ƯỚC TỪ VÒI SEN ĐỔ XUỐNG RÀN RẠT VÀ HƠI NƯỚC BỐC LÊN PHỦ MỜ TẤM GƯƠNG VÀ Ô CỬA SỔ, che khuất vầng trăng xanh tái. Caroline đi tới đi lui trong buồng tắm quét sơn tím bé tí tẹo, trên tay ôm chặt Phoebe. Hơi thở của con bé nhè nhẹ và gấp, trái tim nhỏ bé của nó đập thình thịch. Cố gắng lên con yêu. Caroline thì thầm, vuốt ve mái tóc sẫm mềm mại của con bé. Cố khỏe lên nhé, bé ngoan, cố lên con. Mệt rã rời, cô dừng bước ngắm vầng trăng ngoài cửa sổ, một đốm sáng len giữa những cành cây tiêu huyền, lúc ấy cơn ho của Phoebe lại trỗi dậy, tận sâu trong lồng ngực con bé. Thân hình nó cứng đờ trong tay Caroline khi con bé đẩy không khí qua vòm họng nhỏ hẹp, tiếng nghe rát và khò khè. Đó là bệnh bạch hầu thanh quản, một bệnh đã được nhắc đến trong giáo trình. Caroline xoa xoa lên lưng Phoebe, lưng con bé chẳng lớn hơn bàn tay cô là bao. Khi cơn ho vừa dứt, cô lại tiếp tục đi đi lại lại để không rơi vào trạng thái ngủ đứng. Mới trong năm nay thôi đã hơn một lần cô giật mình tỉnh dậy thì thấy mình vẫn đứng nguyên vẹn còn Phoebe, kỳ diệu thay, vẫn an toàn trong vòng tay cô. Cầu thang kêu kẽo kẹt, rồi đến mấy tấm ván sàn, tiếng nghe gần hơn, và cánh cửa màu tím bật mở kéo theo luồng không khí lạnh buốt. Doro bước vào, chị khoác một chiếc áo choàng lụa đen bên ngoài váy ngủ, mái tóc hoa râm xõa xuống bờ vai. “Tệ lắm hả em?”, chị cất tiếng hỏi. “Nghe tiếng sợ quá. Có cần chị đi lấy xe không?”. “Em nghĩ là không cần đâu. Nhưng chị đóng cửa giùm em được không? Có hơi nước cũng đỡ nhiều đấy.”. Doro đóng cửa lại rồi ngồi lên thành bồn tắm. “Bọn em lại đánh thức chị dậy rồi”, Caroline nói, hơi thở của Phoebe phả nhè nhẹ lên cổ cô. “Xin lỗi chị nhé.” Doro nhún vai. “Em biết chị ngủ thế nào rồi đấy. Đằng nào thì chị vẫn đang thức đọc sách mà.”. “Có gì thú vị không?” Caroline hỏi. Cô đưa cổ tay áo chùi lên cửa sổ; ánh trăng rải xuống mảnh vườn phía dưới cách đây ba tầng lầu và chiếu sáng chan hòa như nước chảy trên cỏ. “Tạp chí khoa học ấy mà. Tẻ chết đi được, chị còn thấy thế nữa là. Đọc để dỗ giấc thôi.”. Caroline mỉm cười. Doro có bằng tiến sĩ vật lý; chị làm việc tại trường đại học, đúng phân khoa mà ông cụ thân sinh ra chị đã từng nắm chức trưởng khoa. Leo March, một con người lỗi lạc và tiếng tăm lừng lẫy, giờ đã ở tuổi tám mươi, tuy chân tay còn khỏe mạnh nhưng trí nhớ và giác quan đã sút kém. Một tháng trước, Doro đã thuê Caroline làm bầu bạn với ông cụ. Một món quà, chính là công việc này: cô biết. Cô lái xe từ đường hầm Fort Pitt lên chiếc cầu cao bắc ngang qua sông Monongahela, những ngọn đồi xanh nhô cao bên dòng nước phẳng lặng, thành phố Pittsburgh đột ngột hiện lên lung linh trước mắt cô, gần gũi và sống động. Ngỡ ngàng trước sự rộng lớn và vẻ đẹp huy hoàng của nó, cô thở gấp và nhấn ga chậm lại, chỉ sợ mình sẽ lạc tay lái. Suốt một tháng ròng cô sống trong một khách sạn rẻ tiền nằm ở ngoại ô thành phố, khoanh tròn các loại quảng cáo tìm người và nhìn món tiền dành dụm của mình teo tóp dần. Khi cô tới dự cuộc phỏng vấn này, lòng phấn khích đã chuyển thành vẻ hoảng loạn đến đờ dại. Cô bấm chuông và đứng trên hiên nhà, chờ đợi. Những đóa hoa thủy tiên vàng rực rỡ rung rinh trên thảm cỏ xuân xanh tốt; ở căn nhà kế bên, một người phụ nữ khoác áo choàng thêu mặc ở nhà đang quét đám muội vương trên bậc thềm. Những người sống trong căn nhà đó còn chẳng thèm để ý; chiếc ghế ngồi ô tô của Phoebe đã phủ đầy một lớp sạn bẩn tích tụ từ mấy ngày liền. Bụi rải như tuyết đen, dấu chân của Caroline in xuống chỗ mờ chỗ tỏ sau lưng cô. Cuối cùng thì Dorothy March, một người cao ráo và mảnh dẻ mặc bộ đồ thể thao màu xám, cũng ra mở cửa. Caroline phớt lờ cái nhìn cảnh giác chị ta dành cho Phoebe, cô nhấc cái ghế của con bé lên, bước vào nhà. Cô ngồi xuống mép một chiếc ghế tựa khá chênh vênh, lớp nệm nhung từng có màu đỏ thắm như rượu đã ngả sang sắc hồng, ngoại trừ mấy chỗ sẫm màu hơn xung quanh đinh tán bọc vải. Dorothy March ngồi xuống đối diện cô, trên chiếc trường kỷ bọc da nứt nẻ, một đầu được gia cố thêm bằng một cục gạch. Chị châm một điếu thuốc. Trong một lúc lâu, chị chỉ ngắm nghía Caroline, đôi mắt xanh tinh nhanh và linh động. Chị chưa nói ngay điều gì cả. Sau rốt, chị cũng hắng giọng, rồi phả ra một hơi khói. “Nói thật nhé, tôi không tin tưởng một đứa trẻ ranh lắm đâu”, chị nói. Caroline rút tờ lý lịch ra. “Tôi đã làm y tá trong mười lăm năm liền. Tôi có vô khối kinh nghiệm và tâm huyết để làm công