix, Gađacđô tiến về phía con bò, đầu trần, chiếc mulêta chìa ra trước mặt nó. Sau lưng anh một quãng, Người Quốc dân và một pêông khác bước theo anh. Điều này làm cho tiếng chỉ trích nổi lên ở các bậc ngồi. Sao nhiều tùy tùng thế? Y như toàn bộ hàng giáo phẩm của một xứ đi đưa ma.
- Mọi người tránh xa xa! Gađacđô thét.
Lần này anh ra lệnh với một giọng nghiêm nghị không thể nghi ngờ, cho nên hai người pêông liền rút lui.
Khi gần đến con bò, người matađo xòe chiếc mulêta, tiến thêm vài bước nữa, như ở trong thời kỳ những thành tích thần tình nhất của anh, rồi anh dí mảnh vải sát mõm con vật, làm một động tác bằng mảnh vải đó.
- Hoan hô!...
Trên khán đài có tiếng rì rào thỏa mãn. Người con của thành phố Xêvilơ lại xứng danh như trước rồi. Anh ta lại bắt đầu có ý thức về danh dự nghề nghiệp rồi.
Khi con bò đứng im, công chúng khuyến khích Gađacđô:
- Xông vào đi! Có cơ hội đấy!
Gađacđô bèn xông vào, mũi kiếm giơ cao! Rồi, anh nhảy vội sang một bên để thoát ra ngoài tầm của cặp sừng.
Có tiếng vỗ tay nhưng nó ngắn ngủi, và ngay sau đó nổi lên tiếng rì rầm bất mãn cùng mấy tiếng huýt sáo lanh lảnh. Đột nhiên, tiếng huýt sáo nổ ra ầm ầm ở bốn phía đinh tai nhức óc và hàng nghìn cánh tay duỗi thẳng ra để chỉ con bò. Lưỡi kiếm cắm nghiêng, đã xuyên qua mình con vật rồi thòi ra ở phía bên kia, gần sau vai nó.
Khán giả hoa tay hoa chân ra vẻ rất tức giận. Xấu hổ thật! Ngay những đấu sĩ mới vào nghề và tồi nhất cũng không đến nỗi phạm khuyết điểm nặng nề như vậy!
Ngạc nhiên về lỗi lầm của mình, Gađacđô cúi đầu dưới trận bão chửi bới và đe dọa. Cuộc tấn công của anh bắt đầu khá hay, nhưng rồi anh không thắng nổi ý muốn tránh cặp sừng bò cho thật nhanh nên anh đã đâm nhát kiếm vụng về nhục nhã đó.
Bị thọt một chân, con bò tiếp tục chạy tập tễnh một quãng nữa rồi dừng lại cho đỡ đau. Gađacđô bèn lấy một thanh kiếm khác rồi tiến đến trước mặt nó định tâm thực hiện một cú đecabenlô. Anh vừa dí mũi kiếm vào giữa cặp sừng, vừa hoa chiếc mulêta bằng tay trái, cốt làm cho con vật chúc mõm xuống sát đất, rồi anh dùng cổ tay ấn mũi kiếm. Nhưng con bò bị đâm bèn lắc đầu và hất thanh kiếm bật ra.
- Một nhé! Công chúng đồng thanh hô lên pha trò. Anh matađo lại làm lại. Nhưng lần này nhát kiếm chỉ làm cho con vật giật mình.
- Hai nhé! Công chúng mỉa mai hét trên các bậc ngồi.
Gađacđô lại cố một lần nữa, nhưng cũng như hai lần trước, lần này cũng chỉ làm cho con bò rống lên đau đớn.
- Ba nhé!
Rồi bản đồng ca nhạo báng bị lấp dưới một trận bão huýt sáo, chửi rủa, phản đối. Bao giờ mới xong cái trò đê tiện này?
Đến lần thứ tư, Gađacđô may mắn đâm trúng huyệt làm cho con bò gục ngay xuống, nằm nghiêng, bốn chân cứng đờ.
Sau khi lau mồ hôi và chào ông chủ tịch cuộc đấu như một cậu học trò xấu hổ vì phạm lỗi, anh matađo trốn vào sau hàng rào trong khi các khán giả kẻ thì nói mỉa kẻ thì im lặng khinh khỉnh. Anh uống một hơi cốc nước của Garabatô đưa cho anh. Vì anh đã vận động quá nhiều nên vết thương cũ ở chân lại hơi đau và anh thấy cần dành sức để giết con bò thứ hai. Anh phải thừa nhận rằng anh không còn được như cũ. Mặc dầu đã hạ quyết tâm, anh vẫn không thể đâm nhát kiếm như trước kia. Chân anh không nhanh nhẹn như xưa, cánh tay phải của anh không còn mạnh nữa, nó không tuân theo ý muốn của anh mau như trước nữa.
