- Thật sự cha là cha của con sao? Đôi khi con khó mà tin có chuyện đó.Tuyết nói với ánh mắt sáng rỡ và tươi tắn như óng ánh một nụ cười. Nếu có người nào bất chợt đưa mắt nhìn qua chiếc bàn hai cha con đang ngồi nơi tầng trệt quán cà phê Chez Maria bên Đại lộ Barnet hẳn sẽ thấy trên mặt Tuyết dường như biểu lộ một tình cảm nồng ấm và chân thật. Nhưng đối với Joseph, anh càng lúc càng nhận ra vẻ trách móc, khó chịu và căng thẳng trong giọng nói của con gái. Dạo mới mười bốn tuổi, tâm trạng thoạt đầu của Tuyết là non dại, rất ít nói và hay bối rối. Rồi những thơ ngây ấy dần dần thay đổi theo tháng ngày, từ e ấp, dè dặt và rụt rè biến thành u uất, câm nín và tủi hận. Tới hôm nay, Tuyết mười bảy tuổi, xinh đẹp, với nước "da vàng" nhạt như tỏa màu rực rỡ và lóng lánh vẻ thanh xuân. Nửa năm qua, trong đôi ba lần cha con gặp nhau mỗi khi Joseph ghé lại Sài Gòn, Tuyết giữ thái độ trách móc nhẹ nhàng. Nhưng đối với Joseph, anh cảm thấy trong thái độ ấy của con có một chọn lựa nào đó, như một cách thức cố ý chọc cho người cha chạnh lòng và nhức nhối.Khi Joseph không thể chờ đợi thêm một phút nào nữa, sắp sửa gọi tính tiền, chuẩn bị đứng lên bỏ đi, đột nhiên Tuyết, từ một chốn nào đó, xuất hiện và lẹ làng đặt mình xuống mặt ghế cạnh chiếc bàn anh đang ngồi. Thanh tú và mảnh mai như cành liễu, Tuyết ngồi hờ hững trên mép ghế, cằm lơ đãng tì lên lưng bàn tay và đưa mắt ơ hờ nhìn cha. Các thiếu nữ lai phương tây thường có màu da rất trắng nhưng mặt Tuyết chỉ hơi trắng, sắc da nhạt hơn người bình thường, với hai con mắt to hơn mắt mẹ nhưng nét đẹp Tuyết của làm xao xuyến lòng người, không thua gì mẹ. Điều đó được xác nhận khi có rất nhiều đàn ông từ những bàn bên cạnh quay đầu nhìn sang hướng có nó ngồi. Tuyết mặc áo dài cao cổ màu vàng nhạt, may ôm sát eo lưng và bộ ngực mảnh mai. Nét duyên dáng tự nhiên của nó lại càng linh động hơn nhờ phong thái điềm tĩnh ít khi thấy nơi các thiếu nữ Việt Nam.Joseph nói với giọng thật thấp, cố không để lộ tâm trạng nao nao xúc động anh thường cảm thấy mỗi lần gặp con:- Tuyết ạ, cha cũng thấy khó mà tin nổi chuyện đó. Cho tới khi cha có cơ hội hiếm hoi được thấy khuôn mặt đáng yêu của con ở ngay trước mặt cha. Con càng lớn càng xinh đẹp không kém mẹ con chút nào.- Nếu cha nghĩ mẹ đáng yêu đến thế, tại sao trước kia cha không ở lại đây làm đám cưới với mẹ?Lúc lắc đầu, Tuyết nguây nguẩy phóng ra câu hỏi ấy, rất lẹ như thể đã tập dượt hằng giờ trong các buổi học tiếng Anh tại trường trung học Pháp Marie-Curie. Joseph bỗng tự hỏi phải chăng trong giọng nói của Tuyết có đôi chút dấu vết của một tâm trạng quá đổi kích động đúng như anh nhận thấy, hay đó chỉ là dồn hết can đảm để đặt những câu hỏi thẳng thừng và vô phép trước đây nó không bao giờ dám hỏi. Một người hầu bàn tới gần nhưng Tuyết giận dữ lắc đầu xua tay. Chờ cho