việc này.” Dorothy March cầm mấy tờ giấy bằng bàn tay không hút thuốc và đưa lên đọc. “Chà, xem ra cô có nhiều kinh nghiệm thật. Nhưng ở đây còn không ghi cô đã làm việc ở đâu. Cô chẳng trình bày rõ ràng gì cả.” Caroline ngập ngừng. Cô đã nghĩ ra hàng tá câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này ở hàng tá cuộc phỏng vấn khác nhau những tuần trước đó, và tất cả đều chẳng có tác dụng gì cả. “Bởi vì tôi đã bỏ trốn”, cô nói, đầu óc như quay cuồng. “Tôi đã chạy trốn cha của Phoebe. Vì vậy tôi không thể nói cho chị biết tôi từ đâu đến, và cũng không thể đưa cho chị một lá thư giới thiệu nào. Đó là lý do duy nhất tôi vẫn chưa kiếm được việc. Tôi là một y tá xuất sắc, và thẳng thắn mà nói, chị rất may mắn vì tìm được tôi đấy, nhất là với mức lương chị định trả”. Nghe vậy Dorothy phá lên cười the thé, nghe rợn cả người. “Ăn nói mới táo tợn chưa! Thưa cô, đây là công việc làm toàn thời gian tại nhà tôi. Vì cớ gì mà tôi phải vồ vập nhận ngay một người hoàn toàn xa lạ cơ chứ?”. “Tôi sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ, chỉ cần được nuôi ăn ở thôi,” Caroline vẫn kiên trì, cô nghĩ đến căn phòng ở nhà nghỉ với lớp giấy dán tường tróc luôm nhuôm và cái trần phòng cáu bẩn, căn phòng mà cô không đủ tiền để trả thậm chí chỉ cho một đêm nữa. “Trong vòng hai tuần. Tôi làm việc, sau đó chị có thể quyết định.” Điếu thuốc trên tay Dorothy March đã cháy hết. Chị nhìn nó, rồi dụi xuống cái gạt tàn đã đầy tràn. “Nhưng cô tính xoay sở thế nào?”, chị trầm ngâm. “Lại còn thêm đứa bé nữa? Bố tôi không phải là một bệnh nhân. Mà ông cũng không phải là một bệnh nhân kiên nhẫn đâu đấy, tôi cam đoan với cô như thế.” “Chỉ một tuần thôi,” Caroline đáp ngay. “Nếu trong một tuần chị cảm thấy không thích tôi, tôi sẽ đi ngay.” Đến giờ gần một năm đã trôi qua. Doro đứng trong căn phòng tắm mù mịt hơi nước. Ống tay áo choàng lụa đen in đầy những hình con chim vùng nhiệt đới sặc sỡ tụt xuống tận khuỷu tay. “Để chị bế nó cho. Trông em mệt quá rồi, Caroline ạ.” Cơn khò khè của Phoebe đã dịu bớt và da dẻ con bé dần tươi trở lại, đôi má giờ đã phơn phớt hồng. Caroline chuyền con bé sang, cảm thấy rõ hơi lạnh đột ngột khi con bé không còn trong vòng tay mình nữa. “Tình hình bố chị hôm nay thế nào?”, Doro hỏi. “Cụ có gây phiền phức cho em chút nào không?”. Mất một lúc Caroline vẫn không trả lời. Cô đã quá mệt mỏi, một năm qua cô đã đi quá xa, từ cảnh huống này sang cảnh huống khác, và cuộc sống đơn độc chỉn chu của cô đã bị xáo trộn hoàn toàn. Không hiểu bằng cách nào, cô lại có mặt trong căn phòng tắm sơn tím nhỏ bé này, trở thành mẹ của Phoebe, thành bạn đồng hành với một người đàn ông lỗi lạc nhưng trí óc đã lẫn lộn, thành một người bạn kỳ lạ nhưng đáng tin cậy của người phụ nữ này, Doro March: một năm trước đây thôi họ vẫn còn là những người xa lạ, những người phụ nữ có thể lướt qua nhau trên phố mà không buồn liếc nhau đến lần thứ hai, giữa đôi bên cũng chẳng có chút liên hệ nào, vậy mà giờ đây cuộc sống của họ đã xoắn bện vào nhau bởi những nhu cầu thường nhật cùng một lòng tôn trọng bền chặt và nghiêm cẩn. “Ông cụ không chịu ăn. Ông kêu em đã bỏ bột giặt vào khoai tây nghiền. Chà - nói thế nào nhỉ, cũng như ngày thường thôi.”. “Tính ông không thế, em biết mà.”, Doro nhẹ nhàng. “Không phải lúc nào ông cụ cũng như thế.”. Caroline tắt vòi hoa sen và ngồi lên thành bồn tắm màu tím. Doro hất hàm về phía ô cửa sổ mờ hơi nước. Đôi bàn tay Phoebe xanh tái như những ngôi sao, nổi bật trên nền chiếc áo choàng của chị. “Mảnh đất đằng xa trên đồi là nơi bọn chị chơi đùa hồi xưa. Trước khi người ta xây đường cao tốc kia. Bọn diệc hay làm tổ trên cây, em biết chuyện đó không nhỉ? Cứ tới mùa xuân mẹ chị lại trồng hoa thủy tiên ở đấy, phải đến hàng trăm củ ấy. Ngày nào bố chị cũng đi tàu từ trường về nhà lúc sáu giờ, ông sẽ đi thẳng tới đó và hái cho mẹ chị một bó hoa đầy. Em không biết ông trước kia như thế nào đâu,” chị nói. “Em không biết đâu.” “Em biết”, Caroline nói khẽ. “Em đã nhận ra điều đó rồi mà.”. Họ im lặng một lúc. Vòi nước nhỏ từng giọt và hơi nước cuộn lên. “Chị nghĩ con bé ngủ rồi,” Doro nói. “Con bé sẽ ổn chứ?”. “Vâng, em nghĩ thế.”. “Con bé bị làm sao vậy, Caroline?”. Giọng nói của Doro giờ đầy quan tâm, từng câu từng chữ của chị phát ra thật dứt khoát. “Em à, chị chẳng biết gì về trẻ con cả, nhưng ngay cả người như chị đây cũng cảm thấy có điều gì đó không ổn. Phoebe rất xinh, rất ngoan, nhưng có gì đó không ổn, đúng không? Con bé đã gần một tuổi mà giờ nó mới chỉ đang tập ngồi dậy là sao?”