TÔ CHƯƠNG dịch
Phụ lục
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC MÔN ĐẤU BÒ MỘNG

I ĐẤU TRƯỜNG
Ở nước Tây Ban Nha ngày xưa ĐẤU TRƯỜNG, tức là nơi đấu bò mộng, thường thường là một quảng trường được bố trí tạm thời để dùng vào mục đích đó. Ngày nay trong tất cả các thành phố không đến nỗi nhỏ lắm, nó là một bãi đất rộng lộ thiên trên đó xây dựng những công trình cần thiết cho việc đấu bò. Đấu trường Mađrit có 14.000 chỗ ngồi, đấu trường Bacxơlon có 14.500 chỗ ngồi.
Sau đây là những bộ phận chính của một đấu trường:
1. BÃI ĐẤU có hai lớp hàng rào bao quanh. Lớp thứ nhất nằm sát bãi đấu, sơn màu đỏ, cao khoảng 1m80. Ở dưới chân lớp rào ấy, cách mặt đất khoảng 0m50 có một cái thềm dùng để giúp đấu sĩ nào bị con bò o ép quá mạnh có thể nhảy ra ngoài bãi đấu. Lớp thứ hai, hơi cao hơn lớp thứ nhất mang những con số sơn rất to để chỉ các khu khán đài.
Giữa hai lớp rào có một hành lang rộng.
2. KHÁN ĐÀI phân ra mấy loại chỗ ngồi cho khán giả: loại chỗ ngồi không có mái che, loại chỗ ngồi có mái che và những lô bố trí ở trên những chỗ ngồi có mái che. Trong số các lô, đáng chú ý nhất là lô dành cho ông chủ tịch buổi đấu mà trách nhiệm và quyền hạn sẽ được giới thiệu ở một phần sau. Đứng về một phương diện khác, người ta chia các chỗ ngồi thành loại râm mát, loại bị nắng soi và loại lúc thì được râm mát, lúc thì bị nắng soi.
Ngoài ra, đấu trường còn có những bộ phận phụ sau đây:
1. KHU CHUỒNG BÒ có những chuồng bò và những sàn cho bò nghỉ ngơi.
2. KHU CHUỒNG NGỰA.
3. NHÀ MỔ THỊT các con bò mộng bị giết.
4. NHÀ MỔ THỊT các con ngựa bị giết.
5. TRẠM XÁ dành cho các đấu sĩ bị thương.
6. NHÀ NGUYỆN.
II
CÁC ĐẤU SĨ
Đội đấu là một nhóm ĐẤU SĨ chuyên nghiệp được thành lập để dự các trận đấu trước công chúng.
Mỗi đội đấu gồm có:
1. NGƯỜI ĐỘI TRƯỞNG gọi là MATAĐO hoặc EXPAĐA.
2. Một số đấu sĩ cưỡi ngựa gọi là PICAĐO.
3. Một số đấu sĩ đi bộ gọi là PÊÔNG.
4. Một người PUNTIDIÊRÔ.
Nhiệm vụ của từng loại đấu sĩ phân ra như sau:
1. MATAĐO - Trước khi thành matađo, đấu sĩ thường thường phải qua giai đoạn làm matađo dự khuyết.
Người matađo dự khuyết có thể thay người matađo chính thức khi người này, vì một lý do bất thần nào đó, không thể tiếp tục đấu. Nhưng muốn trở thành matađo chính thức, người matađo dự khuyết phải được đội trưởng của mình phong chức tại đấu trường Mađrit. Lễ tấn phong trước công chúng này cho phép người được phong quyền đấu ở bất kỳ đấu trường nào, thay phiên với bất kỳ matađo nào. Thay phiên đấu nghĩa là một số matađo thay phiên nhau để đấu với nhiều con bò trong cùng một buổi đấu.
Người matađo mặc bộ quần áo lụa thêu kim tuyến kèm thêm một cái áo choàng, đầu đội mũ chiến (MÔNTÊRA), tóc để một món đặc biệt gọi là CÔLÊTA.
Người đó dùng một miếng vải đỏ hình vuông - cái MULÊTA - làm vũ khí phòng ngự và một thanh kiếm - cái EXTOKÊ - làm vũ khí tấn công.
2. PICAĐO - Người picađo mặc áo ngắn, quần da màu vàng đội mũ rộng vành và đeo giáp chân. Vũ khí của anh là PICA hoặc GARÔCHA tức là một cây giáo bằng gỗ sơn, dài khoảng 3m00 và tận cùng bằng một mũ sắt nhỏ hình tam giác có một cái gì bằng dây thừng để cho mũi giáo không thể đâm sâu quá 3 cm vào thân con bò.
