rái ngược với vẻ tĩnh lặng ban ngày, đêm ở đây lại ồn ã khác lạ Cái ánh trời chói chang không còn nữa, tiếng thở của biển được độc quyền nhân lên gấp nhiều lần. Sau một ngày quần nhau mệt phờ với nắng gió, giờ đây biển năm dài ra, khép mình lại, phạt ra những tiếng thở khe khẽ, mãn nguyện. Để rồi không bao lâu nữa, khi đêm đã vào sâu, chạnh nhớ cơn động tình dữ dội trong ngày, biển lại gào lên vật vã đến man dại. Và sau đó, dường như cũng run rẩy với trời đêm huyền bí, biển thao thức đợi mặt trời lên để trả lại cho nó cái tự tin thanh than và nồng đắm ngàn đời. Biển sợ hãi với chính mình. Thi Hoài đưa tay gõ cửa cái căn chòi mà từ đó đang vang ra tiếng nhạc nhè nhẹ. Bản Định mệnh của Betthôven. Anh thấy nổi gai người. Lâu lắm rồi anh mới lại được nghe bản nhạc kỳ lạ của nhạc sĩ mù thiên tài này, nghe ngay ở đây, nơi mà mỗi thi ca nhạc hoạ đều trở thành hư vô lạc lõng. Anh gõ to hơn một chút… - Ai đấy? Xin cứ đẩy cửa vào. Anh lắng người đi một chút trước tiếng nói quen thuộc đầy tự tin lên, có chiều hơi dễ dãi. Hít vào một hơi thở nhẹ, anh đẩy cửa… Một vệt sáng vàng đục bay ra khiến anh quáng mắt, thoạt đầu chưa nhìn thấy gì. Ngay sau đó, hình ảnh nữ chủ nhân hiện ra nửa nằm nửa ngồi trên giường trông như một bức tượng lại nhìn giống một bức tranh thiếu phụ thời cổ điển mơ màng, tay cầm điếu thuốc đang lặng tờ nhả khói. Như vậy là cô ta ở một mình, chi tiết phân vân về thằng cha xách ca táp coi như không còn nữa. Hoài ghi cái dấu chấm thứ nhất trong đầu và quan sát thật nhanh căn phòng: Khá nhiều sách báo quẳng dưới ghế, vất trên bàn, khung tranh và tranh, cái treo, cái dựng lăn lóc khắp nơi, đúng cái luộm thuộm của người làm nghề vẽ và có cả bàn thờ nhưng không có ảnh nữa. Từ đó đang lan toả một hương thơm của nhang khói vừa tinh khiết vừa thiêng liêng. Nhạc Betthôven và hương thơm cổ kính. Chà, còn có cái gì giao thoa nhuần nhuyễn với nhau hơn thế! - Chào Dung! - Anh mỉm cười và nói thoải mái như bao giờ anh cũng rất biết nói năng thoải mái, khá có duyên với đàn bà. Thấy khách nhưng không vội vàng trở dậy. Cô chỉ khẽ mỉm cười thay cho lời chào, vẫn cái cười khinh bạc nhưng không hề ác ý. - Chào anh? Tôi biết rồi trước sau anh cũng sẽ quá bộ đến thăm căn chòi này. Không tỏ ra lúng túng vì câu nói hàm ý kênh kiệu ấy, Thi Hoài hỏi: - Nhưng như vậy là muộn hay sớm? - Đối với tôi sớm hay muộn không can hệ, miễn là có đến. - Cám ơn! Và can hệ hơn là đến như thế nào để lúc đi cho có lý. - Nhà thơ nói năng nghe cũng tỉnh táo đấy. Anh ngồi chơi? Nữ chủ nhân mềm mại ngồi dậy. Bộ đồ soa màu vàng dịu khoác trễ nải trên người tạo cho cô cái dáng bộ vừa lả lơi vừa sang trọng quý phái. Đẹp? Người đàn bà này mặc cái gì cũng đẹp, cũng gợi hết. Thi Hoài thầm nhận xét. Nhưng sao có cái gì buồn buồn uể oải trong cử chỉ, trong mắt nhìn? Và chính sự uể oải đó chứ không phải là những câu đối thoại thẳng căng vừa rồi đã gây cho anh có một chút bối rối. Anh đã quá quen với vẻ vui mừng không giấu được hay vẻ thẹn thùng e ấp làm ra bộ thản nhiên của những cô gái mới tiếp xúc với anh lần đầu. Ngồi nhẹ xuống chiếc ghế mây ở cuối giường, anh chợt cảm thấy hôm nay ngay cái động tác ngồi của mình cũng cứng queo không ra hồn nữa!. Anh uống gì? Rượu hay cà phê? Chắc nhà thơ bao giờ cũng ưa thử nước gây ấn tượng mạnh. Rất may tôi còn chai Mạc-ten. Nhưng thuốc lào thì… chịu - Cô bật lên một tiếng cười nhỏ. Thi Hoài bỗng thấy ấm lòng trong cái cảm giác tự tin được phục hồi. Cô ấy đã đùa - Và biết đùa. Như vây cảm nhận ban đầu coi như sai, mình đã nhầm tệ hại từ tính cách sang thái độ. Thuốc lào… Tại sao cô ta biết mình nghiện thứ thuốc quỷ quái, cứ nhắc đến đã đủ phát ngượng này nhỉ? Tốt thôi. Lại còn nhà thơ nữa. Rất tốt. Chí ít cô ta cũng biết thế nào là một nhà thơ và biết đâu rành rẽ cả tên tuổi mình nữa? Càng thoải