người phục vụ ấy rút lui, Joseph đặt tay lên mặt bàn. Trong một chốc anh im lặng ngó xuống hai bàn tay mình, rồi tằng hắng và nói gần như không thành tiếng:- Tuyết ạ, thuở đó cha có nói với mẹ của con rằng cha rất muốn làm đám cưới, nhưng rồi mẹ không thể nhận lời cầu hôn của cha vì mẹ không muốn làm buồn lòng ông ngoại của con trong lúc gia đình đang gặp chuyện không may. Joseph ngừng nói, quan sát vẻ mặt của con gái và không dò nổi phản ứng. Nó vô cảm không kém nửa giờ trước đây. Lúc đó, Tuyết xuất hiện trước cổng trường với đám bạn gái cười nói líu lo. Joseph thấy nó đưa mắt nhìn qua bên kia đại lộ, thẳng tới hướng anh đang đứng chờ. Chắc chắn Tuyết có thấy mình. Nghĩ như thế, anh bước ra khỏi bóng mát dưới gốc me, đưa tay vẫy con. Nhưng Tuyết vội vàng quay mặt sang chỗ khác, làm như chẳng thấy ai. Nó tiếp tục đi với các bạn gái cùng lớp. Cả đám tay cầm tay, chân bước tung tăng và miệng tíu tít chuyện trò, để mặc làn gió nhè nhẹ lay động những suối tóc mượt mà. Ở lề đường bên kia, Joseph chầm chậïm đi theo Tuyết. Dõi theo tiếng cười khúc khích sôi nổi của con gái và chúng bạn trôi dạt lại trong tai mình, anh kiên nhẫn chờ nhưng Tuyết không ngoái nhìn cha.Năm 1951, lần đầu tiên đến cổng trường của Tuyết lúc trời gần đứng bóng, dưới nắng trưa Sài Gòn đổ lửa, Joseph cũng kiên nhẫn đứng chờ, trên tay cầm một tấm ảnh của Tuyết do Lan đưa. Nhờ tấm ảnh ấy, Joseph dễ dàng nhận ra con gái. Anh lật đật băng ngang con đường trước trường, lách mình qua một đoàn xích-lô vào thời đó đã đạp loanh quanh đón khách trong thành phố, thay cho xe kéo cổ lổ. Khi Joseph tới gần, chạm vào cánh tay đứa con gái mười bốn tuổi, khuôn mặt của Tuyết cau lại với vẻ thật sự cảnh giác. Vẻ mặt ấy khiến Joseph nhớ lại tia nhìn e sợ chợt lóe lên trong hai con mắt bừng bừng sốt của Tuyết bên bờ ao làng đầy bùn nơi cực bắc Trung kỳ sáu năm về trước khi lần đầu tiên gặp anh. Nhưng ngoài vẻ cảnh giác ấy, không còn dấu hiệu nào khác gợi cho Joseph nhớ tới đứa bé gái tuyệt vọng sắp chết đói được anh thuở đó ôm chặt vào lòng với trái tim đập rộn ràng của người cha tìm thấy đứa con thất lạc.Sau đó, cứ mỗi lần đến thăm con, Joseph lại đứng ở phía lề đường đối diện với cổng trường, đưa tay lên vẫy và chờ đợi. Trong những lần hai cha con mới gặp nhau, Tuyết miễn cưỡng tách khỏi đám bạn và băng qua đường chào đón cha. Đôi khi hai cha con tản bộ tới Thảo Cầm Viên hoặc đi loanh quanh trong Vườn Ông Thượng mà lúc này có tên mới là vườn Tao Đàn, cách dinh thống đốc cũ một quãng, nơi anh gặp Lan lần đầu lúc nàng mới mười tuổi. Rồi tới một giai đoạn Tuyết bắt đầu hoàn toàn không ngó ngàng đến cha dù Joseph vẫn đứng chờ bên kia cổng trường. Hôm bắt đầu xảy ra tình trạng đó là vào dịp Sài Gòn chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Cảm thấy ngạc nhiên, anh lật đật đi theo