. Caroline nhìn xuyên qua ô cửa sổ đọng từng vệt dài hơi nước, ngắm mặt trăng rồi nhắm mắt lại. Khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, sự ù lì của Phoebe dường như, hơn bất cứ điều gì khác, là một món quà của sự thầm lặng, của lòng tận tụy, và Caroline có thể cho phép mình tin rằng không có điều gì là bất thường cả. Nhưng sau sáu tháng, khi Phoebe đã lớn hơn nhưng vẫn quá nhỏ bé so với tuổi của nó, chỉ lọt thỏm trong vòng tay cô, khi ánh mắt Phoebe dõi theo chuyển động của chùm chìa khóa, đôi lúc con bé còn vẫy tay nhưng không bao giờ cố vươn ra để tóm lấy, khi con bé không có biểu hiện gì của khả năng tự ngồi dậy, Caroline bắt đầu đưa Phoebe tới thư viện vào những ngày cô được nghỉ. Ngồi bên chiếc bàn đóng bằng gỗ sồi ở thư viện Carnegie, giữa những căn phòng trần cao vút rộng rãi, thoáng đãng, cô chất đống sách cùng các bài báo và bắt đầu đọc, những cuộc hành trình ghê rợn tới các nhà cứu tế tăm tối, những cuộc đời ngắn ngủi, không có chút tia hy vọng nào. Đó làm một cảm xúc kỳ dị, giống như bụng cô bị khoét thủng một lỗ sâu mỗi khi đọc tới từng chữ. Và Phoebe vẫn ở đó, trằn mình trong chiếc ghế ô tô, con bé nhoẻn cười, vẫy vẫy tay và ê a: một đứa trẻ, không phải một ca bệnh kinh điển. “Phoebe có triệu chứng Down,” cô ép mình tự phải nói ra. “Thuật ngữ gọi như vậy.”. “Ôi, Caroline,” Doro nói. “Chị rất tiếc. Có phải đó là lý do khiến em bỏ chồng không? Em nói anh ta không muốn có nó mà. Ôi em thân yêu, chị rất, rất lấy làm tiếc.” “Đừng chị à”, Caroline nói, đoạn cô giơ tay ra để đỡ lấy Phoebe. “Con bé rất xinh.”. “Ừ, phải. Phải, nó xinh lắm. Nhưng Caroline à. Con bé sẽ ra sao đây?”. Thân hình Phoebe ấm và nặng trong vòng tay cô, mớ tóc sẫm mềm mại lòa xòa nổi bật trên làn da tái. Caroline, vừa e sợ lại vừa thận trọng, vuốt lên má con bé thật nhẹ nhàng. “Chúng ta sẽ ra sao đây? Ý em là, nói thực em nghe nào, Doro. Chị có bao giờ tưởng tượng cuộc đời chị sẽ như thế này không?” Doro nhìn lảng đi, có gì đó như nỗi đau lướt qua khuôn mặt chị. Nhiều năm về trước, vị hôn phu của chị đã bỏ mạng khi liều lĩnh nhảy từ trên một cây cầu xuống sông. Doro đã quá đau đớn vì anh ta và không bao giờ kết hôn, không bao giờ có những đứa con mà chị hằng mơ ước. “Không”, cuối cùng chị cất lời. “Nhưng chuyện này thì khác.” “Tại sao? Tại sao lại khác?” “Caroline,” Doro nói, đặt tay lên cánh tay cô. “Thôi đừng nói nữa em. Em mệt rồi. Chị cũng vậy.” Caroline đặt Phoebe vào nôi trong lúc tiếng chân Doro bước xuống cầu thang vẳng lại khe khẽ. Lúc ngủ say dưới ánh đèn đường mờ ảo hắt qua cửa sổ, trông nó cũng giống như bất cứ đứa trẻ nào khác, tương lai của con bé vẫn còn mông lung, thật chẳng khác nào đáy đại dương, vẫn còn ẩn chứa biết bao bí ẩn. Xe cộ trườn lên những cánh đồng thời thơ ấu của Doro, ánh đèn pha nhảy nhót trên tường, và Caroline hình dung ra cảnh những con diệc bay vù lên trên đồng lầy, cánh sải dài trong ánh sáng vàng mờ ảo của buổi ban mai. Con bé sẽ ra sao? Thực ra, lắm lúc Caroline nằm thao thức giữa đêm khuya, trăn trở không nguôi cũng vì chính câu hỏi đó. Trong phòng riêng của cô, những tấm rèm do chính tay bà cụ thân sinh của Doro đan móc và treo lên cửa sổ mấy chục năm về trước phủ xuống những mảng tối tinh tế, ánh trăng đủ sáng để xuyên qua lớp rèm. Trên bàn làm việc có một chiếc phong bì đựng ba tấm hình của Phoebe, kế đó là một tờ giấy gấp đôi. Caroline mở ra và đọc lại những gì mình đã viết. Bác sĩ Henry, Lẽ ra cô nên gửi đi - cô đã viết từ mấy tuần tước - nhưng mỗi lần định gửi cô lại nghĩ tới Phoebe, đến cái cảm giác êm ái mỗi khi chạm vào tay nó, hay tiếng ê a của nó mỗi khi nó vui, và cô không thể nào làm được nữa. Cô lại cất lá thư đi và nằm xuống, chẳng mấy chốc đã chìm vào giấc ngủ miên man. Cô bỗng mơ thấy khu sảnh đợi nơi phòng khám với mấy cái cây ủ rũ, những chiếc lá lay động bởi hơi nóng, và rồi bừng tỉnh, khắc khoải lo lắng không biết mình đang ở đâu. Đây, cô tự nhủ, tay sờ lên mấy tấm chăn mát lạnh. Mình đang ở đây. ° Buổi sáng khi Caroline thức dậy, căn phòng tràn ngập ánh sáng và tiếng đàn trumpet. Nằm trong nôi, Phoebe đang huơ huơ tay như thể nốt nhạc là những sinh vật nhỏ bé có cánh, giống như bướm hay đom đóm, mà con bé có thể bắt lấy. Caroline sửa soạn áo xống cho cả hai rồi bế nó xuống tầng dưới, cô dừng lại ở tầng hai, nơi Leo March