Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
sáu

MẤY NGÀY MƯA LIỀN RÒNG RÃ khiến tôi không làm sao ra khỏi nhà được. Nằm nhà tôi nhớ đến ngôi nhà màu xanh. Tôi muốn đến đó ngay để xem có gì thay đổi sau cơn mưa không? 
Trời vừa dứt hột, tôi liền xin mẹ xuống phố. Ngôi nhà màu xanh đã hiện ra trước mắt. Nhưng nó có vẻ buồn thảm chi lạ, cửa hé mở nhưng màn cửa đã biến mất. Anh Cương đang đứng bất động trước đống cây ẩm mưa, khuôn mặt lạnh và bình thản, cái thản nhiên khác thường. Tôi bước tới đứng cạnh anh. 
- Phấn đi rồi, Ngọc đang ở trong ấy. 
Anh nói, vừa lúc ấy tôi thấy chị Ngọc bước ra, chị ngoắc tôi vào. Gian nhà màu xanh đã mất dáng ngây thơ và trẻ trung ngày cũ, chăn màn bị vứt đống trên ghế. 
- Tất cả thứ nầy đều là tiền bạc hết, mang về giặt lại sử dụng trong những việc khác cũng được. 
Chị Ngọc nói. Anh Cương cũng bước vào, anh yên lặng rót trà cho tôi. Chị Ngọc ngồi xuống chiếc ghế chị Phấn ngồi ngày xưa, nói: 
- Em thấy trên đời nầy có ai lạ như vậy chưa? Có nhà cửa rộng rãi, đủ tiện nghi, có người hầu nước, hầu cơm đàng hoàng lại không chịu ở, chui vào căn nhà rách nát nầy làm gì chứ? 
Anh Cương giả vờ chẳng nghe thấy, nói với tôi: 
- Nếu Lan còn thấy thích, thì anh xin nấu hầu em một bữa cơm, chịu không? Cả Ngọc nữa? 
Chị Ngọc giẫy nẩy: 
- Thôi đi ông, tôi tởm cái trò đó lắm rồi, sửa soạn nhanh lên để về còn gặp cha chứ! 
Anh Cương bước tới cửa, nhìn những đống cây bên ngoài bất động. Không khí trong phòng nhạt nhẽo làm sao, một lúc anh thở dài, nói với chị Ngọc: 
- Nếu em thấy chuyện mở xưởng mộc này vô nghĩa thì thôi… Tôi bán lại cho ông thợ chánh ở đây cũng được. 
Tôi nhìn chị Ngọc. Đôi mắt chị vẫn lạnh: 
- Bán đi cho rồi, đây đâu phải là nơi tiến thân của anh đâu? Cha bảo nếu anh chịu trở về học hành đàng hoàng, thì khi ra trường cha sẽ gắng vận động cho anh xuất ngoại. 
Anh Cương quay lại nhìn chị Ngọc một lúc thật lâu, rồi gật gù: 
- Phải, phải, phải về học chứ. Về học mới có cơ hội làm quan to chứ, phải không em? 
Anh nở nụ cười buồn. Tôi biết anh đang xót xa, nhưng chẳng biết phải làm gì để an ủi anh. Chị Ngọc đứng dậy quan sát gian nhà lần cuối. Rồi chỉ chiếc bàn và ghế nói: 
- Tất cả những cái này anh cho thợ ở đây hết đi. 
Anh Cương đứng yên như thứ gỗ mục, không có ý kiến gì hết, tuỳ chị Ngọc sắp xếp. Một lúc chị Ngọc lôi một chiếc hòm mây từ sau ra, đấy là chiếc hòm chứa những thanh gỗ đủ màu của chị Phấn, chị ném xuống đất: 
- Mấy thứ quỉ này để dành làm gì? 
Đổ những thanh gỗ ra rồi chị tiếp: 
- Chỉ có cái hòm mây này có thể lấy lại dùng được. 