mái, càng dễ nói chuyện. Có cây cầu được bảo hành bằng thơ văn, sự đến chơi này sẽ được nhìn nhận như một vinh dự cho cô ấy. Cám ơn. Phút chốc, sự lưu loát và duyên dáng vốn có trở về hội tụ đầy đu trong toàn bộ con người anh: Hoài mỉm cười: - Bản nhạc này, mùi hương kia và tất cả những cái gì có được trong gian phòng xinh xắn này đã là một ấn tượng rồi. Nhiều khi phản ngược với ấn tượng này lại là một ấn tượng khác không kém mình hơn. - Anh biết gọi đúng cái tên sự vật bên ngoài và bên trong con người lắm. Dùng một li trà cho nó ngược với… rượu vậy. - Khoan đã! Nếu có thể được, Dung cứ ngồi nguyên như thế này, bản nhạc đang đi vào cao trào của lẽ tiền định, tôi muốn được nghe trọn phần kết. - Anh có thể nghe lại từ phần đầu. Tôi mở nhạc chỉ theo thói quen, không chú ý lắm đến các công đoạn của nó. Biết cái ngụ ý bên trong câu nói đó nhưng anh bỏ qua, không có ý đối lại. Cảm xúc nơi anh đã nhẹ rơi vào vùng chân thực, vượt qua cả cái sắp xếp ban đầu mà anh không tự biết: - Vô tình đi qua đây, nghe bản nhạc này, tôi ghé vào một chút như gặp lại một kỷ niệm đau đáu, xuyên suốt của đời mình. Tôi đã được nghe nó ba lần. Một lần vào hồi còn đi học, một lần nằm trên võng ở giữa rừng qua chiếc đài bán dẫn, và một là ở đây. Mỗi một lần nghe là một lần có cảm xúc mới. Không hiểu sau này tôi còn mấy dịp được nghe lại nó như đêm nay, tại cái nơi hiu hắt dường như tách xa cuộc sống này, bản nhạc đã gợi cho tôi rất nhiều những suy nghĩ xa xôi mà bình thường không có được. Thì vẫn là chân thực đấy nhưng cũng vẫn là phô phang cảm xúc trong giọng nói buồn buồn, trong cái nhìn xa ngái và trong cả mái tóc rũ ra đúng lúc mà anh biết rằng, thường là sau đó, đối tượng nghe chuyện không thể không đắm chìm theo. - Anh nói hay quá! Còn tôi, tôi đã nghe nó đến ba trăm lần, ba ngàn lần, ngày nào cũng nghe nhưng chả thấy gì cả, chỉ thấy thích thôi. - Có lẽ chị chưa gặp những điểm hoà đồng như nỗi đau nhân tình, kiếp đời ngang trái, bất hạnh triền miên… - Và cả tình yêu trắc trở nữa hả anh? Đã xuất hiện một cây cọc nhỏ trong đầm lầy mù sương, anh vội nắm lấy: - Hoàn toàn đúng! Tình yêu… Tại sao ngồi trước âm nhạc và đứng trước đại dương, bao giờ người ta cũng chạnh lòng và khao khát một thấp thoáng tình yêu man mác không rõ hình thù? - Kể cả khi trong lòng họ đã có ngổn ngang trăm ngàn cuộc tình các kiểu rồi? - Kể cả. Người càng yêu nhiều lại càng khao khát yêu. Có một ngàn mối tình nhưng họ vẫn đi tìm một mối tình đích thực bởi vì cái đích thực đó không phải bao giờ cũng có. Nhưng làm sao mà tìm được, càng tìm càng vô tăm tích, càng tìm càng thất vọng rồi bỗng một ngày kiệt sức không lê nổi chân nữa thì nó lại bất thần ập đến ở một cái nơi anh không thể hình dung ra được. - Như ở cái bãi biển bị lãng quên này? - Đúng! - Nhột nhạt cảm nhận vùng sương mù trên đám lầy đã tan loãng, anh chấm dứt cái nheo mắt mơ màng nhìn ra xa mà ngoặt chuyển thẳng vào khuôn mặt cô gái - Cái bị lãng quên, xét về góc độ nhân văn thì lại là cái… - Kìa! - Cô gái chém ngang bằng một cái cười hóm - Tôi tưởng anh đang thích nghe phần chót? - Phần chót gì? - Thi Hoài đớ ra trong một sự hụt hẫng bất ngờ. - Ôi, nhà thơ! Hoá ra anh cũng say mê âm nhạc có thời điểm thôi nhỉ? Sương mù lại giăng kín đầm lầy, cái cọc ban đầu cũng mất dạng. Thi Hoài cười gượng gạo: - A Xin lỗi! Tư duy con người nhiều khi ngang ngửa như thế đấy Ngang ngửa thật là bất hạnh nhưng ngang ngửa nhiều khi lại là hạnh phúc. - Cũng xin lỗi! Thế lúc này nhà thơ đang hạnh phúc hay bất hạnh? Đã có chút kinh nghiệm vừa thu lượm trước, Hoài gượng nhẹ. - Cái đó tuỳ chủ nhân hiểu. - Nói khéo lắm! Cứ như được sắp xếp trước, đâu ra đấy. Cái cười gượng chuyển thành cái cười nhạt: - Trời ơi? Chả lẽ chị nhìn đàn ông méo mó đến thế kia ư? Chả lẽ xưa nay bất cứ người đàn ông nào đến với chị đều