Chương 4

Mùa đông khi Gađacđô không ở trại Rinhcônađa, một nhóm bạn bè tụ họp ở nhà anh trong phòng ăn sau những bữa ăn tối.
Những người đến đầu tiên bao giờ cũng là bác thợ yên ngựa và vợ bác, không kể hai đứa con của hai bác ở thường xuyên tại nhà Gađacđô. Cacmen vui lòng cho hai đứa cháu nhỏ tuổi nhất ở với chị có lẽ vì sự im lặng của ngôi nhà rộng quá đè nặng lên tâm tư chị và chị muốn quên cảnh hiếm hoi của mình. Hai đứa bé, một phần do tình cảm tự nhiên một phần do bố mẹ chúng đã dặn kỹ, luôn luôn nũng nịu với người mợ xinh đẹp và người cậu hào phóng, hết hôn hai người lại khò khè trên đùi họ như những con miu con.
Anhcacnaxiông bây giờ cũng xồ xề như bà mẹ với cái bụng biến dạng sau nhiều lần chửa đẻ và mép bắt đầu có ria do tuổi tác. Bác vừa cười một cách xu nịnh với người em dâu vừa phàn nàn rằng mấy đứa con của bác làm phiền mợ quá. Cacmen chưa kịp đáp thì bác thợ yên ngựa đã nói xen vào:
- Mình đừng mắng chúng nó! Chúng nó yêu cậu mợ chúng nó lắm! Nhất là con bé, nó không thể sống xa mợ Cacmen của nó...
Hai đứa trẻ ở đây y như ở nhà mình. Với sự tinh quái trẻ thơ, chúng đoán biết bố mẹ chúng muốn chúng làm gì: chúng ra sức tán tỉnh, nhõng nhẽo cậu mợ giàu có mà chúng thấy mọi người kính nể. Bữa cơm tối vừa xong là chúng hôn tay bà Aoguxtiax và bố mẹ, ôm lấy cổ Gađacđô và Cacmen rồi rời phòng ăn để đi ngủ.
Bà cụ ngồi trong chiếc ghế bành ở đầu trên của bàn ăn. Khi anh matađo có khách khứa, hầu như bao giờ họ cũng là những người có địa vị trong xã hội làm cho bà mẹ không muốn ngồi vào ghế danh dự. Nhưng con trai bà phản đối:
- Thôi nào mẹ! Chỗ cao nhất là chỗ mẹ có quyền ngồi. Mời mẹ ngồi xuống đây, nếu không chúng con cũng sẽ không ngồi.
Rồi anh đưa cánh tay cho bà vịn, dẫn bà đến cái ghế bành của bà, nói với bà những lời âu yếm nhất, dường như anh muốn đền bù những cái vất vả mà anh đã gây ra cho bà trong thời niên thiếu của anh.
Buổi tối khi Người Quốc dân đến chơi nhà đội trưởng, vì bác muốn làm bổn phận của người thuộc hạ, thì cuộc họp mặt vui nhộn hẳn lên.
Gađacđô mặc cái áo damara(1) sang trọng như một địa chủ nông thôn, để đầu trần và món tóc côlêta ốp xuống tận trán, tiếp người banđêridiêrô của mình với vẻ thân mật bông đùa. Anh nói:
- Giới hâm mộ nói thế nào? Họ phao những tin nhảm gì. Công việc nước Cộng hòa đi đến đâu rồi?
- Garabtô, anh nói tiếp, rót cho bác ấy một cốc rượu vang.
Nhưng Người quốc dân từ chối không uống. Bác nói:
- Tôi không uống. Tôi không uống rượu bao giờ. Nếu tình hình của công nhân lạc hậu một cách thảm hại như hiện nay, chính là lỗi tại rượu.
Mọi người cười ồ, dường như Người Quốc dân đã thốt ra một câu rất ngộ mà ai nấy đang chờ đợi. Rồi Xêbatchiêng (2) lại tiếp tục nói kiểu đó.
Người duy nhất ngồi im với cặp mắt đầy ác cảm là bác thợ yên ngựa. Bác ghét Người Quốc dân mà bác coi như kẻ thù. Cũng là một người chồng thành thực và trung thành, Xêbatchiêng cũng mắn con và một bầy nhóc ríu rít trong tiệm rượu quanh gấu váy mẹ. Hai đứa bé nhất là con đỡ đầu của Gađacđô và Cacmen. Thành ra anh matađo và người banđêridiêrô gắn bó với nhau bằng quan hệ cùng là cha của mấy đứa trẻ.
"Thằng đạo đức giả! Chủ nhật nào nó cũng dẫn đến nhà cậu mợ Gađacđô hai đứa con ăn mặc diêm dúa nhất để hôn lên tay bố mẹ đỡ đầu!". Bác thợ yên ngựa tức uất tái mặt mỗi khi các con của Người Quốc dân nhận được một món quà. "Chúng nó đến ăn cắp của con mình, bác nói, Thằng láu cá ấy có thể nghĩ rằng một phần gia tài của Gađacđô sẽ về tay mấy đứa con đỡ đầu! Ôi chao! Thằng ăn cắp! Một kẻ không phải là người trong gia đình!...".
Khi nào bác thợ yên ngựa không trả lời những bài diễn thuyết của Người Quốc dân bằng thái độ im lặng lầm lì và con mắt đầy hận thù, bác tìm cách sỉ nhục người banđêridiêrô bằng cách tuyên bố rằng theo ý bác điều mà người ta cần làm và làm ngay tức khắc là xử bắn kẻ nào gieo rắc trong nhân dân những tư tưởng sai lầm và phiến loạn, vì đó là một mối nguy cơ cho những người lương thiện.
Người Quốc dân nhiều hơn đội trưởng của mình mười tuổi. Khi Gađacđô mới bắt đầu đi múa áo choàng, bác đã là banđêridiêrô trong những đội đấu chính thức. Bác đã làm một chuyến sang châu Mỹ, đã giết bò ở Lima. Khi mới vào nghề bác cũng có tiếng tăm phần nào vì khi đó bác trẻ và nhanh nhẹn. Trong vài tháng, bác cũng được coi là "đấu sĩ của ngày mai", và những nhà hâm mộ đấu bò ở Xêvilơ rất chú ý đến bác, hy vọng rằng bác sẽ làm lu mờ matado của các tỉnh khác. Nhưng tình hình đó không bền. Từ châu Mỹ bác mang về uy tín của những thành tích xa xôi và lờ mờ, công chúng đổ xô đến đấu trường Xêvilơ để xem bác giết bò ra sao. Chẳng may trong cuộc thử thách có tính chất quyết định ấy, bác "rét" như những người hâm mộ đấu bò thường nói. Bác cắm cây banđêri một cách vững vàng xứng danh là một người nghiêm chỉnh làm việc có lương tâm, nhưng đến khi phải giết con bò thì bản năng sinh tồn, mạnh hơn ý chí, khiến bác đứng quá xa con thú và không dám lợi dụng những ưu điểm về chiều cao và sức mạnh cánh tay của bác.
Thế là Người Quốc dân không dám mơ ước những vinh quang tột đỉnh của môn đấu bò nữa. Bác thành một người banđêridiêrô không hơn. Bác đành làm một cùng đinh trong nghệ thuật ấy, phụ thuộc vào những "sư phụ" trẻ hơn, chỉ kiếm được đồng lương xoàng của một pêông để nuôi sống gia đình và tiết kiệm ít tiền cần thiết để mở một cửa hàng nhỏ. Tính trung thực và sinh hoạt đứng đắn của bác nổi tiếng trong giới mang côlêta. Vợ đội trưởng của bác rất mến bác và coi bác như một vị thần hộ vệ trông nom lòng chung thuỷ của anh matađo. Về mùa hè, mỗi khi Gađacđô giết bò xong, và cùng đồng đội vào một quán cà phê có ca nhạc của một thị trấn, nôn nóng vui chơi và trác táng thì giữa các cô ca sĩ mặc đồ sa mỏng, mắt môi bôi xanh xanh đỏ đỏ. Người Quốc dân cứ nín lặng và nghiêm trang hệt một Đức Cha Sa mạc đứng giữa những cô gái giang hồ thành Alêchxăngđri. Không phải là bác khó chịu, mà là bác nghĩ đến vợ con đang chờ bác ở Xêvilơ. Bác cho rằng tất cả những sai lầm thói tật trên đời này đều do không có văn hóa mà ra và bác tin chắc rằng các cô gái tội nghiệp kia không biết đọc biết viết. Đó cũng là trường hợp của bác. Theo ý bác, khuyết điểm ấy mà bác cho là nguyên nhân của sự hèn kém và nông cạn của trí tuệ bác, đủ giải thích mọi cái khổ cực xấu xa trên đời này.
Thời trẻ, bác là công nhân ở một xưởng đúc và bác thường lắng tai nghe những đồng nghiệp may mắn hơn bác nên có thể đọc to lên những điều nói trong mấy tờ báo trung thành với lợi ích của nhân dân. Trong phong trào Quốc dân quân, bác đã nhập ngũ, xung vào một tiểu đoàn đội mũ đỏ tượng trưng cho ý chí liên hiệp không khoan nhượng. Bác đã đứng hàng buổi trước khán đài ở quảng trường, nơi mà các hội đoàn tổ chức họp liên tục và các diễn giả thay nhau diễn thuyết miên man từ sáng đến tối về tính linh thiêng của Chúa Jêxu và về tình hình lên giá của các nhu yếu phẩm.
Đến thời kỳ bị đàn áp, một cuộc đình công làm cho bác lâm vào cảnh khó khăn của một người thợ bị để ý vì tư tưởng cách mạng. Không có người chủ nào muốn thu nhận bác vào xưởng của mình.
Vốn yêu thích các cuộc đấu bò, bác quay ra làm đấu sĩ lúc hai mươi bốn tuổi, trong khi bác có thể chọn bất kỳ nghề nào khác. Bác hiểu biết nhiều và nói một cách khinh bỉ về những cái vô lý của xã hội hiện nay. Bỏ ra bao nhiêu năm để nghe đọc báo chẳng lẽ vô ích sao? Dù kém cỏi đến đâu trong ngành đấu bò, bác cũng kiếm được nhiều tiền hơn và sống dễ chịu hơn một người thợ, kể cả thợ giỏi. Để ghi nhớ thời bác còn cầm súng trong đội Quốc dân quân, người ta mệnh danh bác là Người Quốc dân.
Mặc dầu đã làm lâu năm trong ngành đấu bò, bác vẫn tỏ ý tiếc và thanh minh vì sao mình bước chân vào nghề đó. Quận ủy của đảng bác tuy ra quyết định khai trừ tất cả các đảng viên đi xem đấu bò vì đó là cảnh tượng dã man lạc hậu, nhưng đã áp dụng ngoại lệ đối với bác và vẫn để bác làm đảng viên chính thức.
Bác nói trong phòng ăn của Gađacđô: - Tôi chẳng lạ gì rằng các cuộc đấu bò có tính chất phản động... có một cái gì nhắc tới thời kỳ Pháp đình tôn giáo. Tôi xin lỗi, nếu như không giải thích được rõ hơn... Biết đọc biết viết cũng cần cho mọi người chẳng kém gì bánh mì và việc bỏ tiền ra xem chúng ta đấu trong lúc trường học còn thiếu là một tội lỗi. Các báo ở Mađrit đã khẳng định như vậy và họ rất có lý... Tuy vậy các đồng chí của tôi mến tôi và quận ủy tuy bị Đông Hôxêlitô khiển trách về vấn đề này, vẫn để tên tôi trên danh sách đảng viên.
Thái độ bình tĩnh của bác không hề bị lay chuyển trước những lời châm chọc, khôi hài điên cuồng của Gađacđô và các bạn anh khi nghe bác nói như vậy. Điều đó chứng tỏ rằng bác rất hài lòng và kiêu hãnh về cách đối xử đặc biệt của các đồng chí của bác đối với bác.
Đông Hôxêlitô, một thầy giáo quèn trường sơ học, một người hay nói và đầy nhiệt tình, đứng đầu quận ủy. Đó là một thanh niên gốc Do Thái, hăng hái trong các cuộc đấu tranh chính trị giống bảy anh em Mắccabêô (3) và hãnh diện về bộ mặt xấu xí màu xanh vàng và rỗ chằng rỗ chịt của mình vì nó làm cho anh trông hơi giống Đăngtông(4). Người Quốc dân cũng há hốc mồm ra nghe khi anh ta nói.
