TÔ CHƯƠNG dịch
Chương 3

Khi chồng bà Aoguxtiax tên là Huan Gađacđô, thợ đóng giày dép có tiếng ở khu phố Fêria trong thành phố Xêvilơ và có cửa hàng nhỏ đặt dưới một cái cổng xe, mất đi, bà khóc ông một cách đau khổ, phù hợp với cảnh ngộ của bà; nhưng trong thâm tâm bà cũng cảm thấy ngấm ngầm hài lòng như khi người ta cất được gánh nặng và nghỉ ngơi sau một cuộc đi bộ dài.
- Tội nghiệp anh ấy quá! Lạy Chúa tôi, xin Chúa ban phúc lành cho vong hồn anh ấy! Lúc sinh thời, anh ấy thật là tốt, thật là chăm chỉ!
Trong suốt hai mươi năm chung sống, người chồng ấy không đem đến cho bà những sự phiền muộn nào khác những sự phiền muộn mà không một người phụ nữ nào trong khu phố tránh thoát. Trong số ba đồng bạc mà ông làm ra trung bình mỗi ngày, ông trao một đồng cho bà để bà chi tiêu vào việc nội trợ và nuôi nấng con cái, còn hai đồng kia thì ông giữ lại để chi vào những thú vui nho nhỏ và những việc giao thiệp của ông. Dĩ nhiên, ông phải đáp lại những cái "lịch thiệp" của bạn hữu mời ông đi uống rượu. Vả lại rượu vang xứ Ăngđaluđi, vì lẽ nó là một niềm vinh quang của Đức Chúa Trời, nên không phải rẻ. Ông còn phải đi xem các cuộc đấu bò mộng, vì người đàn ông nào không biết uống rượu, không đi xem đấu bò thì sinh ra đời làm gì?
Bà Aoguxtiax phải nuôi hai con nhỏ, con bé Anhcacnaxiông và thằng bé Huan, nên phải thi thố tài năng để có tiền cho gia đình chi dùng. Bà làm vú già cho mấy nhà khá giả nhất trong khu phố, khâu vá cho hàng xóm, chạy hàng xách quần áo và nữ trang cho một người bán đồ cũ quen bà, quấn thuốc lá tay cho mấy ông sang trọng, cái đó lại nhắc bà nhớ tới nghề nghiệp của bà lúc còn trẻ, khi ông Huan, người chồng chưa cưới nồng nhiệt và khéo tán của bà, hàng ngày đến chờ bà ra về ở cổng xí nghiệp thuốc lá.
Không bao giờ bà phải phàn nàn ông chồng về chuyện phản bội hoặc đối xử tệ. Những tối thứ bảy, đến tận khuya ông thợ giầy mới về nhà, say mềm và phải có bạn hữu đi theo đỡ thì sự vui vẻ và âu yếm cũng theo ông về với gia đình. Bà Aoguxtiax phải thụi phát mãi mới đưa được ông vào trong nhà, vì ông cứ khăng khăng đứng trước cửa, vỗ tay và cất giọng lè nhè hát chầm chậm một bài tình ca để tặng bà vợ to béo. Và khi ông đã vào nhà và cánh cửa đã đóng lại làm hàng xóm không được xem trò vui ấy nữa, ông Huan đang lúc tình cảm bốc lên, cứ ngắm nghía mãi mấy đứa con đang nằm ngủ, hôn hít chúng nó, nhỏ nước mắt lã chã lên người chúng nó, rồi lại tiếp tục hát bài tình ca tặng bà Aoguxtiax "Hoan hô người phụ nữ đẹp nhất thế gian", còn bà thì thay quần áo cho ông, săn sóc ông như săn sóc một đứa trẻ ốm, cuối cùng bà cũng phải hết tức bực và bật cười.
Đó là cái tật xấu duy nhất của ông chồng đã quá cố. Con người thật tốt! Không bao giờ trai gái cờ bạc. Thói ích kỷ làm cho ông ăn mặc lành lặn trong khi vợ con rách rưới như tổ đỉa và cách chia không đều số tiền ông kiếm ra, những cái đó đã được ông đền bù lại bằng nhiều sáng kiến hào hiệp. Bà Aoguxtiax thường nhớ lại một cách hãnh diện những ngày hội hè, ông bảo bà choàng lên đầu tấm khăn Manila, tấm khăn cưới hồi xưa, còn ông thì đầu đội chiếc mũ dạ Coocđu màu nhạt, tay cầm cái can có núm bạc, đẩy mấy đứa con đi trước và đưa bà làm một vòng trên con đường dạo mát Đêlixia, y như một gia đình phú thương ở phố Rắn(1).
Than ôi! Những ngày sung sướng ấy chỉ còn để lại một kỷ niệm mờ nhạt và êm ái cho người đàn bà tội nghiệp. Ông Huan mắc bệnh lao, và trong mấy năm trời, bà vợ của ông phải chi tiêu rất tốn kém để chạy chữa cho ông, hàng ngày phải tìm thêm nhiều mưu mẹo thần tình để bù vào những đồng bạc mà ông chồng ốm không thể đem lại cho bà nữa. Cuối cùng ông mất ở bệnh viện, cam chịu số phận, yên chí rằng cuộc đời chẳng có giá trị gì nếu thiếu rượu măngđanila và thiếu đấu bò. Ông đưa con mắt âu yếm và biết ơn nhìn bà vợ lần cuối cùng như muốn nói với bà bằng con mắt đỏ: "Hoan hô người phụ nữ đẹp nhất thế gian!".
Cảnh góa bụa không làm cho bà Aoguxtiax khó khăn hơn trước. Trái lại, thoát khỏi người đàn ông trong hai năm qua là một gánh nặng cho bà, nặng hơn tất cả số người còn lại trong gia đình, bà cảm thấy thoải mái hơn. Là một người đàn bà có nghị lực và biết quyết định nhanh chóng, bà ấn định ngay lập tức nghề nghiệp cho con gái và con trai. Anhcacnaxiông đã mười bảy tuổi, sẽ vào xí nghiệp thuốc lá nhờ sự giúp đỡ của mấy bà bạn hồi trẻ của bà nay đã thành nữ giám thị. Còn Huan từ lúc bé tí đã suốt ngày ở dưới cái cổng xe để xem bố làm việc, sẽ thành thợ giày, theo ý muốn của bà mẹ. Thế là chú bé bị rút ra khỏi cái trường học khi chú mới mười hai tuổi, sau một thời gian học đọc học viết lỗ mỗ; chú vào học việc ở xưởng của một ông thợ giầy giỏi nhất Xêvilơ.
Từ đó bắt đầu cảnh đau khổ của bà mẹ tội nghiệp. "Trời ơi! Thằng bé con nhà tử tế mà như vậy!...". Hầu như bất kể ngày nào, đáng lẽ đến xưởng giầy thì chú bé lại đến lò sát sinh cùng một bầy trẻ hư; các chú dùng một chiếc ghế dài trên con đường dạo mát Alamêđa Đê Ecculêx làm chỗ hẹn và dám tập múa áo choàng cạnh mấy con bò chẳng sợ ngã và bò dẫm lên người thường xuyên, làm cho bọn người chăn bò và làm việc ở lò sát sinh rất thích. Bà Aoguxtiax thường thường may vá suốt đêm để cho con đến xưởng giầy ăn mặc lành lặn sạch sẽ, thấy con đứng trước cửa nhà không dám vào nhưng không dám trốn vì bị đói, quần rách như bươm bướm, áo vấy đầy bùn, mặt mũi sưng vù và xây xát.
Ngoài những vết thương do con bò tai ác gây ra, chú bé Huan còn bị mẹ giáng cho nhiều cái tát và cán chổi. Nhưng người anh hùng của lò sát sinh chịu đựng tất, miễn là có cái ăn. "Mẹ cứ đánh, nhưng xin mẹ cho con ăn!". Càng đói bụng sau khi tập luyện dữ dội, chú ăn nghiến ngấu bánh mì cứng, đậu hư, cá thối, nghĩa là tất cả mọi thức ăn thải ra mà bà mẹ nghèo đã kiếm được trong các cửa hàng thực phẩm để nuôi con cho đỡ tốn kém.
Suốt ngày bận đánh bóng sàn nhà người khác, chỉ thỉnh thoảng vào buổi tối bà mới có thời giờ chạy đến nhà ông chủ của con mình để hỏi xem thằng bé có tiến bộ không. Nhưng khi bà từ xưởng đóng giầy quay về nhà, bà giận sôi lên và định bụng dùng những hình phạt ghê gớm nhất. Hầu như chẳng bao giờ chú bé mất dạy ấy đặt chân đến xưởng giầy. Suốt sáng chú ở lò sát sinh còn buổi chiều cùng nhiều đứa trẻ du đãng khác cùng loại chú, chú làm vướng lối đi vào phố Rắn và lởn vởn với vẻ thán phục quanh mấy tay đấu bò thất nghiệp tụ tập cở Cămpana. Bọn này mặc áo sacơtia(2) bó sát người, đội mũ mới cứng nhưng không có một xu dính túi, và tay nào cũng khoe những thành tích của mình. Huan ngắm nghía họ như những con người cao siêu, thèm muốn bộ mặt dễ coi và phong cách thoải mái lịch sự của họ khi tán phụ nữ. Tưởng rằng mỗi người trong bọn họ đều có ở nhà một bộ quần áo thêu chỉ vàng và diện nó để diễu hành trước công chúng trong tiếng nhạc, Gađacđô cảm thấy kính nể họ đến run người.
Chú bé con bà Aoguxtiax đã được lũ bạn rách rưới đặt tên là "Dapatêrinh"(3). Chú rất thích có biệt danh, vì hầu như là tất cả các vĩ nhân của môn đấu bò đều có biệt danh cả. Rất cần bắt đầu bằng một cái gì chứ! Chú bé khoác vào cổ tấm khăn quàng đỏ mà chú đã xoáy của chị chú, và dưới cái mũ cát két chú để tóc xõa xuống tai thành những mớ to mà chú vuốt mượt bằng nước bọt. Chú muốn cái áo bằng vải chéo go của chú không dài xuống quá thắt lưng và có nhiều nếp. Về phần cái quần, vốn của bố chú để lại và được bà Aoguxtiax vá víu, chú yêu cầu nó phải lên thật cao, ống phải rộng, đít phải bó và chú uất ức đến phát khóc khi mẹ chú không chịu làm theo yêu cầu đó.
Còn cái áo choàng nữa! Làm sao có một cái áo choàng chiến đấu, khỏi phải van nài những thằng bạn tốt số hơn để mượn cái áo mơ ước ấy trong vài phút! Ở nhà chú còn một cái nệm trải giường cũ không còn ruột bị bỏ quên trong một phòng nhỏ. Một hôm túng bấn, bà Aoguxtiax đã đem bán cái ruột len của nó. Dapatêrinh lợi dụng ngày mẹ đến làm thuê ở nhà ông Rinh sĩ(4) đã ở lại nhà một buổi sáng. Mưu mẹo như một người đắm tàu không còn ai giúp đỡ trên cái đảo hoang vắng, phải dựa vào sáng kiến của bản thân, tự mình làm ra mọi thứ cần thiết, chú dùng mảnh vải ẩm ướt và xơ xác ấy để cắt may một cái áo choàng chiến đấu. Rồi chú nấu một nắm anilin đỏ mua ở hiệu thuốc và nhúng cái áo vải cũ ấy vào trong nồi phẩm. Sau đó chú ngắm nghía công trình của mình: một cái áo choàng đỏ rực hết chỗ nói, có thể làm cho lắm anh ghen tức trong những cuộc múa áo choàng ở nông thôn. Bây giờ chỉ còn có việc phơi khô cái áo lộng lẫy đó và chú bé Huan đem trải nó ra nắng, giữa đống quần áo trắng của bà hàng xóm. Nhưng gió đu đưa cái áo sũng nước ấy và làm cho nó dây phẩm vào đống quần áo trắng. Thế là không biết bao nhiêu người chửi rủa đe dọa, giơ quả đấm lên làm cho Dapatêrinh phải cất ngay chiếc áo oai vệ kia đi rồi chạy trốn, mặt mũi chân tay đỏ lòm y như chú vừa mới phạm tội giết người.