3. PÊÔNG - Người pêông mặc bộ quần áo giống người matađo, chỉ khác là quần áo của pêông thêu kim tuyến. Pêông chia ra hai loại: một là loại CAPÊAĐO dùng áo choàng (CAPA) để đấu với con bò, hai là loại BANĐÊRIDIÊRÔ cắm những thanh BANĐÊRI vào bướu cổ con bò. Trên thực tế, thường thường một người pêông lần lượt làm cả nhiệm vụ của capêađo lẫn nhiệm vụ của banđêridiêrô.
4. PUNTIDIÊRÔ - Người puntidiêrô dùng một cái PUNTIDIA tức là một mũi xiên dài khoảng 30 cm để kết liễu đời của con bò nào đã bị tử thương.
Ngoài ra ở đấu trường còn có những nhân viên cấp thấp là những lao công của bãi đấu, những người chăn ngựa, những người làm các công việc vặt, v.v..
III
BÒ MỘNG
Người ta nuôi BÒ MỘNG ở các trại chăn nuôi gọi là GANADÊRIA. Bò được thả rông, sống gần hoàn toàn hoang dại với sự trông nom của những anh chăn bò (VAKÊRÔ) đặt dưới quyền của một người tổ trưởng tổ chăn bò (MAYÔRAN). Chủ trại nào cũng cố giữ cho giống bò của mình không thoái hóa và cũng có huy hiệu riêng cho các con bò của mình. Trại bò của ĐÔNG ECUACDÔ MIURA là một trong những trại nổi tiếng nhất.
Bò được đem "thử" khi còn non ở ngay trong chuồng hoặc ở ngoài đồng cỏ. Trong trường hợp thứ hai này, cuộc thử gọi là DÊRIBÔ. Những con bò nào có đủ điều kiện sẽ được chăm sóc riêng để trở thành bò đấu, còn những con khác sẽ được nuôi để làm thịt.
Bò đấu rất mạnh và rất dữ, nhưng ngu ngốc nên người ta có thể dùng cái mulêta để đánh lừa. Muốn nhận xét một con bò có đẹp không, người ta xem sừng nó có đều không, lông nó có mịn không, chân nó có rắn không, v.v...
Khi cần vận chuyển bò đến một đấu trường xa, người ta cho bò đi xe lửa sau khi nhốt nó vào cũi. Nếu chỉ cần đưa nó đến một đấu trường gần, người ta dẫn nó đi khoảng ba ngày trước khi có cuộc đấu.
IV CUỘC ĐẤU
Có những cuộc đấu nhỏ gọi là CAPÊA hoặc NÔVIDIAĐA. Trong các cuộc đấu lớn, chính thức, bò đem đấu phải là bò khoảng năm, sáu tuổi và chưa đấu lần nào. Vì nếu nó ít tuổi hơn, nó sẽ chưa đủ sức, còn nếu nó đã có lần đấu rồi, nó sẽ xông vào người chứ không vào mulêta xòe ra để lừa nó.
Người thầu cuộc đấu thương lượng với đội trưởng đội đấu hoặc người ủy quyền của đội trưởng. Nếu một đội đấu có hai matađo, người matađo thứ nhất sẽ chỉ huy toàn đội và người matađo thứ hai phải vâng lệnh người ấy cũng như mọi đội viên.
Các cuộc đấu thường tổ chức vào buổi chiều, trong mỗi cuộc thường có sáu con bò lần lượt đem ra đấu. Các matađo rút thăm để quy định người nào thi đấu với những con nào. Người chủ tọa cuộc đấu thường là người đại diện của chính quyền địa phương, ông ta phải là người am hiểu sâu môn đấu bò vì ông có trách nhiệm áp dụng các luật lệ đấu bò, ra lệnh kết thúc từng giai đoạn của mỗi trận, v.v... Người ta đánh thanh la, thổi kèn để thông báo một giai đoạn mới sắp bắt đầu.
Sau khi các ANGOAXILÊ (cảnh binh) xua mọi người ra khỏi bãi đấu, cuộc đấu bắt đầu với sự diễu hành của các đấu sĩ. Các đội đấu xếp thành hàng đôi long trọng tiến vào bãi đấu. Đi đầu là các angoaxilê cưỡi ngựa, tiếp đến các matađo rồi lần lượt đến các pêông, các picađo cưỡi ngựa, người puntidiêrô và đi đoạn hậu là các lao công và nhân viên phụ của bãi đấu đem theo những cỗ xe la kéo để chuyển xác người, xác súc vật khỏi bãi đấu nếu có. Đoàn diễu hành đi xuyên qua bãi đấu đến trước lô của ông chủ tịch cuộc đấu để chào. Sau đó mỗi đấu sĩ sẽ về vị trí chiến đấu của mình, và con bò thứ nhất được thả vào bãi đấu.