đang thu mình vào trong văn phòng sơn vàng ngập nắng của ông, sách vương vãi khắp đi văng, ông nằm trên đó, tay đan sau đầu, mắt nhìn trân trân lên trần nhà. Caroline đứng bên ngưỡng của nhìn ông - cô không được phép bước vào căn phòng này trừ phi được mời - nhưng ông không nhận ra sự có mặt của cô. Một người đàn ông già nua, cái đầu đã hói chỉ còn lại một nhúm tóc bạc lơ thơ, vẫn mặc nguyên bộ quần áo từ hôm trước, say sưa lắng nghe tiếng nhạc ầm ĩ tuôn ra từ dàn loa, làm rung chuyển cả căn nhà. “Bác có muốn ăn sáng không ạ?, cô gào to. Ông phẩy tay, ý rằng mình sẽ tự lo lấy. Vậy thì tốt thôi. Caroline đảo qua bếp pha cà phê. Ngay cả ở dưới này, cô vẫn nghe thấy tiếng kèn trumpet văng vẳng. Cô đặt Phoebe lên chiếc ghế ăn, cho nó uống nước xốt táo, ăn trứng cùng pho mát mềm. Ba lần cô đặt chiếc thìa vào tay con bé là ba lần thìa rơi xuống chiếc khay kim loại. “Không sao”, Caroline nói to, nhưng trái tim cô se lại. Tiếng Doro lại văng vẳng: Con bé sẽ ra sao? Ra sao đây? Mười một tháng tuổi, lẽ ra con bé phải cầm nắm được những vật nhỏ rồi chứ? Cô dọn sạch bếp và sang phòng ăn gấp đồ giặt ủi vừa rút trên dây phơi, vải vóc thơm nồng hơi gió. Phoebe nằm ngửa trên xe cũi đẩy, miệng ê a, tay đập lên những chiếc vòng và đồ chơi Caroline đeo trên đầu nó. Thỉnh thoảng Caroline dừng việc để chỉnh lại mấy món đồ sặc sỡ, với hy vọng rằng Phoebe, bị hấp dẫn bởi màu sắc, sẽ khua cho chúng quay tít. Sau chừng nửa tiếng đồng hồ, tiếng nhạc bỗng ngưng bặt, rồi chân Leo xuất hiện trên bậc thang trong đôi giày da đánh xi bóng loáng và thắt buộc chỉn chu, mắt cá chân để trần xanh xao lấp ló dưới ống quần ngắn phải tới vài centimet so với mức thông thường. Từ từ từng chút một, ông hiện ra trong tầm mắt - một người đàn ông cao kều, thân hình đã một thời rất tráng kiện và cơ bắp, nhưng giờ các thớ thịt chỉ còn bám lỏng lẻo trên cái khung xương khẳng khiu. “A, tốt lắm”, ông nói, gật gù với đống đồ giặt ủi. “Chúng ta cần một cô giúp việc như thế đấy.”. “Bác ăn sáng không?” cô hỏi. “Tôi tự làm lấy được.” “Thế thì bác làm đi.” “Tôi sẽ tống cổ cô trước bữa trưa,” ông nói vọng ra từ trong bếp. Tiếp đó là tiếng nồi niêu xoong chảo rơi loảng xoảng, tiếng ông cụ chửi rủa. Caroline tưởng tượng ra ông đang phải cúi lom khom để nhồi nhét hết đống xoong chảo trở vào tủ đựng chén đĩa. Cô phải tới giúp ông - nhưng thôi, cứ để ông tự xoay xở lấy. Trong mấy tuần đầu làm việc, cô còn ngần ngại không dám mở miệng đáp trả, không dám giật mình mỗi lần Leonard March gọi, cho tới khi Doro nói riêng với cô. Dào ôi, cô có phải là người hầu kẻ ở đâu. Mọi chuyện cứ nói với tôi là được; cô không cần phải nghe mọi thứ ông cụ sai bảo. Cô làm tốt lắm, cô cứ ở lại đây, chị đã nói vậy, và Caroline hiểu rằng thời kỳ thử việc của cô đã chấm dứt. Leo đi ra, tay bưng một đĩa đầy trứng tú hụ và một cốc nước cam. “Không phải lo”, cô chưa kịp mở miệng, ông đã nói trước. “Tôi đã tắt cái lò nướng chết tiệt đấy rồi. Giờ tôi lên gác ăn sáng cho yên thân đây.” “Xin bác ăn nói cho cẩn thận,” Caroline nói. Ông gầm gừ trong miệng rồi dận chân thình thịch trên gác. Cô ngừng tay, bỗng nhiên thấy nghẹn ngào muốn khóc, cô dõi theo một con chim hồng y thoắt đậu xuống bụi tử đinh hương dưới cửa sổ, rồi bay đi ngay. Cô đang làm gì ở đây vậy nhỉ? Không hiểu ước muốn nào đã đẩy cô đến quyết định hệ trọng này, đến cái cảnh không thể quay đầu trở lại như thế này? Và rốt cuộc, số phận của cô sẽ ra sao đây? Sau vài phút, tiếng nhạc trumpet lại nổi lên ầm ầm trên gác và chuông cửa reo lần thứ hai. Caroline bế Phoebe lên khỏi chiếc xe cũi đẩy. “Họ đến rồi.”, cô nói, đoạn giơ cổ tay lên chùi mắt. “Đến lúc luyện tập rồi.”. Sandra đã trực sẵn dưới hiên nhà. Caroline vừa mở cửa cô đã ập vào, một tay bế Tim, còn tay kia kéo lê theo một túi vải to vật vã. Cô ta cao lớn, khung xương thô kệch, tóc vàng hoe, tràn đầy sức sống; cô ngồi bệt xuống giữa tấm thảm không chút câu nệ, rồi dốc túi đổ ra một chồng đống đồ chơi xếp khối. “Xin lỗi chị, tôi đến muộn quá,” cô ta nói. “Đường sá ùn tắc kinh quá đi mất. Chị sống ở gần trung tâm thành phố thế này mà không phát điên lên à? Như tôi thì chắc muốn rồ luôn rồi. Mà thôi, xem tôi có cái gì này. Nhìn mấy món đồ chơi xếp khối tuyệt chưa này - đồ nhựa đấy, màu sắc phong phú lắm. Tim thích trò chơi này lắm đấy.” Caroline cũng ngồi xuống sàn nhà. Cũng như Doro, Sandra là một người bạn lạ thường, một người mà trong cuộc sống trước kia của