con gái. Tuyết cố tình dẫn anh lượn tới quành lui không biết bao nhiêu lần giữa hàng chục quầy bán hoa của chợ hoa xuân đông đúc trên Đại lộ Charner thẳng trước Tòa Thị Chính, bên kia Bồn Kèn. Sau cùng, anh hoa mắt và nó với đám bạn cười nói khúc khích rộn ràng ấy biến mất lúc nào không biết. Từ lần đó trở đi, nếu thấy Tuyết làm như không nhận ra sự có mặt của cha phía bên kia cổng trường, Joseph sẽ đi theo con, giữ cách một quãng ngắn. Cứ thế thành thông lệ. Rồi thêm một thói quen nữa. Sau khi đi theo con, Joseph sẽ tới ngồi chờ nơi tầng trệt của tiệm cà phê Chez Maria gần đó, để tạo dịp cho Tuyết quay lại nói chuyện với cha nếu nó muốn. Có khi Tuyết đến, có khi không. Từ đó đến nay đã ba năm, hai cha con gặp nhau có lẽ chỉ bảy tám lần. Không lần nào gặp nhau không cảm thấy lấn cấn khó chịu. Lần nào Joseph cũng cố làm sao cho con gái không còn thái độ bướng bỉnh và ánh mắt thù nghịch biểu lộ kể từ lần đầu tiên hai cha con gặp nhau trước cổng trường. Như một nỗ lực để gần gũi con hơn, Joseph bắt đầu học tiếng Việt. Nhưng nếu anh nói chuyện bằng tiếng Việt, Tuyết nhất quyết không ngó ngàng tới cha và nằng nặc buộc Joseph phải nói tiếng Anh.Hễ Joseph mở miệng hỏi Tuyết về cuộc sống hiện tại của nó, thay vì trả lời trực tiếp, nó lại nhắc tới "Cậu Mợ Tâm" với những câu nói bày tỏ lòng quí mến sâu xa. Nó kể lể dài dòng và tỉ mỉ những cử chỉ thân ái được "Cậu Mợ" dành cho nó, như cố làm nổi bật tâm trạng tủi hận mà nó cảm thấy rất cụ thể và rất thấm thía việc cha mẹ không chịu trực tiếp nuôi nấng mình. Mỗi lần nhắc tới Lan, Joseph đều thấy thái độ của Tuyết lãnh đạm và dè dặt dù chưa bao giờ nó công khai biểu lộ lòng oán ghét mẹ. Đã trăm lần Joseph quả quyết với Tuyết rằng lòng anh ân hận biết bao vì sự thể xoay chuyển ra như thế này. Nhưng lúc nào Tuyết cũng chỉ im lặng lắng nghe lời phân trần ấy, không để lộ chút phản ứng nào. Cho dù lối Tuyết xử sự với cha rất cách biệt, Joseph vẫn cảm nhận sắc nét rằng bên dưới chiếc mặt nạ nguội lạnh ấy, con gái anh đang vật vã với chính nó nhằm che giấu tâm trạng tủi hận của một thiếu nữ luôn luôn mang mặc bị tổn thương và bị phản bội.- Vậy, có phải bất chấp những cái đó, cha vẫn còn yêu mẹ?Joseph giật mình nhìn lên, dội ngược vì câu hỏi ấy của con gái. Mắt Tuyết ngó thẳng mắt cha trong vài giây rồi bỗng như bối rối vì sự táo bạo của mình, nó quay đầu nhìn chỗ khác. Joseph nhìn không chớp vẻ mặt nghiêng nghiêng thanh tú của con gái, thấy nó giống Lan tới độ làm anh như nghẹt thở. Cuối cùng Joseph cất tiếng, trong giọng nói có đôi chút nghẹn ngào:- Còn, Tuyết ạ. Cha yêu mẹ con nhiều lắm. Cha không bao giờ thôi yêu mẹ con. Cha vẫn nuôi hi vọng tới một ngày nào đó, cha và mẹ có cơ hội làm đám cưới. Tuyết liếc cha thật lẹ, đôi mắt đen nhánh lộ vẻ giật mình nhưng không nói. Anh móc ví lấy ra tấm ảnh của Tuyết