Trong mỗi trận đấu, con bò thường thường trải qua ba trạng thái. Khi mới ở chuồng thả vào bãi đấu, nó ngẩng cao đầu, tấn công bạt mạng tất cả mọi thứ xuất hiện trước mắt nó, tiếp đó nó ngừng lại chỉ tấn công khi bị khiêu khích và tấn công một cách thận trọng, sau cùng nó nhọc, mệt trở thành nặng nề, tìm cách chống đỡ nhiều hơn là tấn công, hoạt động ít. Cũng có khi nó vẫn "NGUYÊN VẸN" cho đến phút cuối cùng, hoặc trái lại nó "RÃ RỜI" khi tới giai đoạn quyết định của trận đấu.
Trong quá trình đấu, đấu sĩ và bò mộng đều có ĐỊA PHẬN của mình. So với địa điểm mà người và vật gặp nhau, địa phận của đấu sĩ là diện tích chạy từ địa điểm đó về phía sau lưng đấu sĩ đủ thoáng rộng để anh ta có thể rút lui không vướng víu về phía hàng rào. Còn địa phận của con bò là diện tích chạy từ địa điểm nói trên sang bốn xung quanh con vật khiến nó có thể hoạt động tự do lúc tấn công cũng như lúc bỏ chạy. Con bò hay trở đi trở lại một nơi được nó thích, và khi nó đứng đó thì đấu với nó nguy hiểm hơn, vì thế đấu sĩ cố làm cho nó không rút về vị trí ấy.
Khi một đồng nghiệp lâm nguy, đấu sĩ có thể che cho bạn để cứu bạn. Thường thường đấu sĩ dùng áo choàng để làm việc này. Nhưng anh cũng có thể dùng mọi cách khác, kể cả cách kéo đuôi con bò.
Mỗi trận đấu gồm có ba giai đoạn:
1. Trong giai đoạn đầu, khi con bò vào tới bãi đấu, các pêông làm các động tác bằng áo choàng trước mắt nó. Các động tác này có nhiều kiểu, phổ biến nhất là kiểu VÊRÔNICA và kiểu NAVARA.
Trong kiểu vêrônica, đấu sĩ cũng đứng trước con bò, hai bàn chân thẳng hàng với hai chân trước của con vật, căng áo choàng ra. Khi con bò xông vào húc, anh ta khiến nó tạt ngang sang một bên bằng cách múa áo choàng về phía bên đó.
Trong kiểu navara, đấu sĩ cũng đứng ở tư thế như trên, căng áo choàng gần sát mặt đất. Khi con vật xông vào húc, anh ta nâng nhanh áo lên phía trên đầu nó.
Tiếp đó, các picađo ngồi trên lưng con ngựa đã được anh chọn, dùng pica đâm con bò ba bốn nhát. Đâm như thế là "TRỪNG PHẠT". Nhiều khi con bò xông vào húc thủng bụng ngựa; nhưng anh picađo không cần thiết để ngựa chết như vậy, mà nhiệm vụ thực sự của anh là bảo vệ ngựa bằng cách mở đường cho con bò thoát sang bên phải hoặc bên trái. Muốn thế, anh phải nhanh và con ngựa của anh phải là ngựa nòi khỏe mạnh.
2. Trong giai đoạn giữa, người banđêridiêrô cắm những thanh banđêri vào bướu cổ của con bò. Trong cách cắm xuất sắc nhất, anh không động đậy hai bàn chân, chỉ nghiêng hông để né tránh con vật. Gặp con bò nào nhút nhát quá, chỉ chạy trốn chứ không chịu đấu, người ta cắm banđêri lửa vào bướu cổ của nó để kích cho nó hăng lên.