Bà Aoguxtiax - một phụ nữ kiên quyết, và có ria mép, không biết sợ hãi đàn ông và làm cho đàn bà phải kính nể vì bà đã quyết tâm làm cái gì thì không ai lay chuyển nổi - đành phải nhu nhược và thất vọng trước thằng con mình. Làm thế nào được? Bà đã đánh đấm khắp người đứa con hư ấy, bà đã làm gẫy không biết bao nhiêu cán chổi, mà chẳng được tích sự gì. "Thằng mất dạy ấy, bà nói, da rắn hơn da trâu". Vốn quen bị bò bê húc và dẫm lên người một cách kinh khủng, và bị bọn chăn bò, đầy tớ ở lò sát sinh đánh đập không thương tiếc đồ mạt hạng trong giới đấu bò ấy, chú coi những cái tát của mẹ như một điều tự nhiên, như sự tiếp diễn trong gia đình cuộc sống của chú ngoài xã hội. Chú đã nhận những trận đòn của mẹ không mảy may có ý định tu tỉnh, coi nó như cái khoản chú phải trả để được nuôi ăn. Mặc dầu bị những lời chửi rủa và những cái bốp giáng xuống như mưa vào đầu vào cổ, chú nghĩ đến mẩu bánh mì cứng với tất cả niềm khoái lạc của một kẻ chết đói.
Vừa ăn no xong, chú lợi dụng ngay việc bà Aoguxtiax vội đi làm bắt buộc để cho chú được tự do và chú trốn ngay khỏi nhà.
Ở Cămpana, quảng trường tôn kính của môn đấu bò, người ta kháo nhau đủ mọi tin tức thú vị đối với giới hâm mộ môn ấy; tại đấy, lũ bạn của Huan báo cho chú biết một cái tin làm cho chú hào hứng đến hồi hộp:
- Này, Dapatêrinh, mai có cuộc đấu đấy!
Các thôn xã trong tỉnh tổ chức trong ngày hội Thánh bảo trợ những cuộc đấu áo choàng với những con bò mộng đã quen đấu, và bọn đấu sĩ oắt con kéo đến đó với hy vọng lúc trở về có thể kể những ngón hay mà các chú đã chơi trên các đấu trường oanh liệt ở Anancôla, Bunlulốt và Mairơnan. Các chú lên đường vào buổi tối, áo choàng khoác trên vai nếu là mùa hè hoặc mặc vào người nếu là mùa đông, dạ dày lép kẹp, miệng liến láu nói chuyện bò mộng. Nếu cuộc hành trình kéo dài tới mấy ngày, tối đến các chú ngủ ở ngoài trời hoặc trong kho chứa cỏ của những ông chủ trại từ thiện. Vào mùa hoa quả, thật không may cho những chùm nho, vườn dưa, vườn vả bị các chú gặp ở dọc đường.
Mối lo ngại duy nhất của các chú là bị một nhóm khác, một đội đấu khác cũng có ý nghĩ như các chú, bất thình lình đến cạnh tranh cùng một làng.
Khi các chú đến nơi, mặt mày đầy cát bụi, cổ họng khô khốc, người mệt nhoài, chân đi cà nhắc sau một cuộc đi bộ xa, các chú tới ủy ban xã trình diện. Đứa táo bạo nhất trong bọn đóng vai đội trưởng, khoe với ông xã trưởng tài ba của đội mình, và tỏ ý rằng đội sẽ mãn nguyện nếu xã rộng lòng cho ngủ trong chuồng ngựa của quán cơm và thết một bữa ăn xoàng mà chỉ vài phút sau các chú đã ngốn sạch.
Trong quảng trường của xã vây kín bằng những chiếc xe bò chở hàng và bục ván, người ta đem thả mấy con bò mộng già nua, trông như những pháo đài thịt, da sần sùi sứt sẹo, sừng mẻ và to tướng. Đó là những con bò đã đem đấu nhiều năm qua trong mọi cuộc hội hè của tỉnh, những con vật đáng kính lọc lõi, biết mọi mưu mẹo ma quái của nghề đấu bò. Đứng ở một nơi an toàn, bọn trai làng chọc phá các con bò ấy, và người xem không thích chúng bằng thích những chú bé đấu sĩ từ Xêvilơ tới. Các chú vung áo choàng, chân run lẩy bẩy vì sợ hãi. Nhưng con ma đói làm cho các chú thành can đảm. Mỗi khi các chú ngã, người xem lại ồ lên, vui thích. Khi một chú đột nhiên hốt hoảng, chạy trốn sau hàng rào, những người dân quê độc ác chửi mắng tới tấp; họ ghè vào bàn tay của kẻ chạy trốn đang bám chặt lấy thành gỗ hàng rào, họ nện gậy lên đùi chú để bắt chú phải nhẩy trở vào bãi đấu.
- Ê, ê, thằng nhát! Quay mặt vào con bò cơ, thằng khoác lác ạ!
Đôi khi, bốn thằng bạn phải khênh ra khỏi đấu trường một đấu sĩ mặt xanh như tàu lá, mắt đờ đẫn, đầu thõng thẹo, ngực thở phì phò như thổi bễ. Ông thú y chạy lại không thấy máu, ông bèn nói cho mọi người yên tâm. Cậu chàng chỉ bị chấn thương vì bị ném ra xa vài thước rồi rơi huỵch xuống đất như một mớ quần áo bẩn, lại có lúc một đấu sĩ oắt con phát hoảng lên vì bị con vật to tướng dẫm lên người. Khán giả đổ một xô nước lên đầu chú rồi cho chú uống một cốc vại rượu mạnh Cadala khi đã hồi tỉnh. Đối với chú, được săn sóc như thế thật sướng hơn ông hoàng. Sau đó, đấu sĩ lại bước vào bãi đấu.
Khi người chăn bò không còn con bò nào khác để thả vào bãi đấu nữa mà trời thì sắp tối, hai thành viên của đội đấu lấy chiếc áo choàng tươm nhất đội, mỗi chú túm một góc áo, rồi đi từ bục này sang bục khác để xin tiền thưởng. Những đồng xu ném xuống mảnh vải đỏ, nhiều ít tùy theo mức thích thú mà các đấu sĩ đem lại cho dân sở tại. Rồi các đấu sĩ lập tức lên đường đi Xêvilơ vì biết rằng nếu vào quán thì sẽ hết xoẳn tiền. Dọc đường, nhiều khi các chú đánh nhau trong lúc chia những đồng xu bọc trong một cái khăn tay.
Trong những ngày còn lại của tuần lễ, các chú kể thành tích cho những thằng bạn không tham gia cuộc ra quân, làm cho những thằng này phải trố mắt. Những vị anh hùng trẻ tuổi ba hoa về ngón vêrônica(5) của Garôbê, về ngón navara(6) của Lôma mà mình đã chơi, về tai nạn khủng khiếp bỉ ổi Pêđrôxô, không quên học mót các kiểu cách và tư thế của những đấu sĩ thực thụ, đứng cách đó vài bước đang tuôn ra đủ mọi thứ khuếch khoác dối trá để tự an ủi tình trạng thất nghiệp của mình.
Có một lần bà Aoguxtiax bặt tin về Huan trong hơn một tuần lễ. Cuối cùng có người báo lờ mờ cho bà biết rằng Huan bị thương trong một cuộc đấu áo choàng ở xã Tôxina. "Lạy Chúa tôi! Bà kêu lên. Không biết cái xã ấy ở tận đâu? Tôi làm thế nào mà đi đến đó được?". Bà coi con trai của bà như đã chết, bà khóc nó, chuẩn bị đi và lúc bà sắp lên đường thì Huan lại xuất hiện, người xanh nhợt nhạt, gầy yếu nhưng thuật lại tai nạn của mình một cách vui thú hiên ngang. "Có gì đâu! Như kim tiêm vào đít thôi mà, thủng sâu có vài xăng-ti-mét!". Rồi trâng tráo như nhiều kẻ chiến thắng, chú vạch vết thương cho mọi người hàng xóm xem, quả quyết rằng họ có thể thọc ngón tay vào mà không chạm tới đáy. Chú hãnh diện về mùi thối của thuốc vàng xông ra khắp nơi chú đi qua và chú rất khoái về cách săn sóc ân cần ở cái xã mà chú cho tốt nhất nước Tây Ban Nha. Ở xã đó những người giàu nhất, tức là những nhà quí tộc như chúng ta nói, đã quan tâm đến số phận của chú. Ông xã trưởng đến thăm chú và trả tiền xe về nhà cho chú. Trong túi Huan còn cả ba đồng bạc mà chú biếu mẹ một cách hào phóng như những người cao cả. Vinh quang như thế vào lúc có mười bốn tuổi! Chú càng vui thích khi ở Cămpana vài đấu sĩ thực thụ hạ cố để ý đến chú và hỏi thăm vết thương của chú đã khỏi chưa.
Sau tai nạn này, Huan không đặt chân đến xưởng đóng giầy nữa. Bây giờ chú đã biết con bò mộng ra sao rồi. Vết thương của chú có tác dụng làm cho chú thêm can đảm. Phải thành một đấu sĩ, không thể khác được! Bà Aoguxtiax thôi không trừng phạt chú nữa, vì bà thấy có làm thế cũng vô ích. Bà coi như đứa con trai của bà không tồn tại nữa. Khi chú về nhà buổi tối, mẹ và chị đang ăn, hai người lấy thức ăn cho chú ăn, không nói với chú một lời, toan làm nhục chú bằng thái độ khinh bỉ. Nhưng cái đó không hề ảnh hưởng đến việc chú nhai bánh. Khi chú về nhà quá chậm, mẹ và chị không để phần cho chú một mẩu bánh nào nữa, chú đành lại ra đi đói vẫn hoàn đói.
Cùng với nhiều đứa trẻ hư hỏng khác có con mắt bất lương họp thành một bầy phạm nhân tập sự và đấu sĩ tương lai, chú là một trong những người đêm đêm đi dạo trên con đường Alamêđa Đê Ecculêx. Các bà hàng xóm có khi gặp chú đang nói chuyện ở ngoài phố với mấy ông sang trọng bé nhỏ làm các bà buồn cười khi trông thấy hoặc với vài vị đạo mạo mà miệng lưỡi thế gian đặt cho những tên đùa của con gái. Có những mùa chú đi bán báo; trong các hội lớn của tuần lễ Thánh, chú bán kẹo cho mấy bà sang trọng ngồi ở quảng trường Xăng Frăngxixcô; trong những dịp hội chợ, chú lượn quanh các khách sạn để tìm "người Anh" - đối với chú mọi người ngoại quốc đều là người Anh cả - với hy vọng làm người dẫn đường cho họ.
- Milo(7) ơi Milo! Tôi là đấu sĩ bò mộng! Chú nói ngay khi thoáng thấy một người ngoại quốc, dường như nghề nghiệp đó là một sự giới thiệu chắc chắn trước mắt những người nước ngoài. Và để chứng minh lời nói của mình, chú bỏ mũ cát két ra, hất về phía sau đầu cái nạm tóc côlêta dài một gang tay mọc dựng đứng ở đỉnh đầu.
Chú có một thằng bạn nghèo tên là Siripa, cùng tuổi với chú, người nhỏ bé, mắt láu lỉnh, không cha không mẹ, lang thang ở Xêvilơ từ khi mới bắt đầu hiểu biết và rất có uy tín đối với Huan về mặt kinh nghiệm. Một bên má của Siripa bị bò húc rách thành sẹo và Dapatêrinh coi cái sẹo đó đáng tôn kính hơn vết thương bị che khuất của mình nhiều.
Ở ngoài cửa một khách sạn, lúc một nữ du khách thích màu sắc địa phương nói chuyện với mấy đấu sĩ tí hon, ngắm nghía mớ tóc côlêta của các chú, khoái chí nghe các chú kể chuyện về vết thương của mình và cuối cùng cho các chú ít tiền thì Siripa nói với bà ta với giọng tình cảm:
- Xin bà đừng cho nó vì nó còn mẹ. Trái lại tôi đây chỉ có một mình ở trên đời. Chao ôi! Khi người ta có một người mẹ, người ta có biết hạnh phúc của người ta đâu!...
- Thật thế đấy!... Thật thế đấy!... Huan rền rĩ. Phút mủi lòng đó không ngăn cản Huan tiếp tục cuộc đời hư hỏng, chỉ họa hoằn nó mới ở nhà và thường làm những cuộc hành trình xa Xêvilơ.
Siripa rất tài sống bằng những phương kế tạm thời. Những ngày có đấu bò, chú quyết tâm chuồn vào bãi với thằng bạn chú, và để đạt nguyện vọng đó chú tìm ra nhiều mưu mẹo: trèo tường, len vào giữa đám đông, van lạy nhân viên đấu trường. Chứ chẳng lẽ những người trong nghề như bọn chú mà lại không dự những hội đấu bò hay sao!
Khi không có dịp múa áo choàng ở các làng trong tỉnh, các chú đi múa chiếc áo rách của mình với những con bê ở đồng cỏ Tablađa.