Tuy nhiên, khi con bò thứ hai của anh vào bãi đấu, anh là người đầu tiên múa áo choàng trước mặt nó. Hình dáng của con bò này làm anh ngạc nhiên, nên anh nóng ruột muốn nhìn kỹ nó. Đúng thật, nó không phải là con bò mà anh đã cùng người mayôran chọn hôm qua. Chắc người ta đã nhầm khi phân phối bò vào chuồng. Con bò này trông cái mã xấu quá!
Công chúng không thù anh và còn vỗ tay khen những đường múa áo choàng của anh, tuy họ không khen nhiệt liệt.
Khi trận đấu bước sang giai đoạn cuối cùng và Gađacđô đứng nghiêng ở trước con bò thì tất cả khán giả đoán biết anh bối rối. Đấu pháp của anh hỗn loạn, hễ con bò động đậy cái đầu là anh vội vàng nhảy giật lùi.
- Đề phòng nhé! Nó đuổi theo đấy. Công chúng thét lên giễu cợt.
Gađacđô đâm nhát thứ nhất, nhưng thanh kiếm chỉ ngập vào thân con bò độ vài xăngtimét đã bật ra khá xa.
Khi Gađacđô đang chuẩn bị đâm nhát thứ hai, con bò đột ngột tấn công. Anh matađo không còn nhanh chân như trước nên bị bò va trúng làm anh ngã lăn xuống đất. Người ta định chạy lại cứu thì anh đã đứng dậy, không bị thương nhưng người lấm bem lấm bèm, quần áo rách toạc, cái mônha bị rứt đứt, món côlêta xổ tung, một chiếc giày bị văng đi.
Thương hại anh, nhiều người giơ áo choàng xung quanh anh để che chở. Vì tình bạn, các matađo khác quấy rối con bò, chuẩn bị sẵn để anh chỉ việc kết liễu đời nó không khó khăn gì. Nhưng Gađacđô, như đui như điếc, không nghe ý kiến của các đồng nghiệp, không biết lợi dụng những cơ hội thuận lợi nhất để đâm nhát kiếm quyết định. Mặt tái mét, lông mày nhíu lại, anh nói lúng búng trong một trạng thái vô ý thức hoàn toàn:
- Mọi người tránh xa ra!... Mọi người tránh xa ra!...
Trong đám khán giả, một số xem ra rất thích sự hoang mang của Gađacđô, còn một số khác thì cứ la tướng lên rằng thế là họ bị lừa tiền.
Cuối cùng, với sự giúp đỡ của nhiều người múa áo choàng, Gađacđô đâm bạt mạng ba bốn nhát kiếm nhưng con bò vẫn không làm sao cả. Nó vừa rống vừa cúi đầu chạy nhung nhăng dọc hàng rào, dường như để than thở tại sao người ta lại hành tội nó một cách vô ích như vậy. Gađacđô chạy theo con bò, một tay cầm mulêta, một tay cầm kiếm. Theo sát người anh là cả một đoàn pêông vung áo choàng, dường như muốn bảo con vật hãy quỳ gục xuống bãi trước cái rừng vải đỏ ấy.
- Sao mà lắm kiếm thế! Nhiều khán giả gào lên mỉa mai, lấy ngón tay chỉ vào cổ con vật lởm chởm những kiếm là kiếm. Không phải là bò đâu, Đức Mẹ Bảy Sự đấy!
Nhiều khán giả quay mặt về phía lô của ông chủ tịch cuộc đấu và kêu to:
- Thưa ông chủ tịch!... Chẳng lẽ để trò xấu xa này kéo dài mãi à?...
Ông chủ tịch bèn quyết định làm một việc khiến đấu trường trở lại im lặng ngay: mọi người trông thấy một angoaxilê, đội mũ lông chim, mặc áo khoác ngắn lùng thùng, chạy dọc sau hàng rào. Đến gần chỗ có con bò, anh ta giơ nắm tay về phía Gađacđô, ngón tay trỏ chỉ lên trời. Công chúng vỗ tay. Đó là lần cảnh cáo thứ nhất. Nếu trước lần cảnh cáo thứ ba, con bò chưa bị giết thì nó sẽ được dẫn về chuồng và người matađo sẽ bị nhục vô cùng.