3. Trong giai đoạn cuối cùng gọi là giai đoạn HẠ SÁT, người matađo tay cầm những dụng cụ hạ sát - mảnh vải đỏ (MULÊTA) và thanh kiếm (ÊXTÔKÊ) - làm thủ tục tuyên ngôn (BRINDIX) trước mặt ông chủ tịch cuộc đấu rồi tiến về phía con bò mà các pêông đã dẫn đến địa điểm mà anh đã chọn trên bãi đấu. Bằng nhiều động tác mulêta, người matađo khiến con bò cúi đầu xuống, xông vào hoặc đứng im. Khi đó, anh ta lấy tư thế rồi đâm kiếm vào u vai của nó. Có hai cách đâm. Trong cách thứ nhất, con bò xông vào còn người matađo thì xuống tấn, đứng im một chỗ, thanh kiếm đặt ngang tầm mắt để nhằm cho trúng đích. Trong cách thứ hai, đỡ nguy hiểm hơn, người matađo xông vào con bò lúc nó đang đứng im, đầu nó cúi xuống, khiến thanh kiếm dễ thọc đúng chỗ hơn. Nhát kiếm chính xác là nhát kiếm đâm vào giao điểm của đường vai và xương sống. Thanh kiếm có thể ngập sâu đến chuôi, hoặc ngập vừa. Nhưng nếu nó vấp phải một cái xương thì nó ăn vào rất nông. Nếu đâm không chính xác, vào những điểm thấp quá, thì người matađo bị khán giả la ó. Sau khi bị đâm nặng như vậy mà con bò hãy còn đứng được thì người matađo làm ĐÊCABENLÔ nghĩa là thúc một nhát kiếm vào điểm nối sọ với tuỷ sống của nó, sau hai tai, để cho nó chết ngay. Trong trường hợp con bò gục ngã sau khi bị đâm, người puntidiêrô dùng puntidia thúc vào điểm trên đây để kết liễu tính mệnh nó.
Nếu mãi người matađo không hạ sát được con bò vì anh đâm trượt hoài, ông chủ tịch cuộc đấu sẽ ra lệnh cảnh cáo anh. Trái lại, nếu anh hạ sát bò một cách rất xuất sắc, khán giả có thể đề nghị thưởng tai bò cho anh. Anh sẽ nhận ngay được một mảnh tai của con vật mà anh vừa giết, chưa kể một món tiền thưởng.
Những tai nạn hay xảy ra nhất cho các đấu sĩ là ngã ngựa, bị mắc người vào giữa cặp sừng, bị sừng húc trúng, bị con bò va mạnh.
Sau khi con bò chết, lập tức người ta cho mấy con la vào bãi đấu để kéo xác bò, xác ngựa chết ra ngoài. Các người lao công cào lại bãi đấu cho phẳng phiu, trải cát lên các vũng máu, rồi kèn trống lại nổi lên để báo hiệu một trận đấu mới bắt đầu ngay lập tức.
V LỊCH SỬ MÔN ĐẤU BÒ
Ngay từ thế kỷ thứ XI, người anh hùng dân tộc thường gọi là Xit Cămpêađôrô đã dùng giáo để giết bò mộng. Giới quý tộc bắt đầu thích hội đấu ấy và đến thế kỷ thứ XV, dưới triều vua Môrơ cuối cùng của xứ Grơnađơ, đấu bò trở thành một trò chơi được đặc biệt quý trọng.
Sang thế kỷ thứ XVIII, vua Philip V rất ghét đấu bò thành ra giới quý tộc cũng không ham trò ấy nữa. Nhưng quần chúng vẫn thích, do đó trò đấu bò được dân chủ hóa và chẳng bao lâu xuất hiện những đấu sĩ chuyên nghiệp hành nghề để kiếm tiền.
Năm 1830, vua Fernăngđơ VII ra lệnh mở một trường dạy môn đấu bò.
Nghệ thuật đấu bò có hai trường phái. Một phái ở Rôngđa đòi hỏi đấu sĩ tuân thủ nghiêm ngặt các qui tắc của môn này. Một phái ở Xêvilơ, linh hoạt hơn, cho phép đấu sĩ làm những động tác ngông do bản thân sáng tạo.
Sau đây là tên tuổi của một số matađo lừng danh của thế kỷ thứ XVIII và thế kỷ thứ XIX ở Tây Ban Nha.
Vào khoảng năm 1726, Frăngxixcô Rômêrô, người xứ Rôngđa sáng tạo nghệ thuật đấu bò hiện đại - Pêđrô Rômêrô, cháu gọi Frăngxixcô bằng ông nội, nâng phong cách của phái Rôngđa đến mức hoàn mỹ - Hôxê Dengađô, người sáng lập trường phái Xêvilơ, bị chết tại đấu trường Mađrit trong tháng 5 năm 1801 - Angtôniô Ruix - Huan Lêông - Frăngxixcô Montêx - Hêrônimô Hôxê Canđiđô - Raphaen Môlina - Fraxcuêlô. Năm 1880, Fernăngđô Gômê nổi tiếng - Năm 1884 là năm xuất sắc nhất của Luix Mazantini. Năm 1885 đến lượt Manuen Gacxia, năm 1887 là năm nổi bật của Raphaen Ghêra và năm 1891 là năm của Angtôniô Hêmênê, ông này về sau bị tử thương ở đấu trường Bayon năm 1899.

Xem Tiếp: ----