Tuy vậy, tất cả những cái hấp dẫn của cuộc sống ở Xêvilơ không đủ thỏa mãn tham vọng của hai chú. Đã đi nhiều nơi, Siripa kể cho bạn nghe những thú vui mà chú đã chứng kiến ở các tỉnh xa. Không có ai tài hơn chú để đi xa mà không mất tiền bằng cách lủi vào trong các chuyến xe lửa. Dapatêrinh rất khoái chí nghe bạn tả cảnh Mađrit, cái thành phố đầu tiên có một đấu trường có thể nói là thánh đường của môn đấu bò.
Để đùa bỡn hai chú, một thanh niên giàu có, một hôm, ở ngoài cửa một hàng cà phê trong phố Rắn, nói rằng hai chú sẽ kiếm được nhiều tiền ở Binbao, vì ở đó số đấu sĩ không lúc nhúc như ở Xêvilơ. Hai chú bèn quyết định đến đó, túi rỗng không, chẳng có hành lý gì ngoài những chiếc áo choàng, những chiếc áo thật sự trước đây của những đấu sĩ chính thức nhưng đã rách nát mà hai chú mua có mấy hào bạc ở một cửa hàng quần áo cũ.
Hai chú thận trọng len vào một toa tàu rồi nấp dưới ghế dài. Nhưng cái đói và một số nhu cầu khác bắt buộc hai chú phải lộ diện với hành khách. Cuối cùng họ thương hại hai chú, cười thú vị về bộ mặt kỳ cục, nạm tóc côlêta và cái áo choàng của hai chú, rồi làm phúc cho hai chú các thức ăn thừa. Khi đến một ga, hai chú bị nhân viên đường sắt đuổi bắt, hai chú chạy từ toa này sang toa khác, cố leo lên nóc toa, thu hình nấp ở đấy để chờ tàu lại chạy. Nhiều khi bị tóm, hai chú bị béo tai, tát, đá đít vô hồi kỳ trận. Hai chú phải nằm lại trên một sân ga hẻo lánh trong khi con tàu xa rời như một niềm hy vọng tiêu tan. Thế là hai chú chờ một chuyến tàu khách, ngủ đêm ở giữa trời. Nếu thấy mình bị theo dõi gắt quá, hai chú băng đồng lần đến ga sau, hy vọng ở đó sẽ gặp may hơn.
Sau một chuyến đi dài ngày bị ngắt quãng bằng nhiều đợt dừng chân lâu và nhiều cái đá đít, hai chú đến Mađrit. Tại phố Xêvilơ và quảng trường Puecta Đen Xôn, hai chú ngắm nghía những nhóm đấu sĩ thất nghiệp. Hai chú xin tiền những nhân vật thượng đẳng đó để tiếp tục cuộc hành trình, nhưng vô hiệu. Một người lao công của một đấu trường, gốc ở Ăngđaludi thương hại hai chú cho phép hai chú ngủ trong chuồng ngựa và còn cho hai chú xem một cuộc đấu bò non trong đấu trường nổi tiếng ấy. Tuy nhiên hai chú thấy đấu trường này không nguy nga bằng đấu trường ở xứ mình.
Liều lĩnh mấy rồi cũng sợ và thấy cái đích của cuộc hành trình ngày một lùi xa, hai chú bèn trở về Xêvilơ bằng phương tiện đã dùng trong lúc đi. Nhưng bây giờ hai chú đâm nghiện những cuộc hành trình lậu vé xe lửa. Từ đó, hễ nghe nói có hội đấu bò cổ truyền ở một thị trấn xa xôi nào trong xứ Ăngđaluđi là hai chú lại lên đường và cứ như vậy hai chú đi đến tận vùng Mansơ và vùng Extơramađua. Và nếu chẳng may phải cuốc bộ thì hai chú xin vào trú ở các nhà nông dân là những người cả tin và hiếu khách, họ ngạc nhiên trước cái tuổi non nớt, lòng dũng cảm và những lời thiên hô bát sát của hai chú, họ tưởng hai chú là đấu sĩ thật.
Cuộc sống lang thang đó dẫn hai chú đến chỗ phải dùng những mưu mẹo của người nguyên thủy để thỏa mãn những nhu cầu của mình. Khi tới gần các trại, hai chú bò để ăn trộm rau quả mà không bị lộ. Hai chú phục hàng giờ liền, rình một con gà dại dột đi ăn lẻ, bẻ gẫy cổ nó, rồi lại lên đường, và đến chặng nghỉ chân, hai chú nhóm một mớ củi khô, nướng gà rồi ăn ngấu ăn nghiến nửa sống nửa chín như những người man rợ. Hai chú sợ chó giữ nhà hơn sợ bò mộng, vì chúng là những con vật rất khó chiến đấu, hễ thấy bộ mặt kỳ quái và người ngợm bẩn thỉu của hai chú là nổi hung và nhe nanh xông tới ngay.
Nhiều lần, trong lúc hai chú ngủ ở ngoài trời, cạnh ga để chờ tàu, hai hiến binh bước lại gần. Trông thấy gói quần áo màu đỏ mà hai chú dùng để gối đầu, mấy người phụ trách trật tự công cộng kia yên tâm, nhẹ nhàng nâng mũ cát-két của hai chú lên thấy lộ ra mớ tóc côlêta, bèn cười bỏ đi, không cần điều tra thêm: đó không phải là những thằng ăn cắp mà là những người trong giới đấu bò đi dự cuộc đấu ở đâu đó. Lý do của thái độ bao dung đó vừa là thiện cảm đối với nghệ thuật dân tộc vừa là lòng kính trọng đối với những người chưa rõ tương lai sẽ ra sao. Ai mà biết được mấy oắt con cùng cực xơ xác ấy sau này chẳng thành những ngôi sao sáng của nghệ thuật, những vĩ nhân hạ sát bò mộng để tặng các vị vua, sống như những ông hoàng và được báo chí thông báo mọi thành tích và lời phát biểu?...
Một buổi chiều, ở trong xứ Exơramađua, để làm ngạc nhiên hơn nữa đám cử tọa quê mùa đang hoan hô nhiệt liệt những đấu sĩ ưu tú "từ Xêvilơ đặc biệt đến đây" hai chú định cắm banđêri vào bướu cổ một con bò mộng già nhút nhát. Huan thúc cặp banđêri vào cổ con bò, rồi đến bên một cái bục để đón nhận sự hoan nghênh của công chúng mang hình thức những cái vỗ vai mạnh kinh khủng và vài cái cốc rượu. Đột nhiên có những tiếng thét khủng khiếp làm chú hết cả say sưa về thắng lợi huy hoàng. Siripa không còn đứng trên mặt đất của bãi đấu nữa. Tất cả những cái gì còn lại của chú là mấy cây banđêri lăn lóc trong bụi đất, chiếc dép và chiếc mũ cát-két. Con bò mộng thì lồng lộn tức tối như bị một vật cản đường và lắc rất mạnh một mớ quần áo mắc vào một cái sừng trông giống một con rối. Cái mớ không ra hình thù gì ấy bị con bò hất đầu đưa đi đưa lại dữ dội, tung lên trời và vọt máu ra. Trước khi rơi xuống đất, nó lại quàng phải cái sừng kia, nên lại lúc la lúc lắc một hồi lâu. Cuối cùng cái mớ đáng thương ấy rơi bịch xuống đất và nằm bẹp dí, bất động, máu sủi bong bóng tuôn ra lênh láng như một cái hũ rượu vang thủng.
Người chăn bò vội dùng những con cabextơrô(8) để đưa về chuồng con bò mộng mà không ai dám lại gần. Siripa tội nghiệp được khênh vào một gian phòng xép dùng làm phòng giam. Bạn chú đến đấy thấy chú mặt trắng bệch, mắt lờ đờ, toàn thân đỏ lòm và máu vẫn chảy mặc dầu người ta đã chữa bằng vải chấm dấm, thứ thuốc duy nhất có lúc bấy giờ.
- Vĩnh biệt Dapatêrinh! Chú bé hấp hối thì thào - Vĩnh biệt Huan!
Và thế là hết. Kinh hoàng, bạn của chú bé chết trở lại Xêvilơ bị cặp mắt lờ đờ và những lời vĩnh biệt tội nghiệp ám ảnh suốt dọc đường. Chú sợ. Giá lúc ấy mà một con bò cái đi bước một từ trong một sân trại ra ắt chú sẽ chạy trốn ngay. Chú nghĩ đến mẹ và những lời khuyên nhủ khôn ngoan của bà. Bước hẳn vào nghề đóng giầy và sống bình yên chẳng hơn sao?
Những ý nghĩ tốt đẹp đó chỉ tồn tại chừng nào chú có một mình thôi. Về đến Xêvilơ, Huan lại chịu ảnh hưởng của môi trường. Bạn hữu vây quanh chú, bắt chú kể thật kỹ tai họa đã xảy ra. Ở Cămpana các đấu sĩ chuyên nghiệp cũng hỏi chuyện chú và nhớ lại với lòng thương hại thằng bé con mà họ vẫn sai vặt.
Huan thấy mọi người trọng mình như vậy cũng thêm can đảm. Để cho trí tưởng tượng tha hồ bay bổng, chú kể rằng chú đã xông ngay vào con bò khi thấy bạn bị thương, nắm lấy đuôi con vật và làm nhiều cái can đảm khác nhưng vẫn không sao cứu Siripa khỏi chết.
Mối lo sợ tiêu tan. Trở thành đấu sĩ, chỉ có một con đường là trở thành đấu sĩ! Vì có nhiều người khác đã là đấu sĩ, lẽ nào mình lại không là đấu sĩ? Huan nghĩ đến những hạt đậu thối, những mẩu bánh mì cứng của mẹ, đến những nỗi tủi nhục mỗi khi muốn có một cái quần mới, đến con ma đói, luôn luôn đi theo những cuộc hành trình của chú. Hơn nữa, chú thèm muốn vô cùng một cuộc sống sang trọng đầy vui thú, chú ao ước có xe có ngựa. Chú dừng chân bần thần trước những ngôi nhà giàu sang và ngắm qua cổng sắt những cái sân trông lộng lẫy kiểu phương Đông, những hành lang xây bằng gạch men, những nền nhà lát cẩm thạch, những bể nước róc rách suốt ngày đêm phun những tia nước bóng như hạt trai vào một cái bồn có cây lá xanh um bao quanh. Thế là số phận của chú được định đoạt. Hoặc giết bò mộng hoặc chết!
Nhất định phải giàu có, làm cho báo chí nói đến mình và mọi người chào mình, dù phải đem tính mệnh trả giá cho hạnh phúc đó! Chú khinh những cấp bậc thấp trong nghề đấu bò. Chú thấy người banđêridiêrô phải dấn thân vào vòng nguy hiểm chẳng khác gì người matađo, thế mà chỉ được lĩnh ba mươi đua-rô cho mỗi trận đấu, rồi sau một cuộc đời nhọc nhằn và xơi nhiều sừng bò, đến lúc già cũng chẳng có nguồn sống nào khác ngoài một cửa hàng cà khổ dành dụm mãi mới mở được hoặc một chỗ làm xin ở lò sát sinh. Nhiều banđêridiêrô chết ở bệnh viện và đã có khối người khác ăn mày những đồng nghiệp trẻ. Cần quái gì những cây banđêri. Cần quái gì lối học nghề dài dằng dặc làm con người phải chịu sự áp chế của một ông thầy dòng đã nhiều năm. Phải giết bò ngay lập tức, phải bước vào đấu trường với cương vị matađô ngay!
Tai nạn của Siripa làm cho Huan có uy tín đối với bạn bè nên chú có thể lập ra một đội đấu bò ăn mặc rách rưới, đi theo chú đến các cuộc đấu áo choàng ở thôn quê. Người ta nể chú vì chú can đảm nhất và ăn mặc lành lặn nhất. Vài cô gái giang hồ, mê vẻ đẹp hùng tráng của Huan lúc này đã mười tám tuổi cũng như món tóc côlêta uy tín của chú, tranh giành nhau ầm ĩ cái vinh dự được săn sóc con người thanh lịch của chú. Ngoài ra chú còn nhờ cậy một ân chủ, một vị cựu thẩm phán yêu vẻ ngộ nghĩnh của những đấu sĩ trẻ tuổi. Quan hệ thân mật giữa Huan với ông già làm cho bà Aoguxtiax bực tức, bà gọi cái đó bằng những tiếng tệ hại nhất mà bà đã học được xưa kia khi bà còn là công nhân của xí nghiệp thuốc lá.
Bây giờ Dapatêrinh vênh vang diện những bộ quần áo bằng dạ Anh, những cái mũ mới toanh. Những người xuất tiền ra cho chú trông nom rất kỹ cổ và ngực áo sơ mi của chú, luôn luôn giữ cho nó trắng bốp. Có những ngày chú trưng trên áo gilê một sợi dây chuyền kép bằng vàng của phụ nữ. Vật trang sức này do ông bạn đáng kính của chú cho mượn và đã được dùng để trang điểm bộ ngực của nhiều "thanh niên mới vào nghề" khác.