Mỗi khi ông ủy quyền và các bạn của Gađacđô công kích mỉa mai và phản đối quá đáng những quan điểm của Người Quốc dân thì bác ta lúng túng gãi đầu trông rất tội nghiệp:
- Các vị là những ông nọ ông kia, các vị đã được học, còn tôi thì tôi chẳng biết đọc biết viết. Chính vì thế mà những người thuộc giai cấp thấp mới dốt như bò. Chao ôi! Giá mà Đông Hôxêlitô có mặt ở đây nhỉ!... Cha mẹ ôi! Tôi rất muốn các vị được nghe anh ấy nói, anh ấy không chuẩn bị gì cả mà nói hay không chê vào đâu được.
Để củng cố lòng tin của mình hơi bị lung lay sau những trận tấn công kịch liệt của bọn người chế giễu, hôm sau Người Quốc dân đi gặp Đông Hôxêlitô. Là cháu chắt của những người tử vì đạo vĩ đại, Đông Hôxêlitô hình như cảm thấy một niềm khoái lạc chua chát khi cho Người Quốc dân xem "bảo tàng rùng rợn" của mình. Anh chàng Do Thái này khi trở về quê cha đất tổ, đã thu thập một số di vật thời Pháp đình tôn giáo rồi đem trưng bày trong một gian phòng của trường học. Anh làm việc đó một cách tỉ mỉ phục thù như một người tù vượt ngục lắp dựng lại từng mẩu xương của tên cai ngục. Ở gian phòng đó trong các ngăn tủ, xếp hàng dẫy những quyển sách bằng giấy da dê đóng gáy thuật lại những cuộc thiêu người, những lời thẩm vấn người bị cáo trong khi tra tấn. Trên tường căng một lá cờ trắng có hình cây thập giá xanh đáng sợ. Trong các góc phòng chồng chất những dụng cụ tra tấn kinh khủng, mà Hôxêlitô đã tìm thấy ở các cửa hàng bán đồ cũ, những đồ dùng để chém, để kẹp, để băm. Anh xếp ngay những vật ấy vào mục lục y như những đồ cổ lấy từ Ủy hội Pháp đình tôn giáo ở Rôma.
Người Quốc dân vốn hiền lành chất phác, dễ công phẫn nên rất giận khi trông thấy những đồ sắt gỉ ác nghiệt ấy và những cây thập giá xanh.
- Ôi chao ơi! Thế mà có kẻ nói rằng... Trời đất ơi!... Tôi chỉ muốn người ta đến đây mà xem...
Bác rất muốn cải giáo người khác, cho nên bác phô trương quan điểm của bác trong mọi trường hợp, bất chấp những lời giễu cợt của bạn bè. Nhưng ngay trong khi làm việc đó, bác tỏ ra rất hiều hậu vì không bao giờ bác dùng những lời lẽ kết tội cay độc. Theo bác, những người không quan tâm đến vận mệnh của nhân dân và không nằm trong danh sách đảng viên của đảng bác chỉ là những "nạn nhân đáng thương của chính sách ngu dân". Muốn thoát khỏi tình trạng đó, nhân dân phải được học đọc học viết. Riêng đối với bác, bác đành nhũn nhặn không dám tự cải tạo vì bác cho rằng đầu óc của bác đã quá rắn mất rồi, nhưng bác cho rằng toàn thế giới phải chịu trách nhiệm về sự dốt nát của bác.
Vào mùa hè, khi đội đấu của Gađacđô đi xe lửa từ tỉnh này sang tỉnh khác, người matađo ấy bước từ toa hạng nhất sang chơi với đồng đội ở toa hạng nhì, bỗng cửa toa mở ra, một cha xứ thôn quê hoặc vài thầy dòng bước vào. Thế là các banđêridiêrô lấy khuỷu tay hích nhau và liếc nhìn Người Quốc dân. Trông thấy kẻ thù, bác đột nhiên trở thành nghiêm trang hơn. Hai picađo Pôtagiê và Tragabuchơ vốn thô lỗ, hay gây gổ cãi cọ và rất ghét thầy tu, thì thầm kích bác:
- Họ rơi vào tay cậu đấy! Cậu cho họ một chùy đi!... Xổ cho họ một câu chế giễu kiểu của cậu đi!...
Gađacđô lấy quyền đội trưởng không cho phép ai chống lại, anh trừng mắt nhìn Người Quốc dân, nên bác đành ngậm miệng. Nhưng ở trong lòng bác có một cái gì mạnh hơn ý thức phục tùng, đó là nhiệt tình cải giáo người khác; thế là một câu nói chẳng đâu vào đâu đủ làm cho con người chất phác ấy bập ngay vào một cuộc tranh luận với mấy người mới đến và cố sức thuyết phục họ nhận ra chân lý. Nhưng chân lý ấy, theo sự hiểu biết của bác, giống một mớ bòng bong trong đó được nhắc đi nhắc lại một cách lộn xộn những tràng diễn thuyết của Đông Hôxêlitô. Các bạn của bác ngạc nhiên về sự hùng hồn của bác, giương to mắt, khoái chí thấy bạn mình đương đầu nổi với những người đã từng học tiếng la tinh và dồn họ vào chỗ lúng túng. Thực ra, cái đó chẳng khó gì vì những người trong hàng giáo phẩm Tây Ban Nha thường ít học.
Mấy tu sĩ, choáng váng trước biện chứng pháp hăng hái của Người Quốc dân và tiếng cười của các đấu sĩ khác, phải xoay đến luận điểm tối hậu của họ: "Sao thế nhỉ? Những người mà tính mệnh luôn luôn bị đe dọa lại không nghĩ đến Thiên Chúa và dám công nhận những điều vô đạo như vậy sao? Lúc này vợ họ, mẹ họ không cầu nguyện để họ khỏi bị nguy hiểm hay sao?...
Thế là các đấu sĩ nghiêm mặt lại với vẻ lo sợ, nghĩ đến những khánh bài và những bùa chú mà những bàn tay phụ nữ đã khâu vào trong chiếc áo đấu của họ lúc họ sắp rời Xêvilơ. Người matađo bị xúc phạm nặng đến lòng mê tín đã vợi đi, rất cáu Người Quốc dân, hình như hành động vô đạo của bác ta gây nguy cơ cho sự cứu rỗi phần hồn của chính anh.
- Im mồm đi đừng nói bậy nữa!... Xin các cha tha lỗi cho cậu ấy. Cậu ấy tốt, nhưng bị nhồi sọ những lời bố láo... Tôi bảo cậu im đi, không được cãi! Đồ quỷ! Cậu mà còn mở miệng thì tôi sẽ nhét...
Để xoa dịu mấy ông tư tế của Thiên Chúa mà anh cho là có quyền lực chi phối tương lai của mọi người, anh mắng chửi Người Quốc dân một thôi một hồi. Còn bác này bị rầy la nên im lặng một cách khinh khỉnh. "Ở đâu cũng chỉ thấy dốt nát mê tín! Bác nghĩ. Vì sao vậy? Vì không biết đọc biết viết...". Với lòng tin không gì lay chuyển nổi của một người chất phác chỉ có vài ba ý nghĩ nhưng bám riết lấy nó ngay cả những khi nó bị lay động dữ dội, vài giờ sau bác lại tiếp tục cuộc tranh luận, bất chấp cơn thịnh nộ của người đội trưởng. Tư tưởng chống giáo hội của bác không rời bác ngay cả trên bãi đấu, giữa những capêađo và những picađo, là những người sau khi cầu khấn ở nhà nguyện của đấu trường, bước vào bãi đấu với hy vọng rằng những vật thánh khâu trong quần áo của họ sẽ làm cho họ tránh được tai họa. Khi một con bò mộng hạng nặng kếch sù, cổ bạch và lông đen kịp bước vào giai đoạn cắm banđêri, Người Quốc dân lại dang hai cánh tay cầm mấy cây banđêri, đi đến gần nó và chọc nó bằng những câu chửi xỏ:
- Ông cố, lại đây!
"Ông cố" nổi giận xông lại và đúng lúc nó phóng sát người bác, bác dùng hết sức cắm cặp banđêri vào bướu cổ nó, đồng thời hét to như tuyên bố chiến thắng:
- Kính tặng giáo hội!
Gađacđô cuối cùng phải bật cười về cái trò kỳ quái của Người Quốc dân.
- Cậu làm cho người ngoài cười tôi. Người ta sẽ để ý đến đội của chúng ta và bảo rằng chúng ta thuộc bè rối. Cậu thừa biết rằng có những khán giả không thích như vậy. Người đấu sĩ chỉ nên là người đấu sĩ mà thôi...
Nhưng tóm lại, anh matađo rất yêu người banđêridiêrô của mình, anh không quên tình quyến luyến của người đó, tình quyến luyến ấy đã nhiều lần đưa tới sự hy sinh. Chẳng sợ khán giả huýt sáo, những khi gặp một con bò nguy hiểm, Người Quốc dân cắm bừa cặp banđêri để xong cho mau. Bác chẳng mơ ước vinh quang, bác hành nghề chỉ để kiếm sống. Nhưng hễ Gađacđô kiếm cầm tay tiến lại gần một con bò dữ tợn, thì bác chạy lại đứng bên anh, sẵn sàng xông cứu anh bằng cái áo choàng to nặng và cánh tay mạnh mẽ đã buộc nhiều con bò phải cúi đầu(5). Có hai lần, Gađacđô ngã lăn dưới đất và sắp bị bò húc, nhưng Người Quốc dân đã xông vào con vật, chẳng nghĩ gì đến vợ con, đến tiệm rượu của mình, đến bất cứ cái gì, quyết chết để cứu đội trưởng.
Bà Aoguxtiax quý mến bác với tình cảm của những người bình dân đối với nhau và làm cho họ gần nhau, ngay cả khi một bên tiến lên địa vị cao hơn.
- Xêbatchiêng, bác ngồi xuống cạnh tôi đây... Thật à, bác không muốn uống gì à?... Bác gái và các cháu vẫn khoẻ mạnh đấy chứ?... Tiệm của bác làm ăn có khá không? Bác kể cho tôi nghe một chút về các chuyện đó đi!
Người Quốc dân kể cho bà nghe tình hình hàng họ trong mấy ngày qua, số rượu đã bán được ở tiệm và số chai trao tại nhà cho khách hàng. Bà chăm chú nghe, vì bản thân bà đã trải qua cảnh nghèo túng và hiểu giá trị của một đồng xu. Rồi bác nói đến khả năng phát triển việc buôn bán của bác. Nếu bác mở được một tiểu bài thuốc lá trong tiệm rượu của bác thì trúng cho bác quá. Chắc Gađacđô có thể xin cái đó cho bác vì anh quen nhiều nhân vật thần thế. Nhưng Xêbatchiêng ngại không muốn xin xỏ một ân huệ như thế.
- Thưa bà, bà cũng biết đó là một việc thuộc quyền chính phủ. Còn tôi thì có những nguyên tắc của tôi. Tôi là đảng viên, tôi là ủy viên ban chấp hành. Nếu tôi làm thế thì các đồng chí của tôi sẽ bảo sao?
Bà cụ trách bác sao lại ngại ngùng như vậy. Bổn phận thực sự của bác là đem về cho gia đình càng nhiều tiền càng tốt. Tội nghiệp bác gái Têrêxa có cả một bầy con!...
- Đừng có ngốc thế, Xêbatchiêng ạ. Bỏ những ý nghĩ gàn dở ấy đi... Không, bác đừng trả lời tôi, đừng tuôn ra với tôi những câu rồ dại mà bác vẫn thường nói. Bác hãy nhớ rằng sáng mai tôi đi lễ ở nhà thờ Macarêna.
Gađacđô và Đông Hôxê lúc ấy đang hút thuốc ở phía bên kia bàn, cốc rượu mạnh để bên cạnh. Hai người thích khêu cho Người Quốc dân diễn thuyết để giễu cợt những tư tưởng của bác và phá rối bác bằng cách nói xấu Đông Hôxêlitô:
- Hắn chỉ là một kẻ lừa bịp làm điên đầu những người ngu dốt như cậu, Xêbatchiêng ạ!
Người Quốc dân tiếp nhận một cách nhân từ những lời chế giễu của Gađacđô và người ủy quyền của anh. Nghi ngờ Đông Hôxêlitô ư? Nói vô lý như vậy không đời nào làm cho bác tức giận được. Có khác nào bảo Gađacđô - một thần tượng khác của bác - là không biết giết bò!