mình có lẽ Caroline sẽ không bao giờ biết đến. Họ đã gặp nhau trong thư viện giữa một ngày tháng Giêng ảm đạm, lúc ấy Caroline, phát ngấy vì chuyên gia và những số liệu chuyên môn ảm đạm, đóng sập quyển sách lại trong tuyệt vọng. Sandra ngồi cách đó hai bàn, cũng lọt thỏm giữa những chồng sách của chính mình, những quyển sách có bìa và gáy giống với đống sách của Caroline khủng khiếp, cô nhìn lên. Ôi chao, tôi hiểu chị đang nghĩ gì. Tôi cũng điên dầu lắm rồi đây, khéo đập vỡ tan cửa sổ được ấy. Caroline lắng nghe chăm chú, từng câu từng lời khiến lòng cô thêm phấn chấn. Họ rời khỏi thư viện và đi uống cà phê. Có lẽ Caroline sẽ không bao giờ quên những giây phút ấy, sự hứng khởi mà cô cảm thấy, như thể cô vừa thức dậy sau một giấc mơ dài nặng nề. Họ cùng phỏng đoán điều gì sẽ xảy ra, nếu cứ giả định là con mình có thể làm tất cả mọi việc. Có lẽ sẽ không nhanh. Có lẽ sẽ không giống như những gì sách nói. Nhưng nếu họ bỏ hết những biểu đồ tăng trưởng và phát triển kia đi, thay vào đó là những mục tiêu, kế hoạch rõ ràng và gắt gao của mình thì sao? Nếu họ kiên trì hy vọng bất chấp cả thời gian? Làm thế thì có hại gì đâu? Sao lại không thử cơ chứ? Phải, sao lại không nhỉ? Họ bắt đầu gặp nhau thường xuyên, ở đây hoặc ở nhà Sandra khi có mặt cả mấy đứa con trai lớn bướng bỉnh của cô. Họ mang theo sách vở và đồ chơi, bài nghiên cứu và những câu chuyện, và cả kinh nghiệm của riêng mình – Caroline có kinh nghiệm của một y tá, Sandra lại có kinh nghiệm của một giáo viên và một bà mẹ của bốn đứa con. Có rất nhiều phương pháp chỉ xuất phát từ suy nghĩ thông thường. Ví dụ khi Phoebe cần học lẫy, cứ đặt một quả bóng màu sặc sỡ ngoài tầm với của nó; khi Tim cần học cách kết hợp hành động, cứ đưa cho thằng bé một chiếc kéo cùn cùng tập giấy màu và để nó tự cắt. Những dấu hiệu tiến bộ biểu hiện rất chậm chạp, đôi khi không thể nhận thấy được, nhưng đối với Caroline, những giờ phút ấy đã trở thành sự cứu rỗi. “Hôm nay trông chị mệt mỏi quá,” Sandra nói. Caroline gật đầu. “Tối qua Phoebe bị ho bạch hầu. Thực sự tôi cũng không biết con bé trụ được bao lâu nữa. Tai của Tim sao rồi?” “Tôi thích ông bác sĩ mới lắm,” Sandra nói, đoạn ngồi ngả ra. Ngón tay của cô dài và thô; cô mỉm cười với Tim và đưa cho thằng bé một cái cốc màu vàng. “Ông ấy có vẻ tận tâm lắm, chứ không xua chúng tôi đi đâu. Nhưng mà tình hình cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Tim hơi có vấn đề về thính giác, thế nên thằng bé học nói mới chậm như thế. Đây này, con ngoan,” cô nói, gõ nhẹ lên cái cốc thằng bé vừa đánh rơi. “Cho cô Caroline với em Phoebe xem con làm được gì nào.” Tim chẳng buồn quan tâm; lớp sợi thảm đã thu hết sự chú ý của thằng bé, nó đưa tay luồn qua lớp sợi hết lần này tới lần khác, đầy hào hứng và thích thú. Nhưng Sandra vẫn tỏ ra kiên quyết, bình tĩnh và dứt khoát. Rốt cuộc, thằng bé cùng cầm cái cốc vàng lên, áp miệng cốc lên má một lúc, rồi đặt cốc lên sàn nhà và bắt đầu đem những chiếc cốc khác xếp chồng lên nhau thành một cái tháp. Suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, họ chơi với bọn trẻ và trò chuyện. Sandra có quan điểm dứt khoát đối với mọi vấn đề và không ngần ngại bày tỏ ý kiến của mình. Caroline thích ngồi trong phòng khách nói chuyện với người phụ nữ thông minh, mạnh mẽ này, như những người mẹ với nhau. Dạo này Caroline bỗng thấy nhớ mẹ da diết, mẹ cô đã qua đời cách đây cả chục năm rồi, cô ước sao mình có thể gọi điện cho bà và xin bà lời khuyên hay chỉ cần bà ghé qua đây chốc lát để trông thấy cô bế Phoebe trên tay. Không biết mẹ cô có phải nếm trải những cảm giác này – tình yêu thương lẫn nỗi lo âu – khi Caroline lớn lên? Chắc là có, và đột nhiên Caroline thấu hiểu tuổi thơ của mình theo một cách khác. Mối lo sợ thường trực về bệnh bại liệt – cái cảm giác đó, theo cách kỳ dị của riêng nó, chính là tình yêu. Và những giờ làm việc cật lực của cha cô, sự chuyên chú cẩn trọng về chuyện chi tiêu gia đình được nói đến trong mỗi tối – đó cũng là tình yêu. Cô không có mẹ bên cạnh nhưng đã có Sandra, và những buổi sáng tâm sự cùng nhau đã trở thành niềm vui trong tuần của cô. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện từ cuộc sống của mình, chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm làm mẹ, cùng vui cười khi Tom cố xếp chồng những chiếc cốc trên đầu họ, khi Phoebe cố với cao hơn, cao hơn để tóm lấy quả bóng màu sặc sỡ và cuối cùng, vượt qua được chính bản thân mình, nó đã biết lẫy. Cũng trong buổi sáng hôm đó, Caroline vẫn thấy chưa chắc chắn, nên đã vài lần cô thử đung đưa chùm chìa khóa xe trước mặt Phoebe. Chùm chìa khóa bắt nắng sáng lấp lánh, và đôi bàn tay nhỏ xíu của Phoebe xòe ra, những ngón tay ngọ nguậy, mở rộng như cánh sao biển. Tiếng leng keng, những đốm sáng: con bé cố với lấy chùm chìa khóa. Nhưng dù có gắng sức tới đâu, nó cũng không tài nào tóm được. “Thôi để lần sau,” Sandra nói. “Cứ chờ xem sao. Rồi sẽ được thôi.” Tới trưa Caroline giúp họ khuân đồ ra xe, rồi đứng trên hiên nhà, tay bế Phoebe, thấm mệt nhưng hạnh phúc, cô vẫy tay trong khi Sandra đánh ô tô ra đường. Khi cô trở vào trong nhà, chiếc đĩa hát của Leo đang kẹt, nó nhai đi nhai lại ba khuông nhạc hết lần này tới lần khác. Ông già xấu tính, cô tự nhủ, chân bước lên cầu thang. Lão già gớm ghiếc. “Bác tắt cái thứ đấy đi không được sao?” cô xẵng giọng, đoạn đẩy cửa vào. Nhưng chỉ thấy chiếc đĩa hát vấp giữa căn phòng trống trơn. Leo đã không còn ở đó. Phoebe khóc ré lên, dường như tự bên trong, con bé có một sự nhạy cảm đặc biệt đối với xung đột và căng thẳng. Có thể ông đã lẻn qua cửa hậu trong lúc cô còn đang dở tay giúp Sandra. Ôi, ông ta quả là thông minh, mặc dù dạo này đã có lúc ông để quên giày ở cả trong tủ lạnh. Ông thấy khoái chí vô cùng mỗi lần chơi khăm cô như thế. Đã ba lần Leo trốn đi, trong đó có một lần ông trần như nhộng. Caroline hối hả chạy xuống cầu thang và xỏ chân vào đôi giày lười lạnh toát và nhỏ xíu của Doro. Cô lấy thêm một chiếc áo khoác cho Phoebe, áo vẫn để sẵn trong xe đẩy của nó – về phần mình, cô không để ý tới. Trời phủ đầy những cụm mây xám nặng. Phoebe khóc thút thít, đôi tay nhỏ xinh của nó đập liên hồi khi họ bước qua ga ra để ra ngõ. Mẹ biết rồi. Caroline xoa đầu nó, miệng thì thầm. Mẹ biết rồi, con yêu, mẹ biết rồi. Cô nhận ra dấu chân của Leo trên một mảng tuyết đang tan dần, một vết sâu hoắm của đôi ủng ông đi, và thấy nhẹ nhõm hẳn. Ông đã đi theo lối này, và ông có mặc quần áo. À, ít nhất thì ông cũng có đi ủng. Đi hết khu nhà kế bên, cô tới chỗ 105 bậc thang dẫn xuống Đồng Koening. Chính Leo đã nói cho cô biết số bậc ở đó vào một buổi tối ngay sau bữa ăn đêm, ấy là lúc ông còn đang lịch sự nền nã. Giờ ông đang đứng dưới chân dải cầu thang xi măng dài dằng dặc, tay buông thõng hai bên, mái tóc bạc lởm chởm, trông ông mới hoảng hốt, bối rối và đau đớn làm sao, tới độ cơn giận dữ của cô bỗng chốc tan biến. Caroline không ưa Leo March – ông chẳng phải người dễ mà ưa nổi – nhưng sự oán ghét cô dành cho ông thường pha chút lòng trắc ẩn. Bởi trong những giây phút như lúc này, cô nhận ra cả thế giới đang nhìn nhận ông ra sao, họ chỉ thấy một ông già bạc nhược và lẩn thẩn, chứ không phải một bộ óc vĩ đại đã và vẫn đang là Leo March. Ông quay lại và trông thấy cô, chỉ sau giây lát, vẻ thất thần đã tan biến trên gương mặt ông. “Nhìn đây!” ông gào lên. “Nhìn đây, cô ả, rồi khóc đi nhé!” Nhanh như chớp, mặc kệ tuyết đã đóng thành một dải băng nằm bất động giữa những bậc thang, Leo chạy lên chỗ cô đứng, chân đưa thoăn thoắt như được trợ lực bởi chất adrenaline quen thuộc và một thứ nhu cầu bức thiết nào đó. “Tôi cá là cô chưa bao giờ được thấy cái gì như vậy đâu,” ông chạy tới những bậc trên cùng, vừa nói vừa thở hổn hển. “Ông nói đúng,” Caroline nói. “Cháu chưa thấy bao giờ thật. Mà cháu cũng mong là không bao giờ phải thấy lần nữa.” Leo cười phá lên, cặp môi ông ửng lên một màu hồng sinh động trên sắc da tái nhợt. “Tôi trốn được cô rồi nhá,” ông nói. “Bác đâu đã đi được xa.” “Tôi có thể lắm chứ. Nếu tôi chủ tâm. Đợi lần sau mà xem.” “Lần sau nhớ mang theo áo choàng,” Caroline khuyên. “Để lần sau,” ông nói, khi hai người nhấc chân bước đi. “Tôi sẽ trốn đến tận Timbuktu.” “Bác dám không,” Caroline nói, cảm giác mệt mỏi bao trùm khắp cơ thể cô. Những củ nghệ tây óng lên sắc tím và trắng trên lớp cỏ xanh mướt; Phoebe khóc ngằn ngặt. Cô thấy nhẹ nhẹ người vì đã đưa được Leo về cùng, vì thấy ông vẫn an toàn, cô vui mừng vì đã ngăn được chuyện không may. Sẽ là lỗi của cô, nếu như ông đi lạc hay bị thương, vì cô đã quá chú tâm vào Phoebe, đã hàng tuần nay nó chỉ biết với, vẫn chưa học được cách tóm lấy đồ vật. Họ đi thêm mấy bước nữa mà không nói năng gì. “Cô là một phụ nữ thông minh,” Leo nói. Cô đứng khựng lại trước thềm gạch, sững sờ. “Sao? Bác nói sao kia?” Ông nhìn cô, hoàn toàn minh mẫn, đôi mắt ánh lên màu xanh biếc mê