Chú giao thiệp với những đấu sĩ thực thụ. Chú có đủ tiền để mời rượu mấy người pêông già và những người này kể cho chú nghe những thành tích của những đấu sĩ danh tiếng. Thiên hạ tin chắc rằng các ân chủ của chú đang vận động cho chú và hễ có dịp là chú có thể bắt đầu sự nghiệp trong một cuộc đấu bò của đấu sĩ mới ở Xêvilơ.
Bây giờ Dapatêrinh đã thành matađo. Một hôm ở Lêbrêgia, khi người ta thả vào bãi đấu một con bò mới lớn rất lanh lẹn, bạn hữu của Huan khuyến khích anh hãy thử làm cái trò cao nhất. "Cậu có dám chơi bóng không?". Và anh đã chơi. Từ đấy, thấy mình thắng lợi dễ dàng trong cuộc thử thách, anh thêm táo bạo, anh chạy tới mọi cuộc đấu với bò non và tới các trại có tổ chức đấu và giết bò.
Ông chủ trại Rinhcônađa, một trại giàu và có mấy bãi đấu nhỏ, là một người nhiệt tình sẵn sàng cho ăn ngủ bất cứ dân nghiện môn đấu bò nghèo đói nào đến giải trí cho ông bằng cách đấu với những con bò của ông. Trong một dạo túng đói, Huan tới đó cùng một số bạn để ăn mừng sức khỏe nhà quý tộc nông thôn, mặc dầu bị bò xô ngã mấy lần. Bọn họ tới sau hai ngày cuốc bộ. Trông thấy họ mình đầy bụi đường, ông chủ trại trịnh trọng tuyên bố:
- Đứa nào đấu khá nhất sẽ được tao mua vé xe lửa cho để trở về Xêvilơ.
Trong hai ngày liền, ông ngồi hút thuốc lá trên cái ban công nhỏ của bãi đấu để xem mấy thanh niên Xêvilơ đấu với những con bò non và bị húc xéo nhiều lần.
- Thằng bố láo kém quá! Ông nói, không bằng lòng một động tác múa áo vụng về.
Khi một chú bị bò dẫm lên người và nằm thẳng cẳng trên bãi đấu, ông thét:
- Thằng nhát như cáy đứng dậy đi thôi! Để tao bảo mang cho mày một cốc rượu vang là mày hết sợ!
Dapatêrinh hạ sát một con bò non trúng ý của ông chủ trại quá, khiến ông rất thích và cho anh ngồi ăn cùng bàn; còn các bạn của anh vẫn phải ăn ở dưới bếp với bọn chăn bò và thợ cày, vục cái thìa bằng sừng vào trong nồi thức ăn bốc khói.
- Cháu ạ, cháu được thưởng cái vé xe lửa để về nhà. Cháu sẽ tiến xa nếu cháu dũng cảm. Cháu có nhiều năng khiếu đấy.
Trong khi đồng đội cuốc bộ, Dapatêrinh ngồi chễm trệ trong toa xe lửa hạng nhì. Anh tự nhủ rằng mình đang bước vào một cuộc đời mới và anh ngắm một cách thèm thuồng cái trại mênh mông với những vườn ô liu bát ngát, những đồng lúa mì, những cối xay bột, những bãi cỏ thẳng cánh cò bay có hàng nghìn con dê đang gặm cỏ và không biết bao nhiêu là bò mộng và bò cái nằm yên nhai cỏ, bốn chân quặp dưới bụng. Giàu thật! Chao ôi! Nếu một ngày kia ta được làm chủ một gia sản lớn như thế này nhỉ!...
Sau khi đạt được thành tích vẻ vang trong các trận đấu bò non ở thôn quê, danh tiếng của Gađacđô bay đến tận Xêvilơ và gợi sự chú ý của những nhà hâm mộ môn đấu bò ưu tú và tham lam, luôn luôn hy vọng thấy một ngôi sao mới xuất hiện làm lu mờ những ngôi sao cũ.
- Xem ra cậu này có triển vọng đấy, họ nói khi thấy anh đi qua trong phố Rắn, chân bước nhỏ nhẹ, tay vung vẩy rất kiểu cách. Cần phải xem cậu trên "mảnh đất chân lý".
Đối với những người đó và Dapatêrinh, "mảnh đất chân lý" ấy là đấu trường Xêvilơ. Chàng trai không muốn gì hơn là được gặp gỡ mặt đối mặt với "chân lý". Ân chủ của anh đã mua cho anh một bộ quần áo diễu hành hơi cũ của một matađo không có danh tiếng thải ra. Một cuộc đấu bò non được tổ chức để lập quỹ từ thiện và nhiều nhà hâm mộ đấu bò có thế lực và chuộng cái mới đã vận động để tên anh được ghi vào chương trình với tư cách matađo nhưng đấu không lấy tiền.
Anh con trai của bà Aoguxtiax không thích người ta ghi tên áp phích cái tên đùa Dapatêrinh mà anh muốn mọi người quên đi. Không muốn có tên đùa và càng không muốn làm những chức vụ xoàng xĩnh. Anh muốn xuất hiện với tên thật là Huan Gađacđô, không có biệt hiệu nào nhắc lại nguồn gốc tầm thường của anh với những nhân vật cao sang nhất định sau này sẽ trở thành bạn anh.
Dân phố Fêria kéo rất đông đến dự cuộc đấu với tấm nhiệt tình ồn ào và yêu nước của họ. Dân khu ngoại ô Macarêna(9) cũng quan tâm và thợ thuyền ở các khu ngoại ô khác cũng bị lôi cuốn.
Gađacđô múa áo, đâm kiếm, bị một con bò xô vào người, nhưng không bị thương và công chúng luôn luôn hồi hộp về cách đấu của anh vừa khéo léo vừa táo bạo. Một số người hâm mộ được ai nấy kính trọng ý kiến mỉm cười độ lượng. Chắc chắn anh thanh niên này còn phải học tập nhiều, nhưng anh ta có can đảm, thiện chí mà cái đó là cốt yếu.
- Vả lại, anh ta thực sự đã bắt đầu hạ sát bò và đã được thể nghiệm trên "mảnh đất chân lý" rồi.
Trong suốt trận đấu, những cô bạn gái hay giúp đỡ Gađacđô lồng lộn, say sưa, vặn vẹo người như phát điên, ràn rụa nước mắt, sùi bọt mép, tuôn ra giữa ban ngày tất cả những từ ngữ yêu đương mà thường thường các cô chỉ dùng ban đêm. Một cô ném cái khăn trùm đầu của mình vào trong bãi đấu. Để nổi bật hơn, một cô khác vứt luôn cả cái áo lót và coócxê của mình. Một cô thứ ba đi đến chỗ lột phăng váy ra, và khán giả vừa cười vừa nắm lấy các cô để ngăn các cô khỏi nhảy phốc vào bãi đấu hoặc cởi truồng ra.
Ở đằng kia đấu trường, vị thẩm phán già mỉm cười trong bộ râu bạc xúc động và thán phục đến đờ người sự dũng cảm của "bé xinh" và vẻ thanh lịch của anh trong bộ quần áo diễu hành. Nhưng khi ông ta thấy anh bị con bò xô lăn xuống đất, ông ngã ngửa người như sắp ngất. Ối trời, ông chịu sao nổi cái đó!
Người chồng của Anhcacnaxiông, chị ruột của nhà matađo trẻ tuổi, vênh váo tựa vào hàng rào. Bác tên là Angtôniô, làm nghề đóng yên ngựa, có cửa hiệu ở ngoại ô Macarêna. Bác là một người đứng đắn, rất ghét lối sống lang thang. Bác mê cô công nhân thuốc lá duyên dáng nên đã lấy cô với điều kiện dứt khoát là cô không được quan hệ gì với thằng du đãng Huan.
Gađacđô tức mình về thái độ lạnh lùng của người anh rể, không bao giờ anh đặt chân đến cửa hiệu của Angtôniô mà anh chỉ gọi bằng ông mỗi khi gặp ở nhà bà Aoguxtiax vào buổi chiều.
- Để tôi đi xem khán giả ném cam vào cái thằng em lưu manh của mình như thế nào, Angtôniô nói với vợ lúc đi đấu trường.
Nhưng bây giờ, từ chỗ ngồi của mình, Angtôniô hoan hô người matađo kiệt xuất, gọi người ấy bằng cái tên âu yếm, xưng anh xưng em và kiêu hãnh đến phát run khi người matađo mới ra đời nghe tiếng gọi mãi cuối cùng trông thấy bác và giơ thanh kiếm lên để chào lại bác.
- Em vợ tôi đấy! Bác thợ yên ngựa giải thích cho những người bên cạnh để họ kính phục bác. Tôi vẫn nghĩ cậu ấy thế nào cũng có tên tuổi trong giới đấu bò. Nhà tôi và tôi giúp đỡ cậu ấy nhiều lắm...
Cuộc hành trình về nhà thật là một cuộc khải hoàn. Công chúng xông vào người Huan như muốn nuốt chửng anh để biểu thị sự hào hứng. May sao có Angtôniô ở đó để giữ trật tự, bác lấy thân mình che chở cho người thanh niên vào dẫn anh ra tận xe thuê rồi lên ngồi bên cạnh anh.
Khi hai người về đến căn nhà tồi tàn ở phố Fêria, một đám đông vẫn chạy sau xe miệng hoan hô ầm ĩ theo kiểu tỏ tình bình dân, làm cho mọi người trong phố xô cả ra cửa. Tin chiến thắng của người đấu sĩ ưu tú đã về đến đây trước anh ta, cho nên dân chúng chạy tới để nhìn anh tận mặt và bắt tay anh.
Bà Aoguxtiax và con gái đứng trên bậc cửa nhà. Bác Angtôniô hầu như nhấc bổng Huan lên để đưa anh xuống xe, bác muốn chiếm độc quyền về anh, bác khua tay khua chân, hò hét nhân danh gia đình để cấm mọi người đụng đến Huan, làm như Huan là một người ốm.
- Đây, cậu ấy đây, Anhcacnaxiông ạ! Bác vừa nói vừa đẩy Gađacđô về phía vợ, hơn cả Rôgiê Đê Flo đấy(10).
Anhcacnaxiông không cần hỏi thêm đấy là ai. Bác biết rằng chồng bác, qua một cuốn sách đọc lơ mơ từ lâu, coi nhân vật lịch sử này là kết tinh của tất cả những cái toàn thiện toàn mỹ của loài người và chỉ tự cho phép ghép tên ấy với những sự kiện vĩ đại.
Những người hàng xóm đi xem đấu về, lịch thiệp chúc mừng bà Aoguxtiax và vừa ngắm một cách sùng kính cái bụng đồ sộ của bà vừa nói:
- Cảm tạ bà mẹ đã sinh ra được một người con dũng cảm như vậy!
Các bà bạn hôn bà Aoguxtiax rối rít làm cho bà chóng cả mặt:
- Hạnh phúc biết bao! Con bà sắp kiếm ra vô khối tiền!
Cặp mắt của bà mẹ tội nghiệp lộ rõ vẻ ngẩn ngơ nghi hoặc. Có phải chính thằng Huan, con trai bà, làm cho mọi người khâm phục như thế không? Có phải họ hóa rồ cả rồi không? Bỗng nhiên bà ôm chầm lấy con, dường như quá khứ không có nữa, những mối ưu phiền và tức giận của bà chỉ là một giấc mộng và cuối cùng bà đã nhận ra sự sai lầm đáng hổ thẹn của bà; đôi cánh tay to lớn và mềm nhũn của bà quàng lấy cổ người đấu sĩ trẻ tuổi má ướt đầm nước mắt của mẹ.
- Con ơi!... Huan ơi!... Nếu bố con mà được trông thấy thế này nhỉ!...
- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc. Hôm nay là một ngày vui. Rồi mẹ xem! Nếu Chúa thương con, con sẽ có một cái nhà thật đẹp cho mẹ ở, các bè bạn của mẹ sẽ thấy mẹ đi xe ngựa, mẹ sẽ có khăn quàng manila làm nhiều kẻ phải lác mắt...
Bác thợ yên ngựa nghe những dự kiến giàu sang ấy cứ nhìn vợ gật đầu lia lịa, còn vợ bác thì vẫn chưa hết ngạc nhiên về sự thay đổi hoàn toàn trong thái độ của ông chồng.
- Đúng vậy, nếu cậu này mà chịu khó, nhất định cậu ấy sẽ đạt được những điều mà cậu ấy vừa mới nói. Cậu ấy thật phi thường. Hơn cả Rôgiê Đê Flo đấy!