Nhưng khi thấy bác thợ yên ngựa (6) mà bác ghét cay ghét đắng cũng dúng mồm vào việc giễu cợt đó, bác không giữ được bình tĩnh nữa. Thằng đểu ấy ăn bám vào đội trưởng của bác mà dám phản đối những ý kiến của bác à? Thế là bác không còn ôn hòa, bất chấp sự có mặt Cacmen và bà Aoguxtiax, bác xông ngay vào cuộc tranh cãi, trình bày những nguyên tắc của mình một cách nhiệt liệt chẳng khác nào lúc bác tranh luận ở ban chấp hành quận ủy của đảng. Thiếu những lý lẽ tốt hơn, bác thóa mạ vô hồi kỳ trận những điều mà những người thích pha trò kia tin:
- Kinh thánh à? Vớ vẩn!... Cuộc sáng tạo thế gian trong bảy ngày à? Vớ vẩn! Chuyện ông Ađam, và bà Evơ à? Vớ vẩn!... Tất cả những cái đó, chỉ là lừa dối và mê tín!
Từ "vớ vẩn" mà bác dùng để tránh một từ bất kính hơn chỉ tất cả những gì mà bác cho là sai lầm, lố bịch, phát ra từ miệng bác, từ đó mang một âm sắc khinh bỉ kỳ lạ. Chuyện ông Ađam và bà Evơ, đối với bác, là một dịp châm biếm không bao giờ dứt. Bác đã suy nghĩ nhiều về chuyện này vào những lúc im lặng ngủ gà trong các chuyến đi với đồng đội, và bác đã tìm ra một lý lẽ không ai có thể chối cãi, một lý lẽ hoàn toàn của bác nghĩ ra. Làm sao có thể cho rằng tất cả mọi người đều là con cháu của một cặp nam nữ duy nhất?
- Tôi, tên họ của tôi là Xêbatchiêng Vênêga, có phải không ạ? Còn anh Huan, họ của anh là Gađacđo. Còn ông Đông Hôxê, ông cũng có một họ khác. Vì mỗi người chúng ta có một họ riêng, nên khi có những người trùng họ với nhau thì đấy tức là thuộc cùng một họ. Vậy nếu tất cả chúng ta đều là cháu chắt của ông Ađam và tôi giả thiết họ của ông Ađam là Pêrê chẳng hạn - thì tất cả chúng ta đều mang họ là Pêrê mới phải chứ? Cái đó đã rõ chưa ạ?... Vậy thì, vì lẽ mỗi người chúng ta đều có một họ riêng, chúng ta phải kết luận rằng có nhiều ông Ađam và tất cả những điều mà các cha cố kể đều là... vớ vẩn. Nhưng chúng ta quá ư lạc hậu! Chúng ta không có văn hóa và giáo hội lợi dụng sự dốt nát của chúng ta. Hình như tôi vừa mới trình bày rõ rồi.
Gađacđô cười đến lật ngửa người trên ghế, khen diễn giả bằng hai tiếng hoan hô bắt chước tiếng bò rống. Ông ủy quyền với vẻ trang trọng của dân xứ Ăngđaludi chìa tay ra bắt tay và khen bác.
- Xin bắt tay cậu! Cậu nói hay lắm! Cừ hơn cả Caxtêla!(7).
Còn bà Aoguxtiax, một bà già đã kề miệng lỗ thì sợ hãi và nổi giận khi nghe thấy nói năng như vậy ngay trong nhà mình.
- Im đi, Xêbatchiêng! Bác đáng đầy xuống hỏa ngục! Ngậm cái miệng hư hỏng đi, nếu không tôi sẽ đuổi bác ra cửa!... Nếu tôi không biết rõ bác thì... Nếu tôi mà không biết bác là một người trung thực thì...
Nhưng chẳng bao lâu bà lại vui vẻ với người banđêridiêrô vì bà nghĩ tới tình cảm sâu sắc của bác đối với con trai bà và đến những cái bác đã làm trong những giờ phút hiểm nghèo. Hơn nữa, việc một người đứng đắn mô phạm như bác đứng trong đội cạnh những "tướng" ăn chơi là một bảo đảm lớn cho bà và cho Cacmen, vì Gađacđô rất nhẹ dạ, nếu được thả lỏng ắt bị tính thích được phụ nữ khâm phục lôi cuốn.
Người thù địch của các cha xứ và của ông Adam bà Evơ nắm được một bí mật làm cho bác thận trọng và nghiêm nghị mỗi khi bác thấy đội trưởng của bác ngồi cạnh bà Aoguxtiax và Cacmen. Chao ôi! Nếu mấy người phụ nữ ấy cũng biết cái chuyện mà bác biết!...
Người Quốc dân không tán thành quan hệ của Gađacđô với Đônha Xôn (8) mặc dầu một người ban - đêridiêrô như bác tất nhiên phải kính nể đội trưởng của mình. Một hôm, bác dám nói thẳng với Gađacđô, dựa vào việc bác nhiều tuổi hơn anh và thân thiết với anh từ lâu.
- Phải cẩn thận đấy anh Huan ạ! Ở Xêvilơ người ta biết hết cả rồi. Ai cũng bàn tán về chuyện ấy... Tin ấy rồi sẽ lọt đến tai gia đình anh và sẽ sinh ra lôi thôi to!... Anh nghĩ mà xem, bà Aoguxtiax sẽ buồn phiền còn chị Cacmen sẽ rầu rĩ như Đức Mẹ đau khổ... Anh dính phải một kẻ ma quái, nó sẽ gây rắc rối cho anh đấy. Anh phải cẩn thận.
Anh matađo vừa khó chịu vừa thích thú khi nghe nói khắp thành phố biết chuyện tình ái bí mật của mình, nhưng anh giả vờ không hiểu:
- Cậu định nói kẻ ma quái nào? Cậu định dọa tôi cái gì thế?
- Còn ai nữa nếu không phải là cái bà đại quý tộc làm cho dư luận nói rất nhiều về mình? Đó là Đônha Xôn, cháu gái của hầu tước Đờ Môraima, nhà nuôi bò mộng.
Anh matađo mỉm cười không nói gì, trong thâm tâm anh rất khoái thấy người banđêridiêrô của mình biết rõ chuyện, còn Người Quốc dân thì tiếp tục nói bằng cái giọng của một nhà thuyết giáo đã chán chường những cái phù họa của thế gian này.
- Anh Huan ạ, anh phải quên cái bà đó đi. Trên đời này không có gì quý hơn sự yên ấm trong gia đình, nhất là đối với bọn chúng ta không biết gẫy chân què tay về nhà nằm bẹp lúc nào. Vả lại đàn bà cũng là... vớ vẩn. Họ đều như nhau cả và đời ta sẽ hỏng nếu ta rồi bỏ người này theo người khác. Kẻ hầu hạ của anh là tôi đây, trong hai mươi lăm năm qua sống với mụ Têrêxa nhà tôi, tôi chưa hề lừa dối mụ một lần nào ngay cả trong tư tưởng, tuy tôi cũng là đấu sĩ, cũng có những ngày oanh liệt khối gái đẹp theo đuổi chứ không đâu!
Gađacđô chế nhạo những lời lên lớp của Người Quốc dân: "Cậu ấy nói như một vị tu sĩ, ấy thế mà cậu ấy định ăn sống nuốt tươi các vị ấy".
- Này Người Quốc dân, anh nói, sao cậu ngốc thế! Con người sinh ra làm sao thì cứ phải như vậy. Khi có đàn bà đến với ta thì tốt nhất là ta cứ để họ đến. Sống ở đời có được bao lâu! Một ngày kia biết đâu tôi chẳng bỏ mạng ở giữa đấu trường. Vả lại cậu không biết một phu nhân đại quý tộc ra làm sao đâu! Giá mà cậu được thấy phu nhân ấy! Kém gì những đóa hồng trong vườn Ancađa (9), kém gì những đóa nhài thơm lừng Thiên đường!...
Nhưng nhận thấy vẻ mặt rất buồn bực của Người Quốc dân, anh nói thêm một cách ngây thơ dường như muốn làm yên lòng bác:
- Tôi rất yêu Cacmen, cậu cũng biết đấy! Tôi yêu Cacmen chẳng kém gì hồi trước... Song tôi cũng yêu cả người kia. Nhưng không phải là yêu giống nhau... Tôi không thể nào giải thích cho cậu được... Không phải là giống nhau, có thế thôi!
Thế là qua cuộc nói chuyện với anh matađo, người banđêridiêrô chỉ nhận được câu trả lời mơ hồ ấy thôi.
Trong mùa rỗi rãi, Gađacđô không thích gì hơn là được nằm nhà, không phải luôn luôn ngồi xe lửa. Mỗi năm giết một trăm con bò với tất cả những nguy hiểm vất vả của các trận đấu cũng không mệt nhọc bằng những cuộc hành trình kéo liên miên hàng tháng từ thành phố này sang thành phố khác.
Những cuộc đi xa ấy quả là gay go trong những tháng hè, dưới ánh nắng gay gắt, qua những đồng bằng nóng như lửa, trên những toa xe cũ kỹ mái bỏng rẫy. Cái bình nước của đội cứ đến mỗi ga lại được múc đầy nhưng vẫn không đủ để giải khát. Hơn nữa các toa xe đều chật ních, nhân ngày hội hành khách kéo từ quê ra tỉnh để xem hội và dự cuộc đấu bò. Nhiều khi Gađacđô, vì sợ lỡ tàu, vội vã giết con bò cuối cùng rồi vẫn đóng bộ quần áo chiến đấu óng ánh chạy thẳng ra ga và lao lên tàu như một ngôi sao băng giữa các đám hành khách và các xe chở hành lý. Anh thay quần áo trong một ngăn của toa hạng nhất trước mắt hành khách nhưng những người này lại thích vì được đi cùng chuyến tàu với một người có danh tiếng. Ban đêm anh gục đầu xuống gối và mọi người ngồi xích lại để nhường chỗ cho anh. Họ kính nể anh và bảo nhau rằng đến mai con người này sẽ đem đến cho họ cái thú được xúc động khủng khiếp mà không hề nguy hiểm đến bản thân.
Khi anh tới một thành phố đang hội hè, phố xá trang hoàng đầy biểu ngữ và cổng chào, anh còn bị sự tôn sùng cuồng nhiệt của công chúng hành tội trong lúc anh đã mệt nhoài.
Những người hâm mộ tên tuổi anh đón anh ở nhà ga và hộ tống anh đến tận khách sạn. Những người vừa ngủ đẫy mắt và tươi tỉnh ấy vây quanh anh, xô đẩy anh, muốn thấy anh cởi mở và hoạt bát, dường như sự gặp gỡ họ là một niềm vui thú rất lớn đối với anh.
Sau cuộc đấu, nếu không phải lại lên đường ngay chiều hôm đó để đến một đấu trường khác, những dân "sành sỏi" ở địa phương đến khách sạn chúc tụng anh:
- Thế là một lần nữa anh xứng đáng là người matađo số một trên thế giới. Chao ôi! Cái nhát kiếm đâm con bò thứ tư ấy mới ghê chứ!...
- Thế à? Gađacđô trả lời với vẻ lên mặt rất trẻ con. Tôi không đến nỗi tồi chứ?
Họ nói liên miên, chẳng quản ngại gì đến giờ giấc đang trôi đi. Trời đã tối, những ngọn đèn khi đã thắp, thế mà họ vẫn chưa chịu rời. Tuân theo một kỷ luật truyền thống, các đội viên đứng im lặng chờ lệnh của đội trưởng trong một góc phòng, không được cởi quần áo hoặc đi ăn chừng nào anh matađo chưa cho phép.
Các picađo mệt lử vì hai chân vẫn bị bó trong giáp sắt và do những lần ngã ngựa kinh khủng, vo tròn giữa hai đầu gối chiếc mũ dạ cứng queo của mình. Các banđêridiêrô, người nịt cứng trong bộ quần áo lụa và đẫm mồ hôi, rủa thầm những người khách ngồi dai như đỉa đói.
Nhiều khi không phải chỉ có một cuộc đấu duy nhất và trong ba bốn ngày liền anh matađo phải giết nhiều bò. Đến tối, anh mệt nhoài nhưng không sao nhắm mắt được vì những xúc động mới rồi vẫn kích thích thần kinh. Chẳng cần lịch sự nữa, anh ngồi hóng mát ở cửa khách sạn, chỉ mặc độc một cái áo sơ mi. Các đội viên trú ở cùng một khách sạn với anh, đứng bên cạnh "sư phụ" của mình như những học sinh bị phạt. Được một lúc, một người táo bạo hơn cả liền xin phép đi dạo chơi một vòng quanh những phố treo đèn và khu hội chợ.
- Không được! anh matađo kêu lên, đến mai chúng ta phải đấu với những con bò Miura. Tôi không biết cậu nói "một vòng" là thế nào. Rồi đến tảng sáng mai cậu mới về, bí tỉ và đã mất một phần khí lực trong một cuộc trai gái nào đó rồi. Không! Không!... Tôi cấm ra phố. Khi nào xong việc, cậu sẽ thỏa mãn cơn thèm của cậu.