có bài binh bố trận từ trước? - Hoặc bị phá nửa chừng như anh lúc này chẳng hạn. - Chị lầm. - Anh cáu đấy à? - Cô gái cười phá - Một người đàn ông cáu kỉnh trông hay hơn một người đàn ông lưu loát. - Còn tôi, một người đàn bà đam mê ngàn lần hơn một người đàn bà tỉnh táo. - Muốn đam mê trước đó phải cần tỉnh táo đã chứ anh. Nhưng thôi anh đến đây chơi không phải để triết luận về tâm lý ái tình, phải không anh Thi Hoài? Cứ coi như hoà một một. Ta nói chuyện khác. Anh hút thuốc đi! Mặc dù thèm thuốc đến khô cả cổ nhưng nhìn thấy gói Malbro đỏ lựng đang phả hơi thơm ngây ngất vào mũi mình, anh vẫn ý tứ lắc đầu. Cùng lúc để xoá đi cái mặc cảm nghèo nàn không bao giờ đủ tiền mua một gói thuốc như thế, anh để cho ý nghĩ trượt theo luôn cái mùi ngầy ngậy ấy: - Tại sao đàn bà ở một mình thường hút thuốc và uống rượu nhỉ? Để đốt cháy cô đơn chăng? - Cũng như các anh thôi. Bao giờ cũng phải vục đầu vào những tình yêu ma quái thì mới hơ nóng được cảm hứng làm thơ. Cứ kiểu này thì không ra làm sao cả? Thi Hoài nghĩ. Mồm miệng ả ghê gớm quá, càng chuyện trò, mình càng như kẻ tự cởi dần quần áo. Anh đưa mắt nhìn xung quanh: - Cái khối gì phủ vải trắng nằm trong góc kia? Chả lẽ lại là một bức tượng? - Vâng! Một bức tượng. - Tuyệt quá! Có thể cho xem được không? - Sẵn sàng, nhưng chưa đến lúc và không phải với bất cứ ai nó cũng tự phơi bày. Nó còn đang trong thời kỳ trinh tiết. - Tôi đang được vinh hạnh đối thoại với một nữ hoạ sĩ kênh kiệu thuộc trường phái bí ẩn kinh dị chăng? - Còn hơn thế. - Chà, sắc sảo lắm cô gái ạ! - Sắc sảo thì có thể có nhưng cô gái thì không. Năm nay nhà thơ được bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Thi Hoài không trả lời. Anh chán ngán lắc đầu. Tình hình đã xấu đi đến độ chuyện trò tuổi tác hơn thua như vườn mẫu giáo rồi cơ dáy! Cô gái lại phá lên cười: - Đàn ông các anh là loại sinh vật dễ bị đánh lừa nhất. Gầm gào dữ dội, ý tưởng nọ kia, phát khởi như thánh như thần nhưng chỉ cần tung ra một gam màu thích hợp là trở nên quýnh quáng hết. Thôi, nhưng ta uống chứ nhỉ, chai rượu để lâu quá sinh bẽ bàng - Cô rót rượu ra hai cái cốc pha lê loại nhỏ có chân - Chúc buổi chuyện trò diễn ra êm ả. Đả đảo chiến tranh! Mời anh!… Tuy vậy nói chuyện với anh tôi thấy thích! Thi Hoài nhăn mặt đặt ly rượu còn nguyên một nửa xuống. Mạc-ten mà làm một hơi thế kia thì thứ dàn bà này thuộc loại quái dị rồi. Nhưng không sao. Một mô-típ thường gặp, phải cái hơi chát chúa quá! Đã quái dị thì chỉ có thể dùng quái dị. Hơi nóng lan nhanh ra toàn thân, thúc mạnh vào đầu lưỡi, dảy cho mạch suy nghĩ bắt đầu nở phồng. Thi Hoài dõi thẳng đôi mắt phù thuỷ vào đối tượng, tiếng nói thoắt trở thành lạnh lẽo. - Uổng quá! - Thiếu món nhậu? - Cô gái hơi né người với vẻ đề phòng rất thơ trẻ. - Khả năng ứng đối của em kịch lắm! Có duyên nhưng rất giả. - Nhưng anh nói cái chi uổng? Em… - Cô đai giọng, rõ ràng là muốn nhấn mạnh tiếng em được Thi Hoài buông ra khá ngọt ở trên - … không có hiểu. - Một người như em mà đem cả cuộc sống lẫn hồng nhan xuống đặt cược ở bãi biển này thì uổng quá! - Ơ hay! Biển đâu có dành sự độc quyền riêng cho những kẻ chán đời, thất thế hay rũ bỏ mọi thứ lằng nhằng đi tìm cái đẹp! - Không! Tôi muốn nói cái ý khác - Thi Hoài riết róng - Đó là… - Không! Em chỉ muốn nói cái ý này. - Thôi - Thi Hoài buộc lòng phải dừng lại - Ta nên im lặng và uống thêm một chút nữa. Cứ cái đà này thì đến cãi nhau mất. - Anh tự cãi anh đấy chứ? Em chỉ là kẻ bình luận vô tư thôi. - Tuyên chiến với đàn bà bao giờ cũng mệt thật. - Anh vốn xưa nay đâu có thích tuyên chiến với đàn bà anh chỉ làm nội một động tác lả chinh phạt họ thôi. Đúng không? Thừa nhận đi? - A… - Đến đây thì lưa khói trong anh rụi hẳn - Nói chuyện với tôi Dung làm như biết tất cả về tôi rồi ấy? - Không tất cả thì cũng gần hết. Thi