Tối hôm ấy, trong các tiệm rượu ngoại ô và các quán cà phê, mọi người chỉ bàn tán về Gađacđô:
- Quả là đấu sĩ của ngày mai đây!... Rực rỡ như đóa hồng!... Tay bố nhắng ấy nhất định sẽ làm cụp vòi tất cả các ông hoàng(11) xứ Coócđu cho mà xem!
Những lời quyết đoán này biểu lộ lòng kiêu hãnh ngầm của Xêvilơ luôn luôn là cừu địch của Coócđu - một xứ cũng sản sinh ra nhiều đấu sĩ cừ khôi không kém.
Bắt đầu từ hôm ấy, cuộc sống của Gađacđô khác hẳn trước. Những thanh niên con ông cháu cha chào hỏi anh, mời anh ngồi với họ trên hiên các quán cà-phê. Những cô gái dễ dãi vẫn nuôi anh và may sắm áo quần cho anh bị anh bỏ rơi dần dần một cách cao kỳ nhẹ nhàng. Ngay cả vị ân chủ cũng khôn ngoan lảng xa, sau khi bị anh cự tuyệt mấy lần, và ông ta lại đem tình bạn âu yếm của ông tặng cho mấy "chú nhỏ" khác mới bước vào nghề.
Xí nghiệp đấu bò rất chuộng Gađacđô, chiều anh y như anh đã là một danh nhân rồi. Mỗi khi có tên anh trên áp phích, cuộc đấu chắc chắn sẽ thành công: đấu trường đông chật ních. Những người thường dân hoan hô nhiệt liệt "thằng bé nhà bà Aoguxtiax" và tán dương tài năng của anh. Chẳng bao lâu tên tuổi của nhà matađo mới vang khắp xứ Ăngđaludi.
Và cũng từ đó, bác thợ yên ngựa tuy không ai yêu cầu giúp cũng can thiệp vào bất cứ việc gì và tự động làm người bảo vệ quyền lợi của em vợ. Bác tự nhận là một người khôn ngoan có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh và đã nhận thấy rõ con đường phải đi tới.
Buổi tối, nằm bên vợ, bác ta nói: - Cậu ấy cần có sự giúp đỡ của một người có óc thực tế để quản lý tài chính cho cậu. Mình có cho rằng nên nhờ tôi làm người ủy quyền cho cậu ấy không? Đối với cậu ấy, cái đó sẽ rất tốt. Hơn cả Rôgiê Đê Flo đấy... Còn đối với chúng ta thì...
Bác thợ yên ngựa đã nhẩm tính những món tiền kếch xù mà Gađacđô sẽ kiếm được; bác cũng nghĩ đến năm đứa con của Anhcacnaxiông đẻ với bác, không kể những đứa nhất định rồi sẽ ra đời: vì bác là một ông chồng trung thành không mệt mỏi và mắn. Biết đâu một ngày kia gia sản của người cậu lại chẳng chuyển sang các cháu?
Trong một năm rưỡi, Huan giết những con bò non trong những đấu trường nổi tiếng ở Tây Ban Nha khiến danh tiếng của anh lan đến cả Mađrit và những người yêu môn đấu bò ở thủ đô(12) rất muốn biết "cậu bé thành Xêvilơ" được báo chí luôn luôn ca tụng và các người thạo môn đấu bò xứ Ăngđaludi ca ngợi.
Đi giữa một nhóm người đồng hương yêu mến anh ngụ ở Mađrit, Gađacđô vênh vang trên hè phố Xêvilơ ở thủ đô, gần quán cà-phê Anh.
Những cô gái ăn chơi mỉm cười nghe anh tán tỉnh, ngây ngất ngắm sợi dây chuyền vàng nặng trịch và những hạt kim cương to tướng mà anh đã mua bằng những khoản tiền thu được đầu tiên hoặc mua chịu để rồi trả bằng những món thu nhập sau này. Bằng những đồ trang sức mang trên mình và bằng việc mời vung mọi người ăn uống, người matađo phải tỏ ra là mình giàu có thừa mứa. Đâu còn những ngày anh lang thang trên hè phố này với thằng Siripa tội nghiệp, sợ cảnh sát, ngắm các đấu sĩ bằng con mắt kính phục, trân trọng nhặt những đầu mẩu xì-gà của họ vứt.
Ở Mađrit, anh gặp may. Anh kết bạn với nhiều người. Chẳng bao lâu một nhóm người yêu thích anh tập họp lại. Họ gọi anh là "đấu sĩ của ngày mai" và bực mình thấy anh chưa được phong matađo chính thức.
- Cậu ấy sắp hái ra tiền! Người anh rể nói với vợ. Cậu ấy sắp thành tỉ phú, miễn là cậu ấy không bị rủi ro trên bước đường đi tới.
Cuộc sống của gia đình Gađacđô bây giờ biến đổi hẳn. Anh đã đánh bạn với tầng lớp thanh niên giàu sang ở Xêvilơ, anh không chịu để cho mẹ ở mãi căn nhà tồi tàn của những năm nghèo đói. Nếu gia đình nghe lời anh, thì cả nhà đã đến ở trong đường phố đẹp nhất Xêvilơ rồi. Nhưng cũng như đa số người bình dân khác khi về già thích nơi mình đã sống trong thời trẻ, bà Aoguxtiax muốn ở lại phố Fêria. Do đó, gia đình thuê một căn nhà khác đẹp hơn trước nhiều. Bà Aoguxtiax không phải làm gì nữa và các bà hàng xóm tán tỉnh bà vì bà hay giúp đỡ họ lúc túng thiếu. Về phần Gađacđô, không kể những đồ trang sức bằng vàng ngọc nặng trịch và rực rỡ đeo trên người, anh còn có một vật được coi như một xa xỉ phẩm đối với các đấu sĩ. Đó là một con ngựa tía rất hùng dũng với cái yên Thổ Nhĩ Kỳ có sườn cao và một cái áo khoác to có nhiều búp tơ sặc sỡ. Cưỡi trên lưng con ngựa ấy, anh diễu qua các phố không ngoài mục đích đón nhận những lời chúc tụng của bạn hữu, những người này vui vẻ chào anh bằng những tiếng hoan hô vang lừng. Lúc này được như thế cũng đã thỏa mãn lòng hiếu danh rồi. Nhiều lúc khác, anh nhập bọn với những thanh niên con ông cháu cha thành một đoàn kỵ sĩ lộng lẫy phóng ngựa tới cánh đồng cỏ Tablađa, trước ngày tổ chức những cuộc đấu lớn, để xem những con bò mà người khác sắp giết.
- Khi nào tôi được phong matađo chính thức(13) thì...
Anh nhắc đi nhắc lại câu này với quan niệm rằng sự kiện đó chi phối mọi kế hoạch của anh trong tương lai.
Hiện nay anh phải nuôi dưỡng trong lòng một loạt dự án, nếu thực hiện được, sẽ làm cho mẹ anh phải ngạc nhiên: Người đàn bà tội nghiệp này hãy còn ngơ ngác trước hạnh phúc đột nhiên vào nhà và bà cho rằng nó không thể nào lớn hơn được nữa.
Cuối cùng ngày Gađacđô được phong matađo chính thức tới. Một đấu sĩ danh tiếng nhượng lại cho anh thanh kiếm và cái mulêta của ông ta ngay giữa đấu trường Xêvilơ và khán giả khâm phục đến lặng người khi thấy anh hạ con bò "hợp thức" đầu tiên ra mắt anh chỉ bằng một nhát kiếm. Đến tháng sau, tấm bằng tiến sĩ môn đấu bò của anh lại được một sư phụ danh tiếng khác áp ký tại đấu trường Mađrit. Thế là lần thứ hai anh được phong matađo chính thức trong một trận đấu với những con bò mộng của trại Miura.
Anh không còn là matađo dự bị nữa mà là matađo chính thức, được ghi tên trên các tờ áp phích cạnh tên của những matađo lão thành mà anh hằng kính phục như những vị thần không thể đến gần, khi anh còn múa áo choàng ở các thôn xã. Anh còn nhớ rằng đã có lần anh chờ một người matađo ấy ở một ga xe lửa gần Coócđu để xin ông ta giúp cho ít tiền khi ông ta cùng đồng đội đáp xe lửa qua đấy, và chiều hôm ấy, anh có cái cho vào bụng cũng là nhờ tình anh em hào phóng giữa những người cùng mang nạm tóc côlêta, một thứ tình đã làm cho một người matađo sang trọng như ông hoàng đưa đồng bạc và điếu xì gà cho một thằng vô lại tồi tàn mới bắt đầu đi múa áo choàng.
Những hợp đồng bắt đầu đổ như mưa xuống người matađo mới. Ở tất cả các đấu trường trên bán đảo, mọi người đều muốn tận mắt trông thấy anh. Các tờ báo đặc biệt phổ biến chân dung và tiểu sử của anh và không quên thêm thắt vào tiểu sử ấy nhiều chi tiết có vẻ tiểu thuyết. Chẳng bao lâu anh kiếm được rất nhiều tiền.
Ông anh rể đón nhận những sự thành công của cậu em vợ với vẻ khó chịu và phản kháng ngấm ngầm.
- Cậu ấy thật vô ơn! Antôniô nói. Đúng là chuyện của những người hãnh tiến. Mình đã khó nhọc biết bao vì cậu ấy, mình đã tỏ ra cương quyết trong khi mặc cả với những ông giám đốc đấu trường trong các cuộc thi đấu bò non! Thế mà từ khi cậu ấy được phong, cậu ấy trao ngay chức ủy quyền cho một ông mà cậu ấy chỉ biết sơ sơ, một ông Đông Hôxê nào đó không phải người trong gia đình nhưng được cậu ấy rất quý chỉ vì ông ta là một nhà hâm mộ đấu bò lão thành.
- Cậu ấy sẽ có lúc hối hận! Bác thợ yên ngựa kết luận. Người ta không thể có hai gia đình, người nào cũng chỉ có một gia đình thôi. Đào đâu ra được tình yêu thương bằng tình của những người trong gia đình biết nhau từ khi còn bé? Thôi mặc cậu ấy! Đối với tôi, cậu ấy là Rôgiê...
Nhưng bác ngừng lại, không nêu hết cái tên danh tiếng: bác sợ những người banđêridiêrô và những người hâm mộ đấu bò hay lui tới nhà Gađacđô chế giễu vì họ đã bắt đầu để ý đến việc sùng bái có tính lịch sử của bác.
Với cái lòng tốt của người chiến thắng, Gađacđô đền bù cho anh rể bằng cách cử bác trông nom công việc làm ngôi nhà của anh. Anh để cho bác toàn quyền hành động. Người matađo ngạc nhiên thấy tiền rơi vào tay mình hết sức dễ dàng, nên không giận khi thấy anh rể ăn cắp của mình chút ít, vả lại anh cũng muốn dùng cách ấy để đền bù bác ta về việc anh không dùng bác ta làm người ủy quyền.
Gađacđô sắp thực hiện được nguyện vọng thiết tha nhất của anh là làm một cái nhà cho mẹ ở. Người phụ nữ tội nghiệp ấy đã suốt đời cọ sàn của kẻ khác thì nay sắp có nhà của mình với một cái sàn có nền lát cẩm thạch và tường ghép gạch men, với nhiều phòng đẹp bày biện lộng lẫy như nhà tư sản và rất nhiều đầy tớ để sai bảo. Bản thân Gađacđô với một mối cảm tình sâu xa, cũng quyến luyến khu phố mà anh đã ở trong thời niên thiếu khổ sở. Anh muốn làm hoa mắt những người trước đây thuê mẹ anh làm vú già, anh muốn vốc hàng nắm tiền xu cho những người xưa kia đem giầy đến cho bố anh chữa và cho anh mẩu bánh mì những lúc anh đói, khi nào họ hết nhẵn tiền. Anh bèn mua mấy ngôi nhà cũ, nhất là ngôi nhà có cái cổng dùng làm cửa hàng giầy cho bố anh khi xưa, anh thuê phá sập và bắt đầu xây một toà nhà lịch sự có tường trắng, lưới cửa sổ sơn xanh, một phòng ngoài lát gạch men, một cái cửa làm bằng những thanh sắt uốn hoa mỹ qua nó người ta trông thấy sân trong và cái bể phun nước, những hành lang có những hàng cột bằng cẩm thạch và treo những lồng chim hót sơn vàng rực.
Ông anh rể rui vẻ thấy mình được quyền tự do mua vật liệu và trông coi làm nhà, nhưng ông bớt vui khi nhận được một tin buồn: Gađacđô có vợ chưa cưới. Hồi này Gađacđô đi khắp nước Tây Ban Nha, từ đấu trường này đến đấu trường khác, phóng nhiều nhát kiếm và nhận nhiều tiếng hoan hô, nhưng không mấy ngày anh không viết thư cho một cô gái ở cùng phố và trong thời gian ngắn ngủi giữa hai cuộc đấu anh thường rời các đồng nghiệp lên tàu về Xêvilơ để gặp cô.