Và một khi việc xong, nếu được vài ngày tự do trước khi đấu trận sau ở một thành phố khác, đội hoãn lên đường. Thế là diễn ra những cuộc chè chén lu bù của những người xa gia đình, những cuộc trác táng tha hồ rượu và gái cạnh những người hâm mộ đấu bò là những người cho rằng cuộc sống của các thần tượng của họ không thể nào khác được.
Lịch các ngày hội buộc anh matađo phải đi lại một cách kỳ quặc. Hôm nay anh rời một thành phố để tới đầu kia của nước Tây Ban Nha, rồi bốn ngày sau anh lại quay lại một nơi ở ngay cạnh thành phố ấy. Trong những tháng hè là những tháng có rất nhiều cuộc đấu, anh hầu như sống trên xe lửa, luôn luôn đi vòng vèo trên tất cả mọi tuyến đường sắt của bán đảo, ngày thì giết bò, đêm thì ngủ trên toa xe. Anh nói:
- Nếu đem xếp thành một hàng tất cả những cây số mà tôi phải vượt qua trong mùa hè, có lẽ ít nhất nó phải dài tới bắc cực.
Vào đầu mùa đấu, anh vui vẻ ra đi, khoái chí thấy các báo luôn luôn nói về anh và nóng ruột chờ anh tới, vả lại anh hy vọng sẽ có những cuộc gặp gỡ bất ngờ, những dịp may do tính tò mò của phụ nữ tạo ra, anh thích thú nghĩ tới những ngày sống ở hết khách sạn này đến khách sạn khác, luôn luôn xúc động. Ngay cả những cái khó chịu của cuộc sống ấy cũng khác cuộc sống buồn tẻ ở nhà tại Xêvilơ hoặc ở vùng núi hiu quạnh Rinhcônađa. Nhưng sau vài tuần sống cuộc sống náo nhiệt kinh khủng mà mỗi buổi chiều chiến đấu kiếm được năm nghìn pêxêta, anh bắt đầu than thở như một đứa trẻ sống xa bố mẹ:
- Chao ôi! Nhà tôi ở Xêvilơ mát biết chừng nào, sạch như lau nhờ bàn tay của vợ tôi. Chao ôi! Mẹ tôi nấu những món xốt mới tuyệt chứ, những món xốt làm người ta phải nhỏ dãi!...
Anh chỉ quên Xêvilơ trong những buổi tối rỗi rãi khi không có cuộc đấu nào vào hôm sau, và toàn đội ngồi với những người hâm mộ muốn để lại cho các đấu sĩ một kỷ niệm êm ái về thành phố của mình, trong một tiệm cà phê có ca nhạc mà tất cả phụ nữ - gái và cô ca sĩ - đều dành cho người matađo.
Sau mùa đấu, trong thời kỳ nghỉ ở nhà, Gađacđô hưởng cái thú của một vĩ nhân, tạm quên danh vọng để sống một cuộc đời bình thường như mọi người, thoát khỏi sự câu thúc của giờ giấc xe lửa, không còn phải lo nghĩ đến bò mộng. Anh dậy rất muộn. Anh không phải làm gì cả hôm nay, cả ngày mai, cả ngày kia! Những cuộc hành trình của anh không xa quá phố Rắn hoặc quảng trường Xăng Fecmanđô. Ở nhà anh, tình hình thay đổi hẳn: biết chắc rằng anh sẽ ở nhà được vài tháng, ai nấy vui vẻ hơn và khoẻ mạnh hơn.
Anh đi dạo, chiếc mũ dạ hất về phía sau đầu, chiếc can có núm vàng vung vẩy, anh thỏa mãn nhìn những chiếc nhẫn kim cương to tướng đeo ở ngón tay. Nhiều người đứng chờ anh ở phòng ngoài, gần cổng ra vào để lộ qua những chấn song sắt cái sân trắng toát sáng loáng và sạch như lau. Ở đó có những người da cháy nắng, mình nồng nặng mồ hôi, khoác chiếc áo lao động bẩn thỉu và đội cái mũ có vành rộng xơ xác. Đó là những công nhân nông nghiệp đi từ xứ này qua xứ khác và trong khi đi qua Xêvilơ họ thấy là hoàn toàn tự nhiên cái việc họ đến xin người matađo danh tiếng mà họ gọi là "Ngài Huan" giúp đỡ chút ít. Cũng có những người dân Xêvilơ xưng hô cậu cậu tớ tớ với Gađacđô. Gađacđô với cái tài nhớ mặt như hầu hết những ai quen sống giữa quần chúng, nhận ra những người ấy mà không phật ý về cách xưng hô ấy. Đó là những bạn học cũ của anh hoặc những người quen anh từ thời niên thiếu lang thang của anh.
- Chao ôi, chúng tớ làm ăn chẳng ra sao cả! Thời buổi này thật khó khăn.
Trước khi tình thân mật khiến họ mạnh dạn tâm sự sâu hơn, Gađacđô đã quay về phía Garabatô vẫn đang đứng giữ cái cổng mở.
- Mày chạy thưa với bà cho mỗi người này hai đồng bạc.
Rồi anh bước ra phố, miệng huýt sáo, vui thích thấy mình rộng rãi và đời đẹp. Trong tiệm rượu cạnh nhà, lũ con của người chủ tiệm và các khách hàng chạy ra cửa tươi cười, trố mắt nhìn Gađacđô dường như họ chưa trông thấy anh bao giờ.
- Chào các vị! Gađacđô nói.
Một người hâm mộ chạy lại, tay cầm cốc rượu. Nhưng anh từ chối:
- Cảm ơn, tôi không uống!
Anh tránh thoát người hâm mộ và tiếp tục đi. Một lúc sau, trong một phố khác, hai bà bạn cũ của mẹ anh bước tới. Hai bà xin anh đỡ đầu cho đứa cháu của một trong hai bà: con gái bà sắp ở cữ, rể bà vốn là một người cực kỳ hâm mộ Gađacđô và đã nhiều lần, lúc tan cuộc đấu bò, anh ta dùng gậy để bảo vệ thần tượng của mình, nhưng anh ta không dám đứng ra xin nhà matađo lừng danh đặc ân đó.
- Nhưng mà trời ơi là trời! Các người cho tôi là một vú em chăng? Tôi đã có nhiều con đỡ đầu hơn cả số trẻ con ở viện dục anh rồi!
Để đánh tháo, anh khuyên hai bà đi tìm mẹ anh: mẹ anh bảo sao thì anh sẽ làm như thế. Và anh lại tiếp tục đi không dừng chân nữa cho tới phố Rắn, chào người này, cho người nọ hưởng cái vinh dự được đi bên anh một cách thân mật trước mắt những người qua đường.
Anh đến Câu lạc bộ Bốn Mươi Lăm để xem ông ủy quyền của anh có tới đó không. Đó là một câu lạc bộ quý phái chỉ thu nhận một số hội viên rất hạn chế như tên nó chỉ rõ và chỉ bàn những chuyện bò mộng và ngựa. Các hội viên của nó đều là những người hâm mộ đấu bò giàu có hoặc những người nuôi bò nhiều tiền, đặc biệt là hầu tước Đờ Môraima, người giàu sang nhất mà ai cũng nghe lời như một nhà tiên tri.
Một buổi chiều thứ sáu, trong khi đi dạo chơi, Gađacđô bỗng nảy ra ý ngông là vào nhà thờ giáo xứ Xăng Lôrăngdô. Lúc đó trên sân trước nhà thờ có nhiều cỗ xe lộng lẫy đỗ. Toàn thế giới quý tộc ở Xêvilơ đến đây để cầu nguyện trước tượng Chúa Jêxu Toàn Năng. Các phu nhân bước từ trên xe xuống mặc đồ tang, choàng những chiếc khăn quý, còn các ông thì vào nhà thờ bị thu hút vì thấy nhiều phụ nữ tới đó.
Gađacđô làm như các người khác: một đấu sĩ phải tranh thủ mọi cơ hội để gần những người cao sang. Người con trai của bà Aoguxtiax cảm thấy hãnh diện khi các ông giàu sang chào anh và các bà lịch sự vừa thì thầm tên anh vừa lấy mắt chỉ cho nhau thấy anh. Hơn nữa, anh rất sùng kính Chúa Jêxu Toàn Năng. Anh không quá phẫn nộ và anh dung túng cho Người Quốc dân phát biểu ý kiến của bác về Thiên Chúa hoặc Thiên Nhiên chính vì thánh thần đối với anh là một cái gì mung lung mơ hồ giống một người mà anh chỉ nghe nói đến và do đó anh có thể bình tĩnh khi thấy người ấy bị bôi xấu. Nhưng đối với Đức Bà Đồng Trinh Đáng Trông Cậy và Chúa Jêxu Toàn Năng thì lại là vấn đề khác: anh biết rõ hai vị này từ khi anh còn nhỏ, vì thế anh không cho phép ai đụng đến. Tính đa cảm của một chàng trai mạnh khỏe như anh bị kích động trước nỗi đau đớn bi thảm của Chúa Jêxu vai vác cây thập giá vẻ mặt lo sợ, nhợt nhạt, đầm đìa mồ hôi nhắc anh nghĩ tới một số bạn mà anh đã trông thấy nằm trong trạm cứu thương của đấu trường. Anh thấy cần có quan hệ tốt với Chúa Jêxu Toàn Năng này. Anh bèn sùng kính đọc nhiều lần kinh Lạy Cha trước bức tượng của Người mà ánh nến phản chiếu thành những ngôi sao đỏ lung linh trong cặp mắt người Châu Phi của Người.
Cử động của mấy người phụ nữ quỳ gần anh làm anh sao lãng sự chú ý. Một phu nhân đi lướt qua giữa đám phụ nữ làm họ tò mò nhìn: phu nhân ấy người dong dỏng cao, đẹp lộng lẫy, mặc bộ quần áo màu nhạt, đội mũ cài lông chim để lộ mái tóc vàng óng rực rỡ. Gađacđô nhận ra người đó là Đônha Xôn, cháu gái của hầu tước Đờ Môraima, "bà đại sứ" như người ta thường gọi ở Xêvilơ.
Đônha Xôn đi qua đám phụ nữ không thèm để ý đến vẻ tò mò của họ nhưng thích thú thấy họ nhìn mình và xì xào tên mình dường như cái đó là một sự tôn sùng tự nhiên đối với nàng ở những nơi nàng tới. Nàng quỳ xuống, cúi đầu một lúc như để cầu nguyện, rồi cặp mắt trong veo, xanh biếc và ánh lên những chấm vàng của nàng nhìn quanh nhà thờ một cách bình tĩnh, y như nàng đang ở rạp hát và tìm trong đám khán giả những khuôn mặt quen biết. Ánh mắt nàng tươi cười khi nàng nhìn thấy một người bạn gái, rồi nó lại tiếp tục đảo quanh cho đến khi nó gặp ánh mắt của Gađacđô.
Anh matađo vốn tính không nhũn nhặn. Quen được hàng nghìn hàng vạn người thán phục nhìn anh trong những ngày đấu, anh cứ tưởng rằng con mắt nào cũng phải hướng về anh. Nhiều phụ nữ trong những phút phó thác hoàn toàn đã thú thật với anh rằng sự xúc động, tò mò và thèm muốn đã xâm chiếm lòng họ khi họ trông thấy Gađacđô lần đầu trên bãi đấu. Thế mà nay mắt của Đônha Xôn khi gặp mắt của Gađacđô lại không nhìn xuống, trái lại nàng tiếp tục nhìn xói vào mắt anh với vẻ lạnh lùng của một phu nhân đại quý tộc và chính chàng matađo, vốn lễ phép với những người giàu sang quyền quý, phải đưa mắt nhìn xuống.
"Cô này trông hay thật! Anh nghĩ thầm với tư tưởng tự mãn của một người quen được thiên hạ tôn sùng. Không biết rồi có về tay ta hay không?".
Ở nhà thờ ra, anh cảm thấy không thể nào bỏ đi được và để gặp lại Đônha Xôn, anh đứng lần chần ở gần cổng lớn. Như trong những buổi may mắn mà anh đã trải qua, tâm linh báo cho anh biết rằng đây là một cơ hội kỳ lạ. Tự nhiên anh hồi hộp như những khi ở bãi đấu, cảm giác đó khiến anh gác ngoài tai những tiếng kêu của khán giả muốn can ngăn anh và khiến anh vẫn cứ làm những hành động cực kỳ dũng cảm nhưng bao giờ cũng thắng lợi.
Khi Đônha Xôn bước ra khỏi nhà thờ, nàng nhìn anh lần thứ hai không hề tỏ vẻ ngạc nhiên, dường như nàng đã đoán biết rằng tất nhiên anh sẽ đứng chờ nàng ở gần cửa lớn. Nàng bước lên một chiếc xe ngựa bỏ mui cùng hai người bạn gái rồi khi người xà ích cho ngựa chạy, nàng lại quay đầu về phía anh trong một giây đồng hồ và trên đôi môi nàng thoáng qua một nụ cười.