hoặc giống hệt mắt Doro. “Tôi nói cô thông minh. Trước cô con gái tôi đã thuê tới tám nữ y tá khác nhau. Chẳng có người nào trụ lại được quá một tuần. Tôi cá là cô không biết chuyện đấy đâu nhỉ.” “Không,” Caroline nói. “Cháu không biết thật.” ° Sau đó, trong lúc lau dọn nhà bếp và mang rác đi đổ, Caroline nghĩ mãi về những lời Leo nói. Mình rất thông minh, cô tự nhủ, đứng đờ đẫn trong con hẻm cạnh thùng rác. Không khí ẩm và lạnh. Hơi thở của cô phả ra thành những làn khói nhỏ. Thông minh cũng chẳng kiếm cho con một tấm chồng đâu, mẹ cô gay gắt độp lại, nhưng ngay cả điều đó cũng không làm suy giảm chút nào cảm giác khoan khoái của Caroline trước câu nói tử tế đầu tiên Leo dành cho cô. Caroline đứng một lúc lâu nữa trong bầu không khí lạnh toát, cảm giác thật dễ chịu khi bốn bề đều tĩnh lặng. Phía dưới đồi, các ga ra nằm so le nhau, cái nọ nối tiếp cái kia. Dần dần, cô bỗng nhận thấy một bóng người đứng cuối ngõ. Một người đàn ông cao lớn, mặc chiếc quần jean sẫm màu và khoác chiếc áo jacket màu nâu, màu sắc trang phục trầm đến nỗi gần như biến anh ta trở thành một phần trong khung cảnh tiết cuối đông. Có điều gì ở anh ta – điều gì đó trong cách anh ta đứng và nhìn thật chăm chú về phía cô – khiến Caroline thấy bất an. Cô đậy cái nắp kim loại của thùng rác lại rồi khoanh tay trước ngực. Anh ta đang tiến về phía cô, một người đàn ông to cao, vai rộng và bước rất nhanh. Chiếc áo jacket của anh ta không phải màu nâu, mà là những ô vuông mờ, kẻ đỏ. Anh ta rút một chiếc mũ màu đỏ tươi trong túi ra và đội lên đầu. Caroline chợt cảm thấy yên tâm đến kỳ lạ trước cử chỉ này, mặc dù cô không hiểu là vì đâu. “Này cô,” anh ta gọi. “Chiếc Fairlane của cô dạo này chạy tốt không?” Nỗi lo sợ của cô càng tăng thêm, cô quay lưng lại nhìn căn nhà, những ô gạch đen in trên nền trời trắng xóa. Đúng rồi, kia là phòng tắm phòng cô, đêm qua cô đã đứng ở đó để ngắm ánh trăng chiếu trên bãi cỏ. Kia là cửa sổ phòng cô, vẫn hé mở để đón không khí mùa xuân se lạnh, gió thổi khiến tấm rèm thêu ren khẽ lay động. Khi cô quay lưng lại, người đàn ông đã dừng bước, giờ chỉ cách cô có vài bước chân. Cô biết anh ta, cô hiểu điều này trong từng chân tơ kẽ tóc, với cảm giác thanh thản nhẹ nhõm trước cả khi đầu óc kịp định hình thành ý nghĩ. Nhưng chuyện này quá kỳ dị, sao cô có thể tin nổi. “Làm sao mà... “ cô dợm giọng. “Cũng không dễ đâu!” Al vừa nói vừa cười vang. Trên cằm anh ta giờ đã phủ một lớp râu mềm, hàm răng sáng lóa lên. Đôi mắt sẫm màu của anh trông thật ấm áp, thân thiện và tươi vui. Cô vẫn còn nhớ lúc anh trút thịt muối vào đĩa cô, lúc anh vẫy tay từ buồng lái chiếc xe tải màu bạc khi xe lăn bánh. “Cô đúng là người khó tìm thật đấy. Nhưng cô đã nói đi Pittsburgh. Tình cờ làm sao cứ hai tuần tôi lại dừng ở đây một lần. Đi tìm cô gần như đã là sở thích của tôi rồi đấy.” Anh mỉm cười. “Bây giờ không biết tôi phải làm gì đây.” Caroline không nói được câu nào. Được gặp lại anh cảm giác thật dễ chịu nhưng cũng khiến cô bối rối biết bao. Đã gần một năm nay cô không cho phép bản thân nghĩ quá lâu hay quá nhiều về cuộc đời mà cô đã rời bỏ, nhưng giờ nó lại trỗi dậy mạnh mẽ và cồn cào hơn bao giờ hết: mùi của nước tẩy rửa và ánh nắng nơi phòng đợi, cảm giác mỗi khi về nhà, về với căn hộ gọn gàng, yên ả sau một ngày dài, tự sửa soạn cho mình một bữa ăn giản dị, và mỗi tối ngồi thư giãn với một cuốn sách trên tay. Cô đã sẵn lòng rời bỏ những thú vui ấy để nắm lấy sự đổi thay này cũng chỉ bởi một cơn thôi thúc không nói thành tên ở đâu đó sâu thẳm trong tâm can. Thế mà giờ đây trái tim cô lại xao động, cô nhìn đăm đăm xuống con ngõ, như thể cô sẽ bất thần nhìn thấy cả David Henry đứng đó. Đột nhiên cô hiểu ra, đó là lý do tại sao cô chưa bao giờ gửi bức thư kia đi. Lỡ đâu David lại muốn lấy lại Phoebe – hoặc Norah muốn thế thì sao? Nghĩ tới đó, nỗi hoảng loạn bao trùm lấy cô. “Anh làm thế nào vậy?” Caroline hỏi dồn. “Sao anh tìm ra tôi? Tại sao?” Al hơi chùn lại, rồi anh nhún vai. “Tôi ghé qua Lexington để chào cô một câu. Nhưng căn nhà của cô trống trơn cả. Đang sơn lại. Cô hàng xóm kia bảo cô đã đi được ba tuần rồi. Chắc tại tính tôi không thích những thứ bí ẩn, nên tôi cứ nghĩ mãi về cô.” Đoạn anh ta ngừng lời, dường như đang cân nhắc không biết có nên nói tiếp hay không. “Vả lại – khỉ thật, tôi thấy thích cô, Caroline ạ, và tôi đoán là cô đang gặp trục trặc gì đấy, nên mới bỏ đi như thế. Thật ra ngay từ cái ngày cô