Hoài, nhà thơ lãng tủ và cuồng nộ, nhà thơ của đập phá và của lớp trẻ khùng điên, ai mà không biết. Nói đùa, anh đừng nói gì nữa mà nên đọc thơ đi! Có lẽ ưu thế của giới các anh chỉ là xoã tóc đọc thơ chứ không phải cái khác. - Lần đầu đấy. - Cái gì lần đầu kia? - Lần đầu được tiếp xúc với một tính cách đàn bà không hề biết nhân nhượng. - Bởi vì, bằng sự mềm yếu và nhẹ dạ, bằng cả cái giả trá thâm căn nữa, đàn bà đã làm hư hỏng các anh đi nhiều quá. Bọn các anh thực ra cần sự dạy dỗ hơn là sự đưa ru. Thi Hoài đột ngột đứng dậy, mặt mũi thẳng căng: - Vậy hãy thức tỉnh tôi đi, nữ thuỷ thần! - Chưa hết! - Anh còn định nói tiếp - May mà cô là đàn bà, nếu một thằng đàn ông nói câu ấy thì… Đúng không? - Đúng, hoặc gần như đúng. - Anh đang trở lại đúng anh rồi đó, nhà thơ kiêu ngạo và thích tự ái vặt. Nói chuyện khác. Ta nhảy nhé! - Hả… Nhảy? - Thì nhảy chứ sao mà anh tròn miệng ra như thế! Cô đi đến bên chiếc cassette sáu mươi oát, giọng mềm hẳn đi: - Nhảy chút thôi. Lâu lắm em không được nhảy, thân thể ì ạch lắm. Đứng lên đi anh! Em không ăn thịt anh đâu. Thi Hoài vẫn ngồi. Tình huống này anh không hình dung ra được Tưởng sợi dây níu kéo sắp đứt đến nơi trong sự ê chề tệ hại thế rồi đột nhiên lại… nhảy! A! Cũng hay! Cái van tưởng rằng đã đóng lại vĩnh viễn bỗng chốc được mở ra. Rốt cục cô bé dù có quái dị thế nào thì cô bé vẫn chỉ là một con đàn bà thôi, miễn là tìm cho ra khía và kiên trì một chút. Nói chuyện với anh thấy thích! Tất cả mã khoá nằm ở đó. Anh vẫn chưa vội đứng dậy. Cha trời! Một cái gáy thật trắng, một đường hông óng mượt… một cặp đùi mới dài, mới khêu gợi làm sao… Lại còn cái cánh tay để trần kia nữa, mát rượi khác gì hai con rắn trắng nếu một lần mi được nó quấn vào cổ… Dằn đi một chút ngột thở, anh lẳng lặng đứng dậy, cái đứng dậy của một kẻ sắp vào cuộc sống còn hoan ca chứ không phải cái đứng dạy của một người sắp bước vào điệu nhảy. Anh bước sát đến sau lưng cô gái và một gần nữa anh ngỡ ngàng dừng lại, đầu gối khẽ run lên. Chao ôi! Mùi nước hoa hay là mùi của da thịt? Hơi nóng ở đâu hay hơi nóng từ cái thân thể đang rất gần này phả ra? Trắng đến rợn ngươi, hồng như than lửa… Chao ôi! Gần mà xa, xa mà gần. Trên bãi biển cô hiện diện như một cái gì không với tới của người đời, lúc này đây, cô lại gần quá, cụ thể quá, chợt thấy rằng cũng ghê gớm vựa thôi nhưng sao vẫn chất ngất quyền uy và xa với đến thế? Chao! Mái tóc, đôi vai, cái đường eo thăn lẳn chạy đến vô cùng… Đúng lúc sự mụ mẫm của trí óc hết khả năng sai khiến được cơ bắp trong anh, cô gái quay người lại nụ cười rất tươi, đôi mắt nhóng nhánh nước. - Van trước tăng gô sau, chịu không? - Hả… Chịu! - Anh đáp khảo khảo như có đờm bít chặt lấy cổ. Một nét nhạc cổ điển quen thuộc vang lên. Rất chủ động và rất tự nhiên, cô gái đứng nép vào Thi Hoài như nét nhạc kia đảy nhẹ cô đến đó, một tay đặt khẽ lên vai tay kia bám hờ vào llng áo anh. Bất giác, anh cũng đưa tay đạt vào eo cô gái. Một cái eo nóng rẫy và lượn sóng bên trong… kỳ lạ! Chính độ nóng quái ác đó đã làm anh tạm thời rời bỏ được cơn mộng mị, nhường cho một ngọn gió giá buốt mang cái hanh khô của đôi chút từng trải vụt chéo qua đầu. Tiếng kèn trompét vút ngang… anh nhẹ nhàng đưa chân theo sự chuyển động mềm mại của chính đôi chân cô gái… - Tưởng nhà thơ cộng sản quê mà cũng galăng gớm - Cô nói, hơi thở thơm ngậy như hơi thở của trẻ con còn bú sữa phả khắp mặt anh - Nhưng cứng quá! Anh nhảy như một Rô bốt ấy(1). Cái đầu anh đang nghĩ gì phải không? - Đang nghĩ rằng em đẹp lắm! Em kỳ lắm! Em không giống bất cứ một ai cả nhưng em lại giống tất cả mọi người, - Anh nói rì rầm, môi nhợt đi. - Coi như chương thứ nhất. Tiếp đi, gã Đông Gioăng(2) hiện đại! Cô gái thả một tiếng gọn khô. - Được, Thi Hoài đỏ văng mặt - Cứ giễu cợt đi nhưng tôi vẫn nói như thế, nói mãi, nói