Gađacđô rất bận tâm trong suốt buổi chiều hôm ấy. Anh nghĩ đến những lần may mắn trước, đến những chiến thắng mà phong cách đấu sĩ hiên ngang vẫn đem lại cho anh, đến những cuộc chinh phục đã làm anh vô cùng tự hào và tin rằng không ai có thể cưỡng lại anh nhưng bây giờ lại làm anh có phần nào xấu hổ. Một người phụ nữ như vậy, một phu nhân đại quý tộc, sau khi đi khắp nước Tây Ban Nha hiện đang sống như một bà hoàng ở Xêvilơ, một người phụ nữ như vậy quả là đáng chinh phục! Không những ngẩn ngơ trước sắc đẹp của Đônha Xôn, anh còn cảm thấy kính nể, đó là bản năng của một kẻ lưu manh cũ ở một nước vốn trọng dòng dõi và của cải, từ khi lọt lòng mẹ đã quen tôn kính những người quyền quý trên đời này. Chao ôi! Giá mà anh tìm ra cách làm cho người ấy chú ý đến anh nhỉ!
Ông ủy quyền của anh vốn quen biết tất cả những người danh giá ở Xêvilơ và là bạn thân của hầu tước Đờ Môraima đã mấy lần nói về với anh. Dư luận cho rằng nàng hơi khác người với cái tên lãng mạn của nàng rất phù hợp với tính tình độc đáo và lối sinh hoạt độc lập của nàng. Làm chủ một gia sản lớn sau khi mẹ mất, nàng đã lấy ở Mađrit một người nhiều tuổi hơn nàng nhưng làm đại sứ. Địa vị đó vừa ý nàng, vì cô gái đó nóng lòng muốn biết những cái mới lạ và rất muốn nổi bật trong giới quý phái nhất.
- Nàng đã chơi bời ghê lắm! Đông Hôxê kể cho Gađacđô nghe. Trong mười năm đi vòng quanh châu Âu, nàng đã làm khối người mê mẩn. Nàng có cao vọng lắm, cậu ạ. Các bà hoàng hậu đều sợ nàng, hễ ông đại sứ đến nước nào được sáu tháng là y như hoàng hậu nước ấy vận động bí mật để chính phủ Tây Ban Nha đổi đi nước khác cả ông đại sứ lẫn bà vợ đáng kiềng của ông. Cuối cùng ông đại sứ tội nghiệp ấy, sau khi nghiên cứu tại chỗ địa lý của toàn châu Âu, bèn từ giã cõi đời. Miệng lưỡi thế gian còn kể rằng các vị vua chúa cũng chưa đủ làm nàng vừa ý. Dư luận cho rằng khi ở Pari nàng yêu một nhà họa sĩ, ở Đức nàng thân với một nhạc sĩ, ở Nga nàng mê một người thuộc phe vô chính phủ thế mà người này chẳng thiết gì nàng cả.
Về Xêvilơ được vài tháng sau mười năm sống ở những xứ lạnh buốt và đầy sương mù, nàng đâm ra thích bầu trời trong xanh và cảnh mùa đông có ánh nắng ở nước ta, nàng yêu đến hóa cuồng tất cả những cái gì có tính chất dân tộc, mê mệt những phong tục dân gian và thấy nó rất kỳ, rất "nghệ thuật". Một phụ nữ mạnh khoẻ, quen chơi thể thao, một nữ kỵ sĩ có tài hay phóng ngựa quanh vùng Xêvilơ trong chiếc áo dài đi ngựa màu đen, ngoài khoác chếc áo ngắn của đàn ông, ca vát đỏ, mũ dạ trắng đặt trên mớ tóc vàng óng. Người ta còn thấy nàng đem theo một garôcha (10) dắt trên sườn yên ngựa, cùng một đoàn bạn hữu cũng mang loại giáo ấy phóng ngựa đến cánh đồng cỏ Tablada để rượt và đâm ngã bò mộng, và nàng rất thích loại hội hè táo bạo và nguy hiểm ấy... Một phụ nữ thật lạ phải không Huan? Cô ta thật hay!
Ông ủy quyền còn nói rằng từ khi về Xêvilơ, Đônha Xôn sống rất gương mẫu, gia nhập hội thiện Chúa Jêxu T'riana(11) là hội có tiếng nhất. Ông nói thêm rằng nhiều buổi tối nhà nàng đầy những người chơi ghi ta và khiêu vũ, những người này đến cùng gia đình và cả những người bà con xa nhất, ai nấy chén no ô liu và dồi lợn, còn Đônha Xôn ngồi như bà hoàng trong một chiếc ghế bành to yêu cầu múa hàng giờ hết điệu này đến điệu khác, mà bao giờ cũng đòi múa những điệu của xứ Ăngđaludi. Trong lúc đó, những người hầu của nàng, cứng nhắc trong bộ lễ phục và nghiêm trang như những nhà đại quý tộc nước Anh, đi đi lại lại tay mang những cái khay đầy rượu vang, rượu mùi và kẹo bánh.
Bốn ngày sau cuộc gặp gỡ ở nhà thờ Xăng Lôrăngđơ, ông ủy quyền đi tìm anh matado với vẻ bí mật:
- Chú mình ơi, chú mình thật là may mắn nhé. Chú mình có biết ai nói đến chú mình không?
Rồi thì thầm vào tai chàng matađo: - Đônha Xôn đấy!
Nàng đã hỏi Đông Hôxê về người matađo của ông ta và tỏ ý muốn ông giới thiệu anh với nàng. Vì anh thật là một loại người rất độc đáo, hết sức Tây Ban Nha! Ông nói tiếp:
- Nàng nói rằng nàng đã nhiều lần xem cậu đấu bò ở Mađrit và nhiều nơi khác. Nàng đã hoan hô cậu. Nàng còn nhận rằng cậu rất dũng cảm... Cậu nghĩ đi. Hay là cậu đến cắm cho nàng một cặp banđêri! Nếu thế thì vinh dự cho cậu lắm. Cậu sẽ ngang hàng với tất cả các vị vua châu Âu hoặc gần gần như vậy.
Gađacđô mỉm cười nhũn nhặn va cúi nhìn xuống. Nhưng đồng thời anh ngoe nguẩy thân hình thanh lịch của anh như muốn nói rằng giả thiết của Đông Hôxê chẳng có gì là lạ lắm.
- Song cậu chớ có tưởng nhầm! Huan ạ! Ông ủy quyền nói tiếp. Nếu Đônha Xôn muốn biết rõ một người đấu bò như thế nào, cái đó chỉ vì nàng thích màu sắc địa phương, thật tình có thế thôi. Nàng đã bảo tôi: "Nhờ ông dẫn ông ấy đến Tablađa vào ngày kia". Hôm ấy có một cuộc thử bò ở ganađêria(13) của hầu tước Đơ Môraima. Hầu tước tổ chức cuộc vui này cho cháu gái. Tôi cũng được mời. Chúng ta sẽ cùng đi.
Hai ngày sau, vào một buổi chiều, anh matađo và ông ủy quyền của anh rời khỏi phố Fêria, ăn mặc theo kiểu những người cầm garôcha, giữa một đám đông chạy ra cửa, hoặc tụ tập trên hè để xem.
Những kẻ vô công rồi nghề nói: - Họ đi Tablađa đấy!
Đông Hôxê cưỡi một con ngựa trắng khỏe mạnh, ăn mặc kiểu ở nông thôn: áo ngắn rộng, quần dạ, ủng mầu vàng và đôi ống bằng da bọc lấy quần gọi là daiônơ. Còn anh matađo thì nhân dịp hội này đã mặc bộ quần áo kỳ lạ mà các đấu sĩ thời xưa vẫn dùng trước khi phong tục ngày nay làm cho cách ăn mặc của họ giống mọi người khác. Anh đội mũ calanê(14)
bằng nhung xù lông có quai. Cổ áo sơmi của anh không thắt ca-vát mà gài bằng hai hạt kim cương. Hai hạt kim cương khác, rất to, óng ánh trên ngực áo có chếp li hình ống. Áo vét và áo gilê của anh đều bằng nhung màu nâu xám, diềm và các thứ trang trí màu đen, thắt lưng của anh bằng lụa hồng; một chiếc quần cộc chẽn thêu màu xẫm bó sát cặp đùi nhỏ nhắn và gân guốc của anh và thắt chặt vào đầu gối bằng đôi nịt đen có dải băng lồng bồng; đôi ghệt màu hổ phách của anh có diềm bằng da chạy suốt khe đóng mở và đôi giày ngắn cổ của anh cùng màu với đôi ghệt, bị che khuất một phần trong những cái bàn đạp rộng kiểu A Rập có những đinh thúc ngựa lớn bằng bạc. Trên sườn yên ngựa, đặt lên trên tấm áo ngựa lịch sự bằng vải Pêrê có những búp lủng la lủng lẳng là một cái áo khoác xám phía trên lưng màu đen và lót màu đỏ.
Hai người cho ngựa chạy nước kiệu, vác trên vai cái garôcha bằng gỗ mịn và bền, đầu trên có một cái đệm bằng xơ gai buộc chặt và phồng lên xung quanh mũi sắt nhọn. Thấy hai người đi qua, ai nấy cất tiếng chào nhiệt liệt:
- Hoan hô những con người dũng cảm!
Các phụ nữ vẫy tay:
- Chúa ban phúc cho các vị! Ông Huan ơi, đi chơi cho thật vui nhé!
Hai người thúc ngựa vượt khỏi một đám trẻ con chạy theo và chiếc chân ngựa gõ đều đều xuống mặt đường lát đá xanh của những ngõ hẻm có tường trắng bao quanh.
Trong cái phố yên tĩnh của Đônha Xôn, một phố có nhiều tư dinh quý phái với những rào sắt thắt cổ bồng và vọng lâu rộng, họ gặp một số người mang garôcha đang đứng đợi ở ngoài cửa, ngồi im trên mình ngựa và tựa vào cây dáo của mình. Đó là những thanh niên quý tộc, bà con hoặc bè bạn của Đônha Xôn. Họ thân ái chào anh matađo, họ vui thích thấy đám hội có cả anh dự. Cuối cùng hầu tước Đờ Môraima xuất hiện, ông lập tức nhảy lên mình ngựa.
- Tí nữa thì cháu nó sẽ xuống. Các vị còn lạ gì phụ nữ!... Bao giờ cũng chậm.
Ông nói như vậy với vẻ trịnh trọng thường lệ dường như mỗi lời nói của ông đều là những câu sấm truyền. Hầu tước là một người đã có tuổi, xương xẩu, với bộ râu má dài và bạc trắng, nhưng miệng và mắt vẫn giữ được vẻ hồn nhiên như của trẻ thơ. Lịch thiệp và mực thước trong ngôn ngữ, lanh lẹn trong dáng điệu, ít cười, đó cũng là một nhà đại quý tộc lối xưa, hầu như lúc nào cũng mặc quần áo đi ngựa, thù ghét lối sống thời thượng, ngán những cái bó buộc xã giao mà địa vị của ông bắt ông tuân theo những khi ông ở Xêvilơ. Ông chỉ thích ngao du ở nông thôn với các tá điền và các người nuôi bò của ông mà ông đối xử thân mật gần như là bạn bè. Ông chỉ còn hơi biết viết do ít khi cầm đến bút, nhưng khi có người nói về những con vật chiến đấu, về nuôi bò mộng và nuôi ngựa, về việc đồng áng thì mắt ông sáng lên và có vẻ quả quyết tỏ ra ông là một người rất thành thạo.
Vồng kim ô bị che khuất, và khoảng trời, như một tấm thảm vàng treo ở đầu phố, trên các bức tường trắng, bỗng mờ đi: một đám mây to bay ngang qua cái vùng xanh lơ nằm giữa hai dẫy mái nhà. một số khách nhìn lên e ngại.
- Xin các vị đừng lo, hầu tước trịnh trọng nói. Lúc nãy tôi đã trông thấy một mảnh giấy bị gió cuốn về hướng mà tôi biết: Hôm nay sẽ không mưa.
Ai nấy yên tâm: Trời không thể mưa vì hầu tước đã nói quả quyết như vậy. Hầu tước hiểu rõ thời tiết như một ông lão chăn bò, không bao giờ nhầm.
Hầu tước đến bên cạnh anh matađo và nói: - Năm nay tớ chuẩn bị cho cậu những trận đấu rất tuyệt. Những con bò đặc biệt! Để xem rồi cậu giết chúng nó có cừ không. Cậu biết đấy, năm ngoái tớ bực quá: những con bò dạo ấy đáng được gặp những đấu sĩ khá hơn.
