Trời! Giá tôi không làm được việc gì chỉ vì lười thì có phải tôi đã phục tôi biết mấy! Tôi phục tôi chính bởi vì ít nhất tôi đã có thể lười được, bởi vì ít nhất tôi đã có được một tính cách nhất định để có thể tự tin vào mình. Hỏi: Mày là ai? Đáp: Một thằng lười! Được nghe ai gọi như thế chắc phải là thú vị lắm. Như vậy là tôi đã được định danh, đã có cái gì để nói về tôi… “Một thằng lười!” - Đó là một tước vị, một chức phận, một sự nghiệp, thưa quý vị! Quý vị chớ cười. Thật vậy đó. Như vậy chắc tôi sẽ có cái quyền hội viên của một hội lớn nhất thế giới và lúc nào tôi cũng chỉ làm mỗi một việc là chiêm ngưỡng tôi. Tôi biết một vị suốt đời tự hào là sở trường về rượu Lafitte. Ông ta cho cái đặc tính này của ông là một đức tính rất quý báu và không bao giờ ngờ vực gì mình cả. Ông ta chết đi không những lương tâm yên ổn, mà còn đắc ý nữa, và ông ta đã hoàn toàn có lí. Như vậy chắc tôi đã đã chọn được cho tôi một sự nghiệp: chắc tôi đã là một thằng lười và một thằng ham ăn, nhưng không phải là một thằng ham ăn tầm thường, mà là một kẻ ham thích “tất cả những cái gì đẹp và cao thượng”. Quý vị thấy thế nào? Tôi đã nghĩ đến chuyện này từ lâu rồi. “Cái đẹp và cái cao thượng” đã đè nặng trĩu trên đầu tôi từ hồi tôi bốn mươi. Từ hồi tôi bốn mươi tuổi! Nhưng trước đó có lẽ là một chuyện khác hẳn! Chắc tôi đã tìm được cho tôi một hình thức hoạt động phù hợp với tư chất của tôi: thí dụ, uống rượu chúc mừng tất cả những gì “đẹp và cao thượng”. Tôi sẽ nắm lấy mọi cơ hội để nâng li chúc mừng “cái đẹp, cái cao thượng”, nhất là sau khi đã nhỏ một giọt lệ vào li rượu. Tôi sẽ làm mọi thứ trở thành “đẹp và cao thượng”, tôi sẽ khám phá ra “cái đẹp và cái cao thượng” ngay cả trong những đống rác hôi thối nhất, tôi sẽ nhỏ lệ đầm đìa như một cái khăn thấm nước. Một họa sĩ, chẳng hạn, vẽ một bức tranh của Ghé[1] là tôi nâng chén chúc mừng họa sĩ đó lập tức, bởi tôi yêu thích tất cả những gì “đẹp và cao thượng”. Một thi sĩ đã viết bài thơ “Hãy mặc ý mỗi người”[2], lập tức tôi nâng chén chúc mừng mỗi người, bởi tôi yêu thích “cái đẹp, cái cao thượng”. Rồi tôi sẽ đòi mọi người phải kính trọng tôi vì điều đó. Tôi sẽ truy tố kẻ nào không tôn trọng tôi. Tôi sống yên ổn, và tôi chết uy nghi. Thế mới là điều tuyệt diệu chứ, thế mới là tao nhã chứ! Và rồi tôi sẽ để một cái bụng thật bệ vệ, một cái cằm bạnh ra ba ngấn, một cái mũi thật bóng nhẫy, để ai trông thấy cũng sẽ phải reo lên: “A! Đây mới là một con người đích thực, một con người đáng kính!”. Quý vị muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, chứ được nghe ai nói về mình bằng những nhận xét đó thì quả là có thấy dễ chịu thực trong cái thời buổi tiêu cực này! Chú thích:[1] Họa sĩ hiện thực và đạo đức nổi tiếng, đã vẽ nhiều chân dung, đặc biệt là của Tolstoi. (ND). [2] Thơ của Nekrasov. (ND).