- Mẹ và mình có thấy không? Bác thợ yên ngựa bực tức nói với mẹ vợ và vợ. Đời thuở nhà ai lại có vợ chưa cưới mà không hề nói nửa lời cho gia đình biết, làm như gia đình không phải là nơi duy nhất trên đời này có tình cảm chân thành với mình. Ông ấy muốn lấy vợ. Xem vẻ ông ấy chán chúng ta rồi. Phóng đãng thật!...
Anhcacnaxiông tán thành những lời chê trách của chồng bằng cách nhăn nhó bộ mặt xinh đẹp nhưng dữ tợn của bác. Bác hài lòng thấy mình có thể bộc lộ ý nghĩ về cậu em mà bác ghen ngầm số phận may mắn. Đúng thế! Xưa nay cậu Huan có ra gì đâu! Ngưu tầm ngưu mã tầm mã mà!...
Nhưng bà mẹ phản đối:
- Mẹ thì không nghĩ như vậy! Mẹ biết con bé ấy, mẹ nó ngày xưa là bạn của mẹ ở xí nghiệp... Con bé rất ngoan ngoãn, có giáo dục, có đức hạnh, ăn ở tốt. Mẹ đã nói với Huan rằng ý mẹ thế này... và càng sớm càng tốt!
Cô gái ấy mồ côi cha và ở với mấy ông chú có một cửa hiệu thực phẩm nhỏ ở cùng phố. Bố có lúc sinh thời bán rượu, để lại cho có hai căn nhà ở ngoại ô Macarêna.
- Cái đó chẳng đáng bao nhiêu, bà Aoguxtiax nói. Nhưng dù sao con bé không về tay không: nó góp phần của nó. Lại còn về mặt khâu vá thì trời ơi! Đôi bàn tay của nó là vàng đấy. Nó thêu quần áo mới giỏi chứ! Hòm quần áo cưới nó chuẩn bị mới đẹp chứ!
Gađacđô nhớ mang máng rằng hồi còn nhỏ xíu anh vẫn chơi với cô gái gần cái cổng xe có hiệu giầy của bố, trong lúc hai bà mẹ chuyện vãn với nhau. Nhanh nhẹn, người khô và tóc màu hạt dẻ trông như một con thằn lằn, cô gái ấy có cặp mắt bôhêmiêng với con ngươi và lòng đen cùng một màu huyền, lòng mắt thì trắng xanh và khoé mắt thì hồng hồng. Cô ta chạy nhanh như con trai để lộ ra đôi chân nhỏ như ống sậy, tóc cô rối bù thành những mớ xoắn xuýt ngỗ nghịch giống như những con rắn đen. Sau thời gian đó, cô ta mất hút và mãi đến thời kỳ anh thành đấu sĩ và bắt đầu có tiếng tăm, anh mới gặp lại cô ta.
Hai bên gặp nhau trong một ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là một ngày trọng thể hiếm có mà các phụ nữ Tây Ban Nha, thường chỉ ở trong nhà do thói lười nhác kiểu Á Đông, bước ra phố như những phụ nữ Môrơ tự do, đầu trùm khăn màu hung và ngực cài mấy bông cẩm chướng. Gađacđô trông thấy một cô gái người dong dỏng cao, vừa thanh mảnh vừa khỏe mạnh, thắt đáy lưng ong với những đường cong rộng và chắc của cặp hông biểu hiện tất cả sức sống của tuổi thanh xuân. Mặt cô trắng ngà bỗng đỏ lên khi trông thấy chàng matađo ưu tú, còn đôi mắt sáng của cô thì khuất dưới hàng mi dài.
"Con bé này biết mình, - Gađacđô hãnh diện tự nhủ. Chắc nó đã trông thấy mình ở đấu trường rồi".
Anh bước theo cô gái có bà cô đi kèm và khi anh biết rằng đó là Cacmen, người bạn gái của anh hồi thơ ấu, anh rất ngạc nhiên một cách thú vị về sự biến dạng kỳ lạ của con thằn lằn nâu khi xưa.
Hai người phải lòng nhau và đính hôn với nhau. Tất cả xóm giềng đều bàn tán đến cuộc tình duyên của họ và cho rằng đó là một chuyện vui mừng cho cả phố.
Ra vẻ một ông hoàng nhân hậu, Gađacđô nói với những người khâm phục anh:
- Tôi như thế đấy! Tôi không muốn bắt chước những đấu sĩ cưới vợ con nhà quyền quý chỉ là cưới quần áo, cưới vòng xuyến. Tôi thì tôi thích những người thuộc giai cấp của tôi hơn: khăn quàng xinh, dáng dấp ưa nhìn, thân hình hay. Thế là nhất rồi!
Bạn hữu của anh nhiệt liệt ca ngợi cô gái:
- Trông như bà hoàng ấy, thân hình có nhiều cái làm cho đàn ông phát điên. Ôi chao! Lại còn cặp mông nữa chứ nhỉ!
Nhưng Gađacđô cau mày:
- Thôi đùa như thế đủ rồi nhé. Các anh nói đến Cacmen càng ít bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu!
Buổi tối, khi anh nói chuyện với cô cạnh tấm lưới cửa sổ và ngắm khuôn mặt Môrơ của cô hiện giữa những chậu hoa, chú hầu bàn của một tiệm rượu gần đấy bước đến, tay bưng hai cốc rượu Măngzanila đặt trên khay. Những người sai chú đến đang uống rượu ở tiệm của chú. Theo phong tục, người ta hay làm như vậy đối với những cặp người yêu đang nói chuyện với nhau bên cửa sổ. Gađacđô uống một cốc, trao cốc kia cho Cacmen rồi bảo chú hầu bàn:
- Chú nói với các ông ấy rằng tôi cảm ơn lắm và chốc nữa tôi sẽ sang. Chú lại nói với ông chủ đừng có thu tiền của ai cả, và Huan Gađacđô sẽ trả tất.
Tán chuyện với người yêu xong, Gađacđô vào tiệm rượu. Những người xử sự lịch thiệp mới rồi đang chờ anh. Trong bọn họ có cả những người quen anh lẫn những người không quen anh nhưng muốn chạm cốc với anh.
Sau chuyến đi thứ nhất với tư cách matađo chính thức, vào những ngày mùa đông, Gađacđô tối tối mặc cái áo choàng rất đẹp có cổ nhỏ, trang trí hoa mỹ với những nhánh lá và hoa văn thêu bằng lụa đen, đến nói chuyện với Cacmen bên cửa sổ nhà cô:
- Nghe nói anh hay uống rượu lắm, Cacmen thở dài nói, mặt áp vào chấn song cửa sổ.
- Ối chào!... Xã giao của bạn bè đối với anh và anh phải đáp lại thôi... Vả lại, em biết đấy, đấu sĩ thì phải thế nào, không thể sống như một ông thầy tu.
- Có người nói với em rằng anh đi với những phụ nữ lăng nhăng.
- Bậy nào! Đó là xưa kia, khi anh chưa biết em... A! Bọn hèn mạt! Anh muốn biết những đứa nào đã nói với em những chuyện làm cho em đau khổ như thế!
- Khi nào thì chúng ta cưới? Cô nói tiếp, cắt ngang cơn tức giận của người yêu bằng câu hỏi đó.
- Khi nào làm nhà xong. Xin Chúa cho nó xong thật sớm! Cái ông anh rể vớ vẩn của anh cứ kéo dài ra mãi. Ông ấy xoay xở vớ bẫm nên cứ lần chần mãi.
- Bao giờ em về làm vợ anh, em sẽ tổ chức lại. Anh sẽ thấy mọi cái đều đâu ra đấy. Anh sẽ thấy mẹ rất yêu em...
Và những cuộc chuyện trò ấy cứ tiếp diễn trong lúc chờ đợi ngày cưới mà khắp thành phố Xêvilơ đều nói tới. Chú thím của Cacmen thảo luận về vấn đề này với bà Aoguxtiax mỗi khi hai bên gặp nhau. Tuy vậy, rất ít khi Gađacđô bước chân vào nhà người yêu, dường như có cái gì ghê gớm lắm ngăn cấm anh. Thực ra theo phong tục, hai anh chị thích gặp nhau ở bên cửa sổ hơn.
Mùa đông trôi qua, Gađacđô cưỡi ngựa đi săn ở dinh cơ của mấy nhà giàu lớn đối xử thân mật với anh và ra vẻ che chở anh. Anh cần rèn luyện liên tục cho thân thể nhanh nhẹn phòng lúc bắt đầu mùa đấu mới. Anh rất sợ mất "khả năng" nghĩa là mất sức mạnh và nhanh nhẹn.
Người quảng cáo không biết mệt nhất cho Gađacđô là Đông Hôxê, một ông đứng làm người ủy quyền cho anh và gọi anh là matađo của ông ta. Đông Hôxê can thiệp vào mọi hành động của Gađacđô và tự cho mình những quyền lớn hơn cả quyền của chính gia đình anh. Đó là một tư nhân sống bằng lợi tức, chỉ có mỗi một công việc là tán chuyện về bò mộng và đấu sĩ. Đối với ông, những cuộc đấu bò là cái thú duy nhất ở trên đời và ông chia các quốc gia ra làm hai loại: một loại là các quốc gia được ưu đãi, có những đấu trường, một loại là các quốc gia quá nhiều, không có ánh nắng mặt trời, không biết thế nào là vui vẻ, không có rượu măngdanila ngon và đáng thương nhất là không được xem những trận đấu bò - ngay cả những trận xoàng nhất - thế mà vẫn tưởng nước mình là cường quốc.
Ông mê đấu bò bằng tất cả nghị lực của một chiến sĩ và đức tin của một pháp quan tôn giáo thời Trung cổ. Bụng phệ nhưng hãy còn trẻ, đầu hói, bộ râu vàng hoe, vui tính và hay cười trong đời sống hàng ngày, người chủ gia đình ấy lại dữ tợn và quyết liệt trên các bậc ngồi của đấu trường, mỗi khi người bên cạnh phát biểu một ý kiến khác với ông. Ông cảm thấy mình có thể đánh nhau với tất cả khán giả để bảo vệ một đấu sĩ bạn của ông, ông phá rối những tiếng hoan hô của công chúng bằng những lời phản kháng bất ngờ khi tiếng hoan hô ấy dành cho một đấu sĩ không có cái may mắn được ông ưa thích.
Xưa kia ông là sĩ quan kỵ binh vì thích ngựa hơn là thích chiến tranh. Cái bụng phệ và tính mê đấu bò đã làm cho ông xuất ngũ, và bây giờ mùa hè thì ông dùng để đi xem các trận đấu bò còn mùa đông thì để nói chuyện đó.
Làm người hướng dẫn, quân sư và người ủy quyền của một matađo! Khi tham vọng đó nẩy ra trong đầu, ông thấy tất cả các matađo bậc thầy đều đã có người ủy quyền rồi cho nên sự xuất hiện của Gađacđô là một điều tối may mắn đối với ông. Hễ ai tỏ ý nghi ngờ tài năng người matađo của ông, tức thì ông giận đỏ mặt tía tai và cuộc cãi vã nhau về đấu bò lập tức mang hình thức một cuộc xung đột cá nhân. Đã có lần trong một tiệm cà-phê, ông dùng can nện hai kẻ ngu dốt dám chê người matađo mới(14) là quá táo bạo, và ông coi đó là một hành động oanh liệt. Đối với ông báo chí và quảng cáo in ra hình như không đủ để xưng tụng Gađacđô, vì thế những buổi sáng mùa đông ông đến đứng tại một góc hè có ánh mặt trời sưởi ấm, ngay đầu phố Rắn, nơi thường có một số bạn hữu của ông qua lại.
- Hoàn toàn như vậy! Chỉ có một người thôi! Ông nói to như nói một mình, vờ như không trông thấy những người đang đi tới. Người số một trên thế giới đấy! Ai không đồng ý như vậy thì cứ bảo tôi... Đúng thế, người duy nhất đấy!
- Người nào cơ? Các bạn ông hỏi lại với vẻ giễu cợt, giả vờ không hiểu.
- Người nào ư?... Huan chứ còn ai!
- Huan nào?
Đến đây, ông làm ra vẻ ngạc nhiên và tức giận:
- Huan nào à?... Thế ra có nhiều Huan ư?... Chỉ có Huan Gađacđô thôi!
- Xin nói thật, mình cứ tưởng cậu sắp cưới người ấy làm vợ?
Một lúc sau, trông thấy một số bạn khác đi tới, ông quên bẵng những người vừa mới đùa xỏ ông và ông lại bắt đầu nói:
- Hoàn toàn như vậy! Chỉ có một người thôi! Người số một trên thế giới! Ai không đồng ý như vậy thì cứ việc mở mồm: tôi sẽ cho biết tay!