Đônha Xôn xuất hiện, một tay nâng tà áo đi ngựa màu đen để lộ ra đôi ống giầy cao cổ bằng da xám. Nàng mặc sơ mi đàn ông, áo gi lê bằng nhung màu mào gà, áo ngoài ngắn, thắt ca-vát đỏ, đội chiếc mũ nhung xứ Ăngđaludi duyên dáng lên những vòng tóc của nàng. Nàng từ từ lên yên và cầm lấy cây garôcha trong tay một người đầy tớ. Trong khi chào bạn hữu và xin lỗi đã để họ phải chờ đợi, nàng đưa mắt quan sát Gađacđô. Đông Hôxê thúc ngựa đến gần định giới thiệu. Nhưng Đônha Xôn đã vượt lên trước và tiến lại bên người matađo:
- Xin cảm ơn ông tới dự. Rất hân hạnh được quen ông.
Và nàng chìa ra một bàn tay nhỏ nhắn và thơm lừng mà anh chàng matađo ngạc nhiên và bối rối, nắm thật chặt trong bàn tay to tướng của anh đã quen đánh ngã những con quái vật. Nhưng cái bàn tay nhỏ nhắn và trắng hồng kia không những không bị nắm tay thô bạo của anh bóp bẹp mà còn đáp lại bằng một cái nắm mạnh mẽ rồi rút ra dễ dàng.
Mặc dầu xúc động, Gađacđô hiểu rằng anh phải có một câu gì đó để trả lời; anh bèn lúng túng mấy lời như nói với một ông hâm mộ đấu bò:
- Cảm ơn.. ở nhà bà bình yên mạnh khỏe cả chứ?...
Đônha Xôn không thể nhịn được một tiếng cười kín đáo nhưng tiếng cười của nàng bị lấp trong những tiếng vó ngựa nện xuống mặt đường. Nàng phóng ngựa chạy nước kiệu lớn và cả đoàn kỵ sĩ phóng theo để hộ tống. Gađacđô xấu hổ đi lùi đằng sau, hãy còn ngạc nhiên và nghi nghi mình vừa nói một điều gì dại dột.
Trước tiên, đoàn người ngựa phóng tới bờ sông, để lại sau lưng cái Tháp Vàng, sau đó tiến vào những đại lộ trải cát chạy xuyên qua những khu vườn râm mát, rồi đi vào một con đường ở hai bên có rất nhiều tiệm rượu và quán nhỏ. Tới Tablađa, họ trông thấy trên cánh đồng xanh rì, gần hàng rào ngăn đồng cỏ với khu nhốt bò, một đám đông đen nghịt và rất nhiều xe cộ.
Con sông Goadankivia chảy dọc cánh đồng cỏ này. Ở bờ bên kia, trên một đỉnh đồi hiện ra thị trấn Xăng Huan Đananphanátchơ nấp dưới bóng một tòa lâu đài đổ nát. Những ngôi nhà nông thôn phơi những bức tường trắng giữa những vườn ô-liu màu xám bạc. Ở nơi chân trời mở rộng trên nền trời xanh biếc vật vờ những đám mây xốp như bông, thấp thoáng bóng nhà cửa ở Xêvilơ và nổi bật lên trên hết là hình đồ sộ của nhà thờ và của công trình kiến trúc tuyệt vời Giranđa(15) nhuộm màu hồng nhạt dưới ánh chiều tà.
Các kỵ sĩ phải khó nhọc mới len nổi qua đám đông. Những hành vi kỳ cục của Đônha Xôn đã gợi tính tò mò của các phu nhân ở Xêvilơ nên họ kéo tới gần như đủ mặt. Các bạn gái của Đônha Xôn ngồi trên xe chào nàng và thấy nàng rất đẹp trong bộ quần áo nửa nam nửa nữ. Các cô em họ của nàng, con gái của hầu tước Đờ Môraima, cô thì chưa lập gia đình, cô thì đến với chồng, khuyên nàng phải cẩn thận:
- Nhân danh Chúa, chị Xôn ơi, xin chị đừng liều quá!...
Những người đến thử bò cưỡi ngựa vào trong khu nhốt bò. Họ được những thường dân tới dự hội hoan hô nhiệt liệt. Những con ngựa trông thấy từ xa và đánh hơi ra kẻ thù, bắt đầu lồng lộn, dậm chân trước và hí lên dưới bàn tay cứng cáp của người cưỡi.
Lúc đó, đàn bò mộng đã được quây lại ở giữa khu nhốt. Có những con bình tĩnh gặm cỏ hoặc đứng im lìm trên cánh đồng đã hơi úa đỏ vì khí lạnh mùa đông, bốn chân chụm lại và mõm chúc xuống. Có những con nhát hơn đi từ từ về phía con sông. Những con Cabêxtơrô khôn ngoan đạo mạo lập tức đuổi theo làm cho nhạc đồng đeo nơi cổ kêu leng keng, còn những chú chăn bò thì giúp chúng tập hợp những con đang lẩn trốn bằng cách dùng súng cao su bắn đá vào sừng.
Các kỵ sĩ đứng nguyên một chỗ rất lâu dường như để bàn bạc, trong khi công chúng nóng ruột xem những cảnh tượng kỳ thú.
Người đầu tiên tách ra khỏi nhóm kỵ sĩ là hầu tước Đờ Môraima, theo sau có một người bạn. Hai người phóng ngựa về phía các con bò mộng, dừng ngựa ở sát chúng, đứng thẳng lên trên bàn đạp, hoa cây garôcha lên và thét to để làm cho chúng sợ. Thế là một con bò đen, với cặp giò to khỏe, tách ra khỏi đàn và chạy về phía cuối khu nhốt bò.
Hầu tước Đờ Môraima kiêu hãnh về trại bò của mình là đúng: nơi đây chỉ nuôi những con bò đẹp đẽ được lai tạo khéo. Ở đây không có những con bò thịt da bẩn, dày cộp và xù xì, móng rộng, đầu gục, cặp sừng to tướng và mọc lệch. Ở đây chỉ có những con bò nhanh nhẹn, gân guốc, bắp thịt vạm vỡ, chân dậm làm mặt đất rung chuyển và bụi bốc mù mịt, lông mượt óng như lông ngựa quý, tai màu đỏ xẫm, cổ rộng và mập, chân ngắn, đuôi dài và thanh, sừng ngay ngắn, nhọn hoắt và nhẵn nhụi như có người thợ khéo nào đã nặn ra, móng chân ngắn, nhỏ và tròn nhưng đủ độ cứng để cắt cỏ như một con dao thép.
Hai người đuổi theo con vật, quấy rối nó từ hai phía và cản đường mỗi khi nó định lảng về phía sông. Cuối cùng, hầu tước Đờ Môraima thúc ngựa vượt lên gần nó, giơ giáo cắm vào mông nó. Con bò bị sức đẩy kết hợp của tay người và con ngựa, mất thăng bằng và ngã lăn xuống bãi cỏ. bụng tênh hênh, sừng lẫn vào cỏ, chổng bốn vó lên trời.
Nhà nuôi bò cắm ngọn garôcha này nhanh và dễ khiến cho một tràng vỗ tay vang lên ở phía bên kia hàng rào. Hoan hô các cụ già! Không ai thạo về bò mộng như hầu tước. Ông điều khiển chúng dễ dàng dường như ông tạo ra chúng. Cái đó cũng không lạ vì ông săn sóc chúng từ khi chúng mới đẻ cho đến khi chúng bị đưa đi giết ở đấu trường.
Ngay lúc sau đó, một số kỵ sĩ khác mong được tiếng khen của đám đông cũng đề nghị cho mình tấn công bò nhưng hầu tước Đờ Môraima muốn để cháu gái làm. Nàng nhất quyết đòi đâm garôcha cho nên tốt nhất là để nàng làm ngay, trước khi đàn bò nổi cáu vì luôn luôn bị khiêu khích.
Đônha Xôn thúc ngựa tiến lên, nhưng con ngựa sợ bò, nên cưỡng lại. Hầu tước định đi kèm cháu gái nhưng nàng không chịu. Không! nàng muốn Gađacđô đi với nàng vì anh là đấu sĩ. Gađacđô đâu rồi nhỉ?
Hãy còn xấu hổ về sự vụng về của mình, anh chàng matađo đến đứng bên cạnh Đônha Xôn không nói một lời.
Hai người phóng ngựa về phía đàn bò. Con ngựa của Đônha Xôn cưỡng lại, lồng lên, không chịu tiến, nhưng người nữ kỵ sĩ rắn rỏi bắt nó phải tiếp tục chạy. Gađacđô tay vung vẩy cây garôcha, miệng thét những tiếng nghe hệt bò rống, chẳng khác chi lúc ở đấu trường anh kích con thú dữ để nó đấu với anh.
Anh dễ dàng tách được một con bò ra khỏi đàn. Một con bò da trắng điểm những đốm hung hung, cổ bạnh, yếm sệ, sừng nhọn, rời xa những con khác rồi chạy về cuối khu nhốt bò, dường như đó là Kêrăngxia(16) của nó và nó bị hút về đấy, không thể cưỡng nổi.
Đônha Xôn xông lên và cùng Gađacđô đuổi theo nó.
- Phu nhân nên cẩn thận! Anh kêu lên. Con bò ấy già nên qủy quái lắm đấy! Phu nhân phải chú ý kẻo nó quay lại!
Quả vậy, con bò quay mình lại. Đang lúc Đônha Xôn sắp sửa bắt chước hầu tước rẽ ngựa sang một bên để đâm garôcha vào mông và quật ngã con bò, thì nó đoán ra nguy cơ, xoay ngoắt mình lại và đứng hùng dũng, đe dọa trước hai kỵ sĩ đang chọc phá nó. Con ngựa của Đônha Xôn phóng vượt qua con bò mà nàng không thể ghìm lại, thế là con vật lồng theo. Nó đang từ chỗ bị người đuổi trở thành đuổi người.
Đônha Xôn không hề nghĩ đến chuyện chạy trốn. Ở đằng kia có hàng nghìn con mắt đang nhìn nàng, nàng sợ bị chị em bạn cười và bị nam giới thương hại. Vì vậy nàng giật dây cương và đối đầu với con thú. Như một người picađo, cây garôcha kẹp dưới cánh tay, nàng cắm mũi sắt của nó vào cổ con bò đang cúi đầu lao vào người nàng. Máu vọt ra như suối trên yếm trắng của nó, nhưng trên đà không thể kìm được, nó tiếp tục xông lại bất chấp vết thương và nó húc vào bụng con ngựa, lắc và hất bổng ngựa lên. Người nữ kỵ sĩ bị quật ngã xuống đất. Một tiếng kêu thất thanh từ trăm miệng người vang lên ở gần hàng rào. Con ngựa thoát khỏi cặp sừng, phóng đi như điên, bụng đẫm máu, đai bụng đứt, yên lắc lư trên háng.
Con bò sắp đuổi con ngựa thì một vật ở gần nó hơn làm nó chú ý. Đó là Đônha Xôn. Lẽ ra nên nằm yên trên bãi cỏ thì nàng lại vừa mới đứng dậy, nhặt cây garôcha và can đảm chĩa thẳng nó ra để lại đương đầu với con bò. Thật là liều lĩnh quá! Nhưng nàng nghĩ đến những người đang nhìn nàng. Quả là thách thức cái chết! Nhưng như thế còn hơn chịu thua cái sợ làm cho người khác chê cười.
Ở phía sau hàng rào không còn tiếng kêu nữa. Ai nấy kinh hãi đến lặng người. Cả đoàn kỵ sĩ vội vã phóng nước đại tới giữa những đám bụi bay mù mịt nhưng chắc chắn họ sẽ không kịp đến cứu. Con bò cào móng hai chân trước xuống đất, cúi đầu và sắp tấn công người phụ nữ táo gan vẫn trơ trơ chĩa cây giáo đe dọa nó. Chỉ cần nó húc một cái là xong! Nhưng ngay lúc đó một tiếng hú hung dữ thu hút sự chú ý của con bò và một vật gì đỏ rực chạy qua mặt nó như một tia lửa. Đó là Gađacđô vừa nhẩy xuống ngựa, vứt cây garôcha đi để vớ lấy cái áo khoác đặt trên sườn yên ngựa.
- Ố ối!... Lại đây!...
Con bò mộng bị một địch thủ xứng danh với nó lôi cuốn, chồm vào cái lót áo đỏ, quay lưng lại người phụ nữ mặc váy đen và áo nịt màu mào gà, tuy bàng hoàng trước cơn nguy hiểm vẫn chĩa thẳng cây giáo ra thủ thế.