đứng trên bãi đỗ xe ấy, trông cô đúng là một người đang bị rắc rối vây quanh. Tôi nghĩ tôi có thể giúp cô một tay. Tôi nghĩ có lẽ cô sẽ cần san sẻ.” “Tôi vẫn sống ổn,” cô nói. “Đấy. Giờ thì anh nghĩ sao?” Cô không định thế, nhưng lời lẽ cứ nối nhau tuôn ra, sỗ sàng và cay nghiệt. Tiếp đó là một khoảng dài im lặng cho tới khi Al cất lời trở lại. “Tôi nghĩ có lẽ mình đã nhầm lẫn vài chuyện mất rồi.” Al nói. Anh lắc đầu. “Tôi nghĩ chúng ta đã rất quý mến nhau, tôi và cô.” “Đúng vậy,” Caroline nói. “Tôi chỉ bị sốc quá, vậy thôi. Tôi nghĩ mình đã cắt đứt hết mọi sự ràng buộc rồi.” Bỗng anh ngước nhìn cô, cặp mắt nâu bắt gặp ánh mắt cô. “Tôi đã mất hẳn một năm trời,” anh nói. “Nếu cô bận tâm đến việc ai đó lần theo tung tích mình, hãy nhớ lấy điều này. Khi ấy, tôi đã biết phải bắt đầu từ đâu, và tôi đã gặp may. Đầu tiên tôi tìm đến những nhà nghỉ rẻ tiền mà tôi quen biết, dò hỏi về người phụ nữ đi cùng một đứa bé. Mỗi lần tôi lại tới một chỗ khác, và tuần vừa rồi tôi đến được đúng nơi cần đến. Bà trực quầy chỗ cô từng trọ vẫn còn nhớ cô. À, tiện thể nói để cô biết luôn, tuần sau bà ta nghỉ việc rồi.” Anh ta giơ ngón tay cái và ngón tay trỏ lên, gí sát vào nhau. “Chỉ trong một tích tắc nữa thôi là tôi sẽ mãi mãi không được gặp cô nữa.” Caroline gật đầu, cô nhớ lại người phụ nữ đứng sau quầy tiếp tân, bà có mái tóc bạc trắng búi gọn ghẽ, đôi hoa tai ngọc trai sáng lung linh. Cái nhà nghỉ ấy đã hiện diện trong gia đình bà suốt năm chục năm trời. Lò sưởi kêu tí tách cả đêm, còn những bức tường thì quanh năm ẩm ướt, khiến giấy dán tường bong tróc hết cả. Cô không bao giờ biết được, ai sẽ bước qua ngưỡng cửa này, người phụ nữ nói, đoạn đẩy chiếc chìa khóa lên mặt quầy. Al hất hàm về phía thùng xe màu xanh lơ của chiếc Fairline. “Ngay lúc nhìn thấy nó, tôi biết mình đã tìm thấy cô,” anh ta nói. “Con cô sao rồi?” Cô nhớ lại bãi đỗ xe vắng tanh, ánh sáng xoáy tròn theo những bông tuyết và dần lụi tàn, nhớ cái cách tay anh đặt lên vầng trán bé nhỏ của Phoebe, thật dịu dàng làm sao. “Anh có muốn vào nhà không?” Cô bỗng nghe thấy chính mình nói. “Vừa đúng lúc tôi định đánh thức con bé dậy. Tôi sẽ pha cho anh một tách trà.” Caroline dẫn anh ta đi trên dải vỉa hè hẹp và bước lên những bậc cầu thang dẫn tới hiên sau. Cô để anh ta ngồi trong phòng khách rồi trèo lên gác, đầu óc quay cuồng choáng váng, như thể cô đột nhiên nhận thấy mặt đất dưới chân mình quay tròn giữa không trung, khiến cả thế giới quanh cô đảo lộn bất chấp mọi nỗ lực giữ nó đứng yên. Cô thay đồ cho Phoebe và vã nước lên mặt mình, cố gắng trấn tĩnh lại. Al ngồi bên chiếc bàn trong phòng ăn, mắt nhìn ra cửa sổ. Khi cô bước xuống cầu thang, anh ta quay lại, khuôn mặt nở bừng một nụ cười rạng rỡ. Anh ta dang tay ra đón ngay lấy Phoebe, kêu rằng con bé lớn nhanh quá, xinh xắn quá. Caroline thấy lòng tràn ngập niềm vui sướng, còn Phoebe, thích quá, cười khanh khách, những món tóc sẫm rủ xuống lòa xòa trên má. Al lần tay vào áo sơ mi và lôi ra một chiếc mề đay làm bằng nhựa trong, trên mặt khắc mấy chữ Grand Ole Opry[9] màu xanh ngọc mà anh đã giành được ở Nashville. Hãy đi với tôi, anh đã nói với cô như thế từ bao nhiêu tháng trước đây, vẻ nửa đùa nửa thật. Và giờ thì anh ở đây, đã trải qua ngần ấy dặm đường để tìm ra cô. Phoebe khẽ ậm ừ, đoạn giơ tay ra với. Đôi tay con bé cọ lên cổ Al, chỗ xương đòn, lên chiếc sơ mi kẻ ca rô sẫm màu của anh ta. Ban đầu, Caroline còn chưa định thần được chuyện gì đang xảy ra; nhưng đột nhiên, mọi thứ trở nên rõ ràng. Những lời Al nói nhòa đi, hòa lẫn tiếng chân Leo trên gác và tiếng xe cộ đi lại ồn ào ngoài phố, thành một chuỗi âm thanh mà mãi sau này Caroline vẫn còn ghi nhớ trong tâm khảm như những thanh âm của sự may mắn. Phoebe đang cố với chiếc mề đay. Không chỉ đập tay trong không khí như sáng nay đã làm, nó lấy ngực Al làm chỗ tì, những ngón tay nhỏ bé cào cào chiếc mề đay vào lòng bàn tay cho tới khi nắm chắc mới thôi. Sung sướng trước thành công của mình, con bé cầm chiếc mề đay giật mạnh khiến sợi dây căng thẳng ra, làm Al phải đưa tay lên xoa vết xước trên cổ. Caroline cũng chạm tay lên cổ, thấy người nóng ran lên vì vui sướng. Ôi, phải rồi, cô tự nhủ. Nắm lấy, con yêu. Nắm lấy cả thế giới ấy. ------------------ [9] Grand Ole Opry: chương trình ca nhạc thuộc hãng phát thanh WSM ở Nashvile, Tennessee. Đây là chương trình phát thanh hàng tuần có tuổi đời lâu nhất ở Mỹ, bắt đầu từ tháng Mười năm 1925