Đám cưới của Gađacđô thật linh đình. Nhân dịp ấy, nhà mới được khánh thành. Bác thợ yên ngựa hãnh diện khoe với mọi người cái sân, hàng cột, lớp gạch men y như những cái đó do chính tay bác làm ra.
Lễ cưới được tổ chức ở nhà thờ Xăng Gin, trước tượng Đức Bà Đồng Trinh Đáng Trông Cậy thường gọi là Đức Bà Đồng Trinh Macarêna. Lúc ở nhà thờ ra, ánh mặt trời rực rỡ làm nổi bật những đóa hoa nước ngoài và những con chim màu lòe loẹt, trên hàng trăm chiếc khăn san có các hình vẽ Tàu của các cô phù dâu. Một nghị sĩ cũng đến "đỡ đầu" cho đám cưới. Trong số những chiếc mũ dạ trắng hoặc đen của những người trong giới đấu bò được mời đến dự, người ta chú ý đến những chiếc mũ cối cao bóng loáng của ông ủy quyền và các nhân vật khác vốn khâm phục Gađacđô. Ai nấy tươi cười, khoái chí thấy mình được thơm lây khi đi cạnh người matado.
Ở cửa nhà có phát chẩn suốt ngày hôm đó. Dân nghèo ở các làng bên cũng kéo đến vì nghe đồn về đám cưới linh đình này.
Đại tiệc được bày trong sân. Những nhà nhiếp ảnh đến làm vài "bô" cho các báo ở Mađrit, vì đám cưới của Gađacđô là một sự kiện quốc gia. Đến tận khuya, tiếng ghi ta vẫn còn réo rắt kèm theo tiếng vỗ tay và tiếng cátxtanhét(15). Các cô gái, tay giơ cao, dậm đôi chân nhỏ nhắn xuống sàn cẩm thạch, váy và khăn san quay tít xung quanh tấm thân xinh đẹp của các cô theo nhịp múa xêvinala(16). Những chai rượu vang ngon Ăngđalu mở bôm bốp hàng tá và những cốc rượu giêrê ấm áp, rượu môngtila dễ say, rượu măngdanila vùng Xăng Luca màu nhạt hương thơm được chuyển từ tay này qua tay khác.
Ai nấy đều say sưa một cách êm ái, yên tĩnh và buồn dìu dịu, và cái đó biểu lộ qua những tiếng thở dài và những tiếng hát. Thỉnh thoảng nhiều người lên tiếng ca những bài buồn nói đến ngục tù, giết chóc và cả đến "bà mẹ tội nghiệp" tức là Nàng thơ bất diệt của dân ca xứ Ăngđaludi.
Đến nửa đêm, người khách cuối cùng cáo từ, trong nhà chỉ còn đôi vợ chồng trẻ và bà Aoguxtiax. Ra về với vợ, bác thợ yên ngựa có vẻ thất vọng. Say rượu, bác càng tức giận vì thấy không ai đoái hoài đến bác hôm nay. Bác chẳng là một nhân vật quan trọng hay sao? Bác chẳng là người trong gia đình hay sao?
- Họ đuổi chúng ta đấy, Anhcacnaxiông ạ! Cái mợ giả vờ hiền lành ngây thơ ấy, có một bộ mặt giống Đức Bà Đồng Trinh Đáng Trông Cậy sẽ cai quản tất cả, chẳng còn gì cho chúng ta đâu! Mình sẽ thấy trẻ con đầy nhà!...
Ông chồng đông con này tức giận nghĩ rằng cậu em vợ cũng sắp có nhiều con, và bầy trẻ ấy ra đời chỉ để làm hại bầy con của bác thôi.
Nhưng một năm trôi qua mà lời tiên đoán của Ăngtôniô xem ra không có chiều thực hiện. Gađacđô và Cacmen xuất hiện trong mọi cuộc hội hè với vẻ sang trọng thanh lịch của một đôi vợ chồng giàu có và được quý trọng: chị quàng những chiếc khăn san làm cho những phụ nữ nghèo phải trầm trồ kêu lên, còn anh thì trưng diện nhiều hạt kim cương và luôn luôn sẵn sàng móc ví để trả món gì đó cho bạn bè hoặc để bố thí cho ăn mày kéo đến hàng đàn. Những cô gái bôhêmiêng, da màu hồng và lắm mồm như phù thủy, vây quanh Cacmen để đoán cho chị nhiều điều may mắn.
- Xin Chúa ban phúc cho bà! Bà sắp có một cậu con trai, đẹp hơn thiên thần! Bà đã đi được gần nửa đường rồi đấy!...
Cacmen chớp mắt nhìn xuống, đỏ mặt, sung sướng, còn anh matođo thì ngẩng cao đầu kiêu hãnh về công trình của mình nhưng vẫn vô ích. Đứa con chờ đợi không đến.
Một năm nữa lại trôi qua mà cặp vợ chồng vẫn chưa thực hiện được điều mơ ước. Bà Aoguxtiax nổi giận, khi có người nhắc đến chuyện đáng buồn ấy với bà. Tất nhiên bà có những đứa cháu khác, con của Anhcacnaxiông, những đứa này theo ý muốn dứt khoát của bố, ở thường xuyên tại nhà bà ngoại và ra sức lấy lòng cậu mợ của chúng. Nhưng bà Aoguxtiax rất muốn chuộc lại sự đối xử nghiệt ngã của bà khi xưa bằng cách giành cho Gađacđô tất cả tình yêu thương ngày nay, vì vậy bà mong anh cho bà một đứa cháu để bà nuôi dạy theo kiểu của bà và để bà dồn cho nó sự trìu mến mà bà đã không đem cho bố nó thời còn bé và khổ sở.
- Tôi hiểu tại sao như vậy! bà buồn rầu nói. Cacmen lo lắng nhiều. Tội nghiệp con bé, phải trông thấy nó trong những ngày thằng Huan đi khắp các nơi!...
Mùa đông tới là mùa rỗi rãi, Gađacđô ở Xêvilơ hoặc về nông thôn để thử(17) mấy con bò non hoặc đi săn.
Khi đó mọi việc đều êm ả. Cacmen rất sung sướng vì chị biết rằng chồng chị không gặp sự nguy hiểm nào cả. Cho nên chị cười luôn luôn và sắc mặt hồng hào. Nhưng mùa xuân lại tới, Huan lại lên đường đi đấu ở khắp nước Tây Ban Nha, thế là người phụ nữ tội nghiệp, mặt tái nhợt và đau khổ, luôn luôn ngơ ngác, hễ nghe ai nói bóng gió là đôi mắt kinh hãi mở to và ứa lệ.
- Năm nay anh ấy có tới bảy mươi hai trận đấu. Những khách hay đến nhà nói về các hợp đồng của Gađacđô. Không ai được chuộng bằng anh ấy.
Cacmen mỉm cười buồn bã. Trong bảy mươi hai buổi chiều lo sợ đó, chị sẽ như một tử tù đem tới nhà nguyện trước khi bị hành hình, chị sẽ vừa mong vừa sợ một bức điện gửi tới. Trong bảy mươi hai buổi chiều kinh hoàng đó, chị sẽ hốt hoảng cầu nguyện chỉ lo khi đọc kinh quên mất một tiếng có thể ảnh hưởng đến số phận của người vắng mặt! Trong bảy mươi hai buổi chiều ác nghiệt ấy, chị sẽ ngạc nhiên đau đớn thấy mình vẫn sống trong một ngôi nhà thanh bình yên tĩnh, trông thấy những bộ mặt quen thuộc quanh mình, cảm thấy cuộc sống vẫn trôi đi một cách bình thường êm ả như không có chuyện gì xảy ra, nghe tiếng các cháu chơi trong sân và tiếng người hàng hoa rao ngoài phố trong khi người chồng thân yêu của chị, trước hàng vạn con mắt, phải chiến đấu với những con thú dữ và thấy Thần Chết lướt qua mỗi khi anh múa mảnh vải đỏ.
Ôi! Trong những ngày đấu bò, những ngày hội mà trời có vẻ đẹp ra, mà phố xá vắng vẻ trong mấy ngày làm việc trước nay vang lên dưới những gót giầy của những người đi dạo chơi chủ nhật, những ngày mà trong cái quán rượu ở cạnh nhà tiếng ghi-ta rộn rã, tiếng hát và tiếng vỗ tay thì Cacmen ăn mặc đơn giản, chiếc khăn trùm đầu kéo xuống tận mắt, ra khỏi nhà để trốn những cơn ác mộng và vào ẩn trong các nhà thờ. Lòng mộ đạo giản dị khiến chị đâm ra mê tín vớ vẩn những khi lo ngại. Chị đi lang thang từ thánh đường này sang thánh đường khác tùy theo chị tin rằng ảnh thánh này hay ảnh thánh kia linh thiêng hơn.
- Có những hôm chị vào Xăng Gin, một ngôi nhà thờ bình dân đã chứng kiến những giây phút vui nhất của đời chị, chị quỳ xuống trước bức tượng Đức Mẹ Macarêna, ngắm rất lâu khuôn mặt màu nâu của pho tượng có đôi mắt huyền và những hàng mi dài, pho tượng mà người ta nói giống chị. Chị để hết lòng tin vào Đức Mẹ Đồng Trinh này chắc hẳn có lý do gì người ta mới gọi là Đức Bà Đáng Trông Cậy và chắc hẳn giờ này Đức Bà che chở cho Huan. Nhưng chẳng bao lâu sự nghi hoặc và lo sợ lại xuyên qua lòng tin và làm chị đau khổ. Đức Bà Đồng Trinh chỉ là một phụ nữ, mà phụ nữ thì có làm gì được mấy! Số phận của phụ nữ là đau khổ và khóc than, như bản thân chị khóc vì chồng, như Đức Bà khóc vì con. Vậy chị cần đến những uy quyền cương quyết hơn, phải van xin một sự che chở mạnh mẽ hơn. Đau khổ tạo nên ích kỷ. Thế là chị bỏ thẳng Đức Bà Macarêna như người ta quên lãng một tình bạn vô ích. Lần sau chị đến nhà thờ Xăng Lôrăngđô để tìm Chúa Jêxu Toàn Năng, vừa là người vừa là thượng đế, đầu đội mũ gai, vác cây thập giá, nhễ nhại mồ hồi và ràn rụa nước mắt, một tác phẩm của Môngtanét(18) trông rất sợ.
Tấn bi kịch của người vùng Nadarét(19) kia vấp ngã vào những hòn đá, gục khuỵu dưới cây thập giá nặng trĩu có vẻ an ủi người phụ nữ đau khổ. Danh hiệu mơ hồ và huy hoàng của Chúa Jêxu làm cho chị an tâm. Nếu bức tượng của Chúa mặc áo lụa tím có thêu chỉ vàng kia đoái nghe những lời than thở của chị và những kinh mà chị cầu hấp tấp lạ thường để có thể cầu được nhiều lời nhất trong một thời gian ngắn nhất, chị chắc rằng Huan sẽ bình yên ra khỏi đấu trường, nơi anh đang đấu lúc này. Có những lần khác, chị cho tiền người giữ đồ thánh đã thắp cho chị vài cây sáp và chị đứng hàng giờ ngắm ánh sáng nhỏ của nó hắt lên pho tượng, tưởng đâu như trên bộ mặt sơn tranh sáng tranh tối kia thoáng qua một nụ cười an ủi, một dấu hiệu nhân từ báo trước hạnh phúc.
Đức Chúa Jêxu Toàn Năng quả không lừa dối chị. Về đến nhà, chị thấy mảnh giấy nhỏ màu lơ, chị mở nó bằng bàn tay run run: "Không có gì mới". Thôi thế là chị lại thở được, ngủ được, như một tử tù thoát khỏi cái chết trong một thời gian. Nhưng hai ba hôm sau chị lại phải chịu đựng cảnh đọa đầy của cái bất trắc, sự hành hạ của cái chưa biết.
Đôi khi, vì cùng cảnh sui nên đoàn kết, chị đi thăm vợ của những đấu sĩ trong đội của chồng chị, làm như mấy người phụ nữ ấy có thể cho chị biết tin tức.
Vợ của Người Quốc dân mở một tiệm rượu ở ngoại ô. Bác ta tiếp vợ của nhà matađo một cách bình tĩnh và ngạc nhiên về những sự lo sợ của chị. Về phần bác ta thì đã quen với cuộc sống hiện thời. Chồng bác chắc bình yên, vì không thấy tin tức gì cả. Các bức điện thì tốn tiền mà một người banđêridiêrô đâu có kiếm ra nhiều tiền. Vì những người bán báo không rao rằng có tai nạn, bác có thể kết luận rằng không có sự rủi ro nào xẩy ra hết. Và bác tiếp tục trông nom tiệm rượu, dường như mọi nỗi lo sợ không thể thấm vào tình cảm bọc kín của bác.