lúc mười bốn tuổi anh từng cầm theo khi lần đầu tới cổng trường của nó. Tấm ảnh giờ đây hơi nhàu. Trong ảnh, vẻ mặt Tuyết e ấp, rụt rè và phơn phớt buồn, trông rất tội nghiệp. Joseph đẩy tấm ảnh về phía con gái và nói:- Và dù đi bất cứ nơi nào cha cũng đều mang theo tấm ảnh nầy. Tuyết ạ, suốt ba năm nay, cha thấy vẻ mặt con lúc nào cũng giống như trong tấm ảnh. Cha muốn làm thế nào cho con cười thật nhiều và thật tươi. Nếu mẹ con và cha kết hôn, cha muốn mang hai mẹ con rời Việt Nam. Cha muốn cả ba chúng ta sống chung thành một gia đình.- Chuyện đó lúc này không phải đã khá trễ rồi sao?Tuyết nói và lúc lắc đầu, khinh khỉnh, không thèm ngó tấm ảnh đặt ngay trước mặt. Rồi nó quay đầu sang chỗ khác, nhìn mông lung tấm lưới giăng ngang trước tầng trệt. Đó là loại lưới mắt cáo bằng thép từ tám năm nay được dùng để che chắn các tiệm cà phê trong thành phố Sài Gòn kể từ ngày quân du kích Việt Minh đi xe đạp bắt đầu ném lựu đạn vào những hàng quán có khách nước ngoài.- Cha hy vọng là không. Lúc này, rõ ràng cuộc chiến đang nghiêng phần thắng về phía cộng sản. Tại Điện Biên Phủ mọi sự càng lúc càng tệ hại - nhưng cha cho là không quá trễ. Nếu cộng sản thắng thì ở đây, ngay tại Sài Gòn này, nhiều cái có thể chẳng bao giờ còn y như cũ... Đó là lý do cha muốn nói chuyện với con.Joseph vừa nói vừa sôi nổi chúi người tới trước để lôi kéo sự chú ý của con gái nhưng Tuyết hình như không nghe, mắt nó vẫn đăm đăm nhìn xuống đường phố.Bên kia tấm lưới sắt đang bị Tuyết làm ra vẻ cố nhìn xuyên suốt, Sài Gòn lúc này biến đổi thành một đô thị rộng mênh mông, khác với thuở đầu tiên Joseph ghé lại ba mươi năm trước. Dù vào ban trưa và vào quãng bảy giờ chiều, tầng trệt có lưới chắn bảo vệ của các quán cà phê vẫn đông đúc người Pháp vì thói quen khai vị của họ, hiện đã có khoảng trên một ngàn người Mỹ đồng hương của Joseph đang hàng ngày đi lại trên các đại lộ của "Paris Phương Đông". Lá cờ sao sọc trở thành hình ảnh quen thuộc trên nhiều đường phố trung tâm khi một số lượng hùng hậu gồm năm trăm người Mỹ đang bắt đầu kéo tới đây ngay sau quyết định trọng đại của tổng thống Truman là Hoa Kỳ giữ vững lập trường chống cộng sản ở á đông. Họ là nhân viên thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ, tăng cường thêm Phái bộ Viện trợ Kinh tế cùng cả chục cơ quan khác của chính phủ Mỹ. Để có chỗ cư trú cho ngần ấy người Mỹ, người ta vội vã nâng cấp các chúng cư kiên cố và hiện đại lên cao hơn. Và chúng đứng sừng sửng trước các biệt thự quét vôi màu lam nhạt kiểu Pháp. Thêm nữa, để ghi đậm lên thành phố dấu ấn cá biệt của lối sống Mỹ, các cửa tiệm dọc đường Catinat bắt đầu bày bán áo sơ-mi ni-lông cổ mềm cài nút, kem đánh răng the the mùi bạc hà cùng với coca cola và các hàng hóa khác được dân Mỹ ưa dùng hàng ngày. Joseph biết rằng một đoàn quân nhỏ nhoi gồm các