một đời. - Ý, cẩn thận không va vào bức tượng của em. - Em mang một năng lượng của ma quỷ và sấm sét. Ngay từ lần đầu gặp em trên bãi biển, anh đã bị chấn động một cách mãnh liệt. Trống cái mãnh liệt ấy là ảo giác do trời biển tạo nên nhưng càng gần em, nhìn em, anh càng thấy em là có thật. - Kìa! Anh giẫm lên chân em rồi kìa! - Cô cười khúc khích. - Xin lỗi - Mặc kệ tất cả, anh dồn dập nói tiếp - Nụ cười khinh bạc mà dám say, vóc người thanh mảnh tưởng rằng trong suốt mà tràn sức sống của em là một cái gì đó giống như là sự… không chịu nổi. - Anh chuyển sang viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hồi nào vậy? Làm thơ bây giờ đói, thiên hạ đua nhau sang tiểu thuyết hết hả anh? - Em và biển và mặt trời hoà đồng đến dung dị… Để anh nói nốt. Đúng ra biển hay mặt trời hay cả vùng bãi này chỉ làm một thứ phông tôn sáng em lên. Quá đà của khẩu khí, quá đà của chân tay lại thêm cái cảm giác tức tối vì bị giễu cợt, tiện một vòng quay, anh ghì sát cô vào ngực mình… - Chương thứ hai. Hơi sống - Không tìm cách đẩy ra, chỉ đưa một bàn tay lên ngang ngực làm ranh giới, cô nói bình thản - Nhưng cũng không đến nỗi. Tiếp đi! Chợt cô hơi ngả đầu ra sau bởi một cái sướt nhẹ của đường môi khô ráp chạm vào má. - Chính ra em không nên xuất hiện ở đây! - Anh tiếp tục nói như mơ ngủ - Với những gì em có, em có thể đảo lộn tất cả: Cái tĩnh lặng thành cái cuồng nộ, cái chân tu thành điều quỷ ác, sự yên hàn thành cái chôn rộn đục ngầu. Và… - Và miệng lưỡi con người trở thành cái máy nói - Cô chêm vào rất nhanh. - Cám ơn - Thi Hoài không nhảy nữa, dìu cô gái ngồi xuống và anh cũng tìm một chỗ ngồi đối diện - Có lẽ em đã quen đùa cợt với tất cả mọi chuyện, tất cả mọi người và đùa cợt ngay cả trong những phạm trù thiêng liêng nhất. - Thế là cuối cùng anh đã trở lại chính anh, mơ mộng và nổi giận. Như thế có phải hay hơn không? - Không! Tôi không nổi giận và tôi cũng chẳng còn cái tuổi mơ mộng. Gần bốn mươi rồi, sống đủ mùi, đủ vị cuộc đời rồi, còn có cái gì nữa để mà mộng mơ! Buồn lắm? Có thể Dung không hiểu tôi, không biết gì về tôi - Đôi mắt anh buồn rầu thật sự, tất cả mọi độ rung của cơ mặt, của đôi môi, của giọng nói đều toát lên vẻ chân thành khắc khoải ở tôi có nhiều việc phải làm, phải nghĩ ngợi đến dứt da dứt thịt hơn là chỉ nhông nhông chạy theo săn đuổi những mối tình như người ta nói. Có lẽ bị tác động trước cái biểu hiện xuất thần ấy, cô gái lặng lẽ tự xoá đi góc môi cười giễu cợt của mình bằng sự sẵn sàng lắng nghe của hàng mi chơm chớp. - Tôi chán tất cả rồi, tôi thấm mệt rồi - Anh nói tiếp - Cả tuổi trẻ đi suốt dọc Trường Sơn rồi kế tiếp những trận đánh và những cơn sốt rét liên miên nhiều phen muốn tự thương, muốn nổ súng vào đầu vì chưa nhìn thấy ngày thắng lợi, vì bạn bè tức tưởi chết đi hết thằng này đến thằng khác, và vì trăm ngàn những lý do ngớ ngẩn của chiến tranh. Tôi căm thù và ghê tởm nó. - Ngày ấy anh chưa làm thơ ư? - Làm chứ. Làm thơ giữa hai trận dành, giữa hai chiến dịch và khi hết quân, lộn lại rừng già nằm chờ quân tiếp viện. Nhưng thơ thẩn gì? Làm để đốt cháy im lặng, để dẹp đi những con hoảng sợ bóp nghẹt lấy trái tim thôi, thơ có ra thơ đâu. Cũng ngớ ngẩn như đối tượng được nó phản ảnh. - Lạ nhỉ? - Cô gái mở to mắt - Thế mà thiên hạ lại thích đọc và ưa thuộc thơ hồi ấy của các anh hơn đấy, trong đó có cả em. Tuy còn vụng còn thô sơ nhưng đắm say lắm, lại lãng mạn nữa. Còn thơ bây giờ… Em cứ mạo muội nói bừa nhé? Thế nào ấy, trơn ruồi trội, diêm dúa thì diêm dúa quá, thô mộc lại thô mộc không cảm nhận nổi, nói nỗi đau như nỗi đau đi mượn, nói thác loạn lại là cái thác loạn giả vờ. Đến nỗi cứ nhìn thấy thơ là muốn giở qua trang. - Cũng có thể nhưng không phải tất cả - Dòng ngôn ngữ của anh chảy chậm lại như bị vấp vào đá ngầm - Ngày ấy là gầm gào minh hoạ, ai đọc cũng