Có lần vượt qua cầu, Cacmen đến nhà vợ của chú Pôtagiê, một picađo trong đội của chồng chị, ở ngoại ô T'riana. Chị này là một người bôhêmiêng sống trong một căn nhà lụp xụp trông như chuồng gà với một đàn con bẩn thỉu da màu hồng và chị dọa nạt con cái bằng những tiếng thét oang oang như lệnh vỡ. Thấy vợ của ông đội trưởng đến thăm, chị ta lấy làm vinh dự, nhưng những giọt nước mắt của Cacmen làm chị suýt bật cười. Chị nói:
- Không việc gì phải sợ. Các đấu sĩ đứng trên mặt đất bao giờ cũng tránh được tai nạn, vả lại ông Gađacđô bao giờ cũng gặp may. Nói tóm lại, bò mộng mấy khi giết được người matađo. Đáng sợ nhất là ngã ngựa. Ai chẳng rõ các picađo cuối cùng sẽ đi đến đâu sau một cuộc đời toàn ngã là ngã một cách kinh khủng: người nào không chết tại chỗ trong một tai nạn bất ngờ và khủng khiếp, ắt chết vì phát điên. Anh Pôtagiê nhà tôi chắc chắn sẽ chết như vậy: anh ấy phải chịu đựng tất cả những cái đó chỉ vì mấy chục đồng đuarô, chứ còn nhiều người khác thì...
Câu cuối cùng này, chị không nói hết, nhưng ánh mắt của chị biểu lộ một sự phản kháng ngầm đối với những cái bất công của số phận và đối với những chàng trai đẹp đẽ ngay từ khi cầm thanh kiếm đã tranh hết những tiếng hoan hô, danh vọng và tiền bạc mà chẳng bị nguy hiểm gì hơn những người phụ tá vô danh của mình.
Dần dần Cacmen quen đi với tình cảnh của mình. Sự chờ đợi ác nghiệt trong những ngày có cuộc đấu, những cuộc đi cầu khẩn Đức Bà và các vị thánh khác, những sự e ngại có tính chất mê tín, chị coi như những điều tất nhiên phải có trong cuộc đời của chị.
Hơn nữa, chồng chị luôn luôn gặp may và những câu chuyện mà người ta thường nói ở nhà chị về tình tiết của các cuộc đấu làm chị quen đi với nguy hiểm. Dần dần chị thấy con bò mộng man dại thành một con vật hiền lành cao quý, sinh ra đời chỉ để đem lại giàu sang vinh hạnh cho những người làm nghề giết nó.
Cacmen không bao giờ đi xem đấu bò mộng. Từ buổi chiều chị trông thấy người tương lai của chị bước vào nghề trong một trận đấu của những matađo tập sự, chị không hề trở lại đấu trường. Chị cảm thấy không đủ can đảm để xem một cảnh tượng như vậy, kể cả khi Gađacđô không đóng vai trò gì ở trong đó. Chị sẽ sợ đến chết ngất nếu trông thấy những người ăn mặc như Huan đương đầu với nguy hiểm.
Ba năm sau ngày cưới, Huan bị thương trong một trận đấu ở Valăngxơ. Cacmen không được báo tin ngay. Bức điện vẫn tới vào đúng giờ của nó và mang dòng chữ thường lệ: "Không có gì mới". Cái đó là nhờ sự thận trọng tế nhị của Đông Hôxê, người ủy quyền của Gađađô, ngày nào ông cũng đến nhà Cacmen dùng mọi mưu mô khôn khéo để làm cho chị không đọc báo để khỏi buồn phiền, do đó trong suốt một tuần lễ chị không hề biết việc chẳng may.
Đến khi Cacmen biết chuyện do miệng bép xép của mấy người láng giềng, chị muốn lên tàu ngay lập tức để đến bên chồng, vì chị tưởng rằng Gađacđô bị mọi người bỏ rơi và không có ai săn sóc. Nhưng rồi việc đó không cần. Đúng lúc chị sắp lên đường, anh matađo về tới nhà, người mất máu xanh xao, một chân phải bất động trong một thời gian dài nhưng anh vẫn cố làm ra bộ nhanh nhẹn khoẻ mạnh vì muốn làm cho gia đình yên lòng. Từ đó nhà anh trở thành một cung thánh, hàng trăm người thành kính đi qua sân để vào chào "người số một trên thế giới" ngồi trong một chiếc ghế bành bằng cói, cái chân đau duỗi lên một cái ghế đẩu, bình tĩnh hút thuốc lá, dường như da thịt anh không bị một vết thương khủng khiếp làm rách nát.
Bác sĩ Ruix, người đưa anh về Xêvilơ, tuyên bố rằng trong vòng một tháng nữa thì anh sẽ khỏi, sức sống của cơ thể anh làm cho bác sĩ ngạc nhiên. Mặc dầu đã lâu năm làm phẫu thuật, bác sĩ vẫn chưa hiểu tại sao các đấu sĩ lại có khả năng hồi phục lớn đến thế. Một cái sừng bò dây toàn máu và cứt, nhiều khi còn toác ra ở đầu thành nhiều cái gai nhỏ, đâm vào da thịt làm nó rách nát, lõm vào gây ra một vết thương vừa sâu vừa bầm tím, vừa rứt thịt. Thế mà những vết thương kinh khủng đó lại khỏi nhanh hơn những vết thương bình thường.
- Tại sao như thế nhỉ? Nhà giải phẫu lão thành ngẩn ngơ nói. Tôi không biết. Thật là kỳ lạ. Hoặc những chàng trai này có những cơ bắp loài chó, hoặc cái sừng bẩn như vậy có một đặc tính chữa bệnh mà chúng ta chưa biết đến.
Ít lâu sau, Gađacđô lại bắt đầu đi đấu bò và trái với sự tiên đoán của các kẻ thù, tai nạn không hề làm giảm đi chút nào nhuệ khí của anh.
Sau khi cưới vợ bốn năm, Gađacđô tặng mẹ và vợ một món quà lớn bất ngờ. Gia đình sắp thành địa chủ, địa chủ lớn hơn nữa kia, có những đất đai rộng mênh mông, những vườn ô liu, những cối xay bột, những đàn gia súc, một cơ ngơi đẹp chẳng kém gì cơ ngơi của những người giàu có nhất Xêvilơ. Giống mọi đấu sĩ khác, Gađacđô chỉ mơ ước làm địa chủ, có nhiều ngựa nhiều bò. Sự giàu sang ở thành thị và các chứng khoán không hấp dẫn đối với họ vì họ chẳng hiểu gì về những cái đó, nhưng bò mộng làm cho họ nghĩ đến những cánh đồng cỏ xanh rờn, ngựa nhắc họ đến nông thôn. Việc luôn luôn cần vận động thân thể và tập luyện, việc săn bắn và đi bộ trong mùa đông khiến họ thèm muốn sở hữu vườn đất. Theo nhận xét của Gađacđô, người ta chỉ có thể coi là giàu khi có một cái trại và nhiều gia súc. Những năm nghèo đói phải cuốc bộ trên các nẻo đường giữa những vườn ruộng, trại ấp làm cho anh rất thèm một khoảnh đất rộng hàng nhiều dặm xung quanh cắm cọc nối lại với nhau bằng dây thép gai để cấm người ngoài vào.
Người ủy quyền của anh biết anh có nguyện vọng đó. Ông ta tất tả ngược xuôi vì quyền lợi của Gađacđô, thu tiền của nhà thầu, lập bảng chi thu mà ông uổng công giải thích cho người matađo của ông hiểu.
- Tôi chẳng hiểu gì về những trò ma ấy đâu! Gađacđô tuyên bố hãnh diện về sự dốt nát của mình. Tôi chỉ biết giết bò. Ông muốn làm gì thì làm, Đông Hôxê ạ. Tôi tin tưởng ở ông, tôi chắc ông sẽ hết sức cố gắng.
Đông Hôxê chẳng để ý gì đến tài sản của mình và phó mặc nó cho bà vợ ít kinh nghiệm của ông quản lý, nhưng lúc nào ông cũng lo lắng cho cơ nghiệp người matađo của ông và đầu tư vốn liếng của anh một cách hết sức tham lam để thu được nhiều lợi nhất cho anh. Một hôm ông vui vẻ đến bảo người được ông che chở:
- Tôi đã thực hiện được ước vọng của anh. Một cơ ngơi lớn như cả một xứ, và rất rẻ. Một dịp may tuyệt vời. Sang tuần sau, chúng ta sẽ lập văn tự.
Gađacđô muốn biết cái cơ ngơi ấy là cơ ngơi nào và nó ở đâu:
- Trại Rinhcônađa ấy mà, nơi anh đã đấu khi còn ít tuổi ấy!
Thế là tất cả những mơ ước của Gađacđô đều đạt được.
Khi Gađacđô cùng vợ và mẹ đến nhận trại, anh chỉ cho hai người xem cái ổ rơm là nơi xưa kia anh đã ngủ với những thằng bạn nghèo, cái gian phòng là nơi anh đã ăn cùng bàn với người chủ trại, cái đấu trường nhỏ là nơi anh đã thắng một con bò non nên lần đầu tiên trong đời anh được đi xe lửa không phải trốn dưới gầm ghế xe.
-------
(1) Phố Rắn: một phố nhỏ nhưng rất náo nhiệt, có những hàng cà phê to nhất ở thành phố Xêvilơ.
 (2) Sacơtia: loại áo ngắn bó sát người mà những người đấu bò mộng hay mặc khi ra phố.
 (3) Dapatêrinh: nghĩa đen là thằng bé thợ giày.
 (4) Rinh sĩ: người giữ chức vụ khá lớn trong hàng giáo phẩm của một nhà thờ chính tòa đạo Thiên Chúa.
 (5) Vêrônica: kiểu múa áo choàng trong đó đấu sĩ đứng trước con bò, hai bàn chân thẳng hàng với hai chân trước của con vật, căng áo choàng ra, rồi khi con vật xông vào húc thì anh ta khiến nó tạt sang một bên bằng cách đưa áo choàng về
(6) Navara: kiểu múa áo choàng trong đó đấu sĩ cũng đứng ở tư thế như trên kia và căng áo choàng gần sát mặt đất. Khi con vật xông vào húc, anh ta nâng nhanh áo lên phía trên đầu nó.
 (7) Milo: Xuất xứ từ tiếng Anh, nghĩa là quý ngài, chỉ những người quý tộc.
 (8) Cabextơrô: loại bò đã được dạy dỗ, đưa vào đấu trường để dẫn bò mộng trở về chuồng, vì bò mộng đã quen đi theo nó một cách ngoan ngoãn.
 (9) Macarêna: Khu ngoại ô ở Xêvilơ, tiếp giáp với phố Fêria.
 (10) Rôgiê Đê Flo: Tên một người phiêu lưu thời Trung cổ, gốc ở nước Đức, đến lập nghiệp ở Branhđơ trong vương quốc Naplơ. Ông cầm đầu một cuộc viễn chinh từ Métxinơ đến Côngxtăng- tinôplơ và được hoàng đế Angđrônic II ban cho phẩm tước cao nhất đế quốc. Sau đó ông cầm quân đánh nhau với người Thổ Nhĩ Kỳ và thắng nhiều trận lớn. Nhưng sau ông bị thái tử Misen Palêôlôgơ triệu về triều và chém đầu trong một bữa tiệc.
 (11) Các ông hoàng: chỉ các matađo lừng danh.
 (12) Thủ đô: Mađrit là thủ đô của nước Tây Ban Nha.
 (13) Những người matađo chính thức mới được quyền đấu những trận lớn.
 (14) Người matađo mới: Chỉ Huan Gađacđô.
 (15) Cátxtanhét: một thứ phách Tây Ban Nha bằng gỗ hoặc bằng ngà.
(16) Xêvinala: một điệu múa phổ biến ở Xêvilơ.
 (17) Thử: thử bò ở các trại chăn nuôi, để phân loại thành bò đấu và bò thịt. Sau khi thử, những con được chọn làm bò đấu sẽ được chăm sóc theo một chế độ ưu đãi.
 (18) Môngtanét: nhà điêu khắc nổi tiếng, chết năm 1649, chuyên tạo những pho tượng nhiều màu mà một số lớn vẫn còn giữ được ở các nhà thờ của thành phố Xêvilơ.
(19) Người vùng Nadarét: chỉ Chúa Jêxu, vì gia đình Người sống ở Nadarét cho đến khi Người được rửa tội. Nadarét thuộc thành phố Jêrudalem ở xứ Juđêa.