Bây giờ anh Cương mới bước tới can thiệp, anh giữ tay chị Ngọc lại và bảo tôi: 
- Lan, đem những cái này về cho thằng Lân chơi đi. 
Tôi nhìn anh rồi nhìn những thanh gỗ nhỏ, bàn tay anh như đang run rẩy. Đột nhiên nỗi buồn thoáng nhẹ qua tim. Tôi hiểu lòng anh, vết thương cũ của anh đang bị xé to. Tôi nói: 
- Vâng, để em mang nó về cho thằng Lân. 
Chị Ngọc miễn cưỡng trao hòm mây lại cho Lan, những thanh gỗ màu cam, màu hồng, màu xanh nhạt được sắp xếp lại một cách thứ tự. Khuôn mặt anh Cương hờ ơ, như chẳng còn cảm xúc, tôi biết trái tim anh Cương biến thành gỗ đá. Chị Ngọc sau khi qua sát kỹ những vật dụng bỏ lại trong nhà, mới đi tìm ông thợ giao nhà. Anh Cương đứng tựa lưng vào tường như kẻ bàng quan. 
Chị Ngọc đi rồi, anh mới hỏi tôi: 
- Lan mang chiếc giá bút bằng pha lê tặng lại cho cha tôi đấy à? 
Tôi ngập ngừng, rồi gật đầu. Mặt anh thoáng buồn: 
- Hôm ấy Phấn trao thơ của chị Ngọc em cho anh xem, anh đã đọc hết lời bố cáo của cha anh… Yên lặng một chút anh Cương tiếp – Lần này trước khi xa nhau tôi và Phấn đã suy nghĩ thật kỹ. Nhưng em có biết không, xa nhau thế này… khổ lắm! Anh Cương ngẩng đầu lên đăm đăm nhìn bầu trời xanh, ngực anh phập phồng trong chiếc áo sơ mi hở cổ - Phấn khuyên tôi về nhà. Phấn có lý, tôi không có quyền làm khác hơn… 
Không khí ngập đầy vẻ buồn: 
- Thế là anh về? Rồi chị Phấn đi đâu? Bịnh của cậu đã bớt chưa? 
Anh Cương cười nhẹ: 
- Cha tôi có bịnh gì đâu? Chẳng qua chỉ vì giận quá nên hơi khó thở… Tôi thấy cái giá bút đạt trên bàn nhưng tôi không buồn hỏi đến… Ông ấy lúc nào cũng vậy, không bao giờ chịu nhìn nhận những lầm lẫn của mình… Dù sao cũng là chan, thôi thì đành chịu thiệt vậy, phải không Lan? 
Tôi gật đầu yên lặng. Anh Cương đan những ngón tay vào nhau, nhìn ra cửa rồi tiếp: 
- Từ đây về sau tôi phải làm một người đứng đắn hơn… Tôi phải hiếu thảo, vâng lời cha mẹ và phải làm một người chồng gương mẫu. 
Rồi anh quay lại nhìn tôi, mắt thoáng buồn: 
- Em nghĩ là tôi có thể biến thành máy được không chứ? Anh nhún vai - Chắc cũng không khó lắm đâu hở Lan? 
Chị Ngọc từ ngoài bước vào, anh Cương bỏ lửng câu chuyện, vẻ lạnh lùng lại trở về với gương mặt anh. 
Mặt trời đã ẩn vào mây, hàng cây quì ủ rũ, cơn mưa còn đọng nước. Ngắm sân cỏ non, nơi anh Cương và chị Phấn bao ngày qua đã từng đùa bỡn và gặm bánh mì, tôi chợt tưởng như vừa mơ: 
Tôi có căn nhà màu xanh 
Ở đấy mặt trời cũng xanh 
Trăng sao và cửa sổ 
Tất cả đều xanh ngắt 
…………………………. 
Tất cả gần như còn lãng đãng, thế mà khung trời màu xanh của anh Cương đã biến mất. Biến mất trong âm thầm không một tiếng vang.