- Đônha Xôn, phu nhân đừng sợ, tôi kìm nó rồi! chàng đấu sĩ nói, xúc động đến tái người, nhưng vẫn mỉm cười và tin tưởng vào tài ba của mình.
Không có vật phòng thân nào ngoài cái áo lót màu đỏ, anh chiến đấu với con thú, kéo nó ra xa, tránh những đợt tấn công hung dữ của nó bằng những động tác nhảy tránh duyên dáng. Công chúng không còn nghĩ đến cơn sợ hãi vừa qua nữa và vỗ tay khâm phục. Sướng thật! Đến xem một cuộc thử bò thế mà lại được xem một trận đấu hầu như chính thức của Gađacđô không phải trả tiền vé.
Người đấu sĩ, hăng lên vì thấy con bò tấn công mãnh liệt, quên bẵng Đônha Xôn và các người khác, chỉ chú ý đến việc tránh nó. Con bò quay lại, điên cuồng thấy người kia vẫn luồn qua sừng mà nó không sao chạm được. Nó lại xông vào nhưng bao giờ cũng bị cái áo đỏ chắn lại. Cuối cùng nó nhọc, không động đậy nữa, hai chân run run, cúi cái mõm sùi bọt xuống. Nhân lúc nó đang ngơ ngác, Gađacđô cất chiếc mũ Ăngđaluđi của anh ra và đập mũ vào đầu con quái vật. Tiếng hoan hô vang lên như sấm sau hàng rào để chào mừng động tác dũng cảm tài tình đó.
Bỗng sau lưng người matađo có nhiều tiếng kêu và tiếng lục lạc loảng xoảng. Những chú chăn bò và những con Cabextơrô hiện ra vây quanh con bò mộng, rồi đưa nó trở lại đàn.
Gađacđô nhặt cây garôcha, bắt lại con ngựa của anh đang quanh quẩn gần đấy vì đã quen với bò mộng. Anh cho ngựa chạy từ từ về phía hàng rào cố ý chậm chạp để kéo dài những tiếng vỗ tay ầm ĩ của công chúng. Các kỵ sĩ lúc ấy đã đưa Đônha Xôn ra khỏi khu nhốt bò. Họ chào mừng nhiệt liệt chiến thắng của Gađacđô, còn Đông Hôxê thì nháy mắt và thì thầm với anh bằng một giọng bí mật:
- Anh dũng thật! Cậu quả không phải là tay xoàng! Khá lắm! Khá vô cùng! Bây giờ nàng là của cậu rồi, tớ bảo đảm như vậy!
Ở ngoài hàng rào, Đônha Xôn đã ngồi vào trong chiếc xe ngựa của các con gái hầu tước. Mấy cô em họ của nàng hoảng hốt vây quanh nàng, sờ nắn người nàng, cố sức tìm xem có chỗ nào làm sao không, lấy rượu măngđanila cho nàng uống để hết sợ. Nhưng Đônha Xôn mỉm cười mơ hồ với vẻ bề trên, tỏ ý hơi lạnh lùng và cao kỳ trước những cử chỉ âu yếm quá đáng của đám đàn bà con gái kia.
Khi thấy Gađacđô cưỡi ngựa đi đến giữa đám đông đang vẫy mũ và giơ tay chào anh, nàng mỉm cười thân ái:
- Ông lại đây, Xit Cămpêađôrê(17). Ông cho tôi bắt tay ông!
Và đôi bàn tay của hai người lại nắm chặt lấy nhau hồi lâu.
Buổi tối hôm đó, toàn thành phố Xêvilơ nói về sự kiện trên. Ở nhà anh matađo, người ta bàn tán rất nhiều. Bà Aoguxtiax nở mày nở mặt như sau một trận đấu lớn: Con trai bà đã cứu một phu nhân đại quý tộc mà bà kính nể vì bà đã quen như vậy qua bao nhiêu năm đi ở. Còn Cacmen thì im lặng, không biết nên nghĩ như thế nào về chuyện này.
Nhiều ngày trôi qua mà Gađacđô không nhận được tin tức gì về Đônha Xôn. Người ủy quyền của anh cũng vắng mặt ở thành phố: ông ta đi săn với vài người bạn.
Cuối cùng, vào một buổi chiều, Đông Hôxê lại xuất hiện ở tiệm cà-phê phố Rắn, nơi các người hâm mộ đấu bò thường tụ tập. Ông đưa Gađacđô ra một chỗ vắng, nói với anh rằng ông mới về sáng hôm đó và thấy ở nhà có một bức thư của Đônha Xôn mời ông lại nhà nàng và ông vừa mới đến đó về.
- Trời đất ơi! Cậu thật kém xã giao vô cùng, ông vừa kết luận vừa lôi Gađacđô đi! Nàng chờ cậu. Trong mấy ngày qua nàng ở nhà, nghĩ rằng thế nào cậu cũng đến thăm. Không ai qủynh như cậu cả. Sau khi tôi giới thiệu cậu và cậu làm cái việc trong hội vừa rồi, cậu phải đến thăm nàng chứ! Ít nhất cậu cũng phải đến hỏi nàng có được mạnh khỏe không chứ!
Anh chàng matađo dừng chân lại, thọc tay vào dưới chiếc mũ dạ, gãi đầu:
- Vì rằng... anh lẩm bẩm, tôi ngượng, vì rằng... Thôi được, tôi xin nói thẳng: tôi xấu hổ. Ông cũng biết rằng tôi không phải là một thằng vụng, tôi đâu có sợ đàn bà, tôi có thể tán gái hoàn toàn như ai... Nhưng đối với người phụ nữ ấy, một phu nhân đại quý tộc biết nhiều và học rộng như thế. Khi tôi gặp nàng, tôi hiểu rằng tôi thộn, hễ mở miệng là nói bậy ngay. Thôi thôi, Đông Hôxê ạ, tôi không đi đâu, tôi không thể đến đấy đâu...
Nhưng Đông Hôxê tin rằng cuối cùng ông sẽ thuyết phục được anh nên cứ kéo tuột anh đến nhà Đônha Xôn.
Ông vừa đi vừa kể lại cho anh nghe những lời ông vừa trao đổi với nàng. Nàng hơi tiếc vì thấy Gađacđô hờ hững với mình. Tất cả những người giàu sang ở Xêvilơ đều đến thăm nàng, trừ anh.
- Cậu nên biết rằng người đấu sĩ phải có quan hệ tốt với những người thuộc giới thượng lưu. Nghĩa là mình phải có giáo dục và tỏ ra mình không phải là một kẻ chăn bò được nuôi dạy trong chuồng bò. Một phu nhân đại quý tộc như vậy chú ý đến cậu và mong đợi cậu!.. Cậu không dám đến một mình à? Thôi được, tôi sẽ đi với cậu.
- Ồ! Nếu ông đi với tôi thì...
Gađacđô thở phào nhẹ nhõm. Hai người bước vào biệt thự của Đônha Xôn. Cái sân trong kiểu A Rập có những cửa võng ngũ sắc rất đẹp, hao hao giống những công trình hình móng ngựa ở hoàng cung Alămbra(18).
Một tia nước phun một cách hài hòa tuyệt diệu vào cái bồn nuôi cá vàng. Trong dãy hành lang đắp những hình rất đẹp trên trần và có những dãy cột cẩm thạch ngăn cách với sân, Gađacđô trông thấy nhiều bức ván chạm trổ rất cổ, những bức tường họa mầu thuốc đã đen xạm, những ông thánh có bộ mặt nhợt nhạt, những bàn tủ trang trọng nhưng có khóa sắt đã rỉ và gỗ thì chằng chịt những lỗ mọt đục như bị đạn súng săn bắn vào.
Một anh đầy tớ dẫn hai người trèo lên một cầu thang rộng bằng cẩm thạch. Anh đấu sĩ lại một lần nữa ngạc nhiên thấy những vách sau bàn thờ trong có những hình lờ mờ nổi bật trên nền mạ vàng, những tượng Đức Bà to lớn và hình như đeo bằng rìu đã nhạt màu và bằng vàng xỉn, chắc là lấy từ một bàn thờ cổ nào đó ra, những tấm thảm màu lá khô dìu dịu trang trí bằng hoa quả ở bốn xung quanh, còn ở giữa bằng cảnh Canvariô hoặc cảnh một bầy tiểu qủy, mình lông lá, đầu có sừng, bàn chân dê đang bị những cô gái ăn mặc hở hang chiến đấu như những con bò mộng.
- Thế mới biết tôi dốt thật! Gacđacđô nói với Đông Hôxê. Trước đây tôi cứ tưởng những cái đó chỉ dùng cho các nhà tu kín. Bây giờ mới thấy thiên hạ quý nó.
Trời sắp tối. Hai người lên tới đâu thì có những ngọn đèn điện lại bật lên đến đấy để soi đường, trong khi những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tà chiếu lên kính cửa sổ. Gađacđô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vốn hãnh diện về những bàn ghế của anh mua từ Mađrit, nhồi bọc lộng lẫy bằng những thứ lụa lòe loẹt, chạm trổ phức tạp, rất nặng, rất sang, rất đắt tiền, cho nên anh ngẩn người thấy ở đây những cái ghế nhẹ nhàng và thanh mảnh, màu trắng hoặc xanh lá cây, những cái bàn cái tủ có đường nét giản dị, những bức tường chỉ sơn một màu không có đồ trang trí gì khác ngoài những bức họa nhỏ treo cách xa nhau bằng những sợi dây dài. Tất cả vẻ lịch sự kín đáo chỉ dựa trên tài khéo của người thợ mộc. Anh thấy ngượng về sự ngạc nhiên của mình và vì anh cứ tưởng những thứ ở nhà anh đã là sang tột độ rồi. "Thế mới biết mình dốt thật!...". Khi anh ngồi xuống, anh lo ghế sẽ bị gẫy dưới thân hình nặng nề của anh.
Đônha Xôn bước vào làm anh thôi không nghĩ đến chuyện ấy nữa. Anh trông thấy nàng lạ hẳn như anh chưa hề gặp nàng bao giờ: nàng không đội mũ trùm khăn, mớ tóc rực rỡ tỏa hào quang làm cho nàng rất xứng với cái tên lãng mạn. Đôi cánh tay nàng trắng đẹp tuyệt vời, thò ra khỏi ống tay áo lụa dài kiểu Nhật, tà bắt chéo trên ngực để lộ cái ngấn cổ thanh tú màu hổ phách có hai nếp trông đáng yêu như ngấn cổ thần Vệ Nữ. Trên đôi bàn tay của nàng lấp lánh những hạt ngọc đủ mọi màu nhận trong những chiếc nhẫn hình thù kỳ lạ. Ở cổ tay xinh xắn của nàng kêu leng keng những cái vòng vàng cái thì chạm trổ kiểu Đông phương có những chữ và hình bí mật, cái thì to lớn đeo những bùa và hình lạ lùng, kỷ niệm những cuộc đi ra nước ngoài. Khi nàng ngồi xuống để tiếp chuyện, nàng vắt chân một cách thoải mái như nam giới và đu đưa ở đầu bàn chân một chiếc giầy đi trong nhà màu đỏ gót vàng thêu rất dày trông xinh như một thứ đồ chơi.
Gađacđô cảm động đến ngạt thở, tai anh kêu vo vo, mắt anh mờ đi. Anh chỉ còn thoáng nhận ra đôi mắt trong veo chằm chằm nhìn anh nửa như mơn trớn nửa như chế giễu. Để giấu sự xúc động, anh mỉm cười, để lộ hai hàm răng y như là bộ mặt ngớ ngẩn của một đứa bé muốn lấy lòng người lớn.
Nàng cảm ơn anh về hành động hôm nọ. - Không, thưa phu nhân, tôi không dám!... Có gì đâu... Chẳng đáng cảm ơn...
Tuy vậy, anh đã lấy lại can đảm được đôi chút. Rồi khi Đônha Xôn và Đông Hôxê nói chuyện với nhau về bò mộng, anh chàng bình tĩnh hơn. Nàng nói về những trận đấu của anh mà nàng đã xem, kể lại đúng như in những giai đoạn chính. Anh rất hãnh diện thấy nàng đã ngắm anh trong những dịp ấy và vẫn nhớ kỹ.
Nàng mở một cái hộp sơn có hình hoa lá kỳ dị và mời hai người hút những điếu thuốc lá đầu vàng thơm nức một hương vị rất đượm và kỳ lạ.
- Nó tẩm thuốc phiện đấy, nàng nói. Hút rất thích. Nàng cũng châm một điếu. Rồi ngước cặp mắt xanh nhạt mà ánh sáng chiếu vào lung linh như vàng lỏng, nàng nhìn theo những vòng khói uốn éo bay.