Hoảng sợ trước sự đe dọa đó, Gađacđô hình như tỉnh cơn đê mê, anh xông vào con vật, thanh kiếm chĩa thẳng. Nhưng nhát kiếm cũng chẳng hơn gì những nhát trước và con bò tiếp tục chạy.
Sự thất bại của nhát kiếm cuối cùng này làm công chúng càng phẫn nộ. Tiếng huýt sáo vang lên đinh tai nhức óc. Nào cam, nào vỏ bánh mì, nào đệm chân và đủ các loại đạn khác ném như mưa vào bãi đấu. Về phía khu chuồng bò, một nhóm người khá đông cùng nhau cất tiếng hát Kinh Cầu hồn như đưa đám.
Cuối cùng, con bò gục xuống. Chú puntidiêrô đến cho nó một xiên kết liễu đời nó. Mấy con la vào kéo cái xác ra, trên bãi đấu chỉ còn lại những vết máu dài.
Tình hình lúc về của Gađacđô thật đáng buồn! Vì có nhiều xe ngựa, xe ô tô, tàu điện cản đường quanh đấu trường, nên chiếc xe ngựa của đội anh phải dò từng bước. Người đi đường thấy mấy con la thì tránh ra tò mò nhìn các đấu sĩ. Nhưng vừa mới nhận ra Gađacđô, vẻ mặt họ lập tức tỏ vẻ khinh bỉ và hình như họ tiếc rẻ là đã quá lịch sự tránh đường cho anh đi.
Những cỗ xe mui trần, trên có những phụ nữ xinh đẹp quàng khăn trắng, chạy gần xe anh nhưng họ quay đầu đi chỗ khác để khỏi trông thấy anh hoặc họ nhìn anh bằng con mắt buồn rầu thương hại.
Bỗng nhiên, một bọn trẻ con vây quanh xe anh và huýt sáo. Một phút sau, nhiều người lớn thuộc tầng lớp nghèo cũng nhập bọn với đám này. Cả bọn trẻ con lẫn người lớn ấy đều không được vào bãi xem, nhưng cái tin anh thất bại nhục nhã đã lan đi khắp nơi, cho nên đám cùng dân thích thóa mạ không thương tiếc kẻ mà họ tin là giàu nứt đố đổ vách.
Một hòn đá ném trúng bánh xe. Đám biểu tình mỗi lúc một đông, đe dọa một cách đáng sợ. May thay cho Gađacđô, hai angoaxilê cưỡi ngựa đã chạy lại giải tán đám đông hỗn xược và hộ tống đến tận đầu phố Ancala "người số một trên thế giới".
-----------------------
(1) Các cuộc thử ngựa thường diễn ra hai ba ngày trước trận
đấu. Mỗi picađo chọn năm sáu con ngựa để cưỡi, nhưng nhiều khi tiền lót tay làm cho cuộc thử ngựa mất nghiêm chỉnh.
(2) Frăngxixcô Canđerông và Hôxê T'rigô là hai picađo nổi tiếng vào khoảng năm 1850.
 (3) Ở một số nơi có người tin rằng các mụ phù thủy cứ đến đêm thứ bảy lúc chuông đồng hồ điểm mười hai giờ là cưỡi chổi bay đi dự hội với quỷ.
(4) Đây là một trường hợp đặc biệt. Vì theo nguyên tắc người matađo không có quyền chọn bò. Ngày xưa, người chủ trại đặt số thứ tự cho các con bò của mình, ngày nay người ta rút thăm.
(5) Người phụ trách tổ chăn nuôi bò.
 (6) Con sói con.
(7) Pêxcađêrô:  biệt danh, nghĩa là anh hàng cá.
 (8) Pipi:  biệt danh, nghĩa là chim bông lau.
(9) Hình như ở Mađrit đã có lúc thực sự có một cái trường như vậy do một ông chủ quán mở.
 (10) Nghĩa đen là thằng bé Môrơ.
 (11) Từ Pháp phiên âm sai: Mơxiơ (Monsieur) nghĩa là ông.
 (12) Chỉ những con bò, sau khi bị các picađo lấy giáo đâm, không chạy trốn mà cứ xông vào các con ngựa húc lung tung.