viên chức chính phủ Mỹ đã bắt đầu thao tác trong các giáo phái, các đảng phái của người Việt và các nhóm quyền lực bản xứ khác. Mưu đồ ấy nhằm toan tính chuẩn bị một lực lượng, với sự hậu thuẫn của Mỹ, có khả năng cứu Việt Nam khỏi chủ nghĩa Mác-xít Lê-ni-nít khi rốt cuộc người Pháp buộc lòng phải ra đi. Anh đã viết nhiều bài báo cho tờ Gazette, cảnh báo đồng hương của mình rằng họ phải rất dè dặt khi đặt chân lên xứ sở xa lạ và phức tạp này, vào lúc họ gần như chỉ mới bắt đầu tìm hiểu. Cũng giống các ký giả nước ngoài ghé lại đây, Joseph phải gầy dựng, nuôi dưỡng và sử dụng những đường dây bí mật với các phái viên Việt Minh để theo dõi sát nút cuộc chiến. Họ là những người tuy mắt đầy cảnh giác nhưng lúc nào cũng long lanh sôi nổi giải thích các nguyên cớ chiến đấu của họ. Các cuộc tiếp xúc bí mật giữa họ với Joseph thường xảy ra tại các làng mạc trong rừng ven biên Sài Gòn, hoặc trong các quán cóc ruồi bu kiến đậu chuyên bán cà phê bít-tất tại những khu vực nghèo nội thành. Những điều tai nghe mắt thấy ấy đủ để khiến anh lo sợ về những gì sẽ xảy ra sau cuộc chiến. Tình hình Việt Nam đang tới gần một điểm quặt quan trọng và trước mặt, đang có nhiều nguy hiểm và bất ổn.Sau cùng, khi Tuyết chịu quay mặt lại nhìn cha, Joseph nói với giọng quả quyết hơn:- Tuyết này, cha lo lắng về những cái hẳn sẽ xảy tới cho con nếu cộng sản thắng cuộc chiến tranh này. Có lẽ con không để ý nhiều tới chính trị nhưng Việt Minh muốn thay đổi lối sống của hết thảy mọi người ở đây, trong đó có cả con.Nhẹ nhàng cười mỉm theo kiểu nửa tin nửa ngờ mà Tuyết biết sẽ làm người vừa nói cảm thấy rất bực mình. Vài giây sau, nó mới trả lời:- Cho tới hôm nay, tại cái xứ sở sinh ra con này, con tự lo liệu cho mình rất ổn thoả. Cha lo xa cho con ư, thật tử tế quá! Nhưng nếu không có sự giúp đỡ của cha, con nghĩ con vẫn có khả năng tiếp tục sống trên cõi thế gian này! Với tay qua bên kia mặt bàn, Joseph cầm tay con gái và ướm lời:- Tuyết, con hãy để cha giải thích về dự tính cha đang có trong đầu. Con chịu khó nghe một chút, có mất gì đâu...Tuyết giật tay về đặt trên đùi mình, và thêm lần nữa cười mỉm:- Đúng, nghe thì có mất mát gì đâu. Nhưng chẳng may lúc này con không rảnh.Nó đứng dậy, chìa bàn tay, làm như đang biểu lộ một hình thức chế nhạo:- Monsieur Sherman, chào nhé, và xin cám ơn.Để tránh cho Tuyết khỏi ngỡ ngàng, Joseph miễn cưỡng đứng lên. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi hai bàn tay cha con chạm vào nhau, nó lại cười mỉm với anh thêm lần nữa, rất nhẹ nhàng. Joseph vẫn đứng đăm đăm nhìn Tuyết đi thẳng một mạch qua tầng trệt đông đúc. Rồi khi con gái đi khuất, anh lại chầm chậm buông người xuống ghế. Trên mặt bàn, tấm ảnh Tuyết với vẻ mặt u uất vẫn nằm ngay phía trước chiếc ghế trống nó vừa ngồi, tấm ảnh nó không hề để mắt nhìn hay đụng tay tới.