Anh chàng đấu sĩ vốn quen loại thuốc Havan nặng, tò mò hít khói điếu thuốc này. "Vô vị như rơm... Chỉ có phụ nữ là thích..." anh nghĩ thầm. Nhưng rồi lúc nào không biết, hương thơm tinh tế của khói thuốc làm anh mất hẳn ngượng nghịu.
Đônha Xôn mắt dán vào mắt anh, hỏi về cuộc đời anh. Nàng muốn biết những uẩn khúc của sự vinh quang, những bí ẩn của sự nổi tiếng, muốn biết cuộc đời lang thang nghèo khổ của anh lúc anh chưa chiếm được lòng mến yêu của công chúng.
Thế là Gađacđô nói huyên thuyên với vẻ tự tin đột ngột, anh kể lại giai đoạn bước vào nghề, nhấn mạnh một cách thỏa mãn và kiêu hãnh đến nguồn gốc tầm thường của anh. Tuy nhiên, anh cố ý bỏ qua những chuyện mà anh cho là đáng xấu hổ trong tuổi trẻ phiêu bạt của anh.
- Rất hay! Rất độc đáo! Người đẹp nhắc đi nhắc lại. - Người số một trên thế giới đấy! Đông Hôxê nói xen vào một cách hào hứng thình lình. Xin phu nhân cứ yên chí rằng không có hai người như anh ấy. Bà chưa biết cơ thể của anh ấy chịu đựng những vết thương giỏi như thế nào!...
Hãnh diện về sức lực của Gađacđô y như anh ta là con ông, ông liệt kê những vết sẹo mà anh mang trên người, miêu tả nó như ông trông thấy qua áo quần vậy. Cặt mắt của phu nhân theo dõi cuộc dạo chơi cơ thể học đó với một vẻ khâm phục thực sự. Quả là một người anh hùng, giản dị, lúng túng, man rợ như tất cả những người thực sự can trường!...
Đônha Xôn muốn lưu hai người ở lại ăn cơm. Chiều hôm đó, nàng ở nhà có một mình. Hầu tước Đờ Môraima và các cô con gái của ông đã về nông thôn rồi, và nàng không đợi ai đến chơi cả. Nhưng Đông Hôxê trả lời rằng ông bận: Sáng nay, về tới Xêvilơ, ông đã mời hai người bạn. Nàng liền nài rằng ít nhất Gađacđô phải ở lại.
- Tôi mời ông một cách thân tình. Nhất định ông phải ở lại ăn với tôi cho có bạn. Tôi không chấp nhận bất cứ lý do khước từ nào cả. Ông phải chuộc tội với tôi...
Thấy nàng mời mọc ân cần như vậy, cuối cùng Gađacđô đành ở lại.
Tội nghiệp cho anh chàng đấu sĩ, anh rất ngượng nghịu khi ngồi một mình với Đônha Xôn trước một bữa ăn rất sang. Bất cứ cái gì cũng làm anh lúng túng ngơ ngẩn, từ cái vẻ huy hoàng của gian phòng rộng mênh mông trong đó hai thực khách lọt thỏm vào, từ những cây đèn kếch xù màu đỏ tía có những chao đèn màu hồng, làm dịu ánh sáng điện cho đến người đầu bếp bệ vệ, vẻ mặt nghiêm trang và thản nhiên, phục vụ hai người một cách trịnh trọng. Trước cảnh lịch sự quý phái đó, anh xấu hổ về con người của anh, về quần áo của anh, về sự ngu dốt trong cách giao thiệp của anh. Anh ngồi yên chỉ dám khe khẽ động đậy bàn tay.
Nhưng ấn tượng khó chịu ấy tan đi nhanh chóng. Đônha Xôn cười một cách dễ thương khi thấy anh ít uống rượu, sợ sệt khi đụng đến cốc đĩa, nàng ăn uống ngon lành để làm gương cho anh. Vì thế chẳng bao lâu, anh chịu ăn và nhất là chịu uống: rượu vang nồng đượm, nên anh hy vọng rằng hơi men sẽ làm cho anh mất ngượng nghịu, lưỡi anh mất tê liệt không còn như lúc đầu anh không nói được gì ngoài mấy tiếng "Cảm ơn lắm!".
Rượu sâm banh làm cho anh lấy lại can đảm hoàn toàn. Đến khi Đônha Xôn ăn xong, anh lịch thiệp đưa tay cho nàng vịn và anh không khỏi ngạc nhiên thấy mình trở thành táo bạo đến thế. Trong giới thượng lưu người ta chẳng làm như vậy là gì? Tất nhiên anh chỉ là một đấu sĩ bò mộng; nhưng một đấu sĩ không nhất thiết phải mù tịt về môn xã giao.
Hai người vào phòng khách uống cà phê. Đônha Xôn uể oải ngả mình lên gối của một cái xô pha, rồi hút thứ thuốc thơm của mình, trong khi Gađacđô ngồi lọt vào trong một cái ghế bành êm ái, nhấm nháp điếu thuốc Havan quý mà một người đầy tớ mang tới. Chẳng bao lâu, sự tiêu hóa làm anh đờ đẫn. Anh chỉ trả lời Đônha Xôn bằng những tiếng một và một nụ cười ngớ ngẩn.
Đônha Xôn thấy Gađacđô im lặng nên cũng chán, nàng bèn ra ngồi bên cây dương cầm. Những ngón tay thon và mạnh của nàng dạo những bản malaghêna(19)
vui nhộn và đắm đuối. Tiếng nhạc làm cho Gađacđô tỉnh lại.
- Hoan hô! Anh kêu lên y như ở một quán rượu. Rất hay, tôi chỉ biết nói thế thôi.
Sau những bản malaghêna là những bản xêvilana(20) và nhiều điệu khác của xứ Ăngđaludi âu yếm và mơ mộng mà Đônha Xôn chơi theo trí nhớ.
- Tuyệt quá!... Phu nhân có đôi tay ngọc... Một bản nữa đi!... Lại một bản nữa đi.
- Ông yêu âm nhạc à? Đônha Xôn hỏi.
Tuy chưa bao giờ tự hỏi như vậy nhưng nghe Đônha Xôn hỏi, Gađacđô cứ trả lời không ngần ngại rằng anh rất thích âm nhạc. Thế là Đônha Xôn chuyển từ những bài dân ca có nhịp nhanh sang những điệu chậm hơn, trang nghiêm hơn mà anh chàng đoán là nhạc nhà thờ. Nhạc này anh thấy không hay bằng. Anh không hoan hô nữa và lại buồn ngủ. Chốc chốc, anh thấy díu mắt lại không sao cưỡng nổi và biết rằng chẳng bao lâu nữa anh sẽ ngủ thật.
Để tránh nguy cơ đó, anh ngắm người đàn bà đang ngồi quay lưng lại phía anh. Thân hình nàng mới đẹp chứ! Gáy trắng nõn và tròn trĩnh. Bộ tóc mới lộng lẫy làm sao! Giá mà anh được hôn vào da thịt ấy thì còn gì bằng! Nhưng trước mặt Đônha Xôn, anh cảm thấy sự kính nể không sao vượt qua đến nỗi những ý nghĩ xấu dần dần biến khỏi tâm trí của anh. Và anh lại thấy buồn ngủ, khiến anh phải cấu vào đùi để thức và lấy tay bịt miệng để che những cái ngáp.
Bỗng nhiên, Đônha Xôn cất tiếng làm anh giật mình. Nàng vừa hát vừa đệm đàn. Anh lắng tai mong hiểu lời của bài hát nhưng than ôi! Lời bằng một thứ tiếng nước ngoài mà anh mít đặc.
"Chúa phạt tôi đời đời! anh nghĩ thầm. Tại sao nàng không hát một bài tăng-gô(21)? Chứ nghe thứ nhạc này có buồn ngủ cũng chẳng tội vạ gì..."
Lời mà nàng hát là lời cầu khẩn của Enxa, lời than vãn của một cô trinh nữ tóc vàng nghĩ tới người đàn ông hùng mạnh, đến người chiến sĩ rất đáng gờm cho kẻ thù nhưng lại dịu dàng e lệ đối với phụ nữ. Giọng nàng run run say đắm, tiếng hát của nàng hướng vào người đàn ông đang ngồi ở sau lưng nàng. Cố nhiên người này không có dáng dấp nhân vật dã sử của người kia, người này thô lỗ ngờ nghệch, hơi vụng về. Nhưng trong trí tưởng tượng nàng thấy anh đúng hệt như anh đã hiện ra cách đây mấy hôm, lúc đấu với con bò mộng hung dữ như các nhân vật của Vanhe(22)
đánh nhau với những con rồng khủng khiếp. Phải! Phải! người này chính là người chiến sĩ của nàng!
Trong khi đó, người chiến sĩ ấy, tay cầm một que diêm, đang cố châm lại điếu xì gà của mình đến lần thứ tư thứ năm. Nàng quay mặt lại phía anh. Gađacđô nhân dịp tiếng nhạc ngừng, bèn đứng lên và bước một bước về phía nàng:
- Xin chào Đônha Xôn. Xin cảm ơn lắm. Đêm đã khuya, tôi xin cáo.
Nhưng nàng cũng đứng dậy, cặp mắt dán chặt vào mắt người đấu sĩ.
- Không, anh ở lại với em! Nàng nói.
Đến tận tang tảng sáng hôm sau, Gađacđô mới về nhà.
-------
(1) Damara: áo ngắn có tay rộng bằng lông cừu mà những địa
 (2) Xêbatchiêng: tên riêng của người banđêridiêrô của Gađacđô, còn từ Người Quốc dân là biệt hiệu đùa bỡn của bác ta
 (3) Anh em Mắccabêô: tên của bảy nhân vật lịch sử gốc Do Thái tử vì đạo ở thế kỷ II trước CN. Kinh thánh của Thiên chúa giáo có kể sự tích này.
(4) Đăngtông: Nhà cách mạng nổi tiếng Pháp, sinh năm 1759, bị xử tử năm 1794.
 (5) Có những trường hợp con bó cúi đầu khi nó tấn công. Tình hình đó là cho đấu sĩ đỡ bị nguy hiểm.
 (6) Bác thợ yên ngựa: chỉ Angtônitô anh rể của Gađacđô.
 (7) Caxtêla: Emiliô Caxtêla, một nhà chính trị cộng hòa kiêm nhà văn Tây Ban Nha (1832 - 1899).
 (8) Đônha Xôn: Phu nhân Xôn. Đônha là từ đệm tên của phụ nữ quý tộc Tây Ban Nha.
 (9) Vườn Ancađa: Tên các vườn thượng uyển của vua Môrơ ở Tây Ban Nha, trong đó cái vườn ở Xêvilơ đẹp nhất.
 (10) Garôcha: một loại giáo dài giống loại giáo của picađo mà những người cưỡi ngựa chăn bò hay dùng.
(11) T'riana: Tên của một ngoại ô của thành phố Xêvilơ, nằm trên bờ phải con sông Goađankivia. Dân ở đó phần lớn là thợ thuyền và người gitanô (bôhêmiêng).
(13) Ganađêria: trại chăn nuôi bò chiến. Các chủ trại đều cố giữ cho giống bò của mình được thuần túy từ thế hệ này đến thế hệ khác, khiến những con bò xuất xứ từ một ganađêria đều có hình thức và đặc điểm giống nhau.
 (14) Calanê: một loại mũ nhỏ, hình tròn, bờ gập lên.
 (15) Giranđa: Tháp vuông ở Xêvilơ, một công trình kiến trúc nổi tiếng ở Tây Ban Nha xây dựng từ năm 1184 đến năm 1196
(16) Kêrăngxia: Địa điểm trên đấu trường mà con bò thích đến, ví dụ cạnh một con ngựa chết. Một con con bò mộng rút về Kêrăngxia thì đấu với nó rất nguy hiểm.
 (17) Xit Cămpêađôrê: Tên thật là Rôđêrigô Điax Đê Bivarê, hiệp sĩ xuất chúng Tây Ban Nha, chiến thắng quân Môrơ, chết năm 1099.
(18) Alămbra: Hoàng cung của các nhà vua Môrơ ở Grơnađơ (Tây Ban Nha) có những vườn ngự uyển rất đẹp.
 (19) Malaghêna: Điệu nhạc múa, đi kèm có phách caxtanhét của tỉnh Malaga.
(20) Xêvilana: Điệu nhạc phổ biến ở Xêvilơ.
 (21) Tăng-gô: Một điệu vũ dân gian gốc ở Tây Ban Nha.
 (22) Vanhe: Nhạc sĩ danh tiếng Đức, tác giả của nhiều bản nhạc có đề tài thần thoại (1813-1883).