hiểu như xem tranh cổ động, hôm nay là triết học trữ tình, khẳng định cái tôi hiện hữu. Có thể chưa hợp nhãn mọi người nhưng nó đúng là nghệ thuật, bới lẽ nghệ thuật không bao giờ là của số đông. - Thế anh là của ai? - Của chính tôi. Ngoài ra của đàn bà và con trẻ. Tôi không làm thơ cho các vị quan chức. Tôi đang là nạn nhân của họ. Họ kiềng thơ tôi vì đơn giản là họ làm sao mà hiểu được. Khốn nạn? Toàn một bọn bảo hoàng cơ hội, sểnh ra một tí là chơi nhau cạn tàu ráo máng như quân hằn quân thù. Rất tiếc trong đó có cả nhiều vị quan chức văn nghệ ở thành phố, cả ở Trung ương. Tôi chán ghét họ. - Chính vì thế mà nhà thơ Thi Hoài vất bỏ lại tất cả để ra đây? - Một phần. Cái chính là tôi không thể nào làm được những câu thơ giả dối. Họ chụp lên đầu tôi cái mũ phủ nhận quá khứ, gieo rắc sự hoài nghi về bản chất xã hội chủ nghĩa, khích động những mầm mống tiêu cực, thậm chí có thằng đốn mạt còn vu cho tôi là chống Cộng - Anh giơ cao hai tay lên đầu như một tượng đài oán thán - Bỏ tất cả đi theo Đảng, bỏ hết, vậy tôi có thể là một phần tử chống Đảng được chăng, lũ khốn nạn, một bọn ngu dốt, một bọn ghen ăn ghét ở, chính chúng kéo lùi tư duy dân tộc, làm rụi héo sức sáng tạo của nghệ thuật thi ca. Tôi khinh! Một bọn đánh quả chính trị, một bọn bất tài làm một câu thơ cũng không sạch nước cản, vậy nhân danh cái gì để hại nhau? Trong cái thác lũ rủa xả này tiếng rằng rồi thế nào cũng văng vào một câu chửi thật tục nhưng rất may anh đã hụt hơi dừng lại. - Khẽ chứ anh, khuya rồi. Anh uống ly nước! - Tôi ghê tởm đô thị và văn chương đô thị như ngày xưa tôi ghê tởm chém giết! - Thi Hoài gạt ly nước sang bên, mặt tái xám, hàng na mép và những lọn tóc dài xoáy giạt về một phía. - Cho nên tôi phỉ nhổ tất cả, vĩnh biệt ráo trọi, phiêu bạt ra đây để sắp xếp lại lòng tin và chiêm nghiệm lại cuộc đời, tìm lại cội nguồn của cái tận Thiện tận Mỹ. Không ngờ lại gặp em! Cô gái hơi cúi đầu xuống, mái tóc dài xoã ra che kín nửa khuôn mặt. Cảm nhận đó là dấu hiệu của trạng thái cảm xúc bị chấn động. Thi Hoài cho ra khỏi miệng nốt mệnh đề cuối, cái mệnh đề của ý định ban đầu mà vừa rồi anh chợt quên lãng đi nếu cái dáng ngồi kia không nhắc gợi ra. - Vâng! Không ngờ lại được gặp em: Em đã phá vỡ trong tôi tất cả những chua chát và hận thù. Tôi lang thang đi tìm cái đẹp lại chàng ngờ cái đẹp đang dồn đọng hết trong em. Trước em, tôi thấy đầu óc mình nhẹ thoảng đi. Nhưng điều này mới thật là kinh khủng: Mặt khác, sự hiện diện nơi em lại kéo tôi xuống những trăn trở khổ đau đời thường, khiến cho trái tim tôi lâu nay đã tưởng quay về được vùng vô vi vô tịch, nay bị đánh thức dậy, còn ồn ào dữ dội hơn xưa. Cô gái càng cúi thấp đầu xuống, đôi vai mảnh hơi so lại trong dáng điệu co ro của một cánh chim gặp gió lạnh. - Em, Dung… Thi Hoài nắm nhẹ lấy bàn tay cô gái… Chỉ cần bàn tay có những ngón thon dài trắng muốt đó để im là anh sẽ đứng lên… Sẽ kéo nhẹ cô vào lòng… Sẽ ghì xiết vào đôi môi thánh thiện phơn phớt hồng kia một cái hôn thật dài, thật chặt và sau đó… Anh nghẹn thở vì chính cái suy nghĩ mang một lô-gích quen thuộc đã được tập dượt lão luyện và thường là hữu hiệu của mình… Những ngón tay kia không rụt lại, nó chỉ khẽ ngọ nguy đôi chút rồi duỗi ra bất động. Chỉ chờ có thế, anh vội vã đứng lên, không giấu được một chút cập rập. Một cái kéo nhẹ… Cô gái đứng dậy theo anh, đối diện, sát kề, nghe thấy cả tiếng quả tim nhỏ đập thổn thức sau lần vải mỏng. Cám ơn! Chẳng rõ anh thầm cảm ơn cái gì trong đầu, chỉ biết lúc này toàn thân anh phức nóng. Rất dịu mềm và rất thành thạo, anh dùng mấy đầu ngón tay ám khói khẽ nâng cái khuôn cằm thanh mảnh đó lên… Đôi môi bung nở, toả tia sáng ma lực xuyên thẳng vào mắt anh. Thi Hoài cúi xuống… Đúng lúc ấy, cô gái bật tiếng cười to, rụt nhanh tay lại và trơn như một chú lươn, tuột ra khỏi vòng tay run rẩy của anh một cách nhanh lẹ không ngờ. - Có xô nước sạch ở góc nhà kia kìa? - Cô nói. - Sao? - Anh hỏi lại, trong đầu loé lên một ý nghĩ thực dụng. - Anh đi rửa mặt đi! - Rửa mặt? - Cho nó tỉnh táo. - Dung… Đừng đùa em! - Anh dợm chân định tiến sát cô. - Anh thử nhìn vào gương xem mặt anh bây giờ nó giống cái gì nào. - Không cần nhìn vào đâu hết. Chỉ cần nhìn vào mắt em là đủ. Say như có một thời say máu(?), bốc như những lần bốc trước đám đông yêu thơ lại đặt cược vào uy lực, vào kho tàng kinh nghiệm và vào tất cả những tín hiệu không mấy khi lầm từ đầu buổi đến giờ, chẳng đắn đo gì nữa, anh quyết liệt ào tới. Cô gái không lùi thêm một bước, cái cười châm chọc nhanh chóng nhường cho ánh nhìn nhạt thếch: - Thôi, đủ rồi đấy, thi sĩ? Làm ồn, cô bạn gái của tôi nó nhảy sang bây giờ thì phiền đấy. Cô ấy nóng tính lắm! Thông tin này đã có hiệu lực thực sự. Thi Hoài ngớ ra một chút rồi dừng lại, toàn thân trơ khấc trước ánh đèn. Anh buột nói một câu ngớ ngẩn: - Tôi tưởng cô bạn gái của Dung ở chỗ khác? - Sao lại phải ở chỗ khác? Nhà có độc hai chị em, lại còn phải bịa đặt chỗ này chỗ nọ nữa ư? - Xin lỗi… Tôi tưởng… - Tưởng ở cách ly để tôi dễ bề trăng gió chứ gì? Đàn ông các anh đến chết vẫn không bỏ được cái tật ngộ nhận. Mà dù vậy đã có sao? Khách của người này thì người kia nhanh chóng tìm đường mà đi. Nếu khách tuân tú, hào phóng, cần thiết có thể là của chung của cả hai người. Nghe vậy được chưa? Anh không nghe thấy gái cả. Con đực trong anh vẫn tiếp tục gào thét Đã đến nước này thì một người hay hai người cũng mặc, chính ả tự nói ra đấy thôi. Thực chất vẫn là cái trò dền dứ của nhũng con đàn bà chai sạn đã tiếp xúc với quá nhiều đàn ông. Được thôi, đã dền dử tức là chấp nhận sự bạo liệt. Cha! Nhìn ả cong cớn, bộ ngực đưa lên đưa xuống mới ngon chưa kìa? Anh lừ lừ tiến lại… Đoán biết được điều ấy cô gái khẽ thở dài, đi ra mở bung cánh cửa đang đóng kín, nói một câu bâng quơ: - Mấy giờ rồi không biết? Chao! Ở đây cứ tối xuống là lúc nào cũng tưởng như nửa đêm. Thế là tắt hẳn. Một lần nữa anh đứng trơ khấc dưới ánh đèn, lần này thêm cả gió từ ngoài biển thổi vào. Tình thế này đã dồn anh vào chỗ kẹt, ở thì muối mặt, về thì vô duyên, giống như một sự khước từ hắt hủi mà anh chưa một lần bị nếm trải. Cô gái đứng im nơi khung cửa, mắt nhìn mông lung ra ngoài như mải nghe tiếng sóng cựa mình ở rất xa. Nắm lấy cái cơ hội ấy, anh cố chuyển phong độ: - Bắt đầu như thế nào, hãy nên kết thúc như thế. Còn thiếu điệu tăng gô, ta hoàn tất nốt rồi chia tay giống như hai người bạn. Cái cảm giác của người vừa ngủ vừa nghe được tiếng ngáy của mình thế nào thì giờ đây anh cũng có cảm giác như thế. Cô gái không trả lời, nét mặt buồn man mác. Giây lâu cô quay lại, mửa cười thật dịu dàng: - Tôi muốn anh là một người bạn tốt. Bao giờ cũng tốt. Bởi lẽ, ngay từ ngày đầu giải phóng, tôi đã được đọc thơ anh, yêu thơ của anh, thậm chí đến bây giờ vẫn có những bài, những câu tôi còn thuộc. Nếu anh biết rằng thơ anh ngày ấy gợi nhắc cho tôi nhớ đến một con người, một kỷ niệm mà mỗi lần nghĩ lại là tôi thấy nôn nao, day dứt thật lạ lùng. Khi đến đây, thoạt nhìn thấy anh, tôi đã ngờ ngợ nhưng chưa nhận ra. So với một vài tấm hình chụp trên báo hay anh nói trên ti vi, anh khác đi nhiều quá? Tôi vẫn còn đinh ninh một Thi Hoài trẻ trung, mắt mở to cương trực và dịu dàng, vầng trán trong sáng, nét cười hơi rụt rè… Có lẽ chính vì ấn tượng đó nên tối nay, khi anh bước vào, tôi đã đón anh như đón một người hằng quen biết và có phần ngưỡng mộ. - Tôi hiểu! - Thi Hoài nói nhỏ mặc dù anh chẳng hiểu gì cả. - Thậm chí cả nể nang dễ dãi như anh biết rồi đấy. Phải nói thơ anh, con người anh dù bây giờ có già đi, bụi bặm đi nhưng vẫn dễ làm xiêu lòng đàn bà con gái nếu như… - Nếu như sao? - Đôi mắt đùng đục của anh loé lên một chút sáng. - Nếu như… Nhưng nói anh không được mếch lòng nhé? Anh cứ coi đây là nhận xét của một độc giả tầm thường. Nếu như thơ anh gần đây đừng sa vào quái dị. May mắn hơn mấy anh hay cũng là bất hạnh hơn không biết tôi đã có những năm tháng sống trong chế độ cũ thứ thơ ấy tôi đã được đọc nhiều. Tôi không thích! Nó không phải là những rung động thực sự của trái tim con người. Có lúc buồn, tôi đã nghĩ: Mấy anh ở rừng ra hay ở ngoài kia vào, một thời thơ văn đã hoà nhập với nỗi niềm, với sự hướng thiện của con người, bây giờ không hiểu sao lại tự đánh mất đi, uổng quá! Tất nhiên tôi không nói đến những vần thơ xơ cứng, ầm ào mà mấy anh thường gọi là minh hoạ. Loạt ấy đang kể gì. Bất ngờ và ngoài sức dự cảm, Thi Hoài hứng trọn một thùng nước lạnh dội từ đầu xuống chân, nó ngấm vào cái huyệt đau đáu nhất trong tâm hồn anh. Nhưng cũng chính vì không còn gì để ướt nữa và vì ý thức đây là cơ hội tháo gỡ nỗi bẽ bàng tốt nhất nên anh tỏ ra hay cố tỏ ra hiếu thắng: - Vâng! Nhưng tôi có được phép tranh luận lại tí chút không? Dù sao đó cũng mới chỉ là một cảm nhận riêng lẻ. - Kìa! Nghệ thuật là để cảm nhận chứ đâu phải để lý luận, anh. Nó cũng giống như là những bức tranh tôi vẽ; vẽ cho mưu sinh và vẽ cho mình. Xin lỗi, tôi không có ý gán cho mấy anh cái nghĩa mưu sinh ấy. Tôi nghĩ nghệ thuật là cái thật của tâm, chỉn cũng phải chỉn từ tâm, ca cũng phải ca từ tâm, nhất định không vay mượn. - Trời đất! - Anh lại giơ hai tay lên làm một tượng đái oán thán nữa - Tốt đẹp và chất phác quá cô hoạ sĩ ơi! Nghệ thuật đâu có dễ dãi như cuộc đời, trong quá trình tìm kiếm nó, con người phải… Mới nói đến thế, bất chợt có tiếng gõ cửa và cô gái người Quảng Bình đẩy cửa bước vào. Áo màu nõn chuối, quần phăng ống nhỏ, tóc tết bím, giọng cô thật to: - Không đi xem phim tối nay phí quá chị Dung ơi? Đánh nhau, yêu nhau suốt từ đầu đến cuối nhé? Chào anh ạ? - Vâng, chào cô? - Em đi xách nước chị Dung nhé! Chị có tắm không? - Thôi, để mai sớm sủa rồi làm. Hoà, ngồi chơi đi! Giới thiệu với Hoà đây là anh Thi Hoài, nhà thơ có tên tuổi của thành phố mà chị em mình có vinh dự được làm hàng xóm. Thi Hoài lảng nhìn đi chỗ khác. Hoà, ngồi chơi đi em… là hỏng, hỏng hoàn toàn rồi. A đang muốn đuổi khéo mình đi. Lại còn giới thiệu nữa! Giới thiệu với ai, với cái con đàn bà nửa quê nửa tỉnh này ấy à? Rõ thật… Mà coi cô ta cứ nhìn mình trân trân ra kìa? Tức là ả chưa hề nghe tên mình, đọc thơ mình. Tốt thôi, cám ơn, đây là cái cớ thuận tiện nhất để chuồn? Còn chuyện thơ phú ư? Vớ vẩn? Đàn bà đẹp, càng đêm hôm càng đẹp. Cớ gì mà động mở mồm là chao chát, là lý luận nọ kia, là… đối thoại phát chán. Mình có đến đây để bàn về thơ hay hay thơ dở đâu kia chứ. Nhưng cũng còn là may khi cút ra khỏi căn phòng này lại được đôi cánh rách nát của thơ ca nâng đỡ ngàn lần hơn cái lùi lùi bẽ bàng. - Muộn rồi, tôi về nhé! Chúc các bạn ngủ ngon. Anh đứng phức dậy, ngoắt người đi luôn. Phía sau anh tịnh không có một tiếng trả lời. Ra đến ngoài rồi, Thi Hoài mới thở cái phào, một cái thở phào cay đắng. Cũng may mà mình chưa đến nỗi máy mồm ông ổng đọc cái bài thơ định tặng ả! Sẽ còn trơ trẽn đến mức nào nữa! Anh đi nhanh như trốn chạy chính cái sự ê chề đang nổi gai trên da thịt mình. Nhưng ở một nơi nào đó khuất lẻo trong tâm hồn, anh biết rằng mình không dễ dâng từ bỏ được hình ảnh cái con người hiện tại anh đang rất căm ghét này. Rồi ra anh sẽ còn lảng vảng đến đây nữa, như một sự ma dẫn lối quỷ đưa đường… Có một tiếng vang ở trong tim… Đục ngầu và thây lẩy… Xé toác ra nắm lấy… Chấm vào, ngân hà đắng mặn… Nuốt không trôi… Nhìn óc vữa của mình… A-men. Chú thích: (1) Rô bốt (robot): Người máy. (2) Đông Giăng (1665): Tên nhân vật trong vở kịch cùng tên của nhà viết hài kịch lớn nhất nước Pháp, Molie, được miêu